Frankenstein

Chương 12



“Tôi nằm trên đệm rơm, nhưng không sao ngủ được, nghĩ hoài đến những sự kiện xảy ra trong ngày. Điều gây ấn tượng nhất cho tôi là tác phong xử sự hòa nhã dịu dàng của mấy con người sống trong nhà; tôi mong được tiếp xúc với họ biết bao, nhưng không dám. Tôi còn nhớ quá rõ đã phải chịu đựng sự đối xử tàn bạo của dân làng hung ác đêm qua ra làm sao, và quyết định cho dù sau này mình có xác định lối cư xử nào là nên theo nhất đi chăng nữa, thì hiện giờ vẫn chỉ nên yên lặng nằm vùng mà quan sát, cố tìm hiểu xem mọi hành động của họ xuất phát từ động cơ nào, thế thôi.

Sáng hôm sau họ dậy từ trước lúc mặt trời mọc. Cô gái dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thức ăn, anh thanh niên ăn sáng xong ra đi ngay.

Cả ngày trôi qua theo lề thói hôm trước đó. Anh thanh niên thường xuyên bận rộn ở ngoài trời, cô gái chăm chỉ làm công việc trong nhà. Cụ già, mà tôi sau này phát hiện ra là bị mù, dùng thì giờ rảnh của mình chơi nhạc cụ và trầm tư mặc tưởng. Không gì sánh được tình yêu và lòng tôn trọng hai thanh niên dành cho vị cao niên. Họ chăm lo cho cụ từng ly từng tí hết sức dịu dàng, đầy yêu thương và trách nhiệm; và cụ ban thưởng cho họ những nụ cười nhân á

Họ cũng không hoàn toàn hạnh phúc. Anh thanh niên và cô gái thường đi riêng ra một chỗ với nhau, và dường như khóc. Tôi không hiểu có lý do gì khiến họ phải thấy bất hạnh; nhưng tôi xúc động nghẹn ngào vì điều đó. Những con người dễ thương đến như thế mà còn bất hạnh thì tôi đây, sinh vật không hoàn chỉnh và đơn côi thế này, có chịu cảnh khốn nạn thì cũng đâu có gì lạ. Nhưng những sinh linh dịu dàng này vì sao mà bất hạnh kia chứ? Họ có ngôi nhà tuyệt vời (dưới mắt tôi) với mọi thứ sang trọng, có lửa sưởi khi rét mướt, có thức ăn thịnh soạn vô chừng khi đói, họ phục sức thật là lộng lẫy, và hơn tất cả, họ sung sướng được ở bên nhau, nghe lời nói của nhau, trao nhau những cái nhìn yêu thương trìu mến mỗi ngày. Những giọt nước mắt kia nghĩa là gì? Liệu có phải nó thực sự biểu lộ nỗi đau, hay là không? Thoạt đầu tôi chịu không giải thích được những điều này, nhưng sự chú ý quan sát liên tục và lâu dài đã giải thích được cho tôi nhiều cảnh tượng mới nhìn tưởng là khó hiểu.

Mất một thời gian dài tôi hiểu ra một trong nhiều nguyên nhân khiến gia đình đáng yêu này sống lo lắng bất an: sự đói nghèo, và con quỷ ấy hành hạ họ ở một mức độ ghê rợn. Nuôi dưỡng họ hoàn toàn chỉ có rau cỏ trong vườn, và sữa của một con bò gầy càng ít sữa trong mùa đông, khi chủ nhân nó cũng không tìm nổi thức ăn cho nó. Họ hẳn đói khổ đói sở lắm, tôi tin vậy, nhất là hai người trẻ tuổi; bởi nhiều lần họ mang thức ăn cho cụ già, trong khi chính mình thì không ăn gì hết.

Cử chỉ âu yếm này tác động đến tôi rất lớn. Trước đó tôi đã quen đêm đến lấy cắp một phần kho trữ của họ để nuôi sống chính mình, nhưng khi phát hiện ra rằng làm thế nghĩa là tôi gây thêm khổ sở cho gia đình, tôi bỏ cuộc, chỉ sống tạm bằng dâu rừng, hạt dẻ, rễ cây tìm được từ khu rừng gần đó.

Tôi còn tìm ra một cách khác giúp đỡ họ. Tôi để ý rằng anh thanh niên mỗi ngày mất khá nhiều thời gian kiếm củi sưởi, và ban đêm tôi đem những thứ dụng cụ anh ta vẫn mang theo, mà tôi mau chóng học được cách sử dụng, kiếm một ít củi đủ sưởi trong nhiều ngày.

Tôi nhớ lại lần đầu làm việc này, buổi sáng khi cô gái ra mở cửa, cô rất ngạc nhiên thấy bên ngoài có một đống củi rất to. Cô thốt nên mấy tiếng lớn, anh thanh niên chạy ra theo, cũng tỏ ra lạ lắm. Tôi nhận thấy, lòng đầy vui sướng, rằng ngày hôm đó anh ta không vào rừng mà sửa chữa căn nhà, chăm sóc khu vườn.

Dần dần tôi phát hiện một vấn đề có tầm cỡ quan trọng hơn nhiều: những con người này có phương pháp truyền đạt mọi tình cảm, kinh nghiệm cho nhau bằng những âm thanh rành mạch. Tôi nhận thấy những lời họ nói có tác dụng khiến cho người nghe vui lên hay buồn đi, mỉm cười hay mang vẻ mặt đau đớn. Thật là một tri thức thánh thần, tôi nóng lòng muốn biết làm sao nắm được nó. Nhưng mỗi lần cố gắng thực hiện mục đích này tôi đều bị trở ngại. Họ phát âm quá nhanh, mỗi lời nói ra không hẳn gắn với một đồ vật cụ thể nhìn thấy được, tôi không thể lần ra đầu mối mà gỡ cho sáng tỏ điều bí mật họ ám chỉ. Tuy thế tôi hết sức chuyên cần ngồi trong hang ổ mình mà quan sát, trải qua bao nhiêu lần trăng khuyết lại tròn, tôi khám phá ra những cái tên gán cho một số đối tượng quen thuộc nhất trong các cuộc đàm thoại của họ. Tôi học được và áp dụng được các chữ ‘lửa’, ‘sữa’, ‘bánh mì’, ‘củi’. Tôi cũng học được tên của những người trong nhà. Hai người trẻ tuổi có rất nhiều tên gọi, riêng cụ già chỉ mỗi một tên: ‘cha’. Cô gái khi thì được gọi là ‘em gái’ khi thì được gọi là ‘Agatha’. Anh thanh niên là ‘Felix’, ‘anh trai’ hoặc ‘con trai’. Không thể tả nổi niềm vui sướng khi tôi hiểu nghĩa gắn với từng âm phát ra, đồng thời học được cách phát âm chúng. Tôi cũng phân biệt được nhiều từ nữa, tuy không hiểu nghĩa và không áp dụng được, như là ‘tốt’, ‘thân yêu’, ‘bất hạnh’.

Cả mùa đông trôi qua như thế. Phong thái và vẻ đẹp dịu dàng của những người trong nhà khiến tôi yêu quý họ vô cùng; họ không sung sướng, tôi cảm thấy khổ não; họ vui mừng, tôi chia vui cùng họ. Tôi ít thấy những con người khác ngoài họ; và những khi thỉnh thoảng cũng có người vào nhà, tác phong thô lỗ và dáng dấp vụng về của họ làm tôi càng thấy rõ tính ưu việt của những người bạn tôi. Cụ già, tôi nhận xét, thường luôn luôn cố gắng động viên ‘các con’ – đôi khi tôi nghe thấy cụ gọi như vậy – rũ bỏ mối sầu tư của mình. Những lúc đó cụ nói với giọng vui vẻ, biểu lộ tình nhân từ khiến ngay cả tôi cũng vui lây. Agatha nghe cụ nói một cách kính trọng, mắt cô đôi lúc dâng đầy lệ, nhưng cô cố chùi đi không để cho cha biết; tuy nhiên tôi để ý sau những lời động viên của cụ, cả vẻ mặt lẫn giọng nói của cô đều thường xuyên phấn khích hơn lên. Felix thì không vậy. Anh ta luôn là người buồn bã nhất trong số họ, và mặc dầu các giác quan của tôi đâu đã được luyện tập nhiều, tôi cũng cảm thấy rằng anh ta đã phải chịu đau khổ sâu sắc hơn tất cả. Nhưng dù vẻ mặt anh ta thảm thiết hơn, giọng nói anh lại vui tươi hơn hẳn cô em, nhất là khi nói với cụ già.

Có thể kể anh nghe vô vàn chuyện, ngắn ngủi nhẹ nhàng thôi, nhưng cho thấy được tính tình những người đáng yêu này. Giữa cảnh sống nghèo nàn thiếu thốn, Felix mừng rỡ đem cho em gái bông hoa trắng nhỏ đầu tiên đã ló ra dưới mặt đất phủ đầy tuyết. Sáng sớm khi Agatha chưa dậy, anh ta đã lo đi quét sạch tuyết trên con đường của cô ra nhà làm sữa, kéo nước tiếng lên, mang củi từ ngoài kho vào, nơi anh ta thường xuyên lấy làm lạ lúc nào cũng đầy ắp củi bởi một bàn tay vô hình. Hình như ban ngày anh ta làm thuê cho trang trại bên cạnh, vì thường đi suốt ngày tới tận giờ cơm tối, không mang theo củi. Đôi khi anh ta làm lụng trong vườn; tuy nhiên bởi mùa băng giá chẳng có mấy việc mà làm, anh đọc sách cho cụ già và Agatha nghe.

Chuyện đọc sách lúc đầu khiến tôi hoang mang cực điểm, nhưng dần dà tôi phát hiện ra khi đọc anh ta thốt ra những tiếng giống như khi chuyện trò. Từ đó tôi phỏng đoán trên giấy phải có những chỉ dấu mà anh ta hiểu được, hướng dẫn anh phải nói ra gì, và tôi cũng nóng lòng muốn hiểu cả cái đó nữa; nhưng làm thế nào được, khi tôi không hiểu được cả những âm thanh biểu thị trong những chỉ dấu này? Cho dù khá tiến bộ trong lĩnh vực này rồi, tôi vẫn chưa đủ khả năng theo dõi các cuộc chuyện trò, dù tôi tập trung toàn tâm toàn ý vào chuyện đó – bởi tôi dễ dàng nhận thức rằng, dù tôi mong ra mắt mấy người sống trong nhà đến đâu, tôi cũng không được phép làm việc này khi chưa nắm vững ngôn ngữ của họ trước đã; hiểu biết của tôi về nó có thể khiến họ bỏ qua không để ý hình dạng nửa người nửa ngợm nhân của tôi; vì cả điều này nữa tôi cũng đã làm quen, nhờ sự tương phản giữa tôi và họ lúc nào cũng bày ra trước mắt.

Tôi đã biết khâm phục hình dạng hoàn mỹ của họ: đẹp đẽ, duyên dáng, trắng trẻo hài hòa; nhưng tưởng tượng xem tôi khiếp hãi chừng nào khi soi mình xuống mặt ao trong vắt! Lúc đầu tôi giật mình lùi lại, không thể tin nổi tấm gương đã phản ảnh chính mình; đến khi hoàn toàn chấp nhận rằng thực tế mình là một con quái vật như vậy đấy, lòng tôi tràn ngập cảm giác cay đắng, vừa thất vọng chán chường vừa dằn vặt cắn rứt. Trời ơi! Lúc ấy tôi còn chưa biết hết hình thể méo mó này sẽ đưa lại những hậu quả chết người tới mức nào.

Trời dần ấm lên, ngày dài hơn, tuyết tan hết, và tôi nhìn thấy mặt đất đen và cây cối trơ trụi. Từ giờ trở đi Felix có nhiều việc làm hơn, và những dấu hiệu đau lòng của nạn đói treo lơ lửng trên đầu không còn nữa. Thức ăn của họ, như sau này tôi biết, rất thô sơ, tuy nhiên lành mạnh; và họ kiếm đủ ăn. Nhiều loại cây mới mọc lên trong vườn, và họ nấu lên, và những dấu hiệu no ấm ngày càng tăng theo bước mùa đang đến.

Cụ già trưa nào cũng dựa vào con trai đi dạo khi trời không mưa, là từ người ta gọi khi trời đổ nước xuống, như tôi hiểu được. Hồi này hay mưa lắm, nhưng sau đó gió lớn lại thổi khô mặt đất ngay, mùa trở nên dễ chịu hơn trước.

Cuộc sống trong cái chòi của tôi vẫn cùng một ki. Buổi sáng tôi theo dõi sự đi lại của những người trong nhà; khi họ phân tán ra mà làm những việc khác nhau thì tôi ngủ, thời gian còn lại trong ngày tôi quan sát họ. Họ đi ngủ rồi, nếu như đêm sáng trăng hoặc có ánh sao, tôi vào rừng kiếm thức ăn cho mình và nhiên liệu cho gia đình. Về nhà thì tôi thường quét tuyết và làm những nhiệm vụ của Felix theo cách anh ta làm. Sau này tôi được biết công việc này, không biết do bàn tay vô hình nào thực hiện, khiến họ hết sức ngạc nhiên; trong những dịp đó, một hai lần tôi nghe thấy họ nói ‘ông thần thiện’, ‘kỳ diệu’, nhưng lúc đó tôi chưa hiểu nghĩa mấy từ này.

Mọi ý nghĩ của tôi trở nên tích cực hơn, tôi mong mỏi phát hiện ra động cơ, tình cảm của những sinh linh dễ thương này; tôi tò mò muốn biết vì sao Felix trông khổ sở, vì sao Agatha trông buồn bã. Tôi cứ nghĩ (khốn nạn cái thân tôi!) biết đâu mình có khả năng đem lại hạnh phúc cho những con người hoàn toàn xứng đáng này. Lúc ngủ, hay lúc mơ màng, hình ảnh cụ già mù đáng kính, Agatha dịu hiền, Felix giỏi giang, cứ chập chờn trước mắt tôi. Tôi nhìn họ như giống loài thượng đẳng sẽ phán xử số phận tương lai của tôi. Đầu óc tôi hình dung hàng ngàn cảnh tượng mình ra mắt họ và họ đón nhận tôi. Tôi tưởng tượng lúc đầu họ thấy ghê tởm, rồi sau đó nhờ thái độ nhẹ nhàng, lời lẽ đấu dịu của mình, tôi sẽ giành được thiện cảm của họ, và tiếp đến là tình thương của họ.

Những suy nghĩ trên khiến tôi phấn khởi, và trao cho tôi nhiệt tâm mới để lại lao vào học tập nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Mọi cơ quan trong cơ thể tôi tuy thô thiển nhưng lại mềm mại; và tuy giọng tôi không êm dịu như giọng nói du dương của họ, nhưng tôi phát âm những từ theo như tôi hiểu một cách khá dễ dàng. Quả là chuyện con lừa và chú chó cưng[39], ấy thế nhưng, nếu lừa ta có những ý định yêu thương, cho dù cư xử còn thô lỗ đi chăng nữa, cũng xứng đáng được đối xử khá hơn những cú đấm đá, những lời chửi rủa chứ.

[39] Con lừa và chú chó cưng: một truyện ngụ ngôn của Aesop, được La Fontaine kể lại: con lừa thấy chú chó cưng được nằm trên lòng chủ, âu yếm vỗ về, ghen tị và bắt chước toan dùng móng mơn trớn, dùng giọng rống của mình mua lòng chủ, nhưng chỉ chuốc lấy gậy gộc.

Mùa xuân với những cơn mưa rào dịu nhẹ và không khí ấm áp thần tiên làm bộ mặt trái đất có những thay đổi lớn lao. Con người, trước đó dường như vẫn đang ẩn mình trong hang động, trước sự thay đổi đó tỏa cả ra ngoài, và tíu tít thực hiện các thủ thuật khác nhau của nghề trồng trọt. Chim chóc cất tiếng hân hoan hơn, lá non đâm chồi nảy lộc. Mặt đất hạnh phúc, biết bao hạnh phúc! Nơi ở dành cho các đấng thánh thần, nơi vừa mới đây còn ẩm thấp, trống trải và độc địa. Tinh thần tôi phấn chấn hẳn lên trước cảnh thiên nhiên đầy mê đắm; quá khứ mờ đi trong tâm thức tôi, hiện tại thật an bình, tương lai lấp lánh những tia hy vọng rực rỡ và dự cảm về niềm vui đang chờ đợi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.