Hoàng tử bé

XV.



Tinh cầu thứ sáu là một tinh cầu rộng hơn gấp mười lần. Có một ông già cư trú, ông ta viết những cuốn sách thật bự.

“Kìa một nhà thám hiểm!”, ông ta thốt lớn khi thoáng thấy hoàng tử bé.

Hoàng tử bé ngồi trên chiếc bàn, và thở có chiều hổn hển chút ít. Chàng đã du lịch nhiều biết mấy dặm đường!

“Chú từ đâu tới?” cái ông cụ già hỏi.

“Cuốn sách bự nọ là sách gì thế?”, hoàng tử bé hỏi. “Ngài làm chi tại đây?”

“Ta là nhà địa lý”, ông già nói.

“Nhà địa lý là gì?”

“Là một nhà bác học biết rõ biển khơi ở đâu, sông ngòi ở đâu, sa mạc ở đâu.”

“Cái đó nghe ra có mòi thích thú đấy, hoàng tử bé nói. Ừ! Đó mới là nghề nghiệp đích thực đó.”

Và chàng đưa mắt ngó bốn xung quanh một cái, nhìn khắp quả tinh cầu của nhà địa lý. Chàng chưa bao giờ nhìn thấy một tinh cầu uy nghiêm thế này.

“Thật là đẹp đó, cái tinh cầu của ông. Đây có đại dương không?”

“Ta không thể biết được điều đó, nhà địa lý nói.”

“A!” (hoàng tử bé thất vọng). “Còn núi rừng?”

“Ta không thể biết điều đó”, nhà địa lý nói.

“Còn những phố thị, còn những sông ngòi và sa mạc?”

“Ta cũng không thể biết được nốt”, nhà địa lý nói.

“Nhưng ông là nhà địa lý kia mà!”

“Cái đó đúng”, nhà địa lý nói, “nhưng ta đâu phải là nhà thám hiểm. Nhà địa lý đâu có phải là kẻ kê khai toán định những phố thị, những sông ngòi, những núi rừng, những đại dương và những sa mạc. Nhà địa lý quan trọng lắm, đâu có phải rỡn đâu mà lang thang phôi pha tháng ngày đìu hiu đi dạo! Nhà địa lý không rời bàn giấy của mình. Ngồi tại phòng giấy mà tiếp kiến các nhà thám hiểm. Nhà địa lý chất vấn họ, và ghi vào sổ những kỷ niệm của họ. Và nếu những kỷ niệm của một kẻ trong bọn họ xem ra có vẻ đáng lưu tâm, thì nhà địa lý liền cho người đi mở cuộc điều tra về đạo đức của nhà thám hiểm.”

“Để làm chi vậy?”

“Bởi vì một nhà thám hiểm nếu rủi mà y nói dối một cái, thì có phải là tạo ra bao nhiêu nhào đổ đảo điên trong sách vở của nhà địa lý hay không? Và sự tình ngổn ngang cũng vậy, nếu nhà thám hiểm là một tay ghiền rượu.”

“Tại sao vậy?”, Hoàng tử bé hỏi.

“Tại vì những bọn say rượu nhìn một ra hai. Do đó xui nhà địa lý lầm lạc theo, nhà địa lý ắt sẽ ghi hai ngọn núi tại một nơi chỉ có một ngọn núi mà thôi.”

“Tôi biết một kẻ”, hoàng tử bé nói, “nếu y làm nghề làm hiểm thì hỏng bét”.

“Có thể lắm. Thế nên, khi mà đạo đức của nhà thám hiểm xem ra có bề tốt đẹp, thì người ta làm một cuộc điều tra về sự khám phá của y”.

“Người ta sẽ đi xem xét?”

“Không. Như vậy phức tạp lắm. Người ta chỉ yêu cầu nhà thám hiểm đưa ra những bằng chứng. Nếu sự vụ vấn đề là sự khám phá một trái núi to, thì người ta đòi hỏi y mang về những hòn đá bự.”

Nhà địa lý đột nhiên có giọng kích động.

“Nhưng còn chú bé, chú từ xa tới! Chú là một nhà thám hiểm! Chú hãy mô tả cho ta nghe tinh cầu của chú ra sao!”

Và nhà địa lý, mở rộng cuốn sổ ra, cầm con dao gọt nhọn đầu cây bút chì. Ban đầu người ta ghi bằng bút chì những chuyện kể của những nhà thám hiểm. Người ta chờ đợi nhà thám hiểm đưa ra đủ bằng chứng rồi mới ghi lại bằng mực đen trên giấy trắng.

“Thế nào?” nhà địa lý chất vấn. “Thế nào? Ta khởi sự chứ?”

“Ồ! Nơi xứ sở tôi”, hoàng tử bé nói, “chẳng có gì ra trò, chẳng có gì đáng lưu ý lắm đâu, thật bé bỏng lắm. Tôi có ba ngọn hỏa sơn. Hai ngọn đương phun lửa, và một đã tắt. Nhưng ai biết đâu bao giờ.”

“Ai biết đâu bao giờ”, nhà địa lý nói.

“Tôi cũng có một đóa hoa.”

“Chúng ta không ghi chép hoa”, nhà địa lý nói.

“Nói nghe lạ chưa! Sao vậy? Hoa là cái xinh nhất!”

“Nhưng vì hoa vốn là phù du”.

“Sao gọi là phù du? Phù du nghĩa là gì?”

“Địa lý lục”, nhà địa lý nói, “là những cuốn sách quý nhất trong mọi thứ sách. Chúng chẳng thể trở thành trần hủ, lỗi thời, quá mối bao giờ. Ít khi có cái sự vụ một ngọn núi dời chỗ, di lịch địa điểm. Rất ít khi một đại dương cạn ráo hết nước. Chúng ta viết, chúng ta ghi chép những sự vật thiên thu, những sự vụ vạn đại, những sự kiện vĩnh viễn muôn năm, trường tồn tuế nguyệt.”

“Nhưng những ngọn hỏa sơn đã tắt, bất ngờ có thể tỉnh giấc trở cơn, phun lửa trở lại, hoàng tử bé ngắt lời. Sao gọi là “phù du”?”

“Dù hỏa sơn tắt, dù hỏa sơn phun lửa, thì cũng vậy thôi đối với thiên hạ, nhà địa lý học nói, cái đáng kể đối với chúng ta là trái núi. Trái núi thì không đổi dời.”

“Nhưng sao gọi là “phù du”?” hoàng tử bé lặp lại lần nữa, hoàng tử bé vốn là kẻ suốt đời không bao giờ đã chịu rút lui một câu hỏi, mỗi một khi đã nêu nó ra rồi.

“Phù du có nghĩa là “bị đứng trước hiểm họa sắp điêu tàn tiêu diệt?”

“Cố kỳ nhiên.”

“Đóa hoa của ta là phù du”, hoàng tử bé tự nhủ, “và nó chỉ có bốn chiếc gai nhọn để tự bảo vệ tấm thân trước cõi đời! Thế mà ta đã nỡ bỏ nó lại một mình nơi quê ta!”

Đó là niềm luyến tiếc ăn năn trở cơn lần thứ nhất trong tấm lòng hoàng tử bé, nhưng chàng thu lại can đảm:

“Ngài khuyên tôi nên đi viếng gì bây giờ?”, chàng hỏi.

“Hành tinh Địa cầu, nhà địa lý đáp. Địa cầu có một tiếng tăm tốt lắm đó… Nghe nói

đó là nơi thường xảy ra những sự vụ ly kỳ và thơ mộng phiêu bồng nhất vũ trụ.”

Và hoàng tử bé quay gót ra đi, mơ màng nghĩ tới đóa hoa cũ của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.