Đọc sách như một nghệ thuật
2 Các cấp độ đọc
Mục tiêu mà độc giả tìm kiếm khi đọc sách – dù là đọc để giải trí, lấy thông tin, hay để hiểu rõ – quyết định cách đọc của họ. Hiệu quả của việc đọc được xác định thông qua sự nỗ lực nhiều hay ít, và những kỹ năng đọc của độc giả. Quy luật chung là càng nỗ lực nhiều, hiệu quả càng cao. Việc đọc sách, giống như tự khám phá, chính là học mà không có thầy giáo. Chúng ta chỉ có thể thành công nếu ta biết cách thực hiện như thế nào.
Trong chương này, chúng tôi sẽ đề cập những vấn đề liên quan đến các cấp độ đọc. Trước khi bạn muốn có những chuyển biến hiệu quả trong kỹ năng đọc, bạn phải hiểu được sự khác nhau giữa các cấp độ.
Có bốn cấp độ đọc. Ở đây chúng tôi dùng từ “cấp độ” thay cho “loại” vì loại thì khác hẳn nhau, trong khi cấp độ lại có cấp độ cao, cấp độ thấp. Do đó, các cấp độ của việc đọc mang tính tích luỹ. Cấp độ đầu tiên không bị cấp độ thứ hai lấn át. Tương tự, cấp độ thứ hai không bị cấp độ thứ ba che mất, và cấp độ thứ ba thì không bị cấp độ bốn lấn lướt. Cấp độ bốn cũng là cấp độ cao nhất trong quá trình đọc, bao hàm tất cả các cấp khác. Nói cách khác, cấp này vượt quá tầm kiểm soát của các cấp dưới.
Cấp độ đọc đầu tiên được chúng tôi gọi là đọc sơ cấp, hay đọc sơ đẳng, đọc cơ bản, đọc khởi đầu. Cách gọi nào cũng nói lên một điều rằng khi độc giả đã nắm vững cấp độ này, tức là họ đã từ chỗ không biết chữ trở thành biết chữ, ít nhất là ở giai đoạn đầu tiên. Khi thành thạo cấp độ này, người ta học được các điều cơ bản nhất trong Nghệ thuật đọc sách (The art of reading), được đào tạo cơ bản về đọc, và học được các kỹ năng đọc đầu tiên. Cấp độ đọc này thường được dạy cho học sinh tiểu học.
Khi bắt đầu học đọc, người ta học cách nhận biết từng từ riêng rẽ trên trang sách. Ví dụ, các em học sinh lớp một nhìn thấy một tập hợp các dấu hiệu màu đen trên nền giấy trắng, các dấu hiệu đó có nghĩa là “Con mèo ngồi trên chiếc mũ”. Nhưng vì mới học đọc nên các em không thật sự quan tâm liệu mèo có ngồi trên mũ thật không, hay điều này ám chỉ gì về mèo, mũ và thế giới xung quanh. Các em chỉ để ý đến ngôn ngữ mà tác giả đang dùng.
Ở cấp độ một, câu hỏi đặt ra cho người đọc là “Câu đó ý nghĩa nói gì?”. Đây có thể xem là một câu hỏi phức tạp và hóc búa. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến ý nghĩa đơn giản nhất của nó. Trong cấp độ đọc này, có một số vấn đề mất nhiều công sức để xử lý. Ví dụ, khi ta muốn đọc một tài liệu nào đó nhưng nó lại được viết bằng tiếng nước ngoài mà ta không thạo lắm. Lúc này, nỗ lực đầu tiên của chúng ta là phải xác định các từ được dùng. Chỉ sau khi xác định được từng từ, chúng ta mới có thể tìm cách để hiểu chúng và cố gắng hết sức để hiểu ý nghĩa của chúng.
Thậm chí, khi đọc các tài liệu được viết bằng ngôn ngữ của mình, nhiều độc giả vẫn gặp không ít khó khăn ở cấp độ đọc này. Hầu hết các khó khăn đó mang tính máy móc. Một trong số các nguyên nhân là do cách họ được dạy học đọc như thế nào lúc ban đầu gây nên. Vượt qua các trở ngại này, người ta thường đọc nhanh hơn. Vì thế mà phần lớn các khoá dạy đọc nhanh tập trung vào cấp độ này.
Cấp độ đọc thứ hai được chúng tôi gọi là đọc kiểm soát. Đặc trưng của cấp độ này là sự nhấn mạnh đặc biệt đến thời gian. Khi đọc ở cấp dộ này, học sinh được phân bổ một lượng thời gian nhất định để hoàn tất một lượng bài đọc được giao. Nói cách khác, mục đích của cấp độ này là cố gắng hiểu càng nhiều trong một khoảng thời gian ấn định trước – thường là một khoảng thời gian tương đối ngắn, thậm chí là quá ngắn để hiểu được mọi thứ được đề cập trong sách.
Có một tên gọi khác cho cấp độ đọc này là đọc lướt qua. Nhưng đây không phải là đọc lướt qua một cuốn sách một cách tình cờ hay ngẫu nhiên. Đọc kiểm soát là nghệ thuật đọc lướt một cách có hệ thống. Khi đọc ở cấp độ này, mục đích của bạn là xem xét bề mặt cuốn sách, và tiếp thu tất cả những gì mà bề nổi của cuốn sách dạy bạn.
Ở cấp độ này, câu hỏi điển hình là “Cuốn sách muốn nói lên điều gì?” hoặc “Kết cấu cuốn sách như thế nào?”, hay “Cuốn sách gồm những phần nào?”.
Khi đọc kiểm soát một cuốn sách, dù thời gian cho phép ít đến đâu, bạn cũng phải trả lời được câu hỏi “Sách này thuộc loại gì: tiểu thuyết, lịch sử hay khoa học?”. Điều chúng tôi muốn lưu tâm là đa số mọi người, ngay cả những người đọc khá tốt, cũng không nhận thức được giá trị của việc đọc kiểm soát. Họ bắt đầu đọc trang đầu tiên, và đọc kỹ cho đến hết mà không đọc phần mục lục. Như vậy, họ vừa phải tiếp thu kiến thức bề nổi của cuốn sách, vừa phải cố gắng hiểu cuốn sách muốn nói gì. Điều này làm cho vấn đề càng khó khăn hơn.
Cấp độ đọc thứ ba chúng tôi gọi là đọc phân tích. Đây là một hoạt động phức tạp hơn, những cũng hệ thống hơn hai cấp độ trước. Tuỷ thuộc vào mực độ khó của bài đọc mà có nhiều hay ít đòi hỏi khắt khe đối với người đọc.
Đọc phân tích là đọc kỹ lưỡng, đọc toàn bộ hay đọc hiệu quả. Nếu đọc kiểm soát là hình thức đọc tốt nhất, và hoàn chỉnh nhất có thể đạt được trong một thời gian cho trước, thì đọc phân tích là hình thức đọc tốt nhất và hoàn chỉnh nhất có thể đạt được trong một thời gian không xác định.
Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là đọc phân tích luôn luôn tích cực. Trong cấp độ này, độc giả giành lấy một cuốn sách, và nghiền ngẫm nó cho đến khi nó trở thành của riêng họ. Triết gia Francis Bacon (1561-1626) từng nhận xét rằng: “Một số sách chỉ dùng để nếm. Một số khác để nuốt. Và rất ít cuốn sách dùng để nhai và tiêu hoá”. Đọc một cuốn sách theo kiểu phân tích có nhĩa là nhai và tiêu hoá nó.
Đọc phân tích không thật sự cần thiết nếu mục đích đọc của bạn chỉ để lấy thông tin hay giải trí. Đọc phân tích trước tiên và trên hết là đọc để hiểu. Nếu bạn không có ít nhất một kỹ năng nào đó của cấp độ đọc phân tích, bạn gần như không thể dựa vào sự trợ giúp của một cuốn sách để đi từ chỗ hiểu ít đến hiểu nhiều.
Cấp độ bốn, cũng là cấp độ cao nhất của việc đọc, được gọi là đọc đồng chủ đề. Đây là hình thức đọc phức tạp nhất và có hệ thống nhất trong tất cả các cấp độ. Yêu cầu đối với người đọc rất cao ngay cả khi bản thân những tài liệu họ đọc khá dễ hiểu.
Người ta còn gọi cấp độ này là đọc so sánh. Khi đọc đồng chủ đề, độc giả đọc nhiều sách chứ không chỉ một cuốn và tìm mối liên quan giữa các cuốn sách đó cũng như mối liên quan đến chủ đề mà chúng cùng đề cập. Nhưng chỉ so sánh về chữ nghĩa thôi là chưa đủ. Đọc đồng chủ đề yêu cầu nhiều hơn thế. Thông qua những cuốn sách, độc giả đọc đồng chủ đề có thể xây dựng một lập luận để phân tích một chủ đề mà có thể không nằm trong bất kỳ cuốn sách nào họ đọc. Vì thế, đọc đồng chủ đề không phải là một nghệ thuật dễ dàng, các quy tắc của nó cũng không được nhiều người biết đến nhưng đó lại là hình thức đọc tích cực nhất, đòi hỏi nỗ lực cao nhất. Lợi ích của hình thức đọc này lớn đến mức có thể bù đắp những khó khăn khi học cách thực hiện nó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.