Hồng Lâu Mộng

Hồi thứ ba mươi bốn



Giả mẫu và Vương phu nhân đi rồi, Tập Nhân chạy đến bên cạnh Bảo Ngọc, nhỏ nước mắt hỏi:
Tại làm sao mà cậu bị đánh đau đến thế? Bảo Ngọc thở dài:
Hỏi làm gì nữa? Chẳng qua cũng vì những việc ấy thôi! Nửa mình tôi đau lắm, chị thử xem đánh vào những chỗ nào.
Tập Nhân khẽ luồn tay cởi cái quần lót ra, mới chạm vào người một tý, Bảo Ngọc đã nghiến răng kêu “Đau”. Tập Nhân vội dừng tay lại, mãi ba bốn lần mới cởi ra được. Nhìn thấy nửa mông trên có những vết lằn nổi lên rộng bằng bốn ngón tay, vừa thâm vừa tím, Tập Nhân nghiến răng nói:
Mẹ ơi! Làm sao mà lại đánh ác quá thế? Ngày thường cậu nghe lời tôi, thì đâu đến nỗi này. May không chạm đến gân cốt, chứ thành tật thì còn làm ăn gì.
Tập Nhân đương nói thì a hoàn vào báo “Cô Bảo đến”, Tập Nhân biết là không kịp mặc quần lót, liền lấy ngay cái chăn giải giường đắp lên cho Bảo Ngọc. Bảo Thoa tay cầm viên thuốc đi vào, đưa cho Tập Nhân:
Chiều hôm nay chị lấy rượu mài viên thuốc này bôi cho cậu ấy, để tan những máu ứ đi, sẽ chóng khỏi đấy.
Bảo Thoa lại quay sang hỏi Bảo Ngọc:

Bây giờ cậu đã khá chưa?

Bảo Ngọc cảm ơn nói:

– Đã hơi khá, mời chị ngồi.

Bảo Thoa thấy Bảo Ngọc mở mắt ra nói chuyện, đã khá hơn lúc nãy, trong bụng cũng đỡ lo, chỉ lắc đầu thở dài:
Nếu cậu sớm chịu nghe lời mọi người thì đâu đến nỗi như ngày hôm nay? Chả cứ cụ và dì mà ngay chúng tôi trông thấy cũng phải đau lòng.
Bảo Thoa nói được nửa chừng thì nín hẳn lại, hối hận không nghĩ kỹ, tự nhiên má đỏ lên, đầu cúi xuống, không nói nữa. Nghe những lời thân mật, có ngụ ý sâu xa, lại thấy

Bảo Thoa nín bặt không nói, má đỏ, đầu cúi xuống, tay mân mê dải áo, có dáng e lệ thẹn thò, không thể nào hình dung hết được, Bảo Ngọc trong lòng càng thêm cảm động, bao nhiêu đau đớn hình như đã trút sạch ra ngoài chín tầng mây. Bụng nghĩ: “Ta chẳng qua bị đánh có vài cái, thế mà chị em ai cung tỏ vẻ thương xót, thật là đáng thân, đáng kính! Nếu một ngày kia ta có mệnh hệ nào, thì không biết họ thương cảm đến đâu! Họ đối với ta thật tử tế như thế, dù ta có chết ngay, được họ thương tiếc nhường này, thì sự nghiệp cả đời ta có trôi ra bể đông, cũng không đáng tiếc. Trong chốn u minh, nếu không thư thái tâm tình thì thật là con quỷ hồ đồ!” Lại thấy Bảo Thoa hỏi Tập Nhân:

– Tại sao ông tự dưng đâm giận mà đánh cậu ấy như thế?

Tập Nhân liền kể cho Bảo Thoa nghe những câu Bồi Dính nói lúc nãy. Bảo Ngọc vẫn chưa biết Giả Hoàn nói xấu mình, thấy Tập Nhân nói, lại vương cả đến Tiết Bàn. Sợ Bảo Thoa chạm lòng, Bảo Ngọc gạt lời Tập Nhân, và nói:

– Anh Tiết không khi nào lại thế, các chị đừng nên đoán bậy.

Bảo Thoa biết ngay là Bảo Ngọc sợ mình không đành dạ, nên dùng lời ngăn Tập Nhân đi. Trong bụng nghĩ thầm: “Anh ấy bị đánh như thế, lại không nghĩ gì đến đau đớn, vẫn còn quá cẩn thận, sợ mang lỗi với người ta. Thật là anh đã hết sức giữ gìn đối với chúng tôi. Nhưng sao anh không lo đến những việc lớn ở ngoài, để ông được vui lòng, thì đến nỗi nào bị đòn như thế. Anh sợ tôi chạnh lòng nên ngắt lời chị Tập Nhân, nhưng tôi còn lạ gì tính nết anh tôi xưa nay là người ngông cuồng, phóng đãng, không một chút dè chừng hay sao? Ngày trước vì việc Tần Chung đã xảy ra những chuyện long trời lở đất. Bây giờ câu chuyện này càng ghê gớm hơn nhiều”. Bảo Thoa nghĩ vậy, cười nói:

Chúng ta cũng không nên oán trách người này người khác, cứ ý tôi thì vì anh Bảo xưa nay thường hay chơi bời với những người ấy, nên ông mới nổi giận. Dầu anh Tiết tôi là người ăn nói không biết giữ gìn, buột miệng nói ra việc của anh Bảo, cũng không phải là có ý bới móc đâu: một là vì câu chuyện có thực, hai là vì anh tôi không hay nghĩ đến những chuyện dè chứng nhỏ nhặt. Chị Tập Nhân từ bé đến giờ chỉ biết có anh Bảo là người giữ gìn cẩn thận thôi, chứ anh tôi thì coi trời bằng vung, hễ bụng nghĩ gì, là nói tuột ra.

Tập Nhân thấy Bảo Ngọc gạt câu chuyện Tiết Bàn đi, biết ngay là mình nói hớ, sợ Bảo Thoa buồn rầu; sau thấy Bảo Thoa nói thế, lại đâm ra xấu hổ, không biết nói gì. Bảo Ngọc nghe Bảo Thoa nói vừa đường hoàng, thẳng thắn, lại gỡ được lòng hoài nghi của mình, trong người càng rạo rực. Đương muốn nói nữa, bỗng thấy Bảo Thoa đứng dậy nói:

Ngày mai tôi sẽ lại thăm, anh cố tĩnh dưỡng đi. Vừa rồi tôi đưa viên thuốc cho chị Tập Nhân, đến chiều bôi đi thì sẽ bớt đấy.
Nói xong đi ra. Tập Nhân theo đến ngoài sân nói:

Phiền cô quá. Hôm nào cậu Bảo khỏi, sẽ sang tận nơi cám ơn.

Có gì đâu? Chị cứ khuyên anh ấy tĩnh dưỡng, đừng nghĩ ngợi lan man, sẽ chóng khỏi ngay. Anh ấy muốn ăn cái gì chơi cái gì thì cứ khẽ sai người sang bên tôi mà lấy, chả cần để cho cụ và dì tôi cùng mọi người biết nữa. Nếu đến tai dượng tôi thì dù việc chẳng can gì, nhưng sau lỡ xảy chuyện e không hay đấy.
Nói xong rồi đi.

Tập Nhân quay về, trong bụng rất cảm ơn Bảo Thoa.

Khi vào nhà, trông thấy Bảo Ngọc có dáng im lặng, trầm ngâm, giở thức giở ngủ, Tập Nhân bèn ra ngoài buồng rửa mặt chải đầu. Bảo Ngọc nằm thiếp trên giường, mông đau như kim châm, dao cắt, người nóng như lửa đốt, hễ cựa quậy một tý, là phải kêu lên mới chịu được. Bấy giờ trời sắp chiều, Tập Nhân đi ra, trong nhà chỉ có vài ba a hoàn đứng hầu, không có việc gì đáng sai, Bảo Ngọc liền bảo:

Các cô hãy đi ra ngoài rửa ráy, khi nào tôi gọi sẽ đến.

Mọi người đều đi ra.

Bảo Ngọc đương nằm mê man, thấy Tưởng Ngọc Hàm tiến vào, kể việc phủ Trung Thuận tìm bắt hắn. Một chốc lại thấy Kim Xuyến đến khóc lóc, kể lể vì tại cậu mà tôi phải đâm đầu xuống giếng. Bảo Ngọc nửa tỉnh nửa mê, không để ý đến. Đương lúc bàng hoàng hoảng hốt, chợt có người lay dậy, nghe những tiếng khóc lóc thảm thương, Bảo Ngọc giật mình thức tỉnh giương mắt nhìn, thì không phải người nào xa lạ mà chính là Đại Ngọc. Ngỡ là mình nằm mê, Bảo Ngọc vội vươn người lên nhìn chòng chọc vào tận mặt người kia, thì thấy hai mắt sưng bằng hai quả nhót, nước mắt

giàn giụa trên mặt, không phải Đại Ngọc thì còn là ai? Bảo Ngọc muốn nhìn nữa, nhưng vì nửa người phía dưới đau quá không thể chịu nổi, liền kêu “Ối chào” một tiếng, rồi lại nằm vật xuống, thở dài và nói:

Em lại đến đây làm gì? Mặt trời mới lặn, đất hãy còn nóng, nếu bị cảm nắng, thì làm thế nào? Anh bị đòn, không đau lắm đâu. Anh giả cách làm ra thế này để đánh lừa họ đồn đại đến tai ông đấy thôi, em đừng tin là thực.
Bấy giờ Đại Ngọc khóc không ra tiếng, cứ nức nở sụt sùi càng thêm não ruột. Bảo Ngọc nói xong, Đại Ngọc lòng càng ngổn ngang trăm mối, nghẹn ngào không nói ra lời, lúc lâu mới ngập ngừng:
Từ rày anh nên chừa đi nhé!

Em cứ yên tâm, đừng nói nữa. Anh có vì những người ấy mà chết đi, thì cũng cam lòng.
Chợt người ngoài vào báo: “Mợ Hai đến đấy”. Đại Ngọc biết ngay là Phượng Thư đến, vội đứng dậy nói:
Tôi ra sân sau đây, chốc nữa sẽ đến.

Ấy mới lạ chứ, việc gì mà sợ chị ấy? Đại Ngọc giậm chân khẽ nói:
Anh trông mắt tôi đây này! Rồi họ mang chúng ta ra làm trò cười đấy.

Bảo Ngọc vội buông tay ra. Đại Ngọc liền rảo cẳng đi quanh sau giường, vừa ra đến sân sau, thì Phượng Thư đã ở ngoài bước vào, hỏi Bảo Ngọc “Đã khá chưa? Muốn ăn gì thì bảo người sang bên chị mà lấy”. Tiếp đó là Tiết phu nhân đến. Một chốc Giả mẫu lại sai người đến.

Mãi lúc lên đèn, Bảo Ngọc chỉ húp hai ngụm cháo rồi mê mẩn nằm thiếp đi. Sau đó bọn vợ Chu Thụy, vợ Ngô Tân Đăng và vợ Trịnh Hảo Thời, mấy người già này xưa nay vẫn năng lui tới, nghe tin Bảo Ngọc bị đòn, họ đều đến thăm. Tập Nhân vội ra đón và khẽ cười nói:

– Các thím đến hơi chậm, cậu ấy đã ngủ rồi.

Liền dắt bọn họ sang nhà bên ngồi, pha nước mời uống. Mấy bà này lẳng lặng ngồi

một lúc, rồi nói với Tập Nhân:

– Lúc nào cậu dậy, chị nói hộ, chúng tôi sang thăm.

Tập Nhân nhận lời đưa họ đi ra, vừa quay vào thì Vương phu nhân sai một bà già sang nói:
– Gọi một người nào hầu cậu Hai sang cho bà hỏi.

Tập Nhân nghĩ một lúc, rồi quay lại khẽ bảo bọn Tình Văn, Xạ Nguyệt, Đàn Vân và

Thu Văn:

Bà gọi đấy, các em ở nhà hầu hạ cẩn thận nhé, chị đi một tí rồi về. Nói xong, Tập Nhân cùng bà già ra khỏi vườn, đi lên nhà trên.
Vương phu nhân đương ngồi trên giường phe phẩy cái quạt ba tiêu, trông thấy Tập Nhân đến, liền bảo:
Con bảo ai sang chả được, lại bỏ nó mà đi, thì ai hầu hạ nó.Tập Nhân cười nói:

Cậu ấy vừa mới ngủ, mấy a hoàn bên nhà bây giờ đã biết hầu rồi, xin bà cứ yên lòng. Con nghĩ bà có việc gì cần dặn bảo, nếu sai bọn họ sang, sợ nghe không hiểu lại lỡ mất việc.
Cũng không có việc gì, chỉ hỏi giờ nó đau ra làm sao thôi.

Cô Bảo đưa thuốc sang, con xoa cho cậu ấy, thấy đã khá hơn. Trước đau lắm, nằm không yên, giờ đã ngủ được.
Nó đã ăn gì chưa?

Cụ vừa cho một bát cháo, cậu ấy húp được hai ngụm, thì kêu khát lắm, đòi uống nước mơ. Con sợ nước mơ là thứ hay thu vào, mà cậu ấy vừa bị đánh, lại không cho kêu, e rằng máu nhiệt đọng ở trong tim, nếu uống, trong bụng cồn cào, bệnh sẽ nặng thêm thì làm thế nào? Vì thế con ngăn mãi cậu ấy mới chịu thôi, chỉ hòa một ít nước quả mai khôi canh đặc với nước đường, uống được nửa chén nhỏ, lại bảo chán, không thơm không ngọt gì cả.

Ối chà! Sao con chẳng nói sớm cho ta biết? Hôm nọ có người biếu mấy chai nước thơm, ta định cho nó một ít, nhưng sợ nó làm phí của, nên không cho. Giờ nó đã chán không muốn uống nước mai khôi thì con mang hai chai này về, cứ lấy độ một thìa con pha vào một bát nước thì thơm lừng lên.
Nói xong, liền gọi Thái Vân đem mấy chai nước móc thơm hôm nọ ra, Tập Nhân nói:

– Chỉ xin hai chai thôi, nhiều sợ bỏ đi phí của. Khi nào dùng hết, sẽ lại sang xin.

Thái Vân đi một chốc, mang hai chai đến đưa cho Tập Nhân. Tập Nhân nhìn thấy hai chai pha lê chừng ba tấc, trêncó nút bạc xoáy trôn ốc, dán giấy vàng, một chai đề chữ: “Mộc tê thanh lộ”(1), một chai đề chữ “Mai khôi thanh lộ”(2). Tập Nhân cười nói:

Thứ này chắc quý lắm! Chai nhỏ thế thì chứa được bao nhiêu?

Thứ đem tiến vua đấy. Con không thấy dán giấy vàng ở trên nút à? Phải cất đi cẩn thận cho nó, không được bỏ phí của.
Tập Nhân vâng lời, sắp đi ra, Vương phu nhân lại gọi:

Hãy đứng lại, ta sực nhớ điều này muốn hỏi con!

Tập Nhân vội quay lại. Vương phu nhân thấy trong buồng không có ai, liền hỏi:

Ta nghe đâu thằng Hoàn ton hót gì với ông, nên thằng Bảo bị đòn, có phải thế không? Có gì con cho ta biết, ta không nói lộ với ai đâu.
Con không nghe thấy điều ấy bao giờ, hình như cậu Hai giấu một người con hát của tước Vương nào ấy, người ta đến trình với ông, nên cậu ấy mới phải đòn.
Vương phu nhân lắc đầu nói:

Việc ấy đã đành rồi, lại còn việc khác nữa kia.

Việc khác thì con không biết. Bây giờ trước mặt bà, con xin cả gan nói thẳng, cứ lẽ ra thì…
Tập Nhân nói nửa chừng rồi lại nín bặt, Vương phu nhân nói:

Có gì con cứ nói ra.

Xin bà đừng giận con mới dám nói.

Con cứ nói, ta giận cái gì.

Đúng ra thì cậu Bảo cần phải có ông dạy bảo luôn mới được; nếu người không trông nom đến, thì không biết chừng sau này cậu ấy sẽ còn gây ra nhiều chuyện.
Vương phu nhân nghe vậy, liền chắp tay niệm Phật, chợt gọi Tập Nhân:

Con ơi! Con nói đúng đấy, ta cũng nghĩ thế; thực ra, có phải ta không biết dạy con đâu! Khi trước anh Châu mày còn sống, ta dạy bảo nó như thế nào, lẽ nào bây giờ ta lại không biết dạy bảo thằng Bảo. Nhưng có một điều này: bây giờ ta đã năm mươi tuổi đầu rồi, chỉ có một mình nó, từ bé đến giờ, nó lại ốm yếu luôn. Cụ lại quý nó như vàng như ngọc, nếu dạy bảo nhiều quá, lỡ xảy ra điều gì, cụ sẽ buồn rầu, trong nhà

đâm ra lủng củng, thì lại càng không hay nữa. Vì thế ta nuông chiều nó. Không ngờ đâm ra hư hỏng. Ta thường lựa lời dạy bảo khuyên can, có khi đến khóc, nhưng nó cũng chỉ nghe được một lúc thôi, rồi đâu lại hoàn đây, nên mới xảy ra nông nỗi này. Nếu nó bị đánh chết, thì mai sau ta còn trông cậy vào ai nữa! Nói xong nước mắt lại ròng ròng nhỏ xuống.

Tập Nhân thấy Vương phu nhân đau khổ như thế, trong bụng buồn rầu, nước mắt cũng rơi lã chã:
Cậu Hai là con đẻ của bà, khi nào bà lại không thương? Chúng con là kẻ dưới hầu hạ lâu nay, nếu được mọi sự yên ổn, thật là phúc lớn. Chứ cứ như thế này, thì làm sao cho yên bề hầu hạ được. Ngày nào giờ nào con chẳng khuyên ngăn cậu ấy! Nhưng khuyên ngăn mãi cậu ấy vẫn không tỉnh ngộ. Lại có những hạng người cứ hay thậm thụt với cậu ấy, chẳng trách được cậu ấy đến nỗi thế này. Chúng con khuyên ngăn mãi cũng không tiện, bây giờ bà nhắc đến, con lại nhớ ra một việc, muốn trình bà xem người định đoạt ra sao; nếu bà có bụng ngờ, thì không những lời con nói không ăn thua gì, mà ngay con chết cũng không có chỗ chôn.

Vương phu nhân nghe câu nói có ý tứ, liền hỏi:

Con ơi, có điều gì con cứ nói thẳng ra. Lâu nay ta thấy mọi người xung quanh ai cũng khen con. Ta vẫn cho là con chẳng qua chăm lo hầu hạ Bảo Ngọc, hòa nhã với mọi người, thế thôi. Ngờ đâu những câu con nói vừa đây, đều là việc lớn, rất hợp ý ta. Vậy con có điều gì, cứ nói thẳng ra, miễn là đừng để cho người ngoài biết là được.
Con chẳng nói điều gì khác cả, con chỉ muốn bà tìm cách nào cho cậu ấy dọn ngay ra ở ngoài, không ở trong vườn nữa là xong chuyện.
Vương phu nhân nghe nói, giật nẩy mình, vội kéo tay Tập Nhân hỏi:

Không lẽ thằng Bảo Ngọc đã giở trò bậy gì với ai chăng?

Làm gì có chuyện ấy! Xin bà đừng quá nghĩ, đó chẳng qua là ý riêng của con đấy thôi. Bây giờ cậu Hai đã lớn rồi, các cô ở trong ấy cũng đã lớn cả, vả chăng cô Lâm và cô Bảo lại chỗ chị em con cô, con dì. Kể ra là chỗ chị em đấy, nhưng đằng la con gái, đằng là con trai, ngày đêm cùng ở một chỗ, đi đứng không tiện, lẽ nào chẳng làm cho người ta phải lo lắng, lỡ ra có ai nhìn thấy, thì họ có cho là việc trong nhà đâu. Tục ngữ có câu: “Phải nghĩ trước khi có việc”. Trên đời biết bao việc bất trắc xảy ra, phần

nhiều là do mình vô tình, nhưng người ngoài họ để ý, lại cho là mình định tâm làm như vậy, rồi đem đi nói xấu. Vì vậy không đề phòng nhất định không được. Vả lại ngày thường tính nết cậu Hai thế nào, bà cũng đã biết cả rồi: cậu ấy cứ thích chơi đùa với bọn chúng con. Nếu không phòng ngừa trước đi, lỡ xảy ra sai lầm gì, không cứ việc thực hay hư, hễ nhiều người thì tất nhiên lắm chuyện. Những kẻ xấu bụng xấu dạ, họ có kiêng nể ai. Hễ bằng lòng ra thì khen tốt hơn đức Phật, không bằng lòng thì họ chê bai không bằng giống súc vật. Sau này có ai nói tốt cậu Hai thì mọi người cũng chỉ chợp mắt bỏ qua thôi, nếu như có người nới xấu cậu ấy một câu, thì chúng con dù có tan xương nát thịt, tội nặng muôn vàn, cũng chỉ là việc nhỏ, nhưng tiếng tăm, phẩm cách suốt đời của cậu ấy, chẳng hóa ra mất hết hay sao? Lúc bấy giờ, trước mặt ông nhà, bà cũng khó nói. Tục ngữ có câu: “Quân tử phòng thân”, chi bằng phòng ngừa ngay từ giờ là hơn. Bà bận việc, cố nhiên không có thì giờ nghĩ đến những chuyện ấy. Chúng con không nghĩ đến thì thôi, chứ đã nghĩ ra mà không trình bà biết thì tội càng nặng. Con lâu nay vì việc này mà ngày đêm áy náy, không dám nói với ai. Chỉ có ngọn thần đăng chứng tỏ nỗi lòng mà thôi.

Vương phu nhân nghe nói như sét đánh bên tai, chạnh nhớ đến việc Kim Xuyến, trong bụng càng yêu quý Tập Nhân, liền cười nói:
Con ơi, con có lòng chăm lo chu tất thế, ta há lại chẳng nghĩ đến hay sao? Nhưng vì bấy lâu bận việc, ta quên mất. Những câu nói hôm nay làm ta tỉnh ngộ. Con nghĩ thật chu đáo giữ trọn thanh danh cho mẹ con ta, ta không ngờ con lại tốt như vậy. Thôi con hãy về đi, ta sẽ liệu cách. Nhưng có một điều này, con đã nói như thế, thì ta sẽ giao thằng Bảo cho con, lúc nào con cũng phải để ý trông nom giữ gìn nó, tức là con giữ gìn ta đấy. Chắc chắn là ta không phụ công con đâu.

Tập Nhân luôn luôn vâng lời. Về đến nhà, thấy Bảo Ngọc dậy, Tập Nhân bèn kể lại chuyện bà cho hai chai nước thơm. Bảo Ngọc mừng lắm, lập tức sai pha ra uống, thấy thơm tho lạ thường. Trong bụng nhớ ngay Đại Ngọc, Bảo Ngọc muốn sai người đi mời, nhưng lại sợ Tập Nhân ngăn lại, liền tìm cách sai Tập Nhân sang nhà Bảo Thoa mượn sách.

Tập Nhân đi rồi, Bảo Ngọc liền gọi Tình Văn đến bảo:

Chị sang bên cô Lâm xem cô ấy làm gì? Nếu cô ấy hỏi thì bảo tôi đã khá rồi.

Chẳng có việc gì, tự nhiên trơ tráo sang đấy sao tiện? Phải có một chuyện gì cho có việc chứ?
Chẳng có việc gì đáng nói cả.

Hoặc bày cách sang cho cái gì, hay sang mượn cái gì, nếu không thì tôi đến đấy biết nói thế nào?
Bảo Ngọc nghĩ một lúc, rồi giơ tay lấy hai cái khăn lụa cũ đưa cho Tình Văn, cười nói:

Được rồi, chị cứ bảo rằng tôi sai chị đưa cái này cho cô ấy.

Thế mới lạ chứ. Cô ấy cần hai mảnh khăn lụa dung dúc này làm gì? Chỉ tổ làm cho cô ấy giận, lại bảo cậu đùa cô ấy thôi.
Bảo Ngọc cười nói:

Chị cứ yên tâm, thế nào cô ấy cũng hiểu.

Tình Văn đành phải cầm lấy khăn lụa, đến quán Tiêu Tương, gặp Xuân Tiêm đương đứng phơi khăn mặt ở ngoài hiên. Thấy Tình Văn đến, Xuân Tiêm vội xua tay nói: “Cô ấy ngủ rồi”. Tình Văn đi vào nhà, tối như mực, vẫn chưa thắp đèn, Đại Ngọc nằm

trên giường, hỏi “Ai đấy?” Tình Văn vội trả lời: “Tình Văn đây”. Đại Ngọc hỏi: “Sang làm gì đấy?”. Tình Văn nói: “Cậu Hai bảo mang khăn lụa sang cho cô đây”. Đại Ngọc nghe nói, trong bụng đâm ra buồn bực, nghĩ một mình: “đưa khăn lụa sang cho ta để làm gì đây?” Rồi hỏi:
– Khăn lụa này ai cho cậu ấy? Chắc đẹp lắm thì phải. Bảo cậu ấy để dành đưa cho người khác, chứ tôi không cần thứ ấy.
Tình Văn cười nói:

– Đó là khăn lụa cũ thường ngày dùng đấy thôi, không phải khăn mới đâu. Đại Ngọc nghe nói, càng bực mình, đắn đo một lúc, rồi mới nghĩ ra, liền nói: – Thôi chị cứ để đấy mà về.
Tình Văn đành để xuống đấy, quay ra về, đi đường ngẫm nghĩ, không hiểu ý tứ ra sao cả.
Đại Ngọc đã hiểu ý Bảo Ngọc cho đưa khăn lụa sang, đâm ra ngơ ngẩn say sưa, nghĩ bụng: bây giờ Bảo Ngọc đã biết thể tất nỗi đau khổ của ta, đã là điều làm cho ta đáng mừng; ta có ý nghĩ vậy, không biết sau này ra sao, đã là điều làm cho ta đáng thương; tự nhiên vô cớ, mang hai mảnh lụa cũ đến, nếu chỉ nhìn hai mảnh lụa mà không hiểu

sâu xa của ta, đó là điều làm ta đáng cười; còn chuyện sai người lén lút tặng cho ta, đó là điều khiến cho ta đáng sợ; ta cứ hay khóc, nghĩ cũng vô ích, đó là điều làm cho ta đáng xấu hổ”. Đại Ngọc nghĩ quanh nghĩ quẩn, tự nhiên đâm ra nóng lòng sốt ruột, trong bụng vẩn vơ, liền bảo thắp đến, rồi không nghĩ đến việc kiêng tránh hiềm nghi, vội vùng dậy mài mực nhúng bút, lấy ngay hai mảnh lụa cũ ra viết:

I

Lệ chan chứa hão, lệ rơi hoài, Ngấm ngầm vì đâu giọt ngắn dài? Mảnh lụa giao này ơn biết mấy, Vì ai khôn xiết nỗi thương ai,

II

Giọt ngọc dòng châu lặng lẽ rơi, Suốt ngày vơ vẩn suốt ngày rồi? Gối kia áo nọ lau nào sạch, Vết ố mầu hoen cũng mặc thôi.
III

Khăn nào lau sạch hết dòng châu, Dấu cũ sông Tương biết ở đâu. Sẵn đó trước song, ngàn ngọn trúc, Ngấn thơm biết có nhuộm thêm mầu?
Đại Ngọc toan viết nữa, nhưng người rạo rực lên, mặt nóng bừng bừng, liền đến chỗ đài gương, mở cái phủ bằng gấm ra soi, thấy mặt đỏ hơn cánh hoa đào, đoán chừng bệnh đã bắt đầu từ đấy. Một lúc lên giường nằm, vẫn còn cầm mảnh lụa đăm đắm suy nghĩ.
Tập Nhân sang đến bên Bảo Thoa thì Bảo Thoa lại sang bên nhà Tiết phu nhân vắng. Tập Nhân về không, đến đầu canh hai, Bảo Thoa mới về.
Bảo Thoa vẫn biết tính nết Tiết Bàn, trong bụng ngờ là hắn xui người đến mách tội Bảo Ngọc; sau khi nghe Tập Nhân nói, lại càng tin lắm. Thực ra, Tập Nhân chỉ nghe Bồi Dính nói, mà Bồi Dính cũng đoán phỏng thôi, chưa có gì là chứng cớ đích xác, nhưng cứ đổ riệt cho hắn.

Tiết Bàn xưa nay vẫn có tiếng ấy, nhưng lần này không phải tự hắn gây nên, trái lại, người ta cứ dựng đứng đổ riệt cho hắn, không sao cãi lại được. Hôm ấy hắn uống rượu

ngoài phố về, vào chỗ Tiết phu nhân, thấy Bảo Thoa ngồi ở đấy. Hắn nói ba hoa mấy câu, chợt như nhớ đến, liền hỏi:
– Nghe nói Bảo Ngọc bị đòn, là tại làm sao thế?

Tiết phu nhân đang khó chịu về việc này, thấy hắn hỏi, liền nghiến răng nói:

– Giống oan nghiệt, chả biết phải trái gì cả, cứ sinh chuyện ra, lại còn vác mặt đến đây hỏi ta à?
Tiết Bàn thấy thế, tức quá, đứng ngẩn người ra hỏi: – Tôi sinh chuyện cái gì?
– Mày lại còn giả vờ à? Ai cũng bảo việc ấy do mày xúi bẩy cả. – Thế thì người ta bảo tôi giết người, mẹ cũng tin à?
– Ngay em mày cũng biết là mày xúi bẩy đấy, chẳng lẽ nó lại đổ oan cho mày sao? Bảo Thoa vội ngăn lại:
– Mẹ và anh đừng làm ầm lên thế; đen trắng sau này dần dần sẽ rõ. Rồi quay lại nói với Tiết Bàn:
– Anh có xúi bẩy hay không, việc cũng đã rồi, đừng cãi cọ nữa, kẻo lại bé xé ra to. Em khuyên anh từ nay trở đi đừng làm càn ở ngoài và cũng đừng chọc vào công việc của người ta. Anh xưa nay là người không biết giữ gìn, ngày ngày chơi bời đùa đẫy với bọn họ, không xảy ra việc gì thì thôi, lỡ xảy ra, dù anh không làm, người ta vẫn quàng vào cổ. Chả cứ ai, ngay em cũng phải ngờ!

Tiết Bàn vốn là người bụng thẳng như ruột ngựa, thấy gì thì nói tuột ngay ra. Hắn không nhịn được những chuyện giấu đầu hở đuôi thế nây, lại thấy Bảo Thoa ngăn không nên đi ra ngoài chơi bời, mẹ cho là mình nói bậy, làm Bảo Ngọc bị đòn. Tức quá, hắn hung hăng thề bồi, cố cãi cho ra. Hắn lại mắng sang mọi người: “Đứa nào dám đổ tội cho tôi, tôi sẽ bẻ gãy răng chúng nó! Rõ ràng là nhân câu chuyện Bảo Ngọc bị đòn, chúng nó không biết lấy gì tâng công, mới mang tôi ra làm bung xung! Bảo Ngọc có phải là vua nhà trời chăng? Cha nó mới đánh nó một trận, thế mà cả nhà làm ồn lên đến mấy ngày. Hình như lần này nó có lỗi gì, nên dượng ấy mới đánh mấy roi, không hiểu sao cụ lại biết được, cho là anh Trân mách, rồi gọi anh ấy đến mắng

cho một trận. Bây giờ lại quàng vào cho tôi. Tôi không sợ nữa đâu, nhất định tôi đánh chết Bảo Ngọc rồi sẽ đền mạng”.
Hắn vừa thét ầm ĩ vừa vác cái chèn cửa chạy đi. Tiết phu nhân sợ quá, lôi Tiết Bàn lại mắng:
Thằng khốn nạn này muốn chết đấy! Mày định đi đánh ai? Hãy đánh tao trước đã! Tiết Bàn mắt quắc lên thét nói:
Vì sao mẹ lại không cho tôi đi? Không dưng sao mẹ lại vu tội cho tôi? Sau này hễ Bảo Ngọc còn sống ngày nào, thì tôi còn phải mang vạ miệng ngày ấy, chi bằng hai đứa đều chết cả, thế là yên chuyện.
Bảo Thoa vội đến can ngăn:

Anh hãy cố nhịn đi nào! Mẹ giận nói thế, anh chẳng có một lời khuyên ngăn. Không cứ gì mẹ, dù người ngoài đến khuyên anh, cũng là vì có bụng tốt cốt để anh chứa bớt đi thôi!
Bây giờ mày lại nói thế, chắc là mấy đã mách đấy!

Anh chỉ biết trách tôi, chứ anh không tự trách anh không biết suy đi xét lại gì cả.

Mày chỉ trách tao không suy đi xét lại, sao mày không biết trách Bảo Ngọc cứ hay đi ra ngoài giở nhưng trò trêu cợt gió trăng? Chưa kể chuyện khác, hãy nói chuyện Kỳ quan hôm nọ cho mà nghe. Tao đã gặp Kỳ quan hàng mười lần rồi, nó chưa hề nói một câu thân mật với tao; thế mà Bảo Ngọc mới gặp nó có một lần, chưa biết tên nó là gì, đã cho ngay cái thắt lưng rồi. Vậy thì cái việc ấy, có phải tao mách không?

Tiết phu nhân và Bảo Thoa vội nói:

Lại còn nhắc đến chuyện ấy! Chính vì chuyện ấy mà nó bị đòn đấy! Thế thì chắc là mày mách rồi.
Tiết Bàn nói:

Thực là tức chết đi được! Buộc tội thế nào tôi cũng chẳng cần, chỉ tức một nỗi vì Bảo Ngọc mà làm nhộn lên, như là trời nghiêng đất lệch ấy?
Bảo Thoa nói:

Ai làm nhộn lên! Tự anh vác gậy cầm dao lại còn bảo ai!

Tiết Bàn thấy Bảo Thoa nói câu nào cũng có lý hơn là những câu mẹ hắn nói, khó lòng mà cãi lại được; vì thế hắn muốn tìm cách chặn lời Bảo Thoa để không còn ai cãi

lại được mình nữa. đương lúc tức giận không kịp đắn đo, hắn nói ngay:

Em ơi! Thôi đừng cãi nhau với anh nữa. Anh đã biết rõ bụng em rồi. Trước mẹ đã nói với anh: em có cái khóa vàng, muốn chọn người nào có ngọc mới lấy. Em để ý thấy Bảo Ngọc có cái ấy, chẳng trách được bây giờ động một tí là em bênh nó.
Bảo Thoa nghe vậy tức điên người, kéo Tiết phu nhân khóc nói:

Mẹ ơi! Me có nghe thấy anh ấy nói gì đấy không?

Tiết Bàn thấy em khóc, biết rằng mình nói quá lời, cũng đâm ra giận dỗi về buồng nằm.
Tiết phu nhân cũng rất bực, song lại khuyên Bảo Thoa:

Ngày thường con vẫn biết thằng súc sinh ấy ăn nói sỗ sàng rồi. Thôi ngày mai mẹ sẽ bảo nó đến xin lỗi con.
Bảo Thoa tức quá, muốn làm thế nào cho hả giận nhưng lại sợ mẹ không yên lòng, nên đành gạt nước mắt trở về nhà, khóc lóc một đêm. Sáng hôm sau, Bảo Thoa trở dậy, không thiết gì rửa mặt chải đầu, vội mặc quần áo sang thăm mẹ. Vừa gặp lúc Đại Ngọc đứng một mình dưới bóng hoa, hỏi đi đâu. Bảo Thoa nói: “Đi về nhà”. Nói rồi cắm cổ đi ngay. Đại Ngọc thấy Bảo Thoa có vẻ buồn rầu, mắt như đang khóc, không giống mọi ngày, liền đứng đằng sau cười nói:

Chị cũng nên giữ mình cẩn thận. Dù có khóc ra hai vò nước mắt, cũng không thể chữa lành được vết đòn đâu!
Bảo Thoa trả lời thế nào, hồi sau sẽ rõ.

—————————–

(1). Nước móc pha với quế.

(2). Nước móc pha với nước hoa mai khôi có mùi thơm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.