Hồng Lâu Mộng
Hồi thứ bảy mươi ba
Dì Triệu đương nói chuyện với Giả Chính, chợt nghe thấy ầm một tiếng ở bên ngoài, không biết vật gì rơi, liền hỏi, hóa ra cái cửa sổ nhà ngoài không cài chặt then rơi xuống. Dì Triệu mắng bọn a hoàn mấy câu, dẫn họ đi đóng lại tử tế rồi vào sửa soạn cho Giả Chính đi nghỉ.
Trong viện Di Hồng. Bảo Ngọc vừa mới đi ngủ, bọn a hoàn cũng định đi ngủ, chợt nghe có người đến gõ cửa, bà già ra mở, thấy a hoàn của dì Triệu là Tiểu Thước đến. Họ hỏi, nó không trả lời, cứ đi thẳng vào trong nhà tìm Bảo Ngọc. Bảo Ngọc mới đi ngủ; bọn Tình Văn đương ngồi cười đùa ở cạnh giường, thấy nó đến, đều hỏi:
Việc gì mà bây giờ còn chạy đến? Tiểu Thước vội khẽ nói với Bảo Ngọc:
Cháu đến mách cậu cái tin này, vừa rồi dì Triệu cháu thì thào với ông lớn, không biết nói chuyện gì về cậu. Cháu chỉ nghe thấy hai tiếng “Bảo Ngọc” thôi. Cháu lại mách cậu, cẩn thận không ngày mai ông sẽ hỏi đến cậu đấy!
Tập Nhân sai người giữ nó lại uống nước, nhưng sợ cửa đóng, nó chạy đi ngay.
Bảo Ngọc nghe nói, biết là dì Triệu xấu bụng, coi mình như quân thù, nhưng không biết dì ấy đã nói những gì, nên cứ như Tôn Ngộ Không sợ “vành kim cô” ấy, chân tay bủn rủn, gan ruột bồn chồn. Nghĩ mãi không biết làm thế nào, đành phải học ôn sách, phòng ngày mai cha có hỏi đến chăng. Cốt sao sách vở không sai nhầm, thì việc gì cũng có thể che lấp được. Nghĩ vậy, Bảo Ngọc khoác áo đứng dậy, trong bụng băn khoăn: “Mấy lâu nay mình cho là không ai hỏi đến, cứ bỏ khuấy đi. Nếu biết thì ngày nào mình cũng đem ra ôn lại ít nhiều mới được. Nay tính nhẩm lại, những sách có thể đọc thuộc lòng được, chẳng qua chỉ mấy quyển “Đại học”, “Trung dung” và “Luận ngữ”, “Mạnh Tử thượng” nhớ mang máng độ một nửa, bất chợt cha hỏi một câu, chắc không thể đọc được. “Mạnh Tử hạ” thì quên gần hết. “Ngũ kinh” thì vì gần đây làm thơ thường hay lượm lặt ít nhiều trong đó, nên thuộc lõm bõm, có thể nói qua được. Những sách khác tuy không nhớ hết, nhưng may ngày thường cha chưa bắt học, dù không biết cũng không sao. Về cổ văn như “Tả truyện”, “Quốc sách”, “Công dương”,
“Cốc lương”, Hán văn, Đường văn, thì mấy năm trước cũng đã đọc qua, nhưng vài năm nay bỏ nhãng đi, khi cao hứng thì đọc, đọc rồi lại quên, – mình chưa chịu khó nghiền ngẫm thì nhớ sao được? Việc này cũng khó che đậy đấy. Lại còn văn bát cổ nữa, vì mình ngày thường rất ghét, cho đó không phải văn của thánh hiền đặt ra, nên không thể khơi sâu được ý nghĩa, chẳng qua chỉ là cái bậc thang để câu mồi danh lợi của bọn người sau đó thôi. Vì khi Giả Chính sắp ra đi, có chọn hơn một trăm bài cho Bảo Ngọc đọc, nhưng đều là thời văn của người sau, thỉnh thoảng một vài vế trong câu “thừa” hay câu “khởi” cũng có ý sâu sắc hoặc trôi chảy, hoặc đùa bỡn, hoặc thương cảm làm xúc động lòng người, tình cờ đọc lên, thấy có hứng thú trong chốc lát, nhưng rút cục chẳng để tâm nghiền ngẫm được trọn một bài nào. Bây giờ mình ôn tập bài nọ, sợ ngày mai cha hỏi bài kia; ôn tập bài kia lại lo cha tra bài nọ, dù ôn tập cả đêm cũng không thể hết được. Bảo Ngọc càng thấy sốt ruột. Việc đọc sách của Bảo Ngọc chẳng quan trọng gì, nhưng phiền nhất là các a hoàn không ai ngủ được. Tập Nhân thì đứng bên cạnh cắt ngọn đèn và pha nước, bọn hầu nhỏ thì mệt lử, ngủ gà ngủ gật.
Tình Văn liền mắng:
Bọn ranh con này! Ngủ trương xác suốt ngày suốt đêm không đủ à, giờ mới thức khuya một tí mà đã thế. Nếu còn thế nữa ta sẽ lấy kim đâm mấy cái cho mà coi!
Bỗng bên ngoài có tiếng “cộc” một cái, té ra một a hoàn ngồi ngủ gật, đầu va vào vách. Nó bàng hoàng tỉnh dậy, nghe đúng câu mắng của Tình văn. Nó hoảng hốt tưởng Tình Văn đánh mình, liền khóc van:
Thưa chị! Em không dám ngủ nữa!
Thôi tha cho nó. Đáng lẽ nên bảo chúng nó đi ngủ. Các chị cũng nên thay nhau đi ngủ đi.
Tập Nhân nói:
Ông trẻ ơi! ông cứ lo việc của ông đã! Chỉ còn một đêm nay nữa, ông hãy cứ để bụng vào mấy quyển sách đi. Nếu qua được bước này, thì ông tha hồ, muốn nghĩ gì cũng chẳng sợ lầm lỡ nữa.
Bảo Ngọc thấy Tập Nhân nói thiết tha thế, đành lại phải đọc. Đọc được mấy câu, thấy Xạ Nguyệt pha một chén nước đưa cho nhấp giọng. Bảo Ngọc thấy Xạ Nguyệt chỉ mặc một áo lót, liền bảo:
Đêm khuya rồi, trời lạnh, chị phải mặc áo ngoài vào mới được. Xạ Nguyệt trỏ vào sách, cười:
Cậu thử tạm quên chúng tôi đi, hãy để bụng vào đây đã.
Nói chưa dứt lời thì Xuân Yến, Thu Văn từ cửa buồng sau chạy vào, kêu ầm lên:
– Nguy rồi! Có một người ở trên tường nhảy xuống!
Mọi người hỏi: “Ở đâu?” Rồi lập tức gọi người đi tìm khắp nơi.
Tình Văn thấy Bảo Ngọc suốt đêm nghiền ngẫm sách vở vất vả tinh thần, chưa chắc ngày mai đã được yên thân, nên trong bụng nghĩ ra một kế cho Bảo Ngọc thoát nạn. Chợt gặp việc kinh khiếp này, liền nói với Bảo Ngọc:
– Gặp dịp này, cậu hãy giả cách ốm, cứ bảo là vì sợ quá.
Câu nói trúng vào tim đen, Bảo Ngọc gọi ngay người canh đêm đến bắt họ thắp đèn đi lục lọi các nơi, nhưng không thấy dấu vết gì cả. Họ đều nói:
Chắc là các cô bé buồn ngủ quá, hoa mắt lên, thấy gió đập cành cây lại nhận nhầm là người đấy thôi.
Tình Văn nói:
Đừng nói bậy! Các người tra xét không nghiêm ngặt, sợ mang lỗi, nên giở cách để chống đỡ! Vừa rồi không phải chỉ một người trông thấy, cậu Bảo cùng chúng tôi đi ra xem, đều thấy rõ cả. Hiện giờ cậu Bảo sợ quá tái hẳn mặt đi, khắp người nóng ran, tôi phải lên buồng lấy thuốc an thần cho cậu ấy uống đây; nếu bà hỏi, tôi phải trình rõ, chẳng nhẽ theo lời các người rồi bỏ qua đi hay sao?
Mọi người nghe xong, sợ quá, không dám nói gì, đành phải đi tìm các ngả. Tình Văn và Thu Văn cùng đi ra xin thuốc, cố ý làm ầm lên cho mọi người biết là Bảo Ngọc sợ quá đâm ốm. Vương phu nhân sai người đến thăm và cho thuốc, dặn dò các người canh đêm phải tra xét cấn thận; lại cho tra hỏi bọn canh đêm ở cửa thứ hai vườn bên cạnh. Vì thế đèn đuốc khắp vườn, nhộn lên cả đêm. Đến trống canh năm, lại truyền cho bọn quản gia xét hỏi lại kỹ càng.
Giả mẫu nghe nói Bảo Ngọc bị kinh khiếp, hỏi kỹ ngọn ngành, mọi người không dám
giấu, đành phải trình rõ, Giả mẫu nói:
Ta không ngờ có việc này. Lâu nay bọn canh đêm không được cẩn thận, nhưng đó còn là việc nhỏ, chỉ sợ chính chúng nó lại là trộm cướp cũng chưa biết chừng!
Hình phu nhân và Vưu thị đều đến hỏi thăm. Lý Hoàn, Phượng Thư cũng đứng hầu đấy, nghe Giả mẫu nói thế, đều lặng thinh cả. Chỉ có Thám Xuân đứng ra cười nói:
Gần đây chị Phượng cháu không được khỏe, nên những người trong vườn ngông cuồng hơn trước nhiều. Lúc đầu chẳng qua họ lén lút, một chốc một lát hoặc khi canh đêm, ba bốn người họp nhau gieo xúc xắc, đánh bài chơi đùa, chỉ cốt đỡ buồn ngủ thôi. Nhưng bây giờ càng ngày họ càng bừa bãi, mở hẳn sòng bạc, thậm chí có người chứa gá, người làm cái, được thua hàng dăm, ba chục quan. Trước đây nửa tháng đã xảy ra việc tranh giành đánh nhau.
Giả mẫu nghe thế, liền nói:
Cháu đã biết rõ, sao không đến trình ngay.
Cháu thấy mẹ cháu bận việc, lại mấy hôm nay không được khỏe, nên cháu chưa dám trình, chỉ mách chị Cả và những người coi việc, đã dặn bảo họ mấy lần, bây giờ cũng đã đỡ rồi.
Giả mẫu nói:
Các cô biết đâu được những chuyện tai hại trong đó. Cháu tưởng đánh bạc là việc thường, chỉ có thể xảy ra tranh cãi nhau là cùng; chứ biết đâu ban đêm đã đánh bạc thì tất phải uống rượu, đã uống rượu thì tha hồ mở cửa hoặc đi mua thức ăn, tìm người này người nọ, trong lúc đêm khuya vắng người, thôi thì đủ cả giấu trộm, dắt cướp, chẳng từ việc gì. Vả chăng những người ở cùng với các cháu trong vườn đều là bọn bàn bà con gái, kẻ hay người dở lẫn lộn, trộm cướp còn là việc nhổ, chứ nếu xảy ra chuyện gì không hay, lỡ có dính líu đến, thì không phải chuyện chơi! Việc này bỏ qua sao được?
Thám Xuân nghe nói lẳng lặng về chỗ ngồi. Phượng Thư tuy chưa khỏi hẳn, nhưng tinh thần vẫn còn tỉnh táo, thấy vậy liền nói:
Khốn nỗi cháu lại đương ốm!
Rồi quay ra sai người đi gọi ngay bốn người đàn bà tổng lý trong nhà là bọn vợ Lâm Chi Hiếu đến, quở trách họ ngay trước mặt Giả mẫu. Giả mẫu truyền đi tra xét ngay
những nhà chứa bạc. Người nào ra thú trước thì được thưởng, kẻ nào cố giấu thì phải phạt. Vợ Lâm Chi Hiếu thấy Giả mẫu nổi giận, không dám thiên vị một ai, liền vào trong vườn tra hỏi hết lượt. Mọi người đều chối quanh nhưng “cháy nhà ra mặt chuột”, lúc lâu rồi cũng tra ra được ba sòng to, tám sòng nhỏ, tất cả có hơn hai mươi con bạc. Bà ta dẫn đến trình Giả mẫu. Họ đều quỳ cả ở ngoài sân, lạy lục xin tha.
Trước hết Giả mẫu hỏi tên họ ba chủ sòng bạc lớn và số bạc có bao nhiêu? Trong số ba chủ sòng lớn có một người là đôi con dì với vợ Lâm Chi Hiếu; một người là em gái nàng dâu thím Liễu hiện làm bếp ở trong vườn; một người nữa là vú nuôi của Nghênh Xuân. Ba người này đứng đầu, còn nữa không thể kể hết được. Giả mẫu sai đốt hết xúc xắc và cỗ bài, tịch thu hết tiền đánh bạc đem chia cho mọi người; đánh mỗi người đứng đầu bốn mươi gậy rồi đuổi cổ đi, nhất thiết không cho vào làm nữa; những người theo hùa thì đánh hai mươi gậy, phạt ba tháng lương, bắt vào quét dọn nhà xí. Lại quở trách vợ Lâm Chi Hiếu một trận.
Vợ Lâm Chi Hiếu thấy người bà con làm mình mặt, đâm ra cụt hứng. Nghênh Xuân ngồi đấy cũng thấy ngượng ngùng. Bọn Đại Ngọc, Bảo Thoa, Thám Xuân thấy vú nuôi Nghênh Xuân như thế, cũng có ý thương tình, đều đứng dậy cười xin Giả mẫu:
Bà vú này, xưa nay không đánh bạc, không biết sao bây giờ lại tự nhiên thích vui thế. Xin bà nể mặt cô Hai mà tha cho bà ấy một lần.
Giả mẫu nói:
Các cháu không biết! Những bọn vú này, người nào cũng cậy mình nuôi các cô các cậu, có chút thể diện hơn người khác nên cứ hay so bì, càng đáng ghét hơn. Họ chỉ biết ton hót chủ nhà che lỗi, thiên vị cho họ. Ta đã biết cả rồi. Ta vẫn muốn trị một đứa để làm gương, thì vừa hay gặp ngay con mụ này. Các cháu đừng dây vào, ta đã có cách.
Bọn Bảo Thoa nghe nói thế, đành phải thôi.
Một lúc, Giả mẫu đi nghỉ trưa. Mọi người lui ra. Thấy Giả mẫu nổi giận, chưa ai đám về nhà, cứ phải ở lại đấy chực chầu. Vưu thị đến nhà Phượng Thư nói chuyện phiếm một lúc nhưng vì thấy chị ta cũng khó ở đành vào trong vườn nói chuyện phiếm với các chị em.
Hình phu nhân ngồi ở nhà Vương phu nhân một lúc, rồi cũng vào chơi trong vườn.
Vừa tới nơi, thấy a hoàn nhỏ của Giả mẫu, tên là con Ngốc, đương tươi cười hí hớn đi lại, trong tay cầm một vật gì xanh đỏ, cúi đầu vừa ngắm vừa chạy, không ngờ đụng phải Hình phu nhân, nó ngẩng lên, thấy vậy, mới đứng lại. Hình phu nhân nói:
– Con Ngốc kia, mày bắt được cái gì mà thích thế? Đưa lại đây ta xem nào.
Con Ngốc mười bốn tuổi, mới được tuyển vào làm những việc gánh nước, quét nhà ở trong nhà Giả mẫu. Giả mẫu thấy người nó vạm vỡ, hai chân lại to, làm việc rất nhanh nhẹn gọn gàng, tính lại ngu đần không biết gì cả, hễ nói ra là ai cũng bật cười. Giả mẫu thích nó lắm, liền đặt tên cho nó là con Ngốc. Nó có lầm lỗi điều gì, được Giả mẫu vui, nên cũng không bị trách mắng. Lúc rỗi việc, nó hay vào trong vườn chơi đùa. Bấy giờ nó đương tìm bắt dế mèn ở sau núi đá, chợt trông thấy một cái túi thơm(1) thêu chỉ ngũ sắc, không phải con chim cành hoa gì cả, mà là hai người trần truồng đương ôm nhau, với mấy chữ đề. Con bé Ngốc này không biết đó là lối khêu gợi xuân tình, trong bụng đắn đo: “Chắc là hai con yêu tinh đánh nhau chăng? Nếu không, hẳn là hai người đánh nhau gì đây?” Nó đoán mãi không ra, định mang về đưa Giả mẫu xem. Vì thế nó hí hửng chạy về. Thấy Hình phu nhân hỏi, nó cười nói:
Bà nói rất đúng, thực là một vật đáng yêu! Bà thử xem đây. Nói xong nó đưa ra.
Hình phu nhân cầm xem, sợ quá, vội nắm chặt lấy nó, hỏi ngay:
Mày nhặt được cái này ở đâu?
Cháu đi bắt dế, nhặt được ở sau núi đá.
Mày không được nói cho ai biết. Cái này không đẹp đâu. Cả mày cũng đáng đánh chết nữa. Nhưng vì mày vốn là con ngốc, từ nay không được nhắc đến nữa.
Nghe xong nó sợ tái mặt đi, thưa: “vâng” rồi gục đầu tạ, ngơ ngẩn chạy đi.
Hình phu nhân quay lại nhìn, theo sau đều là bọn hầu gái cả, không tiện đưa cho chúng, liền tự mình bỏ vào ống tay áo, trong bụng rất lấy làm lạ, đoán mãi không biết cái này ở đâu đến đây, nhưng không lộ ra nét mặt, đi thẳng vào buồng Nghênh Xuân. Vì vú nuôi bị tội, Nghênh Xuân trong bụng khó chịu, thấy mẹ đến, liền ra mời vào. Uống nước xong, Hình phu nhân nói:
Con đã lớn rồi, vú nuôi của con làm bậy như thế, sao con không răn bảo. Hiện giờ
người ta đều tử tế cả, riêng người nhà mình là xấu thôi. Thế là nghĩa thế nào?
Nghênh Xuân cúi đầu mân mê tà áo, một lúc mới thưa:
Con đã bảo bà ấy hai lần, nhưng bà ấy không nghe, con cũng chẳng biết làm thế nào cả. Vả chăng bà ấy là vú nuôi, chỉ có bà ấy bảo được con thôi, chứ con không thể bảo được bà ấy.
Hình phu nhân nói:
Nói nhảm! Con có điều không phải thì vú ấy bảo con; nhưng vú ấy phạm pháp, thì con phải lấy tư cách là cô mà răn bảo. Nếu vú ấy không nghe, con trình mẹ biết mới phải. Bây giờ vỡ lở ra, người ngoài biết, còn ra làm sao nữa! Hơn nữa vú ấy là nhà gá bạc, cũng đã nói khôn nói khéo, mượn trâm vòng quần áo của con đi cầm để làm tiền vốn. Con là người nhẹ dạ cả nể, chắc đâu không giúp đỡ ít nhiều. Nếu bị vú ấy lừa mất, thì ta một đồng không có, rồi đây ngày tết, con ấy gì mà ăn mặc?
Nghênh Xuân cúi đầu mân mê tà áo không nói gì cả. Hình phu nhân thấy vậy cười nhạt:
Rút cuộc, chỉ có anh con, chị dâu con là tiếng tăm lừng lẫy thôi! Cậu hai Liễn! Mợ Phượng! Cả hai làm trời làm đất, việc gì cũng thu xếp đâu vào đấy, nhưng có một cô em thì lại chả để ý gì đến. Nếu như con ta đẻ ra, thôi thì mặc kệ chúng. Nhưng con lại không phải con đẻ của ta. Con với anh con, dù khác mẹ, vẫn là cùng cha, phải nên chăm sóc lẫn nhau một chút, đừng để người ngoài chê cười. Ta nghĩ, việc đời khó mà liệu định được. Con là con nàng hầu của ông Cả, con Thám Xuân là con nàng hầu của ông Hai. Hai đứa đều như nhau cả. Mẹ con đã chết rồi. Nhưng kể ra, mẹ con còn giỏi gấp mười dì Triệu, đáng lẽ con cũng phải hơn con Thám Xuân mới phải.
Một người đứng hầu bên cạnh thừa dịp nói:
Cô tôi hiền lành phúc hậu, có đâu như cô Ba là người mồm mép láu lỉnh, làm em lại cứ đành hanh. Biết chị như vậy, cô ấy chẳng vị nể chút nào.
Hình phu nhân nói:
Anh chị ruột còn như vậy, trách gì người ngoài.
Lúc đó có người vào trình:
– Mợ Liễn sang hầu.
Hình phu nhân nghe nói, cười nhạt mấy tiếng, rồi sai người ra bảo: “Mời mợ ấy về nhà
nghỉ ngơi cho khoe, ta không cần mợ ấy vào hầu.”
Sau lại có a hoàn coi việc dò tin đến báo: “Cụ đã dậy rồi”. Hình phu nhân mới đứng dậy sang bên nhà Giả mẫu.
Nghênh Xuân tiễn ra đến ngoài sân mới vào, Tú Quất hỏi ngay:
Thế nào? Hôm nọ cháu đã trình cô cái dây vàng dát hạt châu buộc mũ không thấy đâu, cô cũng không nói gì cả. Cháu đoán là bà vú đem cầm lấy tiền gá bạc, cô không tin cứ bảo là Tư Kỳ cất, sai cháu đi hỏi Tư Kỳ, Tư Kỳ tuy ốm, vẫn nhớ rõ ràng. Nó nói là không cất, vẫn để ở trong cái tráp trên giá sách, định để đến rằm tháng tám cho cô đội, cô nên cho hỏi bà vú một tiếng xem.
Hỏi làm gì? Chắc bà ấy mang đi trang trải công nợ rồi. Tôi nghĩ bà ấy có vụng trộm lấy, cũng chỉ ít lâu sẽ lại vụng trộm đem trả, ai ngờ bà ấy lại quên. Hôm nay xảy ra chuyện, có hỏi bà ấy cũng vô ích.
Khi nào lại quên? Bà ấy biết tính nết của cô mới dám làm như thế. Cháu nghĩ, nên đến nhà mợ Hai trình rõ việc này, rồi cho người đi hỏi bà ấy; hay là bỏ ít tiền ra chuộc cho bà ấy để bớt việc đi, cô nghĩ thế nào?
Thôi thôi! Bớt việc đi là phải. Thà không có cái ấy thì thôi, còn sinh sự làm gì?
Sao cô nhút nhát thế? Cái gì cũng muốn bớt việc, thì sau này họ lừa cả cô nữa đấy! Cháu đi đây.
Tú Quất đi ngay. Nghênh Xuân cũng không nói gì, mặc cho nó đi.
Ngờ đâu nàng dâu vú nuôi Nghênh Xuân là vợ Ngọc Trụ, vì mẹ chồng có tội, đến nhờ Nghênh Xuân xin hộ. Thấy họ đương nói chuyện mất dây vàng, nên chưa vào vội. Biết Nghênh Xuân ngày thường là người nhu nhược, nên chúng không coi vào đâu. Giờ thấy Tú Quất nhất định đi trình Phượng Thư, xem việc này khó lòng thoát tội, vợ Ngọc Trụ có ý kêu van Nghênh Xuân, nên phải đi vào, trước hết cười nói với Tú Quất:
Chị ơi, chị đừng sinh sự nữa. Và thưa cô, dây vàng của cô là do mẹ chồng tôi già lẫn, đánh bạc thua, không có tiền gỡ, đã mượn đem đi cầm, cũng định ngày một ngày hai sẽ chuộc lại, nhưng chưa gỡ được, nên phải để chậm, ngờ đâu lại xảy ra chuyện này. Dù sao cũng là đồ của chủ, chúng tôi không dám để lâu, thế nào cũng phải chuộc về trả. Mong cô nghĩ đến tình bú mớm từ nhỏ, đến xin với cụ, cứu vớt mẹ chồng tôi.
Nghênh Xuân nói:
Chị ơi, chị đừng có nghĩ mơ hồ như thế! Nếu đợi tôi đi xin hộ, thì chờ đến sang năm cũng chẳng ăn thua gì. Vừa rồi chính chị Bảo và cô Lâm đến xin hộ, cụ còn chẳng nghe nữa là nữa tôi. Tự tôi đã thấy ngượng rồi, lại đi mua thêm lấy cái ngượng nữa sao?
Tú Quất nói:
Chuộc dây vàng là một việc, đi xin hộ là một việc, không thể kéo cái nọ vào cái kia được. Chẳng lẽ cô tôi không đi nói hộ, thì chị không chịu đền hay sao? Chị hãy đi lấy dây vàng về đây đã rồi sẽ liệu.
Vợ Ngọc Trụ thấy Nghênh Xuân dứt khoát từ chối, Tú Quất nói lại đanh thép, không biết trả lời ra sao, bị bẽ mặt quá, nhưng biết rõ Nghênh Xuân xưa nay là người dễ dãi, liền quay lại bảo Tú Quất:
Chị ơi, chị đừng làm ồn lên nữa, chị xem khắp phủ này, người vú nuôi nào chẳng nhờ thế các cô các cậu kiếm ít nhiều lợi lộc? Chỉ có chúng tôi đây một là một hai là hai thôi, còn các chị thì tha hồ mà lừa gạt người ta. Từ ngày cô Hình đến đây, bà Cả bắt phải bớt tiền lương của cô ấy mỗi tháng một lạng để gửi cho bà mợ, như thế nhà này vẫn phải sắm sửa những món cần dùng cho cô Hình, lại hụt đi một lạng. Thường khi thiếu cái này, thiếu cái nọ, chẳng phải chúng tôi bỏ tiền ra bù, thì còn đi hỏi ai nữa? Chẳng qua chúng tôi cũng xuề xòa cho xong đấy thôi. Tính đến bây giờ, ít ra cũng phải bù mất ba mươi lạng rồi! Thế thì món tiền ấy của chúng tôi mất toi à?
Tú Quất không chờ nói hết, nhổ toẹt một cái nói:
Chị làm gì mà phải mất toi ba mươi lạng? Tôi hãy tính sổ cho chị xem. Cô đòi những món gì?
Nghênh Xuân nghe thấy vợ Ngọc Trụ nói lộ việc riêng của Hình phu nhân, liền gạt đi, nói:
Thôi, thôi! Không đòi được dây vàng về thì thôi, chị đừng có vơ quàng vơ xiên làm ầm lên nữa. Tôi cũng chẳng cần đến dây vàng. Nếu các bà có hỏi, tôi chỉ nói là đánh mất, cũng chẳng can hệ gì đến chị. Chị về nghỉ thôi.
Rồi cô ta sai Tú Quất đi pha nước. Tú Quất tức giận, nói:
Cô tuy không sợ, nhưng còn cháu đây để làm gì? Họ đã làm mất đồ vật của cô, lại
còn nói bậy là cô tiêu tiền của họ, bây giờ phải khấu trừ đi. Nếu bà Hai hỏi cô tại sao tiêu hết bấy nhiêu tiền và cho là chúng cháu nhờ bão bẻ măng, ăn bớt xén gì chăng? Như vậy sao được.
Tú Quất vừa nói vừa khóc. Tư Kỳ nghe thấy không chịu được cố gượng dậy, bênh vực Tú Quất, hỏi vặn lại vợ Ngọc Trụ. Nghênh Xuân không can nổi, đi lấy quyển “Thái thượng cảm ứng thiên”(2) ra xem.
Bảo Thoa, Bảo Cầm, Đại Ngọc, Thám Xuân, nghe Nghênh Xuân hôm nay khó chịu, bèn hẹn nhau đến an ủi. Họ vừa vào sân, thấy mấy người đương đấu khẩu nhau. Thám Xuân nhìn qua cửa sổ, thấy Nghênh Xuân ngồi tựa trên giường xem sách, như không nghe thấy gì. Thám Xuân cũng buồn cười. Bọn a hoàn nhỏ vội vén rèm vào trình: “Các cô đến chơi đấy”. Nghênh Xuân bỏ sách đứng dậy. Vợ Ngọc Trụ thấy người đến, có cả Thám Xuân nữa, nên không ai ngăn cũng phải thôi, lẻn đi mất. Thám Xuân ngồi xuống, hỏi:
Vừa rồi ai nói gì ở trong này như là cãi nhau ấy? Nghênh Xuân nói:
Có gì đâu, chẳng qua việc bé xé ra to, hỏi họ làm gì?
Tôi vừa nghe thấy nói nào là “dây vàng” nào là “không có tiền phải tiêu của bọn đầy tớ”. Vậy ai là người tiêu tiền của đầy tớ? Có nhẽ nào chị lại phải tiêu tiền của họ à?
Tư Kỳ, Tú Quất đều nói:
Cô nói phải đấy! Khi nào cô tôi lại tiêu tiền của bọn họ?
Chị đã không tiêu tiền của họ, thì chắc là chúng tôi tiêu của họ chứ gì? Gọi chị ta vào đây, tôi cần hỏi một việc!
Nghênh Xuân cười nói:
Thế mới buồn cười chứ! Việc này có dính dáng gì đến các cô, lôi thôi với họ làm gì. Thám Xuân nói:
Như thế không đúng. Em cũng như chị. Việc của chị cũng như việc của em. Người ta nói chị tức là nói em. Nếu ở bên nhà em có ai oán trách em, chị nghe thấy cũng coi như là người ta oán trách chị vậy. Chúng ta là chủ, tất nhiên không nghĩ gì đến việc tiền tài lặt vặt, chỉ biết cần món nào lấy món ấy, đó là việc thường. Nhưng không biết
tại sao lại nói kèm cả việc dây vàng vào đấy?
Vợ Ngọc Trụ sợ bọn Tú Quất tố giác việc mình ra, vội chạy vào tìm lời che giấu.
Thám Xuân biết ý, cười nói:
Các chị thế mới lẩn thẩn chứ! Mẹ chồng chị đã mắc lỗi, nhân lúc này, chị đến xin với mợ Hai, trích một ít trong số tiền chưa kịp chia cho người ta đem đi chuộc về là xong. Như vậymọi người đều giữ được thể diện, việc gì cứ phải làm ầm lên. Giờ đã trót làm mất thể diện, thì dù có mười tội, cũng chỉ một người chịu thôi, lẽ nào lại để lây đến người khác. Chị cứ nghe lời tôi đi nói với mợ Hai. Chứ cãi vã nhau ở đây thì xong việc thếnào được!
Vợ Ngọc Trụ bị Thám Xuân vạch trần chân tướng, không chối vào đâu được, nhưng vẫn không dám đến thú tội với Phượng Thư.
Thám Xuân cười nói:
Tôi không nghe thấy thì thôi, đã nghe thấy, thế nào cũng phải phân giải giúp các chị. Thám Xuân đưa mắt cho Thị Thư, Thị Thư đi ra ngay. Họ đương nói chuyện, thấy Bình Nhi đến. Bảo Cầm vỗ tay cười nói:
Chắc là chị Ba có phép “hô thần triệu tướng” gì đây?
Đại Ngọc cười nói:
Đó không phải là phép thuật của nhà tu hành, mà là cách tinh vi của nhà binh, đúng như diệu kế đánh địch bất ngờ: “Lúc thế thủ như cô gái cấm cung, khi lọt vòng nhanh như thỏ chạy” vậy.
Hai người cùng cười. Bảo Thoa đưa mắt cho họ rồi nói lảng ra chuyện khác. Thám Xuân thấy Bình Nhi đến, liền hỏi:
Mợ chị đã đỡ chưa? Thực là ốm mê ốm mẩn, chẳng thèm để ý đến việc gì, làm chúng tôi phải bực tức thế này.
Bình Nhi nói:
Cô làm sao mà bực? Ai dám làm cô bực? Xin cô cứ dạy rõ.
Vợ Ngọc Trụ cuống lên, chạy ngay đến van xin với Bình Nhi: “Mời cô ngồi xuống đây
để tôi nói đầu đuôi cho cô nghe”.
Bình Nhi nghiêm nét mặt nói:
– Các cô đương nói chuyện ở đây, chị lại dám đến nói leo à? Chị là người biết lễ phép,
phải ra ngoài kia đứng hầu. Không ai gọi chị không được vào. Đâu có đàn bà hầu bên ngoài, không có việc gì lại dám vào thẳng trong nhà các cô bao giờ? Tú Quất nói:
Chị chưa biết trong nhà chúng tôi đây không có lễ phép gì cả, ai muốn vào thì vào. Bình Nhi nói:
Đó là lỗi ở các chị em cả. Cô dù dễ tính, các chị em cũng phải đuổi họ ra, rồi sau đi trình bà Hai mới phải.
Vợ Ngọc Trụ thấy Bình Nhi lên tiếng, đỏ mặt lên, đi ra. Thám Xuân nói:
Tôi nói cho các chị nghe: người khác có lỗi với tôi thì thôi, nhưng nay vợ Ngọc Trụ cùng mẹ chồng nó cậy thế là u nuôi, lại thấy chị Hai dễ tính, lấy cắp đồ trang sức của chị ấy đi đánh bạc, lại bịa ra chuyện công nợ và bắt phải đi xin hộ, rồi cãi nhau ầm ĩ với hai a hoàn ở trong buồng chị Hai. Chị Hai cũng không thể ngăn cản được. Tôi khó chịu quá, phải mời chị đến đây hỏi xem có phải chị ta là người ở lỗ nẻ chui lên đâu mà không biết lẽ phải? Hay là có ai cầm nọc cho chị ta làm như thế? Trước hết định áp lép chị Hai rồi tìm cách trị tôi và cô Tư chứ gì?
Bình Nhi vội cười nói:
Sao hôm nay cô lại nói những câu như thế? Mợ tôi chịu làm sao nổi?
Tục ngữ có câu: “Máu chảy ruột mềm, môi hở răng lạnh”, nên tự nhiên tôi đâm ra lo sợ.
Bình Nhi hỏi Nghênh Xuân:
Việc này có to tát gì, cũng dễ xử thôi, nhưng vì bà ấy là u nuôi của cô, thì cô nghĩ thế nào cho phải?
Nghênh Xuân vẫn ngồi xem “Thiên cảm ứng” với Bảo Thoa, không để ý đến những câu nói của Thám Xuân. Thấy Bình Nhi nói thế, liền cười:
Chị hỏi tôi à, tôi cũng chẳng có cách gì cả. Họ làm bậy thì họ phải chịu lấy tội, tôi không thể xin hộ được. Tôi chẳng đi xin ai và cũng chẳng trách họ là được rồi. Những vật ăn cắp, đưa trả thì tôi nhận, nếu không trả tôi cũng chẳng cần. Các bà có hỏi, tôi che chở được thì phúc cho họ, nếu không giấu nổi, tôi cũng không biết làm sao được. Không có nhẽ vì họ mà tôi lại dối trá các bà, tất là phải nói thẳng ra. Các chị cho tôi là
dễ tính, không biết quyết đoán, có cách gì chu toàn được mọi mặt, không để các bà giận thì tùy các chị định liệu, tôi cũng thây kệ.
Mọi người nghe nói đều bật cười. Đại Ngọc cười nói:
Thật là “hùm sói đã ngồi trên thềm nhà vẫn còn nói chuyện nhân quả”. Nếu chị Hai là đàn ông thì những người trong nhà này cai quản thế nào được họ?
Nghênh Xuân cười:
Đúng đấy! Biết bao nhiêu là đàn ông cũng còn như thế, huống chi là tôi.
—————————-
(1). Túi có ướp chất thơm.
(2). Sách dạy người làm điều lành, răn điều ác.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.