Hai Người Đến Từ Phương Xa

Những con cọp trong gia đình



Mẹ tôi tuổi Dần, Canh Dần. Mẹ nói con gái tuổi Dần vốn đã long đong lại còn thêm Canh Dần nữa thì… “Canh cô mồ độc”

Tuổi thơ của mẹ tôi thuộc lòng vì mẹ cứ nhắc đi nhắc lại hoài, như một sự so sánh với tuổi thơ của tôi.

– Tụi con bây giờ sướng gấp vạn lần mẹ hồi đó!

Cứ thế, mẹ kể lể dông dài, lần nào cũng chi tiết đó, cũng nhân vật đó, cũng nội dung đó. Mỗi lần nhắc đến tuổi thơ của mình giọng mẹ nghe buồn buồn nhưng khi kết thúc câu chuyện mẹ có vẻ phấn khởi hẳn lên:

– Thôi thì tao khổ cho tụi bây sướng. Ngày xưa tao thiếu thốn cái gì bây giờ cho tụi con đầy đủ hết.

Ông ngoại tôi mất năm mẹ tôi mới lên ba tuổi, vài năm sau bà ngoại đi bước nữa, mẹ bị bà nội của mình tách ra khỏi mẹ ruột để đem về nhà nuôi.

– Đâu phải bà bắt về nuôi là bà thương yêu mình đâu – Mẹ ấm ức – bà khó động trời luôn, lúc nào cũng la lối, mắng chửi mấy đứa cháu nội mồ côi cha. Đụng một chút là nhiếc “giống hệt mẹ mày!”, nghe mà muốn trào nước mắt!

Mới có chút tuổi đầu mẹ đã biết nấu cơm, nấu nước và chăm sóc heo, gà. Mỗi lần chị em tôi ngủ nướng, dậy muộn, mẹ cứ nói mãi:

– Tụi con sướng quá! Mẹ đâu có bắt thức lúc sáng sớm. Chứ ngày xưa… Con nít cần phải ngủ nhiều, vậy mà bà nội của mẹ cứ bắt thức chung lúc với bà. Bà già rồi ngủ ít nên cứ tưởng ai cũng vậy!

Được tám chín tuổi, mẹ được lên Sài Gòn ở với cô ruột và cho đi học. Thoát khỏi bà nội già khó tính, được cô nuôi dạy tận tình nhưng mẹ vẫn chưa hết khổ. Mấy đứa em họ trong nhà cứ ăn hiếp[2] mẹ mãi. Mỗi sáng, mẹ đi chợ xa, trưa về nấu cơm cho cả gia đình rồi chiều mới đi học. Vì không có thời gian học bài nên mẹ học rất yếu. Mẹ cứ luôn mơ hồ về bài giảng và rất nhút nhát với bạn bè.

– Tụi con coi giúp gì được cho bạn học yếu hơn trong lớp! Đừng bao giờ làm phách mà mang tội – Mẹ khuyên – Đâu phải ai cũng được đi học thêm, được tạo điều kiện thoải mái cho ăn học.

Đến tuổi dậy thì, biết thèm làm dáng, biết thích soi gương, mẹ cũng chịu nhiều thiệt thòi. Phải để dành tiền ăn sáng bao nhiêu ngày để lén mua một đôi bông tai, cái nón hay đôi giày. Vậy mà cũng chưa xong, cô của mẹ khó lắm, gia giáo lắm, không hợp con mắt của mình là bà cấm tiệt mẹ tôi không được sử dụng. Mẹ cứ ao ước mỗi năm Tết đến được chụp một tấm hình. Đến lúc đi làm, mười tám tuổi, mẹ mới được chụp tấm hình đầu tiên trong đời. Chị em tôi có xem tấm hình đó, trông mẹ ngây ngô và quê mùa. Chúng tôi được chụp hình từ lúc chưa đầy tuổi và đều đặn mỗi năm không biết bao nhiêu là hình màu đủ kiểu.

Mẹ lấy chồng năm hai mươi tuổi, sau khi quen ba được sáu tháng. Mẹ nói mẹ chỉ có cảm tình sơ sơ, không hẹn hò, không yêu đương nồng cháy. Gia đình bên nội của tôi đàng hoàng, có ăn có học và khá giả nên khi được hỏi cưới mẹ gật đầu ngay.

– Mẹ sợ mình khờ khạo vì không được ra đường tiếp xúc nhiều, nếu gặp kẻ Sở Khanh bị gạt thì… Thấy ba mày hiền, có học vấn nên tao ưng đại. Vả lại, mẹ cũng đâu dám ở trong nhà bà cô lâu quá, có phải nhà cha mẹ ruột của mình đâu mà đòi ở lì để “kén cá chọn canh”.

Biết mẹ tuổi Dần, bên nội tôi có vẻ “ớn”. Không hiểu vì sao người ta có thành kiến với con gái tuổi Dần. Đêm, cô dâu vào động phòng hoa chúc có một nhánh xương rồng và khúc giò heo treo bên ngoài để trừ ếm “cái dữ” của tuổi Dần. Nghe mẹ kể, tôi trách ba, ba phân bua:

– Ba đâu có biết cái gì đâu! Nhiệm vụ của ba là làm… chú rể, mấy cái vụ đó ông bà già xưa bày đặt. Mà sao mẹ mày nhớ dai dữ?

Nói vậy chứ ba cũng có ác cảm với tuổi Dần của mẹ, những lúc gia đình khó khăn, chẳng biết đổ thừa vào đâu, ba lại nói: “lấy vợ tuổi Dần làm ăn không khá!”. Hoặc lúc tranh luận không lại, đuối lý, ba châm chọc: “Đúng là đàn bà tuổi Dần!”

Bà ngoại tôi cũng tuổi Dần và cũng có một cuộc sống gia đình không êm ả. Người đời hay nhạo “Tuổi Dần hai chồng” như chê bai bà không thể ở vậy để thờ chồng nuôi con. Mẹ tôi không bao giờ trách ngoại điều này, chỉ tủi bà ngoại có tới chín đứa con trai nhưng vẫn không mấy tha thiết với đứa con gái duy nhất là mẹ. Vậy mà những lúc cơ nhỡ, chính mẹ là người đứng ra giải quyết những khó khăn trong nhà ngoại. Mẹ thương ngoại phải qua hai lần đò, còn trẻ chịu nhiều thị phi, phải sống xa mấy đứa con của người chồng trước.

Mỗi lần Tết đến bà cô cho phép mấy anh em của mẹ về quê thăm bà ngoại – Mẹ hồi tưởng – Lúc quay về, mấy mẹ con bịn rịn không muốn xa. Bà ngoại đứng nơi bến tàu nhìn hút mắt con đò rời quê. Mắt ngoại trào nước, đau khổ quặn lòng.

Bao nhiêu năm trôi qua, tuổi già đổ ập xuống với ngoại rồi mà bà vẫn còn khổ. Khổ vì vật chất do cuộc sống đã đành, khổ vì con cái nông dại mới làm bà quay quắt hơn.

Mẹ tôi không bao giờ muốn rằng con gái mình sanh ra vào năm Dần. Nhưng chị tôi rốt cuộc lại rơi vào tuổi cọp cái. Có điều chị tôi không hề bị ai đó chép miệng: “Con gái tuổi Dần!”. Con cọp nhí thuộc thế hệ thứ ba sống sung sướng, nhìn chị chỉ thấy toát lên sự bình an và hạnh phúc. Năm chị đậu đại học, mẹ tôi cười trong làn nước mắt:

– Ước mơ ngày xưa của mẹ đã được con thực hiện. Ráng lên! Học hành cho thật giỏi rồi lựa chọn cho mình một người chồng xứng đáng!

Ba tôi chỉ có thể ghẹo mẹ tôi tuổi Dần nhưng không có điều kiện chọc chị. Thậm chí, có lúc ba còn thốt lên: “Ai sau này lấy nó chắc có tu mấy kiếp!”

Tuổi Dần của mẹ và của bà ngoại mới tội nghiệp làm sao, oan uổng làm sao. Chị tôi cũng cùng tuổi mà nào có buồn như thế. Tôi thương những con cọp trong gia đình mình, thương nhất là mẹ. Tôi mong muốn mẹ sẽ sung sướng hơn khi chị em tôi đã lớn khôn. Khi tôi nói với mẹ điều này, mẹ cười: “Sướng hay không là do tụi con quyết định!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.