Frankenstein
Chương 21
Chẳng mấy chốc tôi được đưa vào gặp thẩm phán, một ông già phúc hậu, tác phong điềm tĩnh dịu dàng. Tuy nhiên ông nhìn tôi một cách nghiêm khắc, sau đó quay lại hỏi những người dẫn tôi đến rằng ai là người chứng kiến chuyện này.
Khoảng nửa tá người tiến lên; thẩm phán chọn ra một người, ông ta khai rằng đêm hôm trước đã ra biển đánh cá cùng con trai và anh rể, Daniel Nugent, nhưng khoảng mười giờ gió bấc nổi lên rất mạnh, khiến họ đành quay lại cảng. Trăng chưa lên, trời tối như mực; họ không vào cảng được, và như lệ thường họ lên bờ từ một vịnh nhỏ cách đó hai dặm. Ông ta đi trước, mang một phần đồ lề đánh cá, hai người kia theo sau một quãng. Bỗng ông vấp chân phải một vật gì đó trên bãi cát, ngã lăn ra. Hai người kia chạy đến đỡ ông dậy; dưới ánh đèn bão họ thấy ông đã ngã đè lên cơ thể một người đàn ông, nhìn thoáng qua biết là đã chết. Lúc đầu họ tưởng xác một người chết đuối bị sóng đánh giạt vào bờ, nhưng xem lại thấy không phải: quần áo không ướt, và thậm chí người chưa lạnh hẳn. Họ lập tức đem vào nhà một bà già ở gần ngay đó, cố hồi sức cho nó nhưng hoài công. Đó là xác một thanh niên trẻ, đẹp trai, khoảng hai nhăm tuổi. Rõ ràng là anh ta đã bị siết cổ, vì không thấy dấu vết vật lộn nào khác, ngoài vết ngón tay hằn trên cổ còn đen tím lại.
Phần đầu lời khai chẳng hề khiến tôi để ý, nhưng đến chỗ vết ngón tay bóp cổ, tôi sực nhớ đến vụ ám sát em tôi và trở nên vô cùng kích động; chân tay bủn rủn, mắt như bị phủ một làn sương, tôi phải dựa vào một cái ghế cho khỏi ngã. Vị thẩm phán quan sát tôi bằng con mắt sắc bén và hiển nhiên rút ra một dự đoán bất lợi từ thái độ của tôi.
Anh con trai khẳng định lời khai của ông bố; nhưng khi gọi đến Daniel Nugent, ông ta thề rằng ngay trước khi người kia ngã, ông ta trông thấy một con thuyền, trên có một người duy nhất, cách bờ một khoảng tương đối gần; dưới ánh sao mờ nhìn có vẻ như chính cái thuyền mà tôi đã chèo vào trong cảng.
Một người đàn bà khai, bà ta sống gần bờ biển, và tối đó đang đứng trước nhà mình chờ người nhà đi đánh cá về, khoảng một giờ trước khi biết có tìm thấy xác người, thì thấy có một chiếc thuyền, trên có độc nhất một người, lao ra biển từ đúng chỗ bãi cát trên đó cái xác được tìm thấy
Một người đàn bà khác khẳng định lời khai của người đánh cá đã mang vào nhà mình thi thể người chết: lúc đó nó còn chưa lạnh. Họ đặt vào giường cố xoa bóp, Daniel thì lên thị trấn tìm ông dược sĩ, nhưng anh ta đã chết hẳn.
Thêm một số người nữa được thẩm vấn về việc lên đất liền của tôi, và họ đều cho rằng với gió Bắc mạnh nổi lên hồi đêm, rất có thể thuyền tôi đã bị quăng quật suốt nhiều giờ, và bị đẩy trở lại gần như đúng nơi mình đã rời bờ. Hơn nữa họ nhận xét xem chừng tôi đã mang thi thể người chết từ nơi khác tới, và bởi tôi xem ra không thông thuộc bờ biển này, có lẽ tôi đã tấp vào đây mà không biết khoảng cách giữa thị trấn và nơi đặt xác chết.
Ông Kirwin nghe đến đây yêu cầu người ta đưa tôi vào buồng đặt cái xác nằm chờ mai táng để xem phản ứng của tôi thế nào khi thấy mặt người chết. Ý định này rõ ràng là do thấy tôi cực kỳ bồn chồn hốt hoảng khi nghe miêu tả phương thức ám sát. Thế là tôi được đưa vào trong quán, do chính ông và nhiều người khác nữa dẫn đường. Tôi không thể không chột cả người vì những trùng khớp kỳ lạ trong cái đêm đầy sự kiện vừa qua; nhưng biết chắc rằng vào khoảng lúc tìm ra thi thể nạn nhân ở đây thì tôi còn đang trò chuyện với những người trên đảo bên kia, tôi hoàn toàn bình thản về kết quả của sự việc.
Tôi được đưa vào buồng đặt người chết, đến chỗ quan tài. Biết mô tả thế nào cảm xúc của tôi khi nhìn vào đó? Tôi như bị thiêu đốt vì khiếp đảm, và giờ đây nghĩ lại phút giây kinh khủng đó tôi cũng không khỏi run người đau đớn. Cuộc thẩm tra, ngài thẩm phán và nhân chứng đang có mặt ở đó, phai khỏi tâm trí tôi như một giấc mộng, khi tôi nhìn thấy trước mặt mình nằm dài thi thể bất động của Henry Clerval. Tôi thở hổn hển, và lăn xả vào cái xác, tôi kêu lên:
“Chẳng lẽ những mưu toan giết người của tôi lại cướp đi mạng sống của cả bạn nữa, Henry yêu quý của tôi? Tôi đã hủy diệt hai con người rồi; bao nạn nhân khác còn đang chờ số phận, nhưng bạn, Clerval, bạn của tôi, ân nhân của tôi…”
Sức chịu đựng của con người có giới hạn, đến đây tôi quỵ xuống, lên cơn kinh giật, tôi được mang ra ngoài.
Tiếp theo đó là một cơn sốt li bì, tôi nằm liệt giường hai tháng bên bờ cái chết, những tiếng gào rú của tôi trong cơn mê sảng, như sau này tôi được biết, thật là kinh khủng: tôi tự gọi mình là thủ phạm giết William, Justine và Clerval. Có lúc tôi van nài những người chăm sóc hãy giúp tôi hủy diệt con quỷ đang hành hạ tôi; có lúc tôi cảm thấy những ngón tay của con quái vật đã siết quanh cổ, và gào thét trong hoảng hốt và quằn quại. May mắn là tôi nói bằng tiếng nước tôi, chỉ riêng mình ông Kirwin hiểu; tuy nhiên những động tác của tôi kèm với tiếng kêu thét đủ làm những người chứng kiến phải hoảng hồn.
Làm sao mà tôi lại không chết đi cơ chứ? Khổ đến chưa ai từng như vậy, sao tôi không được chìm vào quên lãng và yên giấc ngàn thu? Cái chết chỉ giỏi chộp lấy những đứa trẻ đang tươi tắn, nguồn hy vọng duy nhất của các bậc sinh thành sùng bái chúng; biết bao cô dâu và người yêu trẻ trung vừa hôm trước tràn đầy sức khỏe và hy vọng, hôm sau đã trở thành miếng mồi cho sâu bọ đục khoét để rồi rữa nát dưới đáy mồ. Tôi được tạo thành bởi vật liệu gì đây mà chịu đựng nổi ngần ấy cơn choáng váng, không khác gì vòng quay của bánh xe, cứ lăn đi lăn lại tra tấn cực hình?
Nhưng số phận đã kết án tôi phải sống; và sau hai tháng, như người vừa tỉnh giấc sau cơn mơ, tôi thấy mình trong tù, nằm dài trên một chiếc giường thảm hại, chung quanh là cai ngục, người giữ chìa khóa nhà tù, là then cửa, là mọi tiện nghi đáng sợ của phòng giam. Tôi nhớ khi đó là buổi sáng, khi tôi tỉnh táo trở lại như vậy: tôi đã quên những chi tiết cụ thể vừa qua, chỉ cảm thấy rằng một vận rủi cay độc nhất vừa đến với mình; nhưng khi nhìn quanh, bắt gặp những chấn song trên cửa sổ, quan sát căn phòng dơ dáy, tất cả lóe lên trở lại trí nhớ tôi, tôi rên lên với bao xót xa cay đắng.
Tiếng rên của tôi đánh thức một bà già ngủ trên chiếc ghế bên cạnh tôi. Đó là y tá do nhà tù thuê, vợ của một người giữ chìa khóa ngục, mặt mũi thể hiện đủ mọi tính cách xấu xa nói lên đặc điểm của giai tầng ấy. Đường nét trên mặt mụ rắn và thô, giống như ở người quen nhìn cảnh khổ mà không hề động tâm. Giọng nói cho thấy mụ hoàn toàn vô cảm; mụ nói tiếng Anh với tôi, và tôi nhận ra một trong những giọng đã nghe trong những ngày còn mê sảng:
“Ông khá rồi hả?” mụ hỏi.
Tôi trả lời cũng bằng tiếng Anh, giọng yếu ớt: “Có lẽ thế; nhưng nếu quả đó là sự thực chứ không phải tôi đang mơ, tôi thật tiếc vẫn còn sống mà cảm thấy kinh hoàng và khốn khổ khốn nạn như thế này.”
“Về chuyện ấy à,” mụ già nói, “nếu ông có ý nói đến vị quý phái mà ông đã giết, tôi nghĩ thà ông chết mà lại hơn, vì tôi cho là vụ ấy sẽ làm ông cay đấy! Tuy nhiên chẳng phải việc tôi; việc tôi là nuôi ông làm ông khỏe lại, tôi làm nhiệm vụ mình lương tâm yên ổn, giá ai cũng làm được như thế thì đã tốt biết mấy.”
Tôi ghê tởm quay đi khỏi mụ đàn bà đã thốt ra những lời lẽ vô tình đến thế đối với một người vừa mới được cứu sống bên bờ vực của cái chết; tuy nhiên tôi cảm thấy mình quá yếu, không nghĩ nổi về những gì đã qua. Toàn bộ đời tôi diễn ra như một giấc mơ; tôi còn tự hỏi liệu nó có đúng là có thực, bởi nó không bao giờ xuất hiện trước mắt tôi với toàn bộ sức nặng thực tế.
Nhưng rồi những hình ảnh bồng bềnh trước mắt tôi ngày càng trở nên rõ nét, thế là tôi lại phát sốt lên; bóng tối dày đặc bóp nghẹt lấy tôi, chẳng có ai ở bên để làm dịu lòng tôi bằng tiếng nói âu yếm, chẳng có bàn tay thân yêu nào ở cạnh cho tôi nương tựa. Bác sĩ đến ghi đơn thuốc, mụ già chuẩn bị thuốc cho tôi; nhưng một kẻ hoàn toàn cẩu thả, còn kẻ kia nét mặt lộ rõ sự thô bạo. Đâu có ai thiết tha đến vận mệnh một tên sát nhân ngoài gã thực hiện việc treo cổ sẽ được hưởng tiền công?
Ý nghĩ lúc đầu của tôi là như thế, tuy nhiên sau đó tôi mau chóng được biết ông Kirwin đối với tôi tốt vô cùng. Ông cho tôi ở trong phòng giam tốt nhất của nhà tù (thảm hại thật nhưng vẫn là tốt nhất); và chính ông đã thuê bác sĩ, y tá chăm sóc tôi. Đúng là ông rất ít đến thăm tôi, vì cho dù ông nhiệt tâm mong muốn làm giảm nhẹ nỗi đau khổ của mọi con người, ông cũng không muốn chứng kiến những tiếng gào thét điên rồ và thê thảm của một tên sát nhân. Cho nên dù thỉnh thoảng ông cũng tạt qua, để đảm bảo tôi không bị bỏ mặc, nhưng chỉ trong chốc lát và đôi lúc mới có một lần.
Một hôm, trong thời kỳ dần dà hồi phục, tôi ngồi trong một chiếc ghế, mắt lờ đờ, hai má xanh lợt như đã chết. Khổ sở sầu não đã đánh quỵ tôi, tôi nghĩ thà chết đi còn hơn mong mỏi ở lại trên cái thế giới khốn nạn này. Có lúc tôi đã cân nhắc chuyện nhận mình có tội, và chấp nhận sự trừng phạt của luật pháp, còn xứng đáng hơn Justine đáng thương ngày xưa. Vừa nghĩ tới đó thì cửa phòng giam mở ra, ông Kirwin bước vào. Mặt ông lộ vẻ cảm thông và thương xót; ông kéo chiếc ghế lại ngồi gần tôi, và nói với tôi bằng tiếng Pháp:
“Tôi e rằng nơi này sẽ làm anh ghê sợ; tôi giúp gì được để anh thoải mái hơn không?”
“Cảm ơn ông, nhưng những điều ông nói đối với tôi chẳng có nghĩa gì; trên cả trái đất này chẳng có sự thoải mái nào tôi dám nhận.”
“Tôi biết sự thông cảm của một người lạ như tôi khó làm anh nhẹ bớt được gánh nặng của nỗi bất hạnh lạ lùng đến nhường ấy. Nhưng tôi hy vọng anh sắp được ra khỏi chỗ buồn thảm này rồi; bởi dĩ nhiên, có những chứng cớ rành rành gỡ anh thoát khỏi lời buộc tội.”
“Điều đó tôi cũng chẳng thiết; một loạt những sự kiện kỳ quặc đã biến tôi thành kẻ thảm hại nhất trong số loài người. Bị buộc tội, bị hành hạ đến như tôi trước kia và giờ đây, cái chết với tôi còn gì đáng sợ?”
“Quả thật những ngẫu nhiên lạ lùng xảy ra vừa rồi đúng là quá đau đớn và bất hạnh cho anh. Bởi một sự tình cờ đáng ngạc nhiên nào đó, anh bị ném lên bờ biển này, một nơi có tiếng là hiếu khách; bị tóm cổ lập tức, và bị buộc tội sát nhân. Cái mà anh nhìn thấy đầu tiên là thi thể người bạn thân nhất của anh, bị giết một cách không giải thích nổi đến vậy, như thể có một con quỷ nào đó đem đặt giữa đường anh.”
Nghe ông Kirwin nói vậy, mặc dù đang run rẩy cả người khi nghe điểm lại những nỗi khổ của mình như thế, tôi vẫn ngạc nhiên lạ lùng thấy ông có vẻ biết về tôi khá rõ. Có lẽ vẻ sững sờ lồ lộ trên nét mặt tôi, cho nên ông Kirwin vội nói tiếp:
“Ngay sau khi anh trở ốm, mọi giấy tờ của anh đã được người ta mang đến cho tôi, tôi bèn xem kỹ hòng tìm được chút dấu vết để báo cho họ hàng anh về những rủi ro và cơn đau ốm của anh. Tôi tìm được rất nhiều thư từ, dòng mở đầu một lá cho tôi biết là của cha anh. Tôi viết thư tới Geneva lập tức, từ đó tới nay đã gần hai tháng. Nhưng anh ốm quá, bây giờ đây anh vẫn run thế kia, chắc anh không chịu nổi bất kỳ một chấn động nào.”
“Sự căng thẳng này còn tệ gấp ngàn lần so với sự việc khủng khiếp nhất; hãy cho tôi biết tin tức chết chóc nào vừa tới và bây giờ tôi phải khóc thương ai đây?”
“Gia đình anh hoàn toàn khỏe mạnh cả,” ông Kirwin dịu dàng đáp, “và có một người, một người bạn sắp vào thăm anh bây giờ.”
Không hiểu bằng cách nào ý tưởng đó đến với tôi, nhưng tôi lập tức hình dung tên sát nhân đã đến để cười nhạo nỗi khổ của tôi, chế giễu tôi về cái chết của Clerval, một trò kích động mới theo đúng những dục vọng quỷ quyệt của hắn. Tôi vội đưa tay lên che mắt, kêu lên hoảng hốt:
“Mang đi! Hãy mang người đó đi cho! Tôi không thể nhìn mặt họ, lạy trời, đừng cho vào!”
Ông Kirwin bối rối nhìn tôi. Ông không thể nào không coi tiếng thét của tôi là lời tự thú mình có tội, và nói giọng khá nghiêm khắc:
“Này người trẻ tuổi, tôi cứ tưởng sự có mặt của cha anh sẽ được đón nhận nồng nhiệt, chứ không phải gây ra oán ghét dữ dội nhường kia.”
“Cha tôi ư!” tôi kêu lên, mọi thớ thịt bỗng giãn ra từ đau đớn sang vui mừng. “Cha tôi đến thật ư? Ôi, cha tốt quá, tốt quá! Ông ấy đâu rồi, sao còn chưa vào đây với tôi?”
Thấy thái độ tôi thay đổi ông thẩm phán vừa kinh ngạc vừa hài lòng, có lẽ nghĩ rằng tiếng kêu thảng thốt của tôi lúc trước là do mê sảng trở lại, và lập tức khoác vẻ hiền từ trước đó. Ông đứng dậy, cùng bà y tá đi ra ngoài, sau đó ít phút cha tôi bước vào phòng giam.
Lúc này thì không còn gì sung sướng cho tôi hơn là sự có mặt của cha tôi. Tôi đưa tay ra cho cha và kêu lên:
“Vậy là cha vẫn an toàn, còn Elizabeth, và Ernest thế nào?”
Cha tôi trấn an tôi, khẳng định sự bình yên của họ, và cố gắng đi sâu vào những đề tài vốn tha thiết với lòng tôi để làm tinh thần chán nản của tôi phấn khích lên; tuy nhiên ông nhanh chóng cảm thấy nhà tù không phải nơi thích hợp để nuôi dưỡng niềm vui.
“Con ơi, con sống trong một nơi mới thảm hại làm sao!” ông nói, buồn bã nhìn phòng giam khốn khổ với cửa sổ có chấn song sắt. “Con đi du lịch là để tìm niềm vui, nhưng dường như ách vận cứ theo con mãi. Và Clerval tội nghiệp…”
Tên người bạn bất hạnh đã bị giết gây chấn động quá lớn cho thể chất yếu đuối của tôi; tôi trào nước mắt.
“Ôi chao! Vâng, cha ơi,” tôi đáp, “con đang phải chịu một định mệnh khủng khiếp treo trên đầu, và con phải sống để hoàn tất nó, chứ nếu không, hẳn con đã chết luôn bên quan tài của Henry rồi.”
Chúng tôi chỉ được phép chuyện trò trong một thời gian hạn định, bởi tình trạng sức khỏe mong manh của tôi lúc bấy giờ đòi hỏi mọi biện pháp đề phòng cần thiết để bảo đảm tĩnh tâm. Ông Kirwin, nhấn mạnh rằng chút sức lực của tôi không nên phung phí vì hao tâm quá sức. Nhưng cha tôi đến với tôi như một thiên thần, và sức khỏe của tôi nhờ thế hồi phục dần dần.
Hết ốm rồi, tôi tiếp tục chìm đắm trong nỗi buồn rầu u ám không cách gì xua tan đi được. Hình ảnh Clerval cứ mãi ở trước mặt tôi, ma quái và chết thảm. Hơn một lần những ký ức đó đã ném tôi vào cơn kích động mạnh, làm bạn bè tôi sợ sẽ lại có một cơn tái phát nguy kịch. Hỡi ôi! Sao họ phải bảo vệ cái cuộc đời thê thảm đáng ghét này? Hiển nhiên là tôi phải đi đến tận cùng số phận của mình, mà nay nó cũng sắp hết rồi. Mau thôi, rất mau là đằng khác, cái chết sắp chấm dứt mạch đập này, cất cho tôi cái gánh nặng bi thương phải mang đến tận khi trở thành cát bụi; và thực hiện xong công lý đầy ơn phước ấy, tôi sẽ được yên nghỉ. Ngày đó cái chết không chường mặt ngay bên cạnh, mặc dù niềm khao khát nó lúc nào cũng tồn tại trong mọi ý nghĩ của tôi; và tôi thường ngồi bất động không nói không rằng nhiều tiếng đồng hồ, chỉ mong một sự đảo lộn dữ dội nào đó có thể chôn vùi, hủy diệt tôi lẫn kẻ hủy diệt mình trong đổ nát hoang tàn của nó.
Mùa xử các vụ kiện nhỏ đã tới. Tôi đã ở tù ba tháng, và dù sức khỏe còn yếu, đe dọa ốm lại bất cứ lúc nào, tôi bị buộc phải đi hơn một trăm dặm tới tòa án quận, nơi phiên tòa diễn ra. Ông Kirwin tự mình lo mọi chi tiết trong việc tìm các nhân chứng và chuẩn bị lý lẽ bào chữa cho tôi. Tôi được miễn nỗi ô nhục phải đi bêu trước công chúng, bởi vụ án không xử ở tòa đại hình nơi quyết định sống, chết của phạm nhân. Bồi thẩm đoàn phủ nhận lời cáo buộc, bởi chứng cớ cho thấy tôi còn trên quần đảo Orkney lúc tìm thấy thi thể bạn tôi; nửa tháng sau khi tới thị trấn, tôi ra tù.
Cha tôi mừng muốn điên lên khi thấy tôi được phóng thích khỏi những rắc rối từ cáo buộc hình sự, lại được phép thở làn không khí tươi mát và được phép trở về quê hương. Tôi không chia sẻ cùng ông những tình cảm ấy; đối với tôi những bức tường của ngục tù hay của lâu đài cũng đáng ghét như nhau. Cốc rượu đời đã nhiễm độc vĩnh viễn rồi, và cho dù mặt trời đang chiếu sáng trên tôi cũng như trên những trái tim vui tươi hạnh phúc, tôi vẫn chỉ nhìn thấy quanh mình bóng tối dày đặc và đáng sợ, không có ánh sáng nào khác ngoài một đôi mắt lấp lánh nhìn tôi không chớp. Có khi đó là đôi mắt đầy biểu cảm của Henry, tiều tụy mỏi mòn trong cái chết với đôi mắt viền hàng lông mi dài, sụp xuống che gần kín hai bên hốc mắt đen ngòm; cũng có lúc là đôi mắt ướt nhoèn tối sầm của con quái vật như tôi nhìn thấy lần đầu trong phòng tôi ở Ingolstadt.
Cha tôi cố gợi lên trong tôi những tình thương trìu mến. Ông hết nói đến khi tôi sắp về tới, lại nói đến Elizabeth và Ernest; tuy nhiên lời ông chỉ khiến tôi thốt ra những tiếng rên rỉ tận sâu trong đáy lòng. Quả thật, đôi khi tôi cũng ước ao được hạnh phúc, cũng nghĩ tới cô em họ yêu dấu của tôi với niềm vui đượm buồn; hoặc với lòng nhớ quê hương[51] day dứt, mong được nhìn thấy một lần nữa hồ nước xanh trong và con sông Rhône chảy xiết mà tôi đã đem lòng yêu quý thiết tha từ hồi nhỏ; nhưng cảm xúc của tôi thường xuyên trong tình trạng tê liệt, sống trong tù hay giữa thiên nhiên như tiên cảnh cũng không khác gì nhau; và những cơn trầm uất triền miên này chỉ bị ngắt đoạn bằng những đợt bùng phát não nề và tuyệt vọng. Những lúc đó tôi chỉ muốn chấm dứt sự tồn tại mà tôi căm ghét này; và mọi người luôn phải cảnh giác chăm sóc để phòng tôi phạm phải một hành động hung bạo đáng sợ nào đó.
Thế nhưng tôi vẫn còn một nhiệm vụ phải làm, nhớ đến nó cuối cùng cũng khiến tôi dẹp được nỗi tuyệt vọng ích kỷ của mình. Nhất thiết tôi cần phải về lại Geneva tức khắc, trông nom gìn giữ cuộc đời của những người tôi xiết bao yêu quý; và kiên tâm chờ đợi tên sát nhân, để nếu cơ hội đưa đường chỉ lối cho tôi tới nơi ẩn náu của con quỷ, hoặc nếu hắn lại dám chường mặt ra gây họa cho tôi, tôi có thể, với quyết tâm không lay chuyển, chấm dứt được sự tồn tại của bóng ma quỷ quái đã được tôi trao cho một linh hồn méo mó còn quỷ quái hơn. Cha tôi vẫn muốn ngày lên đường chậm lại vì sợ tôi không chịu nổi hành trình vất vả, bởi tôi giờ tan nát thảm thương quá, chỉ còn là cái bóng của con người. Tôi không còn chút sinh lực nào; chỉ là một hình nhân da bọc xương tiều tụy, những cơn sốt liên miên suốt đêm ngày gặm mòn cơ thể tàn tạ của tôi.
[51] Nguyên bản: “a devouring maladie du pays”. Đây là lần duy nhất Victor Frankenstein dùng tiếng Pháp, tiếng mẹ đẻ của anh ta, trong toàn bộ lời kể bằng tiếng Anh với Robert Walton.
Nhưng tôi cứ nài nỉ rời khỏi Ireland một cách nôn nóng quá, lo lắng quá, đến nỗi cha tôi nghĩ tốt hơn nên nhượng bộ. Chúng tôi lên một con tàu đi về cảng Havre-de-Grace, con tàu ra khơi thuận gió rời bến Ireland. Lúc đó đã nửa đêm. Tôi nằm trên boong, đưa mắt ngắm sao trời, nghe tiếng sóng vỗ. Tôi chào mừng bóng tối đã phủ lấy Ireland khỏi tầm nhìn, tim đập dồn dập vì vui sướng bừng bừng khi nghĩ mình lại sắp được trông thấy Geneva. Quá khứ đối với tôi dường như chỉ là một giấc mộng kinh hoàng; nhưng con tàu tôi đang nằm đây, làn gió đưa tôi xa khỏi bờ biển đáng ghét của Ireland, biển cả bao quanh tôi, tất cả hùng hồn nói tôi hay rằng không có ảo tưởng nào lừa tôi hết, và Clerval, bạn đồng hành yêu quý nhất của tôi, thực sự đã trở thành nạn nhân của tôi và con quái vật do chính tôi tạo thành. Cả quãng đời đã qua được duyệt lại trong trí nhớ tôi: hạnh phúc êm đềm khi sống cùng gia đình tại Geneva, cái chết của mẹ tôi, chuyến đi Ingolstadt. Tôi rùng mình nhớ lại niềm đam mê rồ dại đã đẩy tôi lao vào sự sáng tạo ra kẻ thù gớm guốc, và lần lại trong trí cái đêm khủng khiếp hắn ra đời. Ngàn vạn cảm xúc ào ạt đến đè nặng lên tôi, không theo nổi luồng suy nghĩ nữa, tôi khóc một cách cay đắng.
Kể từ khi qua khỏi cơn sốt sảng, tôi có thói quen hàng đêm uống một lượng nhỏ cồn thuốc phiện; bởi chỉ có thứ độc dược này mới giúp tôi có được giấc ngủ cần thiết để bảo tồn sự sống của mình. Lúc này quá căng thẳng vì nhớ lại những bất hạnh chồng chất, tôi uống một liều gấp đôi thường lệ, và mau chóng chìm vào giấc ngủ say. Tuy nhiên giấc ngủ cũng chẳng giúp nổi tôi lìa được suy tưởng và khổ đau; cơn mơ đưa tới hàng ngàn thứ khiến tôi hãi hùng. Tới gần sáng tôi bị ám ảnh bởi một cơn ác mộng; tôi cảm thấy con quỷ đã nắm được cổ tôi, tôi không sao thoát ra được, trong tai ong ong những tiếng rên rỉ và kêu thét. Cha tôi, vốn vẫn canh chừng, thấy tôi trăn trở vùng vẫy, liền đánh thức tôi dậy; chung quanh tôi dạt dào sóng vỗ, trên đầu là bầu trời đầy mây, con quỷ không thấy đâu: một cảm giác an toàn, cảm tưởng về một sự ngưng chiến dựng lên chắn giữa giờ phút hiện tại với tương lai thảm khốc không tránh khỏi bỗng đem tới cho tôi sự quên lãng yên bình, mà do cấu tạo của mình tâm trí con người rất dễ dàng tiếp nhận
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.