Một con đường chạy qua làng Mayen-feld xinh đẹp, xuyên qua cánh đồng và dần dần thu hẹp lại cho tới khi chỉ còn là một con đường mòn dẫn đến chân núi. Rồi từ đó, nó leo lên giữa các núi đá, len lỏi giữa các vạt cỏ cao, để mặc cho đám cúc gai xâm lấn và chỉ chịu dừng lại nơi lưng trời, trên các bãi chăn thả gia súc.
Hai bóng người hiện ra trên con đường mòn đó. Người lớn hơn là một cô gái miền núi trẻ trung khỏe khoắn. Chiếc váy màu xanh bằng vải bông của cô được một chiếc áo cánh trắng rộng, cổ để hở vừa khéo, trùm lên một phần. Một chiếc khăn vuông buộc túm lấy mái tóc đen dài. Cô gái có vẻ như rất nóng. Cô nắm tay một bé gái độ năm, sáu tuổi, nó xem ra đã mệt lắm vì phải đi bộ dưới cái nắng tháng sáu nóng bỏng. Đúng là mớ quần áo mà người ta đã chất lên người nó không cho phép nó tận hưởng thời tiết tốt đẹp này. Thật tội nghiệp cho cô bé Heidi, bên ngoài một chiếc váy trong mỏng nó phải khoác những hai chiếc váy dày: một chiếc mặc ngày thường và một chiếc mặc chủ nhật. Thêm vào đó, để cho trọn bộ, nó còn choàng một chiếc khăn san đỏ bằng vải bông, được thít khá chặt quanh người. Chân nó bước nặng nề vì phải đi đôi ủng to đóng đinh, khiến cho nó không thể chạy hoặc nhảy nhót được dù rất muốn. Cứ thế hai dì cháu khó nhọc đến được làng Dorfli, nơi dì Dete của Heidi đã sống suốt thời thơ ấu. Qua làng rồi, họ còn phải đi thêm một giờ nữa mới tới được đích của chuyến đi.
Nằm khuất nẻo trên núi, Dorfli không mấy khi có khách. Vì thế mọi cánh cổng và cửa sổ đều rộng mở để đón chào hai lữ khách.
– Chào hai dì cháu.
– Cô dừng lại một chút nào!
– Ở dưới thung lũng có tin gì mới không?
– Hai dì cháu có muốn uống gì không?
Nhưng cô gái chỉ chào lại, cám ơn và cười với mọi người. Cô chỉ dừng lại khi đã tới những ngôi nhà cuối cùng của làng. Tại đây vẫn còn có người gọi cô:
– Đừng có vội đi thế, Dete, nếu cô lên bãi chăn, tôi sẽ đi cùng cô… Ồ! Không phải lên tận trên cao kia… Mà chỉ một đoạn đường thôi.
Cô gái dừng lại và đứa bé đi cùng nhân đấy ngồi phịch xuống bên lề đường.
– Cháu mệt hả, Heidi?
– Cũng không mệt lắm… nhưng cháu rất nóng. – Cô bé nói.
– Cháu cứ nghỉ một lát, Heidi. Chúng ta đã đi được nửa đường rồi. Cố lên một chút và một tiếng nữa chúng ta sẽ tới nơi. Được chứ?
– Vâng ạ. – Heidi nói.
Vừa lúc ấy một thiếu phụ tươi cười từ một trong những ngôi nhà cuối làng đi ra và tiến đến bên hai lữ khách. Cô bé đứng dậy, lắng nghe hai người phụ nữ bắt đầu chuyện trò sôi nổi về tất cả những người sống ở Dorfli và những nơi xa gần. Chỉ sau khi đã nói đủ mọi chuyện ngồi lê đôi mách, thiếu phụ dường như mới nhận ra cô bé. Làm bộ ngạc nhiên, chị ta nhân tiện lấy cô bé ra để tiếp tục việc dò hỏi:
– Em đi đâu với đứa bé này thế?… Nhưng không phải cháu nó là con người chị đã mất của em sao?… Tội nghiệp, bé thế mà đã mồ côi.
– Vâng thưa chị, – Dete nói, – đúng cháu nó đấy. Cháu nó sẽ ở với ông cậu và em đưa cháu nó đến đấy.
– Em điên à, Dete!… Làm sao em có thể mảy may nghĩ rằng ông già ấy sẽ nhận nó cơ chứ… Ông ta sẽ tống cổ hai dì cháu ra khỏi cửa… ôi! Điều đó sẽ chẳng phải đợi lâu đâu.
– Không! – Dete nói dứt khoát. – ông ấy là ông nội nó. Chị biết là em đã trông nom cháu nó cho đến tận bây giờ. Nhưng người ta đã đề nghị với em một chỗ làm tốt, nếu cháu Heidi cứ ở với em thì em sẽ buộc phải từ chối. Chị cũng hiểu đấy, Barbel, không thể như thế được; em không thể hy sinh thân mình. ông cụ cần phải giúp chúng em và em chắc chắn là ông ấy sẽ giúp.
– Chị không dám chắc như em được. – Barbel nói. – Chị biết ông ấy mà… Làm sao ông ấy có thể trông nom một đứa trẻ còn bé như thế này?… Thế còn cái chỗ làm việc tốt mà người ta đề nghị với em, đó là việc gì vậy? Em sẽ đi đâu?
– Đi Francfort, chị thân mến ạ, tới nhà những con người đáng quý mà em gặp, hồi mùa nghỉ năm ngoái. Họ ở các phòng thuộc tầng em, và em đã phục vụ họ. Hồi ấy, họ đã muốn đưa em đi. “Cô hãy đi với chúng tôi, họ bảo em, cô sẽ được sung sướng.” Nhưng em đâu có được tự do… Năm nay, họ lại đề nghị và cứ nài nỉ mãi đến mức cuối cùng, em đã quyết định đến làm cho họ… Vậy đấy, giờ thì chị biết cả rồi.
– Ù, Dete ạ, và chị cũng biết rằng chị chẳng muốn ở vào địa vị của đứa trẻ mồ côi này. Trên kia, ông già sống như một người ẩn dật. Chẳng ai gặp gỡ ông ấy bao giờ, ngay cả ở nhà thờ… Giỏi lắm người ta chỉ thấy ông ấy mỗi năm một lần… Ai ai cũng tránh xa mỗi khi ông ấy tới gần, cứ như thể họ sợ cây gậy của ông ấy vậy… Đúng là chòm râu trắng và đôi lông mày rậm của ông ấy trông rất ấn tượng. Tưởng như một kẻ hoang dã…
– Nhưng điều đó đâu có ngăn cản ông ấy là ông nội của đứa nhỏ. Râu và lông mày của ông ấy chẳng có liên quan gì đến chuyện này cả… Ông ấy phải trông nom Heidi và ông ấy sẽ làm việc đó, rồi chị xem.
– Chị cũng mong như thế, – Barbel nói, -nhưng chị sẵn sàng trả giá đắt để được biết vì sao ông ấy lại sống lẩn khuất như một kẻ mắc dịch… Mọi người kể chẳng thiếu gì chuyện! Hẳn em cũng có nghe… Dete này, chẳng nhẽ chị em chẳng nói gì với em sao?
– Em biết hết. – Dete nói. – Nhưng em sẽ không nói hé một lời. Chị biết điều gì sẽ xảy ra nếu như Cậu Núi Alpe biết được.
Cũng như phần lớn dân làng, Barbel từ lâu đã bị ám ảnh tò mò về ông già có cái vẻ đáng sợ mà mọi người gọi là “Cậu Núi Alpe”. Ông ta sống đơn độc cùng với đàn dê trong căn nhà gỗ, tít trên núi cao. Mọi người đều hạ thấp giọng khi nói về ông ta, họ bị ấn tượng bởi dáng vẻ hoang dã và tính cách đáng ngờ của ông. Nỗi tò mò của Barbel mạnh đến nỗi chị ta ra sức tỏ vẻ thân thiện với Dete, những mong moi được một điều gì bí mật.
Barbel đến sống ở Dorfli chưa lâu, chính xác là từ ngày lấy chồng. Chị ta vẫn còn chưa quen hết mọi người quanh vùng. Còn Dete thì sinh ra ở Dorfli, cô đã sống ở đây suốt từ bé cho đến tận năm ngoái. Khi ấy mẹ cô mất. Cô được nhận làm hầu phòng tại một khách sạn ở Ragaz. Sáng nay cô đã từ đó trở về cùng với đứa trẻ. Hai dì cháu đi nhờ được chiếc xe chở cỏ khô một người bạn của Dete tới Mayenfeld, rồi từ đấy, họ đi bộ.
– Dete này, em có nghĩ ông cụ lúc nào cũng khó chịu không?
– Em cũng không biết nữa, Barbel. Chị cứ thử nghĩ xem, ông ấy đã bảy mươi tuổi và em thì mới hai mươi sáu… Mẹ em sống ở Domleschg và ông ấy cũng thế… Em biết rất nhiều chuyện, nhưng em không muốn người ta cứ nói đi nói lại… ông ấy hẳn sẽ rất giận!
– Em có thể nói được mà. – Barbel tiếp tục. – Đừng sợ gì cả. Chị sẽ giữ mồm giữ miệng. Thà chết còn hơn tiết lộ bí mật.
– Thôi được, nhưng chị phải câm như hến đấy, nhớ không?
– Chị sẽ câm như hến, xin hứa!
Dete liếc nhìn xung quanh… Không ai có thể nghe được điều cô sắp nói. Heidi đã biến đi đâu từ lâu và Dete đã không nhận thấy sự vắng mặt của nó.
– Nó đâu rồi? – Cô tự hỏi. – Không có ai trên đường cả.
– Nó kia thôi! – Barbel reo lên. – Nhìn kìa… ở trên sườn dốc ấy. Nó đang ở chỗ thằng Pierre cùng đàn dê… Hôm nay, thằng bé lên muộn quá… Hừm! Như thế càng tốt, thằng bé sẽ trông nom con bé.
– Ôi! Nó chẳng cần đến sự trông nom đặc biệt gì đâu… Nó là một đứa trẻ thông minh so với tuổi… Nó đã biết lý sự và chẳng hề quên những gì nhìn thấy. Thật vừa hay cho nó khi sống ở trên kia, vì Cậu Núi Alpe chỉ có hai con dê và túp nhà… Không có gì quá ghê gớm.
– Chị cứ tưởng ông ấy giàu chứ… trước kia… – Barbel nói.
– Giàu à! Em cũng tin như thế lắm! ông ấy đã từng sống ở một trong những lâu đài
đẹp nhất Domleschg.
– Không thể thế được!
– Có đấy, có đấy… Bố mẹ ông ta đã từng sở hữu những cánh rừng lớn và rất nhiều trang trại. Họ có hai người con trai. Người con thứ, một thanh niên nghiêm túc và chừng mực, giúp đỡ cha cai quản cơ nghiệp, ông quan tâm đến đời sống của nông dân và tiều phu trong vùng. Ông thường xuyên sống ở lâu đài và điều ông thích nhất là cưỡi ngựa trên các khu đất rộng mênh mông quanh đó. Người anh, Cậu Núi Alpe, lại thích ra thành phố chơi bời suốt đêm với những người bạn gặp trong các quán rượu hoặc sòng bạc. Thế rồi ông mất tất cả tài sản và làm cho gia đình mình khánh kiệt. Bố mẹ ông quá thất vọng, đã không chịu đựng được tình cảnh đó. Không lâu sau họ mất vì tủi hổ và xót xa. Còn về người em, ông đã rời quê hương xứ sở và không ai còn gặp lại ông nữa. Cậu đã đăng lính ở Naple, và biến mất hút trong khoảng mười lăm năm.
– Em kể nữa đi, Dete, kể nữa đi…
– Một hôm, ông ấy trở về. Cùng đi có một cậu thanh niên. Mọi người được biết đó là Tobias, con trai ông và mẹ cậu, một phụ nữ Thụy Sĩ, đã chết. ở Domleschg, không ai muốn tiếp đón họ, và Cậu tức giận đến nỗi đã thề rằng mọi người sẽ không bao giờ còn thấy ông nữa trong thành phố này. Thế là ông ấy đến ở tại Dorfli.
– Với Tobias à?
– Vâng, Tobias đã học được nghề mộc… Đó là một thanh niên khỏe, đẹp và dũng cảm. Tobias làm việc không tiếc sức và mọi người trong làng, ai nấy đều yêu mến, quý trọng anh ấy. Nhưng cha anh lại không được người làng chấp nhận. Người ta kháo nhau rằng ông ta đã đào ngũ, rằng ông ta đã giết chết một người trong một cuộc ẩu đả ở quán ăn. Tất cả những chuyện đó có đúng không? Không ai có thể chứng minh được. Nhưng mọi người đều tỏ ra ngờ vực ông, và Cậu càng ngày càng thu mình lại.
– Kể tiếp đi, Dete, kể tiếp đi…
– Gia đình em đã mời ông đến nhà. Chúng em là họ hàng với nhau: bà của mẹ em và bà của ông ấy là chị em. Vì thế mà chúng em gọi ông ấy là Cậu. Và bởi vì gần như cả làng chúng em đều có họ với nhau về đằng ngoại, nên ở Dorfli không ai là không gọi ông như thế. Khi ông lên sống trên cao kia, trong căn nhà gỗ cũ kỹ, ông trở thành Cậu Núi Alpe.
– Em không nói gì với chị về Tobias sao?
– Tobias đã đi học nghề ở Metz. Khi anh ấy trở về đây, làng Dorfli, anh ấy lấy chị em là Adélaide, người mà anh ấy luôn luôn yêu thương và họ đã sống với nhau rất hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc của họ không được lâu. Chỉ hai năm sau khi cưới, trong khi Tobias đang làm việc tại một công trình xây dựng, anh ấy đã bị một cái dầm rơi trúng đầu và chết ngay lập tức. Adélaide đã không hồi tâm được – chị ấy chưa bao giờ là người cứng rắn cả – và chị đã chết sau chồng mình vài tuần. Mọi người bàn tán rất nhiều về sự bất hạnh này và người ta đã không bỏ qua cơ hội để nói rằng: đó là sự trừng phạt mà Cậu phải gánh chịu vì lối sống thiếu chuẩn mực của mình. Ngay cả ông mục sư cũng buộc Cậu phải chịu trách nhiệm trước lương tâm và khuyên ông nên ăn năn về những lỗi lầm của mình. Cậu chỉ càng thêm tức giận. Ông không nói chuyện với ai nữa. Một hôm mọi người được tin rằng ông đã lên ở hẳn trên núi Alpe
và sẽ không rời đó nữa. Từ đấy, ông sống trên núi cao, xa cách Chúa Trời và mọi người.
– Vậy là đã rõ… Thế còn con bé?
– Mẹ em và em đã nhận cháu về nuôi… Cháu nó thật xinh xắn và mới được có một tuổi… Khi mẹ em mất, em gửi cháu cho người ta trông, ở Ragaz… Giờ thì chị biết đấy, em phải đi Francfort và em không thể để cháu nó sống với những người xa lạ.
– Thế nó ở với Cậu Núi Alpe thì tốt hơn à? – Barbel hỏi.
– Em hy vọng thế. – Dete trả lời. – Em không thể làm khác được. Em không thể xuất hiện ở Francfort với một đứa trẻ năm tuổi. Như thế không được… Nhưng chị đi đâu thế, Barbel, chị không đi cùng em nữa sao?
– Ù, – Barbel nói, – chị đi đây… Chẳng phải chị đã nói chị chỉ đi với em một đoạn đường thôi là gì… Chị cần phải nói chuyện với mẹ của Pierre… Tạm biệt, Dete, và mong sao cho mọi dự định của em đều thành! Chị chúc em đấy!
Barbel bắt tay Dete rồi đi về phía một túp nhà gỗ nhỏ màu nâu, nằm cách con đường mòn vài bước. Túp nhà được dựng ở khoảng giữa làng và bãi chăn thả gia súc, nó đã quá ọp ẹp và cũ nát, nhưng may mắn thay lại ở vào một chỗ trũng. Khi gió núi thổi mạnh, tất cả lay răng rắc, từ cửa ra vào, cửa sổ cho đến các vì kèo đỡ mái. Nếu ngôi nhà đó mà ở trên núi, chắc hẳn nó đã đổ và lăn xuống thung lũng từ lâu rồi. Đó là nơi ở của Pierre, người bạn mới của Heidi. Sáng nào cậu bé mười một tuổi này cũng xuống làng Dorfli thu gom đàn dê đưa lên bãi thả, ở đó cậu để cho chúng gặm cỏ đến tận tối. Bấy giờ cậu mới lại đưa chúng về. Xuống đến làng, Pierre chụm các ngón tay lại huýt lên. Nghe thấy tín hiệu này, lũ trẻ chạy tới tìm những con dê của nhà mình, và đó là lúc duy nhất trong ngày Pierre gặp bọn trẻ con cùng lứa tuổi.
Pierre sống với mẹ và bà, bà cậu bị mù. Cậu ra khỏi nhà từ sáng sớm và đến tối mịt mới trở về. Vậy nên cậu có nhiều thời gian sống với lũ dê hơn là với người. Cha cậu cũng đã từng chăn dê hồi còn trẻ, ông đã chết vài năm trước vì một tai nạn trong rừng.
Sau khi Barbel đi khỏi, Dete chờ Heidi quay lại và cô đã bắt đầu thấy sốt ruột. Hai đứa trẻ mãi không về. Pierre đã dẫn đàn dê đi khá xa, tới những nơi chúng kiếm được nhiều cỏ, và Heidi đi theo cậu, cô bé vấp ngã luôn. Pierre đi chân không, cậu cứ nhảy từ mỏm đá này sang mỏm đá khác, khéo léo chẳng khác gì lũ dê của cậu. Không chần chừ, Heidi ngồi xuống, cô tháo giày và tất, khăn quàng và chiếc váy đầm chủ nhật mặc bên ngoài, rồi đến lượt chiếc này cũng được xếp cẩn thận lên đống quần áo đã cởi. Bấy giờ Heidi, chỉ mặc có chiếc váy ngắn và cánh tay để trần, cũng đã trở nên lẹ làng như Pierre và nhanh nhẹn như lũ dê.
Thích quá đi mất! Heidi đuổi theo hết con này đến con khác, tìm cách vuốt ve lũ dê cái con. Nhưng chúng nhảy nhanh thoăn thoắt và leo tít lên một mỏm đá mà cô bé không thể nào trèo lên được. Cô gọi chúng, chìa cho chúng một nắm cỏ, sốt ruột giậm giậm chân đợi chúng xuống. Khi lũ dê không định đi theo cô, cô bé tạm quên chúng và chuyển sang ngắt mấy bông hoa. Và cô không ngừng hát lầm rầm… Nhưng Pierre thì lo lắng: Cậu tự hỏi không biết dì của cô bé đang đi theo cậu sẽ nghĩ gì về tất cả chuyện này. Heidi không còn cảm thấy thích thú nữa, cô bé nói luôn miệng:
– Anh có mấy con dê?
– Anh làm gì thế?
– Chúng có ngoan không?
– Nhà anh ở đâu?
Cứ thế, chúng vừa đi vừa nói huyên thuyên cho đến khi gặp Dete. Điều mà Pierre lo ngại đã xảy ra.
– Váy của cháu đâu? – Dete tức giận hét lên. – Còn giày nữa? Khăn nữa? Tất nữa?… Chúng đâu rồi.
Heidi không trả lời mà chỉ đưa tay chỉ xuống dưới dốc núi, nơi cô bé đã để mớ quần áo.
– Đồ khốn, cháu đã làm gì vậy? Đầu óc cháu để đâu thế? Nó lại còn nghĩ ra việc cởi váy xống nữa! – Dete nói, mỗi lúc một tức khi nghĩ đến việc phải leo xuống dưới dốc.
– Ôi dào! – Heidi nói. – Cháu không cần chúng nữa! Chúng đã trở nên vô tích sự đối với cháu.
– Vô tích sự! – Người dì hét. – Quần áo của cháu vô tích sự! Cháu điên à? Pierre, cháu xuống đem chúng lên đi!
– Cháu không thể, – Pierre trả lời, – cháu đang bị muộn.
– Thôi nào cháu, rồi cô cho cháu đồng xu mới này.
Pierre không lưỡng lự nữa. Viễn cảnh được trả công, niềm vui mà đồng tiền sẽ đem đến cho mẹ cậu như chắp cánh cho cậu. Cậu nhảy thoăn thoắt xuống dốc, nhặt mớ quần áo và vài phút sau, đã trao lại chúng cho chủ. Cậu đút đồng tiền sáng bóng vào sâu trong túi, mặt rạng rỡ, bởi vì không mấy khi cậu có được một kho báu như thế.
– Cháu có thể mang cái bọc này tới lều Cậu Núi Alpe chứ, – Dete nói, – cháu cũng đi cùng đường mà…
Pierre lấy cái khăn đỏ buộc túm hai chiếc váy, giày, tất lại và bắt đầu leo con đường dốc dẫn lên căn nhà gỗ. Cậu ngạo nghễ vụt chiếc roi và lũ dê nhảy choi choi xung quanh cậu.
Căn nhà của Cậu Núi dựng trên một dải núi ngang, phơi mình trước mọi cơn gió nhưng cũng hứng trọn toàn bộ tia nắng mặt trời. Từ đấy người ta có thể nhìn bao quát khắp thung lũng. Cuối thung lũng hiện lên lờ mờ những ngôi nhà trong làng, nằm giữa những đồng cỏ trải rộng. Xa xa, người ta nhận ra những dãy núi và đó đây là một bụi cây, một vệt hồ hay một dòng thác sáng trắng mảnh như sợi chỉ. Ba cây lãnh sam cao có những tán rộng và rậm rạp tỏa bóng xuống.căn nhà. Bên trái cửa, trên cái ghế dài, một ông già ngồi dựa lưng vào tường, đang lặng lẽ hút thuốc. ông ta có vẻ nghi ngờ nhóm người đang trèo về phía ông, nhưng vẫn ngồi bất động như không có điều gì xảy ra cả.
Heidi là người đầu tiên lên đến nơi. Cô bé chạy vội về phía ông lão, reo lên: “Cháu chào ông!” và hôn rất kêu lên hai bên má ông. Thế rồi, cô bé lùi lại, như thể ngạc nhiên về cử chỉ của mình, đồng thời với đôi chút sợ hãi nhận ra chòm râu và đôi lông mày rậm vốn gây ấn tượng mạnh với dân làng. Ông lão ngẩn người vì bàng hoàng, không còn biết trả lời gì.
– Cháu nói lăng lăng gì thế? – ông hỏi trong lúc ngắm cô bé, nó vẫn không rời mắt khỏi ông.
Bấy giờ Dete cũng đã lên đến nơi, theo sau là Pierre, nó thận trọng đứng xa ra một chỗ.
– Chào cậu. – Dete nói. – Đây là Heidi, con của Tobias, con trai Cậu. Cậu đã không gặp cháu nó từ nhiều năm nay rồi.
– Cô muốn tôi làm gì nào? – ông lão hỏi. -Và cả mày nữa… Pierre, xéo đi…
Pierre không đợi phải nói hai lần, cũng không hề quay lại, cậu ta chuồn thẳng không thể nào nhanh hơn được.
– Cháu đã nuôi nó bốn năm nay, giờ đến lượt Cậu… Cậu hãy trông nom nó… Cháu phải đi Francfort. – Dete nói thêm.
– Thế nếu con bé sợ ta và không thích ở đây thì sao?
– Cháu không biết… Cậu hãy tự lo liệu… Cháu đã chăm nom nó mà có phàn nàn gì đâu… Cậu là ông nó… Nếu nó bị ốm. Cậu sẽ phải chịu thêm một tội với lương tâm, bên cạnh những tội lỗi khác…
Dete đã không tự kiềm chế được. Cô biết rất rõ là lẽ ra không nên nói những lời lẽ này, nhưng đã quá muộn. ông già nhìn cô dữ dằn đến nỗi cô phải lùi lại mấy bước.
– Cút đi! – ông hét. – Cút đi và đừng bao giờ quay lại đây nữa!
– Vĩnh biệt Cậu! Vĩnh biệt Heidi! – Cô vừa nói vừa đi thẳng.
Dete không bằng lòng về cử chỉ của mình, cô thậm chí đã không kịp ôm hôn cháu, cũng không cho ông vài lời khuyên về cách chăm sóc.con bé. Khi cô về đến Dorfli, tất cả dân làng đã chờ sẵn. Các câu hỏi tuôn ra và những lời bàn tán không ngớt.
– Ông ta nói gì?
– Cháu bé đâu rồi?
– Ông ta sẽ làm gì với con bé?
– Cô đã để nó ở đâu?
– Ở với Cậu Núi Alpe.
Dete trả lời nhưng lại im ngay khi mọi người bảo:
– Lẽ ra cô không nên bỏ mặc đứa bé khốn khổ đó ở lại với ông già… Như thế không nên. Cô đã hành động không tốt.
Dete vùng ra, thoát khỏi những tiếng nói đó, chúng làm cô nhớ lại rằng cô đã hứa với mẹ đứa bé sẽ không bao giờ rời bỏ cháu. Nhưng cô đã được tự do! Thành phố lớn với những điều kỳ diệu của nó đang đợi cô. Suy cho cùng, khi cô đã kiếm được nhiều tiền, cô có thể thường xuyên quà cáp cho cháu!
Ông lão trở lại ngồi trên chiếc ghế dài, châm tẩu và bắt đầu hút thuốc, chẳng nói chẳng rằng, Heidi không dám quấy rầy ông nhưng cô bé không còn thấy sợ ông nữa, cô đã đọc thấy rất nhiều phiền muộn và âu yếm trong ánh mắt người ông. Sung sướng vì đã tìm được một nơi chốn đẹp như thế, cô bé đi từ khám phá này đến khám phá khác. Cô bắt đầu sục sạo khắp nơi. Xưởng mộc của ông kích thích sự tò mò của cô bé với đủ thứ dụng cụ treo trên tường và những vỏ bào xinh xắn xoăn tít vương vãi khắp sàn. Hàng ngàn câu hỏi quay cuồng trong đầu cô bé. Cô vào cả chuồng dê, chúng không có ở đấy vì Pierre đã ra đi với cả đàn. Heidi lại gần những cây lãnh sam đằng sau nhà. Gió thổi mạnh và cô bé cứ lắng nghe mãi tiếng gió thổi. Sau đó cô đi vòng quanh căn nhà và trở về bên ông. Ông lão vẫn ngồi yên như tượng. Heidi tha hồ nhìn ngó ông.
– Cháu muốn gì? – ông hỏi cô bé bằng một giọng dịu dàng.
– Ông chỉ cho cháu bên trong nhà đi.
– Lại đây, cô bé, và mang theo bọc quần áo của cháu.
– Cháu không cần đến chúng nữa, thưa ông.
– Tại sao thế?
– Chúng làm cháu vướng víu khi đuổi theo đàn dê.
– Cháu có lý, nhưng dù sao cũng nên mang theo những cái váy, chúng ta sẽ cất cẩn thận vào một cái tủ.
– Vâng, thưa ông.
Hai ông cháu đi vào nhà. Trong nhà hơi tối. Heidi nắm lấy tay ông trước khi khám phá cơ ngơi mới của mình. Ông lão không buông tay cô bé, ngược lại còn nắm chặt các ngón tay bé nhỏ như thể làm cho cô bé yên tâm. Một chiếc bàn và một cái ghế kê gần cửa sổ, từ đấy có thể nhìn thấy thung lũng. Phía đối diện, sát bức tường đằng sau có một bếp lò, nó có vẻ quá lớn so với cô bé. Bên trên bếp có treo một cái chảo đen. Nhưng lửa chưa được nhóm. Gần lò sưởi, trong góc buồng tối nhất, cô bé cuối cùng cũng nhận ra một cái giường. Ông lão chỉ cho cô bé một cái tủ lớn, cánh được chạm trổ hoa lá.
– Cháu hãy mở cửa tủ. – ông lão nói. – Và xếp quần áo của cháu lên trên những chiếc áo sơ mi và tất của ông. Cháu thấy là tủ quần áo của ông cũng dùng làm chạn luôn.
– Vâng. – Cô bé nói. – Cháu đã thấy trên một ngăn là bánh mì, thịt, pho mát và bát đĩa của ông.
– Với ông thế là đủ. – ông lão nói.
– Ông ơi, cháu có thể ngủ ở đâu?
– Đây là một vấn đề, hừ… Cháu hãy chọn lấy chỗ ngủ cho mình.
Câu trả lời khiến cô bé thích thú. Cô nhìn quanh buồng và nhận ra một chiếc thang nhỏ dựng gần giường của ông. Cô bé trèo lên – trên đó là vựa cỏ: cạnh một đống cỏ tươi và thơm ngan ngát, có một cái cửa sổ tròn, từ đấy nhìn ra hẳn là bao quát được cả một khung cảnh đẹp. Một thứ đồ chứa như cái thùng đóng bằng ván, bên trong thò ra những sợi cỏ khô và cỏ nuôi gia súc, chạy dài theo một bức tường. Heidi chui người ra.
– Tuyệt! – Cô bé reo lên. – Nhưng nếu ông có một tấm vải trải giường thì còn tuyệt nữa, không thì cỏ cù cháu buồn lắm.
– Đợi đã, để ông còn tìm trong tủ.
Một lát sau, ông lão cũng leo lên, mang theo một tấm vải trải giường được gập rất cẩn thận..
– Ồ! Cái giường mới xinh xắn làm sao… Đây, vải trải giường đây… Cẩn thận, nó nặng đấy… Cháu hãy trải nó ra.
Cô bé gấp cẩn thận các mép giường.
– Ông ơi, nhưng chưa hết… ông còn quên một cái chăn.
– Cháu chắc là ông có chăn à?
– Ôi! Thế thì cháu đắp bằng cỏ vậy, cỏ ở đây chẳng thiếu… Có cả một đống cỏ mà.
– Cháu chịu khó đợi một lát. – ông lão nói và trèo xuống gian buồng lớn, lấy một cái bao trải giường mình và mang lên cho Heidi.
– Ôi! Cái chăn tuyệt vời quá! – Cô bé reo lên. – Cám ơn ông! ông xem giường cháu có xinh không! Cháu sẽ ngủ ngon ở đây. Trời sắp tối chưa ông?
– Cũng chẳng lâu nữa đâu, nhưng trước hết chúng ta đi ăn đã. Hẳn là cháu đói meo rồi!
Biết bao nhiêu chuyện xảy ra từ sáng khiến cô bé không còn nghĩ gì đến ăn uống. Vả lại, bữa sáng, bị dì mắng mỏ, cô chỉ ăn một miếng bánh mì khô và uống một cốc cà phê sữa. Thế rồi sau chặng đi nhờ xe đến Mayenfeld, cô bé lại còn đi bộ mãi, dưới ánh nắng thiêu đốt, luôn phải lo nghĩ đến cuộc sống sắp tới của mình. Cô bé chỉ lấy lại được nghị lực khi gặp Pierre, cậu bé chăn dê và làm quen với núi non, với ông nội và căn nhà gỗ nhỏ xinh xắn, nơi từ đây sẽ trở thành chỗ ở mới của cô. Giờ đây, đã bớt xúc động, cô bé bắt đầu cảm thấy đói thực sự và cô rất mừng khi nghe ông nói thế.
Ông lão nhóm lửa, đun sôi chảo sữa. Sau đó ông dùng dĩa lấy ra một miếng pho mát và đưa qua đưa lại trên ngọn lửa cho nó mềm và vàng ra. Heidi nhìn ông làm, mắt sáng lên khi nghĩ đến bữa “tiệc” mà ông đang chuẩn bị cho mình. Miếng pho mát vàng ánh lên trên ngọn lửa và tỏa ra một thứ mùi làm người ta thòm thèm. Heidi mau mắn lau bàn và bày lên những gì có trong chiếc tủ lớn. Chẳng bao lâu sau bàn ăn đã dọn xong, trong chừng mực mà bát đĩa của ông lão cho phép. Quả thực, cô bé chỉ tìm được hai chiếc đĩa và hai con dao ăn. Khi quay lại, ông thật ngạc nhiên thấy mọi thứ đã đâu vào đấy.
– Ông chúc mừng cháu, cháu đã dọn bàn như một bà chủ nhà thực thụ.
– Nhưng cháu đã quên bày tách chén.
– Ông chỉ có một cái tách thôi, Heidi, nhưng cháu cứ giữ nó cho cháu. Ông sẽ dùng một chiếc cốc thủy tinh… ông rất hài lòng về cháu… Cháu muốn ngồi đâu? Ông chỉ có một chiếc ghế tựa thôi.
– Cháu sẽ ngồi trên chiếc ghế ba chân. – Cô bé nói.
– Thế thì cháu sẽ không với được tới bàn, chiếc ghế quá thấp. Này nhé, đây là chiếc ghế tựa của ông, cháu sẽ dùng nó làm bàn và ngồi lên chiếc ghế ba chân. Còn bây giờ, cháu hãy uống cốc sữa ngon lành này và thưởng thức món pho mát. Rồi cháu sẽ nói cho ông mọi chuyện.
– Cháu chưa từng bao giờ được ăn uống ngon như thế này, thưa ông!
– Cháu hãy uống thêm một cốc nữa, nó sẽ làm cháu khỏe ra.
– Cám ơn ông.
Ông lão và cô bé thật hợp nhau. Chẳng mấy chốc họ đã trở nên thân quen. Người ông, mừng rằng từ đây đã bớt cô đơn, tập làm quen với cô bé mà hẳn là ông sợ mình không xứng đáng. Còn Heidi, bản chất vui vẻ đã giúp cô bé luôn thích ứng được với những người mới gặp. Cô bé chỉ mới quen hơi bén tiếng cha mẹ thì đã phải sống với bà ngoại và dì để rồi tiếp đó trôi giạt vào nhà giữ trẻ của bà già Ursule ở Ragaz, trước khi đột ngột đến với ông nội. Một cách vô thức cô bé mong được sống yên ổn trong một tổ ấm thực sự. Chắc chắn đó là điều khiến cô bé vui sướng khi được đến ở căn nhà gỗ trên núi Alpe.
Trong lúc Heidi đang ăn nốt phần của mình, người ông xuống xưởng mộc và Heidi nghe thấy tiếng cưa gỗ và đóng đinh. Khi quay lại, ông chìa ra cho cô bé một chiếc ghế tựa hơi cao hơn chiếc ghế của ông một chút.
– Đây cho cháu. – ông nói.
– Ông vừa làm đấy ư, thưa ông?
– Ngay vừa rồi.
– Ôi! ông chỉ cho cháu xem ông làm thế nào nhé?
Và cô bé đi theo ông khắp nơi, để ý quan sát không sót một cử chỉ của ông. Hoàng hôn buông xuống, gió vàng thổi mạnh và lay chuyển cành những cây lãnh sam già.
– Tiếng gió nghe hay quá! – Cô bé thích thú nhảy lên reo.
Bỗng một tiếng huýt gió vang lên.
– Pierre đấy. – ông nói với Heidi đang đứng ngây ra. – Nó đưa dê về làng. Cháu nhìn kìa, chúng đấy.
Bầy dê đang nhốn nháo xuống núi và Pierre, cậu bé chăn dê, đi giữa bầy. Heidi bật reo lên mừng rỡ và vẫy chào những người bạn ban sáng. Tới gần căn nhà gỗ, đàn dê trở nên có trật tự hơn. Hai con dê xinh xắn, một con màu trắng và một con màu nâu tách ra khỏi hàng, chạy tới bên ông và liếm tay ông, bởi vì chúng biết rằng, tối nào cũng vậy, ông lão cũng đợi chúng về với một ít muối mà chúng rất thèm.
– Chào anh! – Heidi nói.
– Chào em! – Pierre đáp lại và tiếp tục đi xuống về phía làng Dorfli.
– Ông ơi, của ông đấy à, những con vật đáng yêu này?
– Phải, Heidi.
– Chúng ngủ ở đây à?
– Phải, Heidi.
Ông vắt sữa con dê trắng, đưa cho Heidi uống một cốc sữa nóng hôi hổi, rồi bảo cô bé đi ngủ.
– Chúc cháu ngủ ngon! – ông nói. – Đến giờ rồi!
– Chúc ông ngủ ngon… ông ơi! ông vẫn chưa cho cháu biết tên hai con dê của ông.
– Con trắng là Lili, con nâu là Biquette.
– Cám ơn ông.
– Dì cháu có để lại cho ông một bọc quần áo. Cháu cần gì thì cứ lấy. Ông để dưới chân tủ.
– Chúc ông ngủ ngon! Chúc ngủ ngon, Lili! Chúc ngủ ngon, Biquette!
Hai con dê đã vào chuồng. Heidi leo lên vựa cỏ, nằm xuống chiếc giường còn ám khói và chẳng mấy chốc đã ngủ thiếp đi, sung sướng hơn cả một cô công chúa. Khi cô bé đã đi ngủ, ông ra chuồng vuốt ve hai con dê một lần cuối cùng và lấy nước mới cho chúng uống. Ông sắp xếp lại xưởng mộc và đi rửa bát đĩa. Ông đứng dưới chân thang lắng nghe tiếng thở đều đều của đứa cháu nội, rồi cũng lên giường nằm. Khi ấy mới chập tối, nhưng ông lão có thói quen đi ngủ sớm để sớm hôm sau dậy được sảng khoái. Vào thời gian này trong năm, mặt trời luôn mọc rất sớm trên đỉnh núi.
Đêm ấy gió thổi rất mạnh. Gió lay chuyển căn nhà và làm cho các cành cây lãnh sam già.kêu rắc rắc. Gió rít trong ống khói mạnh đến nỗi làm cho ông lão thức dậy.
– Heidi chắc là phải sợ phát run. – ông tự nhủ.
Ông trèo lên vựa cỏ. Nhờ ánh trăng, ông có thể nhận thấy cô bé vẫn ngủ rất ngon lành. Đầu gối lên một cánh tay, cô bé hẳn là đang mơ vì thỉnh thoảng, một nụ cười thoáng hiện trên đôi môi hé mở.
– Tốt rồi. – ông nói, và xuống thang không một tiếng động, yên tâm trở lại giường nằm.