Frankenstein
Chương 6
Vậy là Clerval trao vào tay tôi lá thư sau đây. Đó là thư nàng Elizabeth của riêng tôi:
“Anh họ yêu quý nhất. Anh đang ốm nặng, nặng vô cùng, và ngay cả những bức thư liên tiếp của Clerval tốt bụng cũng không trấn an em về sức khỏe của anh được. Anh bị cấm viết thư, anh không cầm nổi bút; ấy thế nhưng chỉ cần một chữ tự tay anh viết, Victor yêu quý ạ, cũng đủ trấn an cả nhà rồi. Suốt một thời gian dài em cứ nghĩ rằng chuyến thư kế sẽ mang tới bức thư đầy mong đợi đó, và những lời thuyết phục của em đã kìm chân bác trai khỏi lên đường đi Ingolstadt. Em đã ngăn không muốn ông gặp phải những bất tiện, thậm chí nguy hiểm của cuộc hành trình quá dài đến vậy, nhưng bao nhiêu lần em tiếc không được tự mình thực hiện chuyến đi này! Em cứ hình dung nhiệm vụ coi sóc anh bên giường bệnh được trao cho một bà hộ lý già đi thuê, không bao giờ hiểu được anh muốn gì, cũng chẳng thể đáp ứng những mong muốn đó tận tụy chu đáo như cô em họ đáng thương này được. Nhưng thôi tất cả đã qua rồi: Clerval viết là anh đang thực sự khá lên; em đang chờ đợi anh khẳng định điều này bằng những dòng chữ chính tay anh viết.
Anh mau khỏe – và trở về với mọi người. Anh sẽ tìm lại được một gia đình vui vẻ, hạnh phúc, những người bạn yêu anh thiết tha. Sức khỏe cha anh rất tốt, ông chỉ muốn có một điều là gặp lại anh – chỉ để chắc chắn anh đã khỏe; và khuôn mặt nhân từ của ông sẽ không còn vẩn nét lo âu nào nữa. Anh sẽ vui mừng biết bao với những tiến bộ của Ernest! Cậu ấy đã mười sáu tuổi rồi, đầy năng động và phấn chấn. Cậu ấy khao khát trở thành một người Thụy Sĩ thực thụ, và đi quân dịch ở nước ngoài; tuy nhiên cả nhà giờ vẫn chưa thể rời xa cậu, hoặc ít nhất đợi chừng nào anh cả của cậu trở về đã. Bác trai cũng chẳng ưa gì ý tưởng phục vụ binh nghiệp tại một xứ sở xa xôi; nhưng Ernest không có được ý chí chăm chỉ dùi mài kinh sử như anh. Cậu ấy coi học hành là xiềng xích đáng căm ghét; cả ngày cậu ấy chỉ ở ngoài trời, hết leo núi lại chèo thuyền. Em e rằng cậu ấy rồi sẽ trở thành một chàng công tử nhàn rỗi mất thôi, trừ phi cả nhà chiều lòng cậu ấy, và cho phép cậu ấy gia nhập hàng ngũ cậu ấy đã lựa chọn.
Chẳng có gì thay đổi lắm từ khi anh đi ngoài sự lớn lên của các em chúng ta. Mặt hồ xanh ngắt, những ngọn núi tuyết phủ, chẳng bao giờ thay đổi – và em nghĩ ngôi nhà bình dị của mình cùng những trái tim mãn nguyện trong đó cũng theo cùng quy luật bất biến này. Công việc vặt hàng ngày chiếm hầu hết thời gian của em và làm em vui thích, và vất vả đến đâu em cũng tự thấy mình đã được ban thưởng xứng đáng bằng sự hiện diện của những gương mặt hạnh phúc, tươi tắn quanh em. Có lẽ sau khi anh đi, chỉ có mỗi một thay đổi đến với gia đình ta. Anh còn nhớ Justine Moritz đã về với nhà ta trong hoàn cảnh nào không? Có lẽ không; do đó em sẽ nhắc lại sơ qua câu chuyện. Bà Moritz, mẹ cô gái, ở góa với bốn đứa con, Justine là con thứ ba. Cô vốn được cha nhất, nhưng do một tình cảm bất thường nào đó, mẹ cô không chịu nổi cô, và sau khi ông Moritz tạ thế, mẹ cô xử tệ với cô vô cùng. Bác gái đã chứng kiến cảnh này, và khi cô mười hai tuổi, bác đã thuyết phục mẹ cô cho cô đến ở với gia đình ta. Thể chế cộng hòa của nước ta đã đặt ra những tập tục giản đơn, dễ chịu hơn nhiều so với những gì đang thịnh trong các nước quân chủ hùng mạnh xung quanh. Vì thế không có những phân biệt quá đáng giữa các giai cấp trong xã hội ta; và những tầng lớp thấp hơn trong xã hội không quá nghèo và không bị khinh rẻ, phong thái họ vẫn tế nhị và đứng đắn. Gia nhân ở Geneva không phải là một gia nhân như ở Pháp hay Anh. Justine đến gia đình ta trong cảnh đó, đã học những bổn phận của một người làm; một vị thế, trong xứ sở may mắn của chúng ta, không kèm theo sự dốt nát và thủ tiêu lòng tự trọng.
Chắc anh còn nhớ anh vẫn luôn rất quý mến Justine; và em nhớ có lần anh đã nhận xét, nếu anh đang chán nản, một ánh mắt của cô bé sẽ làm anh dịu lại ngay, cũng cùng lý do Ariosto nêu ra về sắc đẹp của Angelica[29] – bởi trông cô thật vui tươi, thật chân thành. Bác gái đã trở nên gắn bó với cô vô kể, và giáo dục cô cẩn thận hơn nhiều so với ý định ban đầu của bác. Ơn này đã được đền đáp trọn vẹn; Justine là sinh linh biết hàm ơn nhất trên đời: ý em không phải cô thổ lộ điều gì, môi cô chưa từng nói một lời tương tự; nhưng qua ánh mắt cô có thể thấy rõ rằng cô gần như sùng mộ người bảo trợ cho mình. Mặc dù tính cô vui vẻ, thoải mái vô tư, thế nhưng cô vẫn hết mực chú ý nhất cử nhất động của bác gái. Cô coi bác gái là điển hình ưu việt về mọi phương diện, và cố gắng phỏng theo từ cách nói năng đi đứng đến tác phong xử sự, thành thử kể cả giờ đây cô vẫn thường nhắc em nhớ đến bác.
[29] Angelica: nhân vật nữ trong Orlando Furioso (Orlando cuồng nộ) của Ludivico Ariosto, cô công chúa Đông phương đã làm cho các hiệp sĩ của triều vua Charlemagne mê mẩn.
Khi bác gái yêu quý mất đi, ai nấy đều quá bận tâm với nỗi đau khổ của mình, chẳng ai để ý đến Justine là người đã chăm sóc thật tận tâm, lo lắng khi bác ốm. Cô bé tội nghiệp ốm yếu lắm, nhưng vẫn còn nhiều thử thách khác đang chờ đón cô.
Từng người một, các anh em cô lần lượt qua đời; mẹ cô bị bỏ lại cô đơn chỉ còn người con gái bà từng ruồng bỏ. Lương tâm của người đàn bà ấy chao đảo; bà bắt đầu ngờ rằng cái chết của đám con cưng là sự trừng phạt của trời đối với lòng thiên vị của bà. Bà là tín đồ Công giáo, và em tin chắc rằng cha xưng tội của bà đã củng cố thêm ý tưởng này. Vài tháng sau khi anh đi Ingolstadt, Justine bị bà mẹ hối hận gọi về. Tội nghiệp cô gái! Rời khỏi nhà ta cô khóc sướt mướt; sau cái chết của bác gái, cô thay đổi hẳn đi; nỗi đau đã khiến cô trở nên mềm mại hơn và dịu dàng quyến rũ lòng người hơn trước, so với những phong thái hoạt bát trước đó của cô. Cuộc sống ở nhà mẹ cô cũng không phải lối sống có thể trả lại cho cô niềm vui cũ. Nỗi ân hận của bà mẹ rất thất thường. Bà lúc thì cầu khẩn cô tha thứ cho cách cư xử tàn nhẫn khi trước, nhưng thường xuyên hơn là đổ tội cho cô gây ra cái chết của anh chị em cô. Xáo động triền miên cuối cùng khiến bà Moritz suy nhược, lúc đầu chỉ khiến tính tình bà ta khó chịu thêm, nhưng giờ đây bà ta đã yên nghỉ vĩnh viễn rồi. Bà ta mất hồi đầu mùa đông này, khi đợt rét đầu tiên tới. Justine lại trở lại nhà ta; bảo đảm với anh, em yêu thương cô lắm. Cô rất thông minh và hiền dịu, và xinh ghê lắm; như em đã nói trên kia, dáng dấp, vẻ mặt cô luôn làm em nhớ tới bác gái thân yêu.
Cần thêm vài lời với anh về em William bé nhỏ thân thương nữa. Ước gì anh nhìn thấy chú nhỏ; chú cao hơn tuổi nhiều, đôi mắt xanh hiền dịu như đang cười, hàng mi thẫm, tóc quăn từng lọn. Mỗi lần chú mỉm cười lúm đồng tiền hai bên má hồng hào lại hiện lên. Chú bé đã có một hai cô vợ bé bỏng rồi đấy, nhưng Louisa Biron là người chú thích nhất, một cô bé lên năm xinh xẻo.
Giờ thì, Victor thân mến, em dám nói rằng anh cũng muốn dự phần vào đôi câu chuyện ngồi lê đôi mách về đám thượng lưu ở Geneva. Cô Mansfield xinh đẹp đã nhận được những chuyến thăm mừng cho cuộc hôn nhân sắp tới của cô với một chàng người Anh trẻ, công tử John Melbourne. Cô chị xấu xí, Manon, mùa thu năm ngoái đã lấy ông chủ nhà băng giàu có Duvillard. Bạn học mà anh yêu nhất, Louis Manoir, đã gặp phải vài điều không may từ khi Clerval đi khỏi Geneva. Nhưng tinh thần anh ta đã hồi phục lại, và nghe nói còn sắp kết hôn với một bà người Pháp xinh đẹp vui tươi là Madame Tavernier nữa. Đó là một bà góa già hơn Manoir nhiều; nhưng bà rất được mọi người hâm mộ, và ai cũng yêu mến bà ấy.
Anh họ thân yêu, viết cho anh em đã vui lên nhiều; nhưng đến cuối thư, nỗi lo lắng của em lại trở lại. Anh hãy viết về nhà, Victor yêu quý nhé, dù chỉ một dòng thôi, ngay cả một chữ cũng đã khiến gia đình hạnh phúc lắm rồi. Cảm ơn Henry hàng chục ngàn lần vì lòng tử tế, vì tình thương yêu và vì những lá thư không ngớt của anh ấy; cả nhà chân thành biết ơn. Tạm biệt anh họ của em! Hãy lo giữ gìn sức khỏe; và hãy viết thư, em khẩn nài anh đấy!
ELIZABETH LAVENZA
GENEVA, 18 tháng Ba 17…”
“Elizabeth thân yêu! Elizabeth thân yêu!” Tôi kêu lên sau khi đọc xong lá thư. “Tôi sẽ viết thư ngay lập tức, để giải phóng họ khỏi nỗi lo lắng họ ắt đang cảm thấy.” Và thế là tôi viết, nỗ lực ấy khiến tôi mệt nhoài người; nhưng kỳ dưỡng bệnh của tôi bắt đầu, sức khỏe cứ ngày một tiến triển tốt hơn. Sau nửa tháng, tôi đã rời khỏi phòng được.
Một trong những việc làm đầu tiên của tôi sau khi hồi phục là giới thiệu Clerval với các giáo sư trong trường. Làm việc này tôi phải cố gắng ghê gớm, nó chẳng thích hợp với những vết thương trí não tôi còn giữ lại. Kể từ cái đêm định mệnh ấy, cái đêm đã kết thúc mọi cực nhọc và bắt đầu mọi khốn khổ của tôi, tôi đâm ghét cay ghét đắng ngay cả cái tên môn triết học tự nhiên. Dù đã phục hồi về hầu hết các mặt khác rồi, nhìn thấy mấy dụng cụ thí nghiệm hóa học vẫn cứ khơi lại từ đầu các triệu chứng thần kinh vật vã của tôi. Henry nhận thấy điều này, và dẹp sạch các dụng cụ thí nghiệm để tôi khỏi nhìn thấy. Anh đổi cả căn hộ tôi ở; bởi anh để ý biết tôi đã có mối ác cảm với căn phòng vốn là phòng thí nghiệm của tôi. Nhưng những nỗ lực của anh đều đổ sông đổ bể khi tôi đến thăm các giáo sư. Thầy Waldman khơi lại sự tra tấn khi nhiệt thành và ân cần khen ngợi những tiến bộ đáng ngạc nhiên của tôi trong khoa học. Thầy nhận ra ngay tôi không thích đề tài này; nhưng không đoán biết được nguyên nhân thực, thầy cho đó là vì khiêm tốn; bèn chuyển từ đề tài tiến bộ của tôi sang bản thân khoa học, rõ ràng muốn ép tôi mở miệng. Tôi biết làm thế nào đây? Thầy muốn làm tôi vui lòng, nhưng rốt cuộc chỉ càng hành hạ tôi. Tôi cảm giác như thầy cứ dần dần bày ra trước mắt tôi, lần lượt từng thứ một, những dụng cụ sau đó sẽ dùng để giết tôi một cách từ từ và hiểm ác. Tôi quằn quại dưới mỗi lời thầy nói, tuy không dám để lộ nỗi đau đớn ra. Clerval, mắt nhìn và cảm xúc vốn luôn luôn nhạy với cảm giác của những người xung quanh, từ chối ngay đề tài đó, lấy cớ hoàn toàn không hiểu biết gì để cáo lỗi, và câu chuyện chuyển sang một hướng chung hơn. Tôi cảm ơn bạn mình tự đáy lòng, nhưng không nói ra. Tôi thấy rõ anh lấy làm lạ, nhưng không bao giờ có ý định vặn hỏi tôi điều bí mật; và mặc dầu tôi yêu anh đồng thời trọng anh vô bờ bến, tôi vẫn không sao tự thuyết phục được mình thổ lộ với anh cái sự kiện lúc nào cũng cứ lù lù trong ký ức tôi, mà nếu như kể sâu vào chi tiết với ai đó tôi sợ càng gây ấn tượng sâu sắc hơn lên bản thân mình.
Thầy Krempe thì không dễ bị đánh lừa như vậy; và trong tình trạng cực kỳ nhạy cảm đến mức chịu hết siết của tôi lúc bấy giờ, bài tán dương trắng trợn và thô lỗ của ông ta làm tôi còn khốn khổ hơn những lời ca ngợi hiền từ của thầy Waldman. “Tiên sư cái thằng!” ông ta kêu lên. “Này, ông Clerval, tôi thề với ông thằng này đã vượt xa hơn chúng tôi. Ờ, ông cứ giương mắt ra tùy thích, nhưng đó là sự thật. Một con gà trống choai, mới vài năm trước còn tin ở Cornelius Agrippa như tin Phúc âm, thế mà bây giờ nhất trường đấy; và nếu không kéo hắn xuống cho nhanh chúng tôi thảy sẽ đều mất mặt cho mà coi! Ấy, ấy,” thấy vẻ mặt đau khổ của tôi ông ta nói tiếp, “ông Frankenstein thật khiêm tốn, một đức tính hiếm có ở người trẻ tuổi. Khi còn trẻ người ta thường thiếu tự tin, ông biết đấy ông Clerval ạ; hồi trẻ tôi cũng vậy, nhưng chỉ ít lâu sẽ khác thôi.”
Rồi thầy Krempe bắt đầu một bài tán tụng bản thân mình, và câu chuyện may mắn chuyển sang hướng khác đỡ khó chịu cho tôi.
Clerval xưa nay không chia sẻ ý thích của tôi về khoa học tự nhiên; những sách vở anh tìm đọc khác hoàn toàn với những gì làm tôi bận trí. Anh đến trường đại học với ý định tự rèn mình tinh thông mọi ngôn ngữ Đông phương, mở ra một lĩnh vực cho kế hoạch đời mình mà anh đã hoạch định. Quyết tâm sẽ không theo đuổi sự nghiệp nào kém vinh quang, anh hướng tầm nhìn về phương Đông: như thể chỉ nơi đó mới đủ tầm vóc cho khao khát được nên công nghiệp của anh. Các ngôn ngữ Ba Tư, Ả Rập và Sanskrit khiến anh chú ý, tôi cũng dễ dàng bị lôi cuốn vào học cùng với anh. Vô công rồi nghề luôn làm tôi khó chịu, chưa kể chỉ mong thoát khỏi các ám ảnh cũ, căm ghét những tri thức trước đây của mình, tôi nhẹ hẳn người khi làm bạn đồng học với bạn mình, tác phẩm của các nhà hiền triết phương Đông không những khiến tôi mở mang trí tuệ mà còn là nguồn an ủi lớn đối với tôi. Khác với Clerval, tôi không nhằm đến kiến thức uyên thâm về biến thể của những ngôn ngữ đó, bởi tôi không dự định sử dụng chúng vào mục đích gì khác ngoài giải trí nhất thời. Tôi đọc chỉ nhằm hiểu nghĩa, và cũng bõ công. Cái buồn của chúng thật êm đềm, và cái vui lên tới đỉnh cao mà tôi chưa bao giờ thấy khi nghiên cứu văn học của các nước khác. Đọc họ tôi cảm thấy đời chỉ là mặt trời ấm áp với vườn hoa hồng, là nụ cười và đôi mày cau của địch thủ xinh đẹp, và là ngọn lửa thiêu đốt trái tim ta. Khác rất xa nền thi ca đầy nam tính và chất anh hùng của Hy Lạp và La Mã!
Mùa hè cứ thế trôi đi trong những công việc đó; ngày trở về Geneva của tôi đã ấn định vào cuối mùa thu, song phải hoãn đi hoãn lại mãi vì hết sự kiện này đến sự kiện khác; mùa đông tới, tuyết rơi đầy, đường sá không đi được, và chuyến đi của tôi lại phải để sang xuân. Tôi cảm thấy việc chậm trễ này đặc biệt đắng cay, vì tôi mong mỏi nhìn thấy thành phố quê hương, gặp lại bạn bè thương yêu biết bao. Chuyến thăm nhà của tôi dời lại mãi như thế chỉ là vì không muốn để Clerval ở lại nơi anh còn lạ nước lạ cái, trước khi anh kịp quen với mọi người xung quanh. Mùa đông tuy vậy vẫn trôi qua đầy hạnh phúc; và mùa xuân, tuy đến muộn một cách kỳ quặc, nhưng đến, vẻ đẹp của nó bù lại được hết thói biếng lười của nó.
Tháng Năm giờ đã bắt đầu, và giữa lúc tôi đang từng ngày ngóng chờ thư nhà để ấn định ngày về, Henry đề xuất một cuộc ngao du, đi bộ quanh ngoại vi Ingolstadt để tôi đích thân tạm biệt vùng đất tôi đã sống khá lâu như thế. Tôi sung sướng đồng ý: tôi vốn ưa vận động, mà Clerval luôn là bạn đồng hành thú vị của tôi trong những cuộc dạo chơi thăm thú thiên nhiên kiểu đó ở chốn quê nhà.
Chúng tôi mất nửa tháng cho những chuyến lữ hành ấy: sức khỏe cũng như tinh thần tôi vốn đã phục hồi, nay càng được cải thiện đáng kể nhờ không khí trong lành tôi hít thở, những cảnh vật tự nhiên tôi gặp trên đường, nhờ chuyện trò của bạn tôi nữa. Trước đây công việc học hành đã khiến tôi xa lánh mọi người, biến tôi thành kẻ tách biệt với xã hội; nhưng Clerval đã khơi dậy những tình cảm tốt đẹp trong trái tim tôi, dạy tôi lại từ đầu biết yêu thiên nhiên, yêu những khuôn mặt vui tươi của trẻ thơ. Người bạn tuyệt vời của tôi! Bạn đã yêu tôi đến thế, cố nâng đỡ tâm trí tôi cho tới lúc nó bắt kịp tâm trí bạn! Những đeo đẳng ích kỷ đã khiến tôi bị câu thúc và bó hẹp, cho tới khi tình cảm dịu dàng của bạn đã sưởi ấm lại và khai thông các giác quan của tôi; tôi lại trở thành sinh linh hạnh phúc của những ngày xa xưa, yêu và được yêu bởi tất cả mọi người, chẳng vẩn gợn lo âu buồn khổ. Đang hạnh phúc, ngay cả thiên nhiên bất động cũng đủ sức đánh thức trong tôi cảm giác sung sướng nhất. Bầu trời trong sáng và những cánh đồng xanh rờn khiến tôi tràn ngập ngất ngây. Mùa này thật là thần diệu, hoa xuân nở trên các bờ giậu, hoa mùa hè đã chúm chím nụ rồi. Tôi không còn bị xáo động với những ý nghĩ mà năm ngoái đã đè trên người như một gánh nặng không lay chuyển, bất chấp những nỗ lực để rũ bỏ chúng.
Henry thấy tôi vui vẻ thì hoan hỉ lắm, và chân thành chia sẻ những cảm xúc của tôi; anh tìm mọi cách giúp tôi tiêu khiển, trong lúc bày tỏ những xúc động tràn ngập tâm hồn mình. Và trong việc này đầu óc anh mới phong phú làm sao chứ: lời lẽ của anh đầy tưởng tượng cao xa; và rất thường xuyên, phỏng theo các nhà văn Ba Tư và Ả Rập, anh nghĩ ra những câu chuyện lạ lùng đầy say mê. Những lúc khác anh đọc lại những bài thơ tôi thích nhất, hoặc lôi tôi vào các cuộc tranh luận, tô điểm bằng những suy tưởng lạ kỳ.
Chúng tôi trở lại trường vào buổi trưa một ngày Chủ nhật: nông dân nhảy múa trên đường, và những ai tôi gặp đều tỏ ra vui vẻ hạnh phúc. Tinh thần tôi cũng đang vô cùng phấn chấn, tôi tiến bước trong niềm hân hoan và vui nhộn không kiềm chế nổi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.