GƯƠNG VỠ
CHƯƠNG 16
Ở số nhà 16, phố Aubrey, người vợ trẻ, Cherry, đang nói chuyện với chồng là Jim Baker, một người đẫy đà và hiền lành, đang lắp ráp một chiếc máy thu thanh nhỏ.
– Khẽ thôi. Hàng xóm! Hàng xóm! – Cherry, nóng nảy lắc đầu.
Cô mang chiếc chảo từ bếp ra, đổ thức ăn vào hai chiếc đĩa. Cô đặt chiếc đĩa có nhiều thức ăn hơn lên bàn, trước mặt chồng.
Jim thích thú khi thấy mùi thức ăn vừa ý mình bốc lên.
– Hôm nay là ngày lễ gì nhỉ. Kỷ niệm ngày sinh của anh ư?
– Anh cần ăn nhiều.
Cherry duyên dáng trong chiếc áo tạp-dề có sọc đỏ và trắng. Jim Baker cười với vợ.
– Ai bảo em thế?
– Bà Marple – Cô ngồi trước mặt chồng và lấy chiếc đĩa của mình – Bản thân bà ấy cũng cần thức ăn tốt hơn. Bà Knight chỉ cho bà ấy ăn bánh mì. Bà ta không biết những món nào khác. Mì sợi, mì ống, mì ăn liền.
– Đó là chế độ ăn của những người tàn tật.
– Bà Marple không tàn tật. Bà ấy chỉ nhiều tuổi thôi. Còn nữa, bà ta không nên chú ý đến những công việc chẳng liên quan gì đến mình.
– Ai? Bà Marple ư?
– Không. Em nói về bà Knight. Bà ấy cứ đòi dạy em nấu các món ăn!
Jim cười.
– Về phương diện nấu nướng thì không chê em vào đâu được rồi. Nhưng tại sao bà Marple lại bảo anh phải ăn nhiều? Có phải tại anh kê chiếc bàn một cách vất vả trong phòng tắm của bà bữa nọ không?
– Không phải. Hôm ấy bà ấy còn bảo em có một anh chồng điển trai kia…
– Anh hy vọng là em cũng nghĩ như vậy chứ?
– Đúng. Bà ấy còn bảo là em phải chăm sóc anh. Đàn ông cần ăn nhiều thịt, nấu kỹ. Thịt tươi chứ không phải là lạp xường, xúc xích đem nấu lại.
– Bà Marple có lý.
– Với điều kiện là phải nhìn xem anh ăn như thế nào. Anh mất nhiều thời gian vào máy thu thanh. Bà ấy còn bảo anh định lắp một mô hình chiếc máy bay ném bom để tặng thằng cháu Michel của anh nhân dịp lễ Noel. Anh mua để anh tiêu khiển thôi chứ?
– Michel còn trẻ quá – Jim bối rối trả lời.
– Anh định làm việc cả đêm ư? À anh đã mua đĩa nhạc mà anh bảo em chưa?
– Rồi. Đĩa Tchaikovsky năm 1812.
– Cái đó có ầm ĩ quá không? Bà Hartwell sẽ không hài lòng! Ôi! Hàng xóm! Em mặc kệ hàng xóm! Bao giờ cũng càu nhàu, kêu ca. Em tự hỏi những ai là tệ nhất, nhà Hartwell hay nhà Barnaby. Nhà Hartwell đấm thình thình vào tường đến tận nửa đêm. Thật là quá đáng. Tại sao chúng ta không thể nghe nhạc được nhỉ, nếu chúng ta thích? Họ còn bảo chúng ta vặn nhỏ lại.
– Nghe nhạc – Jim nói với giọng thành thạo – phải nghe to. Không như vậy sẽ không thấy được các âm thanh của nó. Ai cũng biết như thế. À, thế còn mèo của họ khoét sàn nhà của chúng ta thì sao?
– Em nhắc lại với anh, Jim, em chán hàng xóm lắm rồi.
– Em chỉ nghĩ đến nhà cũ ở Huddersfiel thôi ư?
– Không phải như vậy. Tại nơi ở cũ chúng ta được độc lập. Ở đây, mọi người đều nhòm ngó. Anh có điều gì phàn nàn ở đây không, anh ấy?
– Công việc rất dễ chịu hơn nữa lại là nhà mới. Anh muốn có đủ chỗ để em cựa quậy. Một xưởng thợ nữa thì tuyệt.
– Lúc đầu, em thấy nó tốt. Nhưng bây giờ thì em không tin chắc nữa. Em chỉ thích màu sơn xanh và phòng tắm. Con người và thái độ giao tiếp của họ ở đây làm em chán. Nhưng may thay, không phải mọi người đều như thế. Anh có cho rằng ông Arthur Badcock và bà Bain sắp sửa kết hôn lại không?
Jim cau mày, anh cầm lấy một chi tiết trong mô hình máy bay ném bom lên.
– Em muốn anh nghe khi em hỏi anh.
– Gì vậy?
– Ông Arthur và bà Bain ấy.
– Nhưng Cherry! Em không thấy ư, ông ta vừa mất vợ! Anh nghe nói ông ta đã suy sụp sau cái tai nạn ấy.
– Em tự hỏi… Cái làm em ngạc nhiên là cái cách quan hệ của họ. Anh không thấy ư?
– Em có thể dọn bàn để anh làm việc không?
Cherry thở dài thất vọng.
– Không khéo thì ở đây sẽ biến thành một bệ phóng tên lửa hoặc nơi đỗ của các máy bay chiến đấu phản lực mất – Cherry bực bội nói – Anh và các mô hình thu nhỏ của anh!
Cô nhặt bát đĩa trên bàn xếp tất cả vào rổ bát. Cô quyết định không rửa chúng tối nay. Sau khi mặc chiếc áo vét bằng nhung, cô ra khỏi nhà và nói qua vai chồng:
– Em tới nhà Gladys Dixon đây. Em muốn hỏi về một trong những mẫu cắt của cô ta.
– Em đi đi!
Và Jim lại cúi xuống những chi tiết của mô hình thu nhỏ của mình.
Nhìn cánh cửa của các căn nhà hàng xóm bằng cặp mắt nanh nọc, Cherry rẽ sang phố Blenheim và dừng lại trước ngôi nhà số 16. Cửa chưa khóa. Cherry gõ cửa và bước vào hành lang.
– Gladys có nhà không?
– Cô Cherry đấy ư? – Bà Dixon từ trong bếp hỏi ra – Gladys đang may quần áo trong phòng.
Cherry lên gác. Gladys, một cô gái to béo, má hồng hào, miệng ngậm đầy kim băng đang cúi xuống những mẫu cắt của mình. Thấy bạn tới, cô đứng lên thở dốc.
– Chào Cherry.
– Chào. Cậu có tin tức gì ở trường quay không?
– Không có chuyện gì lớn. Người ta bàn tán rất nhiều. Bà Marina đã tới để đóng phim hôm qua. Bà ấy đã làm om xòm.
– Về việc gì?
– Tách cà-phê của bà ấy có mùi vị gì khác thường. Cậu biết không, sáng nào bà ấy cũng phải có cà-phê. Bà ấy uống một ngụm nhỏ thấy mùi vị là lạ. Thật là ngu ngốc. Cà-phê lấy ở một bình của căng-tin ra. Tớ đã rót vào một chiếc tách Trung Quốc. Tách thì khác nhưng vẫn thứ cà-phê ấy. Không có mùi vị gì khác cả.
– Sau đó thì sao?
– Không có gì. Ông Rudd là người bình tĩnh nhất trên đời. Ông ta nổi tiếng vì cái đó. Ông ta cầm lấy chiếc tách và đổ cà-phê vào chậu rửa mặt.
– Thật là ngu ngốc. – Cherry chậm chạp nói.
– Tại sao?
– Người ta vẫn chưa biết tại sao cà-phê lại có mùi vị lạ. Bây giờ thì lại càng không rõ nữa.
– Cậu nghĩ như thế chứ? – Gladys hốt hoảng hỏi.
– Này – Cherry nhún vai nói – Hôm họp mặt thật là đặc biệt phải không? Tại sao lại không phải tách cà-phê của bà ta?
Gladys run lên.
– Tớ không thích đùa như vậy đâu, Cherry. Có một người nào đó muốn làm hại bà ấy. Bà ấy đã nhận được những lá thư đe dọa và còn chuyện pho tượng bán thân bữa nọ nữa.
– Có chuyện gì?
– Phải một pho tượng bằng đá. Một màn của một vở kịch Áo. Những pho tượng, những con chó bằng đá. Có một pho để cẩn thận trên giá. Bỗng nhiên nó rơi đúng vào chiếc ghế ngồi của bà Marina. Tiếng động như một chiếc xe tải hạng nặng đang chạy trên đường. May mắn là hôm ấy bà Marina không tới để quay phim, ông Rudd đã yêu cầu không ai nói gì với vợ ông. Ông đã thay vào đó một chiếc ghế khác. Khi tới nơi bà Marina hỏi chiếc ghế mọi ngày của bà ấy đâu. Ông ấy trả lời vợ là chiếc ghế cũ không hợp thời nữa. Nhưng tớ tin chắc rằng ông ấy đã rất bực mình.
Hai người phụ nữ nhìn nhau.
– Một mặt thì cái đó rất gây cấn – Cherry nói – nhưng mặt khác…
– Tớ nghĩ là mình không thể làm việc ở trường quay được nữa.
– Tại sao? Không ai muốn đầu độc cậu, muốn làm rơi pho tượng vào đầu cậu!
– Không. Hãy nhìn bà Heather Badcock. Cậu biết. Hôm ấy tớ phục vụ ở Gossington. Tớ đứng ở gần đó.
– Khi bà Badcock chết ư?
– Không. Khi bà ấy làm đổ cốc rượu vào áo của mình. Đó là một chiếc áo bằng sợi hóa học rất đẹp. Chắc là bà ấy đã phải mua mất nhiều tiền. Và cái đó tớ thấy rất kỳ cục.
– Kỳ cục ư?
– Lúc ấy thì tớ không chú ý. Và chỉ nghĩ đến khi thấy nó quá lạ lùng.
– Cậu giải thích đi.
– Tớ gần như tin chắc là bà ta tự làm như vậy.
– Là đã tự làm đổ cốc rượu ư?
– Đúng. Cậu có thấy đây là rất lạ lùng không?
– Đổ rượu vào một chiếc áo mới ư? Cái đó làm tớ ngạc nhiên.
– Tớ tự hỏi – Gladys nói – có phải ông Arthur đã mua áo quần cho bà vợ không, vết ố đó rất dễ tẩy sạch. Cậu thử đoán xem ông Arthur sẽ nghĩ như thế nào nếu tớ hỏi mua lại chiếc áo ấy? Không phải sửa chữa lại gì cả, vải lại tốt.
– Cái đó không làm cậu khó chịu ư? – Cherry ngập ngừng hỏi lại bạn.
– Sao?
– Là mặc một chiếc áo của một người đàn bà đã chết… theo cách ấy ư?
– Tớ đã không nghĩ đến, cô Gladys thừa nhận. Nhưng dù sao tớ cũng không thấy cái đó là khó chịu. Sáng mai khi đi qua lâu dài Gossington tớ sẽ hỏi ý kiến của Giuseppe xem sao.
– Thế nào – Bác sĩ Haydock hỏi – Cuộc điều tra của bà đến đâu rồi?
– Tôi sợ rằng tài năng của mình đã giảm nhiều rồi. – Bà Marple trả lời.
– Nhưng không. Chắc chắn là bà đã có một vài kết luận.
– Chắc chắn là thế. Những kết luận cơ bản nữa là khác.
– A! Thế đấy!
– Tôi đã tự hỏi rằng làm thế nào mà người ta có thể bỏ thuốc độc vào cốc rượu trong khi…
– Thuốc độc hẳn là đã có sẵn trong một ống đếm giọt. – Bác sĩ Haydock gợi ý.
– Méo mó nghề nghiệp! Nhưng dù như vậy đi nữa thì tại sao không ai nhìn thấy?
– Thế thì, theo bà, nếu đã có một kẻ đi đầu độc thì nhất định phải có một người trông thấy ư?
– Ông rất hiểu lời tôi nói rồi.
– Kẻ giết người chỉ có thể gặp rủi ro mà thôi.
– Một rủi ro lớn. Lúc ấy có hai ba chục người trong phòng. Với con số ấy, thể nào cũng có một người nhìn thấy hành động của kẻ đi đầu độc.
– Như vậy là hợp lý, nhưng không phải là trường hợp này.
– Ông có tin chắc không? – Bà Marple suy nghĩ rồi hỏi lại.
– Tôi không hiểu ý bà.
– Có ba khả năng. Giả định rằng có một người nhìn thấy cái đó. Một phần hai mươi là hợp lý chứ?
– Cái đó tôi gọi là sự lật ngược vấn đề – Haycock nói – Bao giờ bà cũng trở về bài toán khả năng như bài toán mười hai người đổi mũ cho nhau, có sáu chiếc mũ trắng và sáu chiếc mũ đen. Chỉ một nhà toán học…
– Cái đó chẳng liên quan gì, bác sĩ. Tôi sắp xếp hợp lý các sự việc, về nguyên tắc thì có một người nhìn thấy những hành động đó. Câu hỏi là tại sao người ấy không nói gì cả?
– Tôi đang nghe bà nói đây.
– Thứ nhất vì người đó không hiểu là đã xảy ra chuyện gì. Người ấy chỉ nhìn mà không thấy. Nếu hỏi: Anh có nhìn thấy người nào đổ một cái gì đó vào cốc rượu của bà Marina không? Câu trả lời sẽ là không; nếu hỏi: anh có nhìn thấy người nào đó đặt tay vào cốc rượu của bà Marina không? Người ấy sẽ trả lời ngay: có, tôi đã nhìn thấy…
– Nhưng không thể nào tin được bọn ngớ ngẩn – Ông bác sĩ cười nói – Giả thiết của bà là có giá trị. Kẻ ngớ ngẩn nhìn mà không thấy gì cả… Còn khả năng thứ hai thì sao?
– Đây cũng là một giả thiết. Thủ phạm là một người thường cho một cái gì đó vào cốc rượu của mình.
– Tôi không hiểu. Bà cần giải thích rõ hơn.
– Những người ngày nay – Bà Marple nói – thường cho một cái gì đó vào thức ăn, đồ uống của mình. Thời tôi còn trẻ, có rất ít những vụ đầu độc nhau. Ngồi trước bàn ăn mà hỉ mũi là vô phép rồi. Khi cần uống một viên thuốc hoặc một thìa thuốc nước người ta phải làm kín đáo. Bây giờ thì không được như xưa nữa. Tôi đã ở chỗ người cháu họ tôi là Raymond ít hôm và tôi đã chú ý có nhiều khách mời tới nơi với rất nhiều thuốc viên, thuốc bột. Họ cho vào miệng những thứ đó trước, trong và sau bữa ăn. Họ dùng át-pi-rin với nước trà, với cà-phê buổi sớm và buổi tối. Ông vẫn nghe tôi nói đấy chứ?
– Vâng. Thật là thú vị. Bà muốn nói rằng… thôi, xin bà nói tiếp đi.
– Rất có thể người ấy đã cầm lấy cốc rượu của bà Marina và cho thuốc độc vào đó một cách công khai như là cốc rượu của mình mà không làm ai chú ý cả. Lúc này thì một rủi ro xảy ra, tôi đồng ý với ông.
– Giả thiết thứ nhất: kẻ ngớ ngẩn. Thứ hai: kẻ đánh tráo. Chúng ta sang giả thiết thứ ba, xin mời bà.
– Một người nào đó đã trông thấy nhưng không nói.
Haydock chau mày.
– Vì lý do gì? Bà có nghĩ là để tống tiền không? Nếu như vậy… – Ông bác sĩ nhìn bà già một cách tò mò – Có phải bà cho rằng cái khả năng thứ ba này là cái đã xảy ra?
– Không. Tôi chưa đi đến chỗ ấy. Tôi còn thiếu chứng cứ. Ít nhất là thủ phạm không theo đuổi công việc của hắn nữa.
– Bà nghĩ như vậy ư?
– Tôi hy vọng là không. Tôi cầu trời cho cái đó không xảy ra. Khốn thay, ông bác sĩ, cái đó lại thường xuất hiện. Thật là đáng buồn, nó thường xuất hiện…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.