Để Kén Thành Bướm
9. Nắm giữ nhẹ nhàng
Trong phim “Harold and Maude” có một câu nói khó quên: “Em sẽ luôn luôn biết chiếc nhẫn ở đâu!”. Đó là câu trả lời sôi nổi và tràn đầy hạnh phúc của Maude trước vẻ mặt hào hứng đang chết điếng của Harold, khi ông nhìn bà ném chiếc nhẫn đính hôn của họ xuống biển.
Đó là một Maude với phẩm chất trẻ trung vĩnh cửu, một phẩm chất luôn hiện diện trong người phụ nữ thông thái đã qua tuổi cổ lai hi này. Đó là vì bà biết cách sống một đời trọn vẹn bằng cách nắm giữ nhẹ nhàng bất cứ điều gì mà cuộc đời ban tặng – nắm giữ với một con tim rộng mở, không gì ràng buộc. Bà biết cách nắm giữ vì bà luôn biết mình là ai: bà có một cái tôi giản dị, trong sáng và tự nhiên. Điều đơn giản này làm cho Maude luôn cảm thấy đầy đủ, thoải mái với chính mình, không cần chứng tỏ bằng bất cứ một tài sản nào.
Nhưng nắm giữ mọi thứ (kể cả bản thân mình) một cách nhẹ nhàng không có nghĩa bà là người vô tâm. Hoàn toàn ngược lại: khi không cố bám giữ và siết chặt mọi thứ, bà có thể sống yên vui trước cái vô thường của dòng chảy cuộc đời vốn dễ tan biến, để cảm nhận mọi việc một cách sâu sắc.
Ngay từ những ngày đầu tiên yêu nhau, tôi và Joan đã nhận thức được rằng mọi khoảnh khắc chúng tôi bên nhau đều có ý nghĩa – cho đến tận bây giờ vẫn thế. Cuối đời bên nhau là một hồng ân đặc biệt mà cuộc đời trao tặng, nhất là khi bạn đã nhận thức được sự hữu hạn của thời gian và biết rằng bản thân mỗi người sớm muộn cũng tiến dần đến cái chết. Chính vì vậy, mỗi ánh mắt nhìn nhau của chúng tôi đều chan chứa tình cảm yêu thương. Tôi có cảm giác là hai chúng tôi hòa hợp nhau một cách tinh tế như hai giọt nước mưa riêng rẽ cùng rơi xuống rồi hòa quyện vào nhau thành khối nước lung linh. Nhưng khoảnh khắc này kéo dài không lâu, chúng tôi rồi cũng sẽ tan biến trong cái vô thường của cuộc sống. Nỗi lo lắng âm ỉ này giúp chúng tôi yêu quý và biết trân trọng gìn giữ những giây phút hiện tại bên nhau.
Nỗi đau và hạnh phúc là một nhị nguyên không thể tách rời. “Cái chết là mẹ đẻ của cái đẹp”, thi sĩ Wallace Stevens đã viết nên vần thơ như thế. Quả lê chín mọng trên cành cây nặng trĩu sẽ không thể gây xúc động cho ta nếu nó cứ lơ lửng mãi trên cành mà không bao giờ rụng. Cố nắm giữ, bám víu, ghì chặt và gắn bó với những điều đã qua chỉ làm mụ mị đi những giác quan. Một bàn tay nắm chặt trở thành biểu tượng của cuộc đời bị giam hãm. Chỉ khi nào tấm màn che giấu những điều thân quen rơi xuống, chúng ta mới thấy mở ra một thế giới vô tận và diệu kì.
NỤ CƯỜI CỦA NỮ TU SĨ
Nắm giữ mọi thứ nhẹ nhàng không cần phải có kỹ năng hay kỹ thuật gì – đơn giản đó là một nhận thức khiêm tốn rằng: “Những cái này không thuộc về tôi”. Bàn tay mở ra để buông thả mọi vật dễ dàng thì cũng nhận được mọi vật dễ dàng như thế.
Tôi nhớ lần đến thăm cha mình ở bệnh viện vào một ngày u ám. Tôi mang đến cho ông một bó hoa thật đẹp, nhưng choáng váng khi nhìn thấy căn phòng trống rỗng. Cha tôi đã qua đời và được đưa đi rồi chăng? Khi biết ông đã được đưa về viện dưỡng lão, tôi trở ra, lang thang qua một ngã tư đông đúc, tay vẫn cầm bó hoa và cảm thấy mình như mất phương hướng. Tôi làm gì với bó hoa bây giờ? Quăng nó vào thùng rác bên đường chăng? Không, tôi không thể. Những bông hoa này tượng trưng cho tình yêu tôi dành cho ông.
Tôi cố tặng chúng cho người khác, đầu tiên là một phụ nữ đang tiến về phía tôi, kế đó là cô gái vừa bước xuống xe hơi. Cả hai nhìn tôi như thể tôi là người điên nguy hiểm và họ sợ hãi lẩn tránh sau khi từ chối món quà của tôi.
Tôi nhìn qua ngã tư ở phía bên kia đường và phát hiện một nữ tu sĩ người thấp bé, lưng gù. Khi đèn giao thông chuyển màu, bà khập khiễng băng qua đường và lê bước về phía trước – nơi tôi đang đứng bên vệ đường. Tương xứng với vóc dáng của bà là khuôn mặt rám nắng, teo quắt lại giống như xác ướp của thổ dân da đỏ ở Bắc Mexico và vùng Arizona được đào bới lên từ hang động hoang vắng. Khi bà đến gần, tôi chìa bó hoa ra và hỏi: “Sơ có thích những bông hoa này không?”. Không dừng bước, bà chìa tay ra, đỡ lấy bó hoa một cách trang trọng. Khuôn mặt già nua bừng sáng, đôi mắt và nụ cười sáng lên vẻ rạng ngời thuần khiết: “Cám ơn cậu!”- Bà nói và tiếp tục bước đi.
Trong khoảnh khắc đó, tôi thật sự hạnh phúc, sung sướng nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên: Làm thế nào bà có thể vui vẻ nhận món quà mà hai người phụ nữ kia thì không? Và rồi tôi nhận ra rằng đó là do những gì bà học được trong đời: tin tưởng, trao nhận và hiểu rõ chân giá trị những ân huệ mà đời trao tặng trong giây phút hiện tại. Nhờ đó, bà luôn có được cảm giác an nhiên, thể hiện rõ trong ánh mắt và nụ cười thuần khiết.
Thường chỉ khi nào bạn nhận thức sâu sắc tính vô thường của vạn vật thì lúc đó trái tim bạn mới rộng mở để yêu thương, trong đó bao gồm cả việc nhận thức về sự mất mát. Tan rồi lại hợp, sóng vỗ bờ, thủy triều lên xuống,… tất cả cũng mong manh như chính cuộc đời của mỗi chúng ta.
Và tình yêu, lòng dũng cảm sẽ mách bảo chúng ta biết cách gìn giữ những gì thân yêu nhất. Nhà văn-nhà tâm lý học Stephen Levine đã tư vấn cho nhiều bậc cha mẹ đang sống trong đau khổ khi mất đi những đứa con yêu quý. Trong một buổi đối thoại, Stephen giơ cao cái ly thủy tinh tinh xảo, có chạm khắc hoa văn rất dễ thương dùng để uống rượu nho và nói với họ, cái ly này rất quý giá và dễ vỡ, quý như những đứa con mà họ đã mất đi cũng như những đứa đang sống. Vấn đề ở đây không phải là cái ly này có bị vỡ tan hay không, mà đơn giản là khi nào thì nó vỡ? Được tạo ra từ sự mong manh thì cuối cùng sự đổ vỡ là điều không thể tránh khỏi. Tuy biết rõ điều này, biết rõ kết cuộc xảy ra, ông vẫn dùng nó để uống bằng tất cả tấm lòng nâng niu trân trọng. Đó là cách chúng ta nên nắm giữ và “uống” từ những điều quý giá nhất mà các con mang lại cho chúng ta, dù chúng có sống với ta bao lâu đi nữa.
SUY NGẪM
Hãy nghĩ đến những gì quý giá nhất đối với bạn ngày hôm nay. Bạn đang nắm giữ nó như thế nào? Bạn đã có những trải nghiệm nào, hay bạn có thể tưởng tượng ra những điều gì không trói buộc trái tim mình?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.