Học Cách Tiêu Tiền

6. Những điều mà hầu hết mọi người đều bỏ qua



Chắc chắn tôi sẽ không làm bạn ngạc nhiên với bất kỳ điều gì tôi gợi ý theo quan điểm này. Quan điểm của tôi không có gì cao siêu đâu bạn ạ. Nếu bạn xem chương trình của tôi trên tivi, bạn có thể đã nghe qua hầu hết các gợi ý tôi từng đưa ra rất nhiều lần rồi. Bạn chỉ chưa áp dụng chúng mà thôi. Trong chương này chắc chắn sẽ có một ý tưởng mà bạn chưa từng nghe nói tới – ý tưởng có thể sẽ làm bạn ngạc nhiên nhưng cũng có thể bạn sẽ cho là tầm thường và vô nghĩa. Nhưng ý tưởng này có thể tạo nên sự khác biệt giữa việc ổn định, chấp nhận cuộc sống và tiến lên phía trước.

Hãy đọc tiếp và bạn có thể tạo ra những thay đổi có ảnh hưởng to lớn tới tương lai tài chính của bạn. Nếu bạn áp dụng những ý tưởng này, tôi cam đoan bạn sẽ giải quyết được vấn đề của mình và vững bước tiến lên!

 

Hãy chuyển sang dùng tài khoản tiền mặt

Rất nhiều ngân hàng cho khách hàng sử dụng tài khoản tiền mặt, theo đó nó sẽ giới hạn số tiền trong mỗi tấm séc bạn viết và gửi những xu lẻ trong số tiền đó vào một tài khoản tiết kiệm. Nếu bạn viết một tấm séc rút 18,37 đô-la, thì sẽ có 63 xu được gửi vào một tài khoản tiết kiệm. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy con số trong tài khoản tiết kiệm này tăng nhanh như thế nào.

 

Hãy nộp thuế

Giống như tất cả mọi người, tôi cũng phàn nàn đôi chút mỗi khi phải nộp các khoản thuế cá nhân. Tôi nhớ một năm khi tôi không phải nộp thuế. Bạn có tưởng tượng được trường hợp đó không? Không có khoản thuế nào phải nộp cả. Và dứt khoát tôi không muốn mình phải trải qua một năm nào như năm đó nữa. Bạn biết tại sao không? Tôi không kiếm được chút tiền nào cả! Tôi chỉ cố gắng nhắc nhở bản thân rằng tôi thích những thứ mà tôi phải nộp thuế cho chúng. Tôi thích những con đường mà tôi lái xe hàng ngày, tôi thích cảnh sát và đội cứu hỏa. Tôi không tức tối với tất cả những gì mà tôi phải nộp thuế. Nhưng sẽ có lúc, bạn gặp phải cái may lẫn cái không may, và nộp thuế là một trong những khoản này.

 

Hãy tìm một giám đốc ngân hàng giỏi

Hãy tìm hiểu tên giám đốc ngân hàng của bạn. Hãy chắc chắn rằng giám đốc ngân hàng của bạn cũng biết tên bạn. Hãy đến chi nhánh ngân hàng nơi bạn đăng ký dịch vụ và gặp một ai đó. Giải thích bạn là ai và bạn muốn điều gì. Việc này sẽ khá khó khăn. Tôi cũng thường có vấn đề với việc này bởi vì ở các ngân hàng, mọi người thường đến rồi đi, và hầu hết các bộ phận đều không quan tâm đến bạn hay tiền của bạn. Hãy tiếp tục hỏi cho đến khi có ai đó trả lời bạn. Hãy nhớ rằng, họ cần những giao dịch của bạn. Thậm chí nếu bạn là một khách hàng tồi thì họ vẫn kiếm được tiền từ phí dịch vụ chi phiếu của bạn.

 

Hãy nhặt nhạnh từng đồng xu một

Tiền lãi mỗi tháng của một đô-la là một xu. Bạn hãy gom góp chúng lại và bỏ vào túi. Mỗi ngày tôi để ra ít nhất là một xu. Tôi có một cái lọ to và tôi đã bỏ đầy tiền xu mà tôi nhặt được trên phố mỗi năm. Nhặt nhạnh từng đồng xu là một cách nhắc nhở tôi rằng tiền rất quan trọng. Nó cũng là bằng chứng chứng minh rằng tiền luôn chảy vào cuộc sống của bạn; bạn chỉ cần chú ý và sẵn sàng nhặt từng đồng xu mà thôi. Tôi nhìn thấy mọi người bước qua những đồng xu trên phố. Có thể họ không nhìn thấy chúng. Tôi thì nhìn thấy hết. Tôi đã tự rèn luyện khả năng phát hiện ra tiền ở bất cứ nơi nào nó xuất hiện. Thậm chí 20 năm trước tôi còn cầu nguyện rằng: “Tiền sẽ đến với tôi từ mọi hướng.” Và nó đã ứng nghiệm. Điều ước này cũng sẽ ứng nghiệm với bạn đấy. Bạn chỉ không tự rèn luyện để phát hiện ra điều đó, và bạn có thể không sẵn sàng áp dụng các bước này để giành được lợi thế trong hoàn cảnh này. Hoặc có thể bạn nghĩ số tiền đó quá nhỏ, không đáng quan tâm. Không số tiền nào là tầm thường cả. Nó sẽ tăng lên – dù mỗi lần chỉ tăng một xu thôi.

Tôi biết rằng nhặt từng đồng xu không giúp tôi trở nên giàu có. Nhưng sau khi nhặt chúng lên, tôi sẽ có nhiều tiền hơn trước khi tôi nhặt nó, và đó cũng là mục đích cuối cùng mà tôi luôn hướng đến.

Khi còn là một cậu bé, một lần cha tôi đã hỏi tôi rằng: “Nếu ta thuê con làm và ta đồng ý trả gấp đôi lương của con sau mỗi ngày công con làm việc cho ta, nhưng ngày công đầu tiên của con chỉ là một xu – ngày thứ hai sẽ là hai xu, ngày thứ ba là bốn xu và cứ thế tiếp tục – con sẽ chấp nhận làm công việc này chứ?”

Tôi vội vàng trả lời: “Không! Không đời nào con lại làm công việc lương thấp như vậy đâu! Con đáng giá hơn một vài đồng xu cỏn con đó chứ.” Sau đó, cha tôi giải thích với tôi rằng tôi sẽ giàu có nhanh chóng như thế nào nếu tôi đồng ý làm công việc đó. Ông ấy lấy một tờ giấy và bảo tôi tự tìm hiểu điều đó. Tôi đã làm theo. Đây là những gì tôi đã tìm ra:

Điều kinh ngạc đối với một thằng bé như tôi lúc đó, và cho đến tận bây giờ, đó là tốc độ tăng chóng mặt của tiền. Trong khi thu nhập thực tế không thể tăng nhanh như vậy, bạn hãy nhớ rằng một sự khởi đầu khiêm tốn khi tiết kiệm và chi tiêu trong tầm kiểm soát sẽ giúp bạn thoát khỏi nợ nần một cách nhanh chóng. (Nhân đây, khi nào đó, nếu một người đưa ra lời đề nghị này cho bạn thì hãy đồng ý ngay nhé!)

 

Tích trữ tiền mặt

Điều tốt nhất cũng là điều tệ nhất về tiền mặt là một khi nó đi là sẽ đi hẳn! Với một thẻ tín dụng, bạn có thể dễ dàng vượt qua giới hạn chi tiêu của bạn. Thậm chí với một thẻ tín dụng, chắn chắn ngân hàng của bạn sẽ cho phép bạn vượt qua giới hạn là con số không, và rồi ghi sổ nợ cho bạn vay một khoản lớn để làm việc đó. Điều này không xảy ra với tiền mặt.

Đây là việc bạn nên làm. Bạn giới hạn chi tiêu cho hàng tạp hóa và thực phẩm phụ hàng tháng là 200 đô-la. Vậy hãy lấy một phong bì và ghi chữ TẠP PHẨM lên đó. Khi thực hiện giao dịch tại ngân hàng, hãy rút tiền mặt ở tài khoản và bỏ 200 đô-la vào phong bì đó. Khi đến cửa hàng tạp phẩm, bạn dùng phong bì này, và chỉ phong bì này thôi, để thanh toán cho số hàng hóa bạn mua. Khi tiêu hết 200 đô-la này, bạn dừng ngay việc mua tạp phẩm cũng như việc ăn uống của mình lại. Hãy áp dụng cách này đối với tất cả các khoản tiền mặt trong túi bạn. Các phong bì đầy tiền mặt là cách tốt nhất để chi tiêu cho đến khi bạn kiểm soát được cách chi tiêu của mình.

 

Hãy tiết kiệm tiền lẻ

Khi mua một thứ gì đó và trả bằng tiền mặt, tôi không bao giờ sử dụng tiền lẻ. Tôi luôn đưa một đô-la và nhận lại tiền thừa. Khi về đến nhà, tôi bỏ số tiền lẻ đó vào một vỏ chai một lít và để trong phòng riêng. Một chai một lít chứa được số tiền lẻ trị giá khoảng 400 đô-la. Thông thường, tôi sử dụng số tiền này để mua một món đồ tôi thích. Trong những ngày túng tiền như trước đây, tôi dùng nó để thanh toán một hóa đơn. Hãy thử áp dụng gợi ý này của tôi nhé. Chỉ cần bỏ ra một đô-la để thanh toán cho một thứ gì đó và tiết kiệm khoản tiền lẻ còn lại. Bạn không quên nó và khi chiếc bình của bạn đầy tiền, bạn có thể dùng nó để làm một điều gì đó đáng kể đấy.

 

Hãy đi mua sắm với một danh sách hàng hóa cần mua và một túi tiền giới hạn

Hầu hết các hoạt động mua sắm đều không được lên kế hoạch và dự trù trước về tài chính. Phải chấm dứt điều này ngay. Hãy lập một danh mục những đồ dùng bạn cần mua và số tiền bạn phải chi cho chúng, và làm đúng theo danh mục đó. Đừng thay đổi danh mục vì bất cứ lý do gì. Mỗi lần đến quầy thu ngân thanh toán, khi bỏ đồ ra khỏi giỏ hàng, hãy kiểm tra lại danh sách và loại bỏ những thứ không có trong danh mục hàng hóa cần mua của bạn, hãy bảo nhân viên thu ngân bỏ chúng sang một bên bởi vì bạn đã thay đổi ý định. Đây không phải là một trò chơi – đây là một cuộc chiến. Bạn có trong tay quy luật để chiến thắng cuộc chiến này, đó chính là làm theo danh mục hàng hóa đã lên kế hoạch trước và dự trù tài chính cho danh mục đó. (Để biết thêm về việc lên dự trù tài chính cho danh mục hàng hóa cần mua, bạn hãy đọc chương 7 nhé!)

 

Hãy xây dựng một tấm đệm an toàn. Tiết kiệm!

Tiết kiệm phòng những trường hợp khẩn cấp. Các nhà tư vấn tài chính luôn khuyên bạn nên có tài khoản tiết kiệm bảo đảm chi tiêu cho cuộc sống của bạn trong vòng sáu tháng. Điều đó là không thể đối với hầu hết mọi người. Theo tôi, tài khoản tiết kiệm bảo đảm chi tiêu cho cuộc sống trong vòng một tháng là mức tối thiểu vừa đủ. Hãy để nó ra một chỗ và không đụng vào nó vì bất cứ lý do gì.

Nhân đây, thẻ tín dụng không phải là nguồn cung cấp đầu tiên của bạn trong trường hợp cần tiền khẩn cấp. Tiền mặt mới là nguồn cung cấp đầu tiên. Một tấm thẻ tín dụng “sạch sẽ” không có nghĩa là bạn đã sẵn sàng cho trường hợp khẩn cấp.

Và đừng nghĩ rằng bạn không phải là người ”miễn dịch” với những tình huống khẩn cấp nhé. Ai cũng có lúc thất nghiệp. Các công ty cũng có lúc làm ăn thua lỗ. Các trường hợp cấp cứu cũng có thể xảy ra. Cha mẹ có thể bị ốm vì tuổi già và bạn phải có trách nhiệm chăm sóc họ. Những điều tồi tệ thường rất hay xảy ra với những người tốt. Tôi biết điều đó. Vì vậy, hãy chuẩn bị thật kỹ càng.

Trong một chương trình truyền hình, tôi đã trao đổi với một cặp vợ chồng không có tiền, không nghề nghiệp, hóa đơn nợ nần chồng chất và không có kế hoạch gì để cải thiện tình cảnh đó. Họ không đồng tình với mọi gợi ý của tôi, song họ lại đồng ý áp dụng kế hoạch của tôi trong 30 ngày. Một phần kế hoạch của tôi là cất đi 200 đô-la để phòng trường hợp cần tiền gấp. Họ muốn tiêu khoản đó vào việc mua một món đồ ngộ nghĩnh hơn nhưng họ vẫn làm theo gợi ý của tôi. Trước khi tôi có thể trở lại để xem họ đã sống thế nào qua một tháng áp dụng kế hoạch của tôi, cha của anh chồng đã bị một cơn đau tim và phải nhập viện. May mắn thay, anh ta có khoản tiền tiết kiệm 200 đô-la đó để bay về nhà và chăm sóc cha. Anh chàng này không ưa gì tôi hay các ý tưởng của tôi đối với vấn đề tài chính của anh ta cho đến lúc đó. Khi chúng tôi quay trở lại chương trình, anh ta bật khóc thú nhận rằng, nếu không có 200 đô-la đó thì anh ta đã không thể về chăm sóc cha mình. Lúc đầu tôi không có hy vọng gì cho cặp vợ chồng này và cho tương lai của họ – tuy nhiên, sự kiện đó đã làm thay đổi họ và hiện giờ họ đang làm việc rất tốt.

Đừng chờ đợi khi tình huống khẩn cấp xảy ra thì mới nhận ra rằng bạn cần một khoản tiền để phòng. Hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ. Hãy mở một tài khoản tiết kiệm chỉ để phòng trường hợp khẩn cấp và thêm vào đó một vài đồng đô-la mỗi khi bạn có thể. Đây không phải là một món tiền dành để nghỉ ngơi hay tiết kiệm cho vui. Món tiền này là để dành cho trường hợp khẩn cấp xảy đến và khi bạn cần sự giúp đỡ.

 

Hãy quên đi những tấm vé cào trúng thưởng khi mua hàng

Tôi biết đây là một lời báng bổ đối với rất nhiều người. Tuy nhiên, sử dụng những tấm vé cào trúng thưởng khi mua hàng không phải lúc nào cũng là căn cơ tiết kiệm. Đôi khi nó có thể rẻ thật. Song khoảng thời gian bạn dùng vào việc cào thẻ may mắn để có tấm phiếu mua hàng có thể giúp bạn chi tiêu thông minh hơn hoặc kiếm được nhiều tiền hơn.

Khi tôi muốn mua một thứ gì đó đang được bán giảm giá, hoặc tôi có phiếu mua hàng và có thể mua những gì tôi muốn với mức giá rẻ hơn thì tôi chắc chắn sẽ tận dụng ngay phiếu mua hàng hay chương trình giảm giá đó. Thật ngu ngốc nếu bạn không tận dụng cơ hội mua những gì bạn muốn ở mức giá thấp hơn khi có thể.

Tuy nhiên, đây không phải là những điều tôi muốn đề cập. Tôi đang nói đến những người luôn thay đổi danh mục những gì họ muốn dựa vào chương trình giảm giá hoặc phiếu mua hàng.

Tôi biết có nhiều người quyết định nơi dùng bữa dựa vào tập phiếu mua hàng của họ. Bạn muốn ăn tối ở nhà hàng Trung Hoa, nhưng bạn có một phiếu mua pizza giảm giá nên bạn sẽ chỉ ăn pizza. Như vậy, bạn cho rằng mình đã tiết kiệm được một khoản. Bạn đang kìm nén sự thèm muốn của mình và giải quyết nó ít hơn là bạn xứng đáng được hưởng. Bạn đang để khoản tiền được giảm giá quyết định cuộc sống của bạn và cho phép bản thân mình trở thành nạn nhân của một tấm phiếu mua hàng ngu ngốc. Bạn sẽ không tiêu tiền theo cách đó chứ? Hãy thừa nhận rằng tình cảnh của bạn là do sai lầm đáng nguyền rủa của chính bản thân bạn, và rồi cam kết và liên tục cam kết với bản thân mình sẽ kiếm tiền để sống theo cách bạn muốn.

 

Đừng mua hàng theo lô

Tôi thích hệ thống cửa hàng Sam’s and Costco. Tôi thích đi bộ dọc các gian hàng và ngạc nhiên với những món hàng giảm giá mà bạn có thể mua ở đó. Bạn có thể tiết kiệm tiền thực sự tại hệ thống cửa hàng này. Nhưng hãy cẩn thận! Bạn có thể thấy dường như bạn mua được mọi thứ với giá hời, vì nó rẻ hơn giá cả bạn thường mua, nhưng đừng có lúc nào cũng chú tâm vào hàng giảm giá. Vì hàng hóa rẻ hơn rất nhiều khi mua cả lố, do đó mọi người thường có ý định mua nhiều hơn số lượng họ cần và rốt cuộc sẽ tiêu nhiều tiền hơn. Tôi không quan tâm đó có phải là cách mua sắm của thế kỷ này hay không, nhưng không ai cần một lố bốn chai nước sốt cà chua nấm một lúc cả. Trừ những món đồ cần thiết mà bạn sử dụng nhanh chóng và liên tục, như giấy vệ sinh, nếu không bạn đang trả quá nhiều tiền khi mua hàng với số lượng lớn đấy.

 

Hãy đọc sách

Năm ngoái bạn đã đọc bao nhiêu cuốn sách giúp tự rèn luyện, sách kinh doanh hay lịch sử? Vâng, chúng ta hãy mở rộng phạm vi tìm hiểu nhé! Năm ngoái bạn đã đọc bao nhiêu cuốn sách thuộc bất kỳ thể loại nào?

Đây là một câu hỏi dễ, không đòi hỏi một câu chuyện hay bất kỳ lý do nào – chỉ cần đưa ra một con số. Vì vậy, con số đó là bao nhiêu? Hãy sang bước tiếp theo. Hãy viết ra tên các cuốn sách tự rèn luyện, sách kinh doanh hay tiểu sử mà bạn đã đọc trong vòng 12 tháng gần đây.

DANH MỤC CÁC SÁCH TÔI ĐÃ ĐỌC:

Học cách tiêu tiền

Không có gì trong danh mục của bạn ư? Vậy thì bạn thực sự không quan tâm đến việc cải thiện cuộc sống của bạn rồi. Bạn không hành động để trở nên giàu có hơn. Bạn phải học tập để đạt được những gì bạn muốn. Hoàn cảnh của bạn, đặc biệt là tình cảnh tài chính của bạn, sẽ tiến bộ ngay sau khi bạn tiến bộ.

Con số thú vị: một nghiên cứu của chính phủ Mỹ cho thấy 46 – 51% người Mỹ ở độ tuổi trưởng thành đọc và viết chưa thành thạo có mức thu nhập thấp hơn mức thu nhập của người nghèo.

Mọi thứ trong cuộc sống sẽ trở nên tốt hơn khi bạn tiến bộ hơn, và không điều gì trong cuộc sống trở nên tốt hơn cho đến khi bạn tiến bộ hơn.

“Nhưng tôi chẳng có thời gian để đọc sách!!!”

Chắc chắn là bạn có. Một người nhận tiền trợ cấp xã hội có thời gian trong ngày cũng bằng với một nhà triệu phú. Vấn đề không phải ở chỗ bạn có bao nhiêu thời gian; vấn đề ở chỗ bạn dành ra bao nhiêu thời gian cho việc đọc sách.

Tôi đã đọc gần bốn nghìn cuốn sách trong 20 năm gần đây. Tôi đã chăm chỉ đọc sách trong thời gian tôi khánh kiệt và hiện giờ, khi đã giàu có tôi vẫn giữ thói quen đó. Nhưng đặc biệt khi tôi khánh kiệt, tôi tìm kiếm, đọc từ mọi nguồn có thể để tìm ra phương pháp có một cuộc sống tốt hơn. Nếu cuộc sống của bạn không như những gì bạn muốn ở bất kỳ khía cạnh nào, bạn nên làm những việc tương tự như tôi đã làm. Khi bạn thấy một việc gì đó quan trọng đối với mình thì bạn sẽ có thời gian dành cho nó.

Tin vui là hiện giờ bạn đang đọc một cuốn sách. Nhưng đây mới chỉ là một cuốn. Tôi thừa nhận rằng đây là một cuốn sách hay nhưng bạn không thể chỉ dừng lại ở một cuốn sách hay. Bạn cần tìm kiếm nhiều cuốn sách tuyệt vời khác. Hãy đọc vài cuốn sách hay về triết lý làm giàu, như:

Think and Grow Rich (Cách nghĩ để thành công) của Napoleon Hill,
Manifest Your Destiny (Chứng tỏ bản thân mình) của Tiến sỹ Wayne W. Dyer,
Creating Affluence (Tạo ra của cải) của Deepak Chopra,
You Were Born Rich (Bạn là nhà triệu phú thiên bẩm) của Bob Proctor,
Why You’re Dumb, Sick and Broke … and How to Get Smart, Healthy and Rich! (Tại sao bạn nghèo… và phương pháp để trở nên thông minh, khỏe mạnh và giàu có!) của Randy Gage.

Sau khi đã đọc vài cuốn sách về triết lý làm giàu thì đã đến lúc bạn cần có một vài lời khuyên thực tế để trở nên giàu có. Tôi có thể đưa ra cho bạn những lời khuyên lúc bạn khánh kiệt cũng như bị phá sản, và giúp bạn có ít vốn để bắt đầu xây dựng sự nghiệp và trở nên giàu có, nhưng bước tiếp theo hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Để đi đến bước tiếp theo, hãy đọc những cuốn sách sau:

Rich Dad, Poor Dad (Cha giàu, Cha nghèo) của Robert T. Kiyosaki,
Start Late, Finish Rich (Khởi đầu muộn vẫn thành công lớn) của David Bach,
Never Eat Alone (Không bao giờ đi ăn một mình) của Keith Ferrazzi,
The Millionaire Zone (Vùng triệu phú) của Jennifer Openshaw,
Go Put Your Strengths to Work (Hãy vận dụng sức mạnh của bản thân) của Marcus Buckingham.

Và để thành công trong cuộc sống và công việc, hãy đọc cả những cuốn sách của Larry Winget, đặc biệt là các cuốn: It’s Called Work for a Reason! Your Success Is Your Own Damn Fault (Hãy làm việc và thành công!), Shut Up, Stop Whining and Get a Life (Hãy chấm dứt phàn nàn và bắt đầu một cuộc sống thật sự).

Đọc sách giúp tăng giá trị của bản thân bạn – cơ bản là giá trị thực của bản thân bạn – nhưng cũng là giá trị của bạn đối với những người khác. Bạn càng hiểu biết nhiều thì bạn càng có giá trị. Như tác giả nổi tiếng Jim Rohn nói: “Nếu bạn hiểu biết nhiều hơn thì bạn sẽ sống tốt hơn.”

 

Hãy thay đổi cách nói của bạn

Nếu bạn luôn suy nghĩ như một người đang khánh kiệt, nói giống như bạn đang khánh kiệt và làm những việc mà một người khánh kiệt vẫn làm, thì bạn sẽ khánh kiệt thực sự. Đây là câu nói tôi muốn bạn thay đổi:

“Tôi không có đủ khả năng…”

Nếu bạn nói rằng bạn không có đủ khả năng để làm việc gì đó thì bạn sẽ không bao giờ có khả năng làm được điều đó. Câu nói “Tôi không có đủ khả năng” khiến bạn trở thành một nạn nhân. Giá cả của hàng hóa không biểu lộ rằng bạn có thể có nó hay không. Đó không phải là hoàn cảnh của bạn và chúng ta đều biết điều đó. Bạn đang làm chủ mọi việc. Vì vậy, hãy nói giống như bạn đang làm chủ mọi việc. Bạn hãy nói: “Tôi không có ý định chi tiền để mua món đồ đó ngay bây giờ.” Dù bạn không có tiền đi chăng nữa! Câu nói này giống như một lời nhắc nhở rằng chi tiêu là một sự lựa chọn. Toàn bộ cuộc sống của bạn là những sự lựa chọn. Bạn kiểm soát những sự lựa chọn của bản thân mình. Đó là vị trí của quyền lực chứ không phải vị trí của nạn nhân.

Hãy nói theo cách bạn đang kiểm soát mọi lựa chọn của mình…

 

Hãy giảm cân và dọn dẹp nhà cửa

Nếu bạn đang chi tiêu vượt tầm kiểm soát của bạn thì rất có thể các khía cạnh khác trong cuộc đời bạn cũng đang vượt tầm kiểm soát của bạn. Hãy để tôi chia sẻ với bạn những quan sát của tôi nhé.

– Những người không kiểm soát được chi tiêu cũng thường không kiểm soát được chế độ ăn uống. Những người tiêu nhiều thường ăn uống nhiều.

– Những người không kiểm soát được chi tiêu cũng thường không kiểm soát được các mối quan hệ.

– Những người không kiểm soát được chi tiêu thường không chịu dọn dẹp nhà cửa gọn gàng và giữ cho xe hơi sạch sẽ.

Thiếu kỷ luật trong một lĩnh vực gần như luôn thể hiện ở các lĩnh vực khác. Hãy xem các chương trình truyền hình về dọn dẹp phòng và sắp xếp lại đồ đạc trong một ngôi nhà. Có chương trình quay những căn phòng mà khi nhóm làm phim đi vào, họ thậm chí không thể đi qua. Đôi khi có những phòng để đồ đạc ngổn ngang khắp mọi nơi và chỉ có một lối đi nhỏ bẩn thỉu, bụi bặm để đến được chỗ có chiếc giường. Tôi cam đoan với bạn rằng, những người này đang gặp vấn đề về tiền bạc và rất nhiều người trong số họ cũng bị béo phì.

Tôi có thể đi quanh ngôi nhà của bạn và đoán biết được cuốn sổ chi phiếu của bạn ra sao. Hãy dọn dẹp ngay bây giờ. Hãy quan sát nhanh xung quanh ngôi nhà của bạn. Nó có ngăn nắp không? Sạch sẽ không? Các căn phòng và tủ đựng đồ trong ngôi nhà của bạn đều được sắp xếp gọn gàng chứ? Bộ đĩa bát của bạn đều sạch sẽ và được để ngăn nắp trong tủ chứ? Nếu như vậy thì có khả năng bạn có một hệ thống kiểm soát, quản lý tài chính rõ ràng, cẩn thận.

Hay bạn có hàng đống quần áo bẩn trên sàn nhà? Tất cả các tủ đựng đồ, ngăn kéo trong nhà bạn đều bừa bộn? Gara nhà bạn là một bãi chiến trường? Nếu đó là tình cảnh của bạn thì tôi đoán là bạn không biết mình có bao nhiêu tiền và bạn đang nợ những ai.

Khi bạn kiểm soát được một lĩnh vực trong cuộc sống thì những lĩnh vực khác cũng sẽ đồng thời được kiểm soát. Hãy quản lý, sắp xếp mọi thứ theo ý bạn nếu có thể bằng việc kiểm soát từng lĩnh vực trong cuộc sống của bạn.

 

Hãy ăn ít đi

Một trong những cách tốt nhất và đơn giản nhất để giảm cân và tiết kiệm một chút tiền là ăn ít đi.

Tôi đã trao đổi với một cặp vợ chồng chi tiêu 20.000 đô-la một năm vào việc ăn uống và 18.000 đô-la mỗi năm vào đồ tạp phẩm. Chỉ cho hai người thôi! Con số 38.000 đô-la đó tương đương với lương của một người trong một năm. Tất nhiên tôi còn chưa tính đến khoản tiền họ chi vào các bữa ăn nhà hàng, nhưng tôi cũng đã giảm bớt con số mà họ chi tiêu vào hàng tạp phẩm rồi. Con số đó vẫn quá lớn.

Khi lập một bảng kế hoạch chi tiêu, tôi luôn để lại cho mỗi người một khoản tiền chi tiêu vào đồ tạp phẩm là 50 đô-la một tuần. Và mỗi người có thể ăn uống khá thoải mái với số tiền đó. Tôi đang nói về một chế độ ăn có lợi cho sức khỏe. Những ai biện luận rằng, số tiền đó không thể đủ thì chứng tỏ họ có chế độ ăn uống chưa hợp lý. Họ mua bánh quy và đồ ăn sẵn rất tốn kém và phá vỡ kế hoạch chi tiêu của mình. Tôi đã đi cùng một phụ nữ đến cửa hàng tạp phẩm để xem cách cô ấy vẫn đi chợ, nấu nướng cho gia đình mình gồm hai vợ chồng và một cậu con trai bốn tuổi. Hầu như cô ấy chỉ chọn đồ ăn sẵn cho các bữa ăn (chúng ta thường gọi chúng là “bữa tối tivi”). Cô ấy mua hàng tá túi bánh quy, ngũ cốc nhiều đường, sô đa, kẹo và khoai tây chiên. Giỏ hàng của cô ấy đã đầy mà vẫn chưa hề có thức ăn thực sự trong đó. Thậm chí cô ấy còn mua khoai tây nghiền nấu sẵn. Cái gì cơ? Tôi đã hỏi, cô không thể luộc khoai tây và tự nghiền chúng ra hay sao? Và cô ấy trả lời rằng cô ấy không phải là đầu bếp. Hãy tưởng tượng sự khó chịu của cô ấy khi tôi bắt cô ấy bỏ lại hết số đồ ăn trong giỏ và chỉ được mua đồ ăn theo thực đơn 100 đô-la mà tôi đã đưa cô ấy. Tôi đi cùng cô ấy dọc cửa hàng, mua thịt, cá, rau củ, bánh mì và ngũ cốc cùng với rất nhiều hoa quả. Tôi giúp cô ấy mua đầy giỏ hàng đồ ăn thực sự có thể dùng trong hơn một tuần và khi chúng tôi rời cửa hàng, cô ấy vẫn còn thừa tiền. Hai vợ chồng cô ấy sẽ phải nấu ăn. Giỏ đồ ăn này không dùng trong nhiều tuần, đúng là lần này ít đồ ăn hơn họ vẫn ăn trước đây. Nhưng đó là một điều tốt. Cả hai người đều béo phì, vì thế họ thậm chí sẽ phải lên kế hoạch chi tiêu cho mình và thương xót vòng eo của họ một chút.

Hãy nghiêm túc nhìn lại kế hoạch tài chính cho việc chi tiêu ăn uống của bạn. Tôi biết chắc chắn bạn không có một kế hoạch tài chính cho ăn uống, nhưng từ bây giờ trở đi bạn sẽ có kế hoạch đó. Bạn chi tiêu bao nhiêu tiền vào đồ ăn mỗi tuần? Hãy quyết định tiêu ít đi. Hãy sử dụng kế hoạch chi tiêu 50 đô-la cho mỗi người trong một tuần của tôi. Hãy mua những đồ ăn có lợi cho sức khỏe mà lại rẻ hơn. Hãy tự nấu ăn, vì nó sẽ tiết kiệm chi phí cho bạn. Các bữa ăn bạn nấu sẽ tốt cho bạn, cho gia đình bạn và thậm chí bạn có thể sẽ thích nấu ăn đấy. Bên cạnh đó, nếu bạn là người thừa cân thì bạn còn có thể dễ dàng giảm cân nữa.

 

Hãy nghiêm khắc xem lại bạn bè mình

Trong cuốn sách của Randy Gage, Tại sao bạn nghèo… và phương pháp để trở nên thông minh, khỏe mạnh và giàu có! (Why You’re Dumb, Sick and Broke … and How to Get Smart, Healthy and Rich!), tác giả đã trích dẫn lời của một tác giả nổi tiếng, Jim Rohn, rằng thu nhập của bạn bằng thu nhập trung bình của năm người bạn thân của bạn. Tôi tin câu nói này chính xác. Đó là lý do tại sao tôi cố gắng kết bạn với những người rất giàu có. Bạn không tin vào điều này sao? Chúng ta hãy thử xem xét điểm này ngay bây giờ nhé. Tôi muốn bạn viết ra tên năm người bạn thân nhất của mình, sau đó viết ra số tiền họ kiếm được mà bạn biết và tính ra con số trung bình. Đừng nhấc điện thoại lên và gọi cho họ; bạn biết rõ họ kiếm được bao nhiêu mà!

Hãy cộng tổng các con số đó lại và chia cho năm. Con số trung bình là bao nhiêu?…

Giờ thì bạn nhận ra công thức này chính xác chứ? Bạn thấy câu nói của Jim Rohn thế nào? Bạn có thể sẽ muốn xem lại bạn bè của mình. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải bỏ những người bạn cũ của mình ư? Đó có thể là một ý kiến tồi tệ! Nhưng ít nhất hãy cố gắng tìm thêm những người bạn mới, những người tiêu biểu cho những điều bạn muốn nhìn thấy nhiều hơn trong cuộc sống của riêng mình.

Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi dưới đây về bạn bè của bạn:

Bạn và những người bạn thường nói chuyện gì? Các bạn có chế giễu những người giàu có hay không? Các bạn có hạ thấp người khác không? Bạn có chê bai, phàn nàn và than vãn về công việc và cho rằng cuộc sống không công bằng không?

Những người bạn của bạn đọc sách gì?

Những người bạn của bạn mong muốn gì ở bạn?

Những người bạn của bạn giúp gì cho bạn trong cuộc sống?

Nếu câu trả lời của bạn cho những câu hỏi này không phải là những câu trả lời mà bạn đặc biệt tâm đắc, thì bạn phải đối mặt với một quyết định khó khăn: hoặc là tiếp tục chơi với những người bạn này, những người đang níu chân bạn ra xa mục tiêu của bạn; hoặc là chọn những người bạn mới, những người sẽ giúp bạn tiến đến gần mục tiêu của bạn.

Tôi biết điều này không dễ dàng gì. Nhưng tôi có thể cam đoan với bạn rằng nếu tôi phải lựa chọn giữa bạn bè và sự bảo đảm về tài chính cho gia đình mình thì tôi sẽ dằn lòng từ bỏ những người bạn đó.

Hãy hào phóng khi cho tiền boa và tự thanh toán phần của mình

Bạn muốn biết một người ti tiện như thế nào ư? Hãy dùng bữa tối với họ và xem điều gì xảy ra khi nhân viên phục vụ đưa hóa đơn thanh toán. Bất kỳ ai khi thấy hóa đơn thanh toán mà nói rằng: “Nhưng tôi chỉ dùng nước lọc thôi vì vậy số tiền tôi phải trả ít hơn bạn tôi hai đô-la” thì đó đúng là một kẻ ti tiện. Hãy chia hóa đơn theo đầu người trong bữa ăn, trả phần của mình và ra về.

Những người keo kiệt khi cho tiền boa đang tự đánh mất cơ hội để có thể trở nên giàu có. Nếu bạn không hào phóng với những người khác thì những người khác cũng sẽ không hào phóng với bạn.

 

Hãy cho đi một chút tiền của bạn

Tôi biết. Tôi vừa khuyên bạn nên cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp, để tập trung vào chi trả nợ nần, và để tiết kiệm tất cả nếu bạn có thể, nay tôi lại đang khuyên bạn cho đi một chút tiền của bạn. Bạn có thể cho rằng việc làm này chẳng có ý nghĩa gì đúng không? Bạn hoàn toàn đúng. Điều này hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì… trừ khi nó có tác dụng thực sự. Khi bạn sẵn sàng chia sẻ một phần thu nhập của bạn với những người khác thì sau đó nó sẽ trở lại với bạn một cách kỳ diệu. Tôi không biết tại sao nhưng tôi hiểu điều đó đúng.

Minh chứng cho quan điểm trên:

Sau những sai lầm trong kinh doanh và bị phá sản, tôi trắng tay. Tôi đã dừng việc quyên góp từ thiện bởi tôi nghĩ tôi không có khả năng cho đi một chút tiền nào nữa. Trong khi hầu hết mọi người đều cho rằng hành động đó là chính đáng, nhưng cha mẹ tôi lại bảo tôi rằng, nếu con có bất cứ thứ gì thì con nên chia sẻ với những người không có gì cả.

Một ngày nọ, khi đang ngồi trong văn phòng, tôi hoàn toàn không thể cưỡng lại sự thôi thúc viết một tờ séc và cho đi một chút tiền của mình. Tôi cảm thấy cần phải cho đi 100 đô-la. Mặc dù đó không phải là số tiền lớn nhưng vào thời điểm đó đối với tôi thì đó là một con số khổng lồ – đặc biệt vì 100 đô-la là con số lớn hơn khoản tiền mà tôi đã gửi vào tài khoản từ rất lâu rồi. Thêm vào đó, tôi có quá nhiều hóa đơn và các khoản phải thanh toán, lễ Giáng sinh lại đang đến gần và tôi phải mua quà cho hai cậu con trai bé bỏng, tôi cũng cần phải chi tiêu vào những việc khác nữa. Bất chấp những điều đó, tôi không thể cưỡng lại ý muốn làm từ thiện trong tôi. Vì vậy, tôi làm theo những gì mình nghĩ và ngay lập tức viết một tấm séc quyên góp 100 đô-la cho một trong những tổ chức từ thiện mà tôi quan tâm, cho số tiền đó vào một phong bì, ghi địa chỉ và dán tem. Tôi sợ rằng mình sẽ suy nghĩ lại về việc làm đó nên tôi quyết định lấy xe và ra bưu điện gửi ngay lập tức. Tôi cảm thấy rất thanh thản khi làm việc đó, mặc dù tôi không biết sẽ nói với vợ thế nào về việc tôi đã làm. Cô ấy đang cố gắng xoay sở với số tiền nhỏ bé của chúng tôi để trang trải số lượng hóa đơn khổng lồ mỗi tháng, và thật không dễ gì để giải thích về 100 đô-la thiếu hụt trong tài khoản.

Tối hôm đó, chuông cửa nhà tôi reo lên. Đó là một đối tác của tôi. Vì hầu hết các đối tác làm ăn thường không đến tận nhà thế này nên tôi rất băn khoăn, không hiểu có việc gì quan trọng đến nỗi anh ta phải đến nhà tôi vào tối muộn thế này. Tôi mời anh ta vào. Anh ta nói với tôi rằng, có một người vừa gọi cho anh ta để xóa bỏ một khoản nợ khổng lồ mà anh ta đã nợ trong công việc kinh doanh, và anh ta muốn chia sẻ cơ may hiếm có này bằng việc xóa nợ cho một số người. Sau đó, anh ta đưa tôi biên bản ghi nợ và tuyên bố số tiền tôi nợ anh ta đã được xóa bỏ và chúc tôi có một buổi tối vui vẻ. Tôi nhìn vào tờ hóa đơn nợ, không thể nói được lời nào, số tiền đúng bằng 100 đô-la tôi vừa làm từ thiện.

Ai đó có thể nói đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Và có thể đúng như vậy thật. Nhưng với hai vợ chồng tôi, đó là một bài học về việc đừng bao giờ từ bỏ việc “cho” người khác, cho dù hoàn cảnh của bạn thế nào đi chăng nữa. Đó là việc đúng đắn nên làm.

Tôi không thường xuyên dẫn lời của các nhà thuyết giáo ngoại trừ Oral Roberts đến từ Tulsa, Oklahoma. Những lời nói của ông ấy sẽ khiến bạn cảm thấy thân thiện, hiểu rõ về ông ấy và về chương trình truyền hình của ông ấy. Tôi không quan tâm mọi người nghĩ về ông ấy như thế nào; đó không phải là quan điểm của tôi. Nhiều năm trước đây, tôi đã đọc được một câu nói của ông ấy, nó đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của tôi về việc “cho” người khác: “Bỏ qua một cơ hội cho người khác tức là đã đánh mất một cơ hội được nhận về.”

Liệu điều đó có xảy ra không khi bạn cho đi? Tôi cũng không chắc đâu. Tôi không biết liệu nó có ứng nghiệm với bạn hay không. Tôi chỉ biết rằng cách tốt nhất để bắt đầu một công việc liên quan đến tiền, dù đó là một vụ đầu tư hay chỉ đơn thuần là chi trả nợ nần, là cho đi một ít tiền.

Cá nhân tôi tin rằng, bạn nên cho đi 10% số tiền mà bạn có, nhưng không phải dành cho những lý do tâm linh như một số người vẫn hay làm đâu nhé. Vì thế tôi không sử dụng từ một chút xíu. (Thực tế, tôi không muốn bạn nghĩ đến hay sử dụng từ một chút xíu nữa). Khi nghe thấy từ một chút xíu tôi nghĩ ngay đến một người thuyết giáo với mái tóc chải chuốt, hất ngược ra sau theo kiểu cổ điển trên truyền hình, mặc một chiếc áo vét màu ngọc lam và nói với tôi rằng: Chúa cần tiền của tôi và rằng nếu tôi đưa tiền cho vị thuyết giáo này thì ông ấy bảo đảm Chúa sẽ nhận được số tiền đó. Về phần tôi, tôi không nghĩ Chúa cần, hay thậm chí muốn tiền của bạn. Tôi không nghĩ Chúa lại quan tâm đến tiền của bạn. Bạn không nên cho người khác bởi vì bạn nghĩ Chúa muốn bạn làm như vậy hay bởi vì những người khác cần 10 % đó, mặc dù đúng là có những người cần số tiền đó thật. Bạn nên cho đi bởi vì bạn có niềm tin rằng rồi sẽ có nhiều tiền hơn đến với bạn. Bạn cần chứng thực được sự thật rằng bạn có thể học cách sống bằng 90% số tiền còn lại của mình. Bạn cần thành thật với bản thân về ý tưởng bạn sẽ gửi một ít tiền cho những người cần nó hơn bạn.

Tiền đến với bạn và rồi nó lại ra đi. Nếu bạn chưa sẵn sàng cho tiền “đi” thì điều đó có nghĩa là bạn vẫn chưa tin rằng tiền sẽ quay trở lại với bạn. Nếu tay bạn nắm quá chặt để không thể bỏ ra thứ gì bạn có thì bạn sẽ không thể xòe tay ra để nhận về nhiều hơn.

Tôi xin nhắc lại rằng tôi không quan tâm đến việc bạn bị khánh kiệt như thế nào, bạn vẫn có thể tìm ra cách để cho đi một thứ gì đó.

Cho đi cũng là một phần nghĩa vụ của việc có tiền. Vâng, tôi đã nói là nghĩa vụ. Khi bạn có tiền, tức là bạn phải chia sẻ một phần với những người không có tiền. Không phải dành cho những người khánh kiệt trên thế giới này bởi vì họ vẫn có thể thoát khỏi tình cảnh của mình và làm việc để kiếm tiền, mà dành cho những người nghèo túng, những người không có cơ may để sống tốt hơn.

 

Gấp “một Benjamin” lại

“Một Benjamin” là một tờ tiền có mệnh giá 100 đô-la. Tôi rất thích chúng. Tôi cố gắng thu thập chúng càng nhiều càng tốt. Tôi luôn gấp từng tờ lại và cất chúng vào một ngăn kín trong ví. Bạn cũng nên làm như vậy.

Nó sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn về tình cảnh của bạn. Có một Benjamin trong túi, bạn sẽ cảm thấy mình là một người giàu có. Và bạn sẽ không bao giờ cháy túi. Người giàu có, người không bị khánh kiệt hành động rất tự tin. Hãy tin tôi đi, nó sẽ có ích đấy. Nếu bạn rơi vào tình huống khẩn cấp và buộc phải sử dụng nó, thì hãy nhanh chóng để một đồng tiền khác vào ngay khi có thể.

Bạn không thể cất đi 100 đô-la ư? Vậy thì hãy bắt đầu với 20 đô-la thôi. Rồi sau đó tăng lên 50 đô-la, rồi 100 đô-la. Số hàng trăm là một tờ bạc kỳ diệu. Dù cho sau này bạn trở nên giàu có thế nào đi nữa, khuôn mặt Benjamin Franklin đang mỉm cười với bạn sẽ vẫn luôn làm cho một ngày của bạn trở nên tươi sáng hơn.

 

Biết ơn về những gì bạn có

“Tôi không có nhiều lắm, vì vậy tôi phải tỏ ra biết ơn về điều gì?”

Bạn có thể có ít hơn đúng không? Chắc chắn bạn có thể. Hãy nhớ câu châm ngôn: “Tôi đã cảm thấy tiếc cho những người không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân.” Mọi thứ đều có thể tồi tệ hơn đối với bạn. Đừng bao giờ nói những lời ngu ngốc kiểu như: “Con trai, mọi thứ không thể tồi tệ hơn thế này được nữa!”. Tin tôi đi, nếu bạn đã học được điều gì đó từ cuộc sống thì đó chính là nhận thức rằng mọi thứ luôn có thể trở nên tồi tệ hơn! Vì vậy, thậm chí khi mọi thứ đang tồi tệ với bạn, hãy cảm thấy biết ơn vì chúng không trở nên tồi tệ hơn nữa. Bạn có trí thông minh và khả năng để thay đổi mọi thứ. Bạn có thể khiến cho mọi thứ trở nên tốt hơn. Chỉ điều đó đã đủ để bạn thấy hài lòng với những gì mình có rồi. Để nhắc nhở bản thân bạn về tất cả những điều tốt đẹp mà bạn có giữa những điều tồi tệ, tôi muốn bạn lập một danh sách. Vâng, lại một danh sách khác!

“Bạn càng cảm thấy hài lòng với những gì bạn có thì bạn sẽ càng cảm thấy biết ơn những gì mình đang có.”

—Zig Ziglar

TÔI BIẾT ƠN VỀ:

“Một tinh thần khoan khoái là một tinh thần tuyệt vời, thứ mà cuối cùng cũng sẽ thu hút những điều tuyệt vời về phía mình.”

—Plato

 

Sơ suất tài chính trong gia đình

Tôi nhận được hàng trăm thư điện tử từ những người lo lắng về việc các thành viên trong gia đình họ đang có vấn đề về tiền bạc. Một vài thư là những lời khẩn cầu sự giúp đỡ trong tuyệt vọng, rõ ràng được viết ra bằng cả tình yêu thương và nỗi đau khi phải chứng kiến người thân của họ chịu đựng khó khăn. Họ nói với tôi rằng, họ đã cố gắng tìm mọi cách để giúp anh em, con cái hay thành viên khác trong gia đình họ thoát khỏi tình trạng phá sản nhưng dường như các biện pháp đều không hữu hiệu. Đây chính là lý do: Người thân của bạn không muốn thay đổi tình cảnh của mình. Sự thật đáng buồn là bạn không thể thay đổi tình cảnh giúp anh ta được. Bạn không thể cứu ai đó khi người đó không muốn được giải cứu.

Những người cần sự giúp đỡ hiếm khi hiểu rõ giá trị của sự giúp đỡ. Thậm chí hầu hết những người đó còn không chấp nhận sự giúp đỡ. Bạn chỉ có thể giúp đỡ người khác khi họ muốn được giúp đỡ. Một thành viên nào đó trong gia đình đã bao giờ nhờ bạn giúp đỡ chưa? Ý tôi là một sự giúp đỡ lớn hơn việc vay tiền để giải quyết một chuyện rắc rối. Đã bao giờ cô ấy nhờ bạn giúp cô ấy thay đổi cách sống để không rơi vào rắc rối lần nữa chưa? Nếu cô ấy chưa từng nhờ đến sự giúp đỡ kiểu đó thì có thể cô ấy thực sự không muốn thay đổi cuộc sống của mình. Cô ấy không muốn thoát khỏi cảnh nghèo túng. Cô ấy chỉ muốn được bảo lãnh mỗi khi cô ấy lâm vào tình cảnh khó khăn, rắc rối mà thôi.

Một vấn đề khác khi cố gắng giải cứu một ai đó là bạn đã làm cho anh ta ghi nhớ trong đầu rằng anh ta là một nạn nhân. Sau tất cả, bạn chỉ giải cứu các nạn nhân thôi đúng không? Bạn cũng xác nhận ý nghĩ đó về anh ta, điều này có nghĩa là bạn đối xử với anh ta giống như với một nạn nhân. Hãy dừng việc đối xử với người khác như một nạn nhân đi. Thay vào đó, hãy đối xử với họ như những người có trách nhiệm, những người đã tự gây ra rắc rối và họ có trách nhiệm giải quyết các vấn đề đó. Bạn nên giúp họ giải quyết vấn đề của họ nếu họ muốn và đề nghị bạn giúp đỡ. Nhưng hãy để họ biết được giá trị của lòng tự trọng bằng việc để họ chịu trách nhiệm cho những hành động của họ. Hãy ném cho họ một sợi dây, nhưng hãy để họ tự tìm cách thoát ra khỏi cái hố của riêng họ.

Vì hầu hết những lời đề nghị tôi nhận được đều đến từ các vị phụ huynh muốn giúp con cái mình, nên tôi biết vai trò của các bạn trong việc dạy dỗ con cái về tiền bạc là rất quan trọng.

 

Trẻ con và tiền bạc

Điều duy nhất mà lũ trẻ biết về tiền là những gì bạn dạy chúng. Đừng trông mong lũ trẻ nhà bạn học được cách tiêu tiền khôn ngoan nếu chúng thấy bạn phung phí vào những món đồ không cần thiết. Những lựa chọn của bạn sẽ trở thành những lựa chọn của chúng. Mỗi đồng tiền bạn tiêu đều chỉ cho chúng thấy cách tiêu tiền như thế nào và chúng sẽ hành động như những gì chúng thấy.

 

Trẻ con nên kiếm tiền cho chính mình

Hãy giao cho trẻ những công việc vặt trong nhà và trả công cho chúng. Đây phải là những công việc vặt đặc biệt, không phải là những việc mà các thành viên trong gia đình vẫn thường làm. Là một thành viên trong gia đình, chúng sẽ tự động làm những việc như giúp lau bàn, đổ chậu nước rửa bát (thậm chí là rửa bát), giúp giặt quần áo của chúng, hút bụi sàn nhà, đổ rác, và tự chăm sóc bản thân. Những việc này dành cho cả bé trai và bé gái. Tôi không đồng tình với ý niệm phân biệt công việc của bé gái và bé trai. Bé trai có thể giúp việc bếp núc và bé gái có thể giúp việc trong gara. Tôi đang nói về các công việc vặt xung quanh các đồ vật thông thường – có thể là rửa xe, cắt cỏ hay rửa máng nước. Tôi không phải chỉ ra đâu là công việc lặt vặt, đó là việc của bạn. Quan điểm của tôi là khi bọn trẻ tự biết kiếm tiền, chúng sẽ biết trân trọng cả công việc và số tiền chúng kiếm được.

“Tôi muốn bọn trẻ nhà tôi giàu có hơn tôi.”

Tất cả chúng ta đều muốn điều đó. Nhưng chúng ta rất dễ sa đà. Bạn không nên chiều bọn trẻ bằng cách mua mọi thứ chúng muốn hay mọi thứ chúng không có. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều ông bố, bà mẹ đã nghĩ rằng họ thể hiện tình yêu của mình với bọn trẻ bằng cách mua cho chúng mọi thứ chúng thích. Tôi đã nhìn thấy một nhà kho với hàng trăm món đồ cho một em bé một tuổi. Những bộ quần áo chưa bóc mác và cô bé đó có lẽ sẽ không bao giờ mặc đến chúng bởi em lớn rất nhanh. Tôi đã nhìn thấy những ngôi nhà, nơi mà bạn không thể đi lại dễ dàng ở bất cứ căn phòng nào trong ngôi nhà đó bởi vì có rất nhiều đồ chơi – trong đó có nhiều món chưa bao giờ được sử dụng. Trong những trường hợp đó, các bậc cha mẹ đều đã không dành tất cả cho việc học tập của con cái. Khi tôi hỏi về sự chi tiêu lố lăng của họ, họ đã cố gắng thuyết phục tôi rằng họ làm như vậy là vì tình yêu của họ đối với con cái.

Tôi đã nói chuyện với những ông bố bà mẹ sắp bị tịch thu nhà cửa và xe thế chấp, lúc ấy họ vẫn còn cố thuyết phục bản thân rằng, việc bỏ hàng trăm đô-la mua quần áo và đồ chơi mỗi tháng cho em bé một tuổi của họ là một ý tưởng hay. Họ muốn chắc chắn rằng cô bé được hạnh phúc. Cô bé một tuổi hạnh phúc khi bạn bế cô bé lên, ôm cô bé vào lòng và chăm sóc cô bé. Bạn có thể cho cô bé một hộp các tông để chơi và có lẽ bé sẽ thích màu hồng đấy.

Những ông bố bà mẹ chỉ tiêu tiền vào những thứ không có giá trị trong tương lai thì đó không phải là cách thể hiện tình yêu với con cái mình. Những gì họ đang làm chỉ thể hiện thái độ không quan tâm và thiếu trách nhiệm của họ mà thôi. Họ đang cướp đoạt sự giáo dục của con cái họ. Theo tôi, đây là một hình thức của sự lạm dụng trẻ em. Một câu nói khó nghe, tôi biết, nhưng đánh cắp tương lai của trẻ em là một sự vi phạm nghiêm trọng.

 

Hãy dạy con về tín dụng

Hãy chỉ cho chúng thấy những báo cáo tín dụng và giải thích thế nào là tỷ lệ lãi suất. Hãy nói cho chúng biết vì sao mà một ngôi nhà trị giá 300.000 đô-la nhưng khi trả tiền sau hơn 30 năm thì lại không còn giá 300.000 đô-la nữa.

Hãy nhắc nhở chúng rằng, chúng sẽ bị ngập trong những lời đề nghị làm thẻ tín dụng ngay khi chúng bước vào tuổi 18, và dạy cho chúng biết những cạm bẫy khi lạm dụng thẻ tín dụng. Đừng để con bạn bị mờ mắt bởi những lời hứa hẹn giả dối về một cuộc sống tốt đẹp mà những công ty cung cấp thẻ tín dụng quảng cáo.

 

Khi các con bạn gặp vấn đề về tài chính, hãy giúp đỡ chúng. Nhưng không phải mọi lúc

Hãy để cho con bạn nếm trải nỗi khổ cực do các quyết định của chúng mang lại. Nhờ đó, chúng sẽ học được cách làm thế nào để có những quyết định sáng suốt hơn. Hãy để cho chúng lo lắng và cảm thấy hối hận về sự chi tiêu quá đà của mình. Hãy để chúng nếm trải tình cảnh nợ nần với một bộ sưu tập các cuộc gọi đòi nợ. Hãy để chúng tự đối mặt và để chúng trả chậm một vài khoản nợ. Điều đó sẽ tốt cho chúng. Những bài học chưa được trải nghiệm trong thực tế sẽ luôn chỉ là lý thuyết suông mà thôi. Tuy nhiên, đôi khi có thể có một lý do chính đáng để bạn giúp đỡ các con mình.

Khi bạn có ý định giúp các con giải quyết vấn đề tiền bạc, bạn phải quyết định xem sự giúp đỡ đó sẽ như là một món quà hay bạn cho chúng vay khoản tiền đó. Dù là cách nào thì bạn nên nói rõ ràng với chúng ngay từ đầu khoản tiền đó là gì. Một món quà sẽ dễ dàng hơn đấy. Nếu theo cách này thì bạn biết đấy, bạn sẽ không nhận lại được khoản tiền đó nữa. Nếu bạn chỉ đưa chúng tiền, chúng có thể tiêu vào một việc khác, còn hóa đơn nợ vẫn không được thanh toán. Sau tất cả, chúng vẫn rơi vào tình trạng nợ nần bởi chúng không thể quản lý được tiền của mình. Khi bạn dùng tiền của mình để giúp chúng thoát khỏi khó khăn về tiền bạc, hãy kiểm soát tình cảnh của chúng và giải quyết khó khăn đó. Gợi ý của tôi là, hãy lấy hóa đơn nợ của chúng và tự mình thanh toán cho chúng.

Nếu bạn giúp các con mình bằng việc cho chúng vay tiền, điều đó sẽ biến bạn trở thành một chủ nợ. Hãy chắc chắn rằng bạn sẵn sàng trở thành một chủ nợ và hành động giống như một chủ nợ đối với các con của mình trước khi bạn cho chúng vay tiền. Là một chủ nợ có nghĩa là bạn phải đặt ra một hạn định để đòi lại khoản cho vay đó và đề nghị con bạn phải tuân theo hạn định đó. Bạn sẽ phải gọi rất nhiều cuộc điện thoại đòi nợ và chúng sẽ xem bạn như một gã xấu xa. Chúng sẽ chơi bài “nhưng con là con của cha mẹ mà” và bạn sẽ cảm thấy có lỗi. Hoặc là bạn sẽ làm cho chúng phát điên lên và chúng cũng sẽ làm như vậy đối với bạn. Quan hệ giữa bạn và các con sẽ bị tổn hại, có thể là mãi mãi, chỉ vì tiền.

Một người phụ nữ trẻ trong chương trình truyền hình của tôi đã vay cha và anh trai mình một khoản tiền. Không nhiều lắm – chỉ vài trăm đô-la thôi. Nhưng cô ấy không trả khoản tiền đó vì cô gặp khó khăn về tài chính. Cô đã ngừng mọi liên lạc với họ trong nhiều năm chỉ vì cô ấy chưa trả họ vài trăm đô-la. Tôi đã rất khó khăn mới thuyết phục được cô ấy gặp cha mình. Ông ấy rất yêu con gái mình và cô ấy cũng rất yêu cha, nhưng chỉ một khoản tiền nhỏ đã trở thành vật cản giữa cha con họ. Thật đáng buồn.

Hãy cẩn thận khi cho các con bạn vay tiền. Hãy hiểu ngay từ đầu rằng việc đó có thể sẽ không có kết thúc tốt đẹp đâu. Hãy sẵn sàng cho kết quả đó và tự hỏi bản thân xem khoản tiền đó có đáng để làm vậy không. Có thể sẽ tốt hơn nếu chỉ đưa tiền cho chúng thôi.

 

Hãy bỏ ra một vài tấm séc

Con trai tôi, Tyler, là một cảnh sát ở Phoenix, Arizona. Tôi rất tự hào về nó. Nó là một cảnh sát giỏi, luôn làm rất tốt công việc của mình. Trên hết, nó yêu thích công việc của mình. Vì sao nó lại yêu thích công việc đến vậy? Chính là nhờ tiền. Khi còn nhỏ, Tyler không phải là người có trách nhiệm. Nó chơi bời lêu lổng và không làm việc gì thực sự cả. Nó đã thi đỗ vào một trường đại học nhưng lại không đi học, và nó cũng không làm việc chăm chỉ. Thay vào đó, nó suốt ngày tụ tập, tiệc tùng với bạn bè. Và khi không có tiền mặt để tiệc tùng, nó viết séc.

Vấn đề là ở chỗ tiền không phải lúc nào cũng đủ để thanh toán các hóa đơn của nó. Sau một thời gian, tôi phát hiện nó nợ khoảng 800 đô-la ký séc và đang gặp vấn đề thực sự. Nó đến phòng làm việc của tôi và đặt toàn bộ các tấm séc nợ của mình ra trước mặt tôi và nói: “Cha à, con đang gặp rắc rối.” Sau khi xem xét tình cảnh của nó, tôi nói: “Ừ, con đang gặp rắc rối thật rồi.” Nó nói nó đã quyết định cần phải sắp xếp lại cuộc sống của mình và muốn nhập ngũ. Vào thời điểm đó, không có bất kỳ hình thức chiến tranh nào đang diễn ra và tôi nghĩ đó là một ý kiến không tồi. Tôi nói với nó rằng tôi sẽ trả cho nó khoản nợ 800 đô-la do chi tiêu ngu ngốc nếu nó gia nhập quân đội và nó đồng ý. Tyler là một người lính xuất sắc. Từ một cậu bé vô kỷ luật, nó trở thành một chàng trai kỷ luật nhất mà tôi từng thấy. Sau gần tám năm trong quân đội, nó xin giải ngũ và trở thành cảnh sát. Hiện nay nó đang làm cảnh sát, tất nhiên rồi. Tại sao ư? Bạn có thể cho rằng đó là số phận của nó. Có thể lắm chứ. Nhưng tôi tin đó là vì các tấm séc trị giá 800 đô-la bị trả lại trước đây. Vâng, tôi đã giúp nó bằng cách thanh toán 800 đô-la đó. Nhưng nó đã nhận ra sự vô trách nhiệm của mình và nhận thức được rằng nó cần phải có những nguyên tắc trong cuộc sống. Nó đã quyết tâm định hướng tương lai với kế hoạch ổn định lại cuộc sống. Quyết định đó – quyết định có được nhờ vào một vấn đề về tiền bạc – đã định hình phần cuộc đời còn lại của nó theo một hướng đi rất tích cực.

 

Hãy cùng ký xác nhận

Một lần nữa tôi lại nhắc bạn hãy cẩn thận. Tôi đã làm việc đó với cậu con trai của mình và nó đã có hiệu quả. Nhưng tôi thật may mắn. Các con tôi có thể đã gây ra rắc rối với việc chi tiêu gắn chặt với các công ty thẻ tín dụng của chúng, nhưng chúng không bao giờ nghĩ đến việc sẽ bòn rút tiền của cha chúng cả. Đây không chỉ là kết quả của mối quan hệ cha con mà nó còn là một thỏa thuận về tiền bạc của cha con chúng tôi đã được hai bên cùng xác nhận.

 

Con bạn không có quyền đối với tiền của bạn khi bạn qua đời

Mục tiêu của tôi là tiêu đến đồng xu cuối cùng tôi có trong ngày cuối cùng của cuộc đời. Tại sao không? Tôi đã kiếm ra chúng mà?

“Nhưng Larry ơi, để lại tiền bạc cho các con anh là một việc rất quan trọng đấy.”

Bạn hoàn toàn đúng. Nhưng để lại tiền bạc cho con bạn là việc không quan trọng chút nào. Quan trọng là để lại cho chúng niềm tin rằng chúng có thể kiếm được tiền cho mình. Điều quan trọng là để chúng biết rằng bạn yêu chúng như thế nào và tình yêu của bạn dành cho chúng đủ để đảm bảo bạn đã trang bị cho chúng hành trang kiến thức đầy đủ. Quan trọng là bạn đã chứng tỏ khả năng của mình trong cuộc sống và phát huy tối đa tiềm năng của mình để trở thành tấm gương tốt cho chúng học hỏi. Quan trọng là bạn dạy các con cách kiếm tiền, tiêu tiền, đầu tư tiền và tận hưởng những thứ mà tiền mang lại như thế nào. Vì vậy, để lại tiền bạc cho các con bạn là một việc không hề quan trọng chút nào.

 

Những người nghiện mua sắm và những người có khả năng chế ngự

Người ta đi mua sắm vì rất nhiều lý do. Họ mua sắm để tự cảm thấy tốt hơn, để trở thành một người khác với con người thật của họ và thoát khỏi cảm giác bị ép buộc phải làm gì đó. Họ đi mua sắm để giảm căng thẳng, bởi vì họ vui và bởi vì họ buồn. Một số người đi mua sắm và tiêu tiền chỉ đơn giản là do thói quen.

Lý do tôi thấy phổ biến nhất là mọi người đi mua sắm để trốn thoát khỏi cuộc sống thực tại. Họ không muốn đối mặt với cuộc sống thực tại của mình và mua sắm mang lại cho họ sự an ủi tạm thời từ những mối quan hệ tồi tệ của họ, những vấn đề về lòng tự trọng, và thậm chí là sự túng thiếu tiền bạc của họ. Một anh chàng nói với tôi rằng, anh ta đi mua sắm bởi nó khiến anh ta cảm thấy tốt hơn về sự thật là anh ta đang gặp rắc rối về tiền bạc. Nhưng anh ta không hiểu rằng, những vấn đề tiền bạc đó nảy sinh bởi anh ta đi mua sắm quá nhiều!

Cũng có những người nghiện mua sắm thực sự. Trong chương trình Big Spender, tôi đã gặp rất nhiều người như vậy – những người ngày nào cũng đi mua sắm. Không vì điều gì cả. Họ cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa trừ phi họ tiêu tiền. Thậm chí họ còn đặt ra định mức mười lăm phút phải rút tiền ra tiêu một lần. Miễn là tiền ra khỏi tay họ và vào tay một ai đó, và rồi họ nghĩ rằng họ đang hào phóng và sung túc.

Người nghiện mua sắm cũng giống như người nghiện cocaine vậy. Và cách chữa trị cũng tương tự. Bạn phải đối mặt với lời nói thẳng khó nghe này của tôi. Một lần, một anh chàng cảnh sát tham gia chương trình truyền hình của tôi. Anh chàng này không nghiện thứ chất kích thích nào cả nhưng anh ta lại thích đi mua sắm. Anh ta nói với tôi rằng anh ta nghĩ phương pháp cai nghiện từ từ sẽ có tác dụng hơn. Tôi hỏi phản ứng của anh ta sẽ như thế nào nếu một người nghiện thực sự nói với anh ấy điều tương tự. “Tôi sẽ giảm liều dùng dần dần cho đến khi tôi không dùng chút nào nữa.” Anh ta cho rằng điều đó thật nhảm nhí. Anh không thể tự mình cai mua sắm dần dần được. Anh chỉ có thể dừng ngay việc đi mua sắm thôi.

Tôi không phải là một chuyên gia về cai nghiện. Nếu bạn thực sự là người nghiện mua sắm, thì bạn cần sự giúp đỡ của chuyên gia. Tìm kiếm trên Internet hay gọi vài cú điện thoại và tìm một ai đó bạn có thể giãi bày về thói nghiện ngập của mình.

Tuy nhiên, đừng quá vội vã nghĩ rằng bạn đã mắc nghiện chỉ bởi vì bạn thích đi mua sắm. Một vài người chỉ không có nguyên tắc cá nhân và không kiềm chế nổi bản thân đi mua sắm như một lý do cho hành động của họ. Dưới đây là một vài điều tôi nghĩ sẽ giúp ích cho bạn cho dù mức độ mua sắm của bạn là bao nhiêu đi chăng nữa.

 

Hãy ở xa các cửa hàng

Nếu bạn là một người nghiện rượu thì sẽ không phải là ý kiến hay khi bạn bỏ thời gian ở quán bar phải không? Và nếu bạn là một người ăn quá nhiều thì bạn nên tránh xa tất cả các cửa hàng bán đồ ăn mà bạn có thể ăn, đúng không? Vì thế, nếu bạn có vấn đề về mua sắm thì hãy ở xa các trung tâm mua sắm và những nơi bạn có thể bị cám dỗ tiêu tiền! Các cửa hàng không phải là nơi duy nhất bạn phải tránh né. Hãy tránh xa cả những kênh mua sắm qua truyền hình và bán hàng qua mạng cũng như các website bán hàng trên Internet.

Tôi đã khuyên một người phụ nữ mắc chứng nghiện mua sắm rằng, tôi thậm chí không muốn cô ấy đi vào trạm xăng để trả tiền bởi vì cô ấy không thể chỉ trả tiền mà không mua một tạp chí, một chai Coke hay một thanh kẹo. Các quầy bán bất kỳ các loại hàng hóa nào cũng có thể cám dỗ cô ấy. Thêm vào việc tìm một vài lời tư vấn, tôi gợi ý bạn nên làm chủ bản thân, loại bỏ mọi sự cám dỗ ngay lập tức.

 

Hãy tạo cho mình những thói quen mới

Rất nhiều người tiêu tiền do thói quen. Họ mua đồ ăn mang về vào các buổi tối thứ ba. Họ mua cà phê sữa trên đường đi làm. Vào các ngày thứ bảy, họ đến trung tâm mua sắm. Mỗi khi kiểm tra hộp thư điện tử, họ lại tranh thủ nhấp chuột vào eBay, kể cả khi họ không muốn hay cần bất cứ thứ gì. Đừng bị mắc bẫy.

Bạn rất cần những thói quen mới nếu như hoàn cảnh của bạn đã thay đổi. Bạn thường đi mua sắm với bạn bè và đi ăn trưa bên ngoài, hay thường đi nhậu sau giờ làm việc. Nhưng bạn vừa ly hôn hay vừa phải tiêu một khoản khẩn cấp, cho nên hoàn cảnh của bạn đã thay đổi và bạn không thể tiếp tục những thói quen mua sắm của mình được nữa. Hãy giải thích với bạn bè và tạo cho mình những thói quen mới thay thế những thói quen mua sắm trước đây.

Hãy thử đến thư viện xem sao. Khi tôi gợi ý một người phụ nữ đến thư viện, cô ấy đã trả lời rằng: “Tôi phải làm gì ở đó?”. Tôi cười lớn. Tôi gợi ý cô ấy có thể thử tìm một cuốn sách để đọc. Cô ấy kêu lên một cách kinh hãi: “Ôi! Không”. Tôi lại hỏi, thế cô nghĩ sao về việc đi dạo trong công viên? Cô ấy lắc đầu lè lưỡi. Cô ấy thích đi bộ quanh các khu mua sắm lớn nhưng không có chút sức lực nào để đi bộ quanh công viên. Rõ ràng là cô ấy không sẵn sàng để thay đổi bản thân mình.

Tôi không thể bảo bạn phải làm gì. Hãy tìm một việc gì đó để làm để lấp đầy thời gian rảnh rỗi của bạn mà không lấy đi chút tiền nào của bạn. Chỉ đừng đi mua sắm!

Hãy đi mua sắm với một danh mục các món đồ cần mua, một khoản tiền và đi cùng một người bạn để họ giám sát việc mua sắm của bạn!

Tôi đã nói điều này ở trên nhưng tôi vẫn nhắc lại lần nữa: Đừng “xa rời” danh mục các món đồ bạn cần mua hay khoản tiền bạn mang theo vì bất cứ lý do gì. Nếu bạn cảm thấy không tự tin khi đi mua sắm một mình thì hãy đi cùng một ai đó, người nào đó có thể giúp bạn mua sắm đúng danh mục bạn đã lên và nhắc nhở bạn rằng bạn đang ở cửa hàng để mua những thứ cần thiết mà thôi.

 

Hãy mang theo tiền mặt

Tôi đã nói điều này ở trên nhưng nó đặc biệt quan trọng với một người nghiện mua sắm. Nếu bạn có 25 đô-la để mua một món quà thì bạn hãy bỏ 25 đô-la vào một cái phong bì với dòng ghi chú bên ngoài phong bì: “QUÀ TẶNG…” và chỉ dùng khoản tiền đó để mua quà mà thôi. Bạn sẽ dễ dàng tiêu 40 đô-la khi bạn định mua một món quà 25 đô-la nếu bạn dùng thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ. Những chiếc phong bì cùng với tiền mặt sẽ giúp bạn kiểm soát chi tiêu của mình.

 

Một lời khuyên dành cho những người nghiện mua sắm có khả năng “cai nghiện”

Tôi có thể chỉ là một người dẫn chương trình truyền hình có tên Big Enabler (Người có khả năng sai khiến). Dường như hầu hết những người đi mua sắm đều có một người có khả năng sai khiến họ: đó là người có thể khuyến khích họ tiêu tiền hoặc ngăn cản họ khi họ chuẩn bị tiêu tiền. Người có khả năng sai khiến đó không có can đảm hay dũng khí để nói không với người bạn nghiện mua sắm của mình.

Tôi đã nói chuyện với một đôi vợ chồng trong năm đầu tiên họ cưới nhau. Anh ấy đưa tiền cho vợ tiêu và không thể nói không với vợ vì anh ấy sợ rằng cô ấy có thể đánh giá thấp mình. Anh ấy muốn vợ mình có bất cứ thứ gì mà cô ấy muốn và anh ấy thường thức đêm làm việc để cố gắng tìm cách chi trả các khoản chi tiêu của vợ. Cô vợ hoàn toàn không biết rằng họ chỉ cách sự phá sản có một tấm séc thanh toán nữa mà thôi. Cuối cùng khi anh ấy nói thật với vợ về cảm giác của mình, cô vợ quả quyết là bất chấp mọi hoàn cảnh cô ấy vẫn yêu anh và cô ấy cảm thấy rất hối hận vì đã tiêu pha quá lãng phí.

Bạn đừng chiều gia đình hay bạn bè mình bằng việc để họ tự phá hủy cuộc sống của họ khi bạn có thể chấm dứt việc đó. Đó không phải là tình yêu. Hãy đưa ra sự can thiệp của cá nhân bạn và đối mặt với vấn đề này. Người bạn nghiện mua sắm đó có thể sẽ bực tức, kêu la và nói với bạn rằng đó không phải là việc của bạn. Nhưng một người bạn luôn phải thẳng thắn và nói với bạn mình sự thật. Và các cặp vợ chồng nên có các buổi nói chuyện cởi mở và cẩn thận về tiền bạc.

Nếu bạn là người có khả năng kiểm soát một người nghiện mua sắm thì bạn không thể là bù nhìn khi người đó đi mua sắm. Nếu bạn là người có khả năng kiểm soát, bạn không nên mời người bạn nghiện mua sắm đi ăn trưa. Bạn không nên rủ họ đi xem phim. Mỗi lần đi cùng người bạn đó, bạn phải hạn chế sự tiếp xúc của mình với những hoạt động ảnh hưởng đến ví tiền của bạn và người bạn đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.