HÃNG THÁM TỬ TƯ

Chương 8 : Người đàn ông trong sương mù (The man in the mist)



Cuộc sống không làm hài lòng Tommy. Những “thám tử nổi tiếng của Blunt” vừa chịu một thất bại ảnh hưởng đến tinh thần nhiều hơn là đến thu nhập của họ. Được gọi đến Adlington Hale để làm sáng tỏ bí ẩn về sự biến mất của một chuỗi ngọc đeo cổ, họ vừa thất bại trong một cuộc điều tra. Trong khi Tommy – cải trang thành linh mục Cơ Đốc giáo – hăng hái lao theo vết một nữ bá tước nạn nhân của quỷ dữ trò đỏ đen và Tuppence tìm cách chiếm lĩnh đứa cháu của gia đình trên sân gôn, viên thanh tra cảnh sát địa phương đã phớt tỉnh bắt người theo hầu thứ hai, can tội tái phạm nên chưa khảo mà hắn đã xưng. Để làm tin, hai nhân vật của chúng ta khôn khéo thoát khỏi cảnh khó khăn trong danh dự còn có thể cứu vãn được. 

Lúc này, Tommy và Tuppence cố quên thất vọng của họ bằng cách uống nhiều cốc-tai ở khách sạn Adlington. Tommy vẫn mặc y phục cố đạo, nhận xét : 

– Một câu chuyện ít xứng với cha Brown 1, vậy mà anh mang chiếc ô của đức cha bề trên. 

– Theo như cha Brown, những sự cố kỳ lạ chỉ xảy ra khi mọi việc diễn biến hết sức bình thường. 

– Khốn thay, bây giờ chúng ta phải trở về Luân Đôn. Cứ hy vọng rằng có chuyện là xảy ra trên đường ra ga. 

Ông đưa cốc lên, rượu trong cốc chảy đầy bàn trong lúc một bàn tay nặng nề giáng xuống vai ông và một giọng nói tử tế vang lên : 

– Hóa ra là ông bạn Tommy và bà Tommy! Các bạn ở đâu ra thế này? Đã nhiều năm tôi không biết gì về các bạn. 

– Chà! Chính là Bulger. 

Tommy uống chỗ rượu còn lại trong ly rồi quay về phía ông bạn quấy rầy, một người to lớn và khỏe mạnh, vai rộng: chừng ba mươi tuổi với một khuôn mặt tròn và tươi tỉnh, mặc đồ gôn. 

– Này! Ông bạn Tommy, bạn đã trở thành linh mục từ bao giờ thế? Ai ngờ được bạn lại khoác áo linh mục như thế này? 

Tuppence phá lên cười trước vẻ bối rối của chồng. Bỗng chốc, cả hai người nhận ra sự có mặt của một người đàn bà đi theo Mervyn Estcourt, tên thật của Bulger. Một người đàn bà cao lớn nhưng mảnh dẻ, tóc vàng, mắt to và xanh, đẹp một cách gần như không thực. Cô ta mặc một áo dài lông chồn đen làm tăng vẻ đẹp và tai đeo những viên ngọc to. Một nụ cười đầy tự tin của cô chứng tỏ mình là người duy nhất đáng được cả nước Anh và có lẽ cả thế giới chiêm ngưỡng. Cô không có ý khoe khoang, mà chỉ tin chắc rằng điều đó là như thế. 

Tommy và Tuppence nhận ra cô ta ngay vì đã thấy cô ba lần trong vở “Bí mật của con tim” và cũng thấy bấy nhiêu lần trong vở “Cột lửa” đạt thành công lớn, cũng như trong nhiều vở sân khấu khác. Quả thật ở nước Anh không có diễn viên nào phát huy ảnh hưởng đến công chúng bằng cô Gilda Glen. Người ta xì xào rằng, chắc chắn cô là người đàn bà đẹp nhất nước Anh và cũng là người ngốc nhất. 

– Cho phép tôi giới thiệu với ông bà cô Gilda Glen, một trong những bạn cũ của tôi, Estcourt, với vẻ muốn xin lỗi về việc đã quên – dù chỉ trong một giây – một con người như thế. 

Người nữ diễn viên nhìn Tommy chằm chằm không giấu nổi vẻ tò mò, và cuối cùng hỏi chàng : 

– Ông có thực là linh mục không? Một linh mục Cơ Đốc giáo La Mã? Tôi nghĩ rằng họ buộc phải sống độc thân… 

Escourt cười phá lên : 

– Giỏi! Tommy ông là một người láu cá. Thưa bà Tommy, tôi rất hài lòng rằng ông ta không từ bỏ bà, lẫn những thú vui khác của cuộc đời. 

Gilda Glen không chú ý đến Estcourt. Cô tiếp tục chăm chú nhìn Tommy với vẻ lúng túng. Tommy giải thích : 

– Ít người trong chúng tôi thực sự như vẻ bề ngoài của họ. Suy cho cùng, nghề của tôi không khác nghề một linh mục bao nhiêu, và mặc dầu tôi không ban sự xá tội, nhưng vẫn nghe những lời thú tội. Tôi… 

– Đừng nghe ông ấy. Ông ấy điều khiển cô đấy. 

Gilda nhấn mạnh : 

– Nếu ông không phải là cố đạo, không rõ tại sao ông lại ăn mặc như thế? Trừ phi… 

– Tôi không phải là một tội phạm chạy trốn pháp luật, nếu đó là điều cô nói bóng gió mà chính là điều trái ngược. 

– Ôi! 

Nữ diễn viên cau mày và tiếp tục đăm đăm ngắm nhìn Tommy. Ông hỏi : 

– Ông biết tàu trở về Luân Đôn chứ, ông Bluger? Nhà ga cách đây bao xa? 

– Đi bộ mất mười phút, nhưng không gì mà ông phải vội vã vì chuyến tàu sắp đến vào lúc 6 giờ 35 mà bây giờ mới 5 giờ 40. 

– Nhà ga ở phía nào thế? 

– Ra khỏi khách sạn, rẽ trái và sau đó… hãy gượm! Đường ngắn nhất còn có thể đi theo đại lộ Morgan. 

Cô Glen giẫy nẩy lên : 

– Đại lộ Morgan có một phía dọc theo nghĩa trang và người ta khẳng định rằng một cảnh sát bất đắc kỳ tử từ mồ anh ta đứng lên để mãi mãi lại đi tuần tra dọc con đường ấy. Một cảnh sát ma! Ông nghĩ thế nào? Tuy nhiên, một số đông người thề là đã gặp Cảnh sát – ma. 

Cô Glen thở dài : 

– Khủng khiếp làm sao! Nhưng điều đó không thật. Làm gì có ma! 

Cô đứng yên để quấn mình trong tấm áo lông thú, tỏ ra yếu chịu rét, rồi thì thầm : 

– Tạm biệt… 

Cô ta không hề nhìn Tuppence mà tiếp tục làm như không quen biết, nhưng vẫn ngoái qua vai mình một ánh mắt tò mò về phía Tommy. Vừa lúc ra đến cửa, cô vấp phải một người đàn ông vạm vỡ, tóc hoa râm, mắt sưng húp đỏ lựng, người này thét lên một tiếng sửng sốt. Cầm cánh tay người nữ diễn viên, ông ta vừa làm om sòm vừa dẫn cô đi. 

– Một cô người đẹp hả? – Estcourt nhận xét – Nhưng có bộ não vừa bằng con thỏ! Người ta đồn rằng cô sắp cưới công tước Leconbury ấy đấy. 

Tuppence nêu ý kiến của mình : 

– Công tước ấy không có lẽ là loại người mà người ta thích lấy làm chồng. 

Estcourt nhún đôi vai nặng nề. 

– Tôi thấy rằng chức tước còn có ma lực ám ảnh một số đàn bà và hãy tin tôi, Leconbury không phải là một thượng nghị sĩ không có tiền! Gilda sẽ sống với ngài ấy một cuộc sống vàng son. Không ai biết nguồn gốc cô ta, tôi cho rằng không cách chỗ nhơ nhớp là bao. Dù sao, có cái gì hết sức bí ẩn trong sự có mặt của cô ta ở đây. Cô ta không trọ ở khách sạn và khi tôi gặng hỏi thì bị cô ta cà khịa. Khá sống sượng nữa chứ. Làm sao mà tôi đoán được cô ta có chuyện gì. 

Đoạn nhìn đồng hồ ông kêu lên : 

– Tôi phải biến thôi! Rất hài lòng được gặp cả ông bà. Một tối nào đó chúng ta phải uống với nhau một ly. 

Ông ta ra đi vào lúc một người phục vụ đến gần đôi vợ chồng với một phong thư trên một cái khay và báo. 

– Cô Glen gửi cho ông, thưa ông. 

Chột dạ, Tommy xé bì và đọc mấy dòng viết với nét chữ vụng về. 

“Tôi không chắc, nhưng tôi nghĩ rằng ông có thể giúp tôi. Ông đi qua trước nhà tôi để ra ga. Ông có thể có mặt ở White House, đại lộ Morgan vào lúc 16 giờ 10 được không ạ? Thân ái chào ông. Gilda Glen”. 

Tommy đưa mẩu giấy cho Tuppence, bà ngạc nhiên : 

– Lạ lùng! Cô ta tưởng anh là một linh mục chăng? 

– Không… Có lẽ cuối cùng cô ta nghĩ rằng anh không phải là một linh mục… Này gì thế kia? 

Đó là một gã đàn ông trẻ tóc đỏ, mặc một áo khoác nhăn nhúm. Gã ta bước những bước dài qua phòng và lẩm bẩm : 

– Lạy Chúa lòng lành! 

Nói đoạn, gã ngồi thụp xuống cạnh đôi vợ chồng rầu rĩ ngắm họ trước khi tiếp tục. 

– Đáng nguyền rủa thay tất cả bọn đàn bà! (Gã gườm gườm nhìn Tuppence). Đồng ý! Các người có thể gây lên một tai tiếng và làm cho tôi bị tống cổ khỏi khách sạn, đối với tôi không phải là lần đầu. Tại sao chúng ta lại không diễn tả những gì chúng ta cảm nhận thực sự thay vì đóng hài kịch về những tình cảm giả dối? Lúc này, tôi những muốn túm lấy và thong thả bóp cổ một người nào đó. 

Tuppence điềm nhiên hơn : 

– Một người cụ thể hay một người bất kỳ. 

– Một người cụ thể. 

– Thú vị lắm. Ông không thể cho chúng tôi biết nhiều hơn ư? 

– Tôi tên là Reilly, James Reilly. Ông bà chắc đã nghe tên tôi rồi chứ? Tôi có soạn tuyển tập nho nhỏ những bài thơ hòa bình chủ nghĩa… khá tốt, mặc dù đó là một ý kiến hoàn toàn cá nhân. 

– Những bài thơ hòa bình chủ nghĩa? 

– Vâng. Tại sao không? Tôi ủng hộ hòa bình. Quỷ tha ma bắt chiến tranh và đàn bà! Nhân nói về đàn bà… Ông bà có để ý đến người vừa rồi vênh váo ở đây không? Nàng tên là Gilda Glen… Gilda Glen! Tôi có thể hoàn toàn tôn thờ con người ấy… Thú thật với ông là: Nếu có một trái tim, và trái tim ấy đập vì tôi. Một thời nào đó nàng đã mến tôi và lẽ ra tôi đã có thể làm cho tình cảm đó sống lại. Và nếu nàng bán mình cho thằng đểu Leconbury… thì lúc đó, cầu mong Chúa Trời phù hộ cho nàng! Vì chính tay tôi sẽ giết nàng. 

Thế rồi gã ta đứng lên và vội vã đi ra. 

Tommy dướn lông mày lên : 

– Một người thanh lịch dễ xúc cảm phải không? Tuppence, ta đi thôi. 

Một màn sương mỏng bắt đầu rơi xuống khi họ rời khách sạn. Theo lời chỉ dẫn của Estcourt, họ rẽ trái và sau vài phút đi vào đại lộ Morgan. 

Màn sương mù dày thêm, tơi xốp và mịn màng, di chuyển trước mặt họ những vết xoáy tròn. Phía bên trái họ là tường khu nghĩa trang và phía bên phải một dãy nhà có hàng rào rậm rạp đằng trước. 

– Tommy, – Tuppence thì thầm – em bắt đầu sợ… Màn sương mù và sự im lặng. Dường như xa xôi thăm thẳm. 

– Vì không thể phân biệt trước mặt mình nên có cảm tưởng đó em ạ. 

– Chỉ nghe thấy bước chân chúng ta vang lên trên vỉa hè. Cái gì thế nhỉ? 

– Cái gì thế? 

– Em tưởng như nghe thấy ai đó bước phía sau chúng ta. 

– Nếu em tiếp tục thảng thốt, em sắp thấy con ma hiện ra trong chốc lát. Em có sợ nó đặt tay lên vai em không? 

Tuppence kêu rú lên một tiếng. 

– Ôi! Tommy! Bây giờ, em đã tin chắc điều đó. – Bà nhìn bên trên vai chồng, tìm cách xuyên thủng màn sương mù. 

– Em lại nghe thấy tiếng bước chân. Lần này ở phía trước mặt chúng mình. Anh đừng bảo rằng anh không nghe thấy! 

– Anh nghe thấy! Anh cho là ai đó đi ra ga như ta. 

Ông đột ngột dừng lại bất động và Tuppence giật nẩy mình vì trước mặt họ, màn sương vén lên, để lộ một cảnh sát đồ sộ hiện trước mặt họ, cách họ hai mươi bước. Hình ảnh ấy lần lượt hiện ra rồi biến đi, ít nhất đó là cảm tưởng mà đôi vợ chồng có trí tưởng tượng bị kích động đang trải nghiệm. Một cảnh nhỏ được biểu hiện trước mắt họ, như một cảnh trí sân khấu: người cảnh sát mặc áo quần màu xanh, một trụ hòm thư màu đỏ và ở bên trái là hình bóng màu trắng. 

– Đỏ, trắng và xanh – Tommy nhận xét – Quả là đẹp như tranh. Cứ đi đi Tuppence, không có gì mà sợ. 

Ông đã quan sát kỹ, người cảnh sát là thực tại. Hơn nữa, ông ta không cao lớn như họ tưởng lúc bóng ló ra từ sương mù. 

Nhưng trong khi họ tiếp tục con đường của họ, bước đi lại một lần nữa vang lên phía sau họ và một người đàn ông sải bước vượt lên trước. Người ấy đẩy cửa ngôi nhà trắng leo lên vài bước và gõ vào cửa trong đúng lúc đôi vợ chồng vừa tới ngang tầm cửa chỗ người cảnh sát đang im lặng đứng ngắm bậc thềm ngôi nhà. 

– Một người đàn ông thanh lịch đang hối hả. – Tommy bình luận. 

Ông nói bằng một giọng chậm chạp như thể cần thêm thời gian để suy nghĩ chín chắn hơn. 

– Ông ta là loại người thanh lịch luôn luôn hối hả. – Tommy nhấn mạnh. 

Cái nhìn của ông nghi ngờ đặt vào người khách không mời mà đến. 

– Một người bạn của anh? 

– Không nhưng có điều là anh biết ông ta là ai. Tên ông ta là Reilly. 

– Ôi!… 

– Ông có thể chỉ cho chúng tôi White House không? 

– Chính đây. Chủ nhân là bà Honeycott – Ông ta nói thêm với vẻ quan trọng – một bà dễ bị kích thích. Bà ta luôn tưởng tượng rằng kẻ trộm ẩn náu xung quanh nên muốn tôi để mắt đến ngôi nhà của bà. Những người đàn bà tuổi luống thường hay sợ sệt. 

– Luống tuổi ư? Tình cờ ông có biết một người đàn bà trẻ cũng ở đây không? 

– Một người đàn bà trẻ ư? Không, tôi không tin. 

Tuppence xen vào : 

– Có thể cô ta thực sự không ở ngôi nhà này, và dù sao có thể cô ta chưa đến. Cô đi đến khách sạn trước chúng tôi không bao lâu. 

– À! – Người cảnh sát kêu lên đột ngột – Bây giờ tôi mới nghĩ ra, một người đàn bà trẻ tuổi đã đi quá cửa con này vào lúc tôi đi ngược đường. Mới cách đây ba hay bốn phút. 

– Mang áo lông chồn phải không? 

Tuppence mỉm cười và người cảnh sát tiếp tục đi tuần, đi ngược đường vợ chồng Tommy vừa đến. 

Vào lúc đôi vợ chồng nhà Beresford chuẩn bị đến lượt mình vượt qua cái cửa con, một tiếng thét thất thanh vang lên trong ngôi nhà và gần như ngay sau đó, James Reilly vừa lao xuống các bậc cầu thang vừa chạy. Mặt ông ta như xác chết và đôi mắt nhớn nhác. Ông lảo đảo như người say rượu và khi đi qua trước Tommy và Tuppence, ông rên rỉ : 

– Chúa ơi… Chúa ơi… Ôi! Chúa ơi…! 

Ông bám vào thềm nghỉ của cửa con như để lấy lại sức và bỗng nhiên, được một sức mạnh siêu nhân lay động, ông chạy trốn, theo con đường ngược lại con đường cảnh sát đã đi. 

Tommy và Tuppence nhìn nhau sửng sốt. 

Tommy nhận xét : 

– Hẳn là phải xảy ra một điều gì đó trong ngôi nhà này, một điều gì khủng khiếp khiến ông Reilly của chúng ta mất trí. 

Tuppence nhè nhẹ di ngón tay trên cái trụ, nơi Reilly vừa tựa, vừa nhận xét : 

– Bàn tay ông ta dính sơn màu đỏ. 

– Hừm, anh nghĩ chúng ta phải đột nhập ngôi nhà này. 

Đứng trên thềm là một đầy tớ gái, đội mũ bo nê trắng, đang thực sự phẫn nộ. Cô ta kêu lên : 

– Thưa cha, cha có bao giờ thấy một gã kiểu ấy không? Gã ta đến, đòi gặp người đàn bà trẻ và lao lên tầng không xin phép ai. Ngay lập tức, tôi nghe cô Gilda thốt lên một tiếng kêu hoảng sợ và tôi thấy gã chạy xuống, khuôn mặt nhợt nhạt như gặp phải ma. Chúa ơi! Như thế có thể nghĩa là thế nào? 

Vào lúc đó từ tận cùng tiền sảnh, một giọng nghiêm nghị hỏi : 

– Hélène, cô nói chuyện với ai đấy? 

Người đầy tớ gái vừa thở vừa đáp : 

– Kìa, thưa bà… 

Hélène lùi lại và Tommy đứng trước một người đàn bà ngoại ngũ tuần, tóc bạc mà cặp kính mũi không giấu nổi vẻ dữ dội của ánh mắt. Hình bóng gầy gò của bà được màu đen bao bọc càng tăng thêm vẻ tang tóc bằng bộ đồ trang sức ngọc thạch, Tommy nghiêng mình : 

– Bà Honeycott phải không? Tôi đến gặp cô Glen. 

Người nữ chủ nhân ngôi nhà bắt đầu nhìn ông vẻ dò hỏi, đoạn ghi cẩn thận các chi tiết phục sức của Tuppence. 

– Thế ư? Vậy xin hãy đi theo tôi. 

Người nữ chủ nhân dẫn đôi vợ chồng vào một căn phòng mở ra phía sau nhà, nhìn xuống vườn. Một căn phòng rộng mênh mông nhưng lại có vải bọc hẹp vì cồng kềnh lắm ghế ngồi. Một bếp lửa lớn đỏ rực trong lò sưởi, gần đó đặt một đi văng có vải thêu kim tuyến. Giấy phủ tường hai màu xám khác nhau và viền hoa hồng. Trên tường những bức tranh khắc và tranh vẽ. Cảnh trang trí đó không hòa hợp với cá tính của Gilda Glen. 

– Xin mời ông bà ngồi. Tôi nói ngay với ông bà rằng tôi hoàn toàn không đánh giá cao Cơ Đốc giáo La Mã. Tôi không bao giờ cho rằng một ngày nào đó, một trong những đại diện đó có thể vào nhà tôi. Dẫu sao, nếu Gilda muốn quy theo Cơ Đốc giáo, người ta không thể cầu mong gì hơn khi người ta sống một cuộc sống như cuộc sống của nó… Cô ta có thể bày ra cái gì đó xấu xa nhất và rốt cuộc, một tôn giáo, ngay có lầm lạc chăng nữa, còn thích hơn không theo tôn giáo nào cả. Hãy chú ý là tôi sẽ ít ác cảm hơn với Cơ Đốc giáo nếu các linh mục lấy vợ. Cha tha thứ cho tôi, thưa Cha, nhưng tôi luôn nói điều tôi nghĩ. Và lúc người ta nghĩ đến những tu viện ở đó bao nhiêu cô gái đẹp bị giam hãm mà người ta không bao giờ biết cái gì sẽ xảy ra đối với những con người khốn khổ ấy! 

Không để mình lạc vào cuộc tranh luận về sự độc thân của các linh mục hay sự cần thiết của các tu viện, Tommy đi thẳng vào mục đích : 

– Thưa bà Honeycott, lúc này cô Glen đang ở nhà bà, phải không ạ? 

– Quả vậy, mặc dầu biết đó không làm tôi vui thích vì hôn nhân là hôn nhàn và vì người ta dọn giường thì người ta nằm. 

– Xin lỗi bà nhưng tôi không hiểu rõ ý bà. 

– Tôi nghi ngờ điều đó, vì vậy tôi yêu cầu ông theo tôi đến phòng khách, vì tôi muốn là người đầu tiên thưa chuyện với ông. Tôi phải cho ông biết. Gilda đã đến tìm tôi… sau bao nhiêu năm!… để nhờ tôi giúp đỡ. Cô mong tôi gặp người đàn ông ấy để thuyết phục ông ta ly dị. Tôi đã trả lời cô, không do dự, rằng tôi không muốn can dự vào công việc ấy, đối với tôi ly dị là một tội lỗi. Ngược lại, tôi không thể từ chối đón tiếp người em gái. 

– Em gái bà. 

– Vâng, Gelda là em út. Nó không nói với ông ư? 

Thoạt nhìn, căn cứ vào sự khác biệt tuổi tác bề ngoài, sự khẳng định đó dường như không đúng sự thật, nhưng Tommy nhớ ra rằng Gilda hoạt động sân khấu đã từ lâu và điều đó không lấy gì làm ngạc nhiên cho lắm. Thế là nhà nữ nghệ sĩ, còn lâu mới là từ chỗ nhơ nhớp đi ra mà xuất thân từ tầng lớp tư sản trung thực. Cô ấy đã cẩn thận giữ kín về cái nguồn gốc thiếu vẻ lãng mạn của mình. 

– Em gái bà vậy là đã lấy chồng? 

– Năm mười bảy tuổi cô ấy đã bỏ trốn với người đàn ông hạ đẳng và điều đó đã xúc phạm nặng nề đến cha chúng tôi – một mục sư! Một tai họa thực sự… Sau đó, cô ta đã bỏ rơi chồng để lên sâu khấu. Đóng hài kịch… Tôi ấy à, tôi không bao giờ đặt chân vào một nhà hát. Tôi không muốn có quan hệ kể cả từ xa với thói xấu. Bây giờ cô ta có ý ly dị, chắc hẳn để lấy chồng lại nhưng chồng cô ấy không chịu. Chỉ riêng điều đó thôi, tôi cũng đã có ý ca ngợi anh ta. 

Tommy hỏi 

– Anh ta tên là gì? 

– Điều đó đối với ông hình như kỳ lạ lắm, nhưng tôi không sao mà nhớ được. Ông biết không, chẳng bao lâu nữa là sẽ đúng hai mươi năm tôi nghe đọc cái tên ấy lần đầu tiên và lần cuối cùng, vì bố tôi cấm có sự ám chỉ nhỏ nhất đến cái tên ấy. Còn về phần Gilda, tôi luôn tránh nói đến chuyện ấy khi có mặt cô ta. Tuy vậy co ta không hề biết tôi nghĩ gì. 

– Thật ngẫu nhiên, không phải là Reilly chứ? 

– Có thể, nhưng tôi không thể khẳng định vì tôi tuyệt đối không nhớ tới. 

– Người ấy mới ở đây ra cách đây một lát. 

– Người ấy? Tôi tưởng đó là một người vượt nhà thương điên. Tôi xuống nhà bếp ra lệnh cho Hélène về bữa ăn tối, quay đi tôi đi vào phòng khách này vừa tự hỏi xem Gilda đã về hay chưa – cô ấy có chìa khóa cửa – đúng lúc ấy thì nghe cô ấy đi qua tiền sảnh. Ba phút sau, tiếng ầm ào bắt đầu. Tôi chạy vội vào tiền sảnh và thấy người mà ông nói đến lao xuống cầu thang. Bỗng chốc người ta bắt đầu kêu lên và gã ta lại chạy ra. Sự thật là như vậy. 

Tommy đứng lên. 

– Bà Honeycott, chúng ta phải lập tức đến chỗ em bà. Tôi sợ kinh khủng… 

– Sợ ư? Nhưng sợ cái gì? 

– … Rằng vừa rồi bà đã sử dụng sơn đỏ. 

Bà Honeycott nhìn chàng chằm chằm, sửng sốt. 

– Quái lạ, sơn đỏ ư? Chắc chắn là không. 

– Đó là điều tôi sợ. Tôi yêu cầu bà, ta lên ngay. 

Nữ chủ nhân ngôi nhà kéo đôi vợ chồng về phái tiền sảnh rồi lên cầu thang lúc đó Hélène vội vàng lùi bước. Ở trên lầu, bà Honeycott mở cánh cửa đầu tiên và thét lên một tiếng rồi ngã người về phía sau. Vẫn mặc chiếc áo dài viền lông chồn, Gilda nằm dài trên trường kỉ. Vẻ mặt thanh thản của cô giống như một đứa trẻ đang ngủ. Người ta đã đập nát sọ nữ nghệ sĩ bằng một thứ dụng cụ làm giập không để lại dấu vết. Máu vấy bẩn vào nệm mặc dầu vết thương ghê tởm đã cầm máu. 

Mặt Tommy tái nhợt, ông cúi xuống người chết và thì thầm : 

– Rốt cuộc hắn ta đã không bóp cổ cô ấy. 

Bà Honeycott rên rỉ : 

– Sao? Cô ấy chết thật rồi sao? 

– Thương thay… Người ta đã ám hại cô… Lúc này phải khám phá ra kẻ giết người… Tôi không nghĩ là khó lắm. Thật kỳ lạ, nhưng mặc cho lời hứa ngông cuồng của hắn, tôi không bao giờ tin rằng hắn có thể đủ can đảm… Rốt cuộc… Tuppence, em có muốn gọi cảnh sát không? 

Người đàn bà trẻ này rất xúc động, gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Tommy giúp bà Honeycott xuống lại cầu thang và hỏi bà : 

– Tôi muốn biết chính xác em bà trở về nhà lúc mấy giờ? 

– Như mọi buổi tối, đúng là lúc tôi đưa đồng hồ lên nhanh năm phút vì cứ hai mươi bốn tiếng đồng hồ nó chậm mất năm phút và đồng hồ để bàn của tôi chạy rất đúng, chỉ sáu giờ tám phút. 

Tommy nhận ra rằng chi tiết đó rất khớp với tuyên bố của viên cảnh sát thấy người đàn bà trẻ đẩy chiếc cửa con chưa đầy ba phút trước khi đôi vợ chồng trẻ đến. Ông cũng còn nhớ đã nhìn đồng hồ của mình vào lúc đó để nhận thấy rằng anh đến trễ một phút so với cuộc hẹn do Gilda quy định. Ít có khả năng là kẻ giết người đợi trước phòng của nạn nhân, nhưng nếu vậy, kẻ giết người phải còn ở trong ngôi nhà. 

Tommy chạy lên tầng một để kiểm tra nhưng hoài công. Thất vọng anh đi hỏi Hélène. Sau khi báo tin cho cô và đọc một loạt lời cầu khẩn tất cả các thánh, cô cho ông biết rằng cả ngày chẳng ai đến thăm cô Glen, rằng cô đã lên lầu như thường lệ khoảng sáu giờ để kéo tấm rèm và không thấy có gì khác thường. Khi nghe tiếng đập cửa dữ dội vào cửa ra vào của thằng điên cô lao ngay xuống. 

Tommy không gặng hỏi thêm. Ông tiếp tục có một cảm giác xót thương kỳ lạ đối với Reilly, không dám tin đến sự phạm tội của anh này, nhưng ai khác ngoài anh ta có thể là kẻ giết người? 

Ông trở về tiền sảnh vừa đúng lúc Tuppence đi vào theo người cảnh sát họ đã gặp trước ngôi nhà. Người cảnh sát lấy ra một cây bút chì và một cuốn sổ tay rồi lên tầng một, ở đó anh điềm tĩnh quan sát nạn nhân không đụng đến hiện trường. Ông ta giải thích rằng nếu ông liều sờ vào bất cứ cái gì, ông thanh tra sẽ xác anh. Tommy nghe những lời giải thích cuồng loạn và không rõ ràng của bà Honeycott và ghi chép. Sự có mặt của ông đem lại một cảm giác bình tĩnh và vững lòng. 

Tommy gặp riêng được người cảnh sát vào lúc ông ta ra khỏi ngôi nhà để điện cho các thủ trưởng. 

– Ông nói với tôi là đã nhìn thấy nạn nhân đi vào… chắc chắn là không người nào đi kèm cô ta chứ? 

– Chắc chắn… Cô ta hoàn toàn đi một mình. 

– Và giữa lúc đó và lúc chúng ta trao đổi với nhau vài lời, không một ai ra khỏi nơi này? 

– Không một bóng người. 

Oai vệ, ông ta bước xuống các bậc thềm và dừng lại cạnh cái trụ mang những vết đỏ và hống hách tuyên bố với thái độ bề trên : 

– Để lại dấu vết như thế này phải là một tài tử!

° ° °

Hôm sau ngày phát giác ra tội ác, vợ chồng nhà Beresford vẫn ở khách sạn lớn. Tuy vậy Tommy xét thấy cẩn trọng hơn, là loại bỏ áo cố đạo. James Reilly đã bị bắt và luật sư của anh – ông Marvell có cuộc nói chuyện với nhà thám tử : 

– Quả thật tôi không tin Reilly có thể làm một việc như vậy vì từ khi biết anh ta thì anh ta chỉ làm một người ác khẩu. 

– Đúng là khi người ta tiêu phí năng lượng vào lời nói thì không còn nhiều để hành động. Khốn thay tôi sẽ là một trong những chứng nhân buộc tội. Những điều anh ta nói khi có mặt chúng tôi, đúng ngay trước khi tội ác xảy ra đặc biệt nặng nề. Tuy nhiên tôi vẫn có thiện cảm với gã ấy. Tôi không giấu ông rằng nếu có thể có một người khác bị tình nghi thì tôi tin chắc ở sự vô tội của Reilly. Anh ta nói gì để tự bào chữa mình? 

Luật sư bĩu môi. 

– Anh ấy cho rằng đã tìm thấy cô ta chết rồi. Thật trẻ con! Nhưng anh ta nói lời cáo lỗi đầu tiên chợt đến trong đầu. 

– Quả vậy, vì nếu an ta nói sự thật thì bà Honeycott là kẻ sát nhân, điều đó dù sao cũng hơi quá đáng. Tôi sợ đành phải tin ở tội phạm của Reilly. 

Luật sư gợi lại : 

– Ông nên nhớ rằng người đầy tớ đã nghe thấy nạn nhân kêu. 

Tommy nhắc lại, vẻ tư lự : 

– Người đầy tớ gái, vâng… Nói cho cùng, chúng ta là những người cả tin. Chúng ta tin ở những gì ta coi là hiển nhiên, nhưng thực ra, chúng ta có cái gì? Chúng ta căn cứ vào cái gì? Những cảm tưởng do các giác quan định đoạt… Mà giả sử những cảm tưởng ấy sai thì sao? 

Viên luật sự nhún vai. 

– Hẳn thế, chúng ta tất cả đều biết rằng có những chứng nhân mà ta khong căn cứ vào họ được, những người cứ thời gian càng trôi đi càng luôn nhớ đến những chi tiết mới. 

– Không phải là tôi muốn nói tới những người đó mà thôi. Thực ra nhiều khi chúng ta không biết sự thực mà cứ tuyên bố như đinh đóng cột rằng không phải là như vậy. Chẳng hạn, anh và tôi một lúc nào đó đã nói: “Người đưa thư đấy”, trong lúc chúng ta muốn đơn giản qua đó diễn tả rằng chúng ta đã nghe gõ ở cửa hai lần và tiếng nắp thùng thư sập xuống. Chín trên mười lần chúng ta đúng vì quả là người đưa thư đến, nhưng có thể lần thứ mười, chỉ là một thằng ranh con chơi xỏ anh. Ông thấy tôi muốn làm ông hiểu điều gì chứ? 

– Vâng, nhưng không rõ ông muốn dẫn đến đâu. 

– Tôi cũng không chắc bản thân tôi biết điều đó. Nhưng tôi bắt đầu có những ý tưởng về những cách đánh giá khác nhau.. của cùng một sự kiện: nghe tiếng cửa mở ra và đóng vào làm sao có thể phân biệt được họ đi vào hay đi ra. Những gì tưởng tượng đang lên thang gác có lẽ đang đi xuống cũng nên… 

Tuppence xen vào : 

– Anh giải thích rõ hơn, có được không anh Tommy? 

– Thật đơn giản, em thân yêu, tuy nhiên anh cũng chỉ vừa nghĩ ra lúc nãy thôi. Làm sao biết chắc là một người nào đó vừa vào nhà. Anh chỉ nghe tiếng cửa mở ra và đóng lại, nhưng nếu anh vào cùng lúc ấy anh bắt được tiếng vọng của chân bước, anh chắc chắn rằng có ai đó đã vào như anh, nhưng có thể lúc ấy họ đi ra thì sao. 

– Nhưng cô Glen lại không đi ra! 

– Không… Vấn đề là một người nào khác. Trong trường hợp này, đó là kẻ giết người. 

– Thế thì Gilda đã vào lúc nào? 

– Vào lúc người chị của cô đang nói với Hélène trong nhà bếp. Từ bếp bà Honeycott đi lên phòng khách để lên dây đồng hồ và vừa làm việc đó bà vừa tự hỏi khi nào Gilda về và vì nghe tiếng bước chân bà chắc là em mình lên tầng một. 

– Không phải cô ta ư? 

– Không phải cô ta, mà là Hélène đi lên kéo các bức rèm. Bà Honeycott nhấn mạnh rằng Gilda đã có một lúc tạm ngừng trước khi đi vào cầu thang. Mà sự tạm ngừng đó chỉ là một thoáng thời gian nhỏ nhất trôi qua giữa sự đi ra của kẻ sát nhân và sự xuất hiện của Hélène ở tiền sảnh. Tóm lại, chỉ thiếu một chút xíu là cô đầy tớ gặp kẻ giết người. 

– Nhưng, Tommy, thế tiếng Gilda thét lên? 

– Không phải cô ta thét mà chính Jame Reilly kêu lên khi phát hiện ra người chết. Chúng ta quên rằng anh chàng ấy có một giọng cao mà khi xúc động lại càng cao hơn. 

Tuppence tỏ ra bực dọc : 

– Nếu anh đúng, anh và em đã phát hiện ra kẻ giết người. 

– Chúng ta đã gặp hắn, em yêu quý. Thậm chí chúng ta đã nói với hắn. Em có nhớ cách người cảnh sát dường như nhô ra từ sương mù không? Sự giải thích là ông ta vượt cái cửa con đúng lúc sương mù tan. Điều đó làm chúng ta giật nẩy mình, em không nhớ à? 

– Có chứ. 

– Em thấy không Tuppence. Mặc dù chúng ta không bao giờ nghĩ đến họ dưới góc độ ấy, cảnh sát là người như những người khác và họ cũng bị những dục vọng ấy chế ngự. Người cảnh sát điềm tĩnh ấy, hay đúng hơn, mà chúng ta đã cho là như thế – là người chồng bướng bỉnh của Gilda Glen. Anh cho rằng họ gặp nhau vừa đúng trước “White House” và cô nữ nghệ sĩ đã để chồng vào nhằm bàn cãi thêm câu chuyện của họ. Sự bàn cãi mau chóng biến thành cãi vã và người cảnh sát không tỉnh táo được nữa đã dùng gậy hạ sát cô.

——————————–

1Nhân vật của Chesterton.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.