Học Cách Tiêu Tiền

2. Vấn đề thực sự của bạn



Điều gây sốc lớn

Bạn không có vấn đề về tiền bạc.

“Tôi không có tiền, với tôi đó là cả một vấn đề.”

Việc không có tiền là hệ quả của tất cả những vấn đề khác của bạn. Bạn đang có vấn đề về tư tưởng. Những vấn đề về thái độ, về lòng tự trọng. Bạn thật lười biếng. Bạn không có nguyên tắc. Bạn không có mục tiêu. Bạn không chú tâm vào những việc ưu tiên của mình.

Vấn đề lớn nhất của bạn không phải là trong ví hay trong tài khoản ngân hàng của bạn có bao nhiêu tiền. Vấn đề lớn nhất là ở chính suy nghĩ của bạn. Bạn sẽ giải quyết được vấn đề tiền bạc khi bạn giải quyết được những vấn đề khác. Đó là những điều chúng ta sẽ bàn đến ngay sau đây.

 

Hãy quản lý cách chi tiêu của mình để làm giàu

“Larry, điều này nghe chẳng khôn ngoan chút nào. Anh không thể quản lý cách chi tiêu của mình để làm giàu được. Chi tiêu không phải là nguyên nhân khiến tôi khánh kiệt!”

Không phải đâu. Chính chi tiêu đã khiến bạn bị khánh kiệt đấy. Chi tiêu vào những thứ không cần thiết đã khiến bạn lâm vào cảnh túng thiếu. Khi bạn học cách chi tiêu hợp lý thì bạn sẽ giàu có.

“Hầu hết mọi người đều biết cách kiếm tiền nhưng không phải ai cũng biết cách tiêu tiền!”

—Henry David Thoreau

Tôi từng nói chuyện với một cặp vợ chồng trong chương trình Big Spender, người vợ có tủ quần áo trị giá 600 nghìn đô-la. Đó không phải là do lỗi in sách đâu bạn ạ. Cô ấy có tủ quần áo, dày dép và túi xách trị giá 600 nghìn đô-la. Cô ấy có tới hơn 400 đôi giày hàng hiệu và ba ngăn tủ đầy quần áo được chia theo các nhãn hiệu thời trang khác nhau! Cặp vợ chồng này không có nhà ở của riêng mình. Họ tiêu tốn nhiều tiền hơn khoản họ kiếm được. Tình hình tài chính của họ rất thảm hại. Vì tiết kiệm tiền để mua nhà, họ phải sống nhờ nhà mẹ cô ấy, trong khi mẹ cô ấy sống cùng với bà ngoại. Nhưng họ lại tiêu tất cả số tiền mà họ dành dụm được để mua nhà vào những đôi giày và những bộ quần áo hàng hiệu, không một thứ nào có ý nghĩa lâu dài cho cuộc sống cả. Đáng lẽ họ phải trả 200 nghìn đô-la tiền thuê nhà mỗi năm nhưng họ lại không mất khoản tiền đó. Vậy mà họ chẳng để dành được chút nào để mua một ngôi nhà cho riêng mình. Việc tiêu pha không “giết chết” túi tiền của bạn nhưng tiêu tiền vào những thứ vô bổ thì hoàn toàn có thể.

“Hãy giữ chiếc ví trong tầm kiểm soát của bạn, hoặc bạn sẽ bị ngập đầu trong những món đồ vô bổ.”

Tôi biết, chi tiêu là một phần tất yếu trong cuộc sống. Đối với tôi cũng vậy, tôi không bao giờ ngừng chi tiêu ngay cả khi tôi hoàn toàn khánh kiệt và phá sản. Thế nhưng, tôi không tiêu tiền vào những thứ không có giá trị cho tương lai. Ăn nhà hàng? Chúng tôi không đi lâu rồi. Mua sắm quần áo mới? Chúng tôi không làm việc đó. Truyền hình cáp? Chúng tôi không sử dụng từ lâu. Hai vợ chồng tôi thống nhất rằng, chúng tôi sẽ chỉ tiêu tiền vào một việc duy nhất, đó là: để trở nên khôn ngoan, sáng suốt hơn. Tôi đã mua rất nhiều sách. Tôi có thể bỏ qua một bữa ăn, không xem tivi, nhưng tôi không thể bỏ qua một vụ đầu tư phát triển trí tuệ của mình. Tôi biết rằng đầu tư cho thành công sẽ cho kết quả tốt đẹp. Và đúng như vậy. Sau 20 năm và với gần bốn nghìn cuốn sách, tôi đã học hỏi được nhiều điều! Học tập không phải là một khoản chi tiêu, đó là một khoản đầu tư dài hạn.

 

Nhà triệu phú “ba mươi nghìn đô-la”

Khi còn là một cậu bé, tôi đã dành dụm từng đồng xu một để mua mấy chú cá cảnh nước mặn từ một mẩu quảng cáo trên bìa sau một quyển truyện tranh. Trông chúng rất đáng yêu – những sinh vật nhỏ bé hạnh phúc, vui vẻ và bơi tung tăng dưới làn nước. Tôi (và hàng triệu cậu bé khác) đều khám phá ra rằng những sinh vật bé nhỏ tuyệt vời nơi biển khơi mà chúng tôi đang mong mỏi có được chỉ là một con tôm nước mặn bẩn thỉu bơi lung tung trong một bình nước bẩn không hơn không kém. Tôi đã rất thất vọng nhưng tôi cũng học được một bài học quý giá. Mọi thứ không giống như những gì được quảng cáo.

Còn đây là câu chuyện của một nhà triệu phú “Ba mươi nghìn đô-la”. Chắc bạn biết kiểu triệu phú này: một gã kiếm được 30 nghìn đô-la mỗi năm. Anh ta luôn cố gắng để có vẻ bề ngoài và có cuộc sống giống như một nhà triệu phú. Anh ta có một công ty làm ăn tốt, một cặp kính râm giá 300 đô-la và đỗ chiếc xe AMC Gremlin của mình trên phố trước một quán bar sang trọng dành cho giới sành điệu, và giá cả cao nhất trong thành phố, rồi đi vào như thể anh ta sở hữu quán bar đó. Khi thanh toán, anh ta rút chiếc thẻ MasterCard ra để gây ấn tượng với những người xung quanh. Đúng như câu nói: “Trăm voi không được bát nước xáo.”

Nhà triệu phú “Ba mươi nghìn đô-la” luôn cố gắng thể hiện mình là một người giàu có hơn là làm việc để trở thành triệu phú thực sự. Chỉ khi anh ta nỗ lực kiếm tiền như cố gắng tỏ ra là người giàu có thì mong muốn là triệu phú của anh ta mới trở thành hiện thực.

 

Theo đuổi tiền

Giống như trong một bộ phim về tội phạm, hoạt động chính trị hay một âm mưu giết người, mục đích chính trong những trường hợp này thường là “tiền bạc”. Tiền cho chúng ta thấy điều gì thực sự có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời của bất cứ ai. Bạn có biết cách chi tiêu của bạn và những vật dụng bạn mua nói lên điều gì về bạn không?

Một lần, khi làm việc với một gia đình, tôi đã hỏi người cha rằng anh có yêu quý con trai của mình không? Anh ta khẳng định điều đó là đương nhiên. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi nói với anh ta rằng tình yêu anh ta dành cho những điếu thuốc lá còn lớn hơn tình yêu anh ta dành cho con trai, vì anh ta tiêu tốn cho thuốc lá nhiều hơn khoản anh ta đầu tư cho tương lai khỏe mạnh của con trai anh ta. Sau đó tôi cầm lấy bao thuốc lá của anh ta, ném xuống sàn nhà và giẫm nát chúng dưới đôi giày cao bồi của mình. Anh ta đã sốc khi nghe thấy những điều tôi nói! Tôi thích điều đó. Và tôi đã đúng. Những gì bạn cho là quan trọng đối với bạn đều không quan trọng, hành động của bạn luôn cho tôi thấy một sự thật ngược lại. Khi theo đuổi tiền bạc, bạn sẽ biết một người thực sự yêu thích cái gì.

Nếu bạn tiêu hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn đô-la vào việc mua sắm để khẳng định rằng bạn trông thật đẹp và thời trang thì chứng tỏ vẻ bề ngoài rất quan trọng đối với bạn. Điều đó tốt thôi, nếu bạn có điều kiện. Nhưng nếu bạn làm việc đó thay vì mua sắm những vật dụng có ích hay tiết kiệm tiền cho tương lai, hay đầu tư cho việc học hành của con cái, tức là bạn đã đảo lộn thứ tự những điều quan trọng trong cuộc sống của bạn.

Tôi đã hỏi một anh chàng đang nợ nần chồng chất rằng điều gì quan trọng đối với anh ta. Anh ta trả lời: “Vui vẻ, gia đình và vợ.” Tôi băn khoăn tại sao anh ta lại có vấn đề khó khăn? Anh ta ưu tiên sự vui vẻ hơn tất cả mọi thứ trong cuộc đời mình. Và đó chính là nơi anh ta đã đổ tiền vào. Anh ta nợ tiền cho vay hỗ trợ sinh viên, nợ tiền người thân trong gia đình và nợ tiền rất nhiều người khác nữa; vậy mà anh ta vẫn không ngừng tiêu tiền vào đồ đạc, vào những chiếc tivi màn hình plasma và những buổi tiệc tùng với những người bạn thân của mình, thậm chí anh ta chưa bao giờ lo lắng về cái túi đựng đầy hóa đơn thanh toán của mình.

Tôi biết một cặp đôi khác đã tiêu tốn 70 nghìn đô-la cho đám cưới của mình. Sau đó, họ phải dùng đến số tiền dành dụm mua nhà trong ba năm để thanh toán cho bữa tiệc đám cưới đó cùng những hóa đơn thẻ tín dụng khác nữa. Tôi nói với họ rằng trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày cưới của họ, họ có thể bật sâm-panh và uống mừng về việc cuối cùng họ cũng đã thanh toán hết các khoản mà họ đã chi cho việc tổ chức đám cưới.

Bạn nghĩ rằng tôi phản đối những đám cưới đắt đỏ và ấn tượng ư? Không hề, nhưng đối với cặp đôi đó, số tiền họ tiêu tốn cho đám cưới vượt quá khả năng tài chính của họ. Một ngày hạnh phúc cùng với vài bức ảnh đẹp và rồi sau đó là 30 năm trả nợ thật không đáng chút nào.

Bạn phải sắp xếp thứ tự ưu tiên của mình trước khi lập kế hoạch chi tiêu. Bạn cần viết ra danh mục liệt kê chính xác những điều quan trọng nhất đối với bạn. Bạn đã có danh mục này chưa?

“Tôi không có.”

Bạn đang có vấn đề rồi đấy! Bạn không có danh mục liệt kê. Chúng ta chuẩn bị sắp xếp lại nó bây giờ đây. Bạn hãy lập một danh sách những điều quan trọng với bạn. Hãy viết ra tất cả những gì bạn nghĩ là thực sự quan trọng trong cuộc sống của bạn nhé.

ĐIỀU GÌ QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI BẠN?

Rất tốt, đó là những điều quan trọng trong cuộc sống của bạn. Giờ đây, bạn hãy xem lại những hóa đơn mua hàng và viết những thứ bạn đã bỏ tiền ra mua. Sau đó, bạn sẽ biết điều gì thực sự quan trọng đối với mình.

Bạn thấy có sự khác biệt nào giữa hai danh mục liệt kê trên không? Giờ bạn đã sẵn sàng để sắp xếp lại các hành động của mình theo thứ tự ưu tiên chưa?

 

Làm giàu dễ hơn bạn nghĩ

Đây là cách tôi đã làm: Tôi quyết định phải làm giàu.

Tôi đưa ra quyết định này năm 13 tuổi. Lúc đó tôi đang học lớp tám, tôi thường mặc chiếc quần bò màu xanh sẫm đi học. Nó không phải là chiếc quần hiệu Levi’s giống như của những cậu bạn trong lớp. Nó là chiếc quần hiệu Roebucks. Bạn có biết cái tên Roebucks không? Hầu hết mọi người chưa từng nghe nói đến nó. Nó là nhãn hiệu quần bò của những năm 1960 trong hệ thống cửa hàng bán lẻ Sears. Cha tôi làm việc cho Sears, Roebucks và ông được hưởng chế độ mua giảm giá, vì vậy tôi phải mặc loại quần bò rẻ nhất mà chúng tôi có thể mua được với mức chiết khấu cao. Cha mẹ tôi chỉ có thể sắm cho tôi một chiếc quần bò mà thôi.

Chiếc quần bò của tôi có một vết mài rách trên một bên túi. Vấn đề là ở chỗ, chính vết mài rách đó đã thể hiện rằng tôi chỉ có một chiếc quần bò. Rồi một ngày, một trong những đứa bạn cùng lớp nói với tôi rằng: “Winget, hình như ngày nào cậu cũng chỉ mặc có một cái quần thôi. Cậu không thể mua thêm một cái quần bò nữa à?”. Cậu bạn đó nói trước mặt rất nhiều người và quan trọng nhất là có rất nhiều bạn gái mà tôi chưa làm điều gì để lại ấn tượng cả. Tôi cố gắng cười phá lên và nói rằng tôi có rất nhiều quần bò và bằng mọi cách, tôi đã mài xé để tất cả chúng có cùng vết rách giống nhau. Nhưng tôi vẫn nghèo. Tôi biết điều đó và mọi người cũng biết điều đó. Cha mẹ tôi là những người tuyệt vời và họ luôn cố gắng làm những việc có thể cho tôi; nhưng điểm mấu chốt, tôi vẫn là một thằng bé nghèo chỉ có một chiếc quần bò xanh mặc đến trường hàng ngày. Tôi ghét điều đó. Tại thời điểm đó, khi còn học lớp tám trường trung học cơ sở Alice Robertson, ở Muskogee, Oklahoma, Larry Winget đã quyết định rằng mình sẽ trở nên giàu có. Mặc dù tôi vẫn chưa có ý tưởng cụ thể gì về việc làm giàu như thế nào, nhưng tôi biết tôi sẽ làm bất cứ điều gì để không rơi vào cảnh nghèo túng một lần nữa. Tôi không thể chịu đựng được cảm giác bẽ bàng của sự nghèo túng và để người khác biết về tình cảnh của mình. Quyết định đó đã định hướng cuộc đời tôi. Hiện tại tôi đã giàu có. Tôi đã mất hơn 30 năm để biến điều đó thành hiện thực.

Sau khi đưa ra quyết định làm giàu, tôi bắt đầu hành động. Tôi đã định hình trong tâm trí mình giàu có là thế nào, cảm giác giàu có và mùi vị của nó ra sao. Tôi viết mọi thứ ra giấy. Tôi lập các danh mục chi tiết về cuộc sống sau này của tôi như thế nào, về những gì tôi muốn có. Tôi khẳng định đó là sự giàu có. Điều đầu tiên tôi nói vào mỗi buổi sáng là: “Tôi hạnh phúc. Tôi khỏe mạnh. Tôi giàu có.” Bây giờ tôi vẫn làm vậy. Tôi đánh dấu mọi thành công của mình. Tôi dừng việc tập trung vào những gì tôi không có, mà tập trung vào những gì tôi đang có. Dù không có nhiều, nhưng tôi luôn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để cải thiện tình trạng đó và có được nhiều thứ hơn. Và điều giúp bạn tiến lên phía trước mà hầu hết mọi người đều không sẵn sàng thực hiện đó là làm việc, làm việc chăm chỉ. Làm việc vì bản thân bạn và vì cuộc đời bạn.

Khi học đại học, tôi đã làm thêm vài việc để kiếm tiền. Tôi giâm cành cây cảnh và bán chúng trên đoạn đường gần nhà vào những ngày cuối tuần. Tôi còn móc dây chỉ nhiều màu sắc thành những chuỗi trang sức để bán nữa. Các đầu ngón tay của tôi bỏng rộp vì tôi móc dây làm đồ trang sức quá nhiều. Tôi còn trực điện thoại từ 10 giờ tối đến 7 giờ sáng. Sau đó, tôi mất một giờ để lái xe đến trường và học từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Tôi về nhà và chợp mắt khoảng hai tiếng, sau đó dậy và làm bài tập, rồi làm vòng trang sức trong khoảng hai giờ đồng hồ. Tôi có đang khoác lác không vậy? Đôi chút thôi. Tôi tự hào về điều này, về những việc tôi đã làm. Tôi đã rất chăm chỉ và nỗ lực. Tôi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, nhiều lúc muốn nổ tung. Nhưng tôi luôn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có được nhiều thứ hơn trong cuộc sống. Khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng tôi chưa bao giờ quá giỏi để làm bất cứ việc gì để thay đổi hoàn cảnh của mình. Có nhiều người đã làm được nhiều hơn tôi và vượt qua những hoàn cảnh tồi tệ hơn tôi để trở nên giàu có. Hãy dừng việc suy nghĩ rằng bạn khác, hay câu chuyện của bạn không giúp bạn trở nên giàu có. Câu chuyện của bạn, không tính đến nó có thể tệ như thế nào, thì nó cũng không phải là độc nhất vô nhị.

Tôi có thể cá rằng hiện giờ bạn đang thất vọng phải không? Bạn mong muốn nhiều hơn là việc có một gã nào đó nói với bạn rằng hãy quyết định trở nên giàu có, hãy gạt bỏ con người lười biếng trong bạn, hãy đứng lên và hành động để đạt được mục tiêu. Bạn muốn có một chiến lược làm giàu nhanh chóng. Nhưng tôi không có thứ đó. Tôi chỉ đơn thuần muốn giàu có, tôi quyết định mình phải trở nên giàu có và tôi sẵn sàng làm việc thật chăm chỉ và nhiều đến mức cần thiết để biến điều đó thành sự thật.

 

Tại sao Quan trọng hơn Làm thế nào!

“Một người luôn băn khoăn tìm câu trả lời cho câu hỏi ‘tại sao’ trong cuộc sống có khả năng giải quyết hầu hết những câu hỏi ‘làm thế nào’.”

—Friedrich Nietzsche

Trong phần hai của cuốn sách này, bạn sẽ học được phương pháp để xác định các mục tiêu của mình. Tôi sẽ cung cấp cho bạn các bước để biến chúng thành hiện thực. Nhưng nếu chỉ biết “làm thế nào” mà không biết “tại sao” thì chỉ có thể tạo ra một chút ít khác biệt mà thôi! Tại sao là động cơ, là sự khích lệ và là điều khiến bạn luôn gắn bó theo đuổi công việc ngay cả khi bạn không thích nó. Làm thế nào là công việc. Tại sao là lý do để làm công việc đó.

Tại sao tôi giàu có? Tôi đã nợ bản thân tôi sự giàu có. Tôi đã nợ gia đình tôi điều kiện sống đầy đủ. Tôi muốn giàu có. Tôi biết tôi có thể biến điều đó thành hiện thực. Tôi không muốn bẽ mặt vì có ít hơn những gì tôi có thể có. Tôi muốn biết rằng tôi có thể đạt được bất cứ điều gì mà tôi quyết định đạt được. Tôi muốn sống sung túc hơn gia đình tôi trước đây. Tôi muốn đi du lịch, ở trong những khách sạn sang trọng và dùng bữa ở những nhà hàng nổi tiếng. Tôi muốn mua sắm tại những cửa hàng xa hoa và lái những chiếc xe làm người khác sửng sốt. Tôi muốn những đứa con của tôi được học ở bất kỳ ngôi trường nào chúng thích. Tôi muốn vợ tôi có bất cứ thứ gì cô ấy thích. Tôi muốn có một ngôi nhà mà những người khác nhìn vào phải trầm trồ. Tôi muốn mình có thể giúp đỡ những người khác bằng việc làm từ thiện theo trái tim mách bảo. Đây chỉ là một lượng rất ít những “tại sao” của tôi thôi. Còn bạn thì sao?

TẠI SAO BẠN MUỐN GIÀU CÓ?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.