GƯƠNG VỠ
CHƯƠNG 3
Tôi sung sướng khi trở lại đây tuy rằng tôi không có điều gì phiền muộn cả.
Đây là những lời đầu tiên của bà Bantry.
Bà Marple biểu lộ sự chú ý của mình bằng cái gật đầu và nhận tách trà từ tay bà bạn.
Một vài năm sau khi ông đại tá Bantry từ trần, vợ ông đã bán lâu đài Gossington và đất đai, chỉ giữ lại ngôi nhà ở East Lodge. Đây là một ngôi nhà nhỏ, ít thuận tiện, cần phải hiện đại hóa, phải thêm vào đó một căn bếp siêu hiện đại, một phòng tắm, sau khi cung cấp cho nó đủ điện, nước. Bà cũng bố trí xung quanh nhà một khu vườn không khác vườn ở lâu đài Gossington là mấy.
Một hoặc hai năm trước đây, bà Bantry đi thăm họ hàng trên khắp thế giới, ít khi trở lại nhà. Trong thời gian đó, lâu đài Gossington đã qua tay rất nhiều chủ. Trước hết nó là nơi nghỉ hè của một gia đình, sau đó nó được bán cho bốn chủ chia nhau thành từng căn hộ, rồi nó thuộc về Bộ Y tế, cuối cùng nó cũng được bán một lần nữa. Đây là lần bán sau chót đang được hai bà bạn nói chuyện với nhau.
– Đúng thế – Bà Marple nói – tôi cũng đã được nghe người ta nói về việc này.
– Phải, tôi hiểu. Người ta lại quả quyết nói đây là nơi Charlie Chaplin cùng các con tới ở. Cái đó có vẻ thú vị nhưng sai hoàn toàn. Không, chính bà Marina Greey đã mua lâu đài này.
– Bà ấy thật là xinh đẹp – Bà Marple thở dài nói – Tôi còn nhớ những bộ phim đầu tiên của bà. Cánh chim bay, cùng với Joel Roberts, Nàng Mary xứ Ê-cốt. Cách đây đã lâu lắm rồi.
– Phải. Bà cho rằng bà ta đã bao nhiêu tuổi rồi? Bốn mươi nhăm? Năm mươi?
Bà Marple cho rằng bà ta khoảng năm chục tuổi rồi.
– Bà ấy còn đóng phim nữa không? Tôi ít đi xem chiếu bóng.
– Chỉ trong những vai thường thôi. Thời kỳ vinh quang của bà ta khá ngắn ngủi. Sau một lần ly hôn nữa, tinh thần của bà ta trở nên rối loạn nên không thể tiếp tục làm việc được.
– Có nhiều chồng như vậy thì thật là mệt. Đối với tôi, đây là việc tôi không thể chấp nhận được. Người ta yêu một người đàn ông, người ta kết hôn với người ấy, người ta tậu nhà, ăn ở tử tế và, hôm sau người ta phá đi để rồi làm lại ư? Thật là điên.
– Rất khó nói – Bà Marple cười, cái cười của một bà già – Tôi chưa bao giờ lấy chồng, nếu bà muốn biết quan điểm của tôi, thì đây là một chuyện đáng thương.
– Lý do là tại cuộc đời, bà hiểu cho tôi. Mọi người đều biết rõ. Tôi đã gặp bà ta. Tôi nói về bà Marina Greeg ấy. Ở Californie.
– Bà ấy là người thế nào? – Bà Marple sốt sắng hỏi.
– Rất xinh đẹp. Không chê vào đâu được. Nhưng chắc chắn đấy chỉ là cái vẻ bề ngoài – Bà Bantry nghĩ ngợi nói thêm – Dù thế nào, người ta cũng phải giữ thể diện chứ.
– Bà ấy có đến năm đời chồng, phải không?
– Ít nhất là như vậy. Người thứ nhất, chẳng có gì đáng kể; sau đó là một ông hoàng hoặc một ông bá tước gì đó người nước ngoài, rồi đến một diễn viên, Robert Truscott, hình như thế. Họ sống thân mật với nhau được bốn năm. Sau đó là ông Isidore Wright, nhà văn. Đám cưới ít ồn ào nhất. Họ có với nhau một đứa trẻ. Người ta nói lúc nào bà ta cũng mong mình có được một đứa con. Bà ta cũng đã nuôi vài đứa con nuôi. Nhưng đứa trẻ được sinh ra có vấn đề, nó ngớ ngẩn và không bình thường. Bà ta cho nó uống thuốc ngủ và đi đóng phim.
– Tôi thấy bà nắm tình hình rất chắc.
– Vâng tôi chú ý tới bà ta từ ngày bà ta mua lâu đài Gossington. Hai năm trước đây bà ta đã kết hôn với người chồng hiện tại, lúc ấy bà ta đã hoàn toàn bình phục, ông chồng là một nhà sản xuất phim. Từ lâu ông đã yêu bà ta. Sau khi cưới vợ ông ta trở nên giàu có. Ông ta tên là Jason. Jason Rudd thì phải. Họ mua Gossington vì nó ở gần trường quay Elstree.
Bà Marple lắc đầu:
– Cái đó làm tôi ngạc nhiên – Bà nói – Elstree ở phía Bắc của Londres kia mà.
– Không, tôi muốn nói đến những trường quay mới ở Hellingforth, cách Market Basing sáu dặm. Bà ta sắm vai nữ hoàng Elisabeth của nước Áo.
– Có thể nói là bà biết rất rõ về cuộc đời của các diễn viên – Bà Marple tỏ ý thán phục – Bà biết những cái đó trong khi bà sống ở Californie ư?
– Không phải. Tôi biết những cái đó qua những cuốn tạp chí ở cửa hiệu làm đầu. Người ta nói về mọi diễn viên trên thế giới, nhưng tôi chỉ chú ý tới bà Marina Gregg vì bà ta có liên quan đến lâu đài Gossington. Bà không thể hình dung nổi những gì họ đăng trong các tạp chí ấy. Người ta phải có một trí tưởng tượng phong phú lắm thì mới viết được như vậy. Theo họ, Marina Gregg là một mụ đa dâm. Nhưng tôi thì tôi cho rằng bà ta đã nghiện ma túy nặng rồi, và bệnh tinh thần của bà ta cũng do đấy mà ra. Điều duy nhất mà tôi tin chắc là bà ta sẽ dọn tới đây ở.
– Vài tuần lễ sau – Bà Marple xác nhận.
– Nhanh thế kia ư? Tôi biết là bà ta sẽ tổ chức tại đấy một buổi họp mặt nhân dịp ngày Hội của các nhân viên cứu thương ở Saint-John vào ngày hai mươi ba. Chắc chắn người ta đã phải sửa sang lại ngôi nhà, đúng không?
– Phải. Cả sáu phòng. Thêm một bể bơi nữa. Phòng làm việc của chồng bà ngày trước và thư viện được dùng làm phòng hòa nhạc.
– Chắc chắn là ông Arthur phải rời ngôi mộ để về thăm nhà. Nhưng bà biết ông ấy rất ghét âm nhạc.
Bất chợt bà Bantry hỏi thêm:
– Bà có nghe thấy người ta nói lâu đài ấy có ma không?
– Không.
– Cái đó thì không ngăn cản người ta nói được.
– Không thấy ai nói cả. Bà nên nhớ dân làng này không điên đâu. – Bà Marple nói.
– Lúc nào tôi cũng đồng ý với bà, bà Jane. Bà biết không, chính bà Marina Gregg hỏi tôi câu đó một cách rất nghiêm chỉnh và hỏi thêm liệu tôi có buồn phiền khi thấy nhà của mình nay thuộc về người khác không. Tôi đã trả lời, nhưng bà ta tỏ vẻ không tin. Chúng tôi không phải là những người lớn lên ở đây. Khi Arthur về hưu, chúng tôi mới mua nó vì nó ở gần rừng để săn bắn và gần sông để câu cá. Chúng tôi cũng đã nghĩ là nó quá lớn, khó bảo quản. Bao nhiêu là hành lang, thang gác. Chúng tôi chỉ có bốn người giúp việc…. À! Ba bị ngã như thế nào? – Bất chợt bà Bantry chuyển vấn đề – Đáng lẽ bà Knight không nên để bà một mình đi ra ngoài.
– Ồ! Bà ấy không có lỗi gì cả. Tôi đã nhờ bà ấy một vài việc…
– Phải, tôi hiểu. Bà đã muốn tránh xa bà ta. Đó là những việc không nên làm, bà Jane. Nhất là ở tuổi bà.
– Sao bà biết?
Bà Bantry cười.
– Ở Sainte-Mary Mead này thì không có gì là bí mật. Bà đã chẳng thường nói thế sao? Tôi biết cái đó qua bà Meavy.
– Bà Meavy ư?
– Đúng, bà ta là người giúp việc của tôi. Bà ấy sống ở Khu phố mới.
– A!… – Bà Marple kêu lên sau đó yên lặng một lúc.
– Bà tới đấy làm gì? – Bà Bantry tò mò hỏi.
– Tôi muốn biết nó giống cái gì. Và muốn quan sát mọi người nữa.
– Bà thấy họ là những người như thế nào?
– Cũng giống như mọi người khác thôi. Tôi thấy cần phải khen ngợi họ, không biết có đúng không.
– Cái đó làm tôi ngạc nhiên.
– Suy nghĩ kỹ thì tôi yên tâm. Người ta đã biết mình phải làm gì. Và nếu có sự kiện gì xảy ra người ta có thể tự giải thích được.
– Một vụ giết người, ví dụ như thế.
Bà Marple tỏ ra phật ý.
– Tại sao bà cho rằng tôi lúc nào cũng nghĩ đến những vụ giết người?
– Bà Jane, tại sao bà không thừa nhận rằng mình có năng khiếu về khoa tội phạm học?
– Vì tôi không phải là một người như vậy – Bà Marple bực bội trả lời – Tôi chỉ biết về bản chất con người, và cả cuộc sống trong ngôi làng này.
– Có thể là bà có lý. Raymond, người cháu họ của bà, thường nói, những gì ở đây đều làm cho anh ta nhớ đến mặt nước phẳng lặng.
– Cái thằng Raymond ấy – Bà Marple nói với giọng khoan dung – Bao giờ nó cũng là người mau hiểu biết. Bà có biết chính nó là người trả tiền công cho bà Knight không?
Việc nói tới bà Knight làm bà Marple nghĩ đến việc mình phải làm trước mắt và bà đứng lên.
– Tôi phải về nhà thôi.
– Bà đi bộ ư?
– Không. Inch sẽ đưa tôi về.
Inch là ai? Bà Bantry tự hỏi đây có thể là… Ngày xưa ông Inch là chủ của hai cỗ xe ngựa chở khách ở ngoài ga. Những bà già và những cô gái trong làng thường đi xe của ông. Khi ông Inch bảy mươi tuổi thì ông giao mọi việc cho người con trai lúc này đã bốn mươi nhăm tuổi. Sau này Inch-trẻ đã thay xe ngựa bằng ô-tô. Chính tên anh ta là Bardwell. Nhưng cái tên Inch vẫn được giữ nguyên kể cả khi người này, đến lượt mình, giao lại mọi việc cho người con trai (là cháu nội ông Inch ngày xưa). Trong danh bạ điện thoại người ta có thể đọc thấy taxi Inch. Và những người cao tuổi trong làng đều gọi Inch khi muốn đi đâu đó…
– Bác sĩ Haydock đã tới – Giọng của bà Knight có vẻ chê trách – Tôi nói là bà đang uống trà ở nhà bà Bantry. Ngày mai ông ấy sẽ quay trở lại.
Bà giúp bà Marple cởi áo khoác.
– Chắc hẳn là bà đã mệt.
– Bao giờ bà cũng đặt ra những giả thiết. Tôi vẫn khỏe mạnh.
– Bà sẽ ngồi bên lò sưởi – Bà Knight vẫn bướng bỉnh khi nói chuyện với bà già – Bây giờ thì bà uống một tách Ovomaltine hoặc ca-cao để lấy lại sức.
Bà Marple cảm ơn và nói mình thích dùng một chút rượu xê-ry.
Bà có quyền đòi hỏi như vậy.
– Tôi không hiểu ông bác sĩ sẽ nghĩ như thế nào.
Bà ta quay lại với ly rượu.
– Ngày mai ông ta mới có thể hỏi được – Bà Marple trả lời.
Hôm sau, bà Knight đứng đợi ông bác sĩ ở ngoài cửa, sau đó thì thầm nói gì đó với người này khi ông tới nơi.
Ông bác sĩ già bước vào phòng, hai tay xoa vào nhau. Sáng nay trời rất lạnh.
– Đây là bác sĩ tới thăm bà. – Bà Knipht báo tin – Xin ông tháo găng tay ra, bác sĩ.
– Cảm ơn, để chúng ở đây cũng được – Ông nói và để đôi găng tay lên bàn – Hôm nay trời rét quá.
– Một cốc xê-ry làm ông ấm người lên chứ?
– Người ta bảo tôi rằng bà lại uống rồi. Không nên uống một mình như thế.
Chai, rượu và những chiếc cốc đặt trên một chiếc khay gần bà Marple. Bà Knight đi ra ngoài.
Bác sĩ Haydock ỉà một người bạn cũ. Ông đã nghỉ hưu, nay chỉ còn chăm sóc cho một số rất ít con bệnh cũ của mình.
– Bà vừa bị ngã – Ông đặt cốc xuống và nói – Cái đó rất xấu vào độ tuổi của bà. Tôi xin báo trước. Người ta cũng bảo tôi là bà không muốn để bác sĩ Sandford khám bệnh.
Sandford là đồng nghiệp của ông.
-… Bà Knight đã nói với tôi như vậy và bà ấy đã làm đúng.
– Tôi hơi bị đau và choáng váng thôi. Đó là điều ông Sandford đã bảo tôi. Tôi đã đợi ông quay trở lại.
– Tôi không thể làm việc lâu dài hơn nữa, bà thân mến, và ông Sandford giỏi hơn tôi, tôi xin bảo đảm với bà như thế. Đây là một người thực hành loại nhất.
– Những bác sĩ trẻ đều như vậy cả. Họ đo áp huyết cho anh và cho rất nhiều những viên thuốc được chế biến hàng loạt. Những viên đỏ, viên xanh, viên vàng. Thuốc men bây giờ làm cho người ta nghĩ đến các “siêu thị”, tất cả đều được bao gói cẩn thận.
– Bà muốn rằng tôi cần dùng đỉa để hút máu, dùng dầu long não để xoa ngực cho bà ư?
– Cái đó tôi chỉ dùng để chữa bệnh cảm và nó đã làm cho tôi khỏi bệnh. – Bà Marple trả lời với giọng tin tưởng.
– Chúng ta không thích già, đó là tất cả. Tôi sợ cái già. – Bác sĩ Haydock nhẹ nhàng nói.
– So với tôi thì ông hãy còn trẻ. Cái già sẽ đến với bất cứ ai. Không bao giờ được sống một mình. Không bao giờ có được năm phút để nghĩ đến bản thân. Tôi không thể đan len được. Tôi đan lỗi mà không biết.
Ông Haydock nhìn bà và nghĩ ngợi. Sau đó mắt ông sáng lên.
– Tôi đi về đây – Ông nói và đứng lên – Và cái tôi ghi lại cho bà là một vụ giết người nóng hổi.
– Ông không biết xấu hổ ư?
– Tại sao lại không? Bà có cái chất của Sherlock Holmes.
Bà Knight vào phòng sau khi ông bác sĩ ra về.
– Đây – Bà ta nói – bà có vẻ khỏe ra rồi. Chắc chắn là ông ấy đã ghi cho bà một đơn thuốc bổ?
– Ông ấy chỉ nhờ tôi điều tra một vụ giết người thôi.
– Một câu chuyện trong các truyện trinh thám ư?
– Không. Một vụ giết người thực sự.
– Trời! – Bà Knight kêu lên – Nhưng nó không thể xảy ra ở một nơi yên tĩnh như thế này được.
– Một vụ giết người – Bà Marple nói, thì có thể xảy ra ở bất cứ đâu.
– Ở Khu phố mới ư? Bà Knight nói với vẻ khôi hài.
– Có một bọn mặc áo blu-dông đen, trong người mang theo dao găm, ở trên ấy…
Nhưng vụ giết ngươi, khi xảy ra, lại không ở Khu phố mới.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.