Anh biết về cái chết của Stanton nhờ một tờ cáo phó được fax từ nhân viên điều tra đột tử ở Albany tới Phòng Quan hệ Công chúng của NYPD. Ai đó đã gửi nó cho Rhyme bằng đường công văn nội bộ với một tờ giấy vàng dán kèm: FYI – có thể anh sẽ quan tâm, người sĩ quan đó viết.
“IA điều tra nội bộ. Lỗi chuyên môn. Họ đập cổ tay anh. Anh nghĩ họ có thể đuổi việc anh.”
Cô thở dài và nhắm mắt trong giây lát. “Và anh nói với em là anh không thấy có lỗi trong chuyện này?”
“Hết rồi.”
“Em không tin anh.”
“Anh đã chịu án rồi, Sachs ạ. Anh sống với những xác chết này một thời gian. Sau đó anh bỏ chúng đi. Nếu không, làm sao anh tiếp tục làm việc được.”
Sau một lúc lâu, cô nói: “Khi em mười tám tuổi, em bị phạt. Vì chạy quá tốc độ. Em chạy với tốc độ chín mươi ở chỗ chỉ được phép chạy bốn mươi.”
“Rồi.”
“Cha em nói, ông sẽ cho em vay tiền nộp phạt, nhưng em phải trả lại ông. Có lãi. Nhưng anh biết ông còn nói gì với em nữa không? Ông nói bố sẽ đánh đòn nếu con vượt đèn đỏ hay lái xe không cẩn thận. Nhưng chạy nhanh thì ông hiểu. Ông nói với em: ‘Bố biết cảm giác của con, con yêu ạ. Khi ta di chuyển, chúng không thể bắt được ta.’”, Sachs nói với Rhyme. “Nếu em không thể lái xe, nếu em không thể chuyển động, có thể em cũng sẽ làm điều đó. Tự tử.”
“Anh đã từng đi bộ khắp nơi”, Rhyme nói. “Anh lái xe không nhiều. Không có xe suốt hai mươi năm. Em có xe gì?”
“Chẳng phải là thứ mà một người Manhattan kiêu kỳ như anh sẽ lái đâu. Một chiếc Chevy. Mác Camaro. Đó là xe của cha em.”
“Ông đã cho em một cái máy khoan hơi? Để sửa xe, anh đoán thế?”
Cô gật đầu. “Và một máy hàn hơi. Một bộ tạo khe bugi. Cờ lê bánh cóc – món quà sinh nhật lần thứ mười ba của em.” Cười nhẹ nhàng. “Chiếc Chevy ấy, thật là một chiếc xe với núm tay lỏng. Anh có biết đấy là gì không? Một chiếc xe Mỹ. Đài, quạt và công tắc điện đều lỏng lẻo và hạng bét. Nhưng bộ giảm xóc thì như đá, nhẹ như thùng trứng và em lúc nào cũng qua mặt được BMW[126].”
“Anh đoán là em đã làm rồi.”
“Một, hai lần gì đấy.”
“Xe hơi có địa vị trong thế giới của người tàn tật”, Rhyme giải thích. “Bọn anh ngồi – hay nằm – trong khu cách ly của Viện Phục hồi Chức năng và nói chuyện về những thứ bọn anh có thể lấy được từ công ty bảo hiểm. Xe tải kiểu xe lăn thật là đỉnh. Sau đó là xe điều khiển bằng tay. Tất nhiên là những thứ đó chẳng giúp gì cho anh.” Anh liếc mắt, kiểm tra bộ nhớ thuần thục của mình. “Anh không đi xe đã nhiều năm. Anh không nhớ lần cuối là khi nào cả.”
“Em có một ý”, Sachs bất ngờ nói. “Trước khi ông bạn của anh – bác sĩ Berger – quay lại, để em đưa anh đi một vòng. Hay có vấn đề? Ngồi dậy? Anh nói là xe lăn không giúp được anh.”
“À, không, xe lăn không thành vấn đề. Nhưng còn xe hơi? Anh nghĩ chắc là được.” Anh cười. “Một trăm sáu mươi tám? Dặm một giờ?”
“Hôm ấy là một ngày đặc biệt”, Sachs nói và nhớ lại. “Điều kiện tốt. Không có cảnh sát giao thông.”
Điện thoại reo và Rhyme tự trả lời. Đó là Lon Sellitto.
“Chúng tôi đã có các nhóm S&S ở tất cả các nhà thờ mục tiêu trong khu Harlem. Dellray chịu trách nhiệm về việc này – anh ta trở thành một tín đồ thực sự rồi. Anh không còn nhận ra anh ta nữa đâu. Ồ, mà tôi còn có thêm ba mươi cảnh sát tuần tra và hàng tá nhân viên anh ninh Liên Hiệp Quốc để đến bất cứ nhà thờ nào mà chúng ta có thể bỏ qua. Nếu hắn không xuất hiện, chúng tôi sẽ càn quét tất cả các nhà thờ vào lúc bảy rưỡi, trong trường hợp hắn lẩn được vào mà chúng tôi không phát hiện ra. Tôi nghĩ chúng ta sẽ tóm được hắn, Linc ạ.” Viên thám tử nói, nhiệt tình một cách đáng nghi ngờ so với một cảnh sát của Đội Trọng án Thành phố New York.
“Được rồi, Lon. Khoảng tám giờ tôi sẽ cử Amelia tới Trung tâm chỉ huy của anh.”
Họ dập máy.
Thom gõ cửa trước khi vào phòng.
“Như thể cậu ta sẽ bắt được chúng ta trong tư thế tế nhị.” Rhyme cười thầm.
“Không lý do gì nữa”, anh ta nói. “Đi ngủ. Ngay bây giờ.”
Đã 3:00. Từ lâu rồi, Rhyme đã không còn cảm giác kiệt sức. Anh đang bay lượn ở đâu đó. Phía trên cơ thể mình. Anh băn khoăn không hiểu có phải mình gặp ảo giác hay không.
“Được rồi, thưa mẹ”, anh nói. “Sĩ quan Sachs sẽ ngủ lại đêm nay, Thom. Cậu làm ơn lấy giúp một cái chăn.”
“Anh nói gì?” Thom quay lại phía anh.
“Một cái chăn.”
“Không, trước đó cơ.” Người trợ lý hỏi. “Cái từ ấy?”
“Tôi không biết. ‘Làm ơn’?”
Mắt Thom mở to vì cảnh giác. “Anh ổn chứ? Anh có muốn tôi gọi Peter Taylor quay lại không? Hay cha cả của Tu viện Columbia? Bác sĩ phẫu thuật?”
“Thấy thằng khốn này làm phiền tôi chưa?” Rhyme nói với Sachs. “Hắn không biết là hắn gần đến lúc bị đuổi việc thế nào rồi đâu.”
“Gọi dậy lúc mấy giờ?”
“Sáu giờ ba mươi là ổn,” Rhyme nói.
Khi anh ta đi khỏi, Rhyme hỏi: “Này, Sachs, em có thích nghe nhạc không?”
“Em thích.”
“Loại nào?”
“Nhạc cổ, dòng doo-wop, Motown… Còn anh thì sao? Anh trông có vẻ giống một anh chàng cổ điển.”
“Em thấy cái tủ chỗ kia chứ?”
“Cái này hả?”
“Không, cái khác cơ. Phía bên phải. Em mở nó ra.”
Cô làm theo và há miệng vì ngạc nhiên. Cái tủ quả là một căn phòng chứa tới gần nghìn đĩa CD.
“Giống như cửa hàng bán đĩa[127]?”
“Có một bộ dàn, em thấy nó trên giá không?”
Cô lướt nhẹ tay trên dàn máy Harmon Cardon dính đầy bụi.
“Đắt hơn cả chiếc xe hơi đầu tiên của anh”, Rhyme nói. “Anh không dùng nó nữa.”
“Sao lại không?”
Anh không trả lời mà nói: “Em cho đĩa gì đó vào đi. Điện còn cắm không? Thế à? Tốt. Em chọn nhạc đi.”
Một khắc sau, cô bước ra khỏi tủ và đi lại ghế sofa khi Levi Stabbs[128] và Four Tops[129] bắt đầu hát về tình yêu.
Phải đến một năm rồi mới lại có âm nhạc vang lên trong nhà, Rhyme nghĩ. Anh im lặng, cố gắng trả lời câu hỏi của Sachs vì sao anh lại ngừng nghe nhạc. Nhưng anh không thể.
Sachs dọn tài liệu và sách ra khỏi ghế. Nằm lên đó và lần giở cuốn Hiện trường vụ án.
“Tặng em một cuốn được không?” Cô hỏi.
“Em cứ lấy mười cuốn.”
“Anh sẽ…”, giọng cô chợt ngừng lại.
“Ký sách cho em?” Anh cười. Cô cười với anh. “Anh điểm chỉ, được không? Các nhà phân tích nét chữ không bao giờ cho em xác suất trùng lặp nét chữ quá tám mươi phần trăm. Nhưng còn dấu tay? Bất kỳ chuyên gia dấu vân tay nào cũng có thể khẳng định đó là dấu tay của anh.”
Anh nhìn cô đọc chương một. Mắt cô rũ xuống. Cô gập sách.
“Anh làm cho em một việc, được không?” Cô hỏi.
“Việc gì?”
“Đọc cho em nghe…”
“Đọc cho em nghe. Thứ gì đó trong sách. Khi Nick và em còn bên nhau…”, giọng cô nhạt dần.
“Sao cơ?”
“Khi Nick và em còn ở bên nhau, nhiều lần Nick đọc cho em nghe trước khi bọn em ngủ. Bất cứ thứ gì: sách, báo, tạp chí… Một trong những thứ em nhớ nhất.”
“Anh đọc rất dở”, Rhyme thú nhận. “Anh đọc như thể anh đang trích dẫn báo cáo khám nghiệm hiện trường. Nhưng anh có trí nhớ… khá là tốt. Để anh kể em nghe về vài hiện trường vụ án, được không?”
“Thật không?” Cô nằm ngửa, cởi chiếc áo khoác màu xanh hải quân và tháo cái áo giáp chống đạn hiệu American Body Armor, vứt nó sang một bên. Phía trong cô mặc một chiếc áo phông nhàu nát và dưới đó là áo lót ngực thể thao. Cô lại mặc chiếc áo khoác rồi nằm lên ghế, kéo chăn. Xoay người sang bên rồi nhắm mắt.
Rhyme giảm ánh sáng bằng điều khiển từ xa.
“Anh luôn thấy ngạc nhiên với hiện trường chết chóc”, anh bắt đầu. “Chúng giống như những đền thờ. Chúng ta luôn quan tâm đến nơi chôn cất người chết hơn là nơi họ được sinh ra. Ví dụ như John Kennedy. Mỗi ngày có hàng nghìn người đến thăm kho sách Texas ở Dallas. Em nghĩ có bao nhiêu người hành hương đến một phòng sản phụ ở Boston?”
Rhyme ngả đầu vào chiếc gối mềm mại quý phái “Anh có làm em chán không?”
“Không”, cô nói. “Làm ơn đừng dừng lại.”
“Em có biết điều làm anh luôn băn khoăn là gì không, Sachs?”
“Nói cho em biết đi”
“Điều đó làm anh ngạc nhiên nhiều năm rồi – Tinh thần Hiệp sĩ. Hai nghìn năm trước. Còn bây giờ, có một hiện trường vụ án mà anh thích khám nghiệm. Anh biết em sẽ nói: Nhưng chúng ta biết bọn tội phạm rồi cơ mà. Có phải như vậy không? Điều mà chúng ta thực sự biết được là những gì nhân chứng nói với chúng ta. Em có nhớ là anh đã nói – đừng bao giờ tin nhân chứng. Có thể những câu chuyện trong Kinh thánh là không hề có thực. Bằng chứng đâu? Phải là chứng cứ vật lý. Móng tay, máu, mồ hôi, ngọn giáo, chữ thập, giấm ăn. Dấu dép và dấu vân tay.”
Rhyme hơi nghiêng đầu sang trái và tiếp tục kể chuyện về những hiện trường vụ án và chứng cứ cho tới khi ngực Sachs phập phồng đều đặn, hơi thở của cô làm những sợi tóc đỏ nhẹ nhàng bay. Ngón tay anh lần tìm nút tắt đèn trên bộ điều khiển ESU, và rồi anh cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Ánh sáng mờ mờ của buổi bình minh xuất hiện trên bầu trời.
Hoàn toàn tỉnh táo, Carole Ganz có thể nhìn thấy lớp kính lõi lưỡi thép bên trên đầu cô. Pammy, con yêu… Rồi cô nghĩ tới Ron. Và tất cả tài sản của cô còn đang ở trong cái tầng hầm kinh khủng ấy. Tiền bạc, chiếc ba lô màu vàng…
Cô nghĩ tới Pammy.
Có thứ gì đó làm cho cô gián đoạn giấc ngủ chập chờn, bất ổn. Gì vậy nhỉ?
Cơn đau ở cổ tay? Nó giật giật khủng khiếp. Cô xoay người một chút. Cô…
Tiếng rống khó chịu của đàn organ và giọng hát của dàn đồng ca lại ngập tràn trong phòng.
Đó là thứ đã đánh thức cô. Âm nhạc. Làn sóng âm nhạc ập tới. Nhà thờ không bị bỏ hoang. Có người ở đây. Cô mỉm cười. Có ai đó sẽ…
Điều này nhắc cô nhớ tới quả bom.
Carole nhìn qua khe tủ hồ sơ. Nó vẫn còn đó, bập bềnh ngoài cạnh bàn. Nó mang hình dáng thô thiển của một quả bom thật sự và một thứ vũ khí giết người – không giống những dụng cụ sáng bóng, dễ thương mà ta vẫn thấy trên phim ảnh. Băng dính quấn xộc xệch, dây dẫn bị bóc vỏ nham nhở, xăng vẩn đục… có thể chỉ là bom xịt, cô nghĩ. Trong ánh sáng ban ngày, trông nó không có vẻ nguy hiểm lắm.
Âm nhạc lại vang lên. Nó vang lên ngay trên đầu cô. Kèm theo tiếng lê chân. Cửa đóng lại. Sàn nhà gỗ kêu kẽo kẹt khi mọi người đi lại. Bụi bay ra từ rầm nhà.
Giọng hát đang vang lên nửa câu bỗng ngừng lại. Một giây lát sau, họ lại bắt đầu hát.
Carole đạp chân, nhưng ở đây nền nhà bằng bê tông, tường gạch. Cô cố hét lên nhưng âm thanh bị miếng băng dính dán miệng nuốt chửng. Buổi diễn tập vẫn tiếp tục, tiếng nhạc nghiêm trang, đầy sinh lực lan xuống tận tầng hầm.
Sau mười phút, Carole kiệt sức ngã vật xuống sàn. Mắt cô lại nhìn về phía quả bom. Lúc này đã sáng hơn và cô có thể nhìn thấy cái đồng hồ hẹn giờ.
Carole nhăn mặt. Cái đồng hồ hẹn giờ!
Đó không phải là một quả bom thối. Kim định giờ đặt ở mức 6:15. Kim đồng hồ lúc này chỉ 5:30.
Bò xa hơn ra phía sau tủ hồ sơ, Carole lấy đầu gối đập vào thành tủ kim loại. Nhưng bất kỳ tiếng động yếu ớt nào phát ra đều ngay tức khắc bị tan biến trong tiếng rền vang của bài hát Sweet Low, Sweet Chariot từ trên cao vọng xuống, đang ngập tràn tầng nhà thờ.
Chú thích
123] Clara Barton (1821 – 1912): Nữ y tá người Mỹ, nhà nhân đạo, người sáng lập Hội Chữ thập đỏ Mỹ.
[124] ICC (viết tắt của International Criminal Court): Tòa án Hình sự Quốc tế, một tòa án xử tội phạm chiến tranh, tội phạm chống nhân loại và diệt chủng.
[125] Hộp đêm S&M: Hộp đêm ở đó có các trò bạo dâm và khổ dâm.
[126] BMW: Một thương hiệu xe nổi tiếng của Đức.
[127] Nguyên văn: Tower Records: Chuỗi cửa hàng bán băng đĩa.
[128] Levi Stabbs (tên thật là Levi Stubbles): Sinh năm 1936, một ca sĩ người Mỹ, được biết tới như ca sĩ chính của nhóm nhạc R&B The Four Tops nổi tiếng của Motown.
[129] Four Tops: Nhóm tứ tấu vocal Mỹ, hát các thể loại doo-wop, jazz, nhạc soul, R&B, disco, nhạc hiện đại và nhạc trình diễn.