Học Cách Tiêu Tiền

PHẦN II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHẤM KHÁ HƠN (THẬM CHÍ CÓ THỂ TRỞ NÊN GIÀU CÓ!) – 3. Hãy xác định bạn đang ở đâu



Trong tất cả những người tôi đã tư vấn về tiền bạc và các vấn đề về tiền bạc, chưa có một ai – ý tôi là chưa một người nào – biết được rằng anh ta đã kiếm được bao nhiêu tiền và anh ta đã nợ bao nhiêu tiền. Bạn không thể thoát khỏi tình trạng khánh kiệt và trở nên khấm khá hơn cho đến khi bạn biết được bạn sẽ phải làm việc cùng với điều gì.

Đây là lúc để chỉ ra chính xác bạn nợ bao nhiêu rồi.

Bạn cần lập một bảng thống kê từng khoản nợ và bạn đang nợ những ai. Dù chỉ vay ông anh vợ vài đô-la thì bạn cũng phải đưa vào danh mục này. Bạn cũng nên viết ra các khoản chi tiêu hàng tháng của mình. Bạn tiêu tiền vào bất kỳ thứ gì, từ rau quả, xăng dầu, đến ăn nhà hàng, đi xem phim, chăm sóc vật nuôi và tất cả những thứ khác, cũng đều phải đưa vào danh sách này. Đừng chỉ viết ra những gì bạn nghĩ là bạn sẽ tiêu; hãy bắt đầu

Bây giờ là lúc bạn chỉ ra chính xác số tiền bạn kiếm được.

Đáng buồn thay, con số tổng phía trên thường không cao bởi hầu hết mọi người không có nhiều tiền trong tay. Vì vậy, chúng ta hãy tiến đến con số thực sự mà bạn có.

Nào chúng ta hãy làm một bài toán cơ bản nho nhỏ sau nhé:

Thu nhập hàng tháng: …

Chi phí thâm hụt hàng tháng: …

Bức tranh tài chính của bạn: …

Lời khuyên thực tế của tôi là: con số trên cùng phải lớn hơn con số thứ hai, có như vậy bạn mới có được một khoản tiết kiệm hàng tháng. Nếu hiện tại, thu nhập mỗi tháng của bạn thấp hơn khoản chi tiêu thì bạn đang trong tình cảnh thực sự tồi tệ đấy. Nó cũng có nghĩa là bạn không thanh toán nổi các hóa đơn của mình hoặc là bạn đang phải sống nhờ vào các thẻ tín dụng.

Bạn thấy rất bất ngờ phải không? Tôi đã đưa ra bài toán này với rất nhiều người và tôi chưa gặp ai không bị sốc trước chi phí thâm hụt hàng tháng của họ cả. Họ nghĩ rằng họ chỉ tiêu vượt quá khoản thu nhập của mình khoảng một nghìn đô-la mỗi tháng mà thôi. Tôi đã ngồi với họ và chỉ cho họ thấy rằng, dựa vào các khoản chi thực tế của họ, họ đang chi tiêu vượt quá thu nhập tới gần bảy nghìn đô-la mỗi tháng.

Nếu khoản chi tiêu vượt quá thu nhập thì cuộc sống của bạn sẽ không được bảo đảm.

Vậy thì, bạn đã chi tiêu vượt quá thu nhập bao nhiêu?

Hãy viết nó ra: …

Nếu bạn không lâm vào cảnh thâm hụt đó thì khoản tiền bạn kiếm được nhiều hơn khoản bạn chi tiêu bao nhiêu?

Hãy viết nó ra: …

ĐIỀU NÀY KHIẾN BẠN CẢM THẤY THẾ NÀO?

Biết được bạn cảm thấy thế nào vào lúc này rất quan trọng. Hãy dành một vài phút và viết ra những cảm xúc của bạn sau khi khám phá ra bức tranh tài chính thực sự của mình.

 

Hãy chịu trách nhiệm về tình cảnh của bạn. Hãy kinh qua sự hối hận!

Tôi muốn bạn nghĩ rằng: “Khỉ thật, mình đúng là một tên ngốc!” Tôi muốn bạn cảm thấy ăn năn, thấy mình như một kẻ khờ dại vì đã tự đẩy mình vào tình cảnh này; tôi muốn bạn khóc lóc, nói lời xin lỗi và cảm thấy không có kẻ nào trên hành tinh này ngu dốt hơn mình. Tôi muốn bạn đi đến trước gương và nhìn lại bản thân với những giọt nước mắt đang lăn dài trên gương mặt và chấp nhận một sự thật là bạn phải chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề của bạn. Tôi muốn bạn phải cảm thấy tổn thương, một sự tổn thương thật sự!

Tại sao ư? Bởi vì đó là sự thật. Nếu bạn đang chi tiêu nhiều hơn khoản bạn kiếm được, bạn đang ngập đầu ngập cổ trong nợ nần vì bạn không thể kiểm soát được thói quen chi tiêu và kiếm được ít hơn bạn có thể, khi ấy bạn xứng đáng phải nhận hình phạt vì sự lựa chọn của mình. Tôi tin rằng nỗi đau là động cơ thúc đẩy tốt hơn rất nhiều so với sự thỏa mãn. Bạn không tin ư? Hãy suy nghĩ về nhân vật Jack Bauer trong bộ phim truyền hình 24. Tôi rất thích bộ phim này và có thể bạn cũng đã xem rồi. Nếu chưa xem, bạn chỉ cần biết rằng Jack Bauer là một người ưa sử dụng bạo lực. Bạn thử hình dung tình huống này nhé: Jack Bauer ngồi trên một chiếc ghế và nói với bạn rằng: “Hãy nói cho tôi biết quả bom nguyên tử ở chỗ nào, tôi sẽ thưởng cho anh một kỳ nghỉ thú vị ở Tahiti”; hoặc anh ta trói bạn vào một chiếc ghế, tay lăm lăm một cặp dao trước mặt bạn và đe dọa rằng: “Hãy nói cho tao biết quả bom nguyên tử ở đâu? Bằng không tao sẽ cắt từng ngón tay mày và nhìn mày chảy máu đến chết,” trong trường hợp nào bạn sẽ có câu trả lời nhanh và trung thực nhất? Hãy xem tôi có ý gì? Đau đớn luôn là động cơ thúc đẩy tốt hơn sự thỏa mãn.

Hơn nữa, cảm giác hối hận là biểu hiện đầu tiên của tinh thần trách nhiệm. Khi bạn cảm thấy tồi tệ vì đã làm điều gì đó, tức là bạn đang chịu trách nhiệm về hành động đó.

Trong sêri truyền hình thực tế A&E của tôi trên chương trình Big Spender, tôi đối thoại với khán giả về những vấn đề tài chính của họ. Một vài người trong số họ đã bật khóc. Tôi cảm thấy thích thú khi họ khóc. Thực tế, không phải vì tôi là một tay hống hách chỉ thích nhìn thấy nước mắt trên khuôn mặt người khác, mà vì điều đó cho tôi thấy rằng cuối cùng họ cảm nhận được những sai lầm của họ. Họ đang cảm thấy hối hận với những quyết định trước đây của mình. Khi điều đó xảy ra, tức là họ đã bắt đầu thay đổi rồi.

Trong một chương trình, tôi chia sẻ với một gã lười biếng. Anh ta luôn dựa dẫm vào cha mẹ và người vợ chưa cưới. Anh ta lái chiếc xe đăng ký tên vợ chưa cưới. Anh ta sử dụng thẻ tín dụng của cô ấy bởi vì thẻ tín dụng của anh ta đã bị khóa. Anh ta cũng dùng một thẻ tín dụng khác mang tên mẹ anh ta, chuyên để mua xăng. Anh ta sống với vợ chưa cưới trong ngôi nhà của cô ấy và anh ta không đóng góp một đồng nào vào ngôi nhà hay thanh toán bất kỳ khoản chi tiêu nào trong gia đình. Hầu như bữa nào anh ta cũng ăn ở ngoài bởi vì anh ta không thích nấu ăn, ăn thức ăn thừa hay thức ăn đông lạnh. Anh ta là một người đàn ông trưởng thành nhưng hành động không khác gì một cậu bé hư hỏng. Tôi chỉ cho anh ta thấy những sai lầm của anh ta và mắng mỏ anh ta bằng những câu nói mà anh ta xứng đáng được nghe. Tôi thật không chịu nổi anh chàng này. Tôi đã làm cho anh ta khóc nức nở và cuối cùng, anh ta phải thừa nhận sai lầm của mình. Điều đó khiến anh ta đau khổ. Cuối buổi quay phim đó, anh ta muốn bỏ cuộc, không tham gia chương trình nữa, anh ta không muốn xuất hiện trên truyền hình như một kẻ tồi tệ hay ngu ngốc. Vấn đề ở chỗ nào? Anh ta là một gã tồi tệ và đã rất ngu ngốc. Tôi nói với anh ta, trong khi không có con đường nào để thay đổi quá khứ, sẽ không ai chỉ trích anh ta là kẻ tồi tệ nếu anh ta thay đổi hoàn toàn trong tương lai. Tôi đã cho anh ta cơ hội để thấy mình như một người anh hùng thay vì một gã tồi tệ. Anh ta đã làm được việc khó khăn nhất: chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm và cảm thấy ăn năn về những sai lầm đó. Sự thanh thản, dù là trong lúc khó khăn, cũng không bao giờ khó khăn như lúc ban đầu, đó chính là một bước đi quyết định.

Trong trường hợp của tôi, khi thấy mình đã đến đường cùng, tôi tìm gặp một vị luật sư chuyên về phá sản. Vị luật sư đó giải thích sau khi đã xem xét trường hợp của tôi rằng, tôi thực sự không có sự lựa chọn nào khác. Bởi vì dù tôi sở hữu 15% cổ phần của công ty, cùng sự sẵn sàng ký giấy vay nợ của tôi, bao gồm cả sự bảo đảm của cá nhân tôi cho mỗi khoản vay đó cũng không thể vực dậy công việc kinh doanh của công ty, số phận của tôi đã được định đoạt. Vì vậy, cuối cùng tôi phải đến phiên tòa phá sản. Nếu bạn chưa bao giờ ở trong tình cảnh đó, hãy tin tôi đi, bạn sẽ không muốn đến đó đâu. Một vài chủ nợ của tôi thậm chí còn kéo đến phiên tòa để đòi nợ tôi. Tôi đã phải nói chuyện với họ và trả lời các câu hỏi của họ. Tôi đã nhìn thẳng vào mắt họ và thừa nhận với họ cũng như với tất cả mọi người trong phòng xử án rằng, tôi là một kẻ vô công rồi nghề và không thể trả tiền cho họ như tôi đã hứa trước đây. Một số người thậm chí còn la hét vào mặt tôi và chửi mắng. Tôi không có câu trả lời. Đầu óc tôi đang thõng xuống quá thấp đến nỗi tôi thậm chí không thể ngước nhìn vượt qua bàn chân của mình. Tôi cảm thấy nhục nhã. Tôi đã đẩy gia đình mình xuống dốc, đánh mất sự tín nhiệm, và tự mang công vác nợ vào mình. Bài viết về sự phá sản của tôi được đăng trên một tờ báo. Tất cả những người tôi quen biết đều biết những gì tôi đã làm. Tôi bị quy là người thua cuộc và kẻ thất bại. Tôi không biết có cảm giác nào tồi tệ hơn thế hay không. Tôi đứng giữa hai sự lựa chọn: dầm mình trong tình cảnh đó hay vượt qua nó. Và tôi quyết định phải vượt qua nó. Tôi nhịn nhục và đi làm, làm bất kỳ việc gì có thể để kiếm tiền.

Sự bẽ bàng đã thúc đẩy tôi. Nỗi đau khi phải trải qua điều đó đã khiến tôi nhận ra rằng tôi sẽ không bao giờ đối mặt với cảm giác đó lần nữa. Một lần nữa tôi cam kết sẽ trở nên giàu có.

Hãy cảm nhận nỗi đau, sự bẽ bàng, ân hận. Nhận biết được hậu quả của việc chi tiêu quá đà đã ảnh hưởng đến bản thân và gia đình bạn như thế nào. Nhận biết được sự thiếu tinh thần trách nhiệm của bạn đang ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn như thế nào trong một khoảng thời gian dài tốt đẹp – có thể là mãi mãi.

Sau khi bạn cảm thấy ăn năn hối hận, hãy lau sạch nước mắt, nuốt nó vào trong và giận dữ với những điều mình đã làm. Sự tức giận có thể là một cảm xúc lành mạnh khi được dùng với mục đích thúc đẩy bản thân bạn hành động tích cực. Trở nên tức giận và đứng lên chiến đấu. Vâng, tôi nói là chiến đấu. Bạn đang trong một trận chiến. Bạn cần tôi luyện sự tự tin của mình cùng với sự tức giận. Hãy tức giận vì bạn đã làm rối tung mọi thứ lên. Hãy tức giận vì bạn đã không kiềm chế được lời nói khi mở miệng vay tiền các chủ nợ. Hãy tức giận với chính bản thân bạn về những sai lầm của mình. Hãy buồn rầu, tức giận và rồi tiến lên cùng với chúng.

Đây là quá trình tiến triển cảm xúc của bạn để bạn có thể thay đổi và tiến lên phía trước:

Ăn năn → Tức giận → Quyết tâm!

 

Hãy thành thật

Nếu bạn đã lập gia đình và vợ chồng bạn đang gặp khó khăn về tài chính thì đây là lúc thành thật về tất cả các khoản chi tiêu của bạn. Không có điều gì phải giấu giếm cả. Bạn cần biết hai bạn đang ở đâu, vì vậy hãy thành thật và đối mặt giải quyết điều đó.

Tôi đã nói chuyện với một cặp vợ chồng đang gặp vấn đề về tài chính thực sự. Cô vợ là người nghiện mua sắm. Chồng cô ấy chỉ biết được một vài khoản nợ của vợ mình, hoặc có thể là anh ta tự suy luận ra. Sau lưng chồng, cô ta vay mẹ mình 30 nghìn đô-la để bù đắp vào các khoản chi tiêu trong thẻ tín dụng của mình. Anh chồng không biết gì về việc này. Tôi đã vạch trần mánh lới của cô vợ trong chương trình của tôi và anh ta đã rất tức tối. Nếu tôi ở trong trường hợp đó, tôi có thể dung thứ cho hầu hết những việc làm của cô ta ngoại trừ sự dối trá và lừa gạt có chủ tâm.

Các bạn cần cùng nhau giải quyết vấn đề của bạn vì nó rất phức tạp. Một người không thể giải quyết một mình. Nếu chỉ có một người cố gắng giải quyết vấn đề, thì người còn lại có thể sẽ bắt đầu cảm thấy bực bội với người kia và mối quan hệ sẽ trở nên căng thẳng.

Khi tôi bị phá sản và phát điên lên vì điều đó, vợ tôi và tôi cùng nhìn nhận vấn đề rồi chúng tôi làm việc cùng nhau để vượt qua tình cảnh lúc bấy giờ. Chúng tôi nói chuyện cởi mở với nhau như chưa bao giờ cởi mở như thế trước đây. Chúng tôi vẽ ra từng bước đi và lên kế hoạch thanh toán nợ nần cho các chủ nợ. Tình cảnh khó khăn đã giúp cho cuộc hôn nhân của chúng tôi bền vững hơn. Trên thực tế, nó là một trong số những điều đã giúp chúng tôi giữ vững được mối quan hệ qua thời gian khó khăn khi chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề.

 

Biết được bạn muốn ở vị trí nào

Tôi đã làm việc trong một công ty tư vấn gần 20 năm. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã nói chuyện với hàng nghìn người, mỗi người một hoàn cảnh. Tôi nhận được hàng trăm lá thư mỗi tháng, họ thường hỏi tôi cách làm cho cuộc sống tốt hơn. Hầu hết mọi người chỉ kể lể, than vãn rằng cuộc sống của họ tồi tệ đến thế nào. Họ không thực sự muốn có một cuộc sống tốt hơn. Thực tế, tôi hồi âm cho hầu hết những người này với tư cách cá nhân. Câu hỏi ưa thích mà tôi thường hỏi họ là: “Bạn đã có kế hoạch gì cho cuộc đời của bạn chưa? Bạn đã bao giờ viết ra rằng bạn muốn bị khánh kiệt chưa? Rằng bạn muốn bị mắc kẹt trong một đống những việc rắc rối không có kết thúc chưa? Rằng bạn muốn bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân dang dở chưa? Rằng những đứa con của bạn trông nhếch nhác, bẩn thỉu chưa?”. Tôi biết câu trả lời của họ sẽ là: “Không, tất nhiên là không rồi!”. Rồi tôi hỏi lại, “thế kế hoạch thực sự của bạn là gì?” Và tôi cũng biết câu trả lời cho câu hỏi này rồi. Họ không có kế hoạch nào cả.

Không ai trong số những người tôi giúp đỡ trong chương trình truyền hình của tôi đã từng viết ra một kế hoạch cho cuộc đời của họ cả. Dù chỉ là một tấm thẻ có khổ 3cm×5cm với một câu viết trên đó cũng không có. Không một ghi chú. Không gì cả.

Và họ băn khoăn tại sao cuộc sống của họ lại bất hạnh đến vậy? Điều đó chẳng phải là hiển nhiên sao? Họ không có kế hoạch biến cuộc sống của mình trở thành một cái gì đó. Còn bạn thì sao?

Chẳng ai kế hoạch để trở nên khánh kiệt.

Khánh kiệt xảy ra khi bạn không có kế hoạch.

Bạn muốn kiếm được bao nhiêu tiền?

Bạn muốn có bao nhiêu tiền trong tài khoản tiết kiệm?

Bạn muốn có bao nhiêu tiền để làm từ thiện?

Bạn muốn có bao nhiêu tiền trong tài khoản dành cho giáo dục, hay quỹ dành cho các tình huống khẩn cấp,…

Bạn muốn ăn mặc như thế nào?

Bạn muốn đi du lịch ở đâu?

Bạn muốn ăn ở những nhà hàng như thế nào?

Bạn muốn lái loại xe nào?

Bạn muốn sở hữu những gì?

Bạn muốn sống trong ngôi nhà như thế nào?

Bạn muốn sống trong khu phố nào?

Bạn sẽ có những thứ đó ngay bây giờ. Vậy bạn muốn có những gì? Bạn muốn sống một cuộc sống như thế nào? Hãy viết nó ra:

Đó là tất cả những mong muốn trong cuộc sống của bạn. Bạn cũng có thể trở thành người giàu có bởi vì bạn muốn giàu có – nhưng chỉ khi bạn sẵn sàng hành động mà thôi.

 

Hãy xây dựng một kế hoạch hành động để có được những gì bạn muốn

Chỉ biết bạn muốn gì thôi chưa đủ. Nếu bạn chỉ tập trung vào những gì mình muốn, có thể bạn sẽ kết thúc với nhiều mong muốn hơn nữa mà thôi. Bạn phải có một kế hoạch hành động: những gì bạn có thể làm hàng ngày để đưa bản thân bạn tiến gần đến mục tiêu của mình. Điều này rất quan trọng với bạn để biết bạn muốn gì trong tương lai, nhưng bây giờ bạn cần tập trung năng lượng vào hiện tại. Luôn luôn tự hỏi bản thân có thể làm được những gì ngay bây giờ để chắc chắn bạn có một tương lai như bạn mong muốn.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA TÔI:

Công bằng mà nói, chắc chắn bạn không viết được nhiều trong khung trống phía trên vì đơn giản là bạn không biết phải bắt đầu từ đâu. Không sao. Tôi sẽ giúp bạn điều này. Hãy đọc phần tiếp theo nhé.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.