Hải Trình Kon-Tiki​

CHƯƠNG 3 – Ở NAM MỸ



Máy bay bắt đầu nghiêng cánh xuyên qua những đám mây màu sữa trải dài dưới chúng tôi như một lớp đệm tuyết chói chang dưới ánh mặt trời để hạ cánh xuống đường băng. Hơi nước đọng thành băng ở cửa máy bay bắt đầu tan như những tảng mây treo lơ lửng và đã thấy xuất hiện một tấm thảm dài xanh rờn của những cánh rừng trập trùng. Chúng tôi đang bay trên nước Cộng hòa Pê-ru và hạ cánh xuống sân bay nhiệt đới Ga-i-a-kin. Xuống máy bay, trên tay còn mang những áo khoác ngoài mà hôm qua còn mang trên mình, chúng tôi cảm thấy một không khí nóng bức ngột ngạt, giữa những người phương nam ồn ào mang trang phục nhiệt đới, trong khi chúng tôi người nào áo cũng đẫm mồ hôi dính chặt vào lưng.
Các nhân viên hải quan và nhân viên trông nom việc nhập cảnh đến chào và ôm chúng tôi trong vòng tay và đưa chúng tôi ra xe ô tô về khách sạn tốt nhất ở thành phố và cũng là khách sạn có tiện nghi. Tới nơi chúng tôi chạy vội vào buồng tắm nằm dài ngâm mình trong bồn tắm dưới vòi nước lạnh. Tổng thư ký Liên hiệp quốc thời kỳ đó là người Na Uy.
Chúng tôi đã đến xứ sở của gỗ ban-xa và phải mua đủ số cần thiết để đóng một chiếc bè. Trong ngày đầu tiên, chúng tôi phải tìm hiểu về hệ thống tiền tệ tại nơi đây và học một vài tiếng Tây Ban Nha để hỏi đường về khách sạn. Sáng hôm sau, chúng tôi phải đi nhiều nơi hơn. Héc-man đã thỏa mãn được sự mong muốn của anh từ khi còn con nít là được sờ tận tay một cây dừa nước thực sự. Còn tôi thì như một bình chứa lưu động phải mang vác đủ thứ, nào là rau và hoa quả, rồi sau đó chúng tôi mới quyết định đi thương lượng việc mua gỗ. Khổ thay! Nói thì dễ, làm mới thấy khó. Gỗ ban-xa có thể mua được rất nhiều, nhưng không phải những thân cây nguyên vẹn là loại mà chúng tôi cần. Đã lâu lắm, ở bờ biển này không còn cây gỗ ấy nữa. Cuộc chiến tranh vừa qua đã hủy diệt hết. Người ta đã hạ hàng nghìn cây để chuyển đến các nhà máy sản xuất máy bay, loại gỗ này xốp và rất nhẹ. Người ta còn mách cho chúng tôi biết chỉ có một nơi duy nhất còn các loại cây to, ở mãi tận trong rừng sâu của nước này. Như vậy là chúng tôi phải tự đi hạ lấy các cây gỗ đó. Theo các nhà chức trách ở đây cho biết, chúng tôi không thể thực hiện được việc đó, vì mùa mưa đã bắt đầu. Đường ở trong rừng bị ngập và lầy bùn sâu. Muốn lấy gỗ trong rừng phải chờ sáu tháng nữa, hết mùa mưa, đường khô ráo, mới có thể làm được.
Trong lúc khốn đốn này, chúng tôi tìm đến Đông Guýt-xta-vô Vôn Bớt-svan, còn được gọi là ông vua gỗ ban-xa ở E-cu-a-đo. Héc-man đã trình bày bản phác họa chiếc bè cùng với qui cách gỗ mà chúng tôi cần. Ông vua gỗ nhỏ bé gầy quắt này, đã điện cho các đại lý tìm ngay cho chúng tôi số gỗ cần thiết. Nhưng ở tất cả các nhà máy của ông chỉ có những tấm ván hoặc những khúc gỗ ngắn, không có một khúc nào có thể dùng được. Hai cây còn lại ở trong kho của Đông Guýt-xta-vô thì đã khô cứng, chả giúp gì được cho chúng tôi. Thật là vô ích nếu cứ cố tìm kiếm nữa, Đông Guýt-xta-vô bèn nói với chúng tôi:
– Một trong những người anh em của tôi, có một đồn điền lớn trồng cây gỗ ban-xa. Ông ta tên là Đông Phê-đê-ri-cô ở Ki-vê-đô, một thành phố nhỏ ở mãi tận trong rừng sâu. Nếu các ông đến đó được, thì sau mùa mưa, sẽ tìm cho ông có đủ số gỗ cần thiết. Còn bây giờ không còn cách nào hơn nữa vì ngập lụt.
Đông Guýt-xta-vô đã khẳng định như thế, ngay cả đến các nhà chuyên môn về gỗ ban-xa cũng nói như vậy. Thế đấy! Đã đến tận Ga-i-a-kin mà cũng không thể đóng bè, dù đến sớm nhiều tháng đi chăng nữa, chúng tôi cũng không thể tự đi hạ các cây gỗ đó được, và như thế là quá muộn.
– Thời gian gấp quá rồi!
Héc-man nói.
Tôi tiếp lời:
– Cần phải có gỗ ban-xa. Chiếc bè đó phải giống hệt như chiếc bè cổ xưa, nếu chúng ta muốn được an toàn.
Chúng tôi đã tìm thấy ở khách sạn một tấm bản đồ học sinh, trên đó rừng được in màu xanh, núi màu nâu, còn các nơi có dân cư được khoanh một vòng tròn đỏ. Bản đồ đó cho thấy vùng rừng xanh kéo dài liên tục từ Thái Bình Dương đến tận chân dãy núi Ang-đơ.
Tôi nảy ra ý nghĩ: vì không thể nào vượt qua được vùng bờ biển để đến vùng gỗ ban-xa ở Ki-vê-đô, chúng tôi có thể từ nội địa vượt qua các núi trọc đầy băng tuyết, đi thẳng vào rừng sâu để đến đó. Đó là khả năng duy nhất mà chúng tôi ước đoán. Tại sân bay, một chiếc máy bay vận tải nhỏ, nhận chở chúng tôi đến Ki-tô, thủ đô của xứ sở kỳ lạ này, chơi vơi trên cao nguyên của dãy núi ng-đơ, cách mặt biển 3000m.
Từ trên máy bay nhìn xuống, trước khi bị mây che khuất, chúng tôi thỉnh thoảng thấy những khoảng rừng xanh cùng với những dòng sông lấp lánh. Khi bay vượt qua lớp mây phía dưới, đồng bằng như đang giấu mình dưới làn hơi nước mênh mông như biển cả, và ở phía trước mặt chúng tôi là những triền núi khô cằn cùng với những ngọn núi đá trọc nhô lên trên những lớp mây trong khoảng trời xanh biếc. Dù rằng gần đường xích đạo, máy bay lượn qua sườn núi và như lần theo một sợi dây vô hình, bay dọc cho đến khi hết các dải tuyết dài lấp lánh. Máy bay lượn giữa khe núi và hạ cánh xuống một cao nguyên phì nhiêu phủ đầy màu xanh của cây cối mùa xuân ở gần thủ đô kỳ lạ nhất thế giới này.
Phần đông trong số 150 nghìn dân ở Ki-tô, là người da đỏ miền núi thuần chất hoặc lai tạp, vì đã từ lâu, trước cả thời kỳ Cô-lông và người da trắng tìm ra châu Mỹ, thì nơi đây đã là thủ đô của tổ tiên người da đỏ. Thành phố này mang những nét riêng biệt với những tu viện cổ kính, chứa đựng những kho tàng nghệ thuật vô giá, những công trình kiến trúc nguy nga của thời kỳ người Tây Ban Nha cai trị. Tất cả những công trình đó vươn lên trên những mái nhà thấp lè tè xây bằng gạch hay bằng đất phơi khô của người Anh-điêng. Dọc theo những dãy tường, chằng chịt những phố nhỏ chật hẹp đầy những người dân Anh-điêng miền núi khoác những khăn choàng sặc sỡ màu đỏ, đầu đội mũ rộng vành do họ tự làm lấy. Người thì dắt theo lừa chở đầy hàng mang ra chợ, người thì nằm co quắp, ngủ gà ngủ gật, dọc theo các chân tường dưới ánh nắng mặt trời. Một vài xe ô-tô chở những nhà quý phái gốc Tây Ban Nha, mặc trang phục miền nhiệt đới, phải chạy chậm, bóp còi liên hồi, mới đi được trong những phố nhỏ đường một chiều, đầy những trẻ con, lừa, và những người da đỏ đi chân đất…
Trên cao nguyên này, với không khí trong lành và tinh khiết, cùng với những núi non bao bọc tạo cho đường phố ở đây một vẻ huyền ảo kỳ lạ. Gioóc, anh bạn cùng đi máy bay với chúng tôi mệnh danh là “phi công điên” là người ở Ki-tô, dòng dõi một gia đình Tây Ban Nha đã lâu đời sinh sống ở đây. Anh dẫn chúng tôi đến ở tại một khách sạn cũ rích, ọp ẹp. Khi thì cùng đi với chúng tôi, khi thì một mình, anh chạy khắp mọi nơi để tìm kiếm phương tiện chuyên chở chúng tôi vượt núi đi đến Ki-vê-đô ở giữa rừng sâu. Buổi chiều, chúng tôi lại gặp nhau tại một quán cà-phê Tây Ban Nha, Gioóc chỉ đem lại cho chúng tôi những tin chả có gì đáng vui cả.
Đến phải bỏ ý định đến Ki-vê-đô mất. Chẳng tìm đâu ra người, xe cộ, giúp chúng tôi vượt núi hay ít ra dẫn đường cho chúng tôi qua rừng rậm trong lúc mùa mưa đã bắt đầu, nếu bị sa lầy trong rừng thì rất dễ bị phục kích. Cách đây không lâu, mới năm ngoái thôi, người ta đã tìm thấy ở miền Đông E-cu-a-đo, mười kỹ sư của một Công ty dầu lửa Mỹ bị bắn chết bằng tên tẩm thuốc độc là loại vũ khí đi săn của người da đỏ sống ở vùng rừng núi. Họ rất đông, sống trần truồng và lang thang khắp các rừng rậm nhiệt đới.
“Một số trong bọn họ săn đầu người”
Bằng một giọng ồ ồ, Gioóc phều phào vừa nói vừa nhìn Héc-man, đang bình thản vừa ăn thịt bò vừa nhắp rượu vang. Gioóc hạ thấp giọng và nói tiếp:
– Anh tưởng tôi cường điệu ư? Mặc dù bây giờ đã nghiêm cấm nhưng vẫn còn có người sinh sống bằng cách bán các đầu người đã khô teo lại. Không tài nào kiểm soát nổi chuyện buôn bán này được, và ngay hiện nay, những người da đỏ ở trong rừng vẫn thường chặt đầu kẻ thù của họ ở những bộ lạc du cư. Họ đập vỡ sọ, bỏ sọ đi và nhồi cát nóng vào da đầu làm cho đầu người khi teo lại cũng chỉ to bằng đầu con mèo, mà vẫn giữ được hình dáng và cả nét mặt nữa. Xưa kia, những chiếc đầu kẻ thù này là những chiến lợi phẩm quý giá, và giờ đây, loại hàng lậu này khá hiếm. Có những người da đỏ làm trung gian mang những thứ hàng này cho khách mua ở bờ biển, để những người này bán lại cho khách du lịch bằng một giá cắt cổ.
Gioóc nhìn chúng tôi với vẻ đắc thắng. Anh ta không ngờ rằng ngay trong ngày hôm đó, Héc-man và tôi bị lôi kéo vào gian nhà của người gác cửa, ở đây người ta đã gạ bán cho chúng tôi hai đầu người, với giá mỗi đầu là một nghìn viên đường. Hiện nay, có những đầu giả làm bằng đầu khỉ, nhưng hai chiếc đầu này là đầu người da đỏ chính cống, hoàn toàn giống hệt như khi còn sống, từng nét nhỏ cũng không bị mất đi. Đó là đầu một người đàn ông và một người đàn bà to bằng quả cam. Người đàn bà đó rất đẹp. Lông mi và mớ tóc đen vẫn dài như lúc còn sống.
Bàng hoàng vì chuyện này, tôi tỏ vẻ lo ngại là rất có thể còn có những kẻ săn đầu người ở phía tây dải núi này. Vẻ buồn rầu, Gioóc nói:
– Biết thế nào mà nói trước được. Anh sẽ nói sao nếu anh bạn của anh biến mất và sau đó trên thị trường lại thấy chiếc đầu teo nhỏ lại của anh ta? Sự việc như thế có lần đã xảy đến với một người bạn tôi.
Nói xong, Gioóc nhìn tôi với một vẻ thách thức. Héc-man chậm rãi nhai món bít-tết, với sự ham thích kín đáo, đề nghị Gioóc:
– Anh hãy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ấy.
Tôi đặt dao, dĩa xuống và Gióoc bắt đầu kể câu chuyện sau:
Hai vợ chồng Gioóc trước kia sống trong một trạm ở sâu trong rừng. Tại đây, Gioóc vừa đãi vàng vừa mua lại vàng kiếm được của những người đãi vàng khác. Cặp vợ chồng Gioóc lúc đó có một người bạn là dân địa phương. Anh ta vẫn thường đến đổi vàng lấy hàng hóa. Một hôm, anh bạn ấy bị giết chết trong rừng. Gioóc phát hiện ra hung thủ và định bắn chết hắn. Nhưng chính tên này bị tình nghi là kẻ bán các đầu người nên Gioóc hứa tha chết cho hắn, nếu hắn chịu mang nộp ngay chiếc đầu mà hắn vừa cắt. Nó nhận lời. Khi trông thấy chiếc đầu của bạn, Gioóc rất xúc động vì chiếc đầu chỉ to bằng nắm tay và trông rất giống đầu người bạn vừa bị giết. Anh bồi hồi mang chiếc đầu đó về, làm cho vợ nhận ra đầu đó, chết khiếp và ngất xỉu. Gioóc phải cất vào trong hòm. Khí hậu miền rừng núi ẩm thấp nên không bao lâu, đầu đó bị mốc meo nên Gioóc phải đem ra phơi ngoài nắng. Anh treo chiếc đầu lên dây phơi quần áo và vợ Gioóc, một lần nữa lại ngất đi khi trông thấy nó.
Rồi một hôm, một con chuột nhắt đã chui vào hòm gỗ gặm nham nhở chiếc đầu của bạn anh, buộc Gioóc phải đem chôn vào một lỗ nhỏ trên sân bay với lòng thương tiếc và tự nhủ dù sao đây cũng là một con người.
Tôi vờ khen: “Bữa ăn hôm nay ngon tuyệt”, với ý muốn chuyển sang đề tài khác.
Sáng hôm sau, dưới bóng cây khuynh diệp tại một biệt thự riêng ở ngoài thành phố, chúng tôi cùng ngồi với vợ chồng ông Brin, tổng lãnh sự của chúng tôi.
Ông Brin không thật tin là cuộc hành trình dự định đến Ki-vê-đô có thể làm cho chúng tôi thay đổi ý kiến về mức độ quan trọng, nhưng… ở trong vùng mà chúng tôi dự định đến còn có những toán cướp đang hoành hành. Ông đưa ra cho những mẩu tin đăng trên báo chí địa phương cho biết trong mùa khô, quân đội sẽ được điều đến đó để tiêu diệt các toán cướp đang hoành hành ở các vùng lân cận Ki-vê-đô. Đi đến nơi đó lúc này là điên rồ, không thể nào tìm được người dẫn đường hoặc phương tiện.
Trong khi đang trò chuyện, một chiếc xe gíp của Đại sứ quán Mỹ chạy qua, làm chúng tôi nảy ra một ý nghĩ.
Cùng đi với ông Tổng lãnh sự, chúng tôi đến gặp ông tùy viên quân sự Mỹ, một con người lịch sự, dáng thể thao, mặc bộ ka-ki, chân đi ủng cưỡi ngựa, niềm nở tiếp chúng tôi. Ông hỏi tại sao chúng tôi lại lạc lõng đến tận dãy núi Ang-đơ này trong khi báo chí lại loan tin rằng chúng tôi sắp ra khơi trên một chiếc bè. Chúng tôi giải thích cho ông ta rõ là gỗ để đóng bè hiện còn ở trong rừng sâu. Chúng tôi đã đi đến tận nóc lục địa mà vẫn chưa tìm ra được và đề nghị ông tùy viên quân sự cho mượn một chiếc máy bay cùng với hai cái dù hoặc một chiếc xe gíp với một người lái thông thuộc đường sá ở đây. Lúc đầu, ông im lặng sững sờ trước sự tin chắc như đinh đóng cột của chúng tôi. ông mỉm cười gật gù trả lời vẻ miễn cưỡng:
– Thôi được! Vì các ông không đưa đề nghị thứ ba để tôi lựa chọn, tôi đành đồng ý với đề nghị thứ hai vậy.
Sáng hôm sau, đúng 5 giờ 15, một chiếc xe gíp đã đến đỗ ngay cửa khách sạn và một đại úy công binh E-cu-a-đo đến gặp chúng tôi, để sẵn sàng cùng đi. Ông ta nhận được lệnh đưa chúng tôi đến Ki-vê-đô dù đường khô hay lầy lội. Chiếc xe gíp chất đầy bình xăng, vì dọc đường không có trạm cung cấp xăng, ngay cả xe qua lại cũng không có. Người bạn mới này là đại úy A-guy-ét-tô A-lếch-xít An-xa-rết, dao súng đeo đầy người để đề phòng bọn cướp. Chúng tôi đến đất nước này cốt để mua gỗ đóng bè nên ăn mặc chỉnh tề lịch sự, nào com-lê, ca-vát nên toàn bộ trang bị đi rừng của chúng tôi vẻn vẹn có túi đồ hộp, một máy ảnh cũ vừa mua lại và mỗi người chỉ có một chiếc quần ka-ki tàng. Ông Tổng lãnh sự còn ép chúng tôi mang theo một khẩu súng ngắn kiểu Pa-ra-ben-lôm cùng rất nhiều đạn dự trữ để tiêu diệt bọn cướp dọc đường.
Chiếc xe gíp băng qua các phố nhỏ vắng tanh, dưới ánh trăng mờ nhạt chiếu lên những bức tường quét vôi trắng. Ra khỏi thành phố, xe lao về phía nam với tốc độ lớn, trên con đường cát miền núi khá tốt. Đoạn đường tốt thoải mái này dẫn chúng tôi đến La-ta-cun-ga, một làng ở miền núi với những ngôi nhà không có cửa sổ của những người Anh-điêng dựng lên bừa bãi xung quanh một nhà thờ miền quê quét vôi trắng và một sân có rặng dừa râm mát. Xe rẽ sang một con đường mòn, ngoằn ngoèo nhỏ hẹp, lượn về phía tây qua các đèo núi. Chúng tôi bước vào một thế giới mà cảnh tượng ngay trong mơ cũng không hình dung nổi.
Đó là thế giới của người Anh-điêng miền núi, nằm về phía đông của mặt trời và phía tây của mặt trăng, nếu không kể không gian và thời gian. Trên suốt chặng đường, chúng tôi không gặp một chiếc xe nào mà chỉ thấy những mục đồng đi chân đất, khoác áo păng-xô màu sặc sỡ, chăn những bầy hà mã có bước đi thủng thẳng. Đôi khi có toàn bộ cả những gia đình người da đỏ đi dọc theo đường mà người chồng cưỡi la đi trước, vợ chạy bộ theo sau, đầu đội đủ các loại mũ, lưng địu con nhỏ, vừa chạy vừa quấn len. Còn lừa và la thồ đầy những củi cành, cói và các loại chum vại thủng thẳng đi sau.
Càng đi sâu vào miền núi này lại càng hiếm người Anh-điêng nói được tiếng Tây Ban Nha và cho đến lúc mà vốn liếng về ngôn ngữ của A-guy-ét-tô cũng không còn tác dụng nữa. Những chòi rải rác thành từng cụm đây đó ở trên núi, ít thấy xây bằng đất sét mà hầu hết là bện bằng cỏ khô và cành nhỏ. Dân vùng này, da mặt nhăn nheo và rám nắng cũng như những túp lều của họ, cho ta cảm giác như họ chui ra khỏi lòng đất bị ánh nắng nóng như thiêu như đốt rọi vào vách đá của núi Ang-đơ. Họ như hòa lẫn với đất, đá, đồng cỏ vùng núi cũng chẳng khác gì cỏ cây ở đây. Dân da đỏ ở miền núi này nghèo xác xơ, vóc người nhỏ bé nhưng lại dẻo dai, khỏe như thú dữ và nhanh nhẹn, khéo tay như những dân tộc cổ xưa. Họ ít nói, lại hay cười. Những người mà chúng tôi gặp đều có nét mặt rạng rỡ và bộ răng trắng như tuyết. Không có gì chứng tỏ là người da trắng đã lợi lộc hay mất mát cái gì, dù chỉ là một xu nhỏ khi họ qua đây. Tại vùng này, tuyệt nhiên chúng tôi không thấy có một biển quảng cáo hay một cột chỉ đường; nếu ta vứt xuống lề đường một vỏ đồ hộp bằng sắt tây hay một mẩu giấy vụn thì thổ dân đến nhặt ngay và coi đó là một thứ dụng cụ gia đình quý báu.
Xe chúng tôi leo lên những con đường dốc nắng như thiêu như đốt, trơ trụi không có lấy một bụi hay bóng cây nào. Xe lại tiếp tục đổ dốc đến những thung lũng cát hoang vắng chỉ thấy những cây xương rồng, để rồi lại leo thẳng lên phía trước tới đỉnh núi cao nhất phủ tuyết trắng xung quanh và một cơn gió lạnh buốt thổi đến làm xe chúng tôi phải đi chậm lại, để áo sơ mi không bị từng mảng băng đọng lại, điều này làm cho chúng tôi luyến tiếc khí hậu nóng bức của rừng nhiệt đới. Chúng tôi phải vượt qua nhiều chặng đường dài giữa các núi non, trên các khoảng đất lởm chởm đá, mép núi có cỏ, để tìm những đoạn đường mới. Khi đến vách núi phía tây, nơi mà dãy núi Ang-đơ đổ xuống đồng bằng tạo thành vách đứng thì con đường mòn chúng tôi đang đi trở nên gồ ghề, đục thành bậc thang vào vách núi đá bở. Quanh chúng tôi là vách cao dựng đứng và vực thẳm. Chúng tôi hết sức tin tưởng vào tài lái xe của anh bạn A-guy-ét-tô đang gập người lại để lái xe tránh các bờ vực nguy hiểm. Đột nhiên, một luồng gió mạnh thổi tạt vào mặt: hóa ra chúng tôi đã đến tận mỏm núi ở phía ngoài cùng, nơi mà núi hạ thấp dần xuống thành những vực sâu cho mãi đến tận vùng rừng rậm, phía dưới chúng tôi là vực sâu đến bốn nghìn mét. Tầm mắt chúng tôi bị chặn lại, không thể nhìn thấy biển cây xanh rờn ở sâu thăm thẳm đến chóng cả mặt, vì khi xe chở chúng tôi vừa tới bờ vực thì những dải mây dày bay đến vây kín chúng tôi như hơi nước thoát ra từ một chiếc nồi của mụ phù thủy.
Trên đường đi xuống, không một trở ngại nào xảy ra. Xe xuống dần, qua nhiều ngoặt gấp, dọc theo khe núi và bờ vực. Càng xuống thấp, không khí càng ẩm ướt và nóng hơn từ rừng sâu thoát ra ngột ngạt oi bức. Trời bắt đầu mưa, lúc đầu còn nhỏ sau đổ xuống như trút nước, đập vào xe rào rào như tiếng trống. Từ hai bên sườn núi cạnh chúng tôi, nước thoát ra một màu nâu sẫm, chảy ào ào làm cho chúng tôi có cảm giác như đang cưỡi trên sóng, bỏ lại đàng sau những đồng bằng khô cằn, để đi vào một thế giới khác mà những cành cây, những tảng đá, những triền đất sét đều mềm nhão và phủ đầy rêu xanh. Những chiếc lá khổng lồ xuất hiện lơ lửng ở lưng đồi trông như những chiếc dù xanh ướt đẫm. Chúng tôi đã đến cửa rừng, cây cối còn thưa cùng với những chòm rễ tua dày đặc, những mảnh rêu xanh và những cây leo. Nước chảy róc rách khắp nơi.
Khi các triền dốc giảm dần thì rừng đầy cây cối đột ngột hiện ra nhiều như một đạo quân, nuốt chửng chiếc xe gíp nhỏ bé đang ì ạch lăn bánh trên đường lầy đất sét. Chúng tôi đã đến giữa rừng rậm, không khí nóng ẩm đượm mùi lá cọ, trời đã xẩm tối. Chúng tôi để xe dưới một mái chòi khô ráo, người nóng hầm hập, mồ hôi vã ra như tắm. Những bầy ruồi quấy rầy chúng tôi ở trong chòi đều bị chết đuối vì cơn mưa ngày hôm sau. Chiếc xe được chất đầy chuối và quả lạ, lại tiếp tục lên đường.
Chúng tôi băng qua rừng rậm, xuống thấp nữa, nhiều lúc tưởng như đã xuống đến cuối dốc rồi. Bùn ngày càng nhiều nhưng xe vẫn tiếp tục đi và bọn cướp thì ẩn nấp quanh đâu đó. Cứ đi như vậy cho đến lúc con đường bị một dòng sông rộng đầy bùn vắt ngang, làm cho chiếc xe tiến thoái lưỡng nan, phải bỏ cuộc vì không thể nào đi ngược hay xuôi dọc theo bờ được. Chúng tôi thấy trong khu rừng thưa một cái chòi có mấy người lai Anh-điêng đang phơi một tấm da cáo lên tường. Những con chó và gia cầm thì sục sạo đây đó hoặc nằm ườn trên những đống quả ca-cao phơi ở phía ngoài. Chiếc xe gíp lắc lư bò vào đến nơi làm mọi người huyên náo. Những thổ dân nói được tiếng Tây Ban Nha cho biết đây là sông Pa-lăng và phía bờ bên kia là Ki-vê-đô. Không có một chiếc cầu nào, mà sông thì sâu, nước chảy xiết, nên họ cho rằng tốt hơn hết là giúp chúng tôi đưa cả người và xe qua sông bằng bè. Phương tiện kỳ diệu này có sẵn ở ngay bờ sông. Những thân cây cong queo to bằng bắp tay và bắp đùi được buộc lại với nhau bằng những dây rừng và tre thành một chiếc bè nguyên thủy dài, rộng bằng hai chiếc xe gíp. Lót ván xuống từng bánh xe, chúng tôi cố sức đẩy xe lên bè. Các cây gỗ của bè bị chìm sâu xuống nước bùn nhưng vẫn đủ sức để chở chúng tôi và chiếc xe, chưa kể cả bốn người thổ dân cởi trần, da nâu sạm, đang dùng những chiếc sào dài để đẩy bè đi. Héc-man và tôi cùng cất tiếng hỏi:
– Phải gỗ ban-xa không?
Một người trong bọn họ, lấy chân đá vào thân cây, gật đầu xác nhận.
Dòng nước cản làm cho chiếc bè xoay tròn nhưng những người thổ dân với chiếc sào dài đã đẩy bè chếch dòng vào chỗ nước lặng. Đây là chuyến đi đầu tiên của chúng tôi trên một chiếc bè bằng gỗ ban-xa và cũng là lần đầu tiên trông thấy loại gỗ này. Chúng tôi sang được bờ bên kia và như thế là chuyến đi đến Ki-vê-đô đã thắng lợi.
Hai dãy nhà gỗ quét hắc ín, cùng với những con diều hâu đậu im ở trên mái nhà lợp bằng lá cọ đã tạo thành một khung cảnh mà người ta gọi là phố và toàn thể thị trấn này chỉ có vậy thôi. Thấy chúng tôi, dân ở đây, da đen cũng như da nâu sẫm, trẻ cũng như già đều bỏ những gì đang cầm trong tay cùng ùa ra cửa và lao ra đứng trước xe ô-tô, ồn ào như ong vỡ tổ. Họ trèo lên mui, chui xuống gầm, leo lên xe, chúng tôi phải khư khư giữ chặt những thứ mang theo trong khi A-guy-ét-tô đang đánh vật một cách tuyệt vọng với tay lái. Cuối cùng, chiếc xe bị nổ lốp nghiêng về một bên. Chúng tôi đã đến và được họ tay bắt mặt mừng chào đón.
Đồn điền của Đông Phê-đê-ri-cô ở gần đó về phía hạ lưu con sông. Theo con đường trồng những cây muỗm, chiếc xe gíp của chúng tôi khập khiễng đi vào trong sân cùng với Héc-man, A-guy-ét-tô và tôi.
Ông già Phê-đê-ri-cô, người gầy gò cùng sống với cháu là chú bé Eng-giê-lô ở nơi heo hút này, đã cùng chạy ngay ra đón. Chúng tôi truyền đạt ý kiến của Đông Guýt-xta-vô cho ông, còn chiếc xe gíp nằm trơ trọi ở sân và một cơn mưa ngắn bất thần đổ xuống khu rừng. Một bữa tiệc được dọn ra tại biệt thự của Đông Phê-đê-ri-cô, nào là lợn sữa, nào là gà quay trên bếp lửa và chúng tôi ngồi quanh một khay chất đầy quả lạ. Chúng tôi trình bày cho ông rõ vì sao chúng tôi đến tận đây. Qua lưới cửa sổ, mưa rừng rất to đã thổi đến chỗ chúng tôi mùi đất sét và hoa thơm.
Tuy già, nhưng Đông Phê-đê-ri-cô năng nổ như một chàng trai. Từ hồi nhỏ, ông đã hiểu biết về những chiếc bè gỗ ban-xa. Ba mươi năm trước đây, ông đã sống ở vùng bờ biển và thấy những người Anh-điêng ở Pê-ru thường ngược dòng theo bờ biển trên những chiếc bè lớn chở cá đến bán ở Ga-i-a-kin. Các bè đó có thể chở đến hai tấn cá khô chất trong lều tre ở giữa bè, có lần còn mang theo cả đàn bà, trẻ con và gà, chó.
Đang giữa mùa mưa, tìm được những cây lớn như họ thường dùng để đóng bè thật là khó khăn, dù đi bằng ngựa, vì khu vực trồng gỗ ban-xa ở trong rừng bị ngập lụt và bùn lầy. Đông Phê-đê-ri-cô cố gắng để giúp chúng tôi.
Ở khu rừng bên, gần trại có một vài cây to mọc rải rác nhưng chúng tôi lại cần nhiều. Buổi tối, mưa tạnh được một lúc, chúng tôi dạo chơi dưới những rặng cây muỗm xung quanh biệt thự. Đông Phê-đê-ri-cô có đủ các loại phong lan hoang dại trên thế giới, lủng lẳng bám vào những sọ dừa bửa đôi. Khác với phong lan trồng, các loại cây hiếm này có mùi thơm rất dễ chịu. Héc-man cúi xuống để mũi vào một bông hoa thì một vật gì dài và mảnh giống như một con lươn bóng nhẫy ló ra từ những chiếc lá trên đầu Héc-man. Nhanh như chớp, Eng-giê-lô vung ngọn roi lên, con rắn quằn quại rơi xuống, và một giây sau lại một con nữa bị Eng-giê-lô dùng gậy có ngạnh chẹn cổ nghiến nát đầu.
– Rắn độc, cắn chết người đấy.
Eng-giê-lô vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi hai nanh độc của con rắn.
Lúc này, chúng tôi có cảm giác ở dưới những khóm lá kia chỗ nào cũng có rắn độc, nhất là trên đầu gậy của Eng-giê-lô còn lủng lẳng một con rắn chết. Thế là chúng tôi nhẹ nhàng quay vào trong nhà. Trong khi Héc-man đem con rắn xanh đó ra để lột da thì Đông Phê-đê-ri-cô kể cho chúng tôi nghe những chuyện quái đản về rắn độc và những con trăn tròn to như những cái đĩa. Đột nhiên, chúng tôi nhìn thấy ở trên tường bóng hai con bò cạp khổng lồ, to bằng con tôm hùm đang hùng hổ giương càng xông vào đánh nhau. Đít chúng dựng lên, vòi độc ở đuôi con nào cũng sẵn sàng nhả nọc giết địch thủ. Hình ảnh đó thật là kinh khủng, nhưng khi chuyển cây đèn dầu sang một bên, chúng tôi mới thấy rằng đó chỉ là hai con bò cạp bình thường to bằng ngón tay đang đánh nhau ở mép bàn mà ánh đèn đã hắt bóng chúng lên tường. Đông Phê-đê-ri-cô cười và nói:
– Thôi mặc chúng. Con nọ sẽ giết con kia. Chúng ta chỉ cần con sống sót để đuổi gián trong nhà. Các anh phải giắt màn cho kỹ xung quanh giường nằm. Ngay cả trước khi mặc quần áo cũng phải giũ cẩn thận thì mới yên tâm. Tôi đã bị bò cạp cắn hai lần, nhưng tôi vẫn không chết. Tôi ngủ ngon nhưng mỗi lần tiếng kêu ầm ĩ của con tắc kè và những con dơi lại làm tôi thức giấc và nghĩ đến những con quái vật có nọc độc đó.
Sáng hôm sau. Chúng tôi thức giấc với bao ý nghĩ hào hứng sẽ cố gắng đi tìm xem có thấy được gỗ ban-xa thì A-guy-ét-tô nhắc chúng tôi:
– Tốt hơn hết là hãy giũ quần áo đi đã.
Trong khi A-guy-ét-tô nói như vậy, thì một con bò cạp từ tay áo sơ-mi của anh rơi xuống đất. Nhanh như mũi tên, nó chui ngay vào khe sàn nhà.
Một lúc sau, khi mặt trời mọc, Đông Phê-đê-ri-cô cho người và ngựa đi khắp các ngả, dọc theo các đường để tìm các cây gỗ có thể dùng được. Nhóm chúng tôi gồm Đông Phê-đê-ri-cô, Héc-man và tôi. Chúng tôi nhanh chóng đến khu rừng thưa mà Đông Phê-đê-ri-cô biết có một cây gỗ khổng lồ đã lâu đời. Vượt lên trên tất cả các cây mọc xung quanh, thân cây gỗ ban-xa này có đường kính gần một mét.
Theo phong tục của những đảo ở Thái Bình Dương, trước khi hạ cây phải đặt tên nên chúng tôi gọi cây đó là KOU, tên một vị thần Pô-li-nê-di gốc châu Mỹ. Chúng tôi vung rìu lên và khu rừng vang lên giòn giã tiếng rìu chặt cây. Thà rằng chặt cây li-e bằng một lưỡi rìu cùn còn hơn là chặt cây gỗ ban-xa đầy nhựa này. Bổ vào cây, lưỡi rìu lại bật trở lại và tôi đã bổ không biết bao nhiêu nhát. Héc-man phải thay tôi và cứ như vậy chúng tôi lần lượt thay nhau cầm rìu chặt cây. Các mảnh gỗ bay ra xung quanh, còn chúng tôi thì mồ hôi nhễ nhại với cái nóng oi ả của rừng rậm nhiệt đới. Đến hết ngày, cây gỗ mới rung rinh khi bị rìu chặt vào, giống như con gà trống đứng có một chân và cuối cùng cây gỗ mới nặng nề đổ xuống kéo theo cả những cành và cây nhỏ gần đấy. Chúng tôi chặt trụi các cành để trơ thân cây và bắt đầu bóc vỏ theo đường chữ chi như cách làm của người da đỏ. Bỗng nhiên Héc-man buông rơi rìu khỏi tay và nhảy cẫng lên, như biểu diễn một điệu nhảy chiến đấu của dân Pô-li-nê-di, tay bóp chặt lấy đùi và từ trong quần rơi ra một con kiến bóng nhẫy to bằng con bò cạp, với một cái nọc dài ở đuôi. Con kiến này hẳn có một cái vỏ như tôm hùm vì chúng tôi phải khó khăn lắm mới nghiền được nó bằng gót chân.
– Đó là con Công-gô.
Đông Phê-đê-ri-cô hơi khó chịu nói tiếp
– Con vật nhỏ bé bẩn thỉu này còn ghê tởm hơn bò cạp. Đối với người khỏe, nó đốt thì không nguy hiểm.
Chân Héc-man bị sưng tấy nhưng điều đó cũng không ngăn nổi anh cùng chúng tôi cưỡi ngựa theo các đường mòn trong rừng để tìm những cây gỗ ban-xa lớn. Thỉnh thoảng, những tiếng răng rắc tiếp theo là tiếng cây đổ nặng nề ở đâu đó trong rừng hoang vu làm Đông Phê-đê-ri-cô gật đầu thỏa mãn. Điều đó có nghĩa là những thổ dân đã hạ được thêm những cây gỗ ban-xa lớn cho việc đóng bè. Chỉ trong một tuần lễ đã hạ được mười hai cây ban-xa lớn. Tất cả đều được đặt tên các nhân vật thần thoại Pô-li-nê-di trong đó có tên những nhân vật nguồn gốc ở Pê-ru từ thời xa xưa đã cùng Ti-ki vượt biển. Các thân cây đầy nhựa được ngựa kéo về đến đoạn đường cuối cùng thì Đông Phê-đê-ri-cô cho xe bánh xích chở đến bờ sông ở phía trước trại. Các thân cây này không thể nhẹ bằng gỗ li-e được. Mỗi cây nặng khoảng một tấn và chúng tôi rất nôn nóng muốn xem các cây gỗ đó nổi trên mặt nước như thế nào. Chúng tôi đẩy từng cây một đến mép bờ sông, dùng loại dây rừng chắc buộc vào từng đầu thân cây để khi đưa xuống nước không bị dòng nước cuốn đi. Sau đó chúng tôi đem lăn tất cả xuống sông. Các cây gỗ lăn tròn trên mặt nước, nửa chìm nửa nổi khi chúng tôi giẫm chân lên trên cũng không chìm bao nhiêu. Chúng tôi chặt những sợi dây leo để buộc các cây gỗ lại với nhau tạm thời thành hai chiếc bè, chiếc nọ kéo chiếc kia. Trên hai chiếc bè đó, chúng tôi chất lên tất cả những cây tre và dây leo để chằng buộc sau này. Cùng đi với Héc-man và tôi còn có hai thổ dân lai gốc dân tộc nào không rõ nên chúng tôi không thể dùng một ngôn ngữ chung để trao đổi với họ.
Sau khi cắt đứt dây neo để giữ bè, chiếc bè bị cuốn vào dòng nước xoáy sau đó xuôi nhanh theo dòng nước. Đi vòng qua khúc ngoặt của dòng sông, chúng tôi nhìn thấy qua làn bụi nước do sóng vỗ, những bạn bè thân thiết đang đứng trên mỏm đất ở trước trại vẫy chào từ biệt. Sau đó, chúng tôi vào trong túp lều con dựng trên bè lợp bằng lá chuối còn tươi, phó mặc việc lèo lái chiếc mảng cho hai người thuyền chài địa phương da ngăm ngăm rất thông thạo: một đứng phía mũi, một đứng phía đuôi, mỗi người cầm một mái chèo to. Vẻ uể oải hững hờ, họ điều khiển dễ dàng chiếc bè vượt qua những khúc mà dòng nước chảy thật xiết và chúng tôi bị chao đảo, nghiêng ngả như đang khiêu vũ giữa những cây gỗ ngập nước và các bãi cát bồi của dòng sông.
Hai bên bờ sông là rừng rậm bạt ngàn sừng sững như bức tường kiên cố. Những con vẹt và rất nhiều loài chim màu sắc sặc sỡ từ các rặng lá bay ùa ra khi chúng tôi đi qua. Một đôi lần, một con cá sấu từ trên bờ lao xuống sông biến đi trong lớp nước bùn. Nhưng sau đó, chúng tôi gặp một con quái vật thích thú hơn nhiều. Đó là con kỳ đà hoặc còn gọi là thằn lằn khổng lồ, to như cá sấu. Cổ rất to, lưng có gai như răng cưa, nằm lim dim trên bờ đất sét, trông tưởng như nó nằm ngủ ở đây từ thời tiền sử. Khi chúng tôi đi qua, nó không chút động đậy. Hai người thổ dân ra hiệu cho chúng tôi đừng bắn. Một lúc sau, chúng tôi lại thấy một con nhỏ hơn, dài chừng một mét. Thấy chúng tôi, nó bò vội để lẩn mình trên một cành cây to vươn ra tận chiếc bè. Mình nó bóng nhẫy, màu xanh biếc, giương cặp mắt lạ lùng như mắt rắn nhìn chúng tôi đi qua. Sau này khi đi dọc theo một ngọn đồi phủ đầy cây dương xỉ, chúng tôi lại trông thấy ở trên đỉnh đồi một con kỳ đà, có thể nói là to nhất, đứng sừng sững bất động giữa trời.
Ngực và đầu nó vươn cao lên trông như một con rồng chạm trổ của Trung Quốc. Khi chúng tôi đi vòng sát ngọn đồi, nó vẫn không hề cựa quậy. Xa hơn về phía hạ lưu, chúng tôi ngửi thấy mùi khói bốc ra từ những mái chòi lợp rạ ở những khu rừng thưa trên bờ sông. Chúng tôi, dân trên bè trở thành mục tiêu cho sự tò mò của thổ dân ở đây. Khi thấy chúng tôi, những người dân lai da đỏ, da đen và Tây Ban Nha có vẻ như có điều gì lo lắng. Thuyền của họ để ở trên bờ sông. Đó là một loại thuyền độc mộc làm bằng thân cây khoét rỗng. Đến giờ ăn, chúng tôi ra lái thay cho hai người thổ dân để họ nấu cá và hạt mít trên một cái bếp mà ngọn lửa được điều chỉnh bằng đất sét ướt. Trong các bữa ăn trên bè chúng tôi có khi còn có cả gà quay, trứng và các hoa quả lạ ở vùng này. Các cây gỗ ghép thành bè vẫn tiếp tục chở chúng và chở cả chúng tôi xuôi ra biển. Nếu bây giờ nước mưa có đổ xuống tí tách quanh chúng tôi cũng chẳng hề gì vì càng mưa thì dòng nước lại càng chảy xiết và bè xuôi càng nhanh.
Khi màn đêm buông xuống trên sông, từ trên bờ vọng lại một bản hòa tấu inh tai nhức óc: cóc, ếch, nhái, ễnh ương, dế mèn và muỗi tất cả đều kêu, hát, hay rít lên thành một bản hợp ca không ngừng của muôn vàn âm thanh. Đôi khi còn nghe thấy tiếng gào như chọc thủng màn đêm của mèo rừng, tiếp đó là những tiếng kêu ríu rít sợ hãi của chim muông bị bày thú rừng đi ăn đêm săn đuổi. Đôi lúc cũng thoáng thấy ánh lửa yếu ớt hắt ra từ một cái chòi cùng những tiếng kêu và chó sủa, còn phần lớn thời gian chúng tôi thường ngồi trơ trọi dưới vòm sao cùng với dàn nhạc giao hưởng của núi rừng. Chỉ khi trời mưa hoặc buồn ngủ, chúng tôi mới chịu chui vào lều để chợp mắt cùng với khẩu súng lục luôn luôn sẵn sàng nhả đạn.
Càng đi xuôi xuống, chúng tôi thấy nhiều chòi hơn cùng những vạt đất đai trồng trọt của dân địa phương. Dần dần ở hai bên bờ sông đã xuất hiện những làng xóm thực sự. Việc đi lại trên sông thường dùng thuyền độc mộc đẩy bằng những cây sào dài, một đôi nơi, chúng tôi còn trông thấy những chiếc bè chở đầy những buồng chuối hãy còn xanh. Ở nơi con sông Pa-lăng đổ vào sông Ga-i-a, nước ở đây rất sâu, thuận lợi cho tàu thủy chạy guồng đi từ Vanh-xơ đến Ga-i-a-kin. Tranh thủ thời gian quý báu, Héc-man và tôi chuyển lên đi tàu thủy, thuê hai chiếc võng để nằm ở trên tàu, chạy qua nhiều đồng bằng đông đúc này là chúng tôi đến nơi. Hai anh bạn da nâu đẩy bè theo sau, trông coi việc chuyên chở số gỗ đó để dùng vào việc đóng bè.
Đến Ga-i-a-kin, Héc-man và tôi chia tay nhau. Héc-man ở lại cửa sông Ga-i-a để đón bè gỗ ban-xa thả trôi về. Sau đó chuyển gỗ lên tàu chạy ven chở đi Pê-ru và ở đó anh sẽ điều khiển việc đóng bè, một chiếc bè giống hệt của người da đỏ cổ xưa thường dùng. Còn tôi sẽ đáp máy bay của đường hàng không phía nam đến Li-ma, thủ đô Pê-ru chọn địa điểm thuận lợi cho việc đóng bè.
Máy bay bay trên độ cao khá lớn trên bờ Thái Bình Dương. Một bên là những núi non hoang vu của đất nước Pê-ru, một bên là đại dương lấp lánh ở dưới chúng tôi một khoảng cách khá lớn. Đây sẽ là nơi chúng tôi đáp bè để ra đi. Nhìn từ trên máy bay, biển bao la như vô tận. Xa xa, rất xa về phía tây, trời nước như hòa với nhau ở đường chân trời, và tôi không thoát được ý nghĩ rằng sau đường chân trời kia có hàng trăm biển giống nhau lồi ra lõm vào, bao quanh phần đại dương diện tích bằng một phần năm của trái đất trước khi xuất hiện dải đất đầu tiên của Pô-li-nê-di. Tôi cố gắng hướng mọi ý nghĩ về tương lai, khi mà chỉ mấy tuần nữa chúng tôi sẽ trôi lênh đênh trên chiếc bè, trên biển cả bao la xanh biếc, và tôi lại cố xua đuổi ý nghĩ này đã làm cho tôi đau thắt ở dạ dày, giống như trước kia khi bắt đầu nhảy dù.
Đến Li-ma, tôi đáp tàu điện đến ngay cảng Ca-lao để tìm địa điểm đóng bè. Cảng lúc này đầy tàu bỏ neo, cần cẩu và kho hàng, chưa kể đến những kho hàng của thuế quan và các văn phòng của ban quản trị. Các bãi biển gần đó cũng rất đông người, như vậy rất có thể có những kẻ tò mò đến phá phách chiếc bè và các trang bị, ngay khi chúng tôi vắng mặt.
Ca-lao hiện nay là cảng quan trọng nhất của một đất nước có bảy triệu dân cả da trắng và da đen. Không như ở E-cu-a-đo, ở Pê-ru đóng một chiếc bè là một việc lạ lùng, vì vậy tôi thấy chỉ ở mỗi một cách là làm thế nào lọt được vào phía trong những bức tường bê tông lớn của quân cảng. Ở đây có quân lính mang vũ khí, canh gác các cổng ra vào bằng sắt, luôn luôn nghi ngờ, giám sát và hăm dọa đối với tôi hay bất cứ ai không được phép mà lảng vảng quanh những bức tường này.
Nếu được phép vào trong đó là chúng tôi thoát được. Trước đây ở Oa-sinh-tơn, tôi đã gặp tùy viên hải quân của Pê-ru và được ông ta viết cho một lá thư giới thiệu. Sáng mai tôi sẽ mang thư đến Bộ hải quân để xin được gặp Bộ trưởng Ma-nu-en Ni-ê-tô. Ông tiếp khách vào buổi sáng trong một phòng khách lịch sự bày biện đồ đạc kiểu thời đế chế, sáng loáng những gương lớn đặt trên tường và trang trí thếp vàng. Một lúc sau, ông xuất hiện trong bộ quân phục đại lễ. Đó là một người mập mạp, thấp, vẻ cứng nhắc như Na-pô-lê-ông, giọng ông dứt khoát và mạch lạc. Ông hỏi tôi về lý do đến gặp ông và tôi đã trình bày lý do của việc này rồi xin ông cho phép được sử dụng địa điểm của công trường hải quân để đóng bè.
Với một vẻ khó chịu, vừa nói ông vừa gõ ngón tay xuống bàn:
– Anh bạn trẻ! Đáng lẽ đến đây anh phải qua cửa chính nhưng anh lại vào bằng cửa sổ. Tôi sẵn sàng giúp anh, nhưng tôi phải nhận được lệnh về việc này của Bộ ngoại giao. Tôi không thể nào để cho người nước ngoài vào tận xưởng sửa chữa, đóng tàu của hải quân chúng tôi để tự ý đặt công trường. Anh hãy viết đơn gửi lên bộ trưởng Bộ ngoại giao. Chúc anh may mắn!
Tôi lo ngại nghĩ đến nạn thủ tục giấy tờ đi lại để cuối cùng chả đâu vào đâu, tan thành mây khói. Hạnh phúc trong những ngày gian khổ khó khăn thời xưa, Công ti-ki chưa hề biết đến những thủ tục đơn từ phức tạp này. Được Bộ ngoại giao chấp nhận, không phải là một chuyện dễ dàng mà đầy khó khăn: Na Uy chưa có đại sứ của mình ở Pê-ru và mặc dù ông tổng lãnh sự của chúng tôi rất sốt sắng, cũng không thể đưa tôi vào gặp các viên chức của Bộ ngoại giao được. Tôi lo ngại công việc đến đây sẽ phải giậm chân tại chỗ mất. Bức thư giới thiệu của Cô-hen gửi cho tổng thống nước cộng hòa Pê-ru lúc này sẽ giúp ích cho tôi. Qua sĩ quan cận vệ, tôi đề nghị xin gặp tổng thống Pê-ru, Giô-dê Buýt-xta-man-tê Ri-vê-rô. Mấy hôm sau, tôi được triệu tập đến dinh tổng thống vào buổi trưa.
Li-ma là một thành phố hiện đại, với nửa triệu dân, nằm trên một đồng bằng xanh tươi, dưới chân những ngọn núi hoang vu. Về mặt kiến trúc, nhất là với những khu vườn và đồn điền, chắc chắn đó là một trong những thủ đô đẹp nhất thế giới, tựa như một phần của Cốt Đa-duya hay của Ca-li-phoóc-ni, hiện đại xen kẽ với kiến trúc cổ kính thời xưa, của Tây Ban Nha.
Dinh tổng thống ở trung tâm thành phố, có lính gác quân phục màu rực rỡ. Ở Pê-ru, xin được yết kiến tổng thống là quốc sự, ít người được gặp tổng thống, trừ phi trên màn ảnh. Hai quân nhân đeo ngù sáng loáng dẫn tôi qua các bậc thang đến đầu một hành lang. ở đây, ba người mặc thường phục ghi tên tôi vào sổ và tôi được đưa qua một cái cửa rộng lớn làm bằng gỗ sồi và một gian phòng có kê một bàn dài và những dãy ghế bành. Một người y phục màu trắng tiếp tôi, mời tôi ngồi rồi biến đi. Một lát sau, cánh cửa lớn được mở ra, tôi được đưa vào một gian phòng lộng lẫy hơn, một người dáng bệ vệ trong bộ quân phục rất đĩnh đạc, đến gặp tôi. Tôi đứng thẳng dậy và tự nghĩ có lẽ đây là tổng thống. Nhưng không phải. Người mặc quân phục lon vàng lấp lánh mời tôi ngồi xuống một chiếc ghế bành kiểu cổ có tựa lưng thẳng và rồi người ấy cũng lại biến mất. Mới ngồi được chừng một phút thì cánh cửa mở, một người phục vụ cúi chào, dẫn tôi sang một gian phòng lớn sơn son thiếp vàng với những bàn ghế lộng lẫy tráng lệ. Người phục vụ đã lủi nhanh như khi anh ta xuất hiện, để tôi ngồi một mình trên một ghế bành có lưng tựa kiểu cổ. Qua các cửa mở ở trước mặt, tôi thấy một dãy buồng vắng ngắt. Tất cả đều im phăng phắc.
Một tiếng ho nhỏ kín đáo từ những phòng xa xa cũng nghe rõ. Có tiếng chân đĩnh đạc đi tới, tôi vụt đứng dậy với vẻ ngập ngừng để chào một ông mặc quân phục dáng dấp bệ vệ đang tiến về phía tôi. Thì ra cũng vẫn chưa phải là tổng thống. Tôi cũng đoán được ông này định nói gì, đại khái ông nói rằng tổng thống chuyển lời chào đến tôi, chỉ trong lát nữa hội nghị với các bộ trưởng sẽ kết thúc, lúc đó tổng thống sẽ tiếp tôi.
Mười phút sau, có tiếng nhẹ nhàng đi tới, lại phá tan sự yên lặng ở đây một lần nữa, lần này thì một ông mang quân hàm, đeo ngù vàng tiến vào. Tôi vội vàng đứng dậy trịnh trọng chào. Ông cũng trịnh trọng cúi người thấp hơn để chào lại và sau khi dẫn tôi qua rất nhiều phòng, bước lên thang gác có trải thảm êm, tôi được đưa vào một căn phòng nhỏ, đồ đạc chỉ có một chiếc ghế bành và một chiếc ghế dài có tựa bằng da. Một ông nhỏ bé mặc trắng bước vào. Tôi kiên nhẫn tự hỏi ông này còn định dẫn tôi đi đến đâu nữa đây. Ông ta không dẫn tôi đi đâu cả mà lại thân mật chào tôi và vẫn đứng nguyên: đó là tổng thống Buýt-xta-man-tê Ri-vê-đô. Vốn tiếng Anh của tổng thống chỉ gấp đôi vốn tiếng Tây Ban Nha ít ỏi của tôi. Sau khi chào hỏi nhau như thường lệ, ông ra hiệu mời tôi ngồi và vốn liếng ngôn ngữ chung của chúng tôi đã cạn. Người ta có thể diễn đạt nhiều việc bằng cách ra hiệu hay bằng điệu bộ, nhưng lại không thể làm như vậy đối với việc xin phép đóng bè ở trong một quân cảng ở Pê-ru. Tôi đoán là tổng thống không hiểu tôi nói gì và bản thân ông ấy cũng thấy rõ điều đó, nên ông ra ngoài một lúc và trở lại cùng với một vị bộ trưởng không quân. Đó là tướng Rê-vê-rê-đô, một con người vạm vỡ, dáng thể thao, mặc bộ quân phục không quân, trên ngực đính đôi cánh biểu thị của quân chủng. Ông nói tiếng Anh rất thạo, giọng Mỹ. Tôi xin lỗi về sự hiểu lầm và nói lại rằng tôi không có ý định đóng bè ở sân bay quân sự mà là quân cảng. Tướng Rê-vê-rê-đô cười và nói cho tôi rõ là ông được gọi đến đây để làm phiên dịch. Thế rồi, cứ từng đoạn một luận thuyết của tôi được phiên dịch cho tổng thống nghe. Ông nghe rất chăm chú và qua tướng Rê-vê-rê-đô, ông đặt ra nhiều câu hỏi rất xác đáng và cuối cùng ông nói:
– Nếu đúng như là các đảo ở Thái Bình Dương trước hết là do người Pê-ru khám phá thì nước Pê-ru phải quan tâm đến cuộc hành trình này. Hãy cho tôi biết chúng tôi có thể giúp gì cho các ông, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện.
Tôi xin một địa điểm trong khu vực doanh trại quân đội, ở đó tôi xin phép được đóng bè, ra vào công trường và mọi sự dễ dàng trong việc nhập cảng những trang thiết bị, cùng một kho để chứa các trang thiết bị đó, được sử dụng một khu đóng tàu bè, được sự giúp đỡ của nhân viên hải quan và một tàu dắt bè ra khơi, khi cuộc hành trình bắt đầu. Theo sự phỏng đoán của tôi qua dáng điệu của tổng thống, tôi thấy với vẻ nôn nóng, tổng thống hỏi người phiên dịch:
– Anh ấy đề nghị gì?
– Không có gì lớn lắm!
Rê-vê-rê-đô nháy mắt nhìn tôi và trả lời tổng thống.
Tỏ vẻ hài lòng, tổng thống gật đầu chấp nhận. Trước khi kết thúc buổi tiếp kiến, Rê-vê-rê-đô hứa là ngay trong ngày hôm nay bộ trưởng Bộ ngoại giao sẽ nhận được chỉ thị riêng của tổng thống và bộ trưởng hải quân Ni-ê-tô sẽ được quyền tự do giúp đỡ chúng tôi như yêu cầu. Tướng Rê-vê-rê-đô vừa cười vừa lắc đầu nói với chúng tôi:
– Trời phù hộ cho tất cả các anh.
Sau đó, một người thư ký dẫn tôi đến bên người sĩ quan cận vệ đang chờ tôi. Ngày hôm ấy, các báo chí ở Li-ma đã đưa tin về một cuộc thám hiểm của Na Uy trên một chiếc bè sẽ bắt đầu đi từ Pê-ru. Cùng ngày hôm đó, các cáo chí còn đưa tin về cuộc thám hiểm khoa học của Thụy Điển, Phần Lan đã hoàn thành việc nghiên cứu dân da đỏ vùng rừng hoang vu ở A-ma-dôn. Hai thành viên Thụy Điển của đoàn thám hiểm đó đã đi xuống đến Pê-ru và vừa tới Li-ma.
Một người tên là Ben Đa-ni-en-xân ở Trường đại học Bớp-xôn, ông sẽ nghiên cứu về dân da đỏ miền núi ở Pê-ru. Tôi cắt lấy bản tin đó. Từ khách sạn, tôi đang viết thư báo cho Héc-man về vấn đề cần thiết cho việc đóng bè thì có tiếng gõ cửa. Người bước vào là một thanh niên mặc một bộ đồ bằng vải mềm trắng, da sạm nắng. Chiếc mũ cứng được bỏ ra, người ta có cảm tưởng là bộ râu vàng hoe như đốt cháy khuôn mặt và làm sém cả mái tóc thưa thớt của anh ta. Anh ta từ rừng rậm nguyên thủy trở về và tất nhiên đúng ra là anh phải đến hội nghị để báo cáo. Tôi đang thầm nghĩ: có thể là Ben Đa-ni-en-xân chăng?
Thì con người đó đã tự giới thiệu: “Tôi là Ben Đa-ni-en-xân”.
Tôi mời anh ngồi và thầm nghĩ tiếp: anh ta chắc đã nghe nói đến chiếc bè, thì anh chàng Thụy Điển này đã nói:
– Tôi đã được nghe nói đến những dự định của anh về chiếc bè.
Tôi lại thầm nghĩ: “Và bây giờ anh ta định đánh đổ luận thuyết của mình đây vì anh ta chẳng là nhà nhân chủng học mà!” Lúc này chàng trai trẻ Thụy Điển chậm rãi nói:
– Và bây giờ tôi đến đề nghị anh nếu có thể cho tôi cùng đi trên chuyến bè ấy, vì tôi rất quan tâm đến thuyết về di dân.
Tôi không biết gì về con người này cả ngoài việc anh ta là một nhà bác học vừa mới từ nơi thâm sơn cùng cốc trở về. Nhưng một người Thụy Điển đơn độc, có gan cùng ra đi trên một chuyến bè với năm người Na Uy không thể là một con người yếu hèn được. Ngay bộ râu cằm rất rậm của anh ta cũng không thể che nổi vẻ điềm đạm và vui tính của anh. Nhóm chúng tôi còn thiếu một người và Ben đã trở thành người thứ sáu của nhóm. Anh là người duy nhất nói được tiếng Tây Ban Nha. Vài ngày sau, trên một chuyến máy bay vận tải ngược lên phía bắc, dọc theo bờ biển, một lần nữa tôi lại trân trọng ngắm nhìn mặt biển xanh biếc bao la ở phía dưới chúng tôi, như đang bập bềnh trong bầu trời mà rồi đây sáu người chúng tôi sẽ sát cánh bên nhau như những con vi trùng bám vào một chấm nhỏ ở xa xa phía trước, nơi mà nước mênh mông như trào lên dọc theo chân trời hướng tây. Chúng tôi sẽ cùng ở một thế giới hoang vắng mà không một ai trong chúng tôi có thể rời nhau nửa bước.
Dù sao trong lúc này chúng tôi còn có chỗ để bay nhảy: Héc-man, đang ở E-cu-a-đo để đón gỗ chở tới. Nút Hâu-len và Toóc-xten Ra-cá vừa đáp máy bay đến Niu-oóc, E-rích Hét-xân-béc đang ở trên tàu biển đi từ s-xlô đến Pa-na-ma. Còn tôi thì đang trên đường bay đến Oa-sinh-tơn và Ben đang ở khách sạn tại Li-ma để chờ làm quen với các bạn mới và sẵn sàng lên đường.
Trong cuộc hành trình sắp tới, trong số sáu người chúng tôi, trước đây nhiều người chưa hề gặp nhau lần nào và mỗi người một vẻ rất khác nhau. Vả lại cũng vì vậy trong mấy tuần lễ chúng tôi đã kể cho nhau nghe về bản thân mỗi người. Đối với chúng tôi, không đám mây đen nào kèm theo sự giảm đột ngột áp suất không khí và dông bão, lại nguy hiểm bằng cơn dông tố tâm lý nổ ra giữa sáu con người cùng chen chúc trên một chiếc bè lênh đênh giữa biển cả bao la trong nhiều tháng trời. Trong những lúc như vậy, một câu nói vui để giữ được sự đoàn kết thương yêu lẫn nhau cũng có giá trị chẳng khác một cái phao cấp cứu người đang sắp chết đuối.
Lúc này ở Oa-sinh-tơn đang giữa mùa đông, chỉ thấy tuyết rơi và giá rét. Bây giờ đã là tháng hai. Bơ-giơn đang lao vào vấn đề đài vô tuyến điện và đã tranh thủ được sự quan tâm của liên đoàn các nhà vô tuyến nghiệp dư Mỹ, đối với việc liên lạc sau này với chiếc bè của chúng tôi. Nút và Toóc-xten phụ trách khâu truyền tin, một mặt sử dụng các loại máy sóng ngắn được lắp ráp riêng cho chúng tôi, và các mặt khác sử dụng những máy đã dùng trong thời kỳ chiến tranh trong việc phá hoại bí mật. Lúc này phải để ý đến trăm công nghìn việc, từ lớn đến nhỏ nếu muốn thực hiện trôi chảy mọi kế hoạch đã dự kiến trong suốt cuộc hành trình.
Thế rồi hàng đống giấy tờ chồng chất trong các hồ sơ lưu trữ: tài liệu quân sự hoặc dân sự, nào màu trắng, vàng, xanh với đủ các tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Na Uy. ở thời đại thực dụng này của chúng ta, giấy má, tài liệu sử dụng cho một cuộc hành trình bằng bè chiếm một số lượng giấy bằng nửa số cây thông cung cấp để làm ra giấy. Những luật lệ, quy định đó trói tay chúng tôi và phải tháo gỡ dần từng nút một. Một hôm, vừa cúi xuống đánh máy chữ, Héc-man vừa thốt ra một câu giọng chán nản:
– Tôi dám đánh cuộc với các cậu là công văn, giấy tờ giao dịch của chúng ta chắc phải nặng đến mười ki-lô đấy.
Toóc-xten đáp lại ngắn gọn:
– Mười hai ki-lô, vì tôi đã cân chúng. Mẹ tôi chắc cũng đã ý thức được rõ ràng những điều kiện bi đát của chúng tôi trong việc chuẩn bị đã viết thư cho tôi như sau: “Mẹ chỉ có một điều chúc các con: đó là thấy tất cả sáu người xuống bè yên ổn”.
Một hôm, tôi nhận được điện tín từ Li-ma gửi tới, báo tin Héc-man bị một con sóng quật ngã vào bờ, bị thương nặng, cổ vẹo, hiện đang điều trị tại bệnh viện Li-ma. Toóc-xten Ra-cá được phái đi ngay bằng máy bay với cô Giéc Vôn, cựu bí thư của nước Na Uy tự do tại Luân Đôn, một phụ nữ rất quen thuộc và rất bình dân đối với những cựu binh Na Uy chuyên nhảy dù xuống phá hoại tại vùng đất Na Uy bị chiếm và hiện đang giúp chúng tôi tại Oa-sinh-tơn. Họ đã đến thăm Héc-man và thấy anh đã khá nhiều. Đầu anh phải treo đến nửa giờ để các bác sĩ nắn lại xương cổ, mà qua máy chiếu quang tuyến X phát hiện thấy khúc xương phía trên cổ bị rạn và trật khớp. Nhờ có sức khỏe tốt, Héc-man đã thoát được nguy hiểm. Tuy còn gầy yếu, xanh xao, sau đó ít hôm Héc-man trở lại công trường để tập trung các cây gỗ và lo liệu mọi việc. Tuy nhiên tình hình sức khỏe của Héc-man đòi hỏi phải tiếp tục điều trị trong nhiều tuần nữa, làm cho chúng tôi phải tự hỏi liệu anh có đủ sức khỏe để cùng đi với chúng tôi không? Về phần Héc-man anh chẳng lo ngại chút nào, dù rằng vừa bị sóng Thái Bình Dương tiếp đón như vậy đó. E-rích từ Pa-na-ma tới bằng máy bay, tôi và Nút cũng từ Oa-sinh-tơn đến kịp với anh. Thế là tất cả chúng tôi đều tập trung ở Li-ma, nơi xuất phát của cuộc hành trình.
Lúc này ở quân cảng đã chất đầy các cây gỗ ban-xa lớn chặt trong rừng vùng Ki-vê-đô. Thật là một cảnh tượng cảm động.
Các nguyên vật liệu của chúng tôi nào là những thân cây vừa chặt, nào là tre màu vàng và những lá chuối tươi, chất thành đống bên những dãy tàu ngầm màu xám và các khu trục hạm đáng sợ. Sáu người da trắng phương bắc cùng hai mươi thủy thủ màu da nâu mang trong người dòng máu Anh-ca đang cùng nhau vung rìu và dao hoặc buộc dây thắt nút. Những sĩ quan hải quân, quân phục rất chỉnh tề màu xanh với cúc và lon vàng, ngỡ ngàng nhìn mấy người nước ngoài da nhợt nhạt cùng các vật liệu tre gỗ xuất hiện bất ngờ ở ngay giữa căn cứ hải quân này.
Đã từ bao thế kỷ nay, đây là lần đầu tiên người ta đóng bè bằng gỗ ban-xa ở trong vịnh Ca-lao. Truyền thuyết Anh-ca có kể lại rằng: những người da đỏ ở miền duyên hải này đã được bộ lạc thuở xưa của Công Ti-ki truyền lại cho việc sử dụng các loại bè tương tự. Nhưng lịch sử lại cho biết là sau này, những người da trắng đã cấm họ sử dụng vì cho rằng đi như vậy là nguy hiểm. Cũng như chúng ta, các con cháu người Anh-ca cũng văn minh dần lên cùng với đà tiến của thời đại, họ mặc quần áo có nếp và được súng ống hải quân của họ bảo vệ. Tre và gỗ ban-xa đã thuộc về một quá khứ cổ xưa. Ở đây bước tiến của văn minh tiến bộ đã dẫn đến việc sử dụng các thiết giáp hạm và sắt thép. Quân cảng siêu hiện đại này đã dành cho chúng tôi sự giúp đỡ quý báu. Cùng với Ben làm phiên dịch và Héc-man làm đốc công, chúng tôi đã được phép sử dụng xưởng mộc, xưởng để đóng buồm và một nửa nhà kho để chứa các trang bị, cùng mấy chiếc cần cẩu nổi để thả gỗ khi công việc đóng bè được tiến hành.
Chín cây gỗ to nhất có qui cách phù hợp được chọn ra để đóng bè, có đục các rãnh để luồn dây thừng ghép chúng lại với nhau. Chúng tôi hoàn toàn không sử dụng đến đinh, đinh tán và dây thép. Trước hết, chúng tôi xếp chín cây gỗ chưa chằng buộc chúng với nhau để nổi tự nhiên. Cây dài nhất mười bốn mét được đặt ở giữa, hai đầu trồi ra khá nhiều. Các cây khác đặt đối xứng hai bên để tạo nên một chiếc bè có chiều mười mét, mũi bè nhô ra như một cái lưỡi cày cùn. Phía sau bè, các cây gỗ được cưa bằng nhau, trừ ba cây ở giữa dôi ra một ít để làm bệ đặt một cây gỗ ban-xa ngắn và to để ngang làm chỗ đặt mái chèo dài phía đuôi bè. Khi chín cây gỗ đã được ghép chặt lại bằng những dây thừng gai tiết diện ba cen-ti-mét, những thân cây phụ được xếp vuông góc ở bên trên cách nhau chín mươi cen-ti-mét. Chiếc bè như vậy đã hoàn thành. Các cây gỗ được buộc chặt với nhau bằng ba trăm mét thừng dài ngắn khác nhau và mỗi dây đều được thắt rất chắc. Sàn bè làm bằng tre bổ đôi ghép lại thành từng tấm trên phủ một lớp chiếu bằng cói đan. Ở giữa bè, lui về phía sau, chúng tôi dựng một ca-bin nhỏ bằng tre, lối ra vào để trống, vách bằng những thân cây ken lại với nhau, mái lợp nhiều lá chuối. Đằng trước ca-bin, hai cột buồm được dựng cạnh nhau bằng gỗ muỗm cứng như sắt. Hai cột dựng nghiêng để hai ngọn cột giao chéo với nhau.
Một tấm buồm vuông lớn được kéo lên trên một thân buồm bằng hai cây tre ghép vào nhau cho chắc chắn. Chín cây gỗ làm thân bè đã được vạt nhọn đầu, theo kinh nghiệm địa phương để dễ rẽ nước và chúng tôi buộc những tấm gỗ vào các cây gỗ thân bè ở phía dưới trên mặt nước. Ở những chỗ có khe hở lớn giữa những cây gỗ của thân bè, chúng tôi dựng thẳng đứng ngập xuống nước khoảng một mét rưỡi, những tấm ván cứng bằng gỗ thông dày hai cen-ti-mét rưỡi, rộng sáu mươi cen-ti-mét, cố định chắc chắn bằng dây thừng và các con nêm. Những tấm gỗ này tạo nên dưới đáy bè những tấm chống dạt xếp song song với nhau, như trước kia người Anh-ca đã sử dụng cho những chiếc bè bằng gỗ phẳng của họ, để bè khỏi bị gió và luồng nước làm trôi giạt về một phía. Xung quanh bè chúng tôi đặt những cây gỗ ban-xa dài và nhỏ để làm mép chắn của bè. Nhìn chung, chiếc bè này hoàn toàn giống như những chiếc bè cổ xưa của Pê-ru và E-cu-a-đo, trừ chỗ khoét để đặt mái chèo mà thực ra sau này tỏ ra không có tác dụng, nên chúng tôi tự thấy cần thêm bớt các chi tiết theo ý mình, miễn là sự thay đổi đó không ảnh hưởng gì đến chiếc bè. Trong những ngày tháng tới, chiếc bè này là cả thế giới của mình, vì vậy những chi tiết nhỏ nhất ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với chúng tôi.
Do đó chúng tôi thấy cần phải chỉnh đốn lại cái sàn. Những tấm phên bằng tre không phủ hết được toàn bộ chiếc bè, nhưng ở trước mặt ca-bin, các tấm phên đó tạo thành một cái sàn và ở mạn phải ca-bin thì để trống. Mạn trái hình thành như một cái sân nhỏ xếp đầy các thùng buộc chặt với nhau đựng các trang bị và có chừa ra một lối đi nhỏ. Mũi và đuôi bè đều bỏ trống. Đi quanh ca-bin, chúng tôi có thể hạ các tấm liếp bằng tre phủ chiếu để gác lên các kiện hàng; như vậy chỉ cần đi có mấy bước nhưng tác dụng tâm lý của sự việc không bình thường trên, làm cho hoạt động đi lại trên bè bớt gò bó và đa dạng hơn. Trên cột buồm chúng tôi làm một cái bệ bằng gỗ, mục đích không phải làm trạm quan sát khi đến gần đất liền mà để chúng tôi, trong cuộc hành trình, có thể trèo lên trên đó ngắm trời nhìn bể dưới một góc độ khác.
Khi chiếc bè đã bắt đầu hình thành cùng với màu xanh của lá tươi và màu vàng của tre già, nằm xen kẽ giữa những tàu chiến, ông bộ trưởng hải quân đích thân đến kiểm tra. Chúng tôi rất tự hào về chiếc bè này, nó đang nằm kia như mấy di vật hoàn toàn mới từ thời kỳ người Anh-ca, bên cạnh những con tàu khổng lồ hiện đại. Nhìn thấy chiếc bè, bộ trưởng hải quân hết sức kinh hoảng và cho gọi tôi lên văn phòng, buộc tôi phải ký một giấy cam đoan rằng Bộ hải quân không chịu trách nhiệm về chiếc bè mà chúng tôi đóng ở quân cảng. Ngay cả người phụ trách cảng cũng bắt tôi ký giấy tự gánh lấy trách nhiệm về mọi việc xảy ra với những người và hàng hóa trên bè khi rời cảng này.
Sau đó hàng loạt các chuyên gia về hải quân nước ngoài, các nhà ngoại giao, xin được phép vào tham quan công trường đóng bè của chúng tôi. Họ có vẻ thiếu tin tưởng và vài ngày sau đó đại sứ một cường quốc, đã mời tôi đến. ông ta hỏi tôi:
– Bố mẹ anh còn sống không?
Khi tôi trả lời rằng bố mẹ tôi vẫn còn sống, ông ta đã nhìn thẳng vào mắt tôi, với một giọng lắng xuống đầy lo âu:
– Bố mẹ anh chắc sẽ đau khổ nhiều khi được tin anh không còn sống nữa!
Ông khuyên tôi một cách thân tình là nên từ bỏ chuyến đi này trong lúc còn đủ thời gian.
Sau khi xem xét chiếc bè, một đô đốc hải quân đã nói với ông ta rằng: chúng tôi không thể nào sống sót trong chuyến đi này. Trước hết, chiếc bè với qui cách quá nhỏ không đủ sức chịu đựng lúc biển động, hơn nữa lại hơi dài nên hai con sóng có thể dội lên cùng một lúc và trong trường hợp đó, sức nặng của người và các vật liệu sẽ làm các cây gỗ mỏng mảnh này không đủ sức đỡ nổi. Nguy hơn nữa là một nhà xuất cảng gỗ ban-xa lớn nhất đất nước này, đã cho ông ta biết là chỉ cần đi được một phần tư chặng đường, loại gỗ xốp này sẽ ngấm nước và chúng tôi sẽ bị chìm. Tất cả đều không có gì là khích lệ cả.
Thấy chúng tôi không chịu từ bỏ ý định, người ta đã đem tặng chúng tôi một quyển kinh thánh để dùng trong cuộc hành trình.
Nói chung, chúng tôi không nhận được một lời động viên nào của các chuyên gia sau khi họ tham quan chiếc bè. Bão biển và có thể những cơn gió lốc sẽ quét chúng tôi xuống biển và phá hủy chiếc bè khi nó đã bất lực, bị xoáy tròn dưới sức mạnh của gió hay các luồng nước biển. Ngay cả khi biển lặng, nước mặn của biển luôn luôn hắt lên người làm da thịt bị nứt nẻ, điều mà các chuyên gia khác nhau đã lần lượt nêu cho chúng tôi về nhược điểm chủ yếu trong việc đóng chiếc bè, cho chúng tôi hay là từng sợi dây, từng mắt nút, từng kích thước, kể cả những mẩu gỗ nhỏ đều có thể là nguyên nhân gây ra tổn thất. Người ta đã đánh cuộc rất lớn xem chiếc bè của chúng tôi có thể chịu đựng nổi bao nhiêu ngày. Một tùy viên thủy quân ngạo mạn như chàng hiệp sĩ, đã dám thách thức như sau: nếu đoàn thám hiểm mà sống sót đặt chân đến được một hòn đảo nào ở Thái Bình Dương thì ông sẽ xin khao (tức là ông sẽ trả tiền) rượu Uýt-ki cho toàn đoàn dùng cho đến khi họ qua đời!
Đáng buồn hơn nữa là khi một chiếc tàu Na Uy đến cảng, chúng tôi đã dẫn ông thuyền trưởng và một, hai người có nhiều kinh nghiệm lão luyện về nghề biển đến nơi đặt bè ở quân cảng và nóng lòng muốn biết phản ứng của họ. Thật vô cùng thất vọng, họ đều thống nhất cho rằng chiếc bè vụng về của chúng tôi có mũi chùn không giúp gì cho cánh buồm cả. Ông thuyền trưởng còn cho rằng nếu như bè có nổi trên biển thì cũng mất một hay hai năm, dòng hải lưu Hâm-bon mới đưa chúng tôi qua đại dương được.
Người thủy thủ trưởng ngắm nhìn những nút chằng buộc và lắc đầu quầy quậy. Ông ta cho rằng chỉ không quá mười lăm ngày, các dây buộc sẽ mòn do cọ sát vì ở ngoài biển, sóng sẽ đẩy lên nhận xuống chiếc bè làm các cây gỗ bị tung ra; ít nhất cũng phải dùng những loại dây bằng thép hoặc những chuỗi xích nếu không được như vậy thì tốt hơn là cuốn gói từ bỏ ý định này.
Thật là khó có lý lẽ, bằng chứng để dập tắt được những lập luận trên. Nếu trong các điều mà họ nêu ra, chỉ có một điều đúng, là đủ để chúng tôi thất bại không có tí hy vọng nào để thành công. Nhiều lần tôi rất lo ngại tự hỏi liệu chúng tôi đã rõ những gì đang làm không? Tôi không thể nào phủ nhận được những lời cảnh cáo đó, vì bản thân tôi không phải là một thủy thủ. Nhưng dù sao trong tay tôi đã có chủ bài làm tiền đề cho cuộc hành trình này. Tôi tâm niệm một điều khẳng định là: một nền văn minh tiền sử đã tràn lan từ Pê-ru đến tận những hòn đảo ở Pô-li-nê-di vào thời kỳ mà những chiếc bè như của chúng tôi hiện nay, là phương tiện giao thông duy nhất của vùng bờ biển này. Và từ đó rút ra một kết luận tổng quát là nếu cây gỗ ban-xa đã nổi được và các dây buộc đã giúp cho Công Ti-ki vượt qua đại dương vào năm 500, thì giờ đây chúng tôi cũng có thể làm như vậy với một chiếc bè đã đóng giống hệt như cổ xưa, không hề có chút nào thay đổi. Ben và Héc-man cùng có một ý nghĩ sâu sắc như vậy, trong khi các chuyên gia kêu ca thì các bạn đồng hành của tôi lại nhìn sự việc một cách hết sức bình thản và vẫn hết sức thoải mái vui vẻ sống ở Li-ma.
Chỉ có một buổi chiều, Toóc-xten hơi lo ngại hỏi tôi rằng liệu các luồng nước ở đại dương có chảy theo đúng hướng hay không.
Ra khỏi rạp chiếu bóng, chúng tôi vừa được xem một phim có nữ diễn viên Đô-rô-thi La-mua mặc một chiếc váy rơm, nhảy múa dưới những rặng dừa với những thiếu nữ địa phương trên một hòn đảo thơ mộng của Thái Bình Dương. Toóc-xten kêu lên:
– Đây là nơi chúng ta sẽ đến và anh hãy coi chừng liệu luồng nước có đưa chúng ta đến đúng hướng mà anh nói không?
Ngày khởi hành sắp tới. Chúng tôi đến văn phòng cấp hộ chiếu để xin phép xuất cảnh. Ben dẫn đầu chúng tôi để làm phiên dịch. Một nhân viên cấp thấp, thấy Ben với bộ râu xồm, qua cặp kính ông ta nhìn vẻ đầy nghi ngờ và quan trọng hóa, ông hỏi:
– Tên anh là gì?
Ben lễ phép trả lời:
– Ben E-mơ-rích Đa-ni-en-xân.
Lắp tờ giấy khai vào máy chữ, ông hỏi tiếp:
– Anh đến Pê-ru bằng tàu gì?
– Thực ra,
Ben vừa nói vừa cúi xuống gần làm cho ông ta hoảng sợ.
– Tôi không đến đây bằng tàu mà bằng một chiếc xuồng.
Ông ta kinh ngạc và đánh chữ “xuồng” lên bản giấy khai và hỏi tiếp:
– Anh rời Pê-ru bằng tàu gì?
– Thực ra…
Ben nhắc lại một cách lễ phép.
– Tôi không rời Pê-ru bằng tàu mà rời bằng một chiếc bè.
– A! Thế là rõ rồi!
Với giọng cáu kỉnh, ông ta kêu lên và giật tờ giấy khai khỏi máy chữ.
– Anh không thể trả lời tôi một cách đúng mức được ư? Anh định đùa phải không?
Nước uống và những trang bị khác đã được xếp lên bè mấy ngày trước khi chúng tôi đưa lương thực và thực phẩm lên. Chúng tôi chuẩn bị lương thực bốn tháng cho cả sáu người, đóng gói trong những hộp giấy bồi nhỏ chắc chắn như khẩu phần của quân đội. Héc-man có sáng kiến dùng nhựa đường quét một lớp lên vỏ hộp và rắc cát lên trên để các hộp khỏi dính vào nhau rồi đem xếp kín dưới gầm sàn bè, giữa đáy bè và sàn bằng tre trên chín thanh gỗ đặt ngang.
Nước uống được lấy từ một nguồn rất trong ở núi, đóng đầy năm mươi sáu thùng nhỏ tổng cộng được một ngàn một trăm lít nước. Các thùng nước được buộc vào các cây gỗ đặt ngang để nước biển luôn luôn vỗ đập xung quanh. Trên mặt sàn, chúng tôi chằng buộc các trang bị còn lại với những sọt to bằng mây đầy hoa quả, các loại củ và quả dừa. Nút và Toóc-xten dành một góc trong ca-bin để đặt điện đài và ở trong cùng giữa các thanh ngang, chúng tôi xếp tám cái hòm. Hai chiếc dành để các dụng cụ khoa học và các cuộn phim ảnh, còn sáu chiếc khác dành cho mỗi người chúng tôi đựng các đồ dùng cá nhân.
Vì E-rích mang theo nhiều cuộn giấy vẽ và cả cây đàn ghi-ta nên anh phải cất những bít tất của anh vào hòm của Toóc-xten. Chiếc hòm của Ben được bốn công nhân quân cảng khiêng xuống. Hòm chỉ đựng toàn sách. Ben đã cố nhét được những bảy mươi ba cuốn về xã hội học và nhân chủng học. Sau khi lấy chiếu và nệm rơm đặt lên các hòm, chúng tôi sẵn sàng ra khơi. Một chiếc tàu kéo dắt chiếc bè ra khỏi xưởng và dắt đi một đoạn trong cảng để kiểm tra sự ổn định sau đó lại kéo chiếc bè của chúng tôi về “Câu lạc bộ thuyền buồm” ở cảng Ca-lao.
Tại đây có những vị quan khách và những người quan tâm đến chuyến đi này, đến dự buổi lễ đặt tên trước ngày chúng tôi khởi hành.
Ngày 27 tháng 4, quốc kỳ Na Uy được kéo lên ngọn cột buồm và dọc theo cột là cờ của nhiều nước đã đóng góp giúp đỡ vật chất cho cuộc hành trình. Bến cảng người đông như kiến đến xem cuộc lễ đặt tên cho một chiếc thuyền kỳ lạ. Nhìn màu da và nét mặt của họ thấy rằng phần đông họ đều có những tổ tiên đã từng ra đi dọc theo bờ biển bằng những chiếc bè gỗ ban-xa. Ngoài ra là những con cháu của người Tây Ban Nha xa xưa, cùng những người đại diện của hải quân và chính phủ họ, không kể đến các đại sứ Mỹ, Anh, Pháp, Trung Hoa, Cộng hòa Ác-hen-ti-na, Cu-ba, vị phó toàn quyền các thuộc địa của Anh ở Thái Bình Dương, các bộ trưởng Thụy Điển và Bỉ cùng những bạn bè chúng tôi trong số ít dân Na Uy sinh sống ở đây. Họ đang đứng quanh ông Ba, tổng lãnh sự Na Uy. Ngoài ra còn có rất nhiều nhà cáo với máy ảnh và máy quay phim bấm liên tục. Duy chỉ còn thiếu một thứ: đó là đội kèn và trống. Tất cả chúng tôi lúc này đều cảm thấy rất rõ là nếu như chiếc bè vừa ra khỏi vịnh đã bị tan ra từng mảnh, chúng tôi vẫn kiên quyết vượt Thái Bình Dương, dù cho mỗi người chỉ bám lấy một cây gỗ, còn hơn là phải quay trở lại.
Giéc Vôn, cô thư ký của đoàn hành trình, đồng thời là người liên lạc với lục địa, đã phải dùng nước dừa, một mặt để làm lễ đặt tên chiếc bè cho đúng tục lệ thời đồ đá, mặt khác là do một sự hiểu lầm nên chai rượu sâm banh lại đem cất ở dưới đáy hòm của Toóc-xten. Qua tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, các bạn tôi được biết là chiếc bè mang tên vị tiền bối vĩ đại của người Anh-ca, vị “thần mặt trời” mà mười lăm thế kỷ trước đây đã biến khỏi Pê-ru, đi theo hướng tây để sau đó xuất hiện ở Pô-li-nê-di. Giéc Vôn đặt tên chiếc bè là Công Ti-ki. Cô ta đã đập quả dừa quá mạnh vào thành bè, làm nước dừa cùng các mảnh nhỏ bắn tung tóe lên tóc các vị trịnh trọng đứng quanh cô.
Trên cột buồm bằng tre, cánh buồm được kéo lên căng phồng hiện ra ảnh Công Ti-ki với bộ râu mà nhà nghệ sĩ E-rích đã vẽ giữa cánh buồm. Hình mẫu này E-rích đã sao lại trung thực từ một bức tượng chạm trổ trên đá đỏ trong di tích vùng Ti-a-huy-a-na-cô.
Nhìn thấy cái đầu có râu vẽ trên buồm, chàng đốc công ở xưởng đóng tàu hớn hở kêu lên: “Kìa! Ảnh ông Đa-ni-en-xân”.
Trong suốt hai tháng, anh chàng này đã gọi Ben Đa-ni-en-xân bằng cái tên “ngài Ben Ti-ki”; sở dĩ vậy là vì đã có lần chúng tôi cho anh chàng này xem mảnh giấy trên đó vẽ mặt Công Ti-ki. Mãi đến hôm nay anh ta mới vỡ lẽ là tên thật của Ben là Đa-ni-en-xân.
Trước khi xuống bè ra đi, chúng tôi được tổng thống tiếp. Ông gửi lời chào chúng tôi, sau đó chúng tôi tổ chức một cuộc đi chơi núi, để có thể ngắm nhìn cho chán mắt cảnh núi non, đất đá, trước khi ra đi lênh đênh trên đại dương vô tận. Trong lúc còn đang tiến hành công việc đóng bè ở bờ biển, chúng tôi ăn ở trong một nhà trọ ở giữa rừng dừa nằm ở ngoại ô thành phố Li-ma. Chúng tôi đã đến Ca-lao và trở về bằng ô-tô của Bộ không quân mà cô Giéc Vôn đã mượn cho các thành viên của đoàn. Chúng tôi đề nghị anh lái xe đưa chúng tôi lên thẳng núi, càng xa càng hay để thăm trong một ngày. Chúng tôi đã đi qua những con đường hoang vắng, dọc theo các con mương đã có từ thời kỳ người Anh-ca, cho đến khi lên đến độ cao bốn nghìn mét vượt trên tầm ngọn cột buồm của chiếc bè.
Chúng tôi đã ngắm thật no mắt những núi non, bờ vực, những thảm cỏ xanh tươi, và dải núi im lìm của dãy núi Ang-đơ đang trải ra trước mắt. Núi non và đất liền như vậy đã là quá đủ, giờ đây chúng tôi đang thèm khát ra khơi để tìm hiểu cho rõ thế nào là biển cả.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.