Học Cách Tiêu Tiền

PHẦN III. HÃY CHỨNG TỎ BẠN CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ – 8. Trò chuyện với những người bạn thân giàu có của Larry



Bạn có cảm thấy mệt mỏi với những gì tôi nói không? Thậm chí có thể bạn không tin tôi. Bạn có muốn biết bằng chứng thứ hai cho những gì tôi nói không? Điều đó hoàn toàn công bằng mà. Tôi đã gọi cho một vài người bạn giàu có của mình để hỏi cách họ đạt được điều đó và đề nghị họ chia sẻ những bài học của họ. Bạn nên làm những điều tương tự như vậy. Hãy gọi cho một vài người bạn thực sự giàu có của mình và đề nghị họ chia sẻ cách thức làm giàu. Hãy đợi đã, bạn không có bất kỳ người bạn giàu có nào ư? Nếu bạn giàu có thì chắc rằng bạn sẽ có những người bạn giàu có!

Tôi đã chọn ra năm người để trò chuyện vì một lý do là: Không ai trong số họ giàu có một cách nhanh chóng cả. Họ đều khởi đầu từ hai bàn tay trắng và giờ họ đều trở thành triệu phú. Tất cả họ cũng từng bị khánh kiệt, tuyệt vọng nhưng họ đã tìm ra cách để lật ngược tình thế. Tôi khâm phục xuất phát điểm của họ và cách mà họ đạt được vị trí hiện giờ của mình. Bạn hãy quan sát để tìm ra sự tương đồng vì mỗi người có một câu chuyện khác nhau.

 

JOE – Diễn giả chuyên nghiệp, tác giả, doanh nhân, giám đốc khách sạn, nhà đầu tư bất động sản

Giống như tôi, Joe lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó và nay trở thành một trong số những chuyên gia tư vấn kinh doanh và diễn giả thành công nhất nước Mỹ.

Joe lớn lên tại một trang trại nhỏ nuôi bò sữa và trồng cây thuốc lá ở bang Tennessee. Anh ấy chia sẻ với tôi rằng anh ấy từng nghèo túng nhưng thời điểm đó, anh ấy không thực sự nhận ra điều đó. Anh ấy mặc quần áo cũ của các anh trai để lại. Mẹ anh ấy chỉ mua hàng tạp hóa và thực phẩm giảm giá. Còn gia đình anh ấy chưa một lần đi du lịch ở đâu cả.

Hồi học lớp năm, anh ấy thích đọc sách và bắt đầu đọc các cuốn sách về James Bond của Ian Fleming. Anh ấy không quan tâm nhiều đến các ngón nghề điệp viên trong các cuốn sách đó lắm. Anh ấy quan tâm nhiều hơn đến những nơi diễn ra các câu chuyện trong cuốn sách đó. Anh ấy đọc về du lịch và đặt mình vào phong cách sống thượng lưu ở những thành phố lớn như Nassau, New York, Paris và Monte Carlo.

Trong suốt những năm trung học, Joe thường bỏ học và lái xe đến Nashville, cách nhà anh ấy chừng 30 dặm, chỉ để được đi qua nhà người hàng xóm giàu có ở thành phố đó – Belle Meade. Một cậu bé 16 tuổi tay trắng, từ một thị trấn nhỏ, bỏ học chỉ để được nhìn thấy những ngôi nhà to lớn, đắt tiền. Nhưng hơn cả những ngôi nhà đẹp đẽ và việc du lịch đến những nơi tuyệt vời ở nước ngoài, với Joe, tiền đem lại sự tự do và thoát khỏi những mối lo toan hàng ngày. Cha mẹ anh thường xuyên phải lo lắng về tiền trong suốt cuộc đời họ, Joe không hề muốn có một cuộc sống như vậy chút nào.

Trong thời gian học đại học, Joe đã thi đạt chứng chỉ về chính trị học. Anh đã làm rất nhiều công việc, như nhân viên văn phòng tại Hạ viện, sắp xếp lịch biểu diễn cho các ban nhạc tại câu lạc bộ vào buổi tối, và cuối cùng trở thành một nhân viên bất động sản. Anh thừa nhận mình rất ghét việc bán nhà. Tuy nhiên, một ngày khi tham dự một cuộc hội thảo về mua bán bất động sản và lắng nghe Tom Hopkins – một trong những tên tuổi lớn của giới đào tạo bất động sản và diễn giả chuyên nghiệp lúc đó – nói chuyện. Trong khi lắng nghe Tom, Joe đã nghĩ về công việc cũng như cuộc sống của ông: đi khắp mọi nơi để tổ chức những cuộc hội thảo và tận hưởng những khoảng thời gian thật đẹp đẽ. Anh quyết định rằng đó là những gì anh muốn làm trong tương lai.

Joe đã mất hơn hai năm để chuẩn bị, một ngày anh quyết định từ bỏ công việc của mình và bắt đầu đến gõ cửa từng nhà, cố gắng thuyết phục mọi người như thể mình là một nhà diễn thuyết thực sự. Khi có người hỏi anh đang nói về vấn đề gì vậy? anh chỉ trả lời bằng một câu hỏi: “Ngài thực sự muốn gì ạ?”. Nếu anh có thời gian để đọc một hay hai quyển sách về bất kỳ vấn đề nào, anh có thể kết hợp chúng lại để tổ chức một cuộc thảo luận về vấn đề đó. Một vài người trách mắng Joe về việc anh đang cháy túi nhưng lại lãng phí thời gian vô ích, nhưng anh thật sự đang làm việc để kiếm sống. Như hầu hết những người mới kinh doanh nhỏ khác, Joe cố gắng hết sức để sống với khoản tiền ít ỏi mà mình kiếm được, anh thậm chí chẳng tiết kiệm được chút nào để trả tiền thuế cả. Vì thế, cuối năm đó anh nhận thấy mình, như anh diễn tả, “nằm trên sàn nhà trong tư thế của thai nhi, với tấm hóa đơn thuế trước mặt mà tôi biết mình không có cách nào để trả.” Dù đã tìm đủ mọi cách, Joe vẫn mắc kẹt với vấn đề này. Nhưng anh quyết tâm không từ bỏ, vì vậy mọi thứ cuối cùng cũng được giải quyết.

Joe nói với tôi rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất trong câu chuyện thành công của anh ấy là việc anh quyết định mình phải luôn chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh. Phương pháp mà anh thuộc nằm lòng trong công việc chính là: “Biết nhiều hơn, trở nên nhanh hơn, và phục vụ khách hàng chu đáo hơn đối thủ cạnh tranh”. Khi một công ty xét tuyển vị trí tư vấn/ diễn thuyết, những đối thủ của anh thường gửi đơn xin việc bằng thư điện tử, hoặc qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Trong khi Joe cọ hai đồng 5 xu vào nhau, mua một vé máy bay và tự mình chuyển đến công ty đó. Chính vì vậy anh luôn nhận được công việc. Joe làm việc chăm chỉ hơn, học hỏi nhiều hơn và anh luôn bị thôi thúc với ý nghĩ mình phải trở nên tốt hơn những người khác.

Vào thời điểm đó, công việc chính của Joe là nói chuyện với những nhân viên của một loạt hệ thống trường học tại thành phố Mountain, bang Tennessee. Buổi diễn thuyết có thể diễn ra trong phòng thể thao của trường trung học dành cho các giáo viên, hay ở những quán cà phê trước những người công nhân, những người giúp việc, những tài xế tắc xi – tất cả mọi người. Anh kiếm được 300 đô-la mỗi ngày và anh cảm thấy rất tự hào vì điều đó. Joe chia sẻ: “Tôi cứ mê mải làm việc trong những khách sạn xập xệ, bẩn thỉu; ăn đồ ăn nhanh và trải qua nhiều đêm xa nhà. Tôi cứ bền bỉ như vậy. Không có gì hơn cả. Trừ việc học hành. Tôi đã đọc mọi thứ, mọi loại sách báo và đến giờ tôi vẫn giữ thói quen đó; từ tạp chí kinh doanh The Wall Street Journal, đến tạp chí âm nhạc, tạp chí thời trang Architectural Digest, The Economist”. Có nhiều ngày, Joe đọc như nuốt từng chữ năm loại báo khác nhau mà cộng lại chúng có thể xếp thành chồng.

Joe kể với tôi rằng, anh không bao giờ lập một kế hoạch kinh doanh cụ thể, nhưng anh vẫn luôn đạt được các mục tiêu của mình. Anh biết chắc chắn mình muốn điều gì trong cuộc sống để hướng đến và gắn mình vào với nó cho đến khi anh giành được nó.

Giờ đây, Joe là một trong những người có thu nhập cao nhất và là diễn giả thành công nhất nước Mỹ. Anh thường xuyên đến những địa điểm mà anh đã đọc trong những cuốn tiểu thuyết của Ian Fleming khi còn nhỏ, và sống trong những ngôi nhà to lớn đắt tiền ở Nashville như những căn nhà anh đã từng bỏ học và lái xe đến ngắm nhìn.

 

JOHN – Nhân viên bảo hiểm, tư vấn tài chính

John sống ở Fort Worth, Texas. Cha anh là một thợ xẻ đá, ông làm việc cả tuần để dành tiền hỗ trợ cho công việc giảng đạo không thu phí của mình vào ngày Chủ nhật. Anh kể với tôi rằng cả gia đình anh không ai quen biết một người giàu có nào và mọi người đều làm ra vẻ cho rằng người giàu có là những người đầy tội lỗi.

Hàng ngày, John làm việc cùng cha sau giờ tan học và sáu ngày một tuần trong suốt kỳ nghỉ hè kể từ khi anh học lớp một. Năm 14 tuổi, anh đã trở thành một thợ xẻ đá lành nghề hơn bất kỳ đứa trẻ nào cùng tuổi. Công việc này chỉ được trả công theo khối lượng công việc chứ không tính theo giờ làm, John đã học được một bài học từ hệ thống kinh doanh tự do này: Bạn sản xuất hàng hóa càng nhiều, bạn càng kiếm được nhiều tiền cho gia đình bạn.

Thời gian đó, trong một lần gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính, John đã hứa với mẹ anh ấy rằng một ngày nào đó anh sẽ trở nên giàu có để bà không bao giờ phải lo lắng về tiền nữa. Anh nói đó không phải là một lời hứa suông, mà là một lời thề để từ đó anh có quyết tâm biến nó thành hiện thực. Anh nói với tôi rằng trong tất cả những lời hứa anh đã thực hiện, lời hứa với mẹ anh là phần thưởng và cũng là niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời anh.

John vừa làm việc vừa theo học đại học. Trong suốt quá trình đó, anh thuê những người bạn sinh viên làm việc cho mình. Anh nói rằng điều khiến anh ngạc nhiên là mọi người làm việc rất chăm chỉ khi họ được trả công tính theo giờ làm việc, họ không bao giờ biểu lộ sự quan tâm đến tài sản của anh hoặc làm tổn thất hoặc thắc mắc về sự phát triển trong công việc kinh doanh của anh. Họ chỉ muốn được trả công xứng đáng với công sức của họ. Nhưng John vẫn muốn tìm hiểu nhiều hơn về kinh doanh để có thể trở nên giàu có.

Mặc dù lớn lên trong nghèo khó, chưa bao giờ có tiền trong túi hay chưa từng được đào tạo về kinh doanh, tất cả dường như rất đơn giản đối với John. “Nếu tôi được trả 200 đô-la cho một ngày làm việc và tôi nợ những người đã giúp đỡ tôi 100 đô-la, khi đó tôi đã là một nhà kinh doanh rồi. Còn nếu tôi được trả công 100 đô-la cho một ngày làm việc, và tôi nợ những người đã giúp đỡ tôi 200 đô-la, thì khi đó tôi sẽ là một kẻ trốn tránh, vì tôi không có tiền để trả cho họ và họ có thể sẽ giết tôi bằng các dụng cụ xẻ đá”. Chính vì vậy, John đã học cách tính toán lợi nhuận và những khoản thua lỗ của mình trong hàng giờ để đảm bảo luôn có đủ tiền trả nợ cho những người đã giúp đỡ anh. John đặt ra những mục tiêu chắc chắn về tài chính, và nếu đạt được chúng, anh sẽ tự thưởng cho mình một bữa tối thịnh soạn với món bít tết tại một nhà hàng nổi tiếng. Chẳng mấy chốc anh sẽ được ăn bít tết mỗi tối thôi!

John nói rằng phép toán đơn giản như trên để trở nên giàu có đã tạo cho anh khả năng phán đoán tuyệt vời. “Nếu bạn đang cháy túi, bạn sẽ thấy giá của một chiếc bánh mỳ kẹp thịt dường như rất đắt. Nếu bạn có hàng đống tiền thì giá của chiếc bánh mỳ kẹp thịt đó chẳng đáng là bao.” John kể rằng, khi anh kiếm được nhiều tiền, anh thấy mọi thứ dường như rẻ hơn rất nhiều. Trong khi giá của một chiếc bánh mỳ kẹp thịt hay những loại hàng hóa khác vẫn giữ nguyên, việc có nhiều tiền hơn có lẽ đã biến mọi thứ trở thành một món hời. John quyết tâm xây dựng một thế giới cho riêng mình mà ở đó giá cả của mọi loại hàng hóa không còn là điều đáng quan tâm.

John quyết định sẽ học tất cả mọi điều về tiền bạc và thành công. Anh muốn học tất cả để có thể tìm ra con đường giúp anh trở nên giàu có và có được những quyết định đầu tư vào sự giàu có đó một cách khôn ngoan, sáng suốt. Hiện nay, anh là một chuyên gia tư vấn, hoạch định đầu tư tài chính cho những người sở hữu tài sản có giá trị vượt mức 100 triệu đô-la. John bị cuốn hút bởi những điểm chung của sự sung túc mà anh chứng kiến khi làm việc với những người rất giàu có. John từng nói, để đạt được điều đó bạn cần phải có những yếu tố sau: năng lực, sự chăm chỉ, tính kiên nhẫn, phục vụ khách hàng dựa trên nhu cầu của họ chứ không phải theo nhu cầu của bạn và hãy nhớ, chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được.

 

BRAD – Brad là lãnh đạo một trong những văn phòng đầu tư tài chính hàng đầu của một công ty lớn ở Canada

Brad lớn lên trong một gia đình đông đúc: hai anh chị em, người mẹ đơn thân, một người dì chưa lập gia đình cộng với ông bà; tất cả sống trong một căn nhà nhỏ chỉ có một phòng tắm chung cho mọi người. Theo Brad, trong gia đình anh, “tình yêu thương thì rất nhiều nhưng tiền lại luôn khan hiếm”. Họ cảm thấy điều đó rõ nhất vào các buổi mua sắm đồ tạp phẩm. Việc đi đến các cửa hàng luôn gây ra tình trạng căng thẳng và bức bối vì họ không có đủ tiền để mua bất kỳ thứ gì họ muốn. Vì vậy, họ thường phải mua bánh mỳ cũ, sữa bột và nước cam đóng chai thay vì nước cam tươi. Những trải nghiệm này đã khiến Brad ghét thậm tệ cảm giác không có tiền.

Một bước ngoặt diễn ra với Brad khi anh tuyệt thực trước lễ Giáng sinh. Anh nghĩ nếu anh tuyệt thực, không ăn gì thì sẽ tiết kiệm cho gia đình một khoản tiền dành cho ngày lễ Giáng sinh. Sau ba ngày nhịn ăn, anh không thể tiếp tục được nữa và anh quyết định rằng sẽ không bao giờ để tiền sai khiến cuộc đời mình nữa, và cuộc sống của anh nhất định sẽ quyết định vấn đề tiền bạc của anh.

Brad quyết tâm phải trở nên giàu có. Anh làm việc trong ngành xây dựng và sống trong một căn phòng phía trên nhà tang lễ với giá thuê 100 đô-la một tháng. Sau đó, anh chuyển sang nghề buôn bán lẻ nên có thể kiếm được nhiều tiền hơn một chút, và vì thế anh có thể mua sách về đọc. Anh đã học hỏi về sự thành công và giàu có bằng cách đọc ít nhất 50 cuốn sách mỗi năm. Brad nói anh đã đầu tư ít nhất 100 nghìn đô-la vào sách và tham dự các cuộc hội thảo. Thậm chí, sau khi trở thành một nhà triệu phú, Brad vẫn tiếp tục tham dự các buổi diễn thuyết và các cuộc hội thảo được tổ chức trên toàn thế giới để bày tỏ suy nghĩ của mình về những tư tưởng và những nhà lãnh đạo vĩ đại của thế giới. Anh bắt đầu làm quen với những người có cùng chí hướng, họ có thể tạo động lực và gây ảnh hưởng để anh trở nên tốt hơn bằng việc đặt nhiều hy vọng vào anh.

Brad tiếp tục duy trì những chuyến đi trong vòng 25 năm. Bạn hãy cho anh ấy một ngày cụ thể, anh ấy có thể nói cho bạn biết hôm đó anh ấy ở đâu, cùng với ai, nói về chuyện gì và anh ấy đang nghĩ gì. Trong thời gian tôi đang viết cuốn “It’s Called Worked for a Reason!”, tôi đã gọi điện cho Brad để nhờ anh ấy xem lại một bài phát biểu mà tôi đã đọc cho anh ấy nghe từ 10 năm trước và để nhắc tôi nhớ về những điều đặc biệt mà tôi đã từng nói. Chỉ mất chừng vài giờ đồng hồ, tôi đã có một danh sách những điều anh ấy đã học trong suốt khóa học ngày đó của tôi. Anh ấy cũng nói với tôi những người tham gia khóa học đã làm việc tốt như thế nào kể từ đó.

Brad cũng là một người luôn khao khát đặt ra những mục tiêu. Ngày đầu năm mới anh thường ngồi bên bể bơi trong một khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp và lên một danh sách về mọi điều anh muốn có trong cuộc sống. Những mục tiêu này bao gồm cả tiền bạc, sức khỏe, tinh thần, về kinh doanh, sự phát triển của cá nhân, gia đình, những chuyến đi, và mọi điều khác nảy ra trong suy nghĩ của anh ấy. Chúng được nêu ra một cách rõ ràng, cụ thể và anh không ngừng nhắc lại chúng để tự giám sát sự tiến bộ của mình. Anh cũng hướng dẫn các con anh làm những việc tương tự như vậy.

Nếu bạn hỏi Brad rằng năm 17 tuổi anh đã mong muốn mình sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai, thì sau khi nghe câu trả lời của anh ấy, chắc chắn bạn sẽ nhận ra rằng anh ấy bây giờ chính xác như những gì anh ấy từng hình dung khi đó. Anh ấy biết mình muốn có một người vợ như thế nào và giờ vợ anh đúng như anh ấy mong muốn. Anh ấy biết mình muốn con cái sẽ trở thành người như thế nào và giờ chúng cũng đúng như ý muốn của anh. Anh ấy cũng sẽ nói với bạn rằng, anh ấy mong sẽ có thật nhiều tiền, thật nhiều thời gian để tiêu xài và anh ấy cũng muốn chia sẻ thật nhiều tiền cho những người cần chúng. Anh ấy đã đạt được những điều đó. Anh ấy cũng sẽ nói với bạn rằng anh ấy sẽ kiếm đủ tiền để không bao giờ phải lo lắng về nó nữa.

Brad nói: “Mong muốn của tôi rất rõ ràng, tôi có thể phác họa chúng như một họa sỹ vậy”.

Giờ đây Brad sống như một ngôi sao điện ảnh dưới lốt của một gã trai bình thường. Anh ấy yêu cuộc sống, gia đình và bạn bè. Anh ấy đã không bao giờ từ bỏ trong bất kỳ hoàn cảnh nào và anh nói, anh cũng sẽ làm tương tự như vậy trong tương lai.

 

PEGGY – Nhân viên bất động sản và chuyên viên thiết kế

Peggy sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Cha cô là một “kẻ nghiện rượu khốn khổ”, nhưng khi ông tỉnh táo cô lại bị lôi cuốn bởi sự tự tin của ông. Khi còn nhỏ, mọi người thường hỏi cô rằng “Lớn lên cháu muốn trở thành người như thế nào?”. Cô ấy sẽ tuôn ra một danh sách dài những nghề như: diễn viên, tiếp viên hàng không, vũ công, bác sỹ thú y, nhà khoa học, nhà khảo cổ học và bất kỳ nghề nào mà cô ấy thấy thích lúc đó. Cha cô ấy nói rằng cô ấy có thể trở thành bất kỳ người nào mà cô ấy muốn và cô ấy đã tin lời ông. Mọi người đều khuyên cô chỉ nên chọn một nghề thôi nhưng cha cô chẳng bao giờ giới hạn những ý thích của cô ấy cả.

Peggy bước vào tuổi dậy thì năm cô lên 12 tuổi, gia đình cô khó khăn đến nỗi không có đủ tiền để mua áo lót cho cô. Cảm thấy nhục nhã, cô đã tự nhủ rằng: “Điều này sẽ không bao giờ lặp lại với mình nữa”. Có thể nói, động lực thúc đẩy Peggy chính là chiếc áo lót.

Peggy tốt nghiệp trung học vào tháng năm và lập gia đình vào tháng sáu năm cô 18 tuổi. Cô sinh con trai đầu lòng chỉ sáu ngày trước khi bước sang tuổi 19. Trong năm năm sau đó, cô đã có thêm hai cậu con trai nữa. Năm 26 tuổi, cô li dị chồng, anh ta đã nói với cô rằng nếu cô rời bỏ anh ta, anh ta sẽ không bao giờ trả tiền cấp dưỡng cho lũ trẻ. Anh ta đã làm như vậy suốt tám năm sau đó.

Peggy chưa từng đi làm việc và cô cũng không có bất kỳ kỹ năng nào ngoài kỹ năng đánh máy cô từng học thời trung học. Vì thế cô thuê một chiếc máy đánh chữ cũ, luyện tập kỹ năng này, nhờ đó cô đã tìm được công việc thư ký luật. Sau một tuần, họ nói rằng kỹ năng của cô còn hạn chế và sa thải cô với tiền công của hai tuần làm việc. Nhưng Peggy tự nhủ rằng, “Chẳng sao cả. Mình sẽ lại kiếm được việc thôi”. Và cô đã làm được. Cô tìm được một công việc mới với mức thu nhập 475 đô-la một tháng. Cô không có trợ cấp nuôi con và tiền thuê nhà mất 350 đô-la một tháng. Để chấm dứt tình trạng nợ nần, cô bán tất cả mọi thứ cô có. Một người đàn ông mà cô đang hẹn hò lúc đó đã dạy cô cách chia bài. Cô làm thêm công việc chia bài vào buổi tối và làm công việc thư ký vào ban ngày. Peggy đã làm cả hai công việc đó trong khi cố gắng nuôi dạy ba cậu con trai nhỏ. Nhưng cô ấy đã sắp xếp được. “Đó là những ngày thật đen tối và giờ đây tôi rất biết ơn về món quà của sự tuyệt vọng lúc đó. Tôi đã tự nhủ mình phải tồn tại và tôi đã làm được điều đó.”

Peggy phải làm việc cả ngày đêm vì thế lịch trình của cô khá vất vả, cuộc sống trở nên khó khăn đối với một bà mẹ cùng ba đứa trẻ. Cô quyết định chuyển sang làm nhân viên bất động sản vì công việc này không những có khả năng mang lại nguồn thu nhập cao mà thời gian làm việc lại rất linh hoạt. Ít nhất cô ấy có thể làm việc 80 giờ bất kỳ trong một tuần.

Từ khi bắt đầu công việc môi giới bất động sản, Peggy đã có thể tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Vì cô ấy làm việc để kiếm hoa hồng nên cô phải bán mọi thứ thật nhanh. Cô đã bán được một ngôi nhà với giá 19.500 đô-la và nhận được phần hoa hồng trị giá 585 đô-la. Một năm sau, cô mua được một ngôi nhà cho riêng mình, điều đó thật vĩ đại đối với một người phụ nữ mà mới chỉ hai năm trước đây thôi còn chưa có cả xe hơi riêng.

Giờ đây, Peggy làm những việc mà cô ấy thích, không phải để tồn tại như trước đây và những việc đó đã giúp đỡ nhiều người biến giấc mơ của họ thành hiện thực. Cô có niềm yêu thích đặc biệt với công việc kinh doanh bất động sản. Peggy đã kiếm được nhiều tiền hơn so với khoản hoa hồng 585 đô-la đầu tiên mà cô kiếm được. Khoản tiền hoa hồng trung bình mà cô kiếm được hiện nay vượt quá 20.000 đô-la. Cô sở hữu 15 ngôi nhà, cô thường mua, nâng cấp và bán những căn nhà khác. Hiện nay, Peggy và các cộng sự của cô là nhóm được xếp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản và cô có một mạng lưới tài sản lên tới trên 2,5 triệu đô-la.

 

RANDY GAGE – Nhà kinh doanh, tác giả, tỷ phú

Randy là con trai thứ của một bà mẹ đơn thân, bà đã phải nuôi nấng ba đứa trẻ bằng việc gõ cửa từng nhà để bán mỹ phẩm Avon. Vì thế, khi Andy bắt đầu với hai bàn tay trắng, sự quyết tâm đã khiến anh trở nên tốt hơn. Anh đã gặp một vài thất bại trong sự nghiệp nhưng anh vẫn kiên trì, và không những trở thành một tỷ phú, anh còn giúp đỡ hàng triệu người đạt được thành công lớn thông qua những quyển sách, những buổi hội thảo và những khóa đào tạo của mình.

Yếu tố quan trọng nhất đối với Randy là đưa ra quyết định về việc trở nên giàu có. Thậm chí khi còn là một cậu bé, anh đã ghét cay ghét đắng sự nghèo khó và thề rằng anh sẽ có thật nhiều tiền khi lớn lên. Anh nói với tất cả những người bạn của mình rằng anh sẽ trở thành một tỷ phú khi anh 35 tuổi. Bạn thử đoán xem anh ấy bao nhiêu tuổi khi đạt được điều đó? Bạn đoán đúng rồi đấy: anh ấy trở thành tỷ phú năm 35 tuổi.

Ở độ tuổi thiếu niên, Randy đã nghiện rượu, sau đó anh nghiện ma túy nặng. Anh đã bị buộc phải thôi học và vào tù năm 15 tuổi vì hàng loạt vụ trộm cắp và cướp có vũ khí. Thậm chí trong quãng thời gian khủng hoảng này, anh vẫn giữ niềm tin rằng mình sẽ trở nên giàu có khi trưởng thành.

Randy không có mong muốn hay giấc mơ nào cụ thể, rõ ràng. Anh biết rằng anh không có cái nhìn rõ ràng về những điều mà anh hướng đến. Giống như hầu hết chúng ta, anh cũng tin vào những điều như tiền là vật xấu xa, những người giàu có là những con quỷ dữ, và theo một cách nào đó thì những người nghèo khổ thật thiêng liêng và quý giá.

Kết quả là, anh cố gắng phấn đấu để đạt được thành công lớn và anh làm việc rất chăm chỉ. Nhưng anh gặp thất bại dù đã nỗ lực rất nhiều, tất cả đã phá hủy sức khỏe, các mối quan hệ và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của anh. Randy phá sản khi công ty của anh bị sở thuế tịch biên và đưa ra bán đấu giá vì các khoản nợ.

Anh không còn gì cả, không xe cộ, không tiền bạc, không thẻ tín dụng, chỉ còn lại khoản nợ 55.000 đô-la. Anh đã bán đồ đạc để trả tiền thuê nhà và phải nằm ngủ dưới sàn nhà. Cuộc sống của anh thật sự bế tắc. Nhưng anh đã tập chịu đựng và làm quen với nó, thời gian này anh bắt đầu có những hình dung rõ nét về tương lai, về giấc mơ trong cuộc đời anh.

Randy đọc hàng trăm cuốn sách và ghi chép những điều hay mà anh đọc được trong hàng tá cuốn sổ. Anh đến các buổi thảo luận chuyên đề, các cuộc hội thảo và bắt đầu đánh giá cách sử dụng thời gian của mình. Anh quan sát những người mà anh đang lãng phí thời gian với họ và quyết định phải làm điều gì đó để thay đổi.

Anh không e ngại phải làm việc lâu và vất vả hơn những người khác. Anh đưa ra phương châm: “Hôm nay tôi sẽ làm những việc mà người khác không làm, vì thế trong tương lai tôi có thể làm những việc mà người khác không thể làm”. Và anh đã biến điều đó thành hiện thực.

Hiện tại, Randy đang sống trong căn nhà mơ ước của anh với những bộ quần áo được thiết kế riêng và những đôi giầy nhiều hơn cả ở cửa hàng Armani. Anh đã gần 50 tuổi và sức khỏe của anh còn tốt hơn năm anh 20 tuổi, anh sắp xếp kế hoạch kinh doanh của mình xen kẽ với kế hoạch của bốn đội bóng mà anh tham gia. Randy có cả một “hạm đội” những chiếc xe thể thao và xe hơi sang trọng, và thức dậy trên chiếc thuyền buồm ngắm cảnh ngoài vịnh. Mùa đông, anh đến Florida; còn mùa hè, bạn sẽ thấy anh ở Paris hoặc Costa Rica. Hiện tại, anh đang thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới và hướng dẫn mọi người cách thức vươn tới thành công.

 

Đó là những câu chuyện thú vị phải không?

Tôi rất yêu quý những người bạn này và cả câu chuyện của họ nữa. Bạn có thể nói rằng tôi là người may mắn vì có những người bạn như thế. Đúng vậy, tôi quả là người may mắn. Điều may mắn nhất là tôi có thể gọi điện cho họ khi tôi gặp khó khăn và những câu chuyện của họ luôn giúp ích cho tôi rất nhiều. Bạn có thể cho rằng những người giàu có, thành công chỉ là do may mắn, hoặc tài sản của họ là do thừa kế mà có. Thực tế, có thể là họ đã làm việc cật lực để đạt được điều đó đấy.

Bạn biết vì sao không? Xung quanh bạn đầy những người như vậy. Họ có thể không phải là những tỷ phú, nhưng tôi có thể bảo đảm với bạn rằng những câu chuyện vượt qua nghịch cảnh của họ có thể khuyến khích bạn rất nhiều.

Bạn có thể là một người giống như bất kỳ người bạn nào của tôi. Câu chuyện của bạn không thể bi đát hay phức tạp hơn câu chuyện của những người bạn mà tôi đã kể ở trên. Thậm chí nếu điều đó đúng, thì bạn cũng có thể vượt qua nếu bạn nhìn vào những gì họ đã làm và tích cực học hỏi những bài học của họ.

 

Luôn có cơ hội để thành công

Sau khi đọc hàng trăm trang tiểu sử của những người vĩ đại, tôi nhận ra một điều rằng những người thành công rất giống nhau. Những câu chuyện của họ chứa đựng mẫu số chung. Tất cả chúng ta thường hướng tới những người đặc biệt. Nhưng theo tôi, chúng ta nên xem họ là những người bình thường làm những việc đặc biệt thì hơn.

Khi đọc năm câu chuyện về những người bạn của tôi bạn có nhận thấy những điểm tương đồng không? Đây là một số điểm:

  • Họ đều bắt đầu từ hai bàn tay trắng.
  • Họ đều phải đối mặt với nghịch cảnh trong cuộc sống.
  • Họ có mọi lý do để bị phá sản, nhưng họ đều “từ chối”.
  • Họ đều đưa ra quyết định trở nên giàu có.
  • Họ đều làm việc chăm chỉ hơn, nhanh hơn và thông minh hơn đồng nghiệp của họ.
  • Họ đều học tập chăm chỉ để thành công.
  • Họ đều có những mục tiêu cụ thể.

Bạn hãy nhìn lại những sự việc đã xảy ra trong cuộc sống của bạn. Sau đó, hãy đọc lại những điểm mà tôi đã đưa ra ở trên. Rồi bắt tay vào làm việc ngay. Không lý do. Không than vãn. Hãy đọc những câu chuyện ở trên để truyền cảm hứng cho bạn làm việc tốt hơn. Đó không phải là việc bạn phải trở nên thông minh hay trở nên đặc biệt hơn. Điều quan trọng là bạn có sẵn sàng bắt tay vào làm việc hay không.

 

Bạn có thể làm được chứ?

Tất nhiên là bạn có thể. Tôi chưa từng gặp bất cứ người nào không thể làm việc tốt hơn, và bạn cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Bạn có thể làm được. Nhưng đó không thực sự là một câu hỏi. Mà câu hỏi là, bạn sẽ làm được chứ? Điều đáng nói ở đây là không phải bạn có thể làm được hay không mà là bạn sẽ làm được hay không. Nếu bạn đang chán ngấy việc mình luôn bị tụt lại đằng sau, bạn sẽ thay đổi điều đó và bắt đầu tiến lên phía trước chứ? Tôi hy vọng rằng bạn sẽ quyết định được.

Tiến lên phía trước được bao xa là tùy thuộc vào bạn. Thực hiện theo các chỉ dẫn của tôi bạn có thể trở nên giàu có. Nhưng việc giàu hay không còn tùy thuộc vào bạn. Có trở thành triệu phú hay không cũng tùy thuộc vào bạn. Bạn lựa chọn việc áp dụng những nguyên tắc trên như thế nào. Nguyên tắc không bao giờ thay đổi, chỉ có những con số 0 bạn đặt sau tài khoản của mình thay đổi mà thôi.

Đó không phải là điều dễ dàng. Thi thoảng sẽ có những điều gây cản trở cho bạn. Không có gì là hoàn hảo. Nhưng việc trở nên giàu có có thể đạt được. Giờ đây, bạn biết điều đó như thế nào và sự thật là nó không quá khó khăn. Điều khó khăn là bạn đạt được sự giàu có ở cấp độ nào mà thôi.

Khi nhìn lại cuộc sống, công việc và tài khoản ngân hàng của mình, bạn có thể nghĩ rằng trở nên giàu có hoặc tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn là điều không thể. Nếu bạn nghĩ không thể, thì bạn sẽ không thể đạt được điều đó. Đừng suy nghĩ theo cách đó nữa. Nếu bạn nói rằng, điều đó là không thể thì nó sẽ đúng như vậy. Bạn cũng đừng nói theo cách đó nữa. Nếu bạn hành động như thể điều đó không thể xảy ra, nó sẽ diễn ra đúng như cách bạn hành động. Vì vậy, đừng hành động như vậy nữa.

Để đạt được điều “không thể” thì cần phải có kỷ luật. Kỷ luật đòi hỏi chúng ta phải làm việc – một sự cam kết rõ ràng hàng ngày trong hành động để đạt được thành công. Đó chính là vấn đề tôi muốn đề cập đến trong việc đưa ra các mục tiêu. Bạn đưa ra quá nhiều điểm cần phải chú ý trong mục tiêu dài hạn nhưng lại gần như không chú ý đến các kế hoạch hàng ngày và những việc cần làm để đạt được mục tiêu.

 

Bài học không thể của tôi

Tôi lớn lên trong một trang trại nuôi gà có tên gọi là Henry. Chúng tôi nuôi hàng trăm con gà. Chúng tôi còn có cả thỏ, dê, lợn, bò, chim bồ câu, ngựa và nhiều loài chim và động vật khác nữa. Một ngày, một con bê được sinh ra, và tôi, một cậu bé, đã có thể đỡ được con bê và bế nó đi vòng quanh. Cha tôi nói nếu ngày nào tôi cũng bế con bê đó, thì khi nó lớn lên, tôi có thể vẫn bế được nó. Tôi đã nghi ngờ lời nói của cha. Ông giải thích rằng con bê sẽ lớn lên từng ngày nhưng nó sẽ không lớn nhanh đến nỗi tôi không thể bế nó vào ngày tiếp theo. Ông nói rằng nếu tôi chỉ bỏ qua một ngày dù với bất kỳ lý do nào thì tôi sẽ không thể làm được điều đó nữa. Điều này dường như là không thể đối với tôi. Tôi nhìn con bò mẹ, nó nặng khoảng 250 kg. Tôi không thể tưởng tượng được việc bế một con bò 250 kg, nhưng tôi luôn tin tưởng vào cha tôi, vì thế tôi nói tôi sẽ làm được. Tôi bế con bê lên và tự nhủ, “Ngày thứ nhất”. Hôm sau, tôi ra chuồng bò và bế con bê. Không vấn đề gì cả. “Ngày thứ hai”. Tôi làm việc đó trong khoảng một tuần mà không có vấn đề gì xảy ra cả. Rồi trời mưa, và tôi bận, tôi còn phải đi chơi với lũ bạn và thế là tôi bỏ qua một ngày.

Sau ngày hôm đó, tôi ra chuồng bò và tôi thấy thật khó khi bế con bê lên. Cha tôi chỉ mỉm cười và nói, “Nếu con muốn làm điều không thể, con không thể bỏ qua một ngày”. Rồi tôi lại bận việc và lỡ tiếp ngày thứ hai. Khi tôi ra chuồng bò với cha tôi, tôi đã không thể bế con bê đó lên được. Dù tôi có cố gắng đến mức nào tôi cũng không thể làm được. Còn cha tôi chỉ cười lớn.

Nếu tôi cứ tiếp tục bế con bê đó hàng ngày, tôi không biết liệu tôi có thể bế nó khi nó nặng 250 kg hay không. Sau tất cả, thật khó để có thể ôm một con bò trên 200 kg trong một vòng ôm. Nhưng tôi không bao giờ quên bài học đó. Nếu bạn muốn đạt được điều “không thể”, bạn không nên bỏ lỡ một ngày nào. Đó là sự rèn luyện hàng ngày, công việc hàng ngày để vươn tới, để đạt được những điều có thể. Điều “không thể” không quan tâm liệu bạn có bận hay không, trời có mưa hay không, hoặc bạn có cảm thấy khỏe trong người hay bạn muốn đi chơi với bạn bè,… nó luôn đòi hỏi bạn phải làm tất cả những việc bạn có thể làm hàng ngày.

Có thể việc trở nên giàu có dường như là bất khả thi đối với bạn. Tôi nhớ lại câu chuyện của tôi khi tôi ở trong hoàn cảnh đó. Khái niệm bình an vô sự có thể là một cái gì đó mà bạn không thể vòng tay ôm lấy được. Điều đó không quan trọng. Bạn vẫn phải làm việc hàng ngày. Bạn vẫn phải tiêu ít tiền đi, tiết kiệm tiền, trả một ít nợ và bạn phải làm điều đó hàng ngày. Bạn không được bỏ lỡ một ngày nào.

 

Bài tập cuối cùng

Giờ đây bạn biết phải làm điều gì để có thể trả hết nợ nần và trở nên khấm khá hơn. Bạn chỉ phải soạn một bản cam kết sẽ làm việc đó mà thôi. Nhưng một bản cam kết đạt được những mục tiêu chỉ là bước đầu để có một tương lai tài chính an toàn. Tôi muốn bạn sử dụng những nguyên tắc này và biến chúng thành nguồn động lực để đạt được mục tiêu cao hơn: trở nên giàu có. Bạn xứng đáng đạt được điều đó.

Hãy nhớ, tôi đã trở nên giàu có như thế nào. Tôi đã quyết định phải trở nên giàu có. Tất cả những người bạn thân thiết của tôi, Joe, John, Brad, Peggy và Randy, cũng đưa ra quyết định đó. Giờ đây bạn cần phải đưa ra quyết định của chính mình.

Hãy dành ra một phút và viết ra quyết định để trở nên giàu có của bạn. Điều đó vẫn chưa đủ nếu bạn chỉ để những quyết định đó trong đầu hoặc nói ra. Hãy biến chúng thành hiện thực bằng cách viết ra giấy.

QUYẾT ĐỊNH ĐỂ TRỞ NÊN GIÀU CÓ CỦA TÔI.




Bây giờ bạn hãy ký tên vào bản cam kết đó. Đây là bản hợp đồng với chính bản thân bạn. Đây cũng là thỏa thuận mà bạn đang thực hiện với chính bản thân mình và tương lai của mình. Bạn không phải thỏa thuận với tôi. Quyết định trở nên giàu có của bạn chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi cả. Nó được thực hiện vì chính bạn. Hãy coi quyết định này như một hợp đồng ràng buộc. Bạn có thể nói rằng: “Điều này thật ngốc nghếch. Ai mà biết được tôi có thực hiện đúng theo bản hợp đồng này hay không chứ?” Chỉ mình bạn biết điều đó thôi. Bạn là người duy nhất giám sát bản thân mình.

Vì bạn có thể bỏ qua bài tập cuối cùng này, hãy tạm dừng, quay trở lại và viết quyết định trở nên giàu có của mình ra giấy. Điền ngày tháng và ký tên vào đó. Và đừng bao giờ quên rằng:

Thỏa thuận là thỏa thuận, phải tuân thủ thôi.

12 cách của Larry để trả hết nợ nần và trở nên khấm khá hơn:

  1. Biết bạn đang ở đâu.
  2. Chịu trách nhiệm cho tình huống.
  3. Cảm thấy tồi tệ vì điều đó và trải nghiệm sự hối tiếc.
  4. Đưa ra quyết định cho mọi điều để trở nên khác biệt.
  5. Biết chính xác bạn muốn tương lai của mình như thế nào.
  6. Lập một kế hoạch để đạt được điều đó.
  7. Biết bạn sẵn sàng từ bỏ điều gì để đạt được điều bạn mong muốn.
  8. Chi tiêu ít hơn thu nhập của bạn.
  9. Hình dung ra những cách thức để kiếm tiền.
  10. Dừng mọi chi tiêu không cần thiết.
  11. Trả nợ càng nhanh càng tốt và chỉ vay những khoản nợ dài hạn khi cần thiết.
  12. Xây dựng một tấm đệm an toàn. Tiết kiệm!

Hãy sống lâu và giàu có.”

Lời chào của Thần Lửa, Star Trek

HẾT.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.