Hơn Cả Tuyệt Vời

CHƯƠNG 4



Bà Công tước thừa kế Hawthorne nhìn người cháu nội, miệng nở nụ cười lạnh lùng và cặp mắt màu nâu đỏ có vẻ chăm chú. Ở tuổi 70, bà vẫn còn đẹp, mái tóc bạc phơ, dáng điệu đài các và kiêu sa xuất phát từ cuộc sống được hưởng nhiều ân huệ. Mặc dù thái độ của bà luôn luôn nghiêm nghị, khắt khe, nhưng bà không lo buồn, cho nên bà sống lâu hơn chồng và con trai. Thế nhưng bà có tính biết kềm chế mình rất chặt chẽ, nên những ai thân cận với bà đều biết bà rất thương yêu chồng con và bây giờ, tuy họ đã chết bà vẫn còn thương yêu. Còn đối với giới “thượng lưu” thì uy tín của bà rất lớn khiến cho mọi người không ai dám hỏi han về vấn đề tình cảm của bà.
Bây giờ bà rất bình tĩnh lắng nghe cậu cháu nội lớn tuổi nhất trình bày lý do chàng đến trễ. Chàng ngồi trên chiếc trường kỷ trong phòng khách, gác một chân đi ủng trên đầu gối chân kia, chàng bình thản nói đến lý do đến trễ vì đêm qua đã có hai tên cướp định giết chàng.
Tuy nhiên cậu cháu nội kia không ngại ngùng gì nói ra cảm nghĩ của mình về lời giải thích của người anh họ. Đưa ly rượu mạnh lên môi, Anthony cười toe toét, rồi nói đùa:
– Jordan, thú tội đi… Thực ra là anh muốn vui chơi với cô vũ công balê thêm một đêm nữa – Ơ xin lỗi, thưa bà, – Anthony vội chữa lại khi bà Công tước thừa kế nhìn anh một cách ghê tởm – Nhưng sự thật là không có chuyện bọn cướp đường, và không có chuyện cô gái 12 tuổi cứu anh, phải không?
– Sai – Jordan điềm tĩnh đáp.
Bà Công tước nhìn hai đứa cháu lời qua tiếng lại với nhau. Họ thân nhau như anh em ruột mà khác nhau như ngày với đêm, bà nghĩ: Jordan giống bà, bảo thủ, lạnh lùng, kín đáo; còn Athony thì ruột ngựa và bản tính tốt. Anthony có bố mẹ hòa thuận rất thương yêu anh; Jordan không hưởng được niềm hạnh phúc đó. Bà âm thầm đồng ý tư cách của Jordan và bất bình tính tình dễ dãi của Anthony. Nhưng bà Công tước chỉ bất bình trong lòng thôi.
– Chuyện xảy ra quả đúng như tôi nói, mặc dù nói ra thì lòng tự hào của tôi bị thương tổn – Jordan nói tiếp với vẻ châm biếm. chàng đứng dậy, đi đến chiếc kệ trên vách để rót thêm rượu vang vào ly – Đang nhìn vào mũi súng của tên cướp thì ngay tức khắc cô ta bay đến, phóng thẳng vào chúng tôi tên con ngựa già nua, tấm che mặt nơi mũ sắt kéo xuống, một tay vung vẩy cái giáo một tay cầm khẩu súng.
Chàng rót thêm rượu vang đỏ Bồ Đào Nha vào ly, rồi đi về ghế của mình. Bằng giọng bình thản chứ không cau có, chàng nói tiếp:
– Cái áo giáp của cô ta rỉ sét, còn ngôi nhà thì như nhà trong cuốn tiểu thuyết kỳ bí với nhện giăng đầy rui mè, màn phai bạc, cửa kêu cót két, và tường ẩm ướt. Cô ta có người quản gia điếc đặc, người lão bộc mù lòa đi đâm đầu vào tường, và ông cậu già tự xưng là Ngài Montague Morsham… – Gia đình hấp dẫn – Anthony nói nho nhỏ – thảo nào mà cô ta… a… ngoài quy ước.
Jordan trích dẫn với giọng mỉa mai.
– Sự quy ước là chỗ ẩn náu của tinh thần trì trệ.
Bà Công tước thừa kế, người suốt đời sùng đạo và tin tưởng vào các lời giáo huấn của quy ước, quắc mắt hỏi:
– Ai nói câu nói kỳ quặc như thế?
– Alexandra Lawrence.
– Rất ngoài quy ước! – Anthony cười khúc khích, nhìn nụ cười sung sướng nở trên bộ mặt thô ráp của người anh họ khi chàng nói đến cô gái. Jordan hiếm khi cười, Anthony biết thế, nhưng khi cười, nụ cười của chàng rất quyến rũ hay là mỉa mai, và chàng càng hiếm khi cười to. Bố của chàng là người cho rằng tình cảm là chuyện “yếu đuối”; mà cái gì yếu đuối đều ghê tởm, cần loại bỏ, và cái gì làm cho người đàn ông yếu đều đáng loại bỏ, kể cả tình yêu.
– Cô gái đặc biệt này trông như thế nào? – Anthony hỏi, anh muốn biết thêm về cô gái đã làm cho người anh họ của mình lưu tâm nhiều đến thế.
– Nhỏ – Jordan đáp, chàng hình dung ra khuôn mặt của Alexandra đang tươi cười trong óc mình – và rất gầy. Nhưng cô ta có nụ cười làm cho đá phải tan và có cặp mắt đẹp tuyệt vời. Cặp mắt có màu ngọc bích. Và khi người ta nhìn cô ấy, người ta chỉ thấy cặp mắt thôi. Lời lẽ cô ta nói ra có văn hóa như của chú hay của tôi, và mặc dù ngôi nhà của cô ta buồn thảm, nhưng cô ta là người rất vui vẻ.
– Và đương nhiên là can đảm – Anthony nói thêm.
 
Gật đầu, Jordan nói:
– Tôi sẽ gởi cho cô ta một hối phiếu ngân hàng, phần thưởng đã có công cứu tôi. Chỉ có Chúa mới biết họ cần tiền tiêu. Căn cứ vào những chuyện cô ta nói – và những chuyện cô tránh không nói – tôi biết là trách nhiệm các công việc trong gia đình đều đổ hết lên vai cô ấy. Alexandra chắc có lẽ rất tự trọng về mặt tiền bạc, vì thế mà đêm qua tôi không đưa tiền cho cô ấy vì sợ chạm tự ái của cổ, nhưng tiền bạc sẽ làm giảm nhẹ khó khăn cho cô ấy.
Bà nữ Công tước khịt mũi với vẻ khinh bỉ, bà ta vẫn còn ấm ức vì câu nói về quy ước của cô Lawrence. Bà nói:
– Jordan à, giai cấp hạ lưu thường rất ham tiền, bất kể họ kiếm được bằng lý do gì. Bà ngạc nhiên là đêm qua cô ta không đòi tiền thưởng công.
– Bà đã thành người hoài nghi rồi – Jordan trêu bà với vẻ dí dỏm – Nhưng bà hiểu lầm về cô gái này. Cô ấy không lừa đảo mà cũng không tham lam. Ngạc nhiên trước lời tuyên bố của Jordan, người thường đánh giá thấp tư cách của phụ nữ, Tony đề nghị:
– Rồi đây, anh nên lưu tâm đến cô ấy nhiều hơn để biến cô ta thành… – Anthony! – bà nữ Công tước cắt ngang lời anh, giọng bất bình – Đừng nói thế trước mặt bà, nhé!
– Tôi không muốn đưa cô ấy ra khỏi nơi cô đang sống – Jordan nói, chàng đã quá quen với tính tình khắt khe của bà nội – Alexandra là viên ngọc quí hiếm, nhưng cô ta chắc không sống được một ngày ở London. Cô ta không có tính đua đòi, tham vọng… – Chàng dừng nói nửa chừng, nhìn người quản gia, anh ta đang giả vờ hoạt động để cho chàng chú ý – Cái gì đấy, Ramsey? – Ramsey đứng thẳng người, mặt nhăn nhó vì khó chịu, cặp lông mày nhướng cao tức giận. Gã nhìn Jordan rồi nói:
– Thưa đức ông, có 3 người nằng nặc đòi gặp Ngài cho được. Họ đi trong chiếc xe thật khó nói, con ngựa kéo chiếc xe không đáng một đồng xu ten, áo quần thì trông không có ai có máu mặt một chút, mà… – Họ là ai thế? – Jordan nôn nóng hỏi, cắt ngang lời gã.
– Người đàn ông nói ổng là Ngài Montague Marsh, còn hai người đàn bà thì một người là cháu dâu, bà Lawrence và người kia là cháu, tên Alexandra Lawrence. Họ nói họ đến để đòi nợ ông.
Từ “nợ” khiến cho Jordan phải cau mày, chàng vội nói:
– Đưa họ vào.
Quen thói cao ngạo, bà Công tước nhìn Jordan với ánh mắt hả hê.
– Cô Lawrence không những chỉ tham lam thôi, mà cô còn trâng tráo đến tận nhà người ta để vòi vĩnh. Đấy, cháu nghĩ xem. Cổ đến tận đây để đòi nợ cháu đấy.
Không trả lời câu nói cay nghiệt của bà nội, Jordan đến ngồi ở chiếc bàn bằng gỗ sồi chạm trổ ở cuối phòng.
– Bà và chú không nên tham dự vào việc này. Để cháu giải quyết.
– Trái lại – bà Công tước đáp, giọng lạnh lùng – Anthony và bà cần phải tham dự để làm chứng nếu xảy ra trường hợp bọn này đến để tống tiền cháu.
Mắt nhìn vào sau lưng người quản gia, miễn cưỡng đi theo mẹ và ông cậu Monty, Alexandra cảm thấy lòng cay đắng, sự khốn khổ gia tăng gấp ngàn lần trước cảnh lộng lẫy của Rosemeade.
Cô đã nghĩ đến cảnh giàu sang của bà nội ông Công tước, nhưng cô không ngờ ngôi nhà của bà ta là cả một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ nằm trong những mẫu vườn và bãi cỏ như thế này. Trước khi đến đây, cô cứ hình dung ra ông Công tước chỉ là người thân thiện và dễ tiếp xúc. Thế nhưng… cảnh tượng ở Rosemeade đã xua tan ý nghĩ ấy trong óc cô. Chàng là người của một thế giới khác. Theo chàng thì Rosemeade là “ngôi nhà nhỏ ở thôn quê”. Thế nhưng đây là một lâu đài, cô nghĩ thế khi để chân lên tấm thảm Aubusson, tòa lâu đài đã làm cho cô cảm thấy nhỏ nhoi hơn, vô nghĩa hơn, chứ không như cô đã nghĩ trước đây.
 
Người quản gia mở hai cánh cửa sồi chạm trổ, rồi bước sang một bên để nhường chỗ cho họ đi vào một căn phòng trang hoàng hai bên đầy tranh ảnh lồng khung rực rỡ. Không thèm chào hỏi người gia nhân kênh kiệu, Alexandra đi tới trước, lòng lo sợ giây phút gặp gỡ người bạn mới quen biết, lo sợ sẽ thấy mặt chàng cau có khinh dễ.
Cô không nghĩ sai. Người đàn ông ngồi sau cái bàn chạm trổ đẹp đẻ không có vẻ gì niềm nở, dịu dàng như người mà cô đã gặp cách đây hai hôm. Hôm nay trông ông ta lạnh lùng, xa lạ, đang đưa mắt nhìn gia đình cô như nhìn những con sâu bò trên tấm thảm xinh đẹp của mình. Thậm chí ông ta cũng không thèm lịch sự đứng dậy để giới thiệu họ với hai người khác đang ngồi trong phòng. Thay vì thế, ông ta chỉ gật đầu cộc lốc với ông cậu Monty và mẹ cô, ra dấu cho họ ngồi vào các chiếc ghế ở trước bàn chàng đang ngồi.
Thế nhưng khi chàng đưa mắt nhìn Alexandra, nét mặt gay gắt của chàng dịu lại và ánh mắt trở nên ấm áp, như thể chàng hiểu được tâm trạng khổ sở của cô. Đứng dậy ra khỏi ghế, chàng thân hành kéo ghế mời cô ngồi.
– Vết thương có làm cho cô đau nhức không, cô em? – chàng hỏi, mắt nhìn vết bầm trên má cô.
Alexandra bỗng nhiên thấy sung sướng vì được chàng đối xử lịch thiệp, quan tâm.
– Không sao, không đau đớn gì – cô đáp, lòng nhẹ nhõm vì cô thấy hình như chàng biết cô không thích tham gia vào việc đến đây để làm công việc không đẹp này. Lúng túng trong cái áo dài không được vừa vặn của mẹ, cô ngồi xuống một bên mép ghế. Khi cô dựa người ra sau ghế, lai váy cảu áo dài vướng vào nếp nhung bọc chân ghế, khiến chiếc áo căng ra, cổ áo thắt vào cổ làm cho cằm cấn khó chịu. Như con thỏ bị sập bẫy, Alexandra lo lắng nhìn vào mắt Công tước.
Chàng ái ngại hỏi:
– Cô có dễ chịu không?
– Rất dễ chịu, cám ơn ông – Alexandra nói láo. Cô biết chắc chàng thấy được tình trạng khó chịu của cô nhưng cố không cười.
– Có lẽ cô nên đứng dậy và ngồi xuống lại cho thoải mái.
– Tôi thoải mái rồi.
Khi chàng ngồi xuống ghế lại, cô bỗng thấy vẻ thoải mái trên mặt chàng biến mất. Nhìn mẹ cô rồi nhìn qua ông cậu Monty, chàng nói thẳng vấn đề:
– Quí vị có thể yên tâm, đừng lo sợ gì về việc này. Tôi đã định bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Alexandra bằng cách sẽ gởi biếu cô ấy một tấm hối phiếu ngân hàng trị giá một ngàn bảng Anh, nội trong tuần tới số tiền sẽ đến tay quí vị.
Alexandra hồi hộp khi nghe số tiền to lớn như thế. Với số tiền một ngàn bảng, cả nhà cô sẽ sống xa hoa ít ra cũng hai năm. Nếu cô muốn, cô sẽ dùng củi đốt lò sưởi thoải mái, nhưng chắc cô không… – Như thế không đủ – Ông cậu Monty nói, giọng ồ ồ, Alexandra ngẩng đầu nhìn quanh.
Công tước hỏi, giọng lạnh lùng:
– Ông muốn bao nhiêu? – chàng nhìn hằm hằm vào mặt ông ta.
– Chúng tôi muốn được công bằng – Ông cậu Monty đáp, rồi đằng hắng giọng, ông nói tiếp – Alexandra của chúng tôi đã cứu mạng của ông.
– Bởi thế tôi mới đền bù thoả đáng. Vậy bây giờ, – giọng chàng trở nên gay gắt – Quí vị muốn bao nhiêu?
Ông Monty có vẻ nao núng vì ánh mắt lạnh lùng của chàng, nhưng ông không thối chí.
– Alexandra của chúng tôi cứu mạng sống của ông, nhưng trái lại, ông đã hãm hại đời nó.
Công tước tỏ vẻ nổi giận, chàng hỏi:
– Tôi hãm hại cái gì?
– Ông đã bế cô bé con nhà có nề nếp gia phong vào quán trọ công cộng và ở cùng giường với nó.
– Tôi mang đứa bé vào quán trọ – Jordan lớn tiếng – Đứa bé bất tỉnh đang cần bác sĩ chăm sóc.
– Hawthorne, xin ông hiểu cho – Ông Monty bỗng lớn tiếng – Ông mang cô gái vào quán. Ông mang nó đến phòng ngủ ngay trước mặt ½ dân làng, rồi sau đó ba mươi phút, ông bế nó ra, nó đã tỉnh rồi, nhưng áo quần xốc xếch, và ông không gọi thầy lang đến. Dân làng có phép tắc đạo đức giống như mọi người, và ông đã vi phạm phép tắc ấy giữa công chúng. Bây giờ mọi người trong làng xem đây là việc phạm thuần phong mỹ tục.
– Nếu dân làng của ông còn lạc hậu, xem việc bế một đứa bé vào quán là bậy thì họ cần phải được tẩy não! Thôi, nói chuyện tào lao như thế đủ rồi, bây giờ ông muốn bao… – Chuyện tào lao à? – Bà Lawrence rít lên, chồm người tới trước, bấu tay vào mép bàn, mấy khớp ngón tay trắng bệch – Ông là đồ dâm đãng vô đạo đức, độc ác! Alexandra mới 17 tuổi, và ông đã hãm hại đời nó. Bố mẹ của người cầu hôn nó có mặt trong phòng khách khi ông mang nó vào nhà, và họ đã chấm dứt việc bàn thảo về cuộc hôn nhân của chúng. Ông phải bị treo cổ! Treo cổ là rất đáng đời ông… Chàng Công tước có vẻ như không nghe những lời cuối cùng của bà. Chàng quay nhìn Alexandra như thể mới thấy cô lần đầu.
– Cô bao nhiêu tuổi? – chàng hỏi như thể chàng không nghe rõ mẹ cô nói.
– 17, đến tuần sau thì tôi được 18 rồi – cô đáp, giọng yếu ớt, như bị nghẹn lại trong ngực. Cô không ngờ tình thế lại trở nên tồi tệ như thế này. Giọng cô có vẻ như muốn xin lỗi, rồi cô cảm thấy đỏ mặt khi thấy mắt chàng nhìn từ chỏm đầu cho đến bộ ngực nhỏ nhoi của cô, rõ ràng chàng không tin dưới chiếc áo dài là tấm thân nẩy nở đầy đặn của người thiếu nữ mới lớn. Bị mặc cảm thân hình của mình như con trai, cô nói tiếp với thái độ rất khổ sở:
– Ông ngoại tôi nói rằng phụ nữ trong gia đình tôi đều phát triển chậm, và tôi… – nhận thấy dù có nói để thanh minh đến bao nhiêu đi nữa cũng vô ích, cô bèn thôi nói, đỏ mặt vì tức giận, đưa mắt nhìn hai người kia, hy vọng họ thông cảm hay tha thứ. Nhưng cô không thấy gì hết. người đàn ông nhìn cô với vẻ kinh ngạc và thích thú. Còn người đàn bà thì mặt lạnh lùng như tượng đá.
Alexandra nhìn qua chàng Công tước lại, cô thấy chàng có vẻ giận dữ. Chàng nói với mẹ Alexandra:
– Cứ xem như tôi có lỗi, bây giờ bà muốn gì?
– Vì không ai sẽ muốn lấy nó, cho nên tôi muốn ông phải cưới nó. Nó có giấy khai sinh hẳn hoi, và gia đình chúng tôi có bà con với một ông bá tước và một hiệp sĩ. Ông không có gì đáng ngại về huyết tộc của nó. Mắt Công tước nẩy lửa vì tức giận:
– Không có gì đáng ngại – chàng nói lớn, nhưng bỗng chàng ngừng lại, nghiến răng, bắp thịt hai bên má căng ra. Rồi chàng hỏi – Nếu tôi từ chối thì sao?
– Thì tôi sẽ lôi ông ra tòa án London. Ông đừng nghĩ là tôi không làm được – bà Lawrence nói lớn.
– Bà không thể làm được như thế đâu – chàng nói, giọng gay gắt – Đưa tôi ra tòa chỉ làm chuyện này lan truyền khắp London, gây nên tiếng xấu cho Alexandra mà thôi. Bị thái độ bình tĩnh kiêu ngạo của chàng thúc đẩy và nhớ lại cảnh mình bị chồng lừa dối, bà Lawrence vùng đứng dậy khỏi ghế, người run lên vì tức giận, bà nói:
– Ông hãy nghe đây, tôi sẽ làm những việc tôi đã nói. Alexandra hoặc là lấy lại sự kính nể của mọi người bằng tên của ông, hoặc là có thể mua sự kính nể bằng tiền của ông. Cách nào tôi cũng không có gì để mất, ông đã hiểu tôi chưa?
– Giọng bà gần như hét lớn, – Tôi sẽ không để cho ông lợi dụng chúng tôi rồi vứt bỏ chúng tôi như chồng tôi đã làm. Ông là đồ quái vật như chồng tôi. Tất cả đàn ông đều là quái vật… đều ích kỷ, quái vật không thể tưởng tượng nổi… Jordan bình tĩnh nhìn người đàn bà gần như điên loạn đang đứng trước mặt chàng, mắt sáng long lanh, hai tay bặm lại thật chặt đến nỗi gân xanh nổi lên dưới da. Chàng nhận ra bà ta tức giận là phải. Rõ ràng bà ta nguyền rủa chồng bà quá đến nỗi đã nhập tâm, nên bây giờ bà lấy cớ Alexandra bị mang tai tiếng với làng xóm, để bà ta nguyền rủa chàng.
– Ông đã hôn nó – bà Lawrence rít lên, giọng tố cáo – Ông sờ nó, nó xác nhận như thế.
– Mẹ thôi! – Alexandra thốt lên, ôm hai tay quanh bụng mình, gập người xuống vì xấu hổ hay đau khổ, Jordan cũng không biết vì nguyên nhân gì – Đừng, xin mẹ đừng làm thế – cô thì thào tức tưởi – Đừng làm thế với con.
Jordan nhìn người thiếu nữ bé bỏng co người trông rất tội nghiệp, chàng khó tin được đây là cô gái can đảm, tươi cười đã xông vào cứu chàng cách đây hai hôm.
– Chỉ có Chúa mới biết mày để cho ông ta làm… Jordan đấm mạnh tay lên bàn, tiếng đập vang lên khắp căn phòng đóng panô bằng gỗ sồi.
– Đủ rồi! – chàng thốt lên giọng dữ dằn – bà ngồi xuống! – chàng yêu cầu bà Lawrence, và khi bà miễn cưỡng làm theo lời chàng, chàng đứng dậy. Đi quanh bàn, chàng đến nắm cánh tay Alexandra một cách không được nhẹ nhàng, rồi kéo cô lên khỏi ghế. Chàng nói – Cô đi theo tôi. Tôi muốn nói riêng với cô. Bà Lawrence mở miệng định nói, nhưng bà Công tước già đã lên tiếng giọng oang oang:
– Im lặng đi, bà Lawrence! Chúng tôi đã nghe bà nói đủ rồi.
Alexandra hầu như phải chạy mới theo kịp Công tước khi chàng đi qua phòng khách, qua ngưỡng cửa dọc theo hành lang đến phòng khách nhỏ trang trí màu vàng nhạt. Khi vào phòng rồi, chàng thả cô ra, đến đứng ở cửa sổ, thọc hai tay vào túi. Sự im lặng làm cô run sợ, chàng vẫn nhìn ra ngoài các bãi cỏ, khuôn mặt nhìn nghiêng cau có, khó chịu. Cô biết chàng đang suy nghĩ để thoát ra khỏi việc cưới cô, và cô cũng biết dưới khuôn mặt cố làm ra bình tĩnh ấy, ẩn tiềm sự tức giận khủng khiếp – sự tức giận chưa bùng ra ngoài như hỏa diệm sơn với cô bất cứ lúc nào. Lòng cảm thấy xấu hổ, Alexandra đợi, nhìn chàng đưa tay thoa các bắp thịt nơi cổ, vẻ mặt càng lúc càng rầu rĩ, để lộ điều bất lợi cho cô.
Bỗng chàng quay lại thật đột ngột đến nỗi Alexandra tự nhiên bước lui. Chàng nói chua chát.
– Đừng làm như con thỏ nhát gan. Tôi là người bị sa bẫy, chứ không phải cô. Alexandra lặng người khiếp hãi, lòng chỉ còn thấyh sự nhục nhã mà thôi. Chiếc cằm nhỏ hếch lên, lưng cứng đờ, Jordan thấy cô đang cố gắng lấy lại sự tự chủ. Cô đứng trước mặt chàng trông lạc lõng như một bà hoàng kiêu hãnh trong bộ áo quần cũ sửa lại, mắt sáng như hai viên ngọc.
– Tôi không nói được ở bên phòng kia – cô nói, giọng chỉ hơi run nhẹ thôi – vì mẹ tôi sẽ không để cho tôi nói, nhưng nếu ông không yêu cầu nói riêng với tôi, thì tôi cũng đã định yêu cầu được nói với ông.
– Hãy nói điều gì cô muốn nói và thực hiện đi – Cằm Alexandra hếch cao lên chút nữa khi nghe giọng lạnh lùng của chàng. Tuy nhiên cô hy vọng chàng sẽ không cư xử với cô với vẻ khinh miệt tàn bạo như chàng đã cư xử với gia đình cô.
– Chuyện cưới hỏi của chúng ta là chuyện lố lăng – cô nói.
– Cô nói rất đúng – chàng đáp lại một cách thô lỗ.
– Chúng ta ở trong hai thế giới khác nhau.
– Đúng nữa.
– Ông không muốn lấy tôi.
– Có tài nhận xét đấy, cô Lawrence à – chàng nói, giọng rề rề lăng nhục.
– Tôi cũng không muốn lấy ông – cô đáp lại, lòng thấy nhục nhã vì lối ăn nói khiếm nhã của chàng.
– Cô làm thế là khôn ngoan – chàng đáp, giọng châm biếm – Tôi sẽ là người chồng cực kỳ không tốt.
– Vả lại, tôi cũng không muốn làm vợ ai hết. Tôi muốn làm giáo viên như ông ngoại tôi để nuôi thân.
– Tuyệt vời biết bao! – chàng châm biếm – Lâu nay tôi cứ nghĩ là các cô gái đều muốn chài cho được chồng giàu.
– Tôi không như các cô khác.
– Tôi nghĩ như thế ngay khi mới gặp cô. Alexandra nghe trong câu trả lời dịu dàng của chàng có sự sỉ nhục, cô cảm thấy buồn khổ đến nghẹn ngào.
– Vậy thế là yên. Chúng ta sẽ không lấy nhau.
– Trái lại – chàng nói, mỗi lời của chàng vang lên sự tức giận tột cùng – chúng ta không chọn lựa được, cô Lawrence à. Bà mẹ của cô sẽ làm điều bà ấy đã hăm dọa. bà ấy sẽ tố cáo tôi ra tòa. Để trừng phạt tôi, bà sẽ hại cô.
– Không, không! – Alexandra nói lớn – Bà sẽ không làm thế. Ông không hiểu mẹ tôi. Bà… bệnh… Bà sẽ không bao giờ hồi phục vì cái chết của ba tôi.
– Tự nhiên cô chụp tay áo vest của chàng, áo màu xám do thợ đo cắt rất đẹp, mắt cầu khẩn, cô nói một cách khẩn thiết – Ông không được để cho họ ép buộc ông phải lấy tôi… Ông sẽ ghét tôi vì phải làm chuyện này. Dân làng sẽ quên chuyện tai tiếng này, rồi ông sẽ thấy. Họ sẽ tha thứ cho tôi và quên chuyện này. Chính vì lỗi của tôi đã ngất xỉu một cách ngu ngốc để cho ông phải bế tôi vào quán trọ. Tôi không bao giờ bị xỉu hết, nhưng vì tôi đã giết người nên… – Thôi đủ rồi! – Jordan gay gắt lên tiếng, chàng cảm thấy chiếc thòng lọng của hôn nhân đã siết chặt vào cổ chàng. Mãi cho đến khi Alexandra lên tiếng nói, chàng đã cố tìm cách để thoát ra khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan này. Thậm chí chàng còn nghĩ đến chuyện cô sẽ báo cho chàng biết mẹ cô có lẽ dọa chàng thế mà thôi. Thực vậy, chàng chuẩn bị tinh thần để tìm hiểu lý do tại sao cô ghét việc phải lấy chồng, nhưng chàng không đếm xỉa đến thái độ van xin chàng đừng vì cô mà hy sinh đời mình. Chàng lại còn cố quên việc cô giết người để cứu mạng chàng… Chàng nhìn cô gái tự hào, đáng thương mặc chiếc áo dài cũ rích đang đứng trước mặt mình. Cô đã cứu mạng sống của chàng, rồi để đáp lại, chàng đã hủy hoại mọi cơ may kiếm chồng của cô. Không có chồng để có nơi nương tựa, cô phải gánh cả gánh nặng gia đình kỳ lạ của mình lên đôi vai bé nhỏ cho đến hết đời. Chàng quả đã hủy diệt tương lai của cô. Hết kiên nhẫn, chàng kéo tay cô khỏi tay áo chàng, rồi gay gắt nói tiếp:
– Không có cách nào cho cả hai ta thoát khỏi cảnh này. Tôi sẽ thu xếp để có giấy phép đặc biệt, rồi chúng ta sẽ làm lễ cưới ở đây nội trong tuần. Mẹ cô và ông cậu của cô – chàng nói với vẻ cực kỳ khinh miệt – có thể ở tại quán trọ địa phương. Tôi không muốn để cho họ ở dưới mái nhà của tôi. Câu nói cuối cùng làm cho Alexandra cảm thấy xấu hổ hơn bất cứ điều gì chàng đã nói với cô.
– Tôi sẽ trả tiền ở trọ cho họ – chàng nói tiếp. Sự hiểu lầm lý do khiến cho cô cau mặt.
– Tôi không nghĩ đến sự tốn kém – cô nói.
– Vậy cái gì làm cho cô bối rối? – chàng vội vã hỏi.
– Ấy là… – Alexandra quay đầu nhìn quanh căn phòng trang hoàng buồn tẻ – Vì đủ thứ. Vì tất cả đều sai. Tôi không nghĩ đến chuyện tôi phải lấy chồng như thế này – Cô nghĩ đến chuyện cô thường lưu tâm đến nhất trong đời – Tôi thường nghĩ là tôi sẽ làm lễ cưới ở nhà thờ trong làng, có người bạn thân nhất của tôi, Mary Ellen, đến với tôi, và tất cả… – Tốt – chàng ngắt lời cô – Cứ mời bạn cô đến đây nếu việc này làm cho cô thấy dễ chịu hơn trong những ngày trước khi làm lễ cưới. Đưa địa chỉ cho người quản gia, tôi sẽ cho gia nhân đến đón cô ấy. Giấy viết thư để trong hộc bàn đằng ấy, cô đến lấy mà viết. Chắc cô biết viết chứ?
Đầu của Alex giật mạnh như thể chàng đã đánh cô, và bỗng nhiên Jordan thoáng thấy hình ảnh của cô trong tương lai, hình ảnh người phụ nữ kiêu hãnh, năng động. Khi cô trả lời, cặp mắt màu xanh lục ánh lên vẻ khinh bỉ.
– Biết, thưa ngài, tôi biết viết.
Jordan nhìn cô gái khinh khỉnh nhìn chàng, mũi hếch lên, bỗng chàng cảm thấy nể nang, sung sướng, vì cô dám nhìn thẳng vào mặt chàng như thế.
– Tốt, chàng đáp cộc lốc.
– … biết ba thứ tiếng – Cô nói thêm với vẻ kiêu kỳ.
Jordan mỉm cười.
Khi chàng đi rồi, Alexandra đi đến chiếc bàn nhỏ ở trong góc phòng, ngồi vào bàn. Cô lôi hộc ra, lấy giấy, bút lông, và mực. Quá căng thẳng không thể tập trung vào việc giải thích tình hình xảy ra, nên cô chỉ viết đơn giản thôi.
“Mary Ellen thân mến, xin bạn vui lòng đi theo người mang thư này đến gặp mình ngay khi nào bạn đi được. Tai họa đã xảy đến, bây giờ mình cô đơn kinh khủng! Mẹ mình hiện ở đây và cả ông cậu Monty nữa, cho nên mẹ bạn khỏi lo về vấn đề an toàn của bạn. Vui lòng nhanh lên nhé. Không còn nhiều thì giờ trước khi mình phải xa bạn…” Nước mắt trào ra trên mắt Alex, run run trên hàng lông mi đen bóng, rồi từ từ chảy xuống má. Từng giọt nước mắt rơi xuống trong giấy viết thư thành những đốm ướt cho đến khi cô không còn đủ sức để viết tiếp, cô đành tựa đầu lên hai cánh tay khóc nức nở, hai vai rung động.
– Điều kỳ diệu ư? – Cô thổn thức thì thầm nói với Chúa – Có phải Ngài nói đây là điều kỳ diệu.
Bốn mươi lăm phút sau, Ramsey dẫn bà Lawrence và ông Montague ra khỏi nhà, hai người có vẻ hoàn toàn hài lòng. Trong nhà chỉ còn lại bà Công tước thừa kế với hai người cháu ruột. bà Công tước từ từ đứng dậy, quay qua phía Jordan – Cháu không thể giải quyết việc này một cách nghiêm túc như thế được! – bà nói.
Mặt bà trắng bệch khi nghe chàng nói thế. Bà hỏi:
– Tại sao? Chắc cháu biết bà không tin cháu muốn lấy con chuột nhắt ở tỉnh lẻ ấy chứ?
– Cháu không muốn.
– Thế tại sao cháu lấy?
– Thương hại – chàng nói với lòng thành thật phũ phàng – cháu thương hại cô ta. Và dù muốn hay không, cháu cũng có trách nhiệm về việc đã xảy ra cho cô ấy. Vấn đề đơn giản như thế thôi.
– Vậy thì trả tiền cho cô ta.
Jordan dựa người ra ghế, uể oải nhắm mắt lại thọc hai tay vào túi quần.
– Trả tiền cho cô ta! – chàng lặp lại giọng gay gắt – Cháu cầu Chúa có thể trả được, nhưng cháu không thể trả được. Cô ấy cứu mạng cháu, đáp lại cháu đã phá mất cơ may để cô ấy có thể có được một cuộc sống đáng kính. Bà đã nghe mẹ cô ấy nói rồi đấy, người cầu hôn của cô ấy đã bỏ cuộc vì cô bị “phá hỏng”. Khi cô ấy về lại làng, cô sẽ là trò chơi cho giới đàn ông dâm dục. Cô sẽ không được ai kính trọng, không chồng, không con. Trong vài năm sau, cô sẽ bị rút ngắn phạm vi hành nghề tại quán trọ mà cháu đã bế cổ vào.
– Vô nghĩa! – bà Công tước đáp, giọng chắc nịch – Nếu cháu trả tiền cho cô ta, cổ có thể đi đến một nơi khác để sống. Nơi nào như London chẳng hạn, nơi ấy không ai biết gì về gốc gác của cô ta hết.
– Ở London, việc mà cô ta hy vọng nhiều nhất bị làm tình nhân cho gã đàn ông nào đấy, nghĩa là chỉ có thể lôi kéo một lão già giàu có hay một anh chàng thanh niên thích ăn diện ngu ngốc nào đấy. Chắc bà thấy cô ấy rồi, cổ không phải loại đàn bà kích thích sự dâm ô của đàn ông.
– Không cần thiết phải xuống nước – bà Công tước nói một cách cứng rắn.
 
Jordan mở mắt, vẻ mặt mỉa mai.
– Nói thật, cháu thấy việc này cần phải “xuống nước” để tưởng thưởng cho một cô bé đã cứu mạng sống của cháu bằng cách nhốt cô ấy cả đời làm điếm trong cảnh vinh hoa, đấy chắc là điều bà nghĩ đến.
Hai bà cháu nhìn nhau, hai ý chí bất khuất chống nhau trong im lặng. Cuối cùng bà Công tước chấp nhận thất bại, bà nghiêng nhẹ mái đầu bới chải rất công phu.
– Thôi tùy cháu, Hawthorne – bà nói, miễn cưỡng nhường quyền gia trưởng cho chàng. Bỗng một ý nghĩ khác nảy ra trong óc bà, bà ngồi xuống ghế, mặt trắng bệch, tức tối – 700 năm nay, máu trong gia đình này không bị hoen ố. Chúng ta đều là con cháu của toàn vua chúa. thế mà bây giờ chúng ta gặp hoàn cảnh này, người nối dõi sẽ ra sao – Quá giận, bà quay qua người cháu nội kia – Đừng ngồi im như thế chứ, Anthony, nói cái gì đi chứ!
Huân tước Anthony Townsende dựa người ra ghế vẻ mặt hài hước.
– Rất tốt – anh ta nói một cách hòa nhã, chấp nhận quyết định của Jordan với nụ cười toe toét – Khi nào tôi được đi trình diện người chị dâu tương lai? Hay là anh định để cô ta ngồi ở phòng khách ấy cho đến ngày đám cưới?
Bà Công tước nhìn anh ta với ánh mắt hậm hực, nhưng bà không nói gì nữa. Bà ngồi yên, lưng thẳng băng, đầu tóc bạc ngẩng cao, nhưng sự thất vọng não nề trong một ngày qua làm cho mặt bà già thêm 10 năm.
Anthony nhìn Jordan, đưa cao ly rượu để chúc mừng.
– Hawk, chúc hạnh phúc trăm năm – anh ta cười toe toét. Jordan nhìn anh ta với ánh mắt châm biếm, nhưng nét mặt vẫn giữ trang nghiêm.
Anthony không ngạc nhiên khi thấy chàng không để lộ tình cảm ra ngoài. Giống như bà nội chàng, Jordan luôn luôn giữ kín cảm xúc, nhưng không giống bà Công tước, Hawk giữ kín cảm xúc rất tự nhiên, tự nhiên đến nỗi Anthony và nhiều người khác nữa tự hỏi phải chăng chàng chỉ biết tức giận chứ không có tình cảm gì sâu sắc.
Trong trường hợp này, Anthony nghĩ đúng. Jordan không nghĩ đến chuyện gì hết ngoài sự tức giận, tức giận vì cuộc hôn nhân của mình. Khi chàng đưa ly rượu lên môi, Jordan ngẫm nghĩ đến bước ngoặt số phận bất ngờ của mình. Sau bao nhiêu năm sống với nhiều phụ nữ nhiều kinh nghiệm nhất, thạo đời nhất nước Anh – và ít đức hạnh nhất – bây giờ số phận trớ trêu ghép chàng với một cô vợ bé bỏng, chỉ được cái thơ ngây trong trắng. Linh cảm báo cho chàng biết rằng Alexandra thiếu sự thạo đời không phải vì cô thiếu kinh nghiệm, nhưng là vì bản chất của cô cao quí, vì tinh thần cô trong sáng và trái tim cô dịu dàng.
Sống với chàng, thế nào cô cũng mất đi vẻ trong trắng của thể chất nhưng chàng không tin cô sẽ mất đi nét thơ ngây của tâm hồn, cũng sẽ không khoác lên người lớp sơn bóng láng của sự thạo đời dễ ghét và sự dí dỏm buồn cười mà người nào cũng muốn bước vào xã hội “thượng lưu” cũng như muốn có mối giao hảo tốt đẹp trong gia đình, đều phải tạo ra được. Nghĩ đến chuyện cô sẽ không thể thích hợp với thế giới của chàng, với cuộc đời chàng, chàng cảm thấy hơi bối rối. Việc này sẽ gây phiền phức cho chàng, nhưng không nhiều, vì sự thực là chàng không có ý định dành nhiều thì giờ để sống với cô trong những năm sắp đến, cũng như chàng không có ý định thay đổi nếp sống hiện tại của chàng nhiều. Chàng định sẽ để cô sống tại ngôi nhà ở Devon và thỉnh thoảng đến thăm cô.
Thở dài, chàng nhận ra rằng thế nào chàng cũng phải báo cho tình nhân của chàng biết cô ta sẽ không đi với chàng đến Devon được như kế hoạch đã vạch ra. Ơn Chúa, Elise là người thạo đời, đẹp, cũng như đa cảm, chắc khi chàng nói cho nàng biết về việc không đi Devon và cuộc hôn nhân của chàng, thế nào nàng cũng không làm tình làm tội chàng.
– Sao đấy – Anthony lặp lại, – khi nao thì chúng tôi được giới thiệu với nàng?
Đưa tay ra phía sau, Jordan kéo sợi dây chuông. Khi Ramsey hiện ra nơi ngưỡng cửa, chàng nói:
– Anh đến phòng khách màu vàng mời cô Lawrence đến đây. Vừa vào phòng khách, Alexandra hỏi ngay:
– Mẹ tôi và ông cậu Monty đâu rồi?
Jordan đứng dậy, bước tới:
– Họ đến nghỉ ở quán trọ đợi ngày dự lễ cưới của chúng ta – chàng trả lời với vẻ mỉa mai lộ liễu – Nhưng cô cứ ở lại đây.
Alexandra chưa kịp nói năng gì, chàng đã giới thiệu cô với bà Công tước thừa kế, bà đang nhìn cô qua cái kính cầm ở tay. Cảm thấy nhục nhã trước thái độ khinh bỉ của bà Công tước, cô hếch cằm nhìn thẳng vào mặt bà.
Bà Công tước thấy vẻ mặt xấc láo của Alexandra, bà liền nói nhanh:
– Đừng nhìn tôi với vẻ bất kính, thô lỗ như thế – Ồ, tôi thô lỗ à, thưa bà? – Alexandra hỏi với vẻ hiền từ vờ vịt – Vậy tôi xin lỗi. Tôi biết nhìn ai một cách sỗ sàng quả là thô lỗ thật. Tuy nhiên, tôi không biết phải ứng xử như thế nào cho phải phép khi bị người khác nhìn chằm chằm vào mình.
Chiếc kính ở tay bà Công tước rơi xuống đất và mắt bà nheo lại ti hí.
– Cô dám dạy tôi hả! Cô là kẻ vô danh, là người tầm thường không thuộc gia đình quí tộc, không có dòng máu trâm anh.
Alexandra liền trích danh ngôn một cách tức giận:
– “Có lẽ ai cũng muốn mình thuộc gia đình trâm anh thế phiệt, nhưng sự vinh quang là của tổ tiên, chứ không phải của chúng ta”.
Anthony cười, nụ cười bị kiềm chế trong họng, rồi vội chen vao giữa bà nội giận dữ và cô gái dại dột đã chọn con đường đấu khẩu với bà.
– Có phải câu nói của Plato không? – anh ta hỏi, miệng vẫn mỉm cười, tay chìa ra trước mặt cô.
Alexandra lắc đầu, cười e thẹn, mong sao cô tìm được đồng minh trong cái phòng toàn là người xa lại bất thân này – Của Plutarch.
– Dù sao tôi cũng nói gần đúng – anh ta cười khúc khích – vì Jordan có vẻ đã mụ cả người, nên tôi xin phép được tự giới thiệu. Tôi là em họ của Jordan, Tony. Alexandra nắm bàn tay của anh ta.
– Anh khoẻ chứ?
– Nhún gối chào – bà Công tước lạnh lùng nói.
– Xin lỗi bà nói gì?
– Người thiếu nữ phải nhún gối chào khi được giới thiệu với người lớn tuổi hay có địa vị cao hơn mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.