Để Kén Thành Bướm
4. Ba khía cạnh của sự thông thái
Tôi đang ngồi bệt trên sàn nhà tại nơi nghỉ dưỡng cuối tuần, mải mê chăm chú lắng nghe bốn vị cao niên (tất cả đều trên 70 tuổi) chia sẻ những trải nghiệm trong đời mình với mọi người. Họ đang đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi: “Khi nhìn lại quãng đời đã qua, điều gì là quan trọng nhất mà cụ có thể chia sẻ với chúng tôi?”.
Christine – một cụ bà gầy gò đã bước vào tuổi bát tuần, nhìn quanh và mỉm cười. Rõ ràng bà rất vui khi thấy mọi người biểu lộ vẻ ham mê, thích thú lắng nghe và tiếp thu những trải nghiệm của bà. Bà ngồi thẳng lưng, nói chậm rãi bằng thái độ điềm tĩnh, trang trọng: “Suốt tuần qua, tôi nghe các chị bàn về sự chuyển hóa và sự khó khăn như thế nào để hiện thực nó. Nhưng khi các chị ở tuổi tôi, các chị sẽ nhận ra lúc nào mình cũng trong quá trình chuyển hóa. Đừng bao giờ ảo tưởng cho rằng cuộc đời là ổn định, đáng tin và mọi thứ đều được lập trình sẵn”.
“Dù muốn hay không, mọi thứ đều thay đổi. Điều duy nhất các chị có thể làm được là hãy tận hưởng khoảnh khắc sống hiện tại, bởi vì mọi thứ sẽ tuột khỏi tầm tay trước khi ta kịp nhận ra chúng thuộc về mình. Và cũng đừng nghĩ mọi điều không hay đều nhắm vào mình, mà nên hiểu rằng trong cuộc sống này, những biến cố đều có thể xảy ra cho tất cả mọi người, đừng cố tự thuyết phục mình là người ngoại lệ. Đó chính là quy luật vĩnh cửu của cuộc sống. Đừng lấy biến cố của bất cứ ai “bên ngoài” cuộc sống của bạn để đánh giá chất lượng cuộc sống của mình. Chính những gì xảy ra “trong đây” mới tạo nên sự khác biệt”. Dứt lời, bà đặt bàn tay gân guốc lên trái tim mình.
Tin hay không là tùy các bạn. Nhưng đã có nhiều nhà nghiên cứu về trí tuệ của những người cao tuổi như bà Christine để tìm hiểu xem sự thông thái là gì và làm thế nào ta đạt được những kinh nghiệm sống đó một cách tốt nhất. Những điều đạt được từ việc thích nghi với những thay đổi của cuộc sống giống như rượu champagne, được ép ra từ thành quả của mọi nghịch cảnh trong đời. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự thông thái có ba khía cạnh mà ta có thể nhận biết được: (1) Suy nghĩ đúng; (2) Tự nhận thức; (3) Trí tuệ cảm xúc.
SUY NGHĨ ĐÚNG VỀ SỰ THAY ĐỔI VÀ TÍNH VÔ THƯỜNG
Mặt trời vừa ló dạng, ửng những tia nắng rực rỡ, thế nhưng chỉ một giờ sau tuyết lại rơi đầy. Đó là sự vô thường của vạn vật – điều mà chúng ta ít lưu tâm đến. Cuộc đời cũng vậy, nó trôi qua thật nhanh trong bản luân vũ vô thường của sinh và tử.
Con người thường không thích sự thay đổi. Chúng ta nghĩ rằng thay đổi luôn đi cùng với mất mát và đau khổ nên có khuynh hướng chọn những gì mang tính vĩnh cửu và an toàn. Nhưng biết chấp nhận cái vô thường và sự thay đổi là điều chính yếu để trở nên khôn ngoan và thông thái hơn. Hiểu biết bản chất vô thường cố hữu của cuộc sống, biết trăn trở và làm cho cuộc sống tốt đẹp, biết chấp nhận những thăng trầm trong đời và rèn luyện tính can đảm để đương đầu với mọi tình huống trong những hoàn cảnh khác nhau là dấu hiệu để nhận ra lối suy nghĩ sáng suốt.
SỰ TỰ NHẬN THỨC
Chỉ suy nghĩ thấu đáo không thì chưa đủ hình thành nên con người từng trải, khôn ngoan. Không có sự tự nhận thức – khả năng thấy rõ hành vi và học hỏi từ những hành vi này – bạn sẽ sống một đời đọa đày giống như nhân vật trong bộ phim Groundhog Day. Bộ phim hài hước và hấp dẫn này ẩn chứa một bài học tâm linh sâu sắc: Phil Connors luôn làm sống lại những ngày tồi tệ nhất trong đời mình, hết lần này đến lần khác, giống như sự luân chuyển bất tận của chiếc bánh xe. Là một anh chàng làm nghề thông báo thời tiết trên truyền hình – kẻ chỉ biết quan tâm đến bản thân, cuối cùng anh đã bừng tỉnh khi khám phá ra rằng: giống như thời tiết, mọi thứ đều đổi thay nhưng con người không thể nhận ra sự thay đổi đó nếu không có sự đổi thay thật sự trong tâm khảm. Lúc đó, anh mới khám phá được bản chất nhân ái của bản thân và thoát khỏi vòng luẩn quẩn vô tận của câu chuyện đời mình để tự do lựa chọn một hướng đi mới.
Từ bộ phim này, mẹ tôi đã tận tình chỉ cho tôi thấy con người của Phil trong cách sống của chính tôi. Thời thiếu nữ bồng bột, khi chia tay với người yêu, tôi thường chọn người yêu mới có tính cách giống như người cũ (hội chứng SGDD – “Same Guy, Different Day” – hay như người Việt Nam thường gọi là “bình mới rượu cũ”). Mẹ tôi đã răn đe: “Joanie. Con khôn thật đấy. Nhưng thưa cô “Tự Cho Mình Là Thông Minh”, hãy nghe cho kỹ: nếu con không chịu rút kinh nghiệm từ những việc đã qua, con sẽ sống một đời bất hạnh”.
Sự tinh tế không phải là một trong những đức tính tuyệt vời của mẹ, nhưng bà đang đề cập đến tầm quan trọng của sự tự nhận thức. Nếu chúng ta có thể nhìn thấy viễn cảnh tương lai và đặt ra vấn đề làm thế nào ta tìm thấy cái tôi của chính mình qua những biến cố, thì ta mới có thể sống tốt hơn. Tôi đã mất nhiều năm để ngẫm nghĩ về những sự kiện đã qua, và nhận ra mình cứ chọn một mẫu người giống nhau do lập trình vô thức. Không may, những khuôn mẫu được định hình sẵn thường ngăn cản sự phát triển, kìm hãm sự chuyển hóa, bởi vì những khuôn mẫu này được rào kín và bọc kĩ trong tâm trí thường nhật của ta. Sự tự nhận thức có tác động trái hẳn với sự lặp đi lặp lại một cách vô thức, là điều kiện để luyện rèn và phát triển khả năng nhận thức mà không bóp méo, xuyên tạc hay tự cho mình là trung tâm. Ta có thể hiểu đó là sự thức tỉnh.
TRÍ TUỆ CẢM XÚC
Trí tuệ cảm xúc là khả năng cảm nhận, định rõ và hành động dựa theo cảm xúc. Nó mang lại sức khỏe và khả năng sáng tạo – nghĩa là những lợi ích cả về thể chất lẫn tinh thần. Trí tuệ cảm xúc phát triển từ từ, vượt xa sự rèn luyện về tính tự nhận thức và suy nghĩ đúng đắn. Chẳng hạn, bạn cảm thấy không hợp với sếp và lo sợ bị sa thải. Khi bạn tìm hiểu căn nguyên, truy tìm cội nguồn sự tức giận của mình, bạn sẽ nhận ra khuôn mẫu: bạn chẳng bao giờ hòa hợp với bất kì người chủ nào. Hình ảnh về quyền lực tự động làm bạn nhớ đến người cha lúc nào cũng xem thường và hay phán xét bạn – và bạn sẽ nhận ra cảm giác giận dữ đối với sếp của mình có nguồn gốc từ thời thơ ấu. Chính sự oán giận sâu xa về cách mình đã bị đối xử ngay từ bé đã làm cho tình huống ở hiện tại trở nên rối ren.
Một khi nhận ra những cảm xúc của mình xuất phát từ đâu, bạn sẽ có cách cư xử đúng đắn. Thay vì đổ lỗi cho người khác, bạn hãy nhận lấy trách nhiệm về những cảm giác sai lầm của mình và bắt đầu tạo ra hiện tại khác biệt với quá khứ – đó là sự chuyển hóa. Và bạn nên nhớ rằng: những khó khăn, thử thách, trắc trở xảy ra ở một giai đoạn nào đó trong đời không có một ngoại lệ nào cả, đó là quy luật muôn đời trong cuộc sống con người. Những lúc gặp phiền phức, mắc sai lầm, trục trặc chính là tiềm năng lớn để bạn phát triển trí tuệ cảm xúc – miễn là bạn giữ vững lập trường một cách trung thực và có mong muốn khám phá.
Trải qua năm tháng, cảm xúc trí tuệ giúp bạn sống và nhận thức rõ ràng hơn về một thực tại an lành, trật tự để thay thế cho một quá khứ hỗn mang. Phẩm chất của một tấm lòng rộng mở, một sự quan tâm sẻ chia chân thành đối với người khác, hay sự ham hiểu biết để khám phá,… tất cả đều tiêu biểu cho trí tuệ cảm xúc. Đó là những điều cụ bà Christine đề cập đến khi bà đặt tay lên ngực – nơi trái tim – và nói với mọi người rằng: tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cuộc sống thật sự không phải là những gì xảy ra “ngoài kia” mà là những gì xảy ra “trong đây”.
Trau dồi, vun đắp trí tuệ cảm xúc là cả một quá trình rèn luyện. Theo lẽ tự nhiên, thay đổi tạo ra cơ hội để lôi cuốn, mời gọi sự khôn ngoan của sự tự nhận thức, đặc biệt là khi quá trình tìm hiểu trở thành điều chính yếu.
SUY NGẪM
Bạn có thể nghĩ ra một khuôn mẫu được định hình sẵn, lặp đi lặp lại nhiều lần và thường gây khó khăn trong cuộc sống của bạn không?
Sự trải nghiệm của bạn đối với vấn đề đó là gì? Bạn giải thích nguyên nhân gây ra sự việc đó như thế nào? Bạn đạt được điều gì khi bám víu mãi khuôn mẫu đó? Bạn gặp phải rào cản nào nếu buông xả nỗi khổ đó đi? Bạn có được niềm vui hay tìm được niềm an ủi nào có thể giúp bạn đạt được tâm hồn thư thái của sự buông bỏ?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.