Kẻ Tự Giết Chính Mình

CÂY TẦN BÌ



Tất cả những ai đã đi qua lại vùng Anh quốc đều biết những ngôi nhà đồng quê năm rải rác nơi này. Đó là những kiến trúc nhỏ có ảnh hưởng kiểu Ý nằm giữa những công viên rộng khoảng một trăm acre. Tôi đã luôn bị thu hút bởi những ngôi nhà như thế. Tôi thích rào song gỗ sồi, cây uy nghi ao với sậy mọc ven bờ và đường rừng xa xa. Tôi thích những hàng hiên có cột, được xây thêm, có lẽ để theo thời trang “Hy Lạp” thế kỷ XVIII, vào những ngôi nhà cổ bằng gạch đỏ thời Hoàng hậu Anne. Tôi ước gì mình có được một ngôi nhà như vậy và có đủ tiền bảo trì nhà và tiếp bạn bè ở nhà một cách khiêm tốn.
Nhưng tôi đang tán rộng ngoài đề khi nói chuyện này. Tôi muốn kể cho quý vị nghe chuỗi sự kiện lạ lùng diễn ra tại một trong những ngôi nhà mà tôi đã cố mô tả cho quý vị. Nhà đó là Castringham Hall ở Suffolk. Tôi nghĩ ngôi nhà này đã bị sửa đổi nhiều từ thời xảy ra câu chuyện của tôi, nhưng vẫn còn những bộ phận chính: hàng hiên kiểu Ý, ngôi nhà vuông trắng bên trong thay đổi ít hơn bên ngoài, công viên viền khu rừng và ao. Cái duy nhất khiến ngôi nhà này khác những nhà khác không còn nữa: xưa kia, bên phải, có một cây tần bì to lớn già nua mọc cao khoảng một chục mét, có cành cây gần như chạm vào nhà. Tôi đoán cây tần bì này đã có từ thời Castringham Hall không còn là pháo đài nữa, nhà được xây theo kiểu thời Elizabeth đệ nhất. Dù thế nào đi nữa, chắc chắn cây tần bì này đã đạt chiều cao tối đa vào năm 1690.
Vào năm đó, tại vùng chỗ ngôi nhà Castringham Hall đã diễn ra vụ xử phù thủy rất lớn. Theo tôi nghĩ, sẽ phải còn lâu lắm mới hiểu được nguyêri nhân sâu sa – nếu giả sử có nguyên nhân – về nỗi khiếp sợ mà phù thủy gây nên thời đó. Những người bị buộc về tội ác này có thật sự nghĩ mình có một quyền phép quỷ quyệt không? Hay những người này có ý muốn, nếu như không có quyền năng, ém bùa? Hay lời thú tội được moi ra do bị những người săn phù thủy tra tấn dã man? Theo tôi, đây là những câu hỏi còn lâu mới được giải đáp. Và câu chuyện mà tôi sắp kể vẫn còn khiến tôi phân vân. Tôi không thể phủ nhận câu chuyện như một vụ tưởng tượng bịa đặt thuần túy. Quý vị độc giả sẽ phải tự mình phán xét.
Castringham cung cấp một nạn nhân cho hình phạt thiêu hủy. Nạn nhân này tên là bà Mothersole và hơi khác với những người phù thủy còn lại trong làng là bà khá giả và có địa vị uy tín trong vùng quê này. Nhiều chủ nông trang cố gắng nhiều để cứu bà bằng cách làm chứng thuận lợi cho bà và lo lắng nhiều về bản án của bồi thẩm đoàn.
Chỉ có một lời chứng nguy hại cho bà: lời chứng của Sir Matthew Fell, chủ nhân Castringham Hall. Ông đã tuyên thề nói thật rồi tuyên bố rằng “từ cửa sổ nhà, rất nhiều lần, khi trăng đang tròn, ông đã nhìn thấy bà đang nhổ cành cây tần bì non gần nhà”. Bà leo cây, chỉ mặc áo ngủ, và dùng con dao lưỡi cong cắt cành cây, vừa làm vừa nói chuyện với chính bà. Một lần ông đã cố tóm bà, nhưng ông vô tình gây ra tiếng động. Rồi khi xuống đến vườn, ông chỉ thấy mỗi một chú thỏ rừng bỏ chạy nhanh về hướng làng.
Đêm thứ ba, ông đã thử rượt để bắt kịp bà. Ông đã chạy đến nhà bà Mothersole và phải dộng cửa đến mười lăm phút. Cuối cùng bà ra mở, rõ ràng rất tức giận như vừa mới bị lôi ra khỏi giường. Và ông đã không giải thích được tại sao ông đến nhà bà.
Chủ yếu vì lời chứng này, mặc dù có những lời chứng khác của vài dân làng nhưng không gây ấn tượng bằng, mà bà Mothersole bị xử là có tội và bị tử hình. Một tuần sau vụ xử án, bà Mothersole bị treo cổ ở St. Edmond Bury cùng với năm sáu người phụ nữ tội nghiệp khác.
Sir Matthew Fell, khi đó là phụ tá cảnh sát trưởng, chứng kiến vụ xử tử. Đó là một buổi sáng lạnh lẽo trời mưa tháng ba. Chiếc xe ngựa kéo leo lên ngọn đồi phủ đầy cỏ ướt, về hướng Northgate, nơi giá treo cổ được dựng. Những nữ tử tội khác, đờ đẫn vì số phận hẩm hiu, không phản ứng gì. Nhưng, dù sống hay chết, bà Mothersole có cá tính khác hẳn. “Cơn tức giận thâm độc” của bà, như một người kể lại, gây ấn tượng mạnh đến người xem – và cả đao phủ – đến nỗi mọi người đồng tình tuyên bố rằng bà thật sự là hiện thân của quỷ. Nhưng bà không hề chống cự những người đại diện pháp luật. Tuy nhiên tất cả những ai nhìn bà đều bị bà nhìn lại một cách quỷ quyệt và thâm độc đến nỗi – có một người khẳng định với tôi như thế một thời gian sau – mọi người bị “hình ảnh kinh khủng ấy ám ảnh suốt sáu tháng sau đó”.
Theo báo cáo về vụ tử hình, những lời duy nhất mà bà nói dường như vô nghĩa và như thế này: “Castringham Hall sẽ có khách.” Bà thì thầm những lời này nhiều lần.
Sir Matthew Fell bị ấn tượng mạnh bởi thái độ của người phụ nữ này. Ông nói chuyện với linh mục làng, khi trở về nhà cùng linh mục sau vụ treo cổ. Thật ra, ông không vui vẻ gì khi ra làm chứng. Ông không phải kẻ cuồng loạn trong cuộc truy lùng phù thủy, nhưng khi ấy ông tuyên bố, và ông lặp lại nhiều lần sau đó, rằng không thể nào tường thuật khác đi những sự kiện mà ông đã tận mắt nhìn thấy. Ông đã rất ghét toàn bộ vụ án này bởi vì ông là người thích sống hòa đồng và quan hệ tốt với đồng loại. Nhưng đối với ông, đó là một nghĩa vụ cần hoàn thành và ông đã hoàn thành. Thái độ của ông không có nguyên nhân nào khác. Linh mục khen ngợi ông, như bất cứ một người lý trí nào khác.
Vài tuần sau, khi trăng tròn tháng năm sáng trên bầu trời, linh mục và Sir Matthew Fell lại gặp nhau ngoài công viên và cùng nhau trở về nhà. Lady Fell đang ở cùng mẹ bị bệnh nặng và Sir Matthew Fell chỉ có một mình ở nhà. Nên linh mục dễ dàng nhận lời ở lại dùng cơm tối.
Tối hôm đó, Sir Matthew Fell tiếp khách không tốt lắm. Cuộc nói chuyện chủ yếu về các vấn đề gia đình và làng, và rất may là Sir Matthew Fell chuẩn bị bằng văn bản một bản ghi nhớ nêu rõ ý muốn và ý định của ông về tài sản. Về sau văn bản này sẽ rất hữu ích.
Đến chín giờ rưỡi tối, khi ông Crome, linh mục, quyết định đi về, Sir Matthew Fell và ông đi theo lối đi rải sỏi ở, sau nhà. Sự cố duy nhất mà ông Crome ghi nhớ như thế này: khi cây tần bì nằm trong tầm nhìn của hai người, như tôi đã nói trước cây tần bì mọc sát bên cửa sổ nhà, thì Sir Matthew Fell dừng lại nói:
– Cái gì chạy lên chạy xuống dọc theo thân cây tần bì vậy? Chẳng lẽ con sóc? Giờ này, sóc về tổ hết rồi mà.
Linh mục nhìn và thấy một sinh thể động đậy nhưng không biết được màu thật của nó dưới ánh trăng. Hình bóng mà linh mục thoáng thấy trong chốc lát, và ông sẵn sàng thề đúng vậy mặc dù nghe rất điên khùng, nó có hơn bốn chân, cho dù đó là con sóc hay con gì khác.
Nhưng hai người đàn ông không quan tâm đến hình ảnh đó nữa và chia tay nhau.
Ngày hôm sau, đến sáu giờ, bảy giờ, và cả tám giờ, Sir Matthew Fell Clary chưa xuống nhà như thường lệ. Do đó, các gia nhân leo lên lầu gõ cửa phòng ông. Tôi khỏi phải mô tả gia nhân lo lắng như thế nào khi lắng nghe rồi lại tiếp tục gõ cửa nữa. Không thấy trả lời, đám gia nhân mở cửa và thấy ông chủ chết, mặt đen thui. Điều này, thì quý vị đã đoán được rồi. Người ta không phát hiện dấu vết bạo lực nào trên người ông lúc ấy, nhưng cửa sổ lại mở.
Có người đi tìm linh mục; rồi theo chỉ đạo của linh mục, người này đến chỗ cảnh sát. Ông Crome đích thân đến nhà và được cho vào phòng nơi người chết đang nằm. Linh mục đã để lại vài ghi chép, được tìm thấy trong giấy tờ của ông, cho thấy ông kính trọng Sir Matthew Fell như thế nào và rất đau buồn khi ông này chết. Để làm sáng tỏ một chút cách thức diễn ra sự việc và tín ngưỡng chung thời đó, tôi xin viết lại trích đoạn hồi ký của linh mục:
“Không có dấu vết gì chứng tỏ có người đột nhập vào phòng: nhưng cửa sổ để mở theo thói quen của anh bạn tội nghiệp vào mùa này. Bên cạnh anh, như mọi đêm, có cái ca bạc rót đầy bia, nhưng đêm hôm đó anh ấy không uống hết. Bác sĩ ở Bury, một ông Hodgkins nào đó, có xem xét nước uống này và không thể biết có trộn chất độc nào hay không, như sau này bác sĩ đã tuyên bố với cảnh sát. Bởi vì, xét thi thể bị đen và sưng, nên việc hàng xóm bàn tán về chất độc là điều bình thường… Thi thể nằm lộn xộn trên giường. Các chi co quắp nhiều đến nỗi có lẽ anh bạn, con chiên kính mến của tôi đã qua đời trong cơn đau đớn quằn quại. Và sau đây, thêm một điều không giải thích được và đối với tôi là một bằng chứng rõ rệt về ý đồ đen tối của những kẻ thực hiện vụ ám sát man rợ kia: những người phụ nữ phụ trách việc làm vệ sinh cho xác chết, là thành viên đáng kính của hội khóc mướn, hoang mang đến tìm tôi. Những người phụ nữ này nói rằng – khi nhìn họ là lời họ được xác nhận ngay – khi vừa chạm tay không vào ngực xác chết, thì họ cảm thấy đau nhói tay, rồi lòng bàn tay sưng lên đến tận cánh tay một cách khó tin. Cái đau kéo dài suốt nhiều tuần, điều được xác nhận về sau, và những người này buộc phải bỏ nghề. Nhưng họ không mang dấu vết nào trên da.
Sau khi nghe chuyện này, tôi cho gọi bác sĩ trong nhà và chúng tôi thử chẩn đoán bằng cách xem xét da trên ngực người chết bằng kính hiển vi pha lê; chúng tôi không tìm thấy gì đáng lưu ý với công cụ mà chúng tôi có ngoài vài cái lỗ nhỏ xíu như vết kim chích và chúng tôi kết luận rằng chất độc đã được đưa vào bằng cách dó.
Đó là những điều nói được về các triệu chứng tìm thấy trên xác chết. Những gì tôi nói thêm chỉ rút ra từ kinh nghiệm riêng và để người sau đánh giá xem những gì tôi viết có đáng tin hay không. Trên bàn kê đầu giường có một quyển Kinh thánh nhỏ, mà anh bạn hay đọc một chương buổi tối trước khi ngủ và buổi sáng trước khi dậy. Tôi cầm quyển Kinh thánh lên và nhớ lại rằng trong những lúc rối tâm, chúng tôi dễ dàng có khuynh hướng chụp bắt bất cứ tia sáng nào sẽ soi sáng cho ta. Tôi quyết định thử hỏi sự ngẫu nhiên. Một trong các ví dụ chủ yếu về sự mê tín dị đoan này được kể lại như do đức vua Charles của ta và Lord Falkland dùng đến. Tôi phải thừa nhận rằng việc thử này không giúp ích gì được tôi. Tuy nhiên nếu trong tương lai về sau, người ta nghiên cứu về nguyên nhân và nguồn gốc của các sự kiện khủng khiếp này, thì có lẽ tôi nên ghi lạ kết quả phòng trường hợp một trí thông minh nhạy bén hơn tôi phát hiện được điều gì đó về cái Ác.
Tôi thử ba lần, mở quyển sách Thánh ra và đặt đại ngón tay vào một vài đoạn. Lúc đầu tôi trúng phải câu ngụ ngôn này trong Phúc âm của thánh Luc: ‘Hãy đốn giết nó’, sau đó là những câu này trong quyển của Isaie: ‘Sẽ không bao giờ có người ở’. Và lời cuối cùng rút ra từ quyển của Job: ‘Con của nó cũng sẽ được nuôi bằng máu’.”
Đó là tất cả những gì tôi cần nói về giấy tờ ghi chép của ông Crome để lại. Sir Matthew Fell được liệm và chôn cất. Chủ nhật hôm sau, điếu văn cho Sir Matthew Fell của ông Crome đọc được in lại dưới tựa đề: “Anh quốc lâm nguy trước những trò hiểm độc quỷ quyệt của kẻ phản Chúa”. Đó chính là quan điểm của linh mục, và cũng là quan điểm của tất cả những người trong vùng: người ta tin rằng Sir Matthew Fell đã là nạn nhân của những kẻ âm mưu chống Giáo hoàng.
Con trai ông, Sir Matthew, người thứ hai mang tên này, kế nghiệp ông. Và màn một tấn bi kịch Castringham Hall kết thúc như thế. Phải nói rằng, mặc dù việc này không có gì đáng ngạc nhiên, rằng ngài huân tước mới không ở trong phòng nơi cha đã qua đời. Căn phòng chỉ thỉnh thoảng mới có khách ở. Huân tước mất vào năm 1735 và tôi không thấy gì đánh dấu đặc biệt cuộc đời ông, ngoại trừ gia súc hay chết vô cớ, tỷ lệ chết cứ tăng dần theo thời gian.
Những ai quan tâm đến chi tiết này sẽ thấy một bảng thống kê trong lá thư gửi Tạp Chí Chủ Lâu Đài năm 1772, trong đó có tường thuật lại những sự việc lấy trong hồi ký của huân tước. Ông ngăn chặn sự chết chóc này bằng một cách rất đơn giản: tất cả gia súc được nhốt vào chuồng vào ban đêm. Thật vậy, ông đã để ý rằng gia súc được nhốt không bao giờ bị tấn công vào đêm. Sau biện pháp này, chỉ còn thú rừng và chim chóc là biến mất mà không có nguyên nhân rõ rệt. Nhưng do không có bản tường thuật chính xác về những sự kiện này, tôi không muốn nói nhiều về cái mà các chủ nông trang ở Suffolk gọi là “căn bệnh Castringham”.
Như đã nói, Sir Matthew, người thứ nhì mang tên này, mất năm 1735 và con trai ông, Sir Richard, kế nghiệp ông. Chính vào thời này băng ghế lớn của dòng họ Fell được xây ở phần bắc nhà thờ làng. Mộ bà Mothersole nằm chính chỗ đó, vị trí được biết rõ nhờ có ghi chú trên bản đồ nhà thờ và nghĩa địa do ông Crome thiết lập.
Cả làng khá kích động lên khi biết rằng bà phù thủy, mà một số người vẫn còn nhớ, sẽ bị khai quật. Và dân làng càng ngạc nhiên và lo lắng thêm khi phát hiện rằng, mặc dù cái hòm còn tốt, nhưng hòm không chứa dấu vết thi hài, xương, hay cát bụi gì. Thật ra, đây là một hiện tượng rất kỳ lạ, vì thời bà bị chôn người ta không nghĩ đến chuyện thi hài sống lại và có thể nghĩ ra một lý do hợp lý giải thích vụ trộm một xác chết trừ phi người ta muốn dùng trong phòng phẫu tích.
Sự cố này đánh thứ hai trong một thời gian tất cả những chuyện có liên quan đến các vụ xử và những kỳ tích của phù thủy đang bị quên lãng từ bốn chục năm nay. Khi Sir Richard ra lệnh thiêu cháy cái hòm, nhiều người nghĩ rằng ông hành động một cách bạo dạn, nhưng ông vẫn cương quyết làm.
Chắc chắn rằng Sir Richard là người có đầu óc canh tân khá nguy hiểm. Trước khi ông kế nghiệp cha, Castringham Hall là một lâu đài xây bằng gạch đỏ rất đẹp, nhưng Sir Richard đã đi du ngoạn sang Ý và bị lây nhiễm phong cách Ý. Ngoài ra, do có nhiều tiền hơn những người tiền nhiệm, ông quyết định sửa ngôi nhà Anh thành một lâu đài Ý. Thế là thạch cao và đá hoa giả che mất gạch đỏ; vài pho tượng La Mã bằng đá hoa khá tầm thường được bố trí ở cửa nhà và ngoài vườn; một bản sao chép ngôi đền Sybille ở Tivoli được xây ngay bờ ao. Nên Castringham Hall có dáng vẻ hoàn toàn mới mẻ nhưng, tôi buộc phải nói, không dễ chịu bằng. Nhưng có rất nhiều người khen và bắt chước làm theo những năm sau đó.
Vào một buổi sáng (năm đó là năm 1754), Sir Richard thức dậy sau một đêm ngủ không ngon. Bên ngoài gió đã thổi rất mạnh, còn lò sưởi thì liên tục nhả khói. Tuy nhiên trời lạnh đến nỗi buộc phải đốt lửa. Ngoài ra gió làm rung kính cửa sổ đến nỗi không một người nào có thể yên nghỉ được. Rồi còn viễn tưởng nhiều vị khách quý sẽ đến trong ngày. Khách mong được tham dự một cuộc săn hấp dẫn, nhưng do thú rừng cứ tiếp tục biến mất, Sir Richard sợ bị ảnh hưởng uy tín. Nhưng điều quấy rối ông nhiều nhất là đêm không ngủ vừa trải qua. Chắc chắn Sir Richard sẽ không bao giờ ngủ trong phòng này nữa.
Đó chính là đề tài suy gẫm của ông trong khi ăn sáng. Sau đó Otwell, Sir Richard tiến hành xem xét một cách hệ thống tất cả mọi phòng ốc để xem phòng nào thích hợp với ông nhất. Ông phải mất rất lâu mới tìm ra được một phòng. Một phòng nằm hướng đông; phòng kia thì hướng bắc; phòng thứ ba thì bị đám gia nhân buộc phải đi ngang qua liên tục, còn phòng thứ tư thì Sir Richard không thích gỗ giường. Không được, nhất định ông cần một phòng nhìn hướng tây, để không bị mặt trời đánh thức quá sớm và ngoài ra, phòng phải tách biệt khỏi sinh hoạt trong nhà. Bà giúp việc không biết nghĩ ra phòng nào nữa.
– Kìa, Sir Richard ơi, – Bà nói – ông thừa biết rằng cả nhà chỉ có một phòng như thế mà thôi.
– Phòng nào vậy? – Sir Richard hỏi.
– Phòng của Sir Matthew – phòng hướng tây.
– Vậy thì cứ dọn đồ tôi sang đó, tôi sẽ ngủ đó đêm nay – Sir Richard trả lời – Làm thế nào để đến phòng đó? À, dĩ nhiên là đi ngả này.
Rồi Sir Richard vội đi đến phòng đó.
– Ôi! Sir Richard ơi, nhưng không ai ngủ đó đã bốn mươi năm nay. Không khí trong đó chưa được cho thay mới từ khi Sir Matthew mất.
Bà giúp việc vừa nói vừa chạy theo sau Sir Richard.
– Kìa, chị Chiddock, chị cứ mở cửa ra đi chứ. Tôi muốn xem phòng.
Thế là cửa phòng được mở ra và toàn là mùi hôi mốc và hầm hơi thoát ra. Sir Richard bước đến cửa sổ, bực bội mở các cửa lá sách ra. Phần nhà này là phần ít bị sửa đổi nhất: phần nhà được xây khi cây tần bì được trồng và nằm khuất nên không ai bỏ công ra sửa chữa.
– Chị cứ để cửa sổ mở cả ngày, chị Chiddock à, rồi chiều nay chị hãy cho dọn đồ dùng đêm của tôi sang. Chị sắp xếp cho giám mục vùng Kilmore ở phòng cũ của tôi.
– Sir Richard ơi, xin phép anh, – Một giọng nói lạ xen vào – anh có thể cho tôi được nói chuyện với anh một hồi không?
Sir Richard quay lại thấy một người đàn ông mặc đồ đen đứng ở ngưỡng cửa nghiêng mình chào:
– Xin anh thứ lỗi cho việc tôi đột nhập vào nhà như thế. Sir Richard à, có thể anh không nhớ tôi lắm? Tôi tên là William Crome. Ông nội tôi là linh mục thời ông nội của anh.
– Họ Crome từng là và sẽ luôn là một giấy thông hành để vào Castringham Hall – Sir Richard nói – Tôi rất vui lòng được nối lại một tình bạn đã bắt đầu cách đây hai thế hệ. Tôi có thể giúp anh được gì? Bởi vì, xét trang phục anh, tôi đoán anh hơi vội?
– Sự thật đúng là như vây. Tôi đang đi ngựa từ Norwich đến Bury St. Edmunds nhanh nhất theo khả năng và tôi chỉ ghé qua đây để lại cho anh vài giấy tờ mà chúng tôi vừa mới tìm thấy trong số giấy tờ ông nội để lại. Chúng tôi nghĩ có thể anh sẽ tìm thấy một điều gì đó thú vị về dòng họ anh.
– Anh Crome, anh tử tế quá. Mời anh theo tôi vào phòng khách uống ly rượu và cùng nhau xem số giấy tờ đó. Còn chị, chị Chiddock, như tôi đã nói, chị cứ lo làm thông hơi căn phòng này… Phải, ông nội tôi đã chết trong phòng này… Phải, có thể cây kia làm cho phòng ẩm hơn… Thôi, tôi không muốn nghe chị nói nữa. Xin chị, chị đừng gây thêm rắc rối. Tôi đã chỉ thị xong rồi đó… nào. Anh theo tôi nhé?
Hai người đi vào phòng khách. Cái gói mà ông Crome mang theo chứa nhiều giấy tờ, trong đó có những ghi chép của ông linh mục già khi Sir Matthew Fell qua đời. Và lần đầu tiên, Sir Richard đọc được những “ngẫu nhiên kinh thánh” mà quý vị đã đọc trên đây. Sir Richard rất lấy làm buồn cười về sự mê tín dị đoan này.
– Vậy, – Sir Richard nói – Kinh thánh của ông nội tôi đã cho một lời khuyên khá khôn ngoan: “Hãy đốn giết nó”. Nếu nói về cây tần bì, thì chắc chắn tôi sẽ làm theo lời này. Cây tần bì ấy là một ổ chướng khí và mầm bệnh!
Phòng khách có chứa một số sách của gia đình, không nhiều lắm và để đó chờ bộ sách của Sir Richard gửi về từ Ý và xây thêm một chỗ thích hợp để cất sách.
Sir Richard ngước mắt lên nhìn tủ sách.
– Không hiểu, – Sir Richard nói – quyển Kinh thánh cũ còn đây không? Dường như tôi nhìn thấy.
Sir Richard băng qua phòng, lấy một quyển sách Kinh thánh dày mang dòng chữ này trên trang đầu tiên: “Anne Aldous, mẹ đỡ đầu, tặng con Matthew Fell, ngày 2 tháng chín 1659”.
– Anh Crome, hay ta thử lại xem sao… Nào mở sách ra và thấy gì?: “Sáng mai ngươi sẽ tìm ta nhưng sẽ không thấy ta”. A ha, câu này có thể là một lời tiên tri khá thú vị đối với ông nội anh nhỉ? Còn tôi, tôi đã tham khảo thầy bói đủ rồi! Họ kể toàn chuyện tào lao không hà! Anh Crome à, tôi rất cám ơn anh đã trao cho tôi cái gói này. E rằng anh đang nóng lòng muốn lên đường. Để tôi rót thêm cho anh một ly nữa.
Sau khi tiếp đón thân mật (Sir Richard rất thích người đàn ông trẻ kia và cung cách của anh), hai người đàn ông chia tay nhau.
Khách đến vào buổi chiều: giám mục vùng Kilmore, lady Mary Hervey, Sir William Kentfield.v.v. Ăn tối lúc năm giờ, rượu vang, chơi bài, ăn nhẹ. Rồi ai nấy về phòng mình.
Sáng hôm sau, Sir Richard cảm thấy không đủ khỏe để lấy súng đi săn cùng mọi người. Ông ở lại nói chuyện cùng giám mục vùng Kilmore. Khác hẳn với các giám mục Ái Nhĩ Lan thời mình, vị giáo sĩ có chức này từng qua trụ sở giám mục và ở lại đó khá lâu. Sáng hôm đó, trong khi hai người đi dạo trên sân hiên và thảo luận về những sửa đổi và cải thiện cho ngôi nhà, giám mục chỉ qua cửa sổ phòng hướng tây rồi nói:
– Sir Richard à, anh sẽ không bao giờ thuyết phục nổi các con chiên Ái Nhĩ Lan của tôi ngủ trong phòng này đâu.
– Tại sao vậy, thưa giám mục? Thật ra đây là phòng của chính con.
– Thì người nông dân Ái Nhĩ Lan tin rằng ngủ gần cây tần bì là xui xẻo. Vậy mà anh có một cây rất to mọc cách cửa sổ có hai mét. Có thể, – Giám mục mỉm cười nói – anh đã bị ảnh hưởng rồi, vì trông anh như nghỉ đêm không tốt như bạn bè mong.
– Đúng là cái này, hay một cái gì đó khác, đã làm tôi không ngủ được cho đến bốn giờ sáng, thưa giám mục. Nhưng ngày mai tôi sẽ cho đốn bỏ cây. Như vậy sẽ không nghe nói đến nó nữa.
– Tôi rất tán thành quyết định của anh. Chắc chắn rằng hít thở một không khí đã bị ô nhiễm qua tán cây rậm rạp như thế là không lành mạnh đâu.
– Tôi nghĩ giám mục nói đúng. Nhưng tối hôm qua, cửa sổ phòng không mở. Có lẽ là do tiếng động không dứt… kính cửa sổ… cành cây cứ đập vào kính… vì vậy mà tôi đã không ngủ được.
– Chuyện thật khó tin, Sir Richard à. Anh hãy nhìn từ đây. Cả những cành cây gần nhất cũng không chạm được kính cửa sổ, trừ phi trời dông bão. Mà đêm hôm qua thì không có bão.
– Giám mục nói đúng. Vậy tôi không hiểu cái gì đã cạ vào kính cửa sổ như thế… và để lại vết bụi trên bờ cửa sổ?
Cuối cùng hai người thống nhất với nhau: có lẽ chuột đã leo lên đó theo cây thường xuân bám trên tường nhà. Đó là ý kiến của giám mục và Sir Richard cũng đồng tình.
Thế là cả ngày trôi qua bình yên. Đến đêm, khách chúc Sir Richard ngủ yên giấc rồi tản đi về phòng mình.
Hiện ta đang ở trong phòng Sir Richard, đèn tắt, Sir Richard nằm trên giường. Căn phòng nằm phía trên nhà bếp, đêm ấm áp, và cửa sổ phòng để mở.
Giường chiếu sáng rất ít, nhưng có sự nhộn nhịp bất thường; dường như Sir Richard đang lắc đầu từ trái sang phải cố gây thật ít tiếng động. Và ta có thể tưởng tượng, vì bóng tối rất dễ lầm, rằng có rất nhiều cái đầu, tròn và đen đen, lắc lư từ trước ra sau, và gần như rơi trúng ngực Sir Richard. Áo giác kinh tởm à? Chỉ thế thôi? Đó! Có một cái gì đó rơi xuống giường, như một con mèo nhỏ, nó chui qua cửa sổ như tia chớp; rồi một con khác, rồi bốn con… Sau đó, mọi sự bình yên trở lại.
“Sáng mai ngươi sẽ tìm ta nhưng sẽ không thấy ta”.
Cũng y như Sir Matthew: Sir Richard chết đen trên giường!
Khách và gia nhân tái mặt im lặng tập hợp dưới cửa sổ khi biết tin. Bọn đầu độc người Ý, chướng khí: đó là những lời giải thích được nêu ra thử. Rồi giám mục vùng Kilmore nhìn cây tần bì. Một con mèo rừng đang núp trong những cành cây thấp, quan sát một cái hốc trong thân cây. Nó chăm chú theo dõi một cái gì đó trong hốc.
Con mèo đột nhiên đứng thẳng lên, thò cổ ra phía trên hốc. Rồi cành cây chỗ con mèo gãy sụp xuống. Mọi người giật mình khi nghe tiếng động.
Ai cũng biết rằng con mèo có thể khóc; nhưng hy vọng rằng ít ai trong ta đã nghe thấy một tiếng hét như tiếng đã thốt ra từ thân cây tần bì lớn. Có hai ba tiếng kêu (các nhân chứng không chắc chắn về số lượng) rồi sau đó chỉ nghe tiếng vật lộn. Lady Mary Hervey bị xỉu ngay, một nữ gia nhân bịt tai lại rồi chạy cho đến ngất xỉu ở sân hiên.
Giám mục vùng Kilmore và Sir William Kentfield ở lại, nhưng kinh hoàng vì tiếng khóc của con mèo. Sir William nuốt nước miếng một hai lần trước khi nói được:
– Trong cây này có một cái gì đó mà ta không biết. Tôi nghĩ phải tiến hành lục soát ngay.
Và mọi người đồng ý. Một cái thang được mang đến và một người làm vườn leo lên. Người này nhìn xuống đáy hốc và chỉ thấy được một cái gì đó động đậy. Người ta đi tìm đèn và cho hạ đèn xuống đáy bằng dây.
Người làm vườn lại leo lên một lần nữa, cầm đèn, thả đèn từ từ xuống. Trong khi người làm vườn cúi xuống nhìn, ánh đèn vàng chiếu sáng gương mặt anh và, đúng lúc đó, những người đứng xem nhìn thấy nét mặt kinh hoàng của anh. Người làm vườn hét lên bằng một giọng không giống người và té xuống thang. Cũng may là có hai người đỡ kịp, còn đèn thì rơi vào bên trong cây tần bì.
Người làm vườn gần như bị ngất xỉu và phải một hồi lâu anh mới nói chuyện được.
Khi đó sự chú ý của mọi người lại chuyển sang một cái khác. Đèn đã làm cháy đống lá khô dưới đáy hốc cây và trong vài phút, một đám khói dày đặc bay lên, và chẳng bao lâu có ngọn lửa bắn ra. Cả cây tần bì bốc cháy.
Những người xem đứng thành vòng tròn cách đám cháy một khoảng. Sir William và giám mục cho người đi lấy mọi vũ khí và công cụ tìm được bởi vì rõ ràng có một sinh thể nào đó đã dùng cây làm hang và nó sẽ buộc phải chạy ra.
Và chuyện xảy ra đúng như thế. Trước tiên, trên cành cây chẻ, mọi người thấy một cục lửa tròn bắn ra, gần bằng đầu người. Nó như teo lại, rồi rơi xuống đất. Rồi năm sáu lần, một khối tròn y như thế bắn lên không khí, rơi trở xuống cỏ nơi một hồi sau lại nằm yên. Giám mục bước lại gần và nhìn thấy… những gì còn lại của một con nhện to tướng cháy thành than! Và khi lửa giảm lại, những hình thể ghê tởm như thế chui ra khỏi thân cây. Và người ta thấy chúng phủ lông xám xám.
Cây tần bì cháy cả ngày cho đến hết. Người ta tiếp tục canh chừng và thỉnh thoảng giết những con vật kinh tởm chui ra. Rồi suốt một hồi lâu không có gì xuất hiện. Khi đó mọi người bước lại gần xem xét rễ cây.
– Họ tìm thấy, – Giám mục vùng Kilmore nói – phía dưới cây tần bì một cái hốc có hai ba con vật như thế bị chết ngạt do khói. Và điều kỳ lạ hơn nữa là dưới đáy hang, chạm tường nhà, có bộ xương người mà lớp da vẫn còn dính vào xương. Trên sọ còn vài sợi tóc đen. Những người xem xét tuyên bố rằng có lẽ đó là xác của một người phụ nữ đã chết cách đó năm chục năm.
M.R. James

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.