KẺ THÙ BÍ MẬT

Chương 14 : Một cuộc hội ý



Không gì làm Tuppence ngạc nhiên và bất ngờ hơn là sự nhanh nhẹn và khéo léo của ngài James khi giải quyết sự việc. Ông bác sĩ chấp nhận giả thiết rằng bà Vandermeyer đã vô tình uống phải một liều cloral quá lớn. Ông ta nghĩ rằng không cần thiết phải mở cuộc điều tra. Còn trong trường hợp cần thiết, ông sẽ báo cho ngài James. Người ta đã giải thích cho ông rằng bà Vandermeyer sắp đi ra nước ngoài và các người hầu đã đi cả. Ngài James và các bạn trẻ đến để từ biệt bà ta thì đột nhiên bà quỳ xuống ngất đi. Họ đã cùng qua đêm trong nhà bà vì không muốn để bà lại một mình. 

Họ có quen người họ hàng nào của bà ta không ấy à? Không, nhưng ngài James cho ông bác sĩ tên của người công chứng của bà ấy. 

Vài phút sau, một cô y tá đến để trực thay và những người khác ra khỏi căn hộ định mệnh. 

– Và bây giờ? – Julius hỏi, khoát tay vẻ tuyệt vọng – Tôi sợ rằng chúng ta vĩnh viễn phải chờ đợi thôi. 

– Không – Ngài James đáp lại tay sờ cằm – Chúng ta vẫn còn một cơ hội: bác sĩ Hall có thể cho chúng ta biết điều gì đó. 

– Đúng như vậy! Tôi quên mất ông ấy! 

– Những cơ may không lớn lắm nhưng chúng ta không nên bỏ qua chúng. Tôi đã nói với các bạn là ông ta đến khách sạn Metropole. Tôi đề nghị chúng ta đi đến đó càng sớm càng tốt. Sau khi tắm rửa và ăn sáng chẳng hạn? 

Họ quyết định rằng Tuppence và Julius quay lại khách sạn Ritz rồi đem xe đến đón ngài James sau. Chương trình đó được thực hiện ngay và đến 11 giờ họ đã tới khách sạn Metropole. Họ hỏi bác sĩ Hall và một người phục vụ chạy đi tìm. Vài phút sau, ông bác sĩ bé nhó vội ra gặp họ. 

– Ông có thể cho chúng tôi vài phút được không, bác sĩ Hall? – Ngài James nhã nhặn hỏi – Cho phép tôi giới thiệu với ông cô Cowley. Còn Hersheimmer thì ông đã biết. 

Vừa bắt tay Julius, ông bác sĩ vừa liếc nhìn anh ta tò mò : 

– Phải rồi! Anh bạn trẻ ngã từ trên cây xuống phải không? Còn cổ chân anh thì sao? 

– Khỏi rồi, nhờ cách chữa trị tuyệt vời của ông đấy, bác sĩ ạ. 

– Còn những phiền muộn của trái tim? 

– Tôi vẫn kiếm tìm nó. – Julius hài hước trả lời. 

– Quay lại việc thôi, – Ngài James nói – ông có thể tiếp chúng tôi một mình không có ai khác được không? 

– Được chứ. Có một phòng khách nhỏ, ở đó chúng ta sẽ không bị quấy rầy. 

Họ đi theo ông ta. Ông bác sĩ mời khách ngồi rồi nhìn ngài James dò hỏi. 

– Thưa bác sĩ Hall, chúng tôi cần phải tìm cho ra một thiếu nữ mà tôi cần nghe cô ấy nói. Tôi có lý do chính đáng để nghĩ rằng cô ấy đã sống ở bệnh viện của ông ở Bornemouth. Tôi hy vọng rằng tôi không bắt ông phải tiết lộ những bí mật nghề nghiệp. 

– Làm thế để lấy lời làm chứng à? 

Sau một lát chần chừ, ngài James công nhận. 

– Tôi rất sung sướng được cung cấp tất cả những thông tin mà tôi có cho các ông. Tên của cô gái ấy là gì? Tôi nhớ là ông Hersheimmer… 

– Cái tên, – Ngài James xem vào – chẳng quan trọng gì. Chắc chắn là người ta đã gửi cô ấy đến chỗ ngài dưới một cái tên giả. Nhưng tôi muốn biết ông có quen một bà tên là Vandermeyer không? 

– Bà Vandermeyer ở số 20, South Audley Mansions à? Có, có quen một chút. 

– Ông không biết điều gì đã xảy ra cho bà ấy à? 

– Ông muốn nói gì? 

– Ông không biết là bà ấy đã chết rồi à? 

– Trời ơi, không! Tôi không biết! Chuyện đó đã xảy ra khi nào? 

– Bà ta đã uống một liều quá lớn cloral tối qua. 

– Có chủ ý à? 

– Không. Tôi nghĩ đó là một tai nạn. Nhưng tôi không muốn nói ra. Dù sao thì sáng nay người ta đã thấy bà ấy chết. 

– Thật là buồn. Đấy là một phụ nữ tuyệt đẹp. Tôi nghĩ rằng ông là bạn bà ấy nên mới biết tất cả các chi tiết? 

– Tôi biết tất cả các chi tiết bởi vì… vì chính tôi đã tìm thấy bà ấy… ờ… ờ… 

– Thật vậy! 

– Phải! – Ngài James nói và sờ cằm. 

– Thật là một tin buồn, nhưng xin thứ lỗi… 

nó liên quan gì đến cuộc điều tra của ông? 

– Mối liên quan rất đơn giản. Bà Vandermeyer có gửi gắm cho ông một người bà con trẻ tuổi không? 

Julius uống từng lời của ông bác sĩ. 

– Có đấy. – Bác sĩ trả lời không bối rối. 

– Và dưới cái tên gì? 

– Janet Vandermeyer. Hình như là cháu bà ấy. 

– Cô ấy đã nhập viện khi nào? 

– Lúc đó là tháng sáu hoặc bảy năm 1915, nếu tôi nhớ chính xác. 

– Một trường hợp bị điên à? 

– Không, cô ấy hoàn toàn khỏe mạnh, nếu như ông muốn biết. Bà Vandermeyer cho tôi biết cô gái trẻ đó đã ở cùng với bà ấy trên tàu Lusitania khi cái tàu đáng nguyền rủa đó bị trúng thủy lôi và bị đắm. 

– Chúng ta đang đi theo hướng đúng, phải không? – Ngài James hỏi, quay về những người cùng đi. 

– Tôi đã nói và tôi nhắc lại. Tôi là một kẻ đần độn mà. – Julius tuyên bố. 

Ông bác sĩ nhìn mọi ngươi sửng sốt. 

– Ông muốn thu được lời khai của cô ấy à? Thế nếu cô ấy không có khả năng khai thì sao? 

– Nhưng… Ông vừa nói là cô ấy hoàn toàn khỏe mạnh. 

– Đúng thế. Nhưng nếu ông muốn cô ấy khai về những sự kiện xảy ra trước ngày 7 tháng năm năm 1915 thì cô ấy không thể làm được. 

Họ sửng sốt nhìn người đàn ông bé nhỏ. Ông này có vẻ hoan hỉ. 

– Đáng tiếc, thật sự đáng tiếc. Nhất là khi liên quan đến một vụ việc quan trọng. Nhưng như vậy đấy. Cô ấy không thể nói được gì cả… 

– Nhưng tại sao? Quỷ thần ơi, tại sao? – Julius kêu lên. 

Người đàn ông bé nhỏ nhân từ nhìn anh chàng người Mỹ hăng hái. 

– Bởi vì Janet Vandermeyer bị bệnh mất trí nhớ. 

– Cái gì? 

– Phải, đây là một trường hợp thú vị, thậm chí rất thú vị. Có một vài trường hợp vào loại này. Nhưng đây là trường hợp đầu tiên giao cho tôi vào tôi phải công nhận rằng nó rất lý thú! 

Có một cái gì đấy trơ trẽn trong sự hài lòng của ông bác sĩ bé nhỏ. 

– Thế cô ấy không nhớ được gì à? – Ngài Jame chậm rãi hỏi. 

– Không gì hết trước ngày 7 tháng năm năm 1915. Sau ngày đó thì trí nhớ của cô ta cũng như của ông và tôi. 

– Cái đầu tiên mà cô ta nhớ lại là gì? 

– Việc rời khỏi tàu với những người sống sót khác. Tất cả những cái trước đó đều bằng không. Cô ấy thậm chí không còn nhớ tên mình, từ đâu đến hoặc đang ở đâu. Thậm chí cô ấy không nói cả tiếng mẹ đẻ nữa. 

– Nhưng tất cả cái đó thật khác thường, phải không. – Julius hỏi. 

– Không, bạn thân mến. Cũng bình thường thôi nếu xét đến hoàn cảnh, Cô ấy đã phải chịu đựng một cú sốc tinh thần quá lớn. Sự mất trí nhớ thường hay xảy ra dưới dạng này. Tôi đã đề nghị một chuyên gia khám cho cô ấy. Ở Paris có một người rất tuyệt, chuyên nghiên cứu những trường hợp tương tự. Nhưng bà Vandermeyer đã phản đối vì một kiểu chạy chữa như vậy sẽ có thể gây nên dư luận. 

– Điều đó không làm tôi ngạc nhiên. – Ngài James nói với giọng bi thảm. 

– Tôi đã đồng ý với bà ta. Nhưng trường hợp như thế này luôn gây nên sự ồn ào, tranh cãi và cô gái trong cuộc thì còn trẻ quá. Chỉ độ mười chín tuổi thôi. Đáng tiếc nếu để người ta nói vê bệnh tật của cô ấy, điều đó có thể có hại cho tương lai của cô ấy. Nói cách khác, không có cách chữa chạy đặc biệt nào cho những trường hợp này. Cần phải đợi thôi. 

– Đợi ư? 

– Phải. Sớm hay muộn, trí nhớ sẽ quay lại. Cũng đột ngột như khi nó ra đi. Nhưng có khả năng là cô gái trẻ đó đã hoàn toàn quên giai đoạn giữa. Trí nhớ của cô ấy quay lại ở nơi mà cô đánh mất nó: vào thời điểm tàu Lusitania đắm. 

– Và khi nào điều đó sẽ xảy ra. 

– Tôi không thể nói được. Đôi khi là vài tháng, nhưng trong một số trường hợp cần phải đợi hai mươi năm. Đôi khi một cú sốc khác có thể sắp xếp lại sự việc đúng chỗ. 

– Một cú sốc khác ư? – Julius nhắc lại suy tư. 

– Đúng vậy. Ở Colorado, có một trường hợp như vậy. 

Người đàn ông nhỏ bé trở nên lắm mồm, liến thoắng, nhiệt tình quá thể. 

Julius không nghe nữa. Đắm chìm trong suy nghĩ, anh ta cau mày lại. Đột nhiên anh ta đấm tay xuống bàn mạnh đến nỗi những người khác giật nảy mình. 

– Được rồi! Thưa bác sĩ, tôi muốn có ý kiến của chuyên môn về kế hoạch mà tôi vừa vạch ra. Nếu như Jane lại đi qua cái ao vịt ấy một lần nữa và cũng chính sự kiện ấy lại xảy ra. Tàu ngầm thủy lôi, con tàu thủng, hành khách leo lên ca nô v.v… thì liệu tình thế đó có đem tới sự vô thức của cô ấy – theo ngôn từ của ông – một cú sốc đủ mạnh để giải quyết vấn đề không? 

– Đấy là một lý lẽ rất thú vị, ông Hersheimmer, phương pháp ấy có thể có hiệu quả đấy! Nhưng than ôi lại chẳng có cơ hội nào cho những ngoại cảnh mà anh vừa miêu tả lặp lại. 

– Một cách tự nhiên thì không nhưng chúng ta có thể dựng lại nó bằng cách nhân tạo. 

– Nhân tạo ư? 

– Phải. Khó gì? Ta thuê một con tàu… 

– Một con tàu… – Hall lắp bắp. 

– Ta thuê cả hành khách, tàu ngầm. Cái đó là khó nhất. Các chính phủ luôn cảnh giác khi động đến cỗ máy chiến tranh của họ. Họ không bán cho kẻ đến đầu tiên đâu. Nhưng tôi nghĩ rằng có thể dàn xếp được. Các bạn có biết nguyên tắc chai rượu vang không? Thế đấy, chai rượu giải quyết được mọi khó khăn. Tối nghĩ rằng chúng ta không cần bắn thủy lôi đâu. Nếu như mọi người đều la hét, chạy cuống quít, kêu lên là tàu thủy đang đắm, thì cũng đủ cho một cô gái ngây thơ như Jane. Từ chỗ đó, nếu cô ấy được đeo một cái thắt lưng cứu hộ và bị đẩy lên canô và có những hình người cuống cuồng, điên loạn trên tàu thì cô ấy sẽ tưởng mình đang ở vào tháng năm – 1915. Ông nói sao về sáng kiến này?

Bác sĩ Hall nhìn Julius. Ánh mắt của ông ta thể hiện điều ông không thể nói ra. 

– Không, tôi không điên đâu – Julius thấy cần khẳng định – Hoàn toàn có thể thực hiện được. Ở nước Mỹ, người ta thường làm vậy để đóng phim. Trong phim, ông đã thấy các đoàn tàu đâm vào nhau chưa? Giữa tàu hỏa và tàu thủy có khác nhau gì mấy? Chỉ cần tiền mua vật liệu cần thiết rồi tiến lên! 

Hall đã nói được : 

– Nhưng chi phí, ông bạn yêu quý. – Giọng ông ta the thé – Chi phí sẽ khổng lồ đấy! 

– Tiền bạc là cái thiếu ít nhất. – Julius giải thích đơn giản. 

Chưng hửng, Hall quay lại ngài James đang mỉm cười. 

– Ông Hersheimmer rất khỏe, rất thoải mái ấy chứ. 

Ông bác sĩ lại nhìn Julius nhưng bằng con mắt khác, chăm chú hơn. Ông ta không còn coi anh ta như một gã kỳ quặc ngã từ trên cây xuống, mà như một người rất giàu có, vậy là đáng kính trọng. 

– Kế hoạch của anh sáng giá đấy! Rất sáng giá! Phim ảnh, tất nhiên rồi! Rất thú vị. Những phương pháp của chúng tôi còn kém tiên tiến hơn của anh… Và anh thực sự muốn thực hiện cái kế hoạch sáng giá đó à? 

– Còn thế nào nữa, tôi muốn vậy mà! 

Ông bác sĩ tin anh ta – đấy là một vinh dự dành cho người Mỹ. Nếu một người Anh gợi ý cho ông ta như vậy thì ông đã nghi ngờ sức khỏe tâm thần của anh ta. 

– Dù mọi việc đều đã rõ ràng, – Ông nhận xét – tôi cũng không thể bảo đảm sự khỏi bệnh. 

– Được rồi. Ông cứ mang Jane đến cho tôi và tôi sẽ lo các chuyện còn lại. 

– Jane ư? 

– Cô Janet Vandermeyer, nếu ông muốn thế. Chúng tôi có thể đến bệnh viện của ông và đề nghị nhân viên của ông giao cô ấy cho chúng tôi được không? Tôi phải đưa xe đi đón cô ấy ở đâu? 

Ông bác sĩ nhìn Julius, mồm há hốc. 

– Tôi xin lỗi, ông Vandermeyer. Tôi tưởng rằng ông đã hiểu. 

– Hiểu gì? 

– Hiểu rằng cô Vandermeyer không còn ở dưới sự giám sát của tôi nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.