GƯƠNG VỠ
CHƯƠNG 18
Frank Cornish đặt ông nói xuống.
– Bà Lola Brewster hôm nay không có mặt ở Londres – Cornish báo tin cho Craddock – Ông Ardwvck Fenn cũng đi vắng. Ông ấy sẽ gọi dây nói cho ông sau. Và cô Margot Bence đã về chụp ảnh ở một vùng nông thôn. Cậu bạn của cô ta không biết cô ta đi đâu. Còn gã đầu bếp Giuseppe thì đã đi Londres.
– Một người bà con bị ốm ư? – Craddock suy nghĩ rồi nói – Một mánh khóe cũ rích. Tôi thấy cái đó thật là xảo quyệt. Tại sao hôm nay gã vội vàng đi Londres thế nhỉ?
– Có thể là gã cho xi-a-nuya vào ông xịt thuốc xong rồi chuồn.
– Ai cũng có thể làm như vậy được cả.
– Nhưng rất có thể là gã. Một người quen thuộc nhà cửa…
– Ý tôi thì khác, chỉ cần lựa chọn thời cơ. Một người nào đó để xe trên một con đường hẻm, đợi mọi người nhà tập trung trong phòng ăn rồi hắn chui qua cửa sổ. Những bụi cây mọc cao lên đến đầu bờ tường.
– Thật là rủi ro, ông phải thừa nhận là như vậy. Chúng ta có một người nấp trong vườn hoa để canh chừng kia mà.
– Tôi biết, nhưng như vậy cũng chưa đủ. Khi còn có những lá thư đe dọa đến tay bà Marina trong khi bà ta chưa được bảo vệ chặt chẽ. Nhưng tôi nghĩ, ngoài bà ta thì không có ai bị đe dọa nữa.
Chuông của máy điện thoại reo vang.
– Dorchester đây. Ardwyck Fenn đang nói trên đầu dây.
Cornish đưa ông nói cho Craddock.
– Ông Fenn đấy ư? Tôi là Craddock đây.
– Phải. Ông đã gọi tôi ư? Tôi đi vắng cả ngày hôm nay.
– Tôi muốn bảo tin, thưa ông Fenn, cô Zielinsky đã chết sáng hôm nay. Cô ta bị đầu độc bằng xi-a-nuya.
– Ông làm tôi ngạc nhiên. Một tai nạn chăng?
– Không. Người ta đã cho thuốc độc, một chất dễ bốc hơi, vào chiếc ống xịt thuốc mà cô ta thường dùng.
– Tôi hiểu… Nhưng chuyện này thì có liên quan gì đến tôi?
– Ông đã biết cô Zielinsky, ông Fenn.
– Đúng thế. Đã nhiều năm nay, nhưng cô ấy không nằm trong số bạn bè của tôi.
– Tôi nghĩ là ông có thể giúp đỡ chúng tôi.
– Giúp đỡ gì đây?
– Cho chúng tôi biết lý do của cái chết ấy. Là người nước ngoài, ở đây cô ta có ít bạn bè, ít quan hệ.
– Ông Jason Rudd cho các ông đủ tin tức hơn tôi, ông thanh tra.
– Chúng tôi đã hỏi ông ta, nhưng ông có thể cho chúng tôi biết thêm.
– Tôi sợ rằng tôi không có gì để nói. Tôi gần như không hiểu gì về cô Zielinsky. Tôi không biết gì về khả năng nghề nghiệp của cô ta, còn về đời tư của cô thì tôi lại càng không biết.
– Ông không có gì để nói với chúng tôi thật ư?
Craddock đợi một lời từ chối nhưng nó không tới. Chỉ nghe thấy những hơi thở ở đầu dây bên kia.
– A-lô! Ông thanh tra!
– Vâng, thưa ông Fenn.
– Tôi có thể cho ông biết một việc có ích cho ông. Khi ông hiểu rõ thì ông sẽ biết tại sao tôi yên lặng… Cách đây hai ngày tôi nhận được một cú điện thoại. Người nói đã thì thầm câu này: “Tôi đã nhìn thấy ông đổ thuốc độc vào cốc rượu… ông không ngờ là đã có một người làm chứng, đúng không?… Lúc này, đó là tất cả. Ông biết ông cần làm những gì…”
Craddock bật ra một tiếng kêu.
– Cái đó làm ông ngạc nhiên phải không, ông Craddock? Tôi khẳng định với ông lời tố cáo đó là sai hoàn toàn. Tôi không cho thuốc độc vào một chiếc cốc nào cả, tôi thách người ta chứng minh ngược lại được. Thật là mơ hồ. Tôi cho rằng Zielinsky đã đi tống tiền.
– Ông quen giọng nói của cô ta ư?
– Không. Người ta không thể nhận ra giọng nói qua tiếng thầm thì được. Nhưng tôi thì tôi biết.
– Làm thế nào mà ông biết được?
– Cô ấy đã ho trước khi gác máy. Cô ấy bị chứng cảm mạo theo mùa.
– Và ông kết luận như thế nào?
– Mưu đồ thứ nhất của cô ấy bị thất bại và cô ấy cũng chẳng sung sướng gì trong mưu đồ thứ hai. Tống tiền là một trò nguy hiểm.
– Xin cảm ơn ông nhiều, ông Fenn – Craddock nói – Thủ tục buộc tôi phải kiểm tra việc làm và hành động của ông trong ngày hôm nay.
– Tất nhiên. Người lái xe của tôi sẽ cung cấp đầy đủ những điều ông cần biết.
Craddock gác máy và nói lại những lời ông Fenn vừa cho biết. Cornish huýt một tiếng sáo miệng.
– Cái đó đặt ông ta vào vị trí người vô can. Hoặc là…
– Hoặc đây là một mẹo lừa. Có nhiều khả năng: ông ta có đủ can đảm. Nếu Zielinsky để lại lời đe dọa bằng giấy viết thì khi đã nắm được sừng con bò đực, ông ta sẽ chơi lại.
– Chứng cứ ngoại phạm của ông ta là những gì?
– Những cái đó thì không thiếu, trong thời buổi này, khi người ta có lắm tiền.
Khi Giuseppe trở về lâu đài Gossington thì đã quá nửa đêm. Chuyến xe lửa cuối cùng tới Sainte-Mary Mead đã đi Much Benham rồi. Gã phải thuê một chuyến tắc-xi.
Gã có vẻ hài lòng. Gã trả tiền người lái xe trước hàng rào và đi tắt vào trong nhà qua những bụi cây. Gã mở cửa ngách. Ngôi nhà tối đen và yên lặng. Trong cầu thang dẫn lên căn phòng nhỏ thuận tiện của gã, có một phòng tắm nhỏ kế bên, gã thấy có một luồng gió: một cánh cửa sổ chưa được gài chặt, chắc thế… Nhưng chẳng có gì là quan trọng. Bao giờ cũng mỉm cười, gã lên thang gác, cho chìa vào ổ khóa. Gã vừa bước chân vào phòng mình thì một vật rắn thúc vào cạnh sườn gã. Một tiếng thầm thì: “Giơ tay lên và cấm không được kêu”.
Giuseppe vâng lời ngay lập tức. Gã rất khôn ngoan, bản chất của gã là như vậy. Tại sao lại để xảy ra một rủi ro vô ích chứ?
Người ta bóp cò súng, một phát, hai phát và Giuseppe ngã lăn ra.
Bianca, một người hầu trong lâu đài, cựa mình trên giường. Có phải là tiếng súng không nhỉ… Cô ta gần như tin chắc là như vậy…. Cô lại nghe ngóng. Có thể là cô đã nhầm. Cô lại tiếp tục ngủ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.