Hoàng tử bé
XXV.
“Người ta”, hoàng tử bé nói, “người ta họ cuốn thân vào trong những chuyến xe tốc hành, nhưng họ không còn biết nữa cái điều mình tìm kiếm. Thế rồi họ loay hoay quẩn quanh mãi…”
Và chàng nói thêm:
“Đó chẳng đáng chi đâu mà nhọc sức.”
Cái giếng chúng tôi mò tới gặp được, chẳng giống những giếng khác trong Sahara. Những giếng nước trong Sahara chỉ là những cái lỗ đơn sơ đào trong cát. Cái giếng này lại giống một cái giếng nơi thôn ở xóm làng. Nhưng tại đây chẳng có thôn làng nào cả, và tôi tưởng mình đang chiêm bao.
“Thật là kỳ dị”, tôi bảo hoàng tử bé, “mọi sự sẵn sàng cả: bánh xe ròng rọc, cái gàu và sợi dây…”
Chú cười, sờ vào sợi dây, nắm lấy và giật cho lăn bánh xe ròng rọc… Bánh xe ròng rọc rên siết một cái nghe như tiếng rên rỉ của một chiếc chong chóng cũ kỹ mòn mỏi đợi gió vắng thổi lâu ngày.
“Bác nghe thấy không”, hoàng tử bé nói, “chúng ta đánh thức cái giếng dậy, và nó ca hát đó…”
Tôi không muốn chàng ta phải nhọc sức.
“Để đó cho tôi”, tôi bảo, “chú thì nhỏ, mà nó thì bự quá.”
Chậm rãi, tôi kéo cái gàu lên tới bên mép giếng. Tôi đặt nó nằm yên ổn vững chắc tại đó. Trong tai tôi như còn nghe ngân dài tiếng ca của bánh xe ròng rọc và trong bóng nước còn rung rinh tôi nhìn thấy mặt trời run rẩy.
“Tôi khát thứ nước nọ”, hoàng tử bé nói, “cho tôi uống đi…”
Và tôi hiểu chàng đã từng tìm kiếm cái thứ gì!
Tôi nâng cái gàu nước lên ngang miệng chú bé. Chú uống, hai mắt nhắm lại. Cũng êm ái dịu dàng như hội là lễ ấy. Cái nước đó quả là cái gì khác hơn cái món ăn món uống. Nước đó phát sinh từ trận bước đi dưới vòm trời sao sáng, từ điệu ca của bánh xe ròng rọc, từ cuộc gắng sức của hai cánh tay tôi. Nó tốt cho trái tim lắm đó, cũng như một tặng vật. Thuở tôi còn bé, màu ánh sáng cây Noel, tiếng âm nhạc mi xa bán dạ, mối dịu dàng trên những làn môi mỉm cười, đã từng làm nên cái rõi rạng ngời bờ bến của Tặng vật Noel mà tôi đã đón nhận cho tuổi thơ mình.
“Những con người ta trong xứ sở của bác”, hoàng tử bé nói, “họ trồng trọt năm ngàn đóa hồng mọc chung trong một thửa vườn… và họ chẳng tìm ra cái mà họ tìm kiếm.”
“Họ chẳng tìm ra”, tôi đáp…
“Ấy thế mà cái họ tìm kiếm rất có thể được tìm ra trong riêng chỉ một đóa hồng hoặc trong một tí nước giọt.”
“Hẳn thế”, tôi đáp…
Và hoàng tử bé nói thêm:
“Nhưng con mắt nó mù. Phải tìm kiếm với cái trái tim.”
Tôi đã uống. Tôi hô hấp tốt lành. Cát, lúc bình minh, màu hồng vàng của mật. Tôi sung sướng trở lại rồi với cái màu mật dịu dàng ấy. Tại sao còn phải khổ não làm gì nữa ở trong lòng của cái trái tim…
“Bác cần phải giữ cái lời hứa”, hoàng tử bé nói dịu dàng, và trở lại ngồi xuống bên cạnh tôi.
“Lời hứa nào?”
“Bác biết đó… một cái rọ bịt mõm cho con cừu của tôi… Tôi có trách nhiệm với cái đóa hoa đó!”
Tôi rút trong túi áo ra những phác họa hình vẽ. Hoàng tử bé nhìn thấy thoáng một cái, thì cười một trận:
“Những cây cẩm quỳ của bác, chúng hơi giống những búp su đấy…”
“Ồ!”
Tôi, tôi đã hãnh diện xiết bao với những cây cẩm quỳ của mình!
“Con chồn của bác… những cái tai của nó… hơi giống những cái sừng một chút… và chúng dài quá đi!”
Và chú ta cười nữa.
“Chú bất công lắm, chú bé ạ, tôi chỉ có biết vẽ những con trăn khép bụng và những con trăn mở bao tử mà thôi.”
“Ồ! Không sao, cũng được đi cái đó, con trẻ thì chúng hiểu mà.”
Vậy là tôi nguệch ngoạc một cái rọ bịt mõm. Và lòng tôi se lại lúc trao cái rọ cho chú:
“Chú có những dự định gì tôi không rõ…”
Nhưng chú không trả lời. Chú bảo:
“Bác biết, cuộc rơi xuống Đất này… từ bữa tôi rớt xuống Trái Đất… mai đây là đầy năm…”
Rồi, sau một lúc im lặng, chú nói thêm:
“Tôi đã rớt xuống tại chỗ gần sát đây…”
Và chú đỏ mặt.
Và lần nữa, chẳng hiểu tại sao, tôi cảm thấy một mối sầu kỳ quặc. Tuy nhiên tôi buột
miệng hỏi:
“Vậy thì không phải do tình cờ mà cái bữa sáng hôm đó tôi được quen biết chú, cách đây tám ngày, không phải tình cờ mà chú dạo gót một mình như vậy, xa hàng ngàn dặm những miền đất đai người ta ở! Chú đã bước đi tìm lại cái chỗ đã rơi xuống?”
Hoàng tử bé lại đỏ mặt nữa.
Và tôi nói thêm, ngập ngừng:
“Có lẽ là bởi cái ngày kỷ niệm giáp năm?…”
Hoàng tử bé đỏ mặt lần nữa. Chú chẳng bao giờ đáp những câu hỏi, nhưng, khi người ta đỏ mặt, cái đó có nghĩa là “vâng ạ”, phải không?
“A! Tôi sợ…”
Nhưng chú đáp:
“Bây giờ bác phải làm công việc đi. Bác phải quay trở lại với cái máy đi. Tôi chờ bác tại đây. Tối mai bác trở lại đây…”
Nhưng tôi không an lòng. Tôi nhớ lại con chồn. Người ta có thể sa vào trong từng cơn rơi lệ nếu người ta từng đã để cho một ai đó tuần dưỡng cõi lòng mình…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.