Điều kỳ diệu của thái độ sống

8. Niềm tin



“Như ánh sáng xuyên qua màn đêm, niềm tin đâm chồi từ nghịch cảnh là niềm tin mãnh liệt nhất.”

– R. Turnbull

Giữ vững niềm tin

Mặc dù chúng ta đang có một cuộc sống đầy đam mê và có những mục tiêu rõ ràng để phấn đấu, nhưng chúng ta hẳn cũng khó lòng tránh được có lúc lâm vào nghịch cảnh. Liệu chúng ta sẽ đứng dậy sau cơn phong ba đó, hay hoàn toàn bị gục ngã. Điều này phụ thuộc vào cách chúng ta đối đầu với chúng. Trước những thác ghềnh, chông gai trên đường khiến chúng ta cảm thấy nản lòng và hoài nghi, thì niềm tin mãnh liệt vào bản thân là điều cần thiết hơn bao giờ hết để chúng ta vượt qua những trắc trở đó.

Đôi khi niềm tin chúng ta có được cũng chỉ đơn giản là học được từ người khác. Tìm hiểu xem những người đi trước đã đối phó với khó khăn tương tự như thế nào giúp chúng ta tìm ra giải pháp cho mình. Những tấm gương về những con người đầy nghị lực và giàu lòng quả cảm, có khả năng trụ vững sau bao cơn giông tố của cuộc đời luôn là tâm điểm cho chúng ta noi theo.

Đó là nghị lực của Walt Disney(1) trong việc thực hiện ước mơ của mình sau năm lần phá sản. Bất chấp số phận, Helen Keller(2)đã không cam chịu để người đời thương hại. Ngược lại bà đã dũng cảm vượt qua nghịch cảnh, trở thành tấm gương sáng cho hàng triệu người noi theo.

(1) Walt Disney (1901-1966): đạo diễn, nhà sáng lập Công ty Walt Disney nổi tiếng thế giới với hàng chục chi nhánh hoạt động trong lĩnh vực giải trí và truyền thông, có doanh số khoảng 70 tỉ đôla/năm. Đặc biệt, hãng phim hoạt hình Walt Disney là nơi sản xuất rất nhiều bộ phim hoạt hình chinh phục cả thế giới như: Mickey Mouse (chuột Mickey), Snow White and the seven Dwarfs (nàng Bạch Tuyết và bảy chú Lùn), Cinderella (cô bé Lọ Lem)…

(2) Helen Keller (1880-1968): nữ văn sĩ Mỹ. Từ lúc 18 tháng tuổi bà đã mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo khiến bà bị mù và điếc. Tuy vậy, bằng nghị lực, bà đã dần dần hoà nhập với cuộc sống bình thường, viết nhiều tác phẩm có giá trị về thế giới người mù và người câm điếc. Bà cũng tham gia tích cực vào phong trào đòi nam nữ bình quyền. (ND)

(Xem thêm cuốn “nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường” tập 1 trên TVE).

Hay câu chuyện về Abraham Lincoln là một trong những bài học về nghị lực phi thường. Trong lịch sử, chắc khó có người nào gặp nhiều vận rủi hơn ông. Lincoln phá sản năm 1831 và bị xử thua kiện vào năm 1832. Ông lập một cơ sở kinh doanh mới vào năm tiếp theo, nhưng lại thất bại. Vợ chưa cưới của ông mất năm 1835, rồi ông bị một chứng bệnh về não năm 1836. Năm 1842 ông ứng cử vào quốc hội nhưng không thành công. Năm 1848, ông tái ứng cử và lại thất bại. Năm 1855, ông chạy đua vào chiếc ghế thượng viện Mỹ nhưng bất thành. Năm tiếp theo, ông ra tranh cử chức phó tổng thống và cũng thua cuộc. Năm 1859, ông ứng cử vào thượng viện và một lần nữa chuốc lấy thất bại. Cuối cùng vào năm 1860, Abraham Lincoln mới được bầu làm tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.

Gần đây tôi có nói chuyện với Mark Victor Hansen, đồng tác giả của bộ sách “Chicken soup for the soul” (First News đã chuyển ngữ trong bộ sách “Hạt giống tâm hồn”) và được ông kể cho nghe chuyện bản thảo quyển sách này đã bị 35 nhà xuất bản khác nhau liên tiếp từ chối như thế nào. Mãi đến khi gặp nhà xuất bản thứ 36, bản thảo của ông mới được đánh giá cao và trở thành một trong những loạt sách bán chạy nhất trong lịch sử với hơn 75 triệu ấn bản. Hãy cứ thử hình dung 35 người cùng nói một câu: “Không, tôi không muốn xuất bản sách của anh” để thấy niềm tin của Mark mạnh mẽ đến nhường nào.

Niềm tin vào bản thân là nội lực thúc đẩy thái độ tích cực, dẫn dắt chúng ta đạt được mục tiêu của mình. Thành công không bao giờ đến với những ai yếu đuối và có thái độ buông xuôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.