Đời Callboy

CHƯƠNG 7: TRẢ THÙ



9 giờ tối, giờ này thường lão Tư sẽ đi chơi cùng đám bạn đồng tính của lão hay vào mấy quán bar kiếm khách thêm, còn tên Sơn sẽ ở nhà canh nhà, nếu có khách tới thì gọi callboy về làm. Cầm theo chai rượu mạnh, tôi tới động kiếm thằng Sơn. Nhà cửa vắng vẻ, sau vài tiếng chuông cửa thì tên Sơn xuống, vẻ mặt ngạc nhiên.
– Sao giờ này mà em tới đây, chuẩn bị có khách hả?
– Dạ không có, cuối tuần buồn, không có ai hẹn đi đâu, nhà lại còn dư chai rượu nên tính qua rủ anh với anh Tư nhậu cho vui, anh Tư đâu?
– Giờ này là ổng làm gì có ở nhà.
– Vậy thôi, anh với em uống đi, để em xuống nhà kiếm gì đó nhâm nhi.
Tôi và tên Sơn ngồi uống rượu được một hồi thì hắn lăn ra ngủ. Đúng là đầu óc ngu si, tứ chi phát triển. Ì ạch lôi cái thân nặng nề của hắn lên giường xong, tôi lục túi quần hắn lấy chìa khóa chiếc xe rồi khóa cửa phòng tên Sơn, qua phòng lão Tư chờ đợi. Căn nhà này ngoài tầng trệt bên dưới là chỗ để đám callboy chúng tôi ngồi coi phim chờ khách, bên trên được chia làm ba phòng nhỏ, một phòng lão Tư ở, một phòng cho tên Sơn, và một phòng dành cho callboy tiếp khách, trong những lúc đắt khách, phòng lão Tư và tên Sơn cũng được dùng cho callboy đi làm.
Chừng hơn 11 giờ tối, lão Tư về nhà. Thấy tôi ngồi trên phòng chờ mình, lão cũng ngạc nhiên.
– Hôm nay ế lắm hay sao mà phải chờ tui vậy cục cưng? – Lão Tư nói rồi bẹo má tôi.
– Có gì đâu, lâu ngày, thấy nhớ anh nên muốn rủ anh nhậu chơi.
– Phải không? Hay là có gì nhờ vả tui? Làm gì mà rồng đến nhà tôm đơn giản vậy?
– Anh Tư toàn nghĩ xấu cho em… nhưng mà… anh còn tiền thì cho em mượn 1 triệu, dạo này kẹt quá. – Tôi giả giọng năn nỉ.
– Đó… biết ngay mà, yêu thương gì tui đâu. Cưng xài gì mà như nước vậy, cưng kiếm tiền gấp mấy lần mấy đứa kia mà còn kẹt.
– Kiếm nhiều thì xài nhiều mà anh.
– Ừ, như cũ, 1 triệu trả 1 triệu mốt, một tháng trả.
– Biết rồi, giờ có nhậu với em không???
– Ủa, thằng Sơn đâu em? Anh thấy phòng nó khóa cửa.
– Anh Sơn hồi nãy mệt trong người, chắc là bệnh nên uống thuốc rồi đi ngủ sớm, nhờ em canh nhà giùm. Anh lại đây với em…
Tôi đưa chai rượu lên miệng, ngậm một hớp rượu rồi kéo lão Tư lại hôn, đồng thời đẩy rượu sang miệng lão. Bất ngờ với cách uống rượu này, lão Tư nhìn tôi rồi cười đầy khả ố:
– Em đúng là lắm chiêu nhiều trò, hèn chi mới có một năm nay mà làm động chủ của cái động này.
Lão Tư cởi đồ rồi leo lên giường, bảo tôi đút rượu cho lão uống tiếp. Trò chơi tiếp tục thêm một lúc thì lão lăn đùng ra ngủ như tên Sơn, bởi tôi đã tán nhuyễn hơn chục viên thuốc an thần bỏ trong chai rượu từ trước. Khi uống rượu cùng tên Sơn, chủ yếu tôi nhấp môi, rồi canh lúc hắn không để ý, tôi đã nhả ra bớt. Còn lão Tư thì đa phần tôi đẩy rượu cho lão uống, bản thân mình cũng không uống bao nhiêu.
Một năm làm ở đây, tôi đã để ý và biết chỗ lão Tư cất tiền, băng hình và những thứ quan trọng khác ở cái két sắt nhỏ âm tường trong phòng lão. Nhanh tay lấy chìa khóa từ người lão, tôi gom hết băng và hình cũng như tiền, vàng trong két, bỏ vào túi xách rồi nhanh chân rời khỏi phòng. Nhìn lão Tư nằm ngủ, tôi kiềm lòng dữ lắm mới không cầm chai rượu đập vào đầu lão. Nhưng tôi biết, khi tỉnh dậy, dù biết mất hết tiền bạc, lão Tư cũng không dám báo công an vì làm nghề này, ai mà muốn dính tới chính quyền và dĩ nhiên vì lý do đó, tôi sẽ an toàn. Nhưng nếu giết chết lão Tư, tôi chắc chắn sẽ không thể thoát khỏi tội giết người.
Trước khi bắt tay vào làm việc này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và có sự chuẩn bị trước. Trong một lần ra ngoài, tôi gặp và xin lão Tư cho tôi lại chứng minh nhân dân để đi đăng ký học hành gì đó, rồi giữ lại cho mình. Đúng như lời Tâm nói khi trước, lão Tư chẳng ngại ngần gì khi đưa lại chứng minh cho tôi, chắc lão cũng nghĩ rằng, giờ đây ngoài làm callboy cho lão, tôi chẳng còn kiếm sống được ở bất cứ đâu. Sau đó vài ngày, tôi cũng nói chuyện, dò hỏi thử coi lão Tư biết chính xác quê tôi ở đâu không, nhìn cách trả lời của lão, tôi dám chắc rằng lão sẽ không thể tìm được mình nếu tôi bỏ trốn. Từ đó tôi mới dám bắt tay vào thực hiện kế hoạch trả thù và bỏ trốn.
Quay lại nhìn lão Tư lần cuối cùng rồi cười khẩy, tôi xuống đất lấy xe chạy về phòng trọ của mình, lấy theo giỏ xách quần áo đã chuẩn bị sẵn. Sáng nay tôi đã nói với chủ nhà sẽ trả phòng lại, không thuê nữa vì sắp tới phải về quê. Tôi trả hết tiền nhà trong tháng mặc dù chỉ mới ở được vài ngày, nên dù bất ngờ, bà chủ nhà cũng vui vẻ tiễn tôi ra đi. Tôi chạy xuống khu vực bến xe, kiếm một khách sạn gần đó, thuê phòng rồi vào nghỉ ngơi. Số tiền tôi lấy được của lão Tư khoảng 50 triệu tiền mặt và đâu gần chục cây vàng, không ngờ lại nhiều như vậy, lão già đó kiếm tiền trên thân thể đám callboy bao nhiêu năm nay, lần này tôi lấy lại của lão, cũng là đáng kiếp, không có gì phải có cảm giác tội lỗi hay xấu xa, vả lại đã làm một thằng callboy thì còn có cái gì xấu xa hơn nữa để mà lo nghĩ.
Bỏ số tiền đó thật cẩn thận vào trong giỏ xách, tôi lên giường nằm, lấy xấp hình lão dùng để khống chế đám callboy ra coi, càng nhìn càng thấy lợm giọng vì đầy các cảnh trần trụi của lão, tên Sơn và những thằng callboy ở động lão. Sáng mai tôi sẽ đốt hết đống hình và phim, coi như giải thoát cho những đứa callboy còn lại, làm một việc tốt bù lại cho lỗi lầm của mình. Mải suy nghĩ, tôi chìm vào giấc ngủ hồi nào cũng chẳng hay, có lẽ thuốc ngủ ban nãy cũng phần nào thấm vào cơ thể.
Khi tỉnh dậy thì trời cũng đã quá trưa, tôi nằm im nhìn khung cảnh chung quanh mình. Căn phòng khách sạn xa lạ, vậy là tôi đã thoát khỏi lão Tư, vậy là tôi đã không còn là một thằng callboy bị kìm kẹp, khống chế… Tôi mở giỏ xách, nhìn lại mớ tiền hôm qua lấy được, chúng vẫn còn ở đó, thì ra mọi chuyện không phải là một giấc mơ. Tôi nhanh chóng trả phòng khách sạn, chạy đi bán tháo bán đổ chiếc xe của lão Tư, do xe không giấy tờ nên bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền. Đống phim và hình lấy được của lão, tôi đem đốt sạch, vì cũng không có thời gian ngồi xem coi cái nào là của mình, cái nào của người khác. Xong mọi chuyện, tôi ra bến xe mua vé về quê, nếu đi giờ này, chắc khoảng rạng sáng sẽ tới nhà.
Về nhà lần này có rất nhiều mục đích, việc đầu tiên là thăm mẹ và gia đình, sau đó sẽ phải sang gặp nhà Tâm, hỏi thăm tình hình của nó. Sau khi nằm gần một tháng trong bệnh viện, gia đình Tâm đã chuyển nó về nhà theo lời khuyên của bác sỹ. Bác sỹ cho hay, Tâm tạm thời coi như ổn định, có thể chuyển về nhà để chăm sóc, nếu may mắn nó sẽ sớm tỉnh dậy, chuyện này tùy thuộc vào ý chí sinh tồn của bản thân Tâm và gia đình nó. Lần này về, tôi sẽ đem một phần tiền mình lấy được để giúp Tâm, xem như đây là những gì lão Tư phải trả cho việc hại nó. Nguyên nhân quan trọng hơn của lần trở về quê này là để tạm lánh khỏi Sài Gòn một thời gian dài, có thể là sáu tháng hay một năm, tùy theo hoàn cảnh cho phép. Vì tôi biết, nếu sống ở Sài Gòn trong lúc này sẽ vô cùng nguy hiểm, lão Tư có quen nhiều giang hồ, xã hội đen nên thế nào lão cũng cho người đi tìm tôi ở khắp nơi. Sài Gòn nói lớn không lớn, nói nhỏ không nhỏ, lỡ như xui rủi mà gặp lão, chả biết sẽ ra sao. Phải biến mất một thời gian dài để mọi chuyện lắng dịu lại rồi mới nên ra mặt.
Tôi đến bến xe ở thị xã cũng hơn 4 giờ sáng, bắt chiếc xe ôm vô nhà thêm 30 phút. Chân đi lại trên con đường dẫn về nhà, cảm giác vừa quen thuộc lại vừa lạ lẫm. Đường về bây giờ khác xưa nhiều quá, con đường đất dẫn vào làng chài quanh năm tanh nồng mùi cá sống nay được thay bằng con đường tráng nhựa phẳng phiu. Những căn nhà gỗ hai bên đường nay cũng giảm bớt, thay vào đó là vài căn nhà gạch, ngói đỏ tươi trong nắng sớm. Quê tôi khác xưa nhiều quá. Nhưng cũng dễ hiểu, bản thân tôi từ một thằng con trai lơ ngơ lên Sài Gòn kiếm sống cũng đã thành một thằng callboy dẻo mồm dẻo miệng, biết đủ mùi đời và biết cả cách đánh thuốc mê người ta lấy tài sản thì huống hồ gì là một con đường, một góc phố.
Mất một lúc tôi mới nhận ra nhà mình. Nhà tôi lạ quá! Không còn là căn nhà tranh khi tôi còn nhỏ, không còn là căn nhà gỗ khi tôi mới ra đi mà là một căn nhà gạch hẳn hoi. Có lẽ đây là công sức mà anh hai đã làm lụng trong một năm qua. Mẹ đã báo cho tôi biết là đã sửa sang nhà lại nhưng thay đổi tới mức này thì tôi không ngờ tới.
Tôi run tay gõ cửa, tiếng lốc cốc vang lên phá tan sự tĩnh mịch của một sáng sớm mùa đông. Gần 5 giờ sáng, mẹ chắc hẳn vẫn còn giữ thói quen dậy sớm như thuở trước. Có tiếng leng keng mở khóa, rồi tiếng mẹ vọng ra.
– Ai mà kiếm sớm dữ vậy bây?
Mẹ đứng trước tôi, bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Dáng mẹ vẫn gầy gầy, vai run run trong cái lạnh sớm mai. Trời miền Trung mùa này trở lạnh, mẹ vẫn khoác lên mình cái áo len sờn cũ năm cha và mẹ đi Đà Lạt cùng mua về. Mái tóc điểm sương vừa kịp vấn gọn gàng bằng cái kẹp nhựa.
– Trời ơi, thằng ba, sao mày về mà không báo trước hả con, mấy đứa… thằng ba về… anh ba về nè…
Mẹ nói rồi bước đến gần, ôm chầm lấy tôi vào người. Rồi vài phút sau, tôi thấy khuôn mặt còn ngái ngủ của anh hai và hai đứa em. Mọi người chạy đến bên tôi, siết tôi trong vòng tay đầy tình thương gia đình. Một khắc nào đó, không gian như đứng yên lại, thời gian như quay ngược về gần chục năm trước, khi tôi còn là thằng bé con chạy dọc bờ cát trắng, nhặt vỏ sò rồi lon ton đến khoe cùng mẹ cha… Yên bình một cõi lòng. Trong thoáng giây, tôi quên đi mình đang là một thằng callboy của đất Sài Gòn. Đời ơi, cho tôi về lại, dẫu chỉ một lần.
 
o O o
 
Tôi đứng trước bàn thờ cha, mùi nhang trầm phảng phất khắp không gian chung quanh. Di ảnh người sau làn khói sương mờ ảo trở nên sống động đến lạ kì. Mẹ ngồi trên bàn trà, giọng khẽ khàng.
– Con thắp nhang, vái van nếu như cha còn sống thì hãy nhớ mà về với mẹ và mấy đứa con đi… – Mẹ vẫn chưa chấp nhận rằng cha đã ra đi sau ngần ấy năm.
Như đứa trẻ lỡ nghịch dại đang sợ trách mắng, tôi lấm lét nhìn lên bàn thờ cha. Ánh mắt người trong bức di ảnh bỗng như đang chăm chú nhìn tôi và chất chứa hàng vạn nỗi đau.
Đêm, tiếng côn trùng rả rích ngoài sân làm giấc ngủ càng nặng nhọc, khó khăn. Trong giấc mơ nào đó, cha ngồi đối diện tôi, vẻ mặt nghiêm nghị nhưng ánh mắt đầy khổ đau. Người không nhìn tôi, chỉ im lặng và lắc đầu. Tôi quỳ gối đối diện người, khoanh tay như đứa trẻ ngày nào lên ba lên năm biết mình sai nên quỳ gối sẵn sàng chịu lãnh những hình phạt mình đáng phải nhận.
– Con lạy cha… tha lỗi cho con…
Tiếng tôi lạc lõng trong màn đêm đặc cứng quanh mình. Cha cười, nụ cười đau đớn nhất mà tôi từng nhìn thấy trên gương mặt hằn sâu vết khắc khổ thời gian của người. Tôi tự hỏi, khi cha bị những con sóng dữ nuốt vào lòng đại dương, người có đau đớn như khi ngồi đối diện đứa con lầm đường này không? Nước mắt cha lăn dài trên gò má xương. Một giọt nước mắt rơi xuống sàn nhà, rồi hóa thành khói, cha nặng nhọc, mệt mỏi hỏi tôi.
– Dừng lại được không, con?
Dừng lại? Một năm qua, đã bao lần tôi tự hỏi mình câu đó. Dừng lại được không? Sống giữa lòng Sài Gòn, con người ta như một chiếc lá vàng trên dòng sông chảy siết, chỉ có xuôi theo dòng chảy ấy, chệch đường hay cố ngược dòng đều bị cuốn phăng sang một bên bờ, trơ trọi chết dần mòn trong cái nắng khắc nghiệt của cuộc đời. Nhưng sẽ không nhận ra rằng một lúc nào đó, ta đâm ra nghiện nó. Nghiện cái nhịp hối hả ấy, nghiện cái nắng gắt gao của những trưa hè, nghiện cái se lạnh của những ngày cuối năm, nghiện cả tiếng ồn và mùi bụi đường luôn đeo bám trên cơ thể, dù tắm giặt bao nhiêu lần cũng không thể nào rũ bỏ. Bao nhiêu đứa con tha phương đã đến Sài Gòn học với lời hứa hẹn sẽ quay về quê hương, để rồi sau đó, dù sống hay chết cũng quyết tâm bám trụ lại mảnh đất này, quyết không về quê cha đất tổ? Sài Gòn tự bao giờ đã thành nấm mồ cho những khát khao đổi đời, cho biết bao nhiệt huyết tuổi trẻ? Và Sài Gòn đó, còn có những mảng đời khuất tối của chúng tôi, những con người sáng mắt như quấn quanh đầu mình chiếc khăn đen mờ mịt tương lai, đưa tay dò dẫm từng bước trong bóng tối cô quạnh.
Mặc dù biết lần này về quê sẽ mất khoảng sáu tháng hay một năm mới trở lại Sài Gòn, đấy là một khoảng thời gian dài với nhiều đổi thay, nhưng trong lòng tôi, sự thúc giục để trở về với miền đất hứa ấy vẫn thôi thúc không ngừng. Có lẽ vì nơi ấy, tôi có thể kiếm được rất nhiều tiền và ở nơi ấy, tôi không phải che giấu bản thân mình là người đồng tính như khi ở quê. Vì vậy, hình như chưa bao giờ trong suốt khoảng thời gian ở quê nhà, tôi nghĩ mình sẽ ở lại nơi đây mãi mãi. Quê nhà… còn xa lắm.
Từ một thằng callboy, kiếm một ngày vài trăm ngàn đồng bằng cách nằm ngửa trên giường, nếu bây giờ phải ngồi bán hàng đến rả lưng để kiếm vài chục ngàn tiền lời, thứ nào sẽ hấp dẫn tôi hơn? Và cũng như Tâm, không biết từ khi nào, tôi thật sự bị cuốn hút vào việc làm tình cùng những người đàn ông khác nhau. Họ không phải lúc nào cũng là những con người đẹp đẽ, có những người lớn tuổi, có những người xấu xí, nhưng có những người thật sự cho tôi cảm giác hoan lạc khi làm tình cùng họ. Dừng cảm giác đó lại, liệu tôi sẽ cam lòng? Tự trọng? Liêm sỉ? Nhân phẩm hay danh dự? Một thằng callboy sẽ vứt bỏ những thứ ấy qua mỗi lần nó lột đồ ra và leo lên giường làm tình cùng khách. Thế nên người đời đừng đánh giá những thằng như chúng tôi dựa trên thước đo nhân cách mà xã hội hay dùng. Chúng tôi, những con người sống dưới hạ tầng đạo đức của xã hội thì thước đo duy nhất chính là số tiền kiếm được.
Cha nhìn tôi, ánh mắt vô hồn, nở một nụ cười mỉa mai.
– Con trai tôi đấy… – Rồi hình ảnh người nhạt nhòa, vỡ vụn như làn khói mỏng tanh.
Tôi bừng tỉnh giấc, cơ thể ướt đẫm mồ hôi.
– Có gì mà mày la dữ vậy Quân, miệng thì cứ ú ớ gọi cha?
– Dạ không có gì, em nằm mơ gặp ác mộng, anh hai ngủ tiếp đi.
– Một năm qua, mày làm gì trên Sài Gòn?
– Lúc đầu em đi làm bồi bàn cho mấy quán ăn, rồi được ông kia hay tới quán, giới thiệu em làm công nhân tại một công ty sản xuất hàng thủy sản của nước ngoài.
– Lương mày bao nhiêu mà tháng nào cũng gởi về cả triệu bạc cho nhà? Rồi tiền đâu mày sống?
– Lương em 2 triệu 2 một tháng, nhưng tiền thưởng, phụ cấp tiền xăng, tiền làm thêm giờ nên tháng nào cũng được chừng 3 triệu hơn. Em ở chung với mấy đứa bạn, tiền nhà, tiền ăn cũng không bao nhiêu.
– Ừ, vậy cũng tốt… được vậy anh cũng mừng cho mày, cố gắng làm việc cho tốt, đừng phụ công người ta đã giới thiệu việc cho mình.
Nếu anh hai biết tôi làm nghề gì tại Sài Gòn, anh có kêu tôi làm việc cho tốt không? Tôi nói dối anh hai mà không hề chớp mắt, câu chuyện về thằng con trai nhà nghèo lên thành phố kiếm việc làm, một năm qua tôi đã kể không biết bao nhiêu lần cho khách nghe nhưng chưa từng nghĩ sẽ phải kể cho chính gia đình mình. Khi đi làm, việc nói dối với tôi quá dễ dàng, quen thuộc, nó như một kĩ năng nghề nghiệp mà tôi phải học cho bằng được. Lão Tư từng dạy tôi rằng, nếu muốn lừa gạt người ta thì trước hết phải lừa được chính bản thân mình trước. Mình phải tin những gì mình nói ra thì mới có sức thuyết phục để người ta tin. Thế nên đôi lần, tôi đã thực sự tin rằng mình đang có một công việc ổn định tại Sài Gòn với thu nhập đáng kể.
 
o O o
 
Những ngày ở quê nhà thật êm đềm, nhẹ nhàng. Thấy tôi lâu ngày về chơi nên mẹ và anh hai cũng không cho tôi làm gì nặng nhọc thế nên mấy ngày đấy tôi cũng chỉ quanh quẩn trong nhà, rồi ra ngắm biển hoàng hôn. Một lần trong bữa cơm, thằng út chợt hỏi.
– Dạo này anh ba trắng ghê, mập ra nữa, mặc đồ cũng mô-đen hơn, đẹp trai hơn hồi xưa nhiều. Í, anh ba còn đeo bông tai nữa kìa, anh ba đi làm ở đâu mà sướng vậy, sau này cho em đi làm với!
Thằng út nói làm tôi mới chợt nhớ, mấy ngày nay về nhà nhưng lại không tháo khuyên tai ra.
– Thì anh đi làm toàn ngồi trong mát, không ra nắng nên trắng là phải, ăn uống đầy đủ thì mập, làm có tiền thì mua đồ đẹp mặc, tao mà lên Sài Gòn làm, cũng y chang vậy. – Thằng tư đỡ lời giùm tôi.
– Con đeo bông tai chi vậy Quân? – Mẹ hỏi tôi.
– Dạ, tại hôm bữa mấy đứa ở chung rủ con đeo cho vui, nếu mẹ không thích để con bỏ ra.
– Thôi, lỡ rồi thì thôi, chỉ sợ người ta nhìn không quen, lại đánh giá mình là người không đàng hoàng. Con về quê như vầy rồi không phải đi làm sao? Chừng nào con lên Sài Gòn lại?
– Con vừa xin nghỉ làm ở chỗ hiện tại, kì này về quê chắc sẽ ở lâu, nửa năm một năm gì đó rồi mới lên Sài Gòn kiếm việc làm mới. Cả năm không về, kì này về nhà nghỉ ngơi cho đã.
– Ừ, con tính sao cũng được, lớn rồi, tự quyết định đời mình và sống có trách nhiệm là má vui rồi. Cuối tháng này má làm mâm cơm, để nhớ ngày cha con mất tích… – Mẹ ngừng lời, giọng thoáng u buồn.
– Dạ, con nhớ mà. Ngày mai con qua thăm thằng Tâm, không biết dạo này nó sao rồi…
Sáng hôm sau, tôi sang nhà thăm Tâm. Nhà Tâm ở cuối xóm, khi còn nhỏ, chúng tôi vẫn thường hẹn nhau chạy chơi trên bãi biển ngút ngàn nắng và cát. Có hôm thuyền chài về, hai thằng bé con lăng xăng lựa trong mớ lưới khổng lồ những con cá nhỏ, rồi túm tụm đốt lửa nướng lên ăn, chia nhau cái vị bùi bùi, beo béo của món cá nướng còn nóng hôi hổi. Nhà Tâm cũng như nhà tôi, quanh năm quây quần trong cái chữ nghèo cố hữu, vẫy vùng thế nào cũng không thoát khỏi trong suốt những năm tuổi thơ. Cho đến tận vài năm sau này, khi Tâm lên Sài Gòn làm callboy rồi gởi tiền về, cùng anh hai nó xây căn nhà gạch đàng hoàng thì mới tạm coi như qua được cơn nghèo đói. Đôi lần tôi tự hỏi mình, đồng tiền chúng tôi kiếm từ một nghề hèn mạt nhưng có thể mang lại hạnh phúc và niềm vui cho những người xung quanh thì có xứng đáng hay không?
Những ký ức nhập nhoạng về tuổi thơ cứ thế trôi về theo từng bước chân dẫn qua nhà Tâm. Má Tâm đang ngoài sân, vừa gặp tôi đã chạy tới tay bắt mặt mừng báo tin.
– Con ơi, Tâm nó tỉnh dậy rồi con ơi!
Tâm ngồi trong phòng, mắt đờ đẫn nhìn xa xăm, chị dâu nó ngồi đút từng muỗng cháo loãng cho nó.
– Nó tỉnh được gần tuần nay rồi nhưng mà… bác sĩ nói đúng, thần kinh nó bây giờ không được như trước kia. – Anh hai Tâm ngồi nói chuyện với tôi, giọng nói không khỏi thấp thoáng nỗi muộn phiền, anh đưa tay rót chén trà nóng cho tôi rồi tiếp tục câu chuyện. – Giờ nó như đứa con nít, không còn nhớ được gì hết, chỉ biết ngồi đấy, ai hỏi gì cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn, không nhận ra người nào trong gia đình. Hôm bữa anh có đưa nó đi tái khám, bác sỹ nói… chắc nữa đời còn lại nó cũng như vậy…
Giọng anh hai Tâm nghèn nghẹn, khó khăn lắm mới nói hết câu. Tôi vội nâng chén trà lên hớp một ngụm, cố nuốt nước mắt ngược lại vào lòng rồi lựa lời an ủi.
– Dù sao thì nó tỉnh lại đã là điều đáng mừng mà anh, em nghĩ chắc một thời gian sau Tâm sẽ khá hơn.
– Hy vọng được như em nói. – Anh hai Tâm cười buồn, mắt xa xăm như cố níu kéo một tia hy vọng, dẫu rất mong manh.
Tôi gởi hơn phân nửa số tiền mình lấy được của lão Tư cho gia đình Tâm. Nói rằng đây là những gì Tâm dành dụm được trong mấy năm qua rồi gởi tôi giữ giúp, nay nó có việc, tôi đưa lại để gia đình xử trí. Má Tâm nắm chặt tay tôi, nước mắt bà nghẹn ngào, ướt đẫm khuôn mặt nhiều vết hằn khắc khổ của thời gian.
– Thằng Tâm có phước lắm mới quen được đứa bạn như con. Quân ơi, nếu con giấu số tiền này luôn, cả nhà bác cũng đâu ai biết. Nhưng mà… bác cảm ơn con.
Lòng tôi thoáng chút bối rối vì lại nói dối gia đình Tâm, nhưng dẫu sao, đây vẫn là một lời nói dối vì mục đích tốt đẹp. Đây là phần đền bù xứng đáng mà lão Tư phải trả cho Tâm vì những tội ác mà lão gây ra. Khi tôi quyết định dùng thuốc ngủ để lấy tiền, vàng của lão Tư, một phần nguyên nhân chính là để trả thù cho Tâm. Nhìn Tâm ngồi ngây người, được chị dâu đút từng muỗng canh cho ăn, lâu lâu lại lấy khăn lau những giọt canh rơi ra bên mép nó, tôi rơi nước mắt. Giọt nước mắt mang tất cả những giây phút bên nhau, những lần cơ thể quấn lấy nhau, những nụ hôn kéo dài như vô tận, những dối gian, lừa lọc, những ganh ghét, tranh đua…
Tâm ạ! Đừng trách tao độc ác nhưng tao hy vọng mày không bao giờ nhớ lại mình là ai. Vì biết đâu như vậy, mày sẽ không phải dằn vặt đau khổ vì cuộc sống mà mày đã trải qua.
 
o O o
 
Cuối tháng, mẹ làm một mâm cơm, gồm những món cha thích, lầm rầm khấn vái.
– Trời phật thương tình, nếu ông còn sống, cầu cho ông mau nhớ lại vợ con mà về nhà… còn nếu xui rủi… ông cũng cho tôi và các con tìm được xác ông…
Mẹ đưa tay vội lau nước mắt, tôi vòng tay ôm mẹ vào lòng. Niềm tin, tình yêu, hy vọng, những thứ ấy cho chúng ta sức mạnh rất lớn. Đôi khi cũng chính niềm tin, hy vọng đó khiến chúng ta sẽ đau đớn, nhưng phải chăng, đó cũng là một thử thách mà ông trời dành cho mỗi chúng ta.
Cứ tưởng rằng, khoảng thời gian sáu tháng dài đấy ở quê nhà sẽ trải qua một cách buồn tẻ, trống vắng và với những nỗi hồi hộp, lo lắng rằng lão Tư sẽ cho người về tận quê để kiếm tôi nhưng rồi lão Tư đã không xuất hiện, cất đi một gánh nặng trong lòng. Nhưng cuộc đời lại cứ thế đẩy đến cho tôi những biến cố khôn lường.
Mẹ nhập viện.
Chiều hôm ấy, sau bữa cơm chiều, bỗng dưng mẹ đau quặn thắt rồi gập người xuống đất. Bốn anh em chúng tôi cuống cuồng không hiểu nguyên nhân, chỉ biết hoảng sợ nhìn mẹ ngất đi trong cơn đau.
Bác sĩ trở ra sau mấy tiếng đồng hồ khám cho mẹ và thông báo cùng anh em chúng tôi.
– Má mấy đứa bị ung thư dạ dày nhưng may mắn chỉ ở giai đoạn đầu, chỉ cần giải phẫu rồi làm hóa trị một thời gian là có thể khỏi hẳn, không còn di chứng. Chỉ là chi phí phẫu thuật, hóa trị sau đó sẽ khá cao. Mấy cháu nên suy nghĩ kĩ rồi quyết định xem gia đình có thể chịu nổi mức chi phí này không rồi báo để bệnh viện biết.
Thật sự, dù cho trong hoàn cảnh tồi tệ nhất ở Sài Gòn, khi bị dí sát đến đường cùng buộc phải đi làm cho lão Tư, tôi chỉ cảm thấy rằng đồng tiền có sự quan trọng, chứ chưa bao giờ cảm thấy sức mạnh kinh khủng của nó như trong hoàn cảnh hiện tại. Không có tiền, mẹ sẽ không thể sống tiếp.
Tôi hỏi, anh hai vừa lo lắng vừa kể rằng thời gian qua mẹ có than đau ở vùng bụng, ăn uống không ngon miệng, nhưng lại cứ hẹn lần hẹn lượt không chịu đi khám do sợ tốn tiền, để đến giờ phát bệnh ra mới biết đấy là ung thư.
Tôi gom hết số tiền vừa lấy được của lão Tư, rồi thêm vào một phần của anh hai để làm phẫu thuật cho mẹ, cũng như chuẩn bị cho những lần hóa trị tốn kém về sau. Nhờ ơn Trời, Phật, cuộc phẫu thuật của mẹ đã thành công tốt đẹp. Ngay khi tỉnh lại, mẹ nắm chặt tay tôi và anh hai, rồi thì thào, mệt mỏi.
– Má xin lỗi mấy đứa… lại làm cho bây lo rồi.
Anh em tôi nắm chặt tay mẹ rồi cứ thế mà vừa cười mà nước mắt cứ chảy.
– Má ơi là má! Má có lỗi gì mà xin…
 
o O o
 
Những đợt hóa trị kéo dài hơn hai tháng sau đó khiến cho mẹ càng ngày càng ốm. Nhưng may mắn là sau những kiểm tra về lượng máu, bác sĩ cho biết mẹ đủ sức khỏe để tiếp tục hóa trị và sẽ sớm bình phục hoàn toàn. Những điều tôi và mấy anh em có thể làm, chỉ là chú ý đến sức khỏe của mẹ bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất. Một tháng sau ngày làm phẫu thuật, bác sĩ cho mẹ về nhà cùng chúng tôi, tuy nhiên vẫn phải trở lại để làm hóa trị và mua thuốc uống cho căn bệnh dứt hẳn, không còn di chứng.
Mảng ký ức này, tôi không muốn nhớ hay kể nhiều về nó vì như đã nói từ ban đầu, những mảng ký ức đau khổ về gia đình mình vốn là thứ tôi không nhớ được nhiều. Chỉ nhớ chắc rằng một điều lúc đó là số tiền còn lại của tôi đã không còn bao nhiêu.
Nhìn anh hai chau mày tính toán những khoản chi tiêu trong gia đình, cũng như khoản tiền vài triệu bạc mỗi lần phải trả tiền hóa trị, tôi lại cảm thấy áp lực của đồng tiền càng nặng nề hơn với gia đình mình. Mẹ không dám hỏi han gì nhiều, thỉnh thoảng chỉ đưa mắt nhìn anh hai, rồi lại quay mặt vào tường, khẽ lau nước mắt.
– Anh còn được bao nhiêu tiền? Nói thiệt với em đi. – Tôi hỏi anh hai trong một buổi chiều ngồi ngoài hiên nhà cùng nhau.
– Anh cũng không giấu em làm chi, còn được gần chục triệu, mấy ngày nữa đi hóa trị cho má, chắc cũng tốn hết vài triệu, tháng sau đóng tiền học cho hai thằng nhỏ, nếu không có chuyến tàu nào ra khơi thì chắc… khó mà cầm cự.
Anh hai nói rồi cầm ly rượu đế lên và uống cạn, hy vọng rằng hơi men giúp mình quên đi nỗi lo toan được vài giờ khắc. Tôi nhìn anh, rồi nghĩ đến hoàn cảnh của gia đình mình hiện tại, bỗng dưng thấy được sự bất lực, kiệt quệ của con người trước sự xoay chuyển của đồng tiền và vận mệnh.
Ngay tại thời điểm đó, suy nghĩ duy nhất xuất hiện trong tôi chính là: Bây giờ muốn kiếm tiền nhanh và với khả năng của mình, cũng như với những kinh nghiệm đã trải qua, con đường duy nhất của tôi, chỉ còn có thể là callboy.
Nhưng đồng thời đi cùng suy nghĩ đó, chính là sự sợ hãi, lo âu. Mối đe dọa từ lão Tư vẫn còn hiện hữu tại Sài Gòn. Bốn tháng có lẽ là khoảng thời gian chưa đủ lâu để chuyện của lão Tư lắng dịu, nhưng hy vọng rằng nó đủ dài để cho cơn giận của lão nguôi ngoai phần nào. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều những tình huống có thể xảy ra và tìm cách giải quyết. Trong trường hợp xấu nhất, nếu lão Tư hay tên Sơn bắt được tôi, chắc chắn chúng sẽ không tha cho tôi. Nhưng nếu chỉ đơn thuần là đánh đập hay hành hạ thì cũng không thể nào lấy lại số tiền đó được. Chi bằng tôi sẽ thuyết phục lão Tư để mình đi làm cho lão, bù lại được bao nhiêu thì bù. Qua những năm tháng làm việc cho lão Tư, tôi hiểu bản tính lão, vốn chỉ là chó sủa lớn tiếng chứ không dám cắn. Lần nào có việc, lão cũng dặn tên Sơn hết lời: “Mày làm gì cũng nhè nhẹ tay, cảnh cáo cho nó sợ là được rồi, chứ để nó có chuyện gì, công an tới sờ gáy là không được đâu. Tao còn làm ăn.” Như vụ làm Tâm bị đụng xe lần trước, lão Tư cũng mất ăn mất ngủ mấy tuần vì sợ người ta truy ra lão là chủ mưu đằng sau. Thế nên chắc cũng không đến nỗi lão sẽ cho người giết chết tôi, thế nên quan trọng làm sao để xoa dịu lão Tư là ổn thỏa.
Với nỗi lo sợ cùng viễn cảnh tốt đẹp nhất vẽ ra để tự an ủi mình, tôi từ biệt gia đình rồi lên xe về lại Sài Gòn sau gần nửa năm xa cách với mong muốn sẽ kiếm được nhiều tiền để có thể gởi về quê giúp anh hai lo tiền trị bệnh cho mẹ. Lòng tôi khi ấy, hỗn độn trăm niềm ngổn ngang.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.