Đọc sách như một nghệ thuật

PHẦN 1Các phương diện đọc sách – 1 Đọc sách và nghệ thuật đọc sách



Cuốn sách này dành cho tất cả những người say mê đọc sách. Đặc biệt, nó dành cho những ai đọc sách với mục đích chính là mở rộng tầm hiểu biết của mình.
Ngày nay, có ý kiến cho rằng việc đọc sách không cần thiết như trước. Đài phát thanh và truyền hình đã thay thế hầu hết các chức năng của sách báo. Trên thực tế, truyền hình đã thực hiện rất tốt vai trò truyền tải thông tin bằng hình ảnh, có tác động tích cực đối với người xem. Đài phát thanh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin khi chúng ta đang bận làm các công việc khác (như lái xe), đồng thời giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian. Nhưng liệu sự ra đời của các phương tiện truyền thông hiện đại như trên có giúp con người hiểu biết thêm về thế giới xung quanh không?
Phân tích kỹ, ta sẽ thấy khán giả xem truyền hình, thính giả nghe đài, và độc giả của các loại báo chí được cung cấp một mớ tổng hợp các yếu tố từ các dữ liệu và con số thực, đến những thông tin đã được chọn lọc kỹ càng. Tất cả nhằm giúp họ dễ dàng “quyết định” mà không tốn nhiều công sức. Họ đưa vào đầu mình một chính kiến giống như đưa một băng cassette vào trong máy cassette. Sau đó, họ chỉ nhấn nút và “phát lại” chính kiến đó khi nào thấy thích hợp. Như vậy, họ đã hành động mà không cần phải suy nghĩ.
Đọc sách tích cực
Trong phần này, chúng tôi sẽ đề cập đến việc phát triển kỹ năng đọc sách. Nhưng nếu những quy tắc của việc đọc sách được tuân thủ và rèn luyện, thì vẫn có thể áp dụng cho bất kỳ loại tài liệu nào khác như báo, tạp chí, tờ rơi, luận văn, hay thậm chí cả những mục quảng cáo.
“Đọc” bất kỳ dưới bất kỳ hình thức nào cũng là một hoạt động. Vì thế, cho dù bạn đọc cái gì, ít nhiều cũng cần có tính tích cực. Người ta không thể đọc hoàn toàn thụ động, nghĩa là đọc mà mắt không di chuyển, và đầu óc thì mơ màng. Chúng tôi chỉ ra sự tương phản giữa đọc tích cực và đọc thụ động nhằm hướng mọi người chú ý đến một thực tế là việc đọc ít nhiều đều phải tích cực và càng đọc tích cực, càng có hiệu quả. Một độc giả sẽ đọc tốt hơn một độc giả khác nếu người đó thực hiện nhiều hoạt động hơn, và cố gắng nhiều hơn. Người đó sẽ đọc tốt hơn nếu họ đòi hỏi nhiều hơn ở bản thân, và nội dung họ đang đọc.
Nhiều người cho rằng đọc và nghe hoàn toàn bị động so với viết và nói. Người viết và nói đều phải cố gắng, không ít thì nhiều, nhưng người đọc và nghe thì chẳng phải làm gì. Người ta cũng cho rằng đọc và nghe là hoạt động thu nhận thông tin từ một ai đó đang tích cực truyền gửi thông tin. Sẽ là sai lầm khi coi việc tiếp nhận thông tin giống như bị một cái tát, hoặc nhận một gia sản hay một lời phán quyết của toà án. Ngược lại, độc giả hay thính giả giống người bắt bóng trong môn bóng chày nhiều hơn.
Bắt bóng là một hoạt động giống như ném bóng, hay đánh bóng. Người ném bóng hay đánh bóng chính là người gửi thông tin theo nghĩa là hành động của họ khiến quả bóng chuyển động. Người bắt bóng là người tiếp nhận thông tin theo nghĩa là hành động của họ làm quả bóng dừng lại. Dù hành động khác nhau nhưng cả người ném và người bắt đều rất chủ động. Vật thụ động chỉ có thể là quả bóng vô tri bị điều khiển để chuyển động và dừng lại. So sánh với việc viết và đọc, ta sẽ thấy nội dung viết và đọc cũng giống như quả bóng – là thứ bị động chung cho cả hai hoạt động bắt đầu và kết thúc một quá trình nào đó.
So sánh lâu hơn, bạn sẽ thấy nghệ thuật bắt bóng là kỹ năng bắt được bóng ném đi theo nhiều cách (ném nhanh theo đường vòng cung, ném xoáy theo đường ziczăc). Nghệ thuật đọc cũng tương tự – là kỹ năng tiếp nhận các loại thông tin càng hiệu quả càng tốt.
Điều đáng chú ý là thành công của người ném bóng và bắt bóng tuỳ thuộc mức độ phối hợp giữa hai bên. Mối quan hệ giữa người viết và người đọc cũng như vậy. Giao tiếp giữa người viết và người đọc chỉ thành công khi những gì người viết muốn chuyển tải có thể đi vào lòng độc giả. Một số người viết có khả năng kiểm soát rất tốt – họ biết rõ điều mình muốn viết, và chuyển tải chúng rất chính xác. Ngược lại, cũng có những người viết lung tung, không có sự kiểm soát.
Đọc một bài viết, người đọc có thể tiếp nhận một lượng thông tin ít hay nhiều, toàn bộ hay chỉ một phần, phụ thuộc vào mức độ hoạt động họ bỏ ra trong quá trình đọc, và kỹ năng điều khiển các hoạt động trí óc liên quan.
Vậy đọc tích cực là như thế nào? Câu hỏi này sẽ được nhắc đến nhiều lần trong cả cuốn sách. Đến đây, bạn chỉ cần hiểu rằng nếu cùng đọc một tài liệu, người này sẽ đọc hiệu quả hơn người kia nhờ đọc tích cực hơn, và thực hiện các hoạt động có liên quan tài tình hơn. Tóm lại, đọc là một hoạt động phức tạp, bao gồm trong nó nhiều hoạt động tách biệt. Ai thực hiện nhiều hoạt động hơn sẽ đọc tốt hơn.
Mục tiêu của việc đọc sách: Đọc để lấy thông tin và đọc để hiểu biết
Khi đọc một cuốn sách, bạn có thể hiểu rõ mọi điều tác giả trình bày, hoặc không hiểu gì cả. Nhưng ngay cả khi bạn hiểu, nghĩa là bạn có được thông tin, thì cũng chưa hẳn là bạn đã hiểu biết gì thêm. Nếu bạn hiểu rõ ràng từ đầu đến cuối, tức là bạn và tác giả có cùng suy nghĩ.
Trong trường hợp bạn không hiểu rõ cuốn sách nói gì, hay chỉ hiểu ở một mức độ nào đó, bạn biết rằng cuốn sách ngụ ý nhiều hơn những gì bạn hiểu, và nó có thể hàm chứa nhiều điều làm tăng sự hiểu biết của bạn. Khi đó bạn sẽ làm gì? Bạn có thể mang cuốn sách đến nhờ người nào hiểu rõ hơn bạn (một người thật hoặc một cuốn sách khác) giải thích những vướng mắc. Hoặc bạn có thể quyết định rằng hiểu như thế là đủ, và không cần quan tâm đến những gì vượt quá tầm hiểu biết của bạn. Cả hai cách giải quyết vấn đề trên đều cho thấy bạn đã không thực hiện đúng yêu cầu cuốn sách đưa ra về việc đọc.
Bạn chỉ có thể đọc sách theo một cách duy nhất – tự đọc mà không cần sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Bằng năng lực, trí tuệ của mình, bạn phải tìm cách làm sáng tỏ những con chữ trước mắt sao cho từ chỗ hiểu ít, bạn dần hiểu nhiều hơn. Sự tiến bộ của bạn đạt được qua quá trình vận dụng trí óc, đào sâu suy nghĩ được gọi là đọc có kỹ năng. Đây là cách đọc những cuốn sách thách thức khả năng hiểu rõ vấn đề của bạn.
Như vậy, có thể tạm định nghĩa Đọc sách như một nghệ thuật là quá trình vận dụng trí óc của con người để suy ngẫm về những con chữ, mà không có bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Nhờ đó, trí tuệ của bạn được nâng lên một tầm cao mới, từ hiểu ít đến hiểu nhiều.
Rõ ràng, đây là một kiểu đọc sách tích cực, trong đó không chỉ có nhiều hoạt động, mà còn có nhiều kỹ năng tiến hành các hoạt động cần thiết khác nhau. Đồng thời, cách đọc này cũng cho thấy có rất nhiều điều đáng để đọc và cần phải đọc theo cách này nhưng lại thường bị coi là khó đọc, chỉ dành cho những độc giả giỏi.
Sự khác biệt giữa đọc để lấy thông tin và đọc để hiểu biết còn phức tạp hơn. Khi ta đọc báo, tạp chí, hay bất cứ loại tài liệu nào mà ta hoàn toàn hiểu ngay được bằng kỹ năng và trình độ của mình, thì những điều đó có thẻ tăng thêm lượng thông tin cho chúng ta, nhưng không thể cải thiện khả năng am hiểu vì mức độ hiểu của ta trước và sau khi đọc vẫn bằng nhau. Đây là đọc để lấy thông tin.
Khi một người cố gắng đọc một thứ gì đó mà ban đầu họ không hiểu thấu đáo, thì có thể chính thứ đó sẽ làm tăng khả năng hiểu biết của người đọc. Nếu không có sự mất cân bằng trong chuyển tải vấn đề giữa tác giả và độc giả, thì con người không bao giờ có thể học hỏi lẫn nhau. Ở đây, từ “học” nghĩa là hiểu biết thêm, chứ không phải nhớ thêm những thông tin dễ hiểu giống như các thông tin bạn đã có.
Một người có trình độ không gặp khó khăn gì trong việc thu thập những thông tin mới qua quá trình đọc, nếu các dữ kiện đó giống những gì anh ta đã biết. Ví dụ, một người biết và am hiểu một số dữ kiện về lịch sử nước Mỹ, theo một luồng tư tưởng nào đó, có thể dễ dàng đọc để thu thập thêm thông tin và vẫn hiểu các thông tin theo cách tương tự. Nhưng giả sử anh ta đọc một cuốn sách lịch sử, trong đó đưa ra một luồng tư tưởng mới, mang tính khám phá hơn, và anh ta tìm cách để hiểu bằng được, tức là đọc để hiểu biết, chứ không phải chỉ lấy thông tin. Rõ ràng, người đó đã nâng mình lên nhờ chính hoạt động của bản thân, mặc dù có sự giúp đỡ gián tiếp của tác giả – người đã mang đến điều gì đó để dạy người đọc.
Cách đọc để hiểu xảy ra với hai điều kiện. Một là, có sự chênh lệch ban đầu trong mức độ hiểu. Tác giả chắc chắn phải hiểu nhiều hơn độc giả, và sách của họ phải chuyển lại những hiểu biết của họ có nhưng độc giả không có. Hai là, độc giả phải có khả năng vượt qua sự chênh lệch này ít hay nhiều. Tuy hiếm khi độc giả hiểu được hoàn toàn nhưng luôn hiểu gần bằng tác giả. Khi đạt được sự cân bằng, nghĩa là đạt được sự rõ ràng trong thông tin.
Tóm lại, ta chỉ có thể học từ những người giỏi hơn ta. Ta phải biết họ là ai, và làm cách nào để học hỏi họ. Nhưng tất cả chúng ta đều có thể học cách đọc hiệu quả hơn, để hiểu biết hơn bằng chính nỗ lực của bản thân. Nếu bạn học cách đọc đó, thì việc đọc lấy thông tin sẽ tự diễn ra mà không cần bạn quan tâm.
Tất nhiên, ngoài việc thu thập thông tin và tăng tầm hiểu biết, việc đọc sách còn nhằm mục tiêu đọc để giải trí. Nhưng trong cuốn sách này, chúng tôi không quá quan tâm đến vấn đề đọc để giải trí. Đây là kiểu đọc ít đòi hỏi nhất, và yêu cầu ít nỗ lực nhất. Hơn nữa, hình thức đọc này không tuân theo quy tắc nào. Bất kỳ ai biết đọc đều có thể đọc để giải trí nếu muốn.
Trên thực tế, nếu người ta đọc một cuốn sách để tăng cường hiểu biết, hay có thêm thông tin, thì họ cũng có thể đọc cuốn đó để giải trí. Nhưng ngược lại, không phải mọi cuốn sách phục vụ việc đọc để giải trí có thể dùng để đọc nhằm tăng thêm hiểu biết.
Đọc là học: Sự khác biệt giữa học thông qua giảng dạy và học thông qua khám phá
Thu thập thêm thông tin chính là học hỏi. Hiểu hơn những gì trước đây bạn chưa hiểu cũng là học hỏi. Nhưng có sự khác biệt quan trọng giữa hai hình thức học tập này.
Được cung cấp thông tin đơn giản là biết một điều gì đó đúng. Được mở mang tầm hiểu biết là biết thêm bản chất vấn đề: tại sao đúng, tại sao sai, những mối quan hệ của vấn đề với các dữ liệu khác,…
Hãy liên hệ với khả năng nhớ một điều và khả năng phân tích điều đó. Nếu bạn nhớ những gì một tác giả nói, nghĩa là bạn đã học được điều gì đó khi đọc tác phẩm của người đó. Nếu những gì tác giả đó nói là đúng, nghĩa là bạn học được điều gì đó về thế giới này. Nhưng điều bạn học được là một dữ kiện về cuốn sách, hay một dữ kiện về thế giới? Nếu bạn chỉ sử dụng mỗi trí nhớ, bạn sẽ không thu thập thêm gì ngoài thông tin, tức là bạn chưa được khai sáng. Bạn chỉ được khai sáng khi nào bạn biết tác giả có ngụ ý gì, và tại sao lại nói như vậy, chứ không chỉ biết tác giả nói gì.
Montaigne (1533-1592) – một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất trong phong trào Phục Hưng ở Pháp – từng nói “Sự ngu dốt sơ đẳng làm cản đường kiến thức. Sự ngu dốt của người có học đi theo sau kiến thức”. Sự ngu dốt thứ nhất là của những người mù chữ, nên không thể đọc được. Sự ngu dốt thứ hai là của những người đã hiểu sai nhiều cuốn sách. Xưa nay luôn có những người biết chữ nhưng vẫn ngu dốt, đọc rất nhiều mà chẳng hiểu gì.
Để tránh sai lầm cho rằng đọc nhiều đồng nghĩa với đọc hiệu quả, chúng ta phải phân biệt các cách học. Sự phân biệt này có mối liên quan mật thiết với toàn bộ vấn đề đọc, và mối quan hệ của việc đọc với giáo dục nói chung.
Trong lịch sử giáo dục, loài người thường phân biệt giữa việc học có sự hướng dẫn và học bằng sự khám phá. Sự hướng dẫn diễn ra khi một người dạy một người khác thông qua lời nói hay bài viết. Tuy nhiên, chúng ta có thể thu thập kiến thức mà không cần phải có người khác dạy. Đó là học bằng sự khám phá, tức là học thông qua nghiên cứu, tìm tòi, phản ánh.
Học bằng khám phá so với học có sự hướng dẫn cũng giống học không có giáo viên so với học có giáo viên chỉ bảo. Trong cả hai trường hợp, hoạt động học diễn ra trong bản thân người học. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng học bằng khám phá là cách học chủ động, còn học nhờ hướng dẫn là cách học bị động. Không có cách học nào là bị động, cũng như không có cách đọc nào là không chủ động.
Trên thực tế, có một cách gọi khác đối với học nhờ hướng dẫn. Đó là khám phá có sự trợ giúp. Cho dù giáo viên có thể giúp học sinh bằng nhiều cách, nhưng chính học sinh là người phải học. Nếu các em học thật sự, kiến thức của các em sẽ tăng lên.
Sự khác biệt giữa học có hướng dẫn và học bằng sự khám phá chính là sự khác biệt về tài liệu mà người học dùng. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, người học hành động theo những gì mình được truyền đạt. Việc học được thực hiện thông qua ngôn từ dưới dạng viết hay nói, và thông qua việc đọc và nghe. Bạn nên lưu ý đến mối quan hệ mật thiết giữa đọc và nghe. Không nên cho rằng đọc và nghe đều cùng một nghệ thuật – nghệ thuật của việc được chỉ dạy. Khi người học bắt đầu học mà không có sự trợ giúp của bất cứ ai, việc học sẽ diễn ra tự nhiên, chứ không phải bằng ngôn từ, câu chữ. Các quy tắc của việc học như vậy tạo nên nghệ thuật của sự khám phá không có sự trợ giúp. Có thể nói khám phá không có trợ giúp là nghệ thuật đọc một cách tự nhiên và đời thường. Các khám phá có trợ giúp (hướng dẫn) là nghệ thuật đọc và học từ ngôn từ.
Khi đọc và nghe, chúng ta phải suy nghĩ, cũng giống như việc phải suy nghĩ trong khi nghiên cứu. Tất nhiên là hai cách suy nghĩ là khác nhau. Nhiều người cho rằng việc suy nghĩ liên quan nhiều đến học bằng khám phá không có sự trợ giúp hơn là học có hướng dẫn. Lý do là vì đọc và nghe không cần nhiều nỗ lực. Có lẽ cũng đúng nếu nói rằng khi đọc để lấy thông tin hoặc giải trí, bạn sẽ ít phải suy nghĩ hơn so với người đọc để khám phá một cái gì đó.
Suy nghĩ chỉ là một phần của việc học. Người ta còn phải vận dụng các giác quan và trí tưởng tượng để quan sát, nhớ, và hình dung ra những gì không quan sát được. Các hoạt động này có vai trò rất quan trọng trong quá trình khám phá độc lập. Ví dụ, thi sĩ phải dùng trí tưởng tượng để làm thơ, nhưng người đọc không cần phải tưởng tượng để đọc bài thơ đó. Tóm lai, nghệ thuật đọc bao hàm tất cả các kỹ năng của nghệ thuật khám phá độc lập: sự sắc sảo trong quan sát, trí nhớ luôn hiện hữu, trí tưởng tưởng phong phú, và một trí tuệ được rèn luyện để phân tích và phản ánh. Có và không có giáo viên.
Nghe là học từ một người thầy hiện hữu. Đọc là học từ một người thầy vắng mặt. Nếu bạn hỏi một người thầy có mặt, thầy giáo sẽ trả lời bạn. Nếu bạn chưa hiểu câu trả lời, bạn có thể hỏi lại mà không cần suy nghĩ. Nhưng nếu bạn hỏi một cuốn sách, thì chính bạn phải trả lời câu hỏi, tức là bạn phải tự suy nghĩ và phân tích.
Tất nhiên nói như trên không có nghĩa là nếu người thầy hiện hữu trả lời câu hỏi của bạn, thì bạn không còn gì để làm. Điều này chỉ có thể xảy ra khi câu hỏi chỉ đơn thuần hỏi về dữ kiện. Còn nếu bạn cần một lời giải thích, thì bạn phải suy nghĩ để hiểu được lời giải thích đó.
Trong trường học, học sinh đọc các loại sách khó thường có sự giúp đỡ, hướng dẫn của giáo viên. Nhưng đối với những người không đi học và những người cố gắng đọc sách một cách tự nguyện, thì việc học lâu dài chủ yếu dựa vào sách và đọc sách mà không có giáo viên trợ giúp. Vì thế, nếu bạn quyết tâm theo đuổi việc học tập và khám phá, bạn phải biết cách để sao cho sách dạy mình thật hiệu quả. Đây chính là mục tiêu chủ đạo của cuốn sách


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.