GIỜ G

Mở cửa ra



Ngày 11 tháng Giêng

Người đàn ông xoay nhẹ người trên giường, khẽ rên rỉ.

Chị y tá trực rời khỏi bàn, bước đến bên giường người bệnh. Chị sửa lại gối rồi chỉnh lại tư thế nằm của người bệnh cho thoải mái.

MacWhirter chỉ cảm ơn chị y tá bằng một tiếng càu nhàu.

Y thấy cay đắng và uất hận.

Lúc này, lẽ ra mọi thứ đều đã kết thúc! Lẽ ra đến giờ này y phải được giải thoát khỏi mọi khổ não trên đời! Tạo sao bỗng nhiên lại có một cái cây ngu xuẩn mọc lên chỗ vách đá ấy? Tại sao có những cặp nhân tình, bất chấp cái lạnh giá của đêm mùa đông, hò hẹn nhau bên bờ biển?

Nếu không có cặp trai gái ngu xuẩn và cái cây chết tiệt ấy, có phải bây giờ mọi thứ đã chấm dứt rồi không? Một cú lao đầu xuống làn nước lạnh giá, có thể một vài phút giẫy giụa, thế là hư vô! Kết thúc một cuộc đời lầm lạc, vô ích và chẳng có gì lý thú.

Vậy mà cuối cùng MacWhirter lại thành thế này! Nằm ườn trên chiếc giường bệnh viện, một bên vai bị vỡ, và không khéo còn phải ra hầu tòa về tội đã mưu đồ tự sát.

Quả là chẳng đâu vào với đâu, bởi y định kết liễu cuộc sống của y kia mà!

Còn nếu y không bị vướng mấy thứ kia, có phải y đã được mai táng theo lễ nhà thờ, và mọi người chỉ cho rằng y đã hành động trong một lúc rồ dại!

Một lúc rồ dại! Đâu có? Y đã hành động như thế trong lúc tỉnh táo nhất, tin rằng đấy là giây phút cuối cùng của cuộc đời y!

Tự tử? Nhưng vào hoàn cảnh như của y, đấy là cách xử trí tốt nhất. Hết đau ốm bệnh này lại đau ốm bệnh khác, cô đơn từ khi vợ y bỏ y đi theo một kẻ khác, y còn làm gì hơn thế được? Không việc làm, không tình yêu, không tiền, không sức khỏe, không còn hy vọng! Lối thoát duy nhất là tự tử.

Vậy mà bây giờ y lại sắp bị người ta truy hỏi thô bạo! Nhân danh những nguyên tắc đạo lý, một vị quan tòa sẽ nghiêm khắc lên án y, chỉ đơn giản vì y cho rằng y có quyền hủy hoại thứ chỉ thuộc về một mình y: mạng sống của y!

MacWhirter giận dữ văng tục. Y cảm thấy uất hận.

Chị y tá lại đến bên giường. Chị ta còn trẻ, mái tóc màu hung đỏ, khuôn mặt xinh xắn nhưng tầm thường.

– Ông thấy khó chịu trong người phải không? – Chị ta hỏi.

– Không.

– Tôi cho ông uống một viên thuốc an thần để ông ngủ nhé?

– Không.

– Nhưng…

– Chị tưởng tôi không chịu nổi một chút đau đớn và một đêm mất ngủ hay sao?

– Bác sĩ dặn, nếu ông cần thuốc ngủ…

– Tôi cóc cần bác sĩ dặn gì!

Chị y tá sửa lại tấm chăn đắp rồi đặt lên bàn đầu giường một cốc nước hoa quả.

MacWhirter hơi ngượng :

– Xin lỗi đã quấy rầy chị.

– Có gì đâu!

Lại thêm một điều nữa làm y bực tức! Cô gái này chịu đựng thái độ cáu kỉnh của y một cách quá ư bình thản. Một sự thản nhiên nghề nghiệp. Biết bổn phận mình là phải khoan thứ, cô ta không phản ứng gì hết. Đối với họ, bệnh nhân không phải là con người.

MacWhirter càu nhàu :

– Chị có nhu cầu cứ phải quan tâm đến mọi người!

– Sao ông nói thế?… Nói thế là không nên.

Chị ta dịu dàng trách, giọng thậm chí còn trìu mến nữa.

– Không nên? – MacWhirter nói – Không nên? Ra thế đấy!

– Sáng mai ông sẽ thấy dễ chịu hơn.

Y nuốt nước bọt.

– Chị quả là tồi tệ! Y tá các người đều một giuộc cả. Một lũ không tim.

– Cái chính là chúng tôi biết bệnh nhân cần gì…

– Chính như thế là thứ làm người ta khó chịu nhất! Không bao giờ các người chịu để chúng tôi yên! Chị, bệnh viện, và cả thế gian này đều như thế hết! Cứ phải quan tâm đến người khác! Tôi muốn yên thân cũng không được. Ai cũng bảo họ làm cho tôi thứ tôi cần! Nhưng chị biết tôi cần thứ gì không? Tôi cần chết.

Chị y tá gật đầu.

– Thứ tôi cần, – MacWhirter nói tiếp – là lao xuống biển. Việc ấy liên quan đến ai kia chứ? Đời tôi thế là hết rồi. Tôi cần chấm dứt nó…

Chị y tá tặc tặc lưỡi liền mấy cái. Chị thương hại con người này. Đấy là một người bệnh và chị có mặt ở đây để an ủi ông ta, cho nên chị để ông ta muốn nói gì thì nói.

MacWhirter hỏi :

– Nếu tôi muốn chết, tại sao tôi lại không được chết?

Chị y tá trả lời điềm tĩnh :

– Bởi không nên như thế.

– Tại sao không nên?

Chị y tá nhìn y. Bệnh nhân này hỏi một câu lẽ ra không cần hỏi. Chị tin là như thế. Chị tin rằng tự tử là điều không nên. Nhưng chị không đủ trình độ để cắt nghĩa tại sao lại không nên.

Cuối cùng chị y tá nói :

– Bởi không nên thế. Con người ta dù thế nào cũng vẫn phải sống.

– Tại sao?

– Vì ông phải nghĩ đến những người khác…

– Riêng trường hợp tôi thì khác. Tôi chết cũng không có hại gì cho ai.

– Ông không có người thân thích hay sao? Một người mẹ? Một người chị? Không có ai sao?

– Không. Tôi có vợ, nhưng cô ta bỏ tôi rồi. Cô ta làm thế là đúng. Cô ấy đã hiểu ra rằng tôi là kẻ vô tích sự…

– Nhưng ông có bè bạn chứ?

– Không. Tôi thuộc loại người không có bè bạn. Xưa kia đã có lúc tôi hạnh phúc. Tôi có công ăn việc làm thú vị, có cô vợ xinh đẹp. Nhưng rồi một tai nạn giao thông đã phá tan mọi thứ, sếp của tôi cầm tay lái, tôi ngồi trong xe. Lão yêu cầu tôi khai trước tòa là lúc xảy ra tai nạn lão chạy với tốc độ chưa đến bốn mươi cây số giờ. Thật ra lão lao xe với tốc độ gần sáu mươi cây số. Tuy không gây tai nạn cho ai, nhưng vì đã mua bảo hiểm, lão không muốn bị tòa kết luận là lão vi phạm. Tôi không chịu khai man cho lão. Tôi không chịu nói dối bao giờ.

– Ông làm thế là đúng. Thậm chí rất đúng ấy chứ!

– Chị cho là như thế?… Nhưng chính vì tôi không chịu khai man cho lão, tôi đã bị lão sa thải. Lão ta còn thù tôi đến mức hễ nơi nào nhận tôi vào làm là lão phá. Rốt cuộc, vợ tôi ngán ngẩm quá, thấy tôi loay hoay mãi mà không xoay được công việc nào. Thế là cô ta bỏ tôi, trốn đi với một thằng cha xưa nay vẫn tự nhận là bạn tôi. Thằng cha làm ăn giỏi, kiếm được bộn tiền. Còn tôi thì cứ xuống dốc dần. Tôi bắt đầu uống rượu. Không nhiều lắm nhưng cũng đủ để không nơi nào chịu nhận tôi vào làm. Cuối cùng tôi xin được chân lao động đơn giản trong một công trường khai thác đá. Công việc ấy quá sức tôi. Sức khỏe tôi suy sụp và bác sĩ bảo rằng tôi sẽ không bao giờ phục hồi được sức khỏe nữa. Như thế thì chị bảo tôi sống thêm nữa làm gì? Cách tốt nhất và cũng lương thiện nhất là “biến đi”. Tôi sống không ích lợi gì cho ai. Cho tôi cũng như cho bất cứ ai khác…

Chị y tá lẩm bẩm :

– Ông vẫn chưa biết gì hết.

MacWhirter cười. Y bỗng thấy vui vui. Thái độ dai dẳng của cô gái làm y thích thú.

Y hỏi :

– Cô em thân mến, tôi còn có ích cho ai kia chứ?

Chị y tá lúng túng đáp :

– Tôi không biết… Dù sao thì sẽ đến một ngày ông có ích cho một người nào đó…

– Một ngày?… Không bao giờ có cái ngày ấy đâu! Lần sau tôi sẽ thực hiện việc kia một cách cẩn thận hơn.

Cô y tá lắc đầu quả quyết :

– Ôi, không! Ông sẽ không làm như thế lần nữa đâu.

– Tại sao?

– Bởi người ta chỉ làm chuyện đó một lần, không ai lặp lại lần thứ hai.

MacWhirter ngạc nhiên trợn mắt nhìn cô y tá: Không ai lặp lại lần thứ hai! Có nghĩa mình sẽ thuộc loại người sống trên đời chỉ vì đã tự tử hụt? Y há miệng định bác lại, nhưng y không nói.

Lặp lại lần thứ hai? Liệu có thật là y muốn tự tử lần nữa không?

Ngay lập tức, MacWhirter thấy rằng y sẽ không lặp lại. Y quyết định như thế mà không biết tạo sao, hay do cô gái kia khẳng định như thế? Có thể cô ta đã có kinh nghiệm nghề nghiệp: một người đã tự tử hụt, sẽ không bao giờ tự tử lần thứ hai. Tại sao? Chắc sự thể vốn là như thế.

Dù sao MacWhirter cũng nhận ra được một điều là cô y tá kia không đem lý thuyết ra mà lên án y.

Y nói :

– Dù sao, cô phải thừa nhận là tôi có quyền quyết định cuộc đời tôi chứ?

– Không, ông không có quyền!

– Tại sao vậy, cô em thân mến?

Cô y tá đỏ mặt. Các ngón tay cô mân mê cây thập tự nhỏ bằng vàng ở đầu sợi dây chuyền đeo cổ.

– Ông không hiểu được đâu – Cô y tá đáp – Chúa cần ông có mặt trên cõi đời.

Ngạc nhiên, và mặc dù không thể chế giễu niềm tin rất con trẻ ấy, MacWhirter vẫn chua chát nói :

– Hay lắm! Hẳn là vào một trong bốn buổi sáng sắp tới, tôi sẽ lao vào ghìm lại một cỗ xe tứ mã để cứu sống một đứa trẻ tóc vàng, thế là tôi trở thành anh hùng! Cô định nói thế chứ gì?

Cô y tá lắc đầu, cố giải thích một điều mà bản thân cô cũng chưa hiểu rõ lắm, nhưng cô vẫn cố phân tích :

– Đâu nhất thiết phải như thế? Vấn đề đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần ông có mặt trên đời… Ông không cần làm gì cả, chỉ cần ông có mặt ở một chỗ nào đó, vào một thời điểm nào đó… Tôi nói thế là ông hiểu chứ?… Chẳng hạn ông đang dạo chơi… Bỗng trên đường phố xảy ra một chuyện vô cùng hệ trọng và ông có mặt ở đó đúng lúc ấy… Thế là ông ra tay làm một hành động nghĩa hiệp, thậm chí bản thân ông cũng không ngờ là ông lại làm cái việc ấy…

Cô y tá sinh trưởng trên bờ biển phía Tây của xứ E-cốt, trong một gia đình có truyền thống ngoại cảm.

Rất có thể lúc này cô nhìn thấy hình ảnh một người đàn ông đứng trên vách đá ven biển, giữa một đêm tháng Chín, đang lao đến cứu một sinh mạng thoát khỏi một cái chết khủng khiếp.

Ngày 14 tháng Hai

Trong phòng chỉ có một người, và chỉ có một tiếng động duy nhất là tiếng ngòi bút chạy trên trang giấy.

Nhưng không có ai đứng sau lưng để nhìn qua vai y những gì y viết. Và những dòng chữ kia, nếu ai đọc được hẳn không còn tin vào mắt mình nữa. Bởi đấy là một kế hoạch hết sức chi tiết cho một mưu đồ giết người.

Một kế hoạch do một bộ óc thông minh lạnh lùng vạch ra, một kế hoạch chu đáo đến mức tỉ mỉ nhằm hủy bỏ cuộc sống một con người.

Mọi khả năng, mọi tình huống đều được đặt ra để xem xét: nhất thiết kế hoạch phải thành công.

Kế hoạch có giá trị là phải không cứng nhắc. Người vạch kế hoạch đề ra rất nhiều phương án tùy theo mỗi tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Và trong các biện pháp, anh ta chọn biện pháp tối ưu cho mỗi tình huống. Chưa hết, anh ta còn dành một phần cho xác suất, cho khả năng nảy sinh một tình huống chưa được tính đến. Nhưng mục tiêu cơ bản thì không thay đổi. Mọi thứ đều được dự tính: giờ, địa điểm, phương tiện, đối tượng…

Người viết ngẩng đầu, thu lại các tờ giấy, sắp xếp cho thứ tự rồi chăm chú đọc lại một lần nữa.

Mọi chi tiết đều sáng tỏ như pha lê. Y nhếch mép cười thỏa mãn, nụ cười của một kẻ trí óc không thăng bằng.

Vậy là không thiếu một chi tiết nào, một khả năng tình huống nào. Y đã tính đến phản ứng của từng người một. Ai sẽ xử sự và suy nghĩ ra sao, cả người xấu lẫn người tốt. Mọi thứ đều ăn khớp.

Còn lại chi tiết cuối cùng y cần quyết định: ngày thực hiện kế hoạch.

Y ghi ngày đó vào bản kế hoạch. Đó là một ngày tháng Chín.

Rồi với nụ cười trên môi, tác giả bản kế hoạch xé vụn các mảnh giấy, ném vào ngọn lửa trong lò sưởi. Y không có thói đại khái. Y chăm chú nhìn cho đến khi mẩu giấy cuối cùng cháy hết.

Bây giờ kế hoạch chỉ còn nằm trong đầu y.

Ngày 8 tháng Ba

Chánh thanh tra Battle ngồi ăn điểm tâm. Hàm nhô về phía trước vẻ dữ tợn, ông ta chậm rãi đọc lá thư bà vợ vừa đưa, cặp mắt bà ướt đầm. Khuôn mặt viên chánh thanh tra không để lộ ra một chút cảm xúc nào. Trong mọi tình huống, Battle đều lạnh như băng. Khuôn mặt ông như tạc bằng gỗ lim, tạo cho người bên ngoài cảm giác ông là con người chính đáng; khỏe mạnh, thậm chí quyền uy nữa. Một điều chắc chắn là chưa bao giờ chánh thanh tra cảnh sát Battle được tiếng là người thông minh. Nhưng những phẩm chất khác của ông đã làm ông thành một sĩ quan cảnh sát xuất sắc.

Bà Battle vừa lau nước mắt, vừa nghẹn ngào nói :

– Em không thể ngờ con Sylvia lại có thể như thế.

Sylvia là con gái út trong năm đứa con của ông bà Battle. Cô mười sáu tuổi, đang học trường nội trú tại Meadway, gần thành phố Maidstone.

Lá thư do bà hiệu trưởng Amphrey viết. Bằng lời lẽ rào trước đón sau, giọng văn thân tình và cách trình bày tế nhị, bà hiệu trưởng cho biết, không úp mở gì hết, là thời gian gần đây, ban giám hiệu rất lo ngại về tình trạng xuất hiện những vụ mất cắp nhỏ. Người ta đã tiến hành kín đáo điều tra, và học sinh Sylvia đã thú nhận. Bà hiệu trưởng Amphrey sẽ rất sung sướng nếu được gặp ông bà Battle, càng sớm càng tốt, để “cùng xem xét tình thế”.

Chánh thanh tra Battle gấp lá thư, bỏ vào túi áo, nói :

– Để anh lo chuyện này cho, Mary!

Ông đứng lên, vòng góc bàn, âu yếm vỗ nhẹ lên vai vợ, nói thêm :

– Em đừng lo lắng, em thân yêu. Anh sẽ thu xếp ổn thỏa chuyện này.

Rồi ông ra khỏi phòng, để lại cho bà vợ một chút động viên và niềm hy vọng.

Buổi chiều, ông đến gặp bà hiệu trưởng Amphrey. Bà tiếp Battle trong phòng làm việc bày biện hiện đại, cốt để tỏ rõ quan điểm sống của bà. Chánh cảnh sát Battle ngồi thoải mái trên ghế xa lông, hai bàn tay to bè đặt lên hai đầu gối, nhìn thẳng vào mắt bà hiệu trưởng, cố lấy tư thế một sĩ quan cảnh sát oai vệ hơn thường lệ.

Bà Amphrey là một hiệu trưởng rất có giá, và rất danh tiếng. Bà tự hào là biết cách kết hợp các nguyên tắc về kỷ luật với quan niệm tân tiến về trách nhiệm của từng cá nhân.

Phòng khách của bà thể hiện tôn chỉ của trường Meadway, toát lên một vẻ lạnh lùng. Trên nền tường màu vàng nhạt khá độc đáo, rất nhiều lọ hoa và chậu cây cảnh các loại: thủy tiên, tuy-lip, dạ hương và nhiều thứ hoa khác. Hai ba pho tượng phiên bản tác phẩm thời Hy Lạp, vài tác phẩm điêu khắc quái đản của nghệ thuật hiện đại. Trên tường treo hai bức họa Italia theo trường phái hoang dã, thể hiện khuynh hướng thẩm mỹ của chủ nhân. Bản thân bà mặc bộ áo liền váy màu xanh nưóc biển. Người ta có cảm giác bà là người phụ nữ năng động và hiểu biết. Mắt bà xanh nhạt, đeo cặp mắt kính rất dày.

Bà nói giọng rành mạch, khúc chiết, bằng thái độ mà bà cho rằng đúng ra phải như thế.

– “Cái chính là chúng ta phải nghĩ đến quyền lợi của cháu. Tôi nói ‘cái chính’ với nghĩa là ông và tôi cần làm sao để cháu Sylvia không phải chịu một hậu quả nào. Nhất là không để cảm giác tội lỗi đè nặng lên tâm hồn cháu.

Hình thức kỷ luật, nếu có, phải hết sức nhẹ nhàng, vấn đề chính là ông và tôi cần tìm ra nguyên nhân nào khiến cháu phạm những tội lỗi vụn vặt đó. Mặc cảm tự ti chăng?… Có thể lắm… Trong giờ ra chơi, cháu Sylvia là đứa không biết vui đùa. Cũng có thể cháu muốn khác người chăng?… Một cách để tự khẳng định… Dù sao chúng ta cần hết sức thận trọng, chính vì vậy mà tôi thấy nên gặp ông trước đã, thưa ông Battle… Tôi xin nhắc lại, chúng ta cần tìm hiểu xem nguyên nhân nào đã dẫn cháu đến hành động ấy”.

– Bà nói rất đúng, thưa bà Amphrey. Chính vì mục đích ấy mà tôi đến đây gặp bà.

Viên thanh tra Battle nói bình thản, không một chút xúc động. Mắt ông không rời bà hiệu trưởng nhằm tạo uy thế đối với bà.

Bà Amphrey nói tiếp :

– Về phần tôi, tôi định sẽ không mắng mỏ gì cháu.

– Cảm ơn bà, thưa bà hiệu trưởng.

– Vì tôi rất hiểu và rất yêu quý các nữ sinh của trường tôi. Nếu vậy…

Bà ngừng nói.

– Nếu bà thấy không trở ngại gì, – Viên thanh tra cảnh sát nói – đề nghị bà cho tôi gặp cháu.

Bà hiệu trưởng trịnh trọng nhắc lại một lần nữa những đề nghị của bà, căn dặn ông Battle nên dịu dàng, thận trọng. Không nên nạt nộ con, cần cân nhắc và rất khéo léo. Viên thanh tra cảnh sát không hề tỏ ra sốt ruột. Ông bình thản chờ. Tưởng chừng ông không chút nào liên quan đến vụ việc này.

Cuối cùng bà hiệu trưởng quyết định mời ông khách lên phòng giấy của bà trên tầng hai. Lúc đi trong hành lang, họ gặp một số nữ sinh. Các em lễ phép nép vào bên tường, đứng thẳng người, nhưng hướng cặp mắt tò mò nhìn họ. Phòng giấy mang ít tính chất “tuyên ngôn” hơn phòng khách. Đưa khách vào xong, bà hiệu trưởng định ra để gọi Sylvia, nhưng ông Battle ngăn bà lại :

– Xin được hỏi bà một câu… Căn cứ vào đâu bà kết luận cháu Sylvia là thủ phạm những vụ ăn cắp vặt kia?

– Tôi chỉ cần dựa vào các quy luật của khoa tâm lý, thưa ông Battle.

Bà nói câu đó bằng giọng đầy tự tin và thái độ rất đĩnh đạc.

Battle trầm ngâm nhắc lại hai chữ “tâm lý”, rồi khẽ ho thông cổ họng, nói :

– Nhưng phải có bằng chứng chứ, thưa bà Amphrey?

Bà hiệu trưởng nói :

– Tôi hiểu ý ông định nói gì, thưa ông Battle, và tôi đã đoán trước ông sẽ yêu cầu có bằng chứng. Nghề nghiệp của ông đòi hỏi phải như thế!… Nếu hiểu hai chữ “bằng chứng” theo cách thông thường thì tôi không có “bằng chứng”. Nhưng ngày nay trong môn tội phạm học, người ta rất đề cao biện pháp tâm lý. Và tôi tin chắc tôi đã không lầm. Hơn nữa, cháu Sylvia đã thú nhận…

– Tôi biết. Nhưng tôi vẫn muốn được bà cho biết, căn cứ vào đâu mà thoạt đầu bà nghi cho cháu?

– Rất đơn giản thôi, thưa ông Battle. Cứ mỗi ngày lại có thêm những thứ vặt vãnh trong tủ các nữ sinh biến mất. Tôi bèn triệu tập họp toàn trường, tất cả các lớp. Tôi kể ra các sự kiện, trong khi đó tôi chăm chú quan sát phản ứng của từng học sinh. Đột nhiên tôi chú ý đến thái độ của cháu Sylvia. Cháu có vẻ mặt bối rối… của kẻ phạm tội… Ngay lúc đó tôi nghĩ cách kiểm tra. Tôi quyết định không dùng cách chứng minh là cháu có tội, mà tôi dùng cách dắt dẫn cháu đến chỗ thú nhận một cách tự nhiên. Tôi tiến hành một thí nghiệm nhỏ, một thứ như “test” tâm lý…

Chánh cảnh sát Battle gật gù.

– Cuối cùng, – Bà Amphrey kết luận – Sylvia đã thú nhận hết.

Battle nói rằng ông đã hiểu. Và bà hiệu trưởng Amphrey, sau một chút ngập ngừng, bước ra khỏi phòng.

Thanh tra Battle đang nhìn ra ngoài cửa sổ thì có tiếng cửa ra vào mở. Ông quay người lại. Sylvia vừa vào.

Cao gầy, da ngăm ngăm đen, khuôn mặt nhiều góc cạnh, trông em rầu rĩ, rõ ràng em vừa khóc.

– Con đây ạ. – Em rụt rè nói.

Battle im lặng ngắm con một lát, rồi buông một tiếng thở dài, nói :

– Lẽ ra bố không nên cho con vào học ở đây. Bà ta đúng là kẻ mắc bệnh tâm thần…

Sylvia ngạc nhiên, quên cả nỗi buồn lo, lên tiếng phản đối :

– Cô hiệu trưởng Amphray ấy ạ? – Em kêu lên – Nhưng cô ấy rất đáng khâm phục! Tất cả học sinh bọn con, đứa nào cũng phải công nhận như thế.

– Không phải đâu – Ông Battle nói – Thì cứ cho là bà ấy chưa hoàn toàn mất trí, nhưng đấy là do bà ấy cố tình tạo cho các con cảm giác ấy… Dù sao thì lẽ ra bố không nên cho con vào học trường Meadway này… Cũng có thể do bà ấy bị ảnh hưởng của người khác!

Sylvia cúi đầu nói rất khẽ :

– Con rất ân hận, thưa bố… Quả là…

– Đấy là chuyện bình thường. Con lại gần đây với bố!

Cô bé từ từ đi ngang qua gian phòng, đến trước mặt cha. Đưa bàn tay to bè lên, ông Battle dùng hai ngón tay nâng cằm con gái, rồi nhìn thẳng vào mắt em.

Giọng dịu dàng, ông nói :

– Con vừa phải chịu một nỗi khổ tâm phải không?

Nước mắt trào lên khoé mắt cô bé.

– Sylvia – Ông Battle nói tiếp – Trước nay, trong con vẫn có một thứ gì đó khiến bố lo lắng. Mỗi con người đều có một điểm yếu. Thông thường, người ta nhìn thấy ngay. Một đứa trẻ tham ăn, thô lỗ, hay xấu tính, người bên ngoài đều nhìn thấy rõ. Nhưng con không thế. Con bao giờ cũng ngoan ngoãn, điềm tĩnh, không bao giờ làm bố mẹ phiền lòng… nhưng chính điều đó làm bố lo lắng! Những rạn nứt không lộ ra, chính lại rất nguy hiểm. Chỉ cần một va đập nhỏ là vỡ tan!

Cô bé nhẹ nhàng hỏi :

– Vậy ra con đã rơi vào đúng tình trạng đó?

– Đúng thế. Vết rạn quá nhỏ, không ai nhìn thấy… Quả là kỳ lạ!… Thú thật là bố chưa bao giờ gặp một hiện tượng như thế.

– Con tưởng bố từng gặp bao nhiêu kẻ trộm cắp trên đời rồi!

– Tất nhiên… Và bố không còn thấy có điều gì ở chúng mà bố chưa biết. Riêng trong trường hợp này, không phải vì bố là bố của con – các bậc cha mẹ thường không hiểu nhiều lắm về con cái họ đâu mà vì bố là thanh tra cảnh sát, bố có thể khẳng định với con rằng con không phải đứa ăn cắp! Con không hề ăn cắp thứ gì ở đây!… Con biết không, con gái của bố, trên đời chỉ có hai loại kẻ cắp, loại thứ nhất là những người đột nhiên bị một cám dỗ nào đó khiến họ không cưỡng nổi. Loại thứ haỉ là những người nhiễm thói quen, thấy ai có cái gì cũng muốn lấy. Loại thứ nhất rất hiếm, bởi người lành mạnh thường lương thiện và cưỡng lại được những cám dỗ xấu xa, thậm chí họ cưỡng giỏi hơn là họ tưởng. Con không thuộc loại đó, và cũng không thuộc loại thứ hai. Con không phải kẻ ăn cắp… nhưng con lại là một đứa có thói nói dối đến mức không bình thường!

– Nhưng…

Đoán được điều con gái sắp đưa ra để phản đối, ông Battle vẫy tay gạt đi.

– Bố biết, con đã thú nhận. Ngày xưa có một bà phúc hậu đem bánh mì phân phát cho người nghèo đói. Chồng bà ấy không thích thế. Một hôm, ông ta nhìn thấy vợ đi ngoài đường, hỏi bà đựng gì trong làn đấy. Bà vợ hốt hoảng, đáp bừa “Hoa hồng”. Chồng bà mở làn ra xem thì thấy gì? Hoa hồng thật! Cái đó gọi là một “sự mầu nhiệm”. Và người phụ nữ đó sau này thành Thánh nữ Elisabeth… Nhưng con thì ngược lại, con xách làn đựng hoa hồng, nhưng khi chồng con gặp, hỏi trong làn đựng gì đấy, con lập tức mất bình tĩnh, vội vã trả lời bừa: “Bánh mì!”.

Thanh tra Battle im lặng một lúc rồi nói, lần này khẽ và rất dịu dàng :

– Bố đoán có đúng không?

Hai cha con im lặng một lúc lâu. Sylvia không trả lời cha, chỉ cúi đầu.

Thanh tra Battle nói tiếp :

– Con kể cho bố nghe toàn bộ câu chuyện đi, con yêu quý!

Sylvia ngước mắt nhìn cha :

– Chuyện chỉ có thế này. Cô Amphrey triệu tập toàn trường, diễn thuyết rất dài. Đến một lúc nào đó, con thấy cô chằm chằm nhìn con và con hiểu ngay rằng cô ấy nghi con! Thế là mặt con nóng bừng. Con thấy một số bạn cũng nhìn con… Rồi tất cả nhìn tập trung vào con, một số thì thầm gì với nhau. Con hoảng sợ thấy tất cả đều nghi con là thủ phạm! Sau đó cô Amphrey gọi con lên phòng hiệu trưởng cùng với một số bạn nữa, tiến hành một kiểu trò chơi. Cô ấy nói lên một từ và mọi người phải lập tức nói một từ khác liên quan đến từ của cô ấy đưa ra…

Thanh tra Battle nhăn mặt.

Sylvia kể tiếp :

– Tất nhiên con hiểu ngay là cô Amphrey nhằm vào con. Con bỗng thấy toàn thân như tê liệt… Con bèn cố tránh nói lên những từ nào bất lợi và con cố nghĩ đến những thứ bên ngoài, những giống vật, những loài hoa… Nhưng cô Amphrey thì chăm chú nhìn con, rình sẵn. Mắt cô ấy như xuyên qua người con. Thế là con hoang mang… Lát sau, cô nói giọng trìu mến, rằng cô ấy đã hiểu. Thế là con òa lên khóc, con bảo thủ phạm chính là con… Và bố có thể ngờ được không, nói xong câu ấy, con thấy nhẹ cả người!

Thanh tra Battle gãi cằm.

– Bố đoán được chứ – Ông nói.

– Và bố đã hiểu con?

– Không đâu, Sylvia. Bố chưa hiểu được con. Chắc do tố chất con người bố không giống tố chất con người con. Tính bố là khi thấy có kẻ tìm cách bắt bố nhận một tội bố không phạm, bố liền đấm một quả vào giữa mặt hắn. Nhưng bố biết tâm trạng con lúc đó, và bố hiểu được là bà Amphrey của con mang trong đầu những lý thuyết chưa tiêu hóa. Thật ra bà ta chẳng hiểu gì về môn tâm lý học hết. Thôi được, sau đây mọi sự sẽ rõ!… Bà hiệu trưởng Amphrey đâu rồi?

Bà ta tế nhị tránh sang phòng bên cạnh. Khi nghe thanh tra Battle hỏi, bà ta vội bước sang, gượng cười đáp lại.

Thanh tra Battle nói không cần tế nhị gì hết :

– Con gái tôi bị kết tội oan. Tôi buộc phải yêu cầu bà báo vụ này cho cơ quan cảnh sát.

– Nhưng chính em Sylvia đã thú nhận, thưa ông Battle…

– Sylvia không hề đụng đến thứ gì ở đây không phải của nó!

– Tôi rất thông cảm, là người sinh ra cháu, ông…

– Tôi nói không phải trên tư cách người cha, mà trên tư cách nhân viên cảnh sát. Yêu cầu bà báo cảnh sát để họ đến đây. Họ sẽ kín đáo điều tra và tìm ra cho bà những thứ bị mất cắp, hiện đang được giấu kín ở nơi nào đó, và tôi cam đoan là những thứ ấy vẫn còn nguyên dấu vân tay. Bọn trộm cắp vặt không nghĩ đến chuyện phải đeo găng tay. Về phần con gái tôi, tôi đưa cháu về nhà ngay bây giờ. Trường hợp nếu có đủ bằng chứng đích thực con gái tôi là thủ phạm, tôi đồng ý đưa nó ra tòa án để tòa xét xử cho đúng với tội của nó. Nhưng tôi rất yên tâm về con gái tôi…

Mười phút sau, xe ô-tô ông chánh cảnh sát băng qua cổng sắt nhà trường. Sylvia ngồi cạnh cha trong lúc ông cầm tay lái.

– Đứa con gái bố gặp ngoài hành lang tên là gì? Ông Battle hỏi – Con bé tóc vàng, quần áo hơi lôi thôi, má rất đỏ, hai mắt xanh thẫm và cách xa nhau quá mức bình thường ấy?

– Chắc là con Olive Parsons.

– Nếu đúng nó là thủ phạm thì bố không hề ngạc nhiên.

– Bố thấy nó có vẻ sợ hãi hay sao?

– Hoàn toàn không phải. Nó có vẻ là đứa con gái hết sức tự tin ấy chứ!… Nó có nét mặt đầy tự tin của hầu hết những tên trộm cắp mà bố đã nhìn thấy đứng trước Tòa! Bố dám đánh cuộc bất cứ thứ gì, chính nó là đứa ăn cắp… Nhưng nó sẽ không chịu thú nhận đâu khi chưa có đủ bằng chứng. Nó không phải đứa khờ dại như con.

Sylvia thở dài.

– Bố biết không, lúc này con có cảm giác như con vừa tỉnh dậy sau một cơn ác mộng… Sao con có thể ngu xuẩn đến thế không biết?… Con tự thấy xấu hổ!

Chỉ đặt một bàn tay lên vô lăng, tay kia ông Battle vỗ nhẹ lên bắp tay con gái.

– Đừng thế, con yêu quý!… Những đòn đánh tàn bạo như thế sẽ làm người ta cứng rắn lên… Thượng đế gieo xuống đầu chúng ta để thử thách đấy… Hẳn là như thế… Bởi nếu không phải vậy thì bố không hiểu nổi con người phải chịu những nỗi oan khiên ấy để làm gì?

Ngày 19 tháng Tư

Sáng hôm ấy, ngôi nhà của Nevile Strange ở thị trấn Hindhead chan hòa ánh nắng.

Điều khác thường là vào tháng Tư mà thời tiết hôm ấy nóng bức hơn cả một ngày tháng Sáu.

Nevile Strange bước xuống thang gác. Anh ta mặc bộ đề len trắng, cặp nách bốn cây vợt tennis.

Nếu như cần chọn trong số thần dân của Vương quốc Anh một người đáng được coi là hoàn toàn hạnh phúc, một người không còn phải ao ước thứ gì, hẳn người ta sẽ chọn Nevile Strange. Đó là một chàng trai ba mươi tuổi, sức khỏe hoàn chỉnh, chơi giỏi đủ các môn thể thao, khắp giới thể thao nước Anh biết tiếng, cầu thủ quần vợt xuất sắc, anh ta đã hai lần lọt vào vòng bán kết giải quần vợt toàn quốc. Nevile chưa thành nhà vô địch có lẽ chỉ vì anh ta giỏi quá nhiều môn thể thao cho nên không thể dồn toàn bộ công sức cho riêng một môn nào. Bơi anh ta cũng giỏi. Đánh gôn thì vào loại thượng hạng. Nevile đã từng leo lên những đỉnh cao đầy nguy hiểm của rặng núi Alpes.

Nevile lại rất nhiều tiền, và gần đây lấy một cô vợ xinh đẹp tuyệt vời.

Tóm lại; anh ta là người không còn có điều gì phải lo lắng, than phiền.

Tuy nhiên, trong lúc Nevile xuống thang gác vào cái buổi sáng tràn nắng ấy, một cái bóng bám theo sát gót anh ta. Chỉ riêng anh ta biết có cái bóng ấy, nhưng cái bóng rõ ràng đang tồn tại, và vì Nevile biết có nó bên cạnh, nên anh ta cau mày khó chịu.

Nevile bước trên hành lang, lắc mạnh đôi vai, như thể hất đi một vật nặng đang đè trĩu lên vai, ưỡn ngực đi qua phòng ăn, ra hiên. Tại đây cô vợ anh ta đang ngồi giữa một đống gối, chậm rãi nhấm nháp cốc nước cam.

Kay năm nay hai mươi ba tuổi và đẹp một cách rực rỡ. Cao, mảnh mai, cặp mắt to đen láy, làn tóc nâu vàng ánh lên những vệt óng. Cô có nước da đẹp đến nỗi không cần trang điếm gì mấy.

– Người đẹp của anh – Nevile vui vẻ nói – Em cho anh điểm tâm món gì đây?

Kay đáp :

– Món cho anh là bầu dục trần tái, nấm và giăm bông. Em thì xin chịu món tái ấy.

– Được đấy!

Nevile ngồi xuống, rót cà phê ra tách. Anh ta bắt đầu ăn. Trong vài phút họ không nói với nhau câu gì.

Kay xem xét những móng chân sơn đỏ của cô rồi ngẩng nhìn trời, reo lên :

– Nắng đẹp quá! Muốn nói gì thì nói, nước Anh vẫn có nhiều thứ đáng giá đấy chứ!

Hai vợ chồng vừa đi nghỉ trên bờ biển Địa Trung Hải ở miền Nam nước Pháp về.

Nevile đưa mắt lướt nhanh qua những đầu đề in chữ to trên trang nhất, chuyển sang cắm cúi đọc phần tin tức thể thao. Anh gật gù lẩm bẩm, rồi gấp tờ báo, vớ chiếc bánh mì bơ phết mứt, chuyển sang đọc xấp thư từ mới đến. Số phong bì khá nhiều, nhưng nhiều chiếc chỉ đựng những thứ không lý thú mấy: thông báo, đề án, và vài tài liệu linh tinh.

Đột nhiên Kay nói :

– Em không thấy thích trang trí phòng khách theo kiểu này nữa. Anh cho em bày lại nhé, được không?

– Em tha hồ bày lại, em yêu!

– Em thích màu chính là xanh lục, bốn góc là những cái gối màu trắng ngà…

– Và một bức thuốc nước làm mọi thứ tươi vui lên!

– Đồng ý! Và anh sẽ vẽ bức thuốc nước ấy!

Nevile bóc một lá thư. Anh nói :

– À, cậu Shirty rủ hai vợ chồng mình cùng đi chuyến ngao du trên biển với cậu ta. Phương tiện đi: du thuyền của cậu ta. Mục tiêu: Na Uy. Rất tiếc là chúng mình đành phải làm cậu ta mếch lòng vậy.

Kay buông một tiếng thở dài.

– Đúng là rất đáng tiếc! Em thấy trước là chuyến ngao du ấy sẽ thú vị lắm.

Rồi thở dài một lần nữa, cô nói tiếp :

– Mà có cần lắm phải đến ngồi buồn tẻ ở nhà bà già Tressilian ấy không?

Cô hỏi giọng có phần gây sự. Một nét khó chịu lướt qua trên khuôn mặt Nevile. Anh đáp :

– Cần! Em thừa biết là cần rồi. Bác Matthew Tressilian là người bảo hộ của anh. Chỉ hai người đã quan tâm đến việc dạy dỗ anh nên người, đó là hai bác ấy. Nếu như anh cần có một nơi để gọi là “nhà”, thì biệt thự Mũi biển Hải âu chính là “nhà” của anh đấy.

– Thôi, cũng được. Em sẽ không có ý kiến gì thêm về chuyện ấy nữa! Đấy là việc cần phải làm, vậy thì ta làm!… Nói cho cùng thì bao giờ bà cụ mất, chúng ta sẽ thừa kế tiền bạc của bà cụ kia mà. Chiều bà cụ một chút cũng được.

Nevile đáp, giọng hơi khó chịu, rằng vấn đề không phải ở chỗ tiền bạc.

– Nhất là, – Em nói thêm – số tiền ấy phu nhân Tressilian đâu có quyền cho ai? Bà chỉ được quyền sử dụng trong lúc còn sống, chứ tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu của chồng, mặc dù bác Matthew đã mất. Bao giờ bà cụ Tressilian mất nữa thì tài sản sẽ hoàn toàn thuộc về anh. Và bao giờ anh chết thì thuộc về vợ anh. Nhưng Kay ạ, anh thấy cần đến thăm bà cụ Tressilian ở biệt thự Mũi biển Hải âu hoàn toàn chỉ vì tình cảm. Và anh lấy làm lạ sao em không hiểu được như thế!

Kay đáp rằng cô rất hiểu.

– Chỉ có điều, – Cô nói thêm – em chưa nói hết ý, nghĩ thầm kín của em… Em nhận có lỗi. Anh biết không, quả thật là đến đấy em có cảm giác em là người thừa… Họ buộc phải tiếp em, chứ không yêu gì em!… Khoan, nghe em nói đã… Em biết chứ. Bà cụ Tressilian với chiếc mũi dài quá cỡ nhìn em bằng cặp mắt khinh khỉnh, còn tiểu thư Mary Aldin thì khi nói gì với em, cố không nhìn vào mặt em. Anh không thấy đâu cho nên anh không bực, chứ con em, em thấy hết…

– Anh lại thấy hai người phụ nữ đó rất kính trọng em. Và em thừa biết là không đời nào anh cho phép họ đối xử với em không như thế.

Kay ngước nhìn chồng qua hàng lông mi đen và dài.

– Kính trọng thì có đấy! Cả hai đều kính trọng em, nhưng họ còn biết cả cách thọc mũi dùi vào những chỗ yếu của em. Họ coi em là kẻ chài anh để lọt vào xã hội của họ, và họ không cần giấu giếm cách nhìn ấy đối với em.

– Lạy Chúa! – Nevile nói – Nhưng như thế có gì lạ lắm đâu?

Giọng anh nói đã không còn như lúc trước. Nevile đứng lên, quay lưng lại Kay, nhìn ra phong cảnh bên ngoài.

Kay chua chát nói :

– Đúng vậy, chẳng có gì là lạ!… Mấy bà ấy yêu quý Audray chứ gì?… Cô Audray dịu dàng, gia giáo và cũng nhạt nhẽo nữa!… Bà cụ Tressilian làm sao tha thứ được cho em là đã tranh mất chỗ của cô ấy?

– Phu nhân quá già rồi, em yêu quý. Hơn bẩy mươi tuối rồi! Những thứ thuộc thế hệ ấy không thể chấp nhận được việc ly hôn… anh còn thấy quý Phu nhân ở chỗ bà cụ đã tìm ra được một lối thoát trong tình hình ấy, là dồn mọi tình cảm cho… cho Audray.

Giọng nói của Nevile hơi xúc động khi nói. đến tên người vợ trước.

– Mấy bà cho rằng anh xử sự chưa đúng với cô ấy.

– Kể ra họ nói cũng đúng một phần.

Nevile nói rất khẽ, như tự nhủ với bản thân, nhưng Kay đã nghe thấy.

Cô nói :

– Anh đừng nghĩ ngu ngốc như thế. Nevile! Nếu các bà ấy nhận thấy như vậy, thì chỉ vì cô ta thích gây ra đủ thứ chuyện tồi tệ.

– Cô ấy không “gây ra” chuyện gì đâu! Audray không có thói đó.

– Anh thừa biết em muốn nói đến những chuyện gì rồi!… Cô ấy bỏ nhà đi, ngã bệnh, rồi than thở với khắp mọi người về nỗi đau khổ của cô ấy. Em bảo “gây chuyện” chính là như thế. Audray không biết điều. Một khi đã không giữ được chồng thì phải biết cách chịu đựng sự tan vỡ ấy với nụ cười trên môi chứ. Giữa anh và cô ấy chẳng có gì giống nhau hết. Cô ấy không biết cách tự tạo lấy niềm vui. Cô ấy quá nhu nhược, quá thụ động, không biết hưởng niềm vui cuộc sống, không biết chủ động thứ gì hết!… Nếu quả thật Audray yêu anh, cô ấy phải chăm lo chọ hạnh phúc của anh chứ… và khi thấy anh tìm thấy hạnh phúc với một cô gái khác, lẽ ra cô ấy phải hài lòng chứ!

Nevile quay đầu lại, vung tay như diễn viên trên sân khấu :

– Hỡi quý bà quý ông, – anh nói giọng hài hước. Đấy mới chính là nghệ thuật tỏ ra mình có tinh thần “thể thao” trên sân cỏ “cao quý” của Tình Yêu và Gia Đình!

Kay cảm thấy mặt nóng bừng.

– Em đã nói hơi quá – Cô thừa nhận – Nhưng em cho rằng khi sự việc đã xảy đến, ta cần có thái độ và chấp nhận số phận đã dành cho mình.

Nevile điềm tĩnh nhận xét rằng, cô Audray đã làm đúng như thế. Anh nói :

– Để anh có thể kết hôn với em, cô ấy đã đồng ý ly hôn…

– Em biết…

– Chỉ có điều chưa bao giờ em hiểu cho cô ấy.

– Điều đó em cũng công nhận!… Em không biết cách… Có lẽ vì em không làm sao hiểu được cô ấy suy nghĩ ra sao. Dù sao, em thấy Audray… Đúng thế, em thấy sờ sợ cô ấy!

– Em nói những điều ngu ngốc!

– Vậy anh bảo em phải làm thế nào?… Audray làm em sợ, vậy mà em không thể làm gì được!… Có lẽ vì cô ấy thông minh khủng khiếp!

– Em yêu quý!… Cô vợ xinh đẹp của anh hơi hâm rồi đấy!

Kay cười.

– Sao lúc nào anh cũng gọi em như thế?

– Bởi đó là sự thật!… Nhiều lúc em rất lẩn thẩn, và anh yêu em chính vì cái lẩn thẩn ấy đấy!

Họ cùng cười. Nevile bước đến ôm vợ, hôn lên cổ cô, thầm thì những lời âu yếm.

– Vậy đấy, con Kay xinh đẹp, Kay yêu quý, con Kay lẩn thẩn này lại khước từ một chuyến ngao du tuyệt vời trên biển để đến cái nơi mà một vị phu nhân già khọm từ thời Nữ hoàng Victoria rơi rớt lại, nhìn mình bằng cặp mắt kiêu ngạo.

Nevile đã ngồi lại bên bàn điểm tâm :

– Nếu em thích một chuyến ngao du trên biển đến thế thì, ta vẫn có thể tiến hành…

Kay sửng sốt nhìn chồng.

– Thế còn làng Saltcreek, rồi biệt thự Mũi biển Hải âu, thì sao?

Giọng gượng gạo, Nevile đáp :

– Ta lui đến đầu tháng Chín.

– Nhưng…

Hai tháng Bảy và Tám thì không được rồi, vì các bãi biển đều rất nhốn nháo. Cuối tháng Tám, anh thi đấu ở giải Saint-Loo xong, là ta có thể ung dung đi thẳng từ đó đến Saltcreek.

– Tất nhiên nếu được như thế thì còn gì bằng… Nhưng em cảm thấy hình như… Mà tháng Chín, liệu cô ấy có mặt ở Saltcreek không?

– Cô nào? Audray ấy à?

– Chính thế. Tất nhiên các bà ở đấy có thể đề nghị cô ấy chuyển sang thời gian khác…

– Nhưng sao cần phải chuyển?

Kay chưa muốn hiểu. Cô hỏi :

– Anh muốn nói là vợ chồng mình có thể có mặt ở đấy cùng một lúc với cô ta chứ gì?… Sao anh lại buồn cười thế?

Nevile trả lời, giọng có phần bực dọc, và điều này không lọt qua mắt Kay.

– Anh thấy chẳng có gì đáng buồn cười hết. Có những định kiến ngày xưa mà ngày nay chẳng ai quan tâm! Tại sao cả ba chúng ta không thể là bạn tốt của nhau? Sẽ đơn giản vấn đề đi rất nhiều! Hôm trước, chính em cũng nói…

– Em?

– Em quên rồi sao?… Hôm nói đến vợ chồng Howe, em có nhận xét là đôi vợ chồng nhà ấy có cách nhìn cuộc sống rất hiện đại và rất khôn ngoan, ở chỗ cô vợ trước và cô vợ hiện nay của Howe đã đối xử với nhau như đôi bạn thân thiết nhất trên đời.

– Riêng phần em, em sẵn sàng. Và em thấy như thế không có gì vô lý cả. Nhưng em e Audray không có cách suy nghĩ như em…

– Em lại thế rồi!

– Em không hề “lại thế” chút nào!… Anh thừa biết Audray rất yêu anh… Cô ấy làm sao chịu nổi tình thân với em!

– Em lầm hoàn toàn!… Audray đang rất muốn làm thân với em.

– Cô ấy muốn ư? Sao anh biết?

Nevile lúng túng, khẽ ho thông cổ họng rồi mới đáp :

– Em ngờ được không? Hôm qua anh gặp cô ấy ở London…

– Sao anh không kể với em?

– Thì bây giờ anh kể đấy thôi, – Giọng Nevile có đôi chút bực dọc – Tất nhiên là tình cờ gặp thôi. Anh đang đi trên phố Công viên Hyde Park thì thấy cô ấy đi ngược chiều lại. Chẳng lẽ anh lại tránh giáp mặt?

– Tất nhiên rồi – Kay nói, giọng như nghẹn lại – Thế rồi sao?

– Thế rồi hai người đứng lại, tất nhiên. Anh quay gót để đi cùng cô ấy. Anh không thể không làm thế.

– Rồi sao nữa?

– Cô ấy và anh ngồi lại một lúc, trò chuyện linh tinh. Thái độ cô ấy rất vui vẻ. Rất…

– Chắc anh hài lòng lắm.

– Hai người nói đủ thứ chuyện. Cô ấy rất thoải mái, không tỏ ra khó chịu chút nào.

– Giỏi đấy.

– Cô ấy hỏi tin tức về em…

– Cô ấy tốt quá!

– Thế là hai người nói chuyện về em. Kay ạ, phải công nhận là cô ấy hết sức nhiệt tình với em…

– Audray tốt quá!

– Chính lúc đó anh nảy ra ý nghĩ, nếu em với cô ấy trở thành đôi bạn thân thiết thì tuyệt biết bao, và cả ba chúng ta có thể cùng nghỉ vụ hè này ở biệt thự Mũi biển Hải âu. Chỉ có nơi ấy là ba chúng ta gặp nhau thuận tiện nhất.

– Anh có ý tưởng ấy à?

– Tất nhiên rồi.

– Vậy mà chưa bao giờ anh nói ra với em.

– Vì hôm qua anh mới nảy ra ý tưởng ấy!

– Tóm lại, anh đưa ra với Audray và cô ấy công nhận đó là một ý tưởng thiên tài, đúng vậy không?

Mãi đến lúc này, Nevile mới nhận thấy trong thái độ của vợ có chút khó chịu.

– Em có làm sao không đấy, em yêu quý?

Nevile ngạc nhiên một cách chân thật. Anh nói thêm :

– Nhưng em thấy chuyện đó được không, Kay?

Kay cắn môi dưới, không đáp.

Nevile năn nỉ :

– Hôm trước, chính em đã bảo…

– Thôi đi! Anh đừng lặp lại như thế nữa! Hôm trước không phải là hôm nay. Và hôm nay là chuyện của vợ chồng chúng ta; chứ không phải là chuyện của vợ chồng nhà Howe!

– Bởi chính do nghe em nói hôm ấy mà hôm nay anh nảy ra ý nghĩ…

– Em đã phóng ra một câu nói… Nhưng anh đừng tưởng em nghĩ như thế!

Nevile sửng sốt :

– Mà anh hỏi em, sao em không muốn như thế? Bởi trong tình hình đó em ở tư thế kẻ thắng kia mà!

– Có thật không?

– Khốn khổ!… Trong hai người, nếu có một ai đáng ghen, thì tất nhiên người đó không phải em, mà phải là cô ấy.

Nevile ngừng nói. Lát sau, anh nói giọng rất trìu mến :

– Em nên thấy hai chúng mình, em và anh, đã có thái độ không phải đối với Audray. Không, anh nói chưa đúng. Thái độ không phải ấy là về phía anh, chỉ về phía anh thôi. Em không làm gì đáng để bị trách cứ cả. Vậy là anh không đúng. Có thể lỗi không phải do anh hoàn toàn, nhưng thực chất vấn đề vẫn không thay đổi… Và nếu ý tưởng kia của anh trở thành hiện thực, anh sẽ đỡ đi phần nào nỗi áy náy… anh sẽ hạnh phúc hơn…

Kay quay mặt nhìn chồng, cặp mắt hơi buồn.

– Nghĩa là hiện giờ anh không cảm thấy hạnh phúc?

– Thấy chứ! Ôi, cô vợ ngốc nghếch yêu quý của anh! Tất nhiên anh hạnh phúc rồi, hạnh phúc ghê gớm ấy chứ! Nhưng…

Kay ngắt lời chồng :

– Thế là đủ hiểu. Anh hạnh phúc, nhưng… Trong cái nhà này muôn thưở có chữ “nhưng”. Lúc nào cũng có một bóng đen ám ảnh… Bóng đen của Audray…

Nevile hốt hoảng nhìn vợ :

– Em không định nói là em ghen với Audray đấy chứ?

– Ghen à? Không đâu!… Nhưng em nhắc lại, cô ấy làm em sợ!… Nevile, anh chưa biết rõ về Audray đâu!

Nevile cố cười :

– Anh chưa biết rõ Audray? Cô ấy đã là vợ anh trong suốt tám năm trời!

Kay lắc đầu.

– Chưa đâu, Nevile! – Cô nghiêm nghị nói – Anh chưa biết Audray đâu!

Ngày 30 tháng Tư

– Không thể có chuyện ấy được – Phu nhân già Tressilian nói – Có họa thằng Nevile mất trí.

Bà cụ dướn người lên, tựa vào đống gối, đưa mắt hoảng hốt nhìn khắp gian phòng.

Cô Mary Aldin nói :

– Chí ít thì đấy cũng là ý nghĩ lẩn thẩn của cậu ấy.

Phu nhân Tressilian có khuôn mặt rất đặc biệt, mũi mảnh và vóc người cân đối. Năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, tuy hay ốm đau, nhưng bà cụ vẫn giữ được trí óc tinh tường như lúc trẻ. Bà cụ không làm gì, cả ngày chỉ nằm trên giường. Mắt khẽ nhắm như nửa thức nửa ngủ, nhưng mỗi khi bà cụ mở mắt thì sáng suốt một cách kỳ lạ, và bà có thể nói huyên thuyên hàng giờ đồng hồ. Bà cụ giữ cách sống như các mệnh phụ thời xưa, bao quanh là cả một “triều đình”. Cô Mary Aldin là cháu họ xa, đến cùng sống với bà cụ. Hai cô cháu rất hợp tính nhau. Cô Aldin năm nay ba mươi sáu, nhưng khuôn mặt mềm mại, hầu như không có tuổi, và sẽ không thay đổi nữa. Có người nói cô ba mươi, có người nói cô bốn mươi nhăm, nói thế nào cũng có lý. Cô Aldin tính tình không độc ác, được hưởng một nền giáo dục chu đáo. Trên đầu cô, giữa mái tóc đen có một chùm bạc trắng, khiến cô có một dáng dấp nghiêm nghị.

Sau khi chăm chú đọc lá thư của Nevile Strange do phu nhân Tressilian đưa, cô Aldin nhắc lại rằng ý nghĩ của cậu ta “quả là nực cười”.

Bà cụ Tressilian nói tiếp :

– Khó có thể nghĩ đấy là ý tưởng của Nevile! Hẳn có đứa nào nhét vào đầu nó cái ý nghĩ kỳ quặc ấy! Chắc con vợ mới của nó chứ còn ai?

– Kay ấy ạ?… Phu nhân cho rằng đó là ý tưởng của Kay?

– Có vẻ thế!… Con bé vừa hiện đại vừa tầm thường!… Đúng là kiểu suy nghĩ của nó. Chuyện người vợ thứ nhất của một người đàn ông trở thành bạn thân thiết của người vợ thứ hai là một ý tưởng làm ta tởm lợm!… Nhưng ngày nay, con người đâu còn lòng kiêu hãnh nữa!

– Phải coi thời thế buộc họ phải như thế!

– Dù sao ta cũng không để cho chuyện ấy diễn ra trong cái nhà này! Ta cho rằng ta đã quá cố gắng khi nhận con nhỏ sơn móng chân móng tay ấy vào cái nhà này rồi.

– Nhưng cô ấy là vợ của Nevile…

– Ta biết!… Ông Matthew đã nhận thằng Nevile là người được ông ấy bảo hộ, nên ta đành phải theo. Matthew muốn nó coi tòa biệt thự Mũi biển Hải âu này là “nhà” của nó. Nếu cấm cửa vợ nó cũng tức là cắt đứt quan hệ với nó. Ta không muốn thế, nên đành phải mời cả con nhỏ ấy về đây. Nhưng ta không thích con ấy. Nó không xứng đáng là vợ thằng Nevile. Nó không phải con nhà dòng dõi…

Cô Aldin dè dặt nói :

– Cô ấy sinh ra trong một gia đình không đến nỗi nào.

– Đâu có!… Ta đã kể với chị rồi thôi, bố con nhỏ, sau một vụ bê bối rất mang tiếng ở sòng bạc, đã phải xin ra khỏi tất cả các câu lạc bộ ông ta là thành viên. May mà sau đó không lâu ông ta qua đời. Còn mẹ con nhỏ thì nổi tiếng ở khách sạn Riviera trên bờ biển Địa Trung Hải. Kiểu vũ nữ nhà hàng làm sao giáo dục được con gái!… Cuối cùng con nhỏ gặp được thằng Nevile nhà mình trong một cuộc đấu quần vợt. Nó liền chài thằng bé, rồi bắt Nevile phải bỏ vợ yêu, để lấy nó. Chính con Kay ấy đã gây ra tất cả mọi chuyện rối rắm!

Cô Aldine cười thầm trong bụng. Bà cụ Tressilian đổ mọi tội lên đầu người phụ nữ và tha thứ hết cho người đàn ông. Đúng là cách suy nghĩ cổ xưa.

Cô nói :

– Theo cháu thì tội cũng ở Nevile một phần!

Phu nhân Tressilian công nhận :

– Thì ta có bảo thằng Nevile không có lỗi đâu?… Nó đang có con vợ tuyệt vời, yêu nó… Con Audray còn quá yêu chồng ấy chứ… Thằng Nevile cũng có lỗi. Nhưng nếu con ranh kia không bám chặt thì nó đâu chịu bỏ vợ? Chị biết không, trong toàn bộ câu chuyện này, ta chỉ thương con Audray…

Cô Aldin thở dài :

– Sao mà câu chuyện đâm rắc rối đến thế!

– Chị nói đúng. Trên đời có những tình huống khiến con người ta không còn biết phải có thái độ như thế nào nữa. Ông Matthew rất quý con Audray. Ngay ta, ta cũng rất yêu nó. Và không ai dám bảo nó không phải con vợ tuyệt vời của thằng Nevile. Tất nhiên con Audray có chỗ yếu là không chia sẻ những đam mê của chồng. Nhưng đấy đâu phải khuyết điểm? Con Audray chưa bao giờ chơi thể thao… Chị biết không, ta càng nghĩ càng thấy ngán ngẩm thời thế hiện nay. Hồi ta còn trẻ, làm gì có những thứ ấy? Đàn ông không phải bao giờ cũng chung thủy với vợ, nhưng làm gì có chuyện ly hôn như bây giờ…

– Thời thế đã khác xưa.

– Đúng là chẳng nên nuối tiếc dĩ vãng, nhưng phải thấy ngày xưa làm gì có những chuyện như thế này!… Vậy mà bây giờ, những đứa con gái như con Kay có thể cướp chồng người khác, và mọi người còn cho thế là hay ho nữa chứ!

– Trừ phu nhân.

– Ta thì kể làm gì! Con Kay ấy đâu cần đến ý kiến của ta! Nó chỉ nghĩ đến sung sướng cho bản thân nó, còn mọi thứ khác nó bất cần!… Cuối cùng nó thành vợ thằng Nevile, và mỗi lần về đây, thằng Nevile có thể dẫn con nhỏ ấy về theo. Ta đồng ý tiếp cả bè bạn của thằng Nevile, và bây giờ cả bạn bè con Kay, vợ nó nữa… Mà sao ta ghét cái thằng láu lỉnh, lúc nào cũng bám theo váy của con nhỏ ấy đến thế… Tên thằng ấy là gì ấy nhỉ?

– Latimer phải không ạ?

– Phải rồi, chính nó đấy!… Con Kay gặp nó trong khách sạn Riviera trên bờ Địa Trung Hải bên Pháp. Ta còn chưa hiếu thằng ấy xoay sở thế nào mà sống đàng hoàng được như thế?

– Cậu ấy rất khôn ngoan.

– Thói khôn vặt ấy ta cũng cho rằng có thể bỏ qua, nhưng ta e thằng ấy không chỉ vây vo thế thôi!… Dù sao ta cũng thấy con vợ thằng Nevile thân với nó hơi quá mức đấy. Hè năm ngoái, khi vợ chồng thằng Nevile về đây nghỉ, thằng bạn con Kay cũng về theo, thuê phòng khách sạn ngoài thị trấn nghỉ mát Easterhead. Cái lối nó bám sát con Kay như vậy làm ta thấy lo.

Cô Aldin nhìn ra ngoài cửa sổ. Tòa biệt thự nay nằm trên bờ cao của sông Tern, ngay gần chỗ dòng sông đổ ra biển, cho nên ngồi đây có thể nhìn thấy bãi tắm cát trắng phau ở thị trấn nghỉ mát Easterhead. Phía trên bãi tắm là mấy khách sạn đồ sộ và viện an dưỡng xinh xắn. Gần đấy là xóm chài Saltcreek với những ngôi nhà nhỏ nằm rải rác trên sườn đồi, trông ra biển cả.

Phu nhân già Tressilian vẫn giữ kiểu suy nghĩ cổ xưa, bà cụ không cần giấu giếm nỗi khinh bỉ đối với những người đến đấy nghỉ hè ở thị trấn Easterhead. Tòa khách sạn đồ sộ, mặt trước chạy dài sơn màu trắng tinh, nằm ngay đối diện với những cửa sổ tòa nhà của phu nhân.

Bà cụ nhắm mắt lại, nói :

– May mà ông Matthew chưa phải nhìn thấy tòa nhà kệch cỡm kia! Thời ông ấy còn sống, bãi biển phẳng lì, nhìn thấy tận tít xa, có bị cái gì ngăn trở tầm mắt đâu?…

Hai ông bà Tressilian ra sống ở tòa biệt thự Mũi biển Hải âu này từ cách đây hơn ba mươi năm. Và ông Matthew đã chết đuối trong một cuộc du ngoạn bằng ca nô ra biển, khi chiếc ca nô bị lật, ngay trước mắt bà vợ lúc đó còn khá trẻ. Ai cũng tưởng bà sẽ bán dinh cơ này, rời khỏi Saltcreek, nhưng bà Tressilian đã không làm thế. Bà ở lại, chỉ cho phá ngôi nhà để ca nô và hủy tất cả những gì bên trong. Hồi đó bãi biển này chưa có bến để tàu thuyền vào, và ai muốn vượt qua vũng biển để sang bên kia, phải thuê dân chài ở đây chở bằng thuyền.

Quay lại câu chuyện đang trao đổi, cô Aldin rụt rè hỏi phu nhân Tressilian xem cô có phải thảo một lá thư để gửi cho Nevile, nói cho anh ta biết phu nhân không tán thành điều dự định của anh không.

Bà cụ không trả lời thẳng vào câu hỏi.

Bà nói :

– Có một điều chắc chắn là con Audray sẽ không thay đổi chương trình. Nó vẫn sẽ về đây vào tháng Chín như mọi năm.

Cô Aldin đọc lại lá thư của Nevile :

– Trong thư, Nevile cho biết cô Audray đã đồng ý với cậu ấy và cũng rất muốn gặp cô Kay ở đây.

– Ta không tin. Nevile thuộc loại đàn ông hễ muốn gì là cho luôn đó là thực tế.

Cô Aldin vẫn kiên nhẫn thuyết phục :

– Cậu ấy bảo đã thống nhất với cô Audray!

Phu nhân Tressilian gật gù :

– Một sự trùng hợp kỳ lạ đấy… Y hệt câu chuyện của Vua Henry VIII ngày xưa…

Cô Aldin chưa hiểu. Phu nhân Tressilian trầm ngâm nói tiếp.

– Đấy là chuyện về một người bị lương tâm cắn rứt. Vua Henry sau khi ly hôn với công nương Catherina, đã cố làm cho công nương hiểu rằng họ ly hôn là cần thiết. Nevile cũng vậy, nó cảm thấy đã có lỗi khi ly hôn với con Audray, bây giờ nó muốn xoa dịu phần nào nỗi ray rứt lương tâm ấy bằng cách làm cho con vợ cũ thấy rằng chuyện ly hôn không ảnh hưởng gì, và tình cảm giữa nó với con Audray vẫn thân thiết như xưa. Cho nên Nevile muốn con vợ cũ gặp con vợ mới, và tạo điều kiện cho hai đứa trở thành đôi bạn thân thiết.

Cô Aldin có vẻ chưa tin :

– Có đúng là như thế không, thưa phu nhân?

Bà cụ Tressilian mở mắt nhìn cô cháu :

– Chị nói thế là ý làm sao?

– Cháu cảm thấy cách suy nghĩ trong lá thư này không phải kiểu suy nghĩ của cậu Nevile. Phu nhân có nghĩ rằng rất có thể chính cô Audray đã gợi ra cho cậu ấy không? Và chính cô Audray muốn có cuộc gặp với cô Kay?

– Nhưng tại sao con Audray lại muốn thế? – Bà cụ Tressilian cau mày phản đối – Sau khi ly hôn với Nevile, nó đã về sống với bác nó, bà Royde, và do nghĩ ngợi nhiều quá nó đã đau ốm trong một thời gian khá dài. Bây giờ nó chỉ còn như cái bóng, có còn giống chút nào với con Audray xinh đẹp ngày xưa nữa đâu? Audray là loại phụ nữ rất có nghị lực, nhưng đồng thời cũng rất hay nghĩ ngợi. Với lại chuyện ấy quá lâu rồi. Nevile lấy vợ khác, và Audray cũng đã bình tĩnh trở lại. Sao chị lại nghĩ rằng nó còn muốn khơi lại những kỷ niệm đau lòng xưa kia?

– Trong thư, cậu Nevile nói rằng chính cô Audray muốn thế…

Phu nhân già Tressilian chăm chú nhìn cô cháu một lúc lâu, rồi nói :

– Sao chị cứ khăng khăng như thế, Aldin? Hay chính chị muốn thấy cả ba đứa cùng có mặt một lúc trong cái tòa nhà này?

Cô Aldin đỏ mặt, nói :

– Cháu chẳng muốn gì cả!

Phu nhân Tressilian vẫn đuổi theo dòng suy nghĩ :

– Hay chính chị mớm cách suy nghĩ đó cho thằng Nevile đấy, Aldin?

– Ôi, sao phu nhân có thể nghĩ một cách phi lý như thế được?

– Đúng là phi lý thật – Bà cụ tán thành – Nhưng ta rất không muốn thấy ý tưởng đó do thằng Nevile tự nghĩ ra…

Bà cụ nhắm mắt một lát rồi nói tiếp :

– Mai mồng Một nhỉ? Vậy là từ ngày mồng năm, con Audray sẽ ở chơi nhà Darlington, cách đây chưa đến ba mươi cây số… Chị viết thư đến đấy cho nó, bảo hôm nào thuận tiện, nó ghé sang đây!

Ngày 5 tháng Năm

– Cô Audray đã đến, thưa bà chủ!

Bà quản gia già Barrett báo tin xong, thì Audray bước vào phòng phu nhân Tressilian. Cô bước thẳng đến bên giường bà cụ, rồi ngồi xuống ghế nệm cạnh đó.

Audray có dáng vẻ tựa như một ảo ảnh. Vóc người nhỏ bé, chân tay xinh xắn, làn tóc vàng nhạt, khuôn mặt nhỏ và trắng xanh, cặp mắt màu tro rất đẹp, mũi thon thon xinh xắn… Tất cả các nét đó cho thấy cô là một phụ nữ không hẳn đáng mến mà cùng không hẳn không đáng mến. Thoạt nhìn, người ta dễ thấy Audray mang dòng máu quý tộc, khiến người ta phải ngoái lại nhìn. Audray hơi có dáng như một bóng ma, nhưng là một bóng ma còn thật hơn cả người sống.

Audray có giọng nói tuyệt vời. Dịu dàng và trong sáng như tiếng chuông.

Hai phụ nữ trò chuyện một lát, kể về những người quen biết cả hai, những tin tức mới, rồi phu nhân Tressilian chuyển sang để tài bà cụ đang quan tâm.

– Cháu thân yêu, – Bà cụ bắt đầu nói – ta nhắn cháu sang đây, trước hết để được hôn cháu, nhưng còn vì ta nhận được một lá thư rất lạ của Nevile…

Audray ngước cặp mắt tuyệt đẹp, bình thản nhìn vị phu nhân già.

– Nó định, – Bà cụ Tressilian nói tiếp – ta phải nói ngay rằng ý định của nó ta cảm thấy phi lý. Nó định đưa vợ nó đến đây nghỉ vào tháng Chín. Nó bảo nó muốn cháu và con Kay gần gũi nhau và thành đôi bạn thân thiết. Nevile còn nói rằng cháu cũng không phản đối ý tưởng ấy của nó.

Nói xong, bà cụ ngừng, chờ cô Audray.

Audray nhẹ nhàng hỏi :

– Ý định ấy bác thấy phi lý lắm sao?

– Thế ra cháu thật sự muốn có cuộc gặp gỡ đó à?

Giọng nói của phu nhân Tressilian chứa đựng một nỗi ngạc nhiên khiến Audray ngập ngừng một lúc rồi mới đáp.

– Bác không cho đấy là một ý tưởng tốt hay sao ạ? – Cuối cùng cô nói.

Phu nhân Tressilian không còn tin vào tai mình nữa.

– Quả thật cháu muốn gặp… con… Kay ấy à?

– Cháu nghĩ cách đó có thể… làm đơn giản đi mối quan hệ.

– Đơn giản đi mối quan hệ?

Phu nhân Tressilian lẩm bẩm nhắc lại câu nói, bà cụ lộ vẻ thất vọng.

Audray nói tiếp, giọng ngọt ngào :

– Bác Tressilian yêu quý, bác tốt quá. Nhưng cháu thiết tưởng, nếu anh Nevile đã muốn thế thì…

Bà cụ ngắt lời :

– Vấn đề không phải thằng Nevile muốn gì, mà cháu, cháu muốn thế nào mới là điều quan trọng. Cháu!

Má Audray hơi hồng lên một chút, một màu hồng tinh khiết, giống như màu hồng ở mặt trong con sò biển.

Cô nói :

– Quả thật cháu củng muốn như thế!

Phu nhân Tressilian thở dài.

Audray nói tiếp :

– Tất nhiên chúng cháu sẽ làm mọi thứ theo ý bác. Tòa biệt thự này của bác…

Bà cụ nhắm mắt lại, nói :

– Ta già quá rồi. Ta cảm thấy ta chẳng còn hiểu ra làm sao nữa.

– Cháu xin để bác nghỉ. Lúc khác cháu sẽ lại đến lúc nào bác thấy muốn cháu đến. Nếu bác không muốn tháng Chín này cháu đến đây…

Bà cụ vội mở mắt, kêu lên :

– Không! Không đời nào lại như thế! Cháu sẽ vẫn đến đây vào tháng Chín như mọi năm! Đến cùng thời gian với thằng Nevile và con Kay kia! Ta già rồi thật, nhưng ta vẫn có thể thích ứng như mọi người khác với những trò quái đản của thời hiện đại! Coi như câu chuyện đã quyết định xong, không bàn lại nữa!

Bà cụ lại nhắm mắt. Lát sau, hơi hé mở mắt, bà cụ chăm chú nhìn người phụ nữ trẻ, dịu dàng nói :

– Vậy là cháu đạt được điều cháu mong muốn rồi chứ?

Audray nhún vai, đáp rất khẽ :

– Vâng… Vâng, thưa phu nhân… Cháu rất biết ơn bác…

Phu nhân Tressilian nghiêm giọng nói :

– Audray yêu quý, cháu tin chắc là cháu sẽ không đau đớn chứ? Trước kia cháu rất yêu thằng Nevile, và bây giờ cháu không sợ khơi lại vết thương lòng hay sao?

Audray cúi xuống nhìn hai bàn tay nhỏ nhắn đeo găng của mình. Phu nhân Tressilian nhận thấy một trong hai bàn tay ấy cứng lại, bấu chặt vào thành giường.

Người phụ nữ trẻ ngẩng đầu. Nét mặt cô điềm tĩnh.

Audray nói :

– Tất cả những chuyện đó đã lui vào dĩ vãng, thưa bác. Tất cả chỉ còn là dĩ vãng!

Phu nhân Tressilian ngả mái đầu lên đống gối, kết luận :

– Đấy là việc của cháu, và chắc chắn cháu biết nên làm thế nào!…

Bà cụ nhắm mắt lại, nói thêm :

– Cháu yêu quý, lúc này ta đang mệt… Ta đành phải bảo cháu để yên cho ta nghỉ. Tiểu thư Aldin đang đợi cháu dưới nhà đấy. Bảo chị ấy sai bà quản gia Barrett lên đây với ta…

Lúc bà quản gia Barrett bước vào, phu nhân Tressilian nhắm mắt nhưng còn thức. Bà cụ nói :

– Bà Barrett thân mến. Ta muốn rời khỏi cõi đời này sớm ngày nào càng tốt cho ta ngày đó! Những thứ diễn ra xung quanh, ta không sao hiểu nổi…

– Cụ chủ đừng nói thế! Tại lúc này cụ chủ đang mệt đấy thôi!

– Bà nói đúng. Ta thấy rất mệt. Bỏ cái chăn này ra giúp ta. Nó nặng quá ta không xoay nổi. Rồi lấy cho ta viên thuốc an thần…

– Tôi rất lấy làm lạ sao hôm nay cụ chủ lại bực dọc với cô Audray? Cô ấy đáng yêu đến thế kia mà… Lúc xuống dưới kia cô ấy cũng bảo tôi lấy cho một viên thuốc an thần… Trông cô ấy ốm yếu quá!… Cô Audray luôn có cách nhìn sự đời không giống mọi người… Cô ấy lại có tính kiên quyết… Cô ấy đã định thế nào thì buộc người khác phải làm theo… Cô ấy ở đâu là ở đấy mọi người đều phải nghe cô ấy răm rắp!

– Bà nói đúng lắm, Barrett.

– Cô Audray còn có tính không quên cái gì bao giờ. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi, không biết cậu Nevile thỉnh thoảng có nghĩ đến cô ấy không… Cô vợ mới của cậu ấy quả là rất đẹp… Nhưng cô Audray lại thuộc loại phụ nữ mà khi xa cô ấy, không ai có thể quên cô ấy được!

Phu nhân Tressilian khẽ cười :

– Thằng Nevile đúng là ngu xuẩn – Bà cụ nhẹ nhàng nói – Nó muốn tạo cho hai đứa phụ nữ trẻ kia thành đôi bạn thân thiết. Rồi nó sẽ phải hối hận về chuyện đó.

Ngày 29 tháng Năm

Thomas Royde, chiếc tẩu trên môỉ, đang giám sát mấy người phu Mã Lai khuân vác hành lý cho anh. Chốc chốc, Royde lại đưa mắt nhìn ra khu đồn điền. Phong cảnh này đã thân thiết với Royde từ hơn bảy năm nay, và sắp tới anh sẽ phải xa nó trong sáu tháng.

Royde ngạc nhiên là mình vẫn còn trở lại nước Anh.

Dáng người cao lớn, Allen Drake bước vào, che lấp khung cửa.

– Sắp chuẩn bị xong chưa, Royde?

– Rồi.

– Vậy sang mình, ta làm một cốc rượu chia tay chứ, cậu bạn hạnh phúc? Mình đến chết vì ghen với cậu đấy, Royde!

Thomas Royde, thân hình nặng nề, nhưng có khuôn mặt cởi mở, lương thiện, không đáp. Tính anh ít nói, bạn bè phải đoán ý nghĩ của anh qua cách anh ta im lặng. Nhưng Royde vẫn bước ra, đi theo bạn. Dáng đi của anh rất kỳ quặc, giống như con cua. Chẳng là sống sót sau một trận động đất, Royde bị bỏng hoàn toàn một cánh tay. Chính vì thế anh ta phải thận trọng trong cách di chuyển, nhưng mọi người lại tưởng Royde vụng về, nhút nhát. Thật ra anh chỉ vụng về nhút nhát trong một số hoàn cảnh nào đó.

Drake rót rượu, nâng cốc nói :

– Nào, anh bạn! Chúc chuyến nghỉ hè của cậu đầy lý thú.

Royde chỉ đáp bằng một tiếng ậm ừ trong cổ họng.

Drake cười.

– Cậu lúc nào cũng bất cần mọi thứ, đúng vậy không? Mà đã bao lâu cậu chưa về nước Anh nhỉ?

– Bảy năm… sắp tám rồi!

– Hẳn nào! May mà cậu chưa thành một thằng cha bản xứ đấy!

– Cũng sắp thành…

Họ im lặng.

Drake hỏi :

– Cậu đã có kế hoạch sử dụng thời gian ở Anh thế nào rồi chứ?

– Có… mà cũng không có…

Khuôn mặt rám nắng của Royde bỗng nhiên đỏ ửng lên màu gạch.

Drake reo lên vui vẻ :

– Vậy là có một cô gái xinh đẹp nào ở đó rồi.

– Vớ vẩn!

Royde hít tẩu thuốc, phả ra làn khói trắng. Rồi khác với thói quen mọi khi, anh bắt ngay vào câu chuyện. Thật ra Royde không bao giờ là người gợi mở một câu chuyện bao giờ.

Anh nói :

– Mình có cảm giác về đó mình sẽ được chứng kiến một sự thay đổi.

Drake nói :

– Mình vẫn muốn hỏi cậu, sau cái lần về nghỉ trước, cậu đã quyết định sẽ không bao giờ trở lại nước Anh, vậy mà bây giờ cậu lại đột nhiên thay đổi ý kiến. Tại sao vậy?

Royde nhún vai.

– Mình vừa nhận được những tin tức xấu ở Anh.

– Chết, xin lỗi! Mình quên bẵng mất là ông em cậu vừa chết trong một tai nạn ô tô khó hiểu…

Royde gật đầu.

Tuy nhiên lâu nay Drake vẫn chưa hiểu nguyên nhân nào khiến bạn mình quyết định không bao giờ trở lại nước Anh nữa. Nói cho cùng thì Royde còn bà mẹ, bà cụ hẳn rất mong gặp mặt con trai. Bỗng nhiên Drake sực nhớ tới một chi tiết: Royde quyết định không trở lại nước Anh trước khi nhận được tin em trai cậu ta bị nạn. Royde đúng là có tính nết khác người.

– Hai anh em cậu thân với nhau lắm không?

– Không. Adrian đi theo con đường khác. Cậu ấy là luật sư…

– Thế thì mình hiểu được. Nghề ấy hoàn toàn khác nghề chúng mình. Một căn hộ ở thủ đô London, hết tiệc tùng này đến vũ hội khác… Một nghề kiếm tiền chuyên bằng cách khua môi múa mép…

Drake hình dung Adrian là một con người khác hẳn cậu bạn ít nói này.

– Mẹ cậu vẫn còn chứ?

– Còn.

– Hình như cậu còn một cô em?

– Không.

– Thế bức ảnh ấy?

– Cô ấy chỉ là họ hàng xa… Bố mẹ mình nuôi vì cô ấy mồ côi…

Drake nhận thấy bạn lại hơi đỏ mặt.

– Có chồng chưa? – Drake hỏi.

– Rồi. Chồng cô ấy chính là thằng cha Nevile mà mình đã có lần kể với cậu…

– Thằng cha chơi quần vợt phải không?

– Chính hắn. Nhưng hai người ly hôn rồi.

Drake không nói gì, nhưng anh ta thầm nghĩ, hẳn Royde về Anh là để tấn công cô “họ hàng xa” kia.

Thấy không nên gặng hỏi sâu về chuyện này, Drake lảng sang đề tài khác :

– Cậu định dùng kỳ nghỉ này để đi câu hay đi săn?

– Trước tiên, mình về qua nhà thăm bà mẹ đã. Sau đó, có thể mình sẽ đi Saltcreek chơi môn thuyền buồm đôi chút.

– Mình biết chỗ đó. Một làng hẻo lánh bên bờ biển, nhưng phong cảnh tuyệt đẹp… Có một khách sạn nhỏ xinh xắn, xây theo kiểu cổ.

– Khách sạn Balmoral… Mình sẽ nghỉ ở đấy, nếu như mình không đến ở nhà người quen. Họ cũng có một tòa nhà gần đó.

– Hay đấy.

– Đúng thế. Điều mình thích nhất là bờ biển Saltcreek rất yên tĩnh. Nơi đấy, không lo bị xe chẹt.

– Cậu lầm rồi – Drake nói – Chính những nơi như thế lại không phải không nguy hiểm!

Ngày 29 tháng Năm

Ông già Treves nói :

– Các vị hẳn phải đồng ý với tôi là chuyện đó thật đáng buồn. Suốt hai mươi nhăm năm qua, tôi đều đặn đến nghỉ ở khách sạn Hàng Hải, trong thị trấn Leahead, vậy mà bây giờ người ta phá tan hết, lấy cớ để cải tạo! Họ bảo mặt trước của tòa nhà khách sạn nhỏ quá, cần phải xây to ra! Ngu xuẩn!… Tại sao không để yên mọi thứ như chúng vẫn có từ trước? Thị trấn Leahead có cái dáng cổ kính rất nên thơ, tại sao cứ phải bắt nó hiện đại hóa?

Luật sư Rufus nói :

– Theo tôi đoán, ở đó còn có những khách sạn khác nữa chứ?

– Tất nhiên rồi, nhưng có lẽ không bao giờ tôi đến Leahead nữa. Bà Markey chủ khách sạn Hàng Hải đã biết tính tôi và ở đấy tôi như ở nhà mình. Năm nào bà chủ cũng dành cho tôi đúng cái phòng ấy, tôi gặp lại đúng những nhân viên phục vụ ấy, các món ăn cũng không hề thay đổi, và đều rất hợp với khẩu vị của tôi.

– Sao ông không đi Saltcreek?… Tại đấy cũng có một khách sạn xây theo kiểu cổ, khách sạn Balmoral, và chủ khách sạn tôi rất quen, tên là ông bà Roger. Bà vợ xưa nấu bếp cho Huân tước Mounthead, người có bếp ăn nổi tiếng ngon nhất London. Bà ta kết hôn với viên bếp trưởng ở đó rồi hai người chuyển ra Saltcreek mở khách sạn riêng. Tôi tin đến nghỉ ở đó ông sẽ hài lòng: không có nhạc xập xình, món ăn lại tuyệt vời…

– Thế thì hay đấy… Khách sạn có cái sân trời kín đáo nào không?

– Có. Trên đó muốn bóng râm có bóng râm, muốn nắng có nắng. Nếu ông định đến đấy nghỉ, tôi có thế viết thư giới thiệu ông với vài người bạn ở đó. Biệt thự của phu nhân Tressilian chỉ cách đấy vài bước chân. Bà cụ là một phụ nữ rất đáng quý, chỉ có điều hiện nay gần như bị liệt hoàn toàn.

– Có phải phu nhân là vợ của một thẩm phán không?

– Đúng đấy…

– Ngày trước, tôi quen ông thẩm phán Matthew Tressilian, và hình như đã có gặp bà vợ… Nếu tôi nhớ không sai, thì đó là một phụ nữ rất đáng mến… Nhưng đã lâu lắm rồi… Có phải Saltcreek là một làng biển gần thành phố Saint-Loo không nhỉ?… Tôi cũng có nhiều người quen ở đấy… Càng nghĩ, tôi càng thấy ý kiến ông rất hay. Tôi sẽ viết thư đến đó hỏi thêm tình hình. Có thể tôi sẽ đến đó nghỉ một tháng, từ 15 tháng Tám đến 15 tháng Chín. Tôi hy vọng ở đó có nhà gửi xe, và có thể bố trí nơi ăn nghỉ cho anh lái xe của tôi…

– Tất nhiên là có!

– Tim tôi không được tốt, nên tôi hy vọng thuê được phòng dưới tầng một. Chắc khách sạn có thang máy chứ?

– Có.

Ông già Treves kết luận :

– Có lẽ nhờ ông, vấn đề nghỉ hè của tôi năm nay thế là giải quyết xong. Tôi cũng rất muốn nối lại tình bạn với phu nhân Tressilian…

Ngày 28 tháng Bảy

Chống hai khuỷu tay lên đầu gối, ngả người về phía trước, Kay trong chiếc quần “soóc” và áo thun mầu vàng tươi, mắt không rời các cầu thủ đang thi đấu trên sân quần vợt. Giải Saint-Loo đang đi vào giai đoạn kết thúc. Nevile lọt vào vòng bán kết, gặp anh chàng Merrick trẻ tuổi, người được giới thể thao đánh giá là có triển vọng trở thành một trong những cây vợt xuất sắc nhất của Anh quốc…

Latimer lách sang ngồi cạnh Kay. Anh ta nói nhỏ bằng giọng đùa giỡn :

– Cô vợ yêu đang ngắm anh chồng đoạt giải!

Kay giật nảy người :

– Anh làm tôi sợ quá! Tôi không biết anh cũng đến đây!

– Tôi vẫn ở đây! Cô nên bắt đầu biết điều đó!

Những người không ưa Latimer, bảo anh ta không có vẻ người Anh, thật ra anh chàng hai mươi nhăm tuổi này rất đẹp trai. Nước da rám nắng rất ăn nhập với làn tóc đen nhánh và cặp mắt to màu xám đầy thông minh. Latimer rất biết khai thác giọng nói quyến rũ của mình để chinh phục phái đẹp.

Latimer và Kay đã nhiều lần nằm phơi nắng bên nhau bên bãi biển Juan-les-Pins ở miền Nam nước Pháp, từng khiêu vũ với nhau rất nhiều – Latimer nhảy rất giỏi – và hai người không chỉ là bạn, mà còn là đồng minh của nhau.

Cầu thủ trẻ Merrick giao bóng. Nevile đỡ và quật lại bằng một động tác bậc thầy, khiến đối phương không đỡ kịp.

Latimer nói :

– Cú vợt của Nevile quả là tuyệt chiêu. Tôi thích kiểu tạt trái của cậu ta hơn là cú đánh bên phải. Mà Merrick lại đỡ rất kém những cú tạt trái. Nevile nắm được nhược điểm đó của đối phương.

Tiếng trong loa :

– Bốn – ba, nghiêng về phía Nevile Strange!

Hiệp sau Nevile lại thắng, cầu thủ trẻ Merrick bực tức không còn giữ được bình tĩnh nữa.

Latimer nói :

– Tình hình đang thuận lợi cho Nevile!

Nhưng Merrick đã trấn tĩnh lại, chơi thận trọng hơn, và bắt đầu xoay chuyển được tình thế.

– Cậu ta thông minh đấy – Latimer nhận xét – Hiệp tới sẽ có nhiều bất ngờ cho mà xem!

Anh ta nói đúng. Cuối cùng Merrick thắng. Nevile bước lên cạnh lưới, bắt tay người thắng cuộc. Nụ cười của anh hơi buồn.

– Tuổi tác bắt đầu gây tác động – Latimer nói – Ba mươi ba tuổi khó thắng nổi mười chín tuổi lắm… Nhưng Kay ạ, phải công nhận Nevile rất biết cách chấp nhận sự thua. Phải chăng chính vì thế mà cậu ta không trở thành vô địch?

– Anh nói vớ vẩn!

– Đúng thế đấy! Nevile là một cao thủ, cậu ta không bao giờ cáu kỉnh khi bị thua!

– Điều ấy thì anh nói đúng.

– Tôi biết nhiều cây vợt rất giỏi, nhưng luôn cay cú. Nevile không thế. Đấy mới đúng là tinh thần thể thao. Nhưng sao tôi không thích kiểu “chấp nhận” như thế.

– Nhưng anh phải công nhận ghen ghét là tồi.

– Cả cay cú nữa chứ!

– Nói thật, tôi không thích anh công khai tỏ ra không ưa Nevile!

– Nhưng tại sao tôi lại phải yêu cậu ta?… Cậu ta đã nẫng mất của tôi cô gái đáng lẽ phải là vợ tôi!

– Anh ấy không nẫng của ai cả! Tôi yêu Nevile. Và tôi đã lấy anh ấy… Mà sao anh cứ thích chọc vào cuộc đời tôi?

Kay quay mặt về phía Latimer cười. Anh ta cũng cười đáp lại, rồi lảng sang chuyện khác.

– Cô có hài lòng về chuyến nghỉ hè năm nay không, Kay?

– Có. Chúng tôi đã làm một chuyến ngao du trên biển tuyệt vời. Nhưng lúc này thì tôi bắt đầu thấy ngán ngồi xem những cuộc thi đấu quần vợt của Nevile rồi.

– Cô còn phải chịu đựng một tháng nữa kia đấy…

– Tôi biết. Nhưng sau tháng Chín, chúng tôi sẽ về nghỉ nửa tháng ở Mũi biển Hải âu…

– Lúc đó, tôi cũng nghỉ ở khách sạn Easterhead gần đấy. Tôi đặt trước phòng rồi.

– Bọn tôi ở đấy sẽ có đủ một “bộ”: tôi, chồng tôi, cô vợ cũ của anh ấy. Nghe đâu còn cả một gã Mã Lai cũng đến đó nghỉ.

– Đúng là một “bộ” đầy đủ thật!

– Chưa kể còn cả một bà họ hàng xa, đến trú ở đó để chiều chuộng một bà phu nhân già khọm… mặc dù bà họ hàng xa này chẳng hy vọng kiếm chác được gì, bởi người thừa kế gia tài sẽ là Nevile và tôi!

– Có thể bà họ hàng xa ấy chưa biết điều đó?

– Nếu vậy thì sẽ có chuyện ly kỳ đấy!

Kay đứng lên huơ cây vợt, nhưng có vẻ đang nghĩ tận đâu đâu.

Lát sau, cô nói rất khẽ, và giọng rất lạ :

– Anh Latimer này!…

Latimer nghiêng đầu về phía cô :

– Gì thế, cô em?

Kay thở dài :

– Không có gì cả… Chỉ có điều đôi lúc tôi bỗng thấy hoảng sợ… Tôi thấy sợ và không hiểu mình sợ cái gì.

– Xưa nay cô có cái tính ấy đâu nhỉ, Kay?

Kay nhìn chàng trai, rồi lấy lại được bình tĩnh, cô cười :

– Nghĩa là anh sẽ nghỉ ở khách sạn tại thị trấn Easterhead?

– Đúng thế, chắc chắn là như thế.

Kay quay gót, đi vào đón chồng trước cửa phòng thay quần áo dành cho cầu thủ.

– Hình như anh bạn của chúng ta đến đây rồi. – Nevile nói.

– Anh định nói Latimer ấy à?

– Chứ còn ai nữa?… Con chó chung thủy… Anh nói “chó” nhưng giá nói “thằn lằn” thì đúng hơn.

– Có vẻ anh không thích anh ấy!

Nevile nhún vai.

– Cậu ta không cản trở gì anh hết! Cậu ta giúp em tiêu khiển chỉ càng tốt thôi…

– Anh không ghen đấy chứ?

Nevile ngạc nhiên quay nhìn vợ :

– Ghen với Latimer ấy à?… Em nói lạ!

– Anh biết không, – Kay nói – anh ta được coi là người đàn ông đầy sức quyến rũ đấy.

– Mà đúng cậu ta quyến rũ thật! Cậu ta có sức hút của một gã trai trẻ Nam Mỹ!

– Anh ghen rồi!

Nevile trìu mến nắm cánh tay vợ, nói :

– Không phải đâu, em yêu quý! Anh không có thói ghen tuông. Em có thể có một tá cậu trai mê em, em có thể tạo nên cả một bầy nam giới tôn sùng em, anh cũng không thấy khó chịu chút nào hết! Em thuộc về anh chứ không thuộc về họ, đối với anh đấy là điều chính yếu.

– Anh quá tự tin đấy! Kay đáp, giọng hơi khó chịu.

– Em nhận xét đúng… Nhưng định đoạt cuộc đời chúng ta là Số Phận! Số Phận đã cho chúng ta ra đời, và làm chúng mình gặp nhau!… Anh gặp em ở Cannes. Anh vào khách sạn Estoril và người anh gặp đầu tiên là em, Kay! Một cô Kay bằng xương bằng thịt, một cô Kay xinh đẹp tuyệt vời!… Ngay lúc đó, anh hiểu ngay rằng Số Phận đã can thiệp vào cuộc đời hai chúng ta, và anh sẽ không thoát ra khỏi Số Phận…

– Không phải Số Phận đâu, mà chính là “em”…

– Em nói thế nghĩa là sao, Kay?

– Hôm ở Cannes, em nghe tin anh đến Estoril, em bèn đến đó trước, chờ sẵn. Cho nên người đầu tiên anh nhìn thấy mới là em!

Nevile nhìn vợ một lúc lâu, không nói gì. Bất giác, Kay cười.

– Hôm nay anh mới biết điều đó. – Nevile chậm rãi nói.

– Lẽ ra em không kể chuyện ấy ra thì hơn! Như vậy anh sẽ tự đánh giá anh cao hơn!…

Nhưng phải nói em rất giỏi vạch kế hoạch và thực hiện kế hoạch! Các sự kiện chỉ diễn ra khi con người ta sắp xếp để chúng xảy ra. Đôi khi anh gọi em là cô gái ngốc nghếch của anh, thật ra em không ngốc nghếch như anh tưởng đâu!… Em biết cách vạch kế hoạch và chuẩn bị mọi sự kiện từ trước đó rất lâu…

– Tóm lại, em có một khối óc mạnh mẽ!

– Chế giễu thì dễ lắm!

– Anh đâu có chế giễu? – Nevile chua chát nói – Chỉ đơn giản là anh đang khám phá bản chất của người anh đã lấy làm vợ!… Trước đây anh tưởng do “Số Phận” thì ra là do “Kay”!

Kay ngước mắt nhìn chồng.

– Anh tự ái đấy à, Nevile?

Anh ta đáp, giọng như xa lắc :

– Không đâu, Kay… Tại sao em bảo anh tự ái?

Ngày 10 tháng Tám

Nhà triệu phú Cornelly ngồi sau bàn giấy đồ sộ, chiếc bàn bao nhiêu năm nay đã là niềm tự hào và niềm vui của ông. Bàn được đóng theo mẫu và kích thước do ông đề ra, trị giá rất đắt, và mọi đồ đạc kê trong phòng đều phải nhằm tôn giá trị của nó. Đáng tiếc là người ngồi sau bàn lại nhỏ bé, không ăn nhập chút nào với nó.

Cô thư ký xinh đẹp, dáng quý phái, mái tóc vàng óng mới thật sự cân xứng với chiếc bàn đặc biệt kia. Cô lặng lẽ bước nhẹ chân trên sàn gỗ đánh xi, đặt trước mặt ông chủ một tấm thiếp. Nhà triệu phú Cornelly cúi ngay xuống đọc.

– MacWhirter? – Ông nói – MacWhirter?… Tôi không quen!… Và cũng chưa bao giờ thấy cái tên ấy!… Ông ta có hẹn trước à?

– Vâng, thưa ông chủ.

Nhà triệu phú bé nhỏ lại cau mày suy nghĩ.

– MacWhirter! Tôi nhớ ra rồi! MacWhirter!…

– Cô mời anh ta vào đây ngay!

Nhà triệu phú cười hô hố, rung cả người. Ông đang vui.

Ông ngửa người ra lưng ghế, chăm chú nhìn rất lâu người khách vừa vào.

– Vậy ra anh chính là MacWhirter?… Angus MacWhirter?

– Vâng, thưa Ngài, tôi là Angus MacWhirter.

Giọng khách có phần lạnh lùng. Anh ta đứng thẳng người, nét mặt rất nghiêm nghị.

– Chính anh là người đã làm cho ông Herbert Clay?

– Đúng thế, thưa Ngài.

Nhà triệu phú cười vang.

– Tôi được nghe rất nhiều về anh – Cornelly nói – Clay bị thu bằng lái xe, chỉ vì anh không chịu nói theo lời khai của ông ta, rằng ông ta không vượt quá tốc độ ba mươi cây số giờ! Clay đã kể cho tôi nghe chuyện đó hôm ở khách sạn Savoy. Ông ta giận tái cả mặt!… Cứ lẩm bẩm mãi: “Tất cả chỉ tại thằng cha ngu như lợn ấy!…” Anh có biết lúc ấy tôi nghĩ thế nào không?

– Không, thưa ngài.

Giọng khách lạnh lùng, nhưng nhà triệu phú Cornelly mải thích thú với kỷ niệm kia, không quan tâm.

– Tôi nghĩ bụng, – Ông ta nói tiếp – anh chàng này đúng là loại người ta đang cần! Một người không thứ gì có thể mua chuộc, một người không bao giờ nói dối, bất kể trường hợp nào! Loại người như thế vô cùng hiếm!… Mà tôi thì lại không cần anh nói dối! Hoạt động kinh doanh của tôi không cần thứ ấy!… Đúng thế! Tôi chỉ cần những người tuyệt đối thành thực… số người này rất hiếm!

Nhà triệu phú bé nhỏ lại cười hô hố, các nét nhăn hiện lên chằng chịt trên khuôn mặt ông ta. MacWhirter bình thản chờ đợi.

Đột nhiên nhà triệu phú Cornelly ngừng cười, nói :

– Nếu anh muốn có chỗ làm, MacWhirter, tôi có thể dành cho anh một chỗ!

– Tôi đang cần.

– Đây là một vị trí quan trọng, tôi chỉ có thể giao phó cho người nào có được một phẩm chất, mà phẩm chất ấy anh có. Nghĩa là tôi cần một người tôi có thể hoàn toàn tin cậy.

Nhà triệu phú ngừng nói. MacWhirter vẫn im lặng.

– Thế nào? Liệu anh có phải người tôi có thể tin cậy tuyệt đối không?

– Tôi trả lời Ngài thế nào không quan trọng, mà cái chính là Ngài sẽ đánh giá qua công việc của tôi sau này.

Câu trả lời làm nhà triệu phú Cornelly thích thú. Ông reo lên :

– Tốt lắm! Anh đúng là người tôi đang cần. Anh ngồi xuống!… Anh đã đến Nam Mỹ rồi chứ?

Nhà triệu phú bèn giảng giải rất kỹ cho MacWhirter hiểu ông muốn giao việc gì cho anh ta. Nửa giờ sau, MacWhirter ra đến ngoài phố, đã nhận một chức vụ lý thú, lương rất cao và đầy triển vọng thăng tiến.

Vậy là Số Phận trước kia đã nhăn mặt với anh thì bây giờ mỉm cười; MacWhirter cảm thấy có phần thích thú, nhưng chưa vội phấn khởi ngay. Điều làm anh thích thú là nội dung công việc được giao: anh sẽ phai quan tâm đến những nỗi bực bội của người chủ cũ của anh. MacWhirter nhận thấy quả anh gặp may, nhưng không thấy muốn khai thác sự may mắn này. Vì phải sống nên anh sống, chứ anh không thích thú gì với cuộc sống. Bảy tháng trước đây, anh đã định quyên sinh. Nhưng Số Phận đã không giúp và anh tự tử hụt. Tất nhiên anh không định thử quyên sinh lần nữa. Chuyện ấy đã qua. Muốn chết, con người ta phải tích lũy đủ một khối lượng nào đó những nỗi bực dọc, chán chường. Không thể tự tử chỉ vì thấy cuộc sống chẳng có gì thú vị. MacWhirter chấp nhận sống, nhưng không hy vọng cuộc sống sẽ lý thú.

MacWhirter hài lòng về một điều nữa là anh có dịp được rời khỏi nước Anh. Cuối tháng Chín, anh sẽ lên tàu sang Nam Mỹ. Bên ấy không thiếu gì việc làm: trong những tuần lễ tiếp theo đó, anh phải tiến hành một loạt vụ mua bán, phải tìm hiểu mọi mặt phức tạp trong hoạt động kinh doanh của ông chủ Cornelly ở đó. Và trước khi rời nước Anh. MacWhirter được tám ngày nghỉ ngơi. Mình sẽ dùng để làm gì? Nên ở lại London hay đi nơi nào đó?

Một ý định thành hình dần dần trong đầu MacWhirter.

Đi Saltcreek chăng?

Càng suy nghĩ, MacWhirter càng thấy muốn quay lại Saltcreek.

Anh cảm thấy đó sẽ là một chuyến ngao du lý thú.

Ngày 19 tháng Tám

Chánh thanh tra Battle cảm thấy chán ngán.

– Tóm lại, thế là không còn nghỉ hè gì nữa. – Ông ta kết luận.

Bà vợ ông rất buồn. Nhưng đã bao nhiêu năm làm vợ sĩ quan cảnh sát, bà đã quen với tình trạng này và nhìn nó bằng cặp mắt triết gia.

Bà nói :

– Nhưng tình thế đã như vậy thì có phàn nàn cũng ích gì đâu!… Nhưng em nghĩ biết đâu công việc này sẽ làm anh thú vị…

– Không thể có chuyện đó!… Đúng là vụ này làm các vị trong Bộ Ngoại giao lo lắng, nhưng chưa có nghĩa là một vụ lý thú!… Em thừa biết, họ là những quý ông bảnh trai, cao lớn, mảnh mai, và rất lịch sự, những con người không bao giờ có lấy một phút thoải mái và liên tục ngồi trên máy bay… Ngoài những thứ đó ra, họ chỉ là những con số không!… Anh tính ít nhất sẽ khám phá ra được hai vụ ấy và gõ danh dự cho họ… Nhưng anh biết rõ loại điều tra này, và anh biết chắc không phải những vụ làm anh thèm được kể lại trong một cuốn hồi ký.

– Ta có thể lui chuyến đi nghỉ một chút. – Bà Battle rụt rè đưa ý kiến.

– Không được. Em sẽ đưa con đi nghỉ ở Đirlington như ta đã thống nhất. Anh đi đặt phòng từ tháng Ba, chẳng nên đổi lại nữa. Còn anh thì sau khi xong việc, anh sẽ kéo cậu Jim đến đó nghỉ tám ngày.

Jim là thanh tra cảnh sát, Jim Leach, cháu gọi ông Battle bằng cậu.

– Cũng may, – Chánh cảnh sát Battle nói tiếp – Saltington lại rất gần hai thị trấn biển Eaaterhead và làng Saltcreek. Anh sẽ tranh thủ tắm biển lúc nào có điều kiện.

Bà Battle tỏ vẻ không tin.

– Em biết tính hai cậu cháu nhà anh – Bà nói – Thế nào nó chẳng nhờ cậu nó giúp một tay trong một vụ nào đó nó đang điều tra…

– Mà vào thời điểm này thì vụ việc không thiếu thật! Bọn chúng thường xuyên phải tất bật, điều tra mấy bà phu nhân chuyên ăn cắp tất lụa trong các cửa hiệu lớn!… Nhưng thằng Leach nhà mình rất năng động, nó không cần cậu nó hoặc bất cứ ai giúp đỡ đâu…

Bà Battle thở dài.

– Em hy vọng mọi thứ sẽ đúng như anh nói!… Nhưng dù sao không có anh cũng kém vui rất nhiều!

– Biết làm sao được? – Chánh thanh tra Battie nói – Đấy là những đòn Thượng đế giáng xuống đầu chúng ta để thử thách đấy!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.