Frankenstein

Chương 18



Ngày ngày qua đi, tuần tuần qua đi kể từ khi tôi trở về Geneva; nhưng tôi vẫn không đủ can đảm bắt đầu lại công việc. Tôi sợ sự trả thù của con quỷ khi thất vọng, thế nhưng không thể thắng nổi nỗi ghê tởm cái nhiệm vụ buộc phải làm. Tôi phát hiện mình không thể tạo ra một phiên bản nữ mà không mất thêm nhiều tháng trời nghiên cứu công phu nữa. Tôi đã nghe nói đến một số phát minh của một nhà khoa học tự nhiên người Anh, phải nắm vững được chúng mới đảm bảo được thành công của công việc tôi; và đôi khi tôi đã nghĩ đến chuyện xin phép cha tôi sang Anh vì mục đích này; nhưng rồi cứ lấy hết lý do này đến lý do khác trì hoãn bước đầu tiên của công cuộc mà càng ngày tôi càng thấy ít khẩn thiết hơn. Thật sự trong tôi cũng có một vài thay đổi; sức khỏe trước đang suy yếu của tôi nay đã hồi phục nhiều, và thần, khi nào tạm thoát khỏi nỗi ám ảnh về lời hứa khốn khổ kia, cũng khá lên đáng kể. Cha tôi mừng rỡ quan sát sự thay đổi này, và nay chỉ bận tâm nghĩ cách làm sao diệt được tận gốc di chứng nỗi đau buồn của tôi, thỉnh thoảng lại tấn công thình lình từng đợt, kéo màn đêm sầm tối che khuất ánh nắng đang tới gần. Những lúc ấy tôi ẩn mình ở một nơi cô liêu hoàn hảo; suốt ngày tôi lênh đênh trên hồ trong một con thuyền nhỏ, nhìn mây trôi, nghe tiếng sóng gợn lăn tăn, lơ đãng không nói không rằng. Nhưng rốt cuộc khí trời mát mẻ, ánh mặt trời rực rỡ luôn làm tôi bình tĩnh lại, và tôi trở về nhà cùng những tiếng chào của người thân với nụ cười tươi tắn hơn và trái tim còn náo nức hơn.

Một lần, sau chuyến lang thang như vậy, cha tôi gọi tôi lại bảo:

“Con trai yêu quý, cha sung sướng mà thấy con hầu như đã trở lại là con, đã lại vui với những thú vui ngày trước. Tuy nhiên con vẫn có vẻ không vui, và vẫn lánh mặt mọi người. Lâu nay cha cứ đoán già đoán non không nổi về nguyên nhân của nó, nhưng hôm qua một ý tưởng chợt đến với cha, và nếu đúng, cha thiết tưởng con cần thừa nhận. Dè dặt trong chuyện đó quả không cần thiết, chưa kể còn làm cả nhà khổ gấp mấy lần nữa.”

Tôi run bắn cả người trước đoạn mào đầu ấy, và cha tôi nói tiếp:

“Con ơi, thú thật với con là lúc nào cha cũng mong chờ đám cưới của con với Elizabeth yêu quý để thắt chặt tình thân trong gia đình chúng ta, và đảm bảo cha có chỗ nương tựa lúc tuổi già. Hai con đã gắn bó với nhau từ lúc bé, lại cùng học với nhau, thiên hướng, thị hiếu đều tỏ ra hoàn toàn tương hợp. Nhưng người ta đôi khi có mắt như mù, biết đâu những điều ta tưởng sẽ trợ giúp đắc lực nhất cho kế hoạch của ta lại phá vỡ nó hoàn toàn. Có thể, con chỉ coi cô bé như em gái, không hề có ý muốn lấy cô làm vợ. Hoặc giả con đã yêu ai đó khác, và vì cho rằng đã bị ràng buộc với cô bởi danh dự, cơn đấu tranh tư tưởng có lẽ đã gây ra nông nỗi khổ cực con đang phải mang chăng.”

“Cha ơi, cha cứ yên tâm. Con yêu nàng chân thành và tha thiết. Con chưa hề gặp người đàn bà nào tạo cho con những tình cảm thương yêu và khâm phục nồng nhiệt nhất như nàng. Tương lai và hy vọng của con hoàn toàn nằm trong cuộc hôn nhân đang chờ đợi của chúng con.”

“Victor thân yêu, những tình cảm con giãi bày về vấn đề này đưa lại cho cha niềm vui mà đã lâu rồi cha không còn cảm thấy. Nếu con nghĩ vậy, nhất định là chúng ta sung sướng vô cùng, cho dù mấy sự kiện hiện tại có phủ bóng u á chúng ta tới mức nào. Nhưng chính sự u ám này, có vẻ tác động đến tâm trí con quá mạnh, là điều cha muốn xua tan. Vì vậy hãy cho cha biết liệu con có phản đối tổ chức tức thời hôn lễ hay không? Vừa qua chúng ta thật không may, chuyện rủi ro đã phá tan bầu không khí yên tĩnh thường nhật cần thiết cho tuổi già sức yếu của cha. Con tuy còn trẻ thật, nhưng cha cho rằng với tài sản đủ sống phong lưu, kết hôn quá sớm cũng không gây trở ngại gì cho con trong những dự định tương lai đầy vinh quang và cống hiến con đang ấp ủ. Dĩ nhiên, cũng không nên nghĩ rằng cha áp đặt hạnh phúc ấy cho con, hoặc sự trì hoãn mà con cần đến sẽ khiến cha bất an nghiêm trọng. Hãy mở rộng lòng mà hiểu những lời cha nói rồi hãy trả lời cha thành thật và tin cậy, cha trịnh trọng đề nghị con đấy.”

Tôi im lặng lắng nghe cha mình, và suốt một lúc lâu không biết trả lời thế nào. Tôi suy đi xét lại vô vàn ý nghĩ trong óc, cố đi đến kết luận. Hỡi ôi! Ý nghĩ thành hôn ngay với Elizabeth đối với tôi thật kinh khủng, làm tôi mất hết tinh thần. Tôi đang bị buộc vào một lời hứa trang nghiêm mà tôi chưa thực hiện xong, mà cũng không dám phá vỡ; nếu tôi phá vỡ thì hàng vạn thứ tai họa gì sẽ treo lơ lửng trên đầu tôi và gia đình yêu quý của tôi! Làm sao tôi có thể lao vào hội hè yến tiệc tưng bừng với cái gánh nặng chết người ấy còn đang đeo trên cổ, ghì tôi xuống tận mặt đất. Tôi phải hoàn thành xong cam kết của mình, cho con quái vật đem vợ hắn đi theo đã, rồi mới có thể cho phép mình vui hưởng được cuộc hợp hôn mà tôi hy vọng sẽ đem lại yên bình.

Tôi cũng nhớ rõ mình nhất thiết phải thực hiện một trong hai việc, hoặc đi Anh hoặc bắt đầu trao đổi thư từ phương xa với các nhà khoa học tự nhiên Anh, thiếu kiến thức và phát minh của họ tôi không thể tiến hành được công cuộc sắp tới. Lựa chọn sau tỏ ra mất nhiều thì giờ mà không đưa lại kết quả hài lòng; hơn nữa tôi ghê tởm cái ý tưởng lao vào cái việc kinh khủng ấy ngay trong nhà cha tôi, trong lúc vẫn hàng ngày chuyện trò thân thiết với những người tôi yêu thương. Tôi biết hàng ngàn tai ương đáng sợ có thể xảy ra, chỉ bất cẩn chút xíu thôi cũng có thể lộ ra câu chuyện sẽ làm người thân của tôi run lên khiếp hãi. Tôi cũng biết tôi sẽ thường xuyên đánh mất mọi cố gắng tự chủ, mọi khả năng che giấu những cảm giác nhiễu loạn chắc chắn sẽ đến với tôi trong quá trình phản tự nhiên này. Tôi sẽ phải lánh mặt mọi người thân yêu trong khi làm việc ấy. Một khi đã bắt đầu, phải hoàn tất cho nhanh, và có thể tôi sẽ được trả lại cho gia đình trong thanh thản và hạnh phúc. Tôi thực hiện xong lời hứa, con quái vật kia sẽ ra đi vĩnh viễn. Cũng có thể (tôi vuốt ve tưởng tượng này) biết đâu có sự kiện gì đó xảy ra sẽ hủy diệt hắn đi và tôi sẽ mãi mãi thoát khỏi cảnh nô lệ.

Từ những cảm nghĩ này, tôi trả lời được cha tôi. Tôi bày tỏ mong muốn được thăm nước Anh, dĩ nhiên giấu lý do thực, tôi khoác lên đề nghị của mình một lớp vỏ khiến không ai nghi ngờ; tôi nói lên nguyện vọng một cách thiết tha khiến cha tôi dễ dàng thuận theo. Sau cả một thời kỳ chìm đắm trong sầu não, mà xét về mức độ và ảnh hưởng đã gần đến như chứng tâm thần, cha tôi lấy làm mừng thấy tôi vẫn còn khả năng tìm được niềm vui trong ý tưởng du lịch dài ngày ấy, và ông hy vọng sự thay đổi cảnh trí và những thú giải khuây mới lạ sẽ làm tôi hoàn toàn trở lại như trước khi tôi trở về nhà.

Tôi sẽ đi bao lâu là tùy tôi chọn lựa. Vài tháng, có thể một năm, dự định là như thế. Với tính thận trọng do tình cảm ân cần của người cha, cha tôi tìm cách bảo đảm cho tôi một bạn đồng hành. Không cần bàn luận trước với tôi, ông hội ý với Elizabeth, thu xếp cho Clerval gặp tôi tại Strasburgh. Việc này đã cản trở sự cô độc mà tôi mong muốn để tiến hành nhiệm vụ của mình; tuy nhiên khi mới khởi đầu cuộc hành trình, bạn tôi chẳng gây vướng víu gì cho tôi cả, và tôi thực sự vui mừng khi anh cứu tôi khỏi nhiều giờ phút một mình với những suy tưởng dễ khiến người ta điên dại. Hơn nữa, Henry còn là vật cản không cho con quỷ xâm nhập đến chỗ tôi. Nếu có mình tôi, liệu hắn có tha cho mà không chốc chốc lại xuất đầu lộ diện, thúc giục tôi làm nhiệm vụ hoặc xem xét tiến triển công việc đến đâu?

Vậy là tôi sẽ đi Anh, và hôn lễ với Elizabeth được hiểu ngầm là sẽ tiến hành ngay khi tôi trở lại. Tuổi tác của cha tôi không cho phép việc này kéo dài mãi. Phần tôi, tôi tự hứa hẹn một phần thưởng cho mình sau công việc cực nhọc mà tôi ghét cay ghét đắng ấy, một sự an ủi cho nỗi khổ không gì sánh nổi ấy: đó là mơ tưởng về cái ngày tôi được giải phóng khỏi cảnh nô lệ cùng cực, hợp nhất với Elizabeth, vĩnh viễn quên đi quá khứ trong cuộc sống với nàng.

Thế là tôi chuẩn bị cho chuyến đi, duy có một điều ám ảnh làm tôi vô cùng hoang mang lo sợ. Trong suốt thời gian vắng nhà, tôi sẽ để người thân của tôi ở lại không biết gì về sự tồn tại của kẻ thù, không được bảo vệ khỏi sự tấn công của hắn, một điều rất dễ xảy ra khi hắn điên giận đến thế vì thấy tôi ra đi. Nhưng hắn đã nói sẽ theo tôi đến cùng kia mà; thế nào hắn chẳng theo tôi sang Anh? Hình dung ấy hãi hùng thật, nhưng lại giúp yên lòng, nếu xét rằng nó đảm bảo an toàn cho các bạn tôi ở nhà. Tôi kinh hoàng nghĩ rằng biết đâu điều ngược lại có thể xảy ra. Tuy nhiên suốt cả quá trình làm nô lệ cho sinh vật của mình, tôi tự cho phép mình tuân theo trực giác trong từng giây phút, và cảm giác hiện tại của tôi cho biết mạnh mẽ rằng con quái vật ấy sẽ theo tôi, và tránh cho gia đình tôi khỏi những mưu đồ nguy hiểm của hắn.

Cuối tháng Chín lần thứ hai tôi rời chân khỏi quê hương xứ sở. Chuyến đi này do chính tôi đề xuất, vì vậy Elizabeth thuận lòng; nhưng nàng đầy xao xuyến khi hình dung tôi, ở một nơi rất xa nàng, đang phải chịu đựng những đợt tấn công liên tiếp của đau buồn và khổ sở. Chính sự quan tâm ân cần của nàng đã trao Clerval cho tôi làm đồng bạn, thế nhưng đàn ông vốn mù trước hàng nghìn tiểu tiết, vốn đòi hỏi sự chăm chút kỹ càng của bàn tay phụ nữ. Nàng những muốn yêu cầu tôi sớm trở lại; bao nhiêu tình cảm xung đột khiến nàng không thốt nổi thành lời, và chia tay tôi thầm lặng trong nước mắt.

Tôi ném mình vào chiếc xe ngựa sẽ đưa tôi đi, chẳng biết mình đi đâu nữa, cũng chẳng để ý xem những gì đang xảy ra chung quanh mình. Tôi chỉ còn nhớ một điều, với nỗi chua xót đắng cay, yêu cầu người ta đóng gói các dụng cụ thí nghiệm theo tôi. Trong đầu tưởng tượng đủ các chuyện ghê gớm, tôi vượt qua bao cảnh đẹp hùng vĩ nhưng đôi mắt trơ trơ nhìn phía trước chẳng thấy gì. Tôi chỉ có thể nghĩ về mục đích của chuyến đi và công việc phải làm trong suốt thời gian đi xa.

Sau ít ngày lờ phờ không hứng thú, qua hết dặm đường này đến dặm đường khác, tôi đến Strasburgh và ở đây hai ngày chờ Clerval. Anh đến. Ôi chao, anh và tôi mới trái ngược nhau làm sao! Anh linh hoạt hẳn lên mỗi khi nhìn thấy một quang cảnh mới, anh vui tươi trước vẻ đẹp của mặt trời lặn, càng sung sướng hơn lúc vầng dương hửng dần bắt đầu một ngày mới. Anh chỉ cho tôi xem sự biến chuyển của màu sắc trong cảnh vật, và những thiên tượng trên bầu trời. “Sống thế này mới là sống chứ!” anh kêu lên. “Bây giờ mới đúng là tôi đang hưởng thụ cuộc đời! Nhưng còn bạn, Frankenstein thân mến ơi, sao trông bạn nản chí và buồn thảm quá vậy?” Thực tế tôi còn mải bận tâm vì những ý nghĩ u ám, nào có thấy sao Hôm đang lặn, ánh vàng mặt trời đang lên phản chiếu trên sông Rhine. Và bạn yêu quý ạ, hẳn bạn sẽ thích thú hơn nhiều khi đọc cuốn nhật trình của Clerval, trong đó cảnh vật được nhìn với cặp mắt hân hoan đầy cảm xúc, chứ không phải lắng nghe những suy tư ủ dột của tôi. Tôi, kẻ khốn khổ khốn nạn, ám ảnh bởi một lời nguyền đã tuyệt hết đường dẫn đến mọi niềm vui sướng hân hoan.

Chúng tôi thỏa thuận sẽ xuôi thuyền dọc theo sông Rhine từ Strasburgh đến Rotterdam, từ đây có thể lên tàu thủy đi London. Cuộc hành trình đưa chúng tôi qua bao hòn đảo phủ đầy dương liễu và vài thị trấn xinh đẹp. Chúng tôi dừng chân một ngày ở Manheim, và tới ngày thứ năm của cuộc phiêu du, đã đến Mayence. Sau Mayence thì phong cảnh hai bên sông Rhine ngày càng đẹp như tranh. Dòng sông chảy nhanh hơn, uốn lượn quanh các ngọn đồi không cao lắm nhưng dốc nghiêng với hình thù đẹp mắt. Chúng tôi nhìn thấy nhiều lâu đài đổ nát đứng chênh vênh trên các bờ vực thẳm, lọt giữa những cánh rừng tối đen cao vời, bất khả xâm phạm. Thật, đoạn này của sông Rhine quang cảnh thật là biến ảo: vừa trông thấy những ngọn đồi lởm chởm và các phế tích lâu đài trên vách núi, bên dưới là dòng sông đen chảy xiết, chỉ ngoặt qua một mũi đá đã lại là những đồng nho sum suê, bờ xanh thoai thoải, với dòng sông uốn lượn, thị trấn tấp nập hai bên.

Chúng tôi đi qua đúng mùa nho, và xuôi theo dòng nước, chúng tôi nghe thấy bài ca của những người trồng nho. Ngay cả tôi, tâm tư đang u ám, tinh thần thường xuyên thảng thốt vì những cảm xúc não nề, tôi cũng phải vui lên. Nằm ở đáy thuyền nhìn lên bầu trời không gợn mây, tôi hầu như đang thấm vào trạng thái thanh thản đã lâu nay xa lạ với tôi. Và nếu tôi mà còn như thế, thử hỏi Henry còn sung sướng thế nào? Anh cảm thấy mình đã đến xứ sở thần tiên, tận hưởng niềm hạnh phúc người đời ít khi biết tới.

“Mình đã thăm những cảnh đẹp nhất của quê hương mình,” anh nói, “đã thăm những con hồ vùng Lucerne và Uri, nơi những ngọn núi phủ tuyết lao thẳng đứng xuống mặt nước tạo nên những bóng tối thăm thẳm không xâm nhập được, lẽ ra đã tạo cảm giác ảm đạm thê lương nếu không có những hòn đảo xanh rì tươi tắn xoa dịu con mắt; mình cũng đã được nhìn thấy hồ này trong cơn bão, gió tốc từng cột nước lên cho chúng ta hình dung vòi rồng trên biển là như thế nào; và những con sóng giận dữ táp vào chân núi, nơi ngày xưa vị tu sĩ cùng với người yêu bị một tảng tuyết lở đè bẹp, tiếng kêu hấp hối của họ nghe đồn vẫn còn nghe thấy khi gió đêm tạm lắng[49]; mình đã nhìn thấy núi ở La Valais hay Pays de Vaud; nhưng Victor ơi, cái đất nước này làm mình thích thú hơn tất cả những kỳ quan ấy. Núi ở Thụy Sĩ kỳ lạ và hoành tráng hơn, tuy nhiên hai bờ con sông này có cái duyên dáng thần thánh không đâu sánh được. Cứ nhìn tòa lâu đài cheo leo trên vách đá kia; lại một tòa trên hòn đảo kia nữa, hầu như lẩn mất giữa tán lá dày đặc của hàng cây đẹp đẽ; kìa là một nhóm người trồng nho từ đồng nho đi ra; cả nửa ngôi làng khuất sau hẻm núi kia nữa. Ôi! Vị thần cư ngụ và cai quản nơi này hẳn phải có tâm hồn hòa hợp với loài người hơn kẻ đã dựng những cột băng cao ngất, hoặc lui vào ẩn dật trên những đỉnh núi không ai tới được của đất nước chúng ta.”

[49] Giai thoại này được Mary Shelley thuật lại trong History of a Six Weeks’ Tour (Lịch sử một cuộc dạo chơi sáu tuần), 1817: “Vài ngọn núi bao bọc lấy hồ về phía Nam đỉnh phủ tuyết băng vĩnh cửu; một trong số đó, ngay đối diện Brunen, có một truyền thuyết về một tu sĩ và người tình của ông ta, chạy trốn khỏi sự trừng phạt, đã ẩn trong một nếp nhà nhỏ ở dưới chân những lớp núi. Một đêm mùa đông cơn tuyết lở xuống đã lấp trùm lên họ, nhưng giọng nói yếu ớt của họ vẫn còn nghe thấy được trong những đêm bão tố, van xin những người nông dân cứu giúp.”

Ôi Clerval! Người bạn thân yêu! Đến tận bây giờ tôi vẫn còn tìm được niềm vui khi nhắc lại những lời nói của bạn, và nhắc đi nhắc lại những lời khen bạn xứng đáng đến vậy. Clerval là một sinh linh được tạo ra từ ‘chính chất thơ của thiên nhiên’(*). Trí tưởng tượng phóng khoáng và dào dạt của anh được gọt giũa nhờ trái tim nhạy cảm. Tâm hồn anh tràn đầy tình yêu thương nồng cháy, tình bạn của anh là thứ tình cảm tận tụy và kỳ diệu mà đám người đầu óc thực tế giảng cho ta rằng chỉ có trong tưởng tượng. Nhưng ngay cả những mối đồng cảm của con người cũng không đủ thỏa mãn tâm hồn đầy khao khát của anh. Cảnh vật thiên nhiên ngoại giới, thứ người khác chỉ biết đứng xa ngưỡng mộ, được anh yêu nồng nhiệt:

Thác đổ ầm ầm

ám ảnh anh như một đam mê; vách đá cheo leo,

núi non hùng vĩ, rừng thẳm âm u,

những màu sắc dáng hình đủ thỏa mãn

lòng khao khát nơi anh, yêu thương, cảm xúc,

chẳng cần nhờ đến suy tư, hay hấp dẫn từ xa,

hay thích thú không do mắt ta đưa lại. (**)

(*) Rimini của Leigh Hunt (Chú thích của Mary Shelley trong bản in năm 1818).

(**) Tu viện Tinton của Wordswoth (Chú thích của Mary Shelley trong nguyên bản).

Và bây giờ bạn đang tồn tại nơi đâu? Lẽ nào sinh linh dịu dàng dễ thương bạn tôi đã mất đi vĩnh viễn? Lẽ nào tâm trí bạn, đầy ắp ý nghĩ và tưởng tượng phong phú tuyệt vời, đã tạo nên cả một thế giới chỉ tồn tại khi mà người tạo ra nó còn sống trên đời này, lẽ nào tâm trí đó đã bị hủy diệt? Có phải nó chỉ còn tồn tại trong ký ức tôi? Không, không phải thế; hình hài đẹp đẽ ngời ngời như thần thánh của bạn đã tan rữa đi, nhưng linh hồn bạn vẫn về thăm và an ủi kẻ bất hạnh này.

Hãy thứ lỗi cho cơn buồn đau bột phát này, những lời vô dụng vừa rồi chẳng qua là một kính viếng nhẹ nhàng gửi tới bạn Henry vô giá của tôi, nhưng chúng làm dịu trái tim tôi đang đau đớn bởi những kỷ niệm về anh. Tôi sẽ tiếp tục câu chuyện.

Sau Cologne chúng tôi xuống tới đồng bằng Hà Lan và quyết định đi tiếp chặng đường còn lại bằng xe trạm, vì lúc này gió thổi ngược chiều mà dòng nước sông lại chảy quá yếu nên đi thuyền không thuận lợi.

Giờ đây cuộc hành trình của chúng tôi không còn được cái thích thú do cảnh đẹp đưa lại, tuy nhiên chỉ vài ngày sau đã đến Rotterdam, từ đó chúng tôi xuống tàu thủy đi Anh. Vào một buổi sáng trời trong vắt cuối tháng Mười hai, lần đầu tiên tôi nhìn thấy những vách núi trắng xóa của nước Anh. Hai bên bờ sông Thames là một cảnh đẹp mới mẻ, bằng phẳng nhưng màu mỡ, và hầu như mỗi thành phố đều gợi lại một câu chuyện nào đó. Chúng tôi nhìn thấy pháo đài Tilbury và nhớ lại đội chiến thuyền Tây Ban Nha; sau đó là Gravesend, rồi Woolwich và Greenwic, những nơi mà thậm chí ở nước tôi cũng đã nghe nói đến.

Cuối cùng chúng tôi nhìn thấy cơ man là tháp chuông nhà thờ của London, ngọn tháp nhà thờ Thánh Paul vượt lên trên tất cả, rồi đến Tháp London lừng danh trong lịch sử Anh quốc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.