Dòng Máu

Chương I.



ISTANBUL

Thứ bảy, mồng 5 tháng Chín, 10 giờ tối.

Ngồi một mình trong bóng tối, đằng sau bàn làm việc của Hajib Kafir, anh thờ ơ nhìn qua khung cửa sổ bụi bặm của văn phòng hướng về phía những ngọn tháp muôn tuổi của các giáo đường Hồi giáo Istanbul.

Anh đã thân thuộc không ít các thủ đô trên thế giới nhưng Istanbul vẫn là một trong những nơi được anh ưa thích hơn cả. Nhưng không phải Istanbul với phố Beyolu đầy khách du lịch hay quầy rượu cầu kỳ Laleab của khách sạn Hilton mà là một Istanbul với những khu vực khuất nẻo chỉ được biết đến bởi người Hồi giáo: những yalis và những khu chợ nhỏ nép mình sau những Souks và Teli Baba, nghĩa trang chôn một người duy nhất, rồi có rất nhiều người hàng ngày đến cầu nguyện cho linh hồn đã yên nghỉ nầy.

Anh ngồi chờ đợi bằng sự nhẫn nại của một tay thợ săn, sự trầm tĩnh của người có đủ nghị lực để kiềm chế được thể xác và cảm xúc của mình. Anh vốn là dân xứ Welsh, mang vẻ đẹp mạnh mẽ nhưng cũng hết sức thâm trầm, một vẻ đẹp đặc trưng của dân xứ nầy. Tóc anh đen, khuôn mặt rắn rỏi, cặp mắt thông minh màu xanh sẫm. Anh cao trên 1m80 với thân hình vạm vỡ rắn chắc chỉ có được ở những người chịu khó chăm sóc cho sức khoẻ của mình. Cả văn phòng ngập ngụa mùi mồ hôi dầu chua loét của Hajib Kafir, mùi thuốc lá thơm sực nức, mùi cà phê Thổ hăng hăng.

Rhys Williams không hề để ý những thứ đó. Anh đang nghĩ đến cú điện thoại từ Chamonix cách đó một giờ.

Một tai nạn khủng khiếp! Tin tôi đi, ông Williams, tất cả chúng tôi đều lâm nạn. Chuyện xảy ra nhanh đến độ không ai kịp trở tay để cứu ông ấy cả. Ông Roffe đã chết ngay lập tức… Sam Roffe, chủ tịch tập đoàn Roffe và các con, tập đoàn dược phẩm lớn thứ hai trên thế giới, một giang sơn trị giá nhiều tỉ dollar trải rộng khắp toàn cầu. Thật không thể tưởng tượng là Sam Roffe đã chết.

Ông vẫn luôn tràn đầy sinh lực, nhanh nhẹn, hoạt bát, một người đàn ông năng động, thường xuyên phải sống trên máy bay đưa ông tới các nhà máy, văn phòng của công ty trên khắp thế giới, những nơi mà ông đã giải quyết những công việc tưởng chừng như không ai làm nổi, xây dựng những ý tưởng mới, thúc đẩy mọi người làm việc nhiều hơn và hiệu quả hơn. Dù đã có gia đình, đã trở thành ông bố, thú vui duy nhất của ông vẫn là kinh doanh. Sam Roffe là một nhân vật vô cùng lỗi lạc. Ai có thể thay thế ông đây? Ai có đủ khả năng điều hành cái giang sơn khổng lồ ông để lại? Sam Roffe đã không kịp chọn người kế vị mình. Bởi vì, ông đâu có biết là mình sẽ không sống quá tuổi năm mươi hai? Ông vẫn luôn nghĩ rằng mình còn khối thời gian.

Và giờ đây, thời gian của ông đã hết.

Đèn trong phòng bỗng bật sáng và Rhys Williams nhìn về phía cửa, không nhận ra ai bởi loá mắt.

– Ông Williams! Tôi không biết là trong phòng vẫn còn người.

Đó là Sophie, một trong những nữ thư ký của công ty người được giao việc phụ giúp Rhys Williams mỗi khi anh đến Istanbul. Cô ta là người Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng hai mươi tư, hai mươi lăm, gương mặt xinh đẹp, thân hình mềm mại đầy quyến rũ, hứa hẹn. Cô ta đã khôn khéo ngỏ ý với Rhys, rằng lúc nào cũng sẵn sàng chiều lòng anh nếu anh muốn, nhưng Rhys chẳng hề để tâm.

Tôi quay lại để làm mấy bức tlìư cho ông Kafir. – Và cô ta dịu dàng nói thêm, – Có lẽ tôi giúp được cho ông việc gì chăng?

Khi cô ta tiến lại gần cái bàn, Rhys nhận thấy mùi như mùi xạ hương của con thú hoang trong mùa giao phối.

Ông Kafir đâu?

Ông ta đã rời khỏi từ lâu rồi. – Cô ta nhẹ nhàng vuốt mặt trước của chiếc váy bằng bàn tay điêu luyện. – Tôi có thể giúp ông việc gì chứ? – Cặp mắt cô ta đen láy và ướt át.

Có. – Rhys đáp. – Tìm ông ta về đây.

Tôi không thể biết giờ nầy ông ta ở đâu…

Hãy thử chỗ Kervansaray hoặc Mermara xem.

Có thể đây là nơi một trong số các cô bồ của Hajib Kafir làm vũ nữ múa bụng. Khó mà biết được với Kafir, Rhys nghĩ. Cũng rất có thể ông ta đang ở cùng với vợ. Sophie tỏ ra hối lỗi.

Tôi sẽ cố gắng, nhưng… tôi e là…

Cho ông ta biết rằng nếu một giờ nửa không có mặt ở đây ông ta sẽ bị sa thải. Sắc mặt cô ta thay đổi.

Tôi sẽ thử xem mình làm được gì ông Williams. – Và cô ta bước về phía cửa.

Tắt đèn cho tôi.

Dù sao, ngồi suy nghĩ trong bóng tối vẫn dễ dàng hơn. Hình ảnh của Sam Roffe vẫn luẩn quẩn trong đầu Rhys. Vào khoảng thời gian nầy trong năm, những ngày đầu tháng Chín, núi Mont Blanc rất dễ trèo. Trước kia Sam đã một lần thứ trèo ở đây nhưng ông không thể vượt qua bão tố để lên đến đỉnh núi. “Nhưng lần nầy tôi sẽ cắm được cờ của công ty lên đó”, ông hứa với Rhys bằng giọng bỡn cợt.

Và cách đây một lát, khi Rhys đang làm thủ tục trả phòng tại khách sạn Pera Palace thì điện thoại gọi cho anh. Rhys có thể nghe được giọng nói thổn thức trong máy. “Mọi người đang vượt qua dòng sông băng… ông Roffe bị trượt chân và sợi dây cáp của ông ấy đứt ông ấy rơi xuống một kẽ nứt sâu thăm thẳm…”

Rhys hình dung ra thân hình của Sam đập mạnh vào tảng băng ác nghiệt và lăn nhanh xuống kẽ nứt.

Anh cố ép mình quên đi cảnh tượng khủng khiếp đó.

Dù sao cũng là quá khứ rồi. Hiện tại còn quá nhiều điều khiến anh phải lo nghĩ. Các thành viên trong gia đình Sam Roffe hiện đang ở khắp nơi trên thế giới cần phải được thông báo về cái chết của ông. Và bản thông cáo cho báo chí cũng cần phải chuẩn bị.

Cái tin nầy hiện đã như một đợt sóng thần lan khắp giới tài chính quốc tế. Giữa lúc công ty đang lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính thì ảnh hưởng do cái chết của Sam Roffe gây ra phải được giảm đến mức thấp nhất có thể. Đây chính là công việc của Rhys.

***

Lần đầu tiên Rhys Williams gặp Sam Roffe đã cách đây chín năm. Rhys lúc đó hai mươi lăm tuổi và đang giữ chức cố vấn thương mại cho một công ty dược phẩm nhỏ. Anh năng động, thông minh và khi hãng nầy mở rộng thì danh tiếng của Rhys theo đó mà nổi lên như cồn.

Anh được đề nghị làm việc tại tập đoàn Roffe và các con và khi anh rời bỏ công ty cũ, Sam Roffe đã mua lại công ty ấy và giao nó cho anh. Cho đến tận bây giờ anh vẫn không thể quên được mãnh lực khó cưỡng được của Sam Roffe trong lần đầu tiên hai người gặp mặt.

Ở đây anh là người của Roffe và các con, – Sam Roffe cho anh biết. – Thế nên tôi đã mua lại cái công ty lạc hậu cũ của anh.

Rhys thấy vừa tự hào vừa hơi bực tức.

Nếu tôi không ở lại thì sao?

Anh sẽ ở lại. Anh và tôi đều có điểm chung, Rhys. Đó là nhiều hoài bão: Chúng ta muốn làm chủ thế giới Và tôi sẽ cho anh biết phải làm như thế nào.

Những lời nói như có ma lực, một bữa tiệc đầy hứa hẹn cho nỗi khát khao mãnh liệt đang bùng cháy trong lòng anh, bởi vì anh biết một điều mà Sam Roffe không biết: Chẳng có Rhys Williams nào cả. Anh chỉ là một sự tưởng tượng được tạo ra từ sự liều lĩnh, nghèo nàn và tuyệt vọng.

***

Anh ra đời gần khu mỏ Gwent và Carmarthen, những thung lũng đầy những vết nứt nẻ mầu đỏ của xứ Wales, nơi những lớp sa thạch, đá vôi và than đá rạch nát mặt đất xanh tươi. Anh lớn lên cùng mảnh đất có vô số các truyền thuyết, mà ngay đến những cái tên thôi cũng tràn đầy thi vị như: Brecon và Peny Fan, Penderyn và Glyncorrwg hay Maesteg. Đây là mảnh đất huyền thoại với than đá ngập sâu dưới lòng đất được tạo thành từ hai trăm tám mươi triệu năm trước, với phong cảnh đã từng bị bao phủ bởi quá nhiều cây cối, nhiều đến nỗi một con sóc cũng có thể đi từ vùng đồi Brecon đến tận bờ biển mà chân không hề chạm đất. Nhưng rồi cuộc cách mạng công nghiệp cũng đã tìm đến đây và những thân cây xinh đẹp kia lần lượt gục ngã trước bàn tay của đám thợ đốt than để trở thành nguyên liệu cho những lò lửa tham lam của ngành luyện thép.

Cậu bé lớn lên cùng những vị anh hùng thuộc về một thế giới khác, một thời gian khác. Robert Farren bị đưa lên giàn hoả của Nhà thờ Thiên chúa giáo La mã vì ông không chịu thề sống độc thân và bỏ rơi bà vợ; Vua Hywel the Good, người mang pháp luật đến cho xứ Wales ở thế kỷ thứ 10; chiến binh dũng cảm Brychen, bố của mười hai con trai và hai mươi tư con gái, người đã đập tan tất cả các cuộc tấn công vào vương quốc của mình. Đó là mảnh đất của những trang sử vẻ vang, nơi cậu bé được nuôi nấng. Nhưng cũng không phải bất cứ thứ gì ở đây cũng vẻ vang.

Tổ tiên của Rhys đều là thợ mỏ và cậu bé thường được nghe những câu chuyện chi tiết về địa ngục do bố cậu và các bậc chú bác kể lại. Họ nói về những thời gian khủng khiếp khi không có việc làm, khi những mỏ than giàu có của Gwent và Carmarthen bị đóng cửa do xảy ra những cuộc chiến quyết liệt giữa đám thợ mỏ và các công ty chủ mỏ, mà cuối cùng, những người thợ mỏ vì cảnh bần cùng đã đánh mất cả phẩm cách, cả hoài bão, niềm kiêu hãnh bị xói mòn, đã phải đầu hàng.

Khi các khu mỏ được mở cửa lại thì một kiểu địa ngục khác cũng xuất hiện.

Hầu hết các thành viên trong gia đình Rhys đã bỏ mạng trong khu mỏ. Một số khác thì chết trong các hầm mỏ dưới lòng đất hoặc rồi cũng qua đời với bệnh ho hen do hai lá phổi đã đen kịt bụi than. Chỉ có một số rất ít là vượt qua được tuổi ba mươi.

Rhys thường lắng nghe bố và các bác tranh luận về quá khứ, về những sự khuất phục, sự lụn bại và những cuộc đình công, hoặc về những thời kỳ tươi sáng cũng như đen tối, và đối với cậu bé thì tất cả xem ra đều như nhau. Đều tồi tệ cả: Ý nghĩ về việc phí hoài những năm tháng cuộc đời trong bóng tối của lòng đất đã làm cho Rhys kinh hãi. Cậu bé hiểu rằng mình phải trốn đi.

Cậu bé bỏ nhà đi khi mới lên mười hai. Cậu rời khỏi thung lũng than và đi về phía bờ biển, tới vịnh Sunny Ranny và Lavernock, nơi tràn ngập đám du khách giàu có, và cậu bé cố gắng tỏ ra mình là người hữu ích, dìu các quý bà sang trọng tuột xuống vách đá tới bãi biển, mang vác các giỏ hành lý nặng cho các cuộc cắm trại, đánh xe ngựa ở Pernarth và làm việc ở khu giải trí tại vịnh Whitmore.

Cậu chỉ ở cách xa nhà có mấy giờ đường nhưng sự xa cách thì không thể nào đo lường được. Mọi người ở đây như thể đến từ một thế giới khác vậy. Rhys Williams chưa bao giờ tưởng tượng được lại có những người đẹp đến thế, những bộ trang phục đẹp đến thế. Người phụ nữ nào nhìn cũng như nữ hoàng còn đám đàn ông thì ai cũng thanh lịch đến tuyệt vời. Đây mới là thế giới của cậu và không có gì mà cậu không thể chiếm về cho mình. Lúc đó Rhys được mười bốn tuổi, và cậu đã dành dụm đủ tiền cho cuộc hành trình đến London. Cậu bỏ ra ba ngày đầu tiên chỉ để đi dạo trong thành phố đồ sộ nhìn ngắm mọi thứ, tận hưởng bằng hết những cảnh tượng kỳ lạ, những âm thanh và những mùi vị khác nhau. Công việc đầu tiên của cậu là làm nhân viên giao hàng cho một cửa hiệu bán vải. Ở đó có hai nam thư ký, trịch thượng như nhau, và một nữ thư ký, người đã làm trái tim cậu bé xao xuyến mỗi khi nhìn cô ta.

Hai gã kia đối xử với Rhys như thể chẳng còn cách đối xử nào khác với một kẻ rác rưởi. Cậu bé đúng là kỳ lạ. Cậu ăn mặc khác người, điệu bộ chẳng giống ai và nói năng bằng một giọng rất khó nghe. Bọn họ còn không phát âm đúng cả tên của cậu. Họ gọi cậu là Rice, rồi Rye và Rise “Phải gọi là Roffe mới đúng”, Rhys luôn bảo họ như vậy.

Còn cô gái thì tỏ ra thương hại cậu. Tên cô ta là Gladys Simpkins và cô ta sống cùng 3 người bạn gái khác trong một căn nhà bé tí ở Tooting. Một hôm, cô cho phép cậu đưa về sau giờ làm việc và mời cậu lên nhà uống trà. Rhys đã trở nên hồi hộp quá mức.

Cậu đã vội nghĩ đây sẽ là kinh nghiệm yêu đương đầu tiên trong đời, nhưng khi choàng tay qua người Gladys, cô nhìn sững cậu rồi cười phá lên.

Tôi sẽ chẳng cho cậu cái đó đâu. – Cô nói. – Nhưng tôi sẽ cho cậu một lời khuyên. Nếu cậu muốn làm chuyện gì đó cho bản thân mình, đầu tiên phải biết ăn mặc quần áo sạch sẽ, có một chút văn hoá tối thiểu và phải tự học cách xử sự đi. – Rồi cô ngắm nhìn gương mặt gầy gò nhưng đầy vẻ thiết tha của chàng trai trẻ và nhẹ nhàng nói tiếp, – Nhất định cậu sẽ khá hơn khi lớn lên đấy.

***

Nếu cậu muốn làm chuyện gì đó cho bản thân mình… Đó chính là giây phút để anh chàng Rhys Williams giả hiệu ra đời. Rhys Wllliams thật vốn là một người vô giáo dục, dốt nát, không có cả quá khứ lẫn tương lai. Nhưng anh có trí tưởng tượng, sự thông minh và cả một hoài bão lớn đang bùng cháy. Như thế là quá đủ. Anh đã bắt đầu với hình ảnh của con người mà anh muốn trở thành, có ý định trở thành. Khi nhìn vào gương anh không còn thấy một cậu bé vụng về, bẩn thỉu với giọng nói buồn cười mà thay vào đó là một chàng trai khéo léo, lịch thiệp và thành công. Từng bước từng bước một, Rhys khớp mình với các hình ảnh đó trong đầu. Anh theo học các lớp buổi tối, trải qua những ngày nghỉ cuối tuần trong các gallery nghệ thuật.

Anh cũng thường ra vào các thư viện công cộng, đến nhà hát, ngồi ngoài hành lang nghiên cứu những bộ quần áo đắt tiền của cánh đàn ông trước sân khấu.

Anh dè xẻn đối với việc ăn uống sao cho cứ một tháng một lần lại đủ tiền để vào nhà hàng sang trọng, nơi mà anh có thể học được cách xử sự trên bàn ăn của những người khác. Anh quan sát, học hỏi và ghi nhớ.

Anh giống hệt một miếng bọt biển, từ từ xoá bỏ quá khứ và hút lấy tương lai.

Chỉ trong một năm ngắn ngủi Rhys đã học đủ để nhận ra nữ hoàng Gladys Simpkins của anh chỉ là một cô gái thành thị rẻ tiền, làm cho anh chán ngấy.

Anh bỏ tiệm bán vải và vào làm chân thư ký cho một hiệu thuốc thuộc một mạng lưới lớn. Lúc đó trông anh đã già hơn rất nhiều so với tuổi 16 của mình. Anh đã đầy đặn hơn và cao hơn. Đám đàn bà đã dần chú ý đến vẻ đẹp xứ Wales trầm tĩnh và miệng lưỡi lanh lẹ của anh. Anh đã nhanh chóng thành công ở cửa hàng. Nhiều khách hàng nữ sẵn sàng chờ cho đến khi Rhys rảnh rỗi để săn sóc họ. Anh ăn mặc lịch sự, nói năng đúng mức và anh biết mình đã đi vượt khỏi Gwent và Carmarthen một quãng đường dài nhưng mỗi khi nhìn vào gương, anh vẫn chưa hoàn toàn thoả mãn.

Cuộc hành trình mà anh định thực hiện vẫn còn ở phía trước.

Trong vòng hai năm Rhys đã lên đến chức quản lý cửa hàng nơi anh làm việc. Vị giám đốc khu vực của mạng lưới nói với anh:

Đây mới là sự khởi đầu thôi, Williams. Hãy cố gắng làm việc và một ngày kia anh sẽ thấy mình trở thành quản lý của cả nửa tá cửa hàng ấy chứ.

Rhys suýt nữa thì cười to. Tưởng rằng thế đã là đỉnh cao của một hoài bão lớn hay sao? Rhys không hề gián đoạn việc học hành. Anh tiếp tục theo học ngành hành chính kinh doanh, tiếp thị thị trường và luật thương mại. Anh muốn vươn cao hơn nữa. Hình ảnh của anh trong gương là ở đỉnh thang, còn Rhys cảm thấy mình mới đang đứng ở bậc thấp nhất.

Cơ hội tiến thân của anh đã đến khi một hôm, một người bán hàng dược phẩm bước vào và quan sát Rhys dụ dỗ các bà các cô mua những thứ mà họ không cần dùng tới. Ông ta nói:

Anh đang lãng phí thời gian ở đây. Lẽ ra vị trí của anh phải ở trong một cửa hàng lớn hơn.

Ý định của ông là sao? – Rhys hỏi.

Để tôi nói chuyện với ông chủ của anh đã.

Hai tuần sau Rhys đã làm bán hàng tại một công ty dược phẩm nhỏ. Anh chỉ là một trong năm mươi nhân viên bán hàng, nhưng khi anh nhìn vào tấm gương đặc biệt của mình thì, anh biết đó không phải là sự thực. Đối thủ cạnh tranh duy nhất của anh chính là bản thân anh. Anh đang tiến gần hơn đến hình ảnh của mình, với nhân vật giả hiệu do anh tạo ra. Một người thông minh, có văn hoá, sành điệu và quyến rũ. Những gì anh đang cố đạt tới là rất khó khăn.

Ai cũng biết rằng con người được sinh ra với những đặc tính có sẵn, chúng không thể bị tạo ra sau nầy. Nhưng Rhys đã tự tạo ra. Anh đã trở thành cái hình ảnh mà anh đã tưởng tượng ra.

Anh đi chào bán sản phẩm trên khắp đất nước, trò chuyện và lắng nghe. Anh trở lại London với rất nhiều những đề nghị khả thi và anh bắt đầu leo lên các bậc thang. Ba năm sau ngày gia nhập công ty, Rhys đã trở thành giám đốc thương mại. Dưới sự lãnh đạo khéo léo của anh, công ty bắt đầu mở rộng phạm vi thế lực.

***

Và bốn năm sau, Sam Roffe đã bước vào cuộc đời anh. Ông đã nhận ra hoài bão trong con người anh.

Anh giống tôi, – Sam Roffe nói. – Chúng ta muốn làm chủ thế giới. Tôi sẽ cho anh biết phải làm như thế nào.

Sam Roffe là một nhà cố vấn đầy kinh nghiệm.

Trong vòng chín năm sau đó dưới dự chỉ dẫn của ông, Rhys Williams đã trở thành tài sản vô giá của tập đoàn. Thời gian tiếp tục trôi qua, anh càng ngày càng được giao nhiều trách nhiệm hơn, tổ chức lại nhiều khu vực, dàn xếp những vụ rắc rối ở khắp mọi nơi trên thế giới, phối hợp nhiều chi nhánh khác nhau của tập đoàn, sáng tạo ra nhiều khái niệm mới. Cuối cùng thì ngoài Sam Roffe ra, Rhys là người hiểu biết về việc điều hành công ty nhiều hơn cả. Rhys Williams được coi là người kế vị chức vụ chủ tịch hợp lý nhất.

Một buổi sáng, khi Rhys và Sam Roffe từ Caracas trở về trên máy bay riêng của công ty, một chiếc Boeing 707-320 sang trọng lộng lẫy trong đội máy bay tám chiếc, Sam Roffe đã khen ngợi Rhys về một vụ giao dịch có lời mà anh đạt được với chính phủ Venezuela.

Sẽ có một phần thưởng lớn cho anh trong vụ nầy, Rhys.

Tôi không muốn nhận phần thưởng, Sam. Tôi sẽ thích hơn nếu có một chân trong Hội đồng quản trị và một số cổ phần.

Anh đã kiếm được nó, và cả hai người đều hiểu điều đó Nhưng Sam trả lời:

Tôi xin lỗi. Tôi không thể phá bỏ quy luật, dù là vì anh. Roffe và các con là tập đoàn gia đình trị. Không một ai khác ngoài các thành viên trong gia đình được có mặt trong Hội đồng quản trị hay nắm giữ cổ phần cả.

Dĩ nhiên là Rhys biết điều đó. Anh được tham gia tất cả các buổi họp của Hội đồng quản trị, nhưng không phải với tư cách thành viên. Anh vẫn chỉ là người ngoài. Sam Roffe là người đàn ông cuối cùng trong dòng họ Roffe. Những người khác trong dòng họ, các em họ của Sam, đều là phụ nữ. Và các ông chồng của họ nghiễm nhiên trở thành thành viên Hội đồng quản trị. Walther Gassner lấy Anna Roffe; Ivo Palazzi lấy Simonetta Roffe, Charles Martel lấy Helene Roffe và Sir Alec Nichols có mẹ là một người mang họ Roffe.

Thế nên Rhys buộc phải đi đến quyết định. Anh thừa biết rằng mình xứng đáng có chân trong Hội động quản trị, rằng một ngày nào đó anh sẽ điều hành tập đoàn. Tình thế hiện tại không cho anh làm điều đó, nhưng tình thế lại có cách thay đổi. Rhys quyết định hoãn binh, chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Sam đã dạy anh phải kiên nhẫn. Và bây giờ Sam đã chết.

***

Đèn trong văn phòng lại bật sáng và Hajib Kafir đứng ở ngưỡng cửa. Kafir là giám đốc thương mại của Roffe và các con ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ta thấp, mập, nước da ngăm đen, bụng phệ, tay đeo nhẫn kim cương và tỏ ra tự hào về chúng. Ông ta có vẻ xộc xệch của một người phải vội vã mặc quần áo. Như vậy là Sophie đã không tìm thấy ông ta trong hộp đêm. Vậy cũng tốt Rhys nghĩ. Một tác dụng phụ của cái chết của Sam Roffe.

Rhys! – Kafir thốt lên. – Đồng nghiệp thân mến, tha lỗi cho tôi. Tôi không biết rằng anh vẫn còn ở Istanbul. Khi anh vừa lên đường ra phi trường thì tôi cũng có một công việc khẩn cấp phải…

Ngồi xuống, Hajib. Và ông nghe cho rõ đây. Tôi muốn ông gửi bốn bức điện bằng mật mã của tập đoàn. Chúng sẽ được chuyển tới các nước khác nhau. Tôi muốn chúng được tận tay đánh đi bởi người của chúng ta. Ông hiểu chứ?

Dĩ nhiên, – Kafir bối rối trả lời. – Rất hiểu.

Rhys liếc nhìn chiếc đồng hồ vàng mỏng dính hiệu Baume & Mercier nơi cổ tay ông ta.

Bưu điện New City sắp đóng cửa. Hãy gửi chúng từ Yeni Posthane Cad. Tôi muốn chúng được đánh đi trong vòng 30 phút nữa.

Anh trao cho ông ta bản copy bức điện tín anh đã viết. Bất kỳ ai thảo luận về chuyện nầy sẽ lập tức bị đuổi việc.

Kafir liếc qua mảnh giấy và đôi mắt ông ta mở to.

Chúa ơi! – ông ta nói. – Lạy Chúa! – Ông ta ngước mắt lên nhìn vào gương mặt rầu rĩ của Rhys. – Chuyện… chuyện khủng khiếp nầy đã xảy ra như thế nào?
Sam Roffe chết trong một tai nạn. – Rhys trả lời.

Bây giờ, lần đầu tiên Rhys cho phép ý nghĩ của mình hướng về điều mà anh đã cố xua đuổi khỏi tâm trí: Elizabeth, con gái của Sam. Năm nay nàng đã hai mươi tư tuổi. Lần đầu tiên Rhys gặp nàng là năm nàng lên mười lăm, miệng ngậm dây đeo quần, nhút nhát và phục phịch. Nhiều năm trôi qua, Rhys đã chứng kiến Elizabeth phát triển thành một thiếu nữ đặc biệt với sắc đẹp của mẹ, trí thông minh và nghị lực của bố. Nàng đã trở nên gần gũi với Sam. Rhys biết cái tin nầy sẽ ảnh hưởng mạnh đến nàng như thế nào. Anh sẽ phải tự mình báo tin cho nàng.

Hai giờ sau Rhys Williams đã ngồi trong phi cơ của tập đoàn bay trên bầu trời Địa Trung Hải, nhắm thẳng về hướng New York.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.