Để Kén Thành Bướm

8. Đoạn tuyệt và tiến bước



Có lẽ vị thiền sư được mọi người kính mến Shunryu Suzuki Roshi đã nói đúng: chúng ta không cần học cách để buông bỏ, chúng ta chỉ cần nhận biết thời điểm mất đi của một điều gì đó. Nó đòi hỏi quá trình từng bước tự chữa lành khác biệt ở mỗi chúng ta, trước khi chúng ta có thể vượt qua cơn choáng váng của sự mất mát để bước vào giai đoạn chuyển hóa của tâm ngưỡng kích thích và quay trở về.

Vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, hàng triệu người kinh hoàng chứng kiến một đôi nam nữ di chuyển từng bước một trên gờ tường cao của tòa tháp đôi đang bốc cháy, mà rõ ràng là không thể nào vượt qua được. Cuối cùng, họ nắm tay nhau, cùng nhảy xuống để chết. Dường như điều đó làm cho hầu hết mọi người có chung một ý nghĩ: chúng ta là những người cùng cảnh ngộ trong cõi địa ngục được gọi tên là Điểm Không này.

Nhận thức trước đây về sự an toàn, về lòng tự hào, tự tin của người Mỹ đã bị lay chuyển đến tận gốc rễ. Sức mạnh chưa hề bị nghi ngờ của người Mỹ trên thế giới hiện nay đã bị bẻ cong, sức mạnh được phô trương để cảnh cáo mọi người đã phát triển theo chiều kích hạn hẹp khiến người Mỹ tiếp tục hành động cô độc trong một thế giới đầy rẫy bất ngờ, đáng sợ và không có giới hạn. Đã đến lúc người Mỹ phải tự đặt ra câu hỏi: “Ta là ai?”, “Hiện giờ ta đang ở đâu?”, và mong ước được quay lại như trước đây. Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra.

Bất cứ khi nào cuộc sống chạm đến đỉnh điểm của đổ vỡ thì những vết nứt hé mở, làm lộ ra điều gì đó lớn lao hơn, tiềm ẩn bên trong chúng ta đang chờ dịp để phát triển, bay cao. Câu hỏi mà một trí tuệ sáng suốt thường hay chất vấn mỗi chúng ta trong những tình huống không thể tránh khỏi mất mát là: “Làm cách nào chúng ta chấp nhận những biến cố gây cho chúng ta sự đau buồn, để từ đó biết cách đoạn tuyệt, nhường chỗ cho cái mới tái sinh?”.

Kể từ ngày 11 tháng 9, hình ảnh tòa tháp đôi bốc cháy đã khắc sâu vào tâm khảm từng người dân Mỹ. Nó thường hiện lên cùng cảnh tượng một đôi nam nữ từ cột tháp sừng sững trên nền trời rơi xuống tận cùng địa ngục của mất mát và hủy diệt. Đó là biểu tượng điển hình của sự thay đổi bất ngờ, hình ảnh tòa tháp giờ đây tượng trưng cho sự sụp đổ của một khuôn mẫu quen thuộc xưa cũ.

Khi nhìn tấm ảnh của tòa tháp đôi, người Mỹ thường hồi tưởng lại thời điểm cuộc sống bị thay đổi đột ngột mà không thể tránh được. Câu chuyện của họ cũng giống như câu chuyện của bạn và tôi, đó là những đổ vỡ trong lòng khi có những biến cố đau buồn. Những biến cố làm thay đổi cuộc đời, bệnh tật, bi kịch quốc gia có thể làm thế giới của mỗi người chúng ta bị đảo lộn trong khoảnh khắc. Cuộc sống của chúng ta bị ngắt quãng do những vòng sinh tử lớn nhỏ hoàn toàn tự nhiên hoặc đôi khi xảy ra theo quy trình tất yếu của cuộc sống, nhưng lại cần thiết như chính hơi thở vậy. Nói cho cùng, sinh cũng như tử, việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống để chuẩn bị cho cái chết làm trí tuệ của con tim trưởng thành hơn – để nắm giữ những gì nó yêu quý nhất một cách dịu dàng, ân cần mà không giữ chặt.

BÀI HỌC VỀ SỰ ĐAU KHỔ

Bài học đầu tiên về sự mất mát chính là chấp nhận đau khổ. Có lẽ các bạn nghe nói về việc các nhà khoa học ở một sở thú nổi tiếng đã nhờ một nhà nghiên cứu tâm linh động vật giúp đỡ khi họ gặp rắc rối với bầy voi. Những sinh vật khổng lồ này, theo gương của một con cái cao tuổi nhất trong bầy, không tuân theo mệnh lệnh của người quản tượng. Họ đã làm đủ cách mà không đạt được hiệu quả, cuối cùng, không còn cách nào khác, họ phải chọn biện pháp liên lạc với nhà tâm linh.

Qua tìm hiểu, nhà tâm linh này biết rằng khoảng một năm trước có một con trong bầy – con voi cái già nhất, đã bỏ đi và chết sau đó. Theo yêu cầu của bà, người ta tìm bộ xương của nó và mang về sở thú. Bầy voi, đặc biệt là con voi cái cao tuổi có mối quan hệ thân tình nhất với con đã chết, tụ tập lại xung quanh. Chúng dùng những cái vòi nhạy cảm chạm vào xương đầu của con voi đã chết, biểu lộ vẻ thương tiếc. Sau khi bày tỏ được cảm xúc của mình, chúng trở lại trạng thái như trước, phục tùng mệnh lệnh của người quản tượng, và cuộc sống ở sở thú lại diễn ra tốt đẹp.

Để trở lại cuộc sống bình thường, trước tiên bầy voi phải thể hiện sự kính trọng với người bạn yêu quý đã mất. Loài người chúng ta cũng vậy. Dành thời gian chiêm nghiệm nỗi đau là động cơ thúc đẩy sự chuyển hóa tâm linh, giúp chúng ta thực hiện tiếp vai trò của mình trong cuộc sống và tạo điều kiện cho trí tuệ hướng dẫn chuyến hành trình về nhà của “vị anh hùng”. Các chuyên gia nghiên cứu về tổn thương tinh thần như Peter Levine – tác giả quyển “Waking The Tiger” – cho rằng khi cuộc sống phát triển, nó luôn là suối nguồn mang lại sức sống mới với nhiều mối kết dính và sự tháo mở. Nhưng khi có một biến cố nào đó quá khổ đau, đắng cay, tủi nhục xảy ra làm chúng ta chìm ngập trong buồn khổ, tuyệt vọng và cơ thể chúng ta không thể tự tháo bỏ một cách thích hợp thì dòng suối này biến thành vùng xoáy, hút chúng ta xuống tận đáy vực sâu. Vào những lúc như thế, những bệnh liên quan đến stress sẽ trở nên phổ biến. Tâm trí ta hay bị vướng vào đau khổ, cho dù đó chỉ là những chuyện lặt vặt. Và như thế, không những ta không thể tận hưởng được mọi khoảnh khắc của hành trình cuộc sống, mà mọi sự say mê thích thú giúp nảy sinh những sáng kiến mới mẻ cũng sẽ cạn dần đi.

Giây phút buông bỏ tùy thuộc vào vấn đề cá nhân của mỗi người. Tôi nghĩ đến những thổ dân Mỹ tham gia lễ hội Vũ Điệu Mặt Trời, trong đó họ biểu diễn nghi thức múa thể hiện quá trình giải phóng tự do cho tất cả mọi người. Một sợi dây thừng được bện bằng da thú chưa thuộc, gắn chặt trên đỉnh của một cột to, cứng cáp – có tên gọi là cột Vũ Điệu Mặt Trời. Nó được móc vào cơ ngực của người vũ công bằng móng vuốt của loài gấu. Người vũ công nhảy vòng quanh cột, vừa hát vừa cầu nguyện Đấng Thần Linh và các vị tổ tiên, thỉnh thoảng kéo căng dây để gia tăng sự đau đớn, đôi khi họ tiến đến gần rồi lại kéo dài sợi dây ra. Vào khoảnh khắc kịch tính – do đau đớn tự gây ra trong phút xuất thần hoặc do cầu nguyện, do đặc ân của Thần Linh, hay do sự giúp đỡ của những người đứng xung quanh – người vũ công bứt thoát khỏi móng vuốt của gấu.

Cũng giống như Vũ Điệu Mặt Trời, sự đau khổ là quá trình tiếp cận, đối mặt với cơn đau, sẵn sàng chịu thương tổn, tiếp nhận rồi buông bỏ. Không có giới hạn rõ ràng là sự đau đớn sẽ kéo dài trong bao lâu. Chúng ta giải phóng mình ra khỏi cảm giác tiêu cực khi các yếu tố thời gian, sự tự chủ, và những tác nhân mới kết hợp với nhau đủ tạo ra khoảng trống để cất giữ mọi kỉ niệm yêu thương nhất mà không tự đánh mất chính bản thân. Đó là sự tách biệt rõ ràng và minh bạch.

Khi chúng ta không thể buông bỏ, một phần hồn trong chúng ta sẽ hóa đá. Những điều chúng ta không thể đoạn tuyệt sẽ ám ảnh ta như bóng ma, và cho dù sự bám víu này kéo dài trong bao lâu, nó vẫn trở thành bóng ma của chính mình. Chúng ta trở thành những gì chúng ta nhìn thấy. Nếu chúng ta tiếp tục bấu víu vào quá khứ đang giãy chết thì chúng ta sẽ thường xuyên cảm thấy một phần hồn của ta cũng đang giãy chết theo.

Tôi có trò chuyện với một người Do Thái – ông đã mất người con trai duy nhất của mình trong một vụ đánh bom tự sát. Từ hôm đó, cuộc sống của ông như thể đã chết đi. Khi được mọi người khuyên nhủ, ông giận dữ nói rằng, ông không thể “tiến bước” trên đời bởi vì không gì có thể “thay thế” con trai ông. Ông nói đúng, không gì thay thế được con trai ông, nhưng chỉ đúng một phần. Tiến bước trên đời không có nghĩa là thay thế hay không còn ấp ủ trong lòng kỷ niệm về những người thân thương đối với chúng ta. Tiến bước không có nghĩa là phản bội, càng không phải là chối bỏ cuộc sống tình cảm hay quên đi hương vị yêu thương do chính những người thân yêu mang lại.

Tấm gỗ gắn trên cửa văn phòng tôi có ghi hàng chữ: “Bất cứ những gì ta yêu quý đều trở thành một phần tâm hồn ta”. Những gì ta yêu và trân trọng đã tạo nên con người chúng ta ngày nay. Ta không thể buông bỏ chúng được, giống như cây không thể thiếu ánh mặt trời, mưa, gió hay đất – những thứ nuôi dưỡng và làm cho nó phát triển.

HÃY HỌC TỪ NHỮNG ĐIỀU MẮT THẤY TAI NGHE

Sự trải nghiệm của riêng tôi về sự đau khổ qua cái chết của mẹ tôi là một quá trình tưởng nhớ đầy tôn kính và buông bỏ. Bà qua đời khi tôi chỉ mới hai tuổi rưỡi, và từ đó, hầu như trong suốt quãng đời còn lại, tôi không thể nào quên đi hình ảnh của ngôi mộ bà (đó là sự trống rỗng trong chính tôi – thời điểm mà tất cả sự dịu dàng, ngọt ngào trên đời này bỗng dưng biến mất đột ngột). Tôi không thể buông bỏ vì tôi không thể chấp nhận được sự mất đi của người tôi yêu quý nhất trên đời, cùng tất cả những gì đã thuộc về giá trị của bà. Tôi bị giam cầm, mắc kẹt, cố bám víu lấy hình ảnh còn lại trong nỗi sầu muộn, như để thay thế cho sự vắng mặt của bà.

Tôi cứ mãi đắm chìm trong tình cảnh như thế, cho đến ngày tôi nghe theo lời khuyên của một nhà tư vấn thông thái – do bạn gái tôi giới thiệu – bứt mình ra khỏi hình bóng của mẹ để tiếp tục sống cuộc sống của chính mình. Và rồi, tôi nhận ra rằng: tất cả tình yêu trên thế gian này không chết đi cùng với mẹ. Chính vào giây phút buông bỏ đó, cái không của sự trống rỗng miên man – điều mà tôi sợ nhất và cũng là lý do tại sao tôi lại bám víu quá lâu như thế – đột nhiên biến đổi, được lấp đầy bằng sự hiện diện tuyệt đối đến nỗi mọi ảo tưởng về sự chia ly, về thời gian, về chính bản thân sự trống rỗng đều hòa quyện vào một vũ trụ của những mối thân tình thuần khiết và vô hạn.

Đối với một số người, sự đau khổ là quá trình buông bỏ từ từ, nó xuất hiện thất thường, từng đợt một. Còn đối với một số khác, trong đó có tôi, nó đến như một đặc ân, nhanh chẳng khác nào tia chớp. Tuy nhiên với tất cả chúng ta, mỗi khi đau khổ, phiền muộn, mất mát, chúng ta đều cần được xoa dịu bằng thái độ nâng đỡ về tinh thần để có thể bộc lộ những xúc cảm ẩn chứa trong lòng như một sự giãi bày, sẻ chia chân thành.

Không có con đường tắt, hay phương thức hiệu quả nào để dứt bỏ những khổ đau. Nó có một hành trình và sẽ tự chấm dứt khi nó hoàn tất chuyến đi của riêng mình. Thường thì trên đường đời chúng ta sẽ gặp được một hoặc hai người đóng vai trò như một thiên sứ – như người bạn của tôi – giúp ta khai thông và thấu hiểu. Một lời nhận định, góp ý chân tình nhỏ xuống trái tim đang khao khát mong chờ, chẳng khác gì chất xúc tác biến đổi miếng kim loại tầm thường thành thỏi vàng quý giá.

SUY NGẪM

Bạn cất giữ những gì trong quá khứ? Điều gì ngăn cản sự buông bỏ của bạn? Bạn có được những trải nghiệm nào trong quá trình buông bỏ và tiến bước trong cuộc sống?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.