Hoàng tử bé
PHỤ LỤC
Tiểu sử Antoine de Saint-Exupery
Saint-Exupéry sinh năm 1900, mất năm 1944. Ông lớn hơn Albert Camus 16 tuổi) Nhà – văn – phi – công đại tài, trở thành trứ danh với cuốn Bay Đêm Vol de Nuit giải thưởng Fémina, 1931; trước đó đã có ra Tàu Thơ về nam Courrier Sud. Tiếp theo sau là Phi công Thời Chiến Pilote de Guerre, Hoàng Tử Bé Petit Prince, Cõi Người Ta Terre Des Hommmes…
Nhãng kỷ niệm của ông trong cuộc sống ở Sahara làm phấn phát tinh thần ông, linh cảm ông,
Và xui ông chọn lựa sa mạc như là chỗ đồng nhất quy lai của cái chốn cái nơi ông đi về.
Quy tụ toàn thể tư niệm tư tưởng suốt bình sinh một bình sinh chịu tử diệt để hồi sinh giúp đồng bào thiên hạ nhận thấy đâu là chỗ đi về của mọi hoạt thể lao – tứ, lao tâm. – “Gia đình, nhà cửa, nghề lao động, cuộc hòa đồng của nhân loại, và cuộc gắng gổ vô cùng tận để đạt tới một sự đồng cảm vượt xa cuộc hì hục bình sinh môt cá nhân…”
Tính cách nhân bản lạ lùng của ông đã giúp cho mọi người trong “bốn biển một nhà” bằng linh cảm (dự cảm) của tâm linh, nhận ra đâu là cứu cách tuyệt đối của những “cánh hồng bay bổng tuyệt vời…”
Cuộc tán loạn lưu ly xã hội Ầu Châu giữa trận hung tàn Đệ Nhị Thế Chiến, những khốc liệt mà ông đã chứng kiến ngay trên xứ sở ông, những biến cố kỳ lạ ông đã chứng giám, ngay trên đất Huê Kỳ, đã có tác dụng chuyển hướng những tư niệm của ông. Ông sang Huê Kỳ năm 1940 (tháng chạp). Ông rời New York đầu năm 1941… đi về California chữa bịnh… Trở về New York… Ông tiếp tục làm việc – ghi vào trong Hoàng Tử Bé bằng một ngôn ngữ tượng trưng – thơ mộng vô cùng, và xa thẳm vô cùng — Tất cả cái tiếng Hót của con Thiên Nga trước khi lìa cõi đời vĩnh viễn… (Có lẽ, nếu hoàn cảnh cho phép, chúng ta sẽ gặp lại Saint – Exupéry trong một vài tác phẩm khác) – Những tài liệu trên đây đều góp nhặt từ nhà Gallimard.
Bùi Giáng 1995
(trích từ “Hoàng Tử Bé” của NXB Văn Hóa – Văn Nghệ, 2011)
Thơ
Trung Niên tặng Saint-Exupéry
Ngậm ngùi từ biểu ngôn trưng
Âm dong tiếu mạo hình dung xa vời
(Mưa nguồn hòa âm
Nhật ký Nguyễn Du)
Chút gọi là
Giếng vàng cổ nguyệt vàng hoe
Nằm im suốt cõi vắng hoe tâm hồn
Chỉ sầu một chút cỏn con
Ấy sầu riêng chút cỏn con gọi là
Bóng hồng và cánh hồng
Bóng Hồng gieo bổng Cánh Hồng
Bên Quần Thoa mỵ Bên Hồng Hộc tung
Bên hồng quần bóng Liễu buông
Bên hồng hoang Nhạn giũ buồn Thiên Nga
Bên vùng
Bên vùng nước mọc lim dim
Giữa đêm thuyền đắm mộng chìm thênh thang
Luân hồi trở giấc dã man
Lên mùa ngọc diện dã tràng thu thanh
Bạch hồng hải điểu cầm canh
Phường xuân dị biệt chưa thành lối đi
Hồi sinh
Thưa em đời rộng đang chìm
Người trao kẻ giữ đứa tìm chưa ra
Hồi sinh hồng lệ trao quà
Từ bình nguyên rộng lại nhà thăm em
(Ngàn thu rớt hột)
*
Đắm
Thưa em đời rộng đang chìm
Người trao người giữ đứa tìm chưa ra
Giật mình lá cỏ tháng ba
Nghe mùa động đậy bên hoa một hàng
Đứa tìm ngõ chạy lang thang
Người trao đã chết theo tràng giang đi
Một chùm
Một chùm lá một chùm cây
Một chùm kết cụm mỏng dày ra bông
Một chùm trái đỏ sương đồng
Lắt lay cây giũ phiêu bồng nắng bay
Chùm bông tuyết mỏng ngân dài
Gieo vàng sa mạc vần xoay nghiêng mình.
Ngựa
Ngựa lên đường một ngả ba
Một dâng ngả bảy dàn xa ngả mười
Một rừng chở biển rút lui
Đầu dâng tóc rũ cho vui ý rừng
Ngựa lên đường, ý rưng rưng
Ngụ trong ý tứ ngựa mừng máu me
Ngất trời rợp tạnh bóng khe
Đầu dâng tóc lục cho khe gội vàng
Ngựa lên đường rẽ lối ngang
Ngụ trong ý ngựa dọc ngang tự mình
Ngất trời dâu biển nín thinh
Đầu dâng tóc loạn cho mình riêng vui
Ngựa lên đường rẽ lối xuôi
Ngụ trong ý ngựa trời vui hơn mình
Dậy trời ngất tạnh điêu linh
Đầu dâng tóc rối cho tình tự ren
Ngựa lên đường biến ra hoa
Ngụ trong ý ngựa hồn hoa dậy thì
Loạn trời cuồng đất dại mây
Đầu dâng tóc cụt cho ngây ngây người
Ngựa lên đường ngựa mất chân
Ngụ trong ý ngựa đất cần ngựa đi
Song trùng non biển chia ly
Đầu dâng tóc trục cho tỳ sương pha
Gò Công
Gò Công nhớ phố thị này
Ghi hình trùng ngộ dặm dài lang thang
Một lầm hai lỡ giữa trang
Còn trong ý gió lang thang bên ngoài
Những ngày lạnh rớt phai phai
Những ngày đầu ngõ vườn mai vắng người
Châu Đốc
Một hôm ở giữa một vùng
Một hàng cò trắng rẽ vào cụm mây
Về sau sự huống khôn tày
Đi về lãng đãng những ngày mù sương
Bước xa bờ cỏ xa đường
Cuối cùng lãng đãng về vườn mây bay
Em bé
Nhớ ngày hành cước phương xa
Gặp em bé nhỏ tên là lang thang
Ngủ yên xó chợ đầu đàng
Như đời ngủ giữa xó đàng biển dâu
Một hôm sự huống đi về
Trong cơm mộng dậy bên lề tang thương
Cầm tay em bé vô thường
Phất phơ rong ruổi dặm đường trùng lai
Một hôm đường thấy xuôi dài
Dòng xuôi lên ngược về ngay bên mình
Cầm tay em bé thình lình
Nằm yên ngủ giữa dị hình tang thương
Một hôm tang hải lên đường
Vấp chân người ngủ vô thường người nghe
Cầm tay em bé cuối hè
Đứng lên vỗ nhịp hội hè tang thương
Yêu nhau dọc suốt dặm đường
Chừng nghe dâu biển dặm đường đổi tên.
Bùi Giáng
(Gò Công Châu Đốc, Thu Đông 1973)
Tiểu sử Bùi Giáng
Bùi Giáng (1926-1998)
Nhà thơ, dịch giả và nghiên cứu văn học của Việt Nam, ông nổi tiếng từ thập niên 1960 với tập Mưa nguồn. Ông còn có các bút danh khác: Bán Dùi, Bùi Giàng Dúi.
Ông sinh ngày 17/12/1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Bố của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con thứ hai của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiền nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.
Sau khi học xong bậc tiểu học ở Trường Bảo An tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Bùi Giáng được gia đình cho ra Huế tiếp tục học ở Trường Trung học Thuận Hóa, đang học thì thế chiến thứ hai nổ ra, Nhật hất cẳng Pháp, rồi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành Chung.
Năm 1944, Bùi Giáng cưới vợ năm 18 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp, nhưng chỉ vài năm sau, bà bị bệnh, sinh non và cả 2 mẹ con cùng chết. Nhiều người cho rằng đây là 1 trong những lý do khiến Bùi Giáng bị điên từ lúc trẻ. Đó là lý do để trong thơ của ông sau này thường xuyên nhắc đến sự mất mát, sự chia ly, một hình bóng cũ: “Có hàng cây đứng ngóng thu/ Em đi mất hút như mù sa bay” hay những dòng thơ trên bia mộ của Bùi Giáng:
Đùa với gió, rỡn với vân
Một mình nhớ mãi gái trần gian xa
Sương buổi sớm, nắng chiều tà
Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu
Rồi Bùi Giáng theo kháng chiến. Năm 1950, khi có kỳ thi tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, Bùi Giáng dự thi và đậu Tú tài 2 văn chương. Ông qua Liên khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học đại học bằng cách đi bộ theo đường mòn trên núi hơn một tháng rưỡi trời. Nhưng khi đến nơi, không hiểu sao ngay trong ngày khai giảng, Bùi Giáng đã quyết định bỏ học để quay ngược trở về Quảng Nam rồi theo chân đàn bò rong ruổi khắp các vùng đồi núi 2 năm.
Tháng 5-1952, Bùi Giáng ra Huế thi lấy bằng tú tài để có thể vào Sài Gòn theo học ĐH. Nhưng một lần nữa ông lại bỏ học khi đọc danh sách các giáo sư giảng dạy ở ĐH Văn khoa. Sau sự cố này, Bùi Giáng không bao giờ đi học nữa.
Rồi Bùi Giáng chuyên tâm vào việc nghiên cứu, viết sách và sáng tác thơ văn. Những người thân cận cho biết ông đã về quê bán tất cả ruộng vườn được thừa kế để lấy tiền in sách.
Từ năm 1957, ông lần lượt cho ra đời một loạt sách giới thiệu về văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm…Ông nổi tiếng bởi tốc độ sáng tác nhanh: tập thơ Mười hai con mắt được ông sáng tác chỉ trong một đêm Noel năm 1992.
Từ năm 1962, Bùi Giáng liên tục cho ra đời nhiều đầu sách. Mỗi năm đều đều vài ba cuốn. Ông là một tác giả có tác phẩm in ra đứng vào hàng kỷ lục ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Sách của ông có thể chất thành chồng cao cả mét, thơ thì phải kể bằng đơn vị nghìn bài.
Năm 1969, tất cả sách vở cùng với nhà cửa của ông bị quân Giải Phóng thiêu trụi. Ông bị sốc nặng, từ đó trở đi ông là bệnh nhân quen thuộc của viện dưỡng trí Biên Hòa.
Sau năm 1975, ông không bị đi học tập cải tạo như nhiều văn sĩ miền Nam khác vì ông bị mắc bệnh tâm thần.
Từ 1975 trở đi ông vẫn tiếp tục sáng tác rất nhiều thơ, nhưng thời gian này ông có biểu hiện bệnh tâm thần nặng. Ông thường rong chơi nghịch ngợm ngoài đường với bộ đồ rách rưới, dơ dáy, nhiều lần bị công an bắt vì gây rối trật tự, cản trở giao thông.
Tháng 10 năm 1998, trong một lần đi chơi ông bị té làm chấn thương sọ não. Sau khi [2] hỏi ý kiến của nghệ sĩ Kim Cương ), bệnh viện chợ Rẫy quyết định mổ cho ông, song ông đã qua đời vào ngày 7-10-1998.
Người đời nói về ông
Gọi Bùi Giáng là “người thơ” tôi muốn xác tín hai điều: Bản chất thuần Việt của thi ca, tác phẩm ông và tính cách dân dã, bụi bặm, “bùi bàng giúi”, “búi bàng giùi”, “vân mồng”, “đười ươi thi sĩ” (1) gần gũi với quần chúng của ông. Trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại chưa từng sản sinh ra một trường hợp nào lạ lùng và độc đáo như vậy. (Nguyễn Hữu Hồng Minh)
Có rất nhiều những nhà trí thức triết gia, giáo sư và những nhà thơ, văn Việt Nam viết rất nhiều cõi văn chương tuyệt tác của thi sĩ Bùi Giáng, đều những khám phá, tán dương, ca ngợi một cách chân tình, trung thực. Trong thời gian gần đây có nhiều bằng hữu, đa số họ không ở trong giới sinh hoạt văn học nghệ thuật, vì yêu mến con người siêu lãng tử Bùi Giáng, lẫn thiên tài độc đáo của thi sĩ Bùi Giáng nên đã kể lại những giai thoại buồn vui đầy châm biếm, khí khái, rất tỉnh táo… của nhà thơ mà đa số quần chúng miền Nam một thời yêu mến. (Thái Tú Hạp)
Bùi Giáng, không chỉ là nhà thơ, mà đi xa hơn, ông chính là hiện thân của một “đạo thơ”, một “thi sĩ sinh ra giữa cỏ cây và sẽ chết đi giữa cỏ cây ly kỳ gây cấn”…
Sự nghiệp của Bùi Giáng tỏa rộng qua nhiều lĩnh vực, từ thơ, nghiên cứu phê bình, bình giảng, làm báo và dịch thuật. Nhưng có thể khẳng định thơ đã “can thiệp”, xuyên suốt và xuyên thấu qua hết mọi địa hạt của ông. Nói cách khác, cái lõi của vấn đề Bùi Giáng là “lõi thơ”. Không những Bùi Giáng dịch hay như làm thơ (tiêu biểu là các cuốn Ngộ nhận, Hòa âm của điền dã, Hoàng tử bé)… mà ông viết nghiên cứu cũng dào dạt mê cuồng như làm thơ (Tư tưởng hiện đại)… Ông lấy “thi tưởng” để “quán” hết mọi lẽ trong hành động. Vì thế mới có những nhận định về Bùi Giáng theo kiểu như của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, đó là “ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ”.
…ở thơ Bùi Giáng cũng là thái độ về lẽ biến hóa, vô thường đó. Ông là người kết hợp được những lý lẽ uyên áo, trầm mặc của tinh thần phương Đông với triết lý thực nghiệm, thực dụng của phương Tây nên càng về cuối đời, thơ Bùi Giáng càng có những cuộc đảo lộn dữ dội về ngôn ngữ, lật nhào cả những hệ thống quan điểm thơ mà gần như cả một đời ông xây dựng. (Nguyễn Hữu Hồng Minh).
Thơ đã xuất bản
• Mưa nguồn (1962)
• Lá hoa cồn (1963)
• Màu hoa trên ngàn (1963)
• Mười hai con mắt (1964)
• Ngàn thu rớt hột(1967)
• Rong rêu (1972)
• Thơ vô tận vui (1987)
• Mùa màng tháng tư (1987)
• Mùi Hương Xuân Sắc (1987)
• Đêm ngắm trăng (1997)
Dịch thuật
• Trăng châu thổ
• Hoàng Tử Bé
• Khung cửa hẹp
• Hòa âm điền dã
• Ngộ nhận
• Cõi người ta
• Nhà sư vướng luỵ
Nghiên cứu
• Tư tưởng hiện đại (1962)
• Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại (1963)
• Đi vào cõi thơ
• Thi ca tư tưởng
• Một vài nhận xét về bà huyện Thanh Quan
• Một vài nhận xét về Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm, quan Âm Thị Kính
• Vài nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần
• Sa mạc phát tiết (1965)
• Sa mạc trường ca (1965)
• Bài ca quần đảo (1969)
• Mùa thu trong thi ca
• Ngày tháng ngao du
Bùi Giáng tự ghi tiểu sử
Về bản thân mình, Bùi Giáng tự họa: “Nhe răng cười trong bóng tối… không bao giờ bắt chuồn chuồn mà cứ bảo rằng mình luôn luôn bắt chuồn chuồn… Không thiết chi đọc sách mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài… Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài… Chuốc sầu vạn đại thì bảo rằng mua vui cũng được một vài trống canh”.
Và đó là kẻ:
Kể từ khởi sự mọc răng
Đến bây giờ vẫn thường hằng chiêm bao.
Rồi:
Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi,
Đi lên đi xuống đã đời du côn!
Nhưng, có lẽ lời tự giới thiệu bằng thơ sau đây của ông mới là “tuyệt diệu hảo từ”:
Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu,
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa,
Gọi tên là một hai ba,
Ðếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.
Bùi Giáng tự ghi “tiểu sử”
Trong một tài liệu, Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng cho biết: Trưa ngày mùng 10 tháng 11 năm 1993, tại chùa Pháp Vân, Gia Định, Sài Gòn, Đại Lão Thi Sĩ Bùi Giáng đã tự tay chép vào cuốn sổ tay gửi lại chùa một bản “Tiểu Sử Tự Thuật” theo kiểu rất “Đười Ươi Thi Sĩ”, xin trích gửi bạn đọc vài mục ngộ nghĩnh như sau:
• 1926: được bà mẹ đẻ ra đời.
• 1928: bị té bể trán, vết sẹo còn nguyên kỷ niệm hai năm trời chết đi sống lại.
• 1933: bắt đầu đi học a, b, c…
• 1936: học trường Bảo An với thầy Lê Trí Viễn.
• 1939: ra Huế học tư thục với những thầy Cao Xuân Huy, Trần Đình Đàn, Hoài Thanh Nguyễn Đức Nguyên, Đào Duy Anh, vân vân..
• 1940: về Quảng Nam chăn bò.
• 1942: trở ra Huế, vì nhớ nhung gái Huế.
• 1949: nhập ngũ bộ đội công binh. Hai năm sau giải ngũ.
• 1952: vào Sài gòn
……
• 1965: nhà cháy mất trụi bản thảo.
• In vội vàng Sa Mạc Phát Tiết (An Tiêm)
……
• 1969: bắt đầu điên rực rỡ.
• 1970:
1. Lang Thang Du Hành Lục Tỉnh (Khách sạn Long xuyên Bà Chủ cho ở đầy đủ tiện nghi không lấy tiền).
2. Gái Châu Đốc Thương yêu và Gái Long Xuyên Yêu dấu.
3. Gái Chợ Lớn Khiến bị bịnh lậu (bịnh hoa liễu).
• 1971 – 75 – 93
Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang.
Rong chơi như hài nhi (con nít).
……
Bình sinh mộng tưởng vấp phải niềm thương yêu của Kim Cương Nương Tử, Hà Thanh Cô Nương và Mẫu Thân Phùng Khánh (tức Trí Hải Ni Cô).
Do đâu mà ra được như thế?
Đáp: Có lẽ đầu tiên kỳ tuyệt là do ân nghĩa bốn bề thiên hạ đi về tập họp tại Già Lam, Vạn Hạnh và Long Huê và Tịnh Xá Trung Tâm và Pháp Vân và xiết bao Chùa Chiền Miền Nam nước Việt, không biết nói sao cho hết…
(Nguồn: chungta.com, 2009)
[1] Ấy là ẩn ngữ mạt thể suy tư?
[2] Ngoài người vợ đầu, Bùi Giáng cũng có những đối tượng khác để yêu, để làm thơ, đặc biệt sâu đậm nhất là mối tình đơn phương nổi tiếng giành cho nghệ sĩ Kim Cương, để lại nhiều giai thoại.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.