Chắc chắn quý vị từng ngắm tranh của Louis Fedj. Trị giá tranh ông đã tăng vùn vụt sau cái chết giật gân của ông; chỉ một mình bức tự họa của ông thôi, vẽ rất thực, khỏe mạnh, râu rậm, cổ béo, được ước tính mười ngàn đô-la.
Nhưng Louis Fedj không phải là một nhân vật cường tráng, quan trọng như thế ngay từ đầu. Cách đây cũng không lâu lắm, ông là một chàng trai trẻ nhỏ bé đeo kính, tóc vàng khè, chỉ trưng bày tranh dọc theo hàng rào song sắt công viên Greenwich Village. Khi đó ông được một quả phụ giàu tình mẫu tử phát hiện, bà tổ chức cuộc triển lãm tranh đầu tiên cho ông tại một hành lang nghệ thuật trong khu phố. Cuộc triển lãm đó thành công, và từ đấy, Louis thay đổi hẳn. Cuộc đời của các đại danh họa dường như ảnh hưởng đến ông còn nhiều hơn kiệt tác của họ. Louis Fedj trở thành một phức hợp những họa sĩ mà ông yêu thích nhất: gợi cảm như Gauguin, phóng túng kiểu Rabelais, như Van Gogh, nồng nhiệt như Toulouse-Lautrec. Ông có được tiếng cười ồ ồ, bộ râu đỏ chói, sức ăn như Gargantua, niềm say mê whisky vô bờ bến, tính khí nóng như thuốc nổ và có tiếng là dâm dục.
Trong vòng bảy năm, tầm quan trọng và uy tín của Louis Fedj lớn dần lên. Tác phẩm của ông được trưng bày tại hai hành lang ở Paris và Luân Đôn. Một diễn viên điện ảnh nổi tiếng sưu tập tranh ông; rồi họa sĩ vinh dự có được một cuộc trưng bày toàn thể các tác phẩm kéo dài ba ngày trên các vách tường trắng của Viện bảo tàng Nghệ thuật hiện đại. Phong cách của ông “đông lại”; ông “tự thể hiện mình” bằng những kiểu bùng nổ xanh, đỏ và xanh lá mạ. Ông phun những ống màu sặc sỡ rồi dùng dao tấn công sơn màu. Hiệu quả tạo ra thường bất ngờ; cả những người thường tự tin về quan điểm và sở thích của mình cũng không tin chắc mình ưa thích tranh của Louis Fedj.
Người ta thường thống nhất rằng một đại danh họa mới đang ra đời và có lẽ lời tiên đoán này đã thành hiện thực nếu như sự xui xẻo không xen vào. Nó xảy ra kín đáo, người ta không hay biết hoặc hầu như không hay biết, dưới dạng một thông cáo nhỏ xíu trên một tờ báo lớn nhất thành phố:
Ông Auguste Bougère, nhà phê bình nghệ thuật Pháp danh tiếng, đã gia nhập ban biên tập tờ Herald.
Tất cả những ai quen giới hội họa đều biết Auguste Bougère. Nghe nói ông từng là bạn thân và cố vấn của Picasso. Người ta nói ông từng chỉ đạo sự nghiệp của nhiều họa sĩ đương thời rất có tiếng. Nhỏ nhắn, hay huơ tay múa chân, mắt sáng rực, ông có tiếng trên cả hai châu lục về ánh nhìn phê bình sắc sảo và miệng lưỡi càng sắc bén hơn nữa. Khi ông khen, thì tuyệt vời; khi ông chê bai, thì thê thảm.
Vào một buổi chiều hè oi bức, Louis Fedj ngủ dậy với cơn nhức đầu vì uống rượu như thường lệ. Khoảng nửa chục bức tranh không quan trọng lắm của Louis đang trưng bày tại một hành lang tranh tư nhân trên đường số 57, và khi mở tờ báo buổi sáng ra ở trang thời luận nghệ thuật, Louis ngạc nhiên nhận thấy nhà phê bình du nhập của tờ Herald đã ghé qua đó ngày hôm trước. Louis còn ngạc nhiên hơn khi đọc những câu đầu tiên trong bài tường thuật của Auguste Bougère.
Từ ngữ thích hợp với những bức tranh do ông Louis Fedj ký tên có thể là “chấm phá như chất nổ”. Nhưng ta có thể tự hỏi ông Fedj đã lấy cảm hứng từ nguồn nào. Riêng tôi, tôi có cảm giác rằng những chất liệu nổ của ông Fedj chủ yếu gồm trứng rữa, chuối quá chín và thực phẩm khác không ngon lành gì. Kiểu ợ chua bằng màu của thực phẩm hư thối, méo mó vô hình, vô hồn, vô cảm xúc, chỉ có thể là một cơn ác mộng nặng bụng chứ không thể là gì khác nổi…
Khi đọc những câu cay độc kia, lòng dạ Louis Fedj tràn đầy một cơn tức giận muốn giết người. Ông vội vã thay đồ, nuốt nhanh bữa ăn sáng, lao ra khỏi xưởng vẽ để đâm thẳng đến tòa soạn New York Herald. Có lẽ ban biên tập sẽ không bao giờ quên nổi cảnh tượng nhân vật râu ria hung dữ giậm chân sừng sộ trong phòng biên tập. Để tống khứ ông, một người thư ký nhút nhát đưa cho Louis Fedj địa chỉ nhà riêng của ông Bougère.
Fedj bắt gặp ông người Pháp đang mặc áo ngủ bằng lụa thêu, nhâm nhi tách cà phê buổi chiều. Auguste Bougère có vẻ không ngạc nhiên nhiều về sự đột nhập của Louis, và, với một nụ cười hé nở trên gương mặt sáng suốt, lắng nghe ông họa sĩ lớn tiếng chê bai trí thông minh, ngoại hình và cội rễ khả nghi của mình. Có một lúc, trong cơn giận, Louis tóm cổ áo sặc sỡ như thể định bóp cổ nhà phê bình tại chỗ. Ông Bougère thành công trong việc xua đuổi mọi ý tưởng bạo lực bằng cách nói chuyện bình tĩnh, bằng thứ tiếng Anh dở ẹc; rồi Louis Fedj càu nhàu quay lưng bỏ đi.
Louis Fedj nhanh chóng quên đi sự cố, vì say sưa làm việc. Nhưng còn ông Auguste Bougère, mặc dù có vẻ bình thản, thì không quên, và có lẽ không bao giờ quên.
Một tháng sau, nhà phê bình ra tay lần thứ nhì.
Mục thời luận của ông lần này không liên quan trực tiếp đến Louis Fedj; ông nói về triển lãm tranh của một họa sĩ Hungary di cư. Nhưng đoạn thứ ba viết:… Tuy nhiên, trong khi đa số tranh vẽ của anh thể hiện cảm xúc mãnh liệt chân thật, thì có vài bức tranh gợi nhớ cho tôi kỹ thuật chấm phá mà Louis Fedj đã có công nâng đến mức độ hoàn hảo với phong cách đáng ngờ. Thật là đáng tiếc, bởi vì họa sĩ này xứng đáng với một số phận hay hơn. Có lẽ anh ta nên từ bỏ sắc màu thức ăn ôi thối và các kiểu hình thể như bồ hóng đặc trưng giống cọ vẽ ông Fedj, để tập trung vào những phương diện nghệ thuật phong phú hơn…
Trước cú công kích dữ dội mới này, xuất phát từ ngòi bút nhúng axít của ông Bougère, Louis rống lên như con bò tót bị trủng thương. Lần này, những suy nghĩ sát nhân được ấp ủ trong lòng xém chuyển sang hành động. Louis Fedj tin chắc rằng một họa sĩ không thể để mình bị cản trở bởi những luật lệ chi phôi phần còn lại của nhân loại và ông tin tưởng rằng thế giới sẽ không bị hề hấn gì nếu mất đi một nhà phê bình nhỏ bé tầm thường. Nhưng, nếu như những suy nghĩ giết người đang sôi sục trong đầu Louis Fedj khi chiều hôm đó ông chạy ào vào tòa nhà Auguste Bougère, thì những suy nghĩ ấy sẽ không thành hiện thực. Ông Bougère đi vắng; ông đang ở Chicago dự một cuộc triển lãm tranh để tường thuật lại cho tờ báo thuê ông. Louis đành nhét dưới cửa ông người Pháp một đoạn văn thảo bằng từ ngữ thô tục nhất.
Sáu tuần lễ sau, Fedj giới thiệu một cuộc triển lãm lớn tại một hành lang tranh có tiếng và lo lắng chờ đợi sự kiện này. Các giám đốc hành lang tranh, thường rất nhiệt tình đối với mọi cuộc triển lãm của Louis Fedj, cũng tỏ ra căng thẳng. Sau hai đợt công kích của ông Bougère, lượng tranh bán ra của họa sĩ đã giảm sút rõ.
Theo thường lệ, Louis không tham dự buổi khai mạc: suốt thời gian đó ông ngồi trong một quán rượu cạnh đó. Chỉ qua ngày hôm sau ông mới biết được số phận mình khi được tin rằng nhà phê bình nghệ thuật lừng danh của tờ Herald đã có lòng hảo tâm ghé thăm cuộc triển lãm và có ác ý tường thuật lại.
Có lẽ ông Louis Fedj đã đi một vòng các chợ và cửa hàng. Các thức ăn hư thối dùng làm nguồn cảm hứng cho tác phẩm của ông đã được đa dạng hóa lên đáng kinh ngạc. Trong tranh vẽ của ông, ta nhận ra sự đa dạng phong phú những thực phẩm chưa từng gặp trong các tác phẩm trước đây. Trong số đó, ta để mắt đến một cái gì đó có thể là dưa cốm chín quá, những miếng thịt mỡ bị khô mốc, một quả dưa đắng, vài quả trứng và nhiều thực liệu khó nhận dạng khác. Rất tiếc phải nói rằng kết quả trông không hấp dẫn tí nào…
Nếu Auguste Bougère đã có ý chặt ngang sự nghiệp họa sĩ của Louis Fedj, thì ông không thể chọn lưỡi dao bén hơn. Hình ảnh thức ăn ôi thôi bám chặt vào tác phẩm của Louis Fedj như một quả trứng thối ném vào một chính trị gia. Các nhà sưu tập từng treo tranh ông tại nhà mình bắt đầu than phiền về một mùi hơi khó chịu do tranh toát ra. Trong vòng hai tuần, lượng tranh mới bán ra sụt xuống bằng không. Bạn bè của Louis, khi ông thành đạt thì rất trung thành, tự nhiên lại tỏ ra bận bịu với những việc khác, với bạn bè khác. Một hợp đồng, ký với một người Texas, chủ nhân một giếng dầu lửa, đang muốn có được một bức tranh của Fedj trong phòng khách, đột ngột bị hủy ngang. Ba dự án triển lãm tranh tại ba viện bảo tàng khác nhau cũng bị bỏ ngang. Và các hành lang tranh từng thường xuyên trưng bày tranh của Fedj tự nhiên tỏ ra ngại ngùng phải gia hạn thỏa thuận.
Không đầy ba tháng sau, dường như đường công danh của Louis Fedj đã chấm dứt, im lặng và thảm thương.
Tiếp theo là giai đoạn trầm uất nặng. Suốt gần một năm, Fedj bỏ thời gian phung phí số tiền kiếm được trong thời kỳ danh tiếng khởi đầu. Louis Fedj làm việc này không khó khăn gì. Ông đột nhiên tìm lại được vài người bạn đã mất, họ rất vui giúp Louis trút sạch các chai whisky. Theo một kiểu, suốt sáu tháng đầu tiên, thậm chí Louis Fedj thích thú với sự sa sút của mình. Nhưng chẳng bao lâu ông cạn tiền.
Nếu Louis Fedj có tính khí yếu đuối, thì đòn đánh này có thể làm gục ngã ông. Nhưng phải thừa nhận rằng ông không thuộc loại người không có ý chí. Ông lẳng lặng, không tai tiếng, trở về khu Greenwich Village, tìm chỗ ở khiêm tốn. Từ từ, thận trọng, ông cầm lại cọ vẽ và tranh. Ông sống giản dị, bằng tiền kiếm được nhờ vẽ những trang bìa tục tĩu cho các tạp chí đăng tin giật gân. Ông không uống một giọt rượu nào nữa. Ông trở lại thành Louis Fedj như ngày xưa, như chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, tài năng, ý chí và tự tin vào vận mệnh mình.
Chế độ kỷ luật tự ý này kéo dài suốt gần tám tháng. Cuối thời kỳ này, Louis đã hoàn tất được khoảng bốn chục bức tranh. Từ đáy lòng mình, ông biết rằng đây là bức tranh đẹp nhất cả cuộc đời họa sĩ của mình. Và ông cảm thấy rằng mạng sống của chính mình tùy thuộc vào sự thành của những bức tranh này.
Rõ ràng vị giám đốc hành lang tranh rất lúng túng khi nhận lời tiếp Louis. Tai tiếng vẫn còn vấy bẩn vào tên của Louis Fedj khiến ông giám đốc lo lắng. Nhưng khi Louis cho ông xem tranh, thì ông phân vân. Rồi khi nhìn kỹ hơn, ông nhận ra rằng chữ ký là điểm chung độc nhất giữa những bức tranh này với những bức đã làm cho lưỡi rìu sáng bóng của Auguste Bougère chém xuống, sắc màu tươi tắn và đầy rung động; hình thể và nội dung cảm xúc rất vững chắc đầy đặn; vật và người dễ nhận ra; vũ công balê với cái cổ mềm dẻo, chú hề, nghệ sĩ nhào lộn, người hát rong, người Polynesie với làn da màu sôcôla, cảnh tượng đường phố, cầu, cây hoa lạ lùng. Rõ ràng có một khuynh hướng mới nơi Louis Fedj và đáng để có một cuộc triển lãm.
Rốt cuộc người ta cũng thống nhất được với nhau và chẳng bao lâu người ta bắt đầu nói về chuyện Fedj trở lại. Những người bạn cũ lại tái xuất hiện. Tên tuổi của Louis càng lúc càng thường xuyên hơn trên các mục thời luận nghệ thuật, nơi người ta đặt dấu hỏi về phong cách mới của ông. Chỉ có một nhà phê bình vẫn giữ im lặng một cách khó chịu: ông Auguste Bougère.
Khi đến ngày triển lãm, Louis Fedj, đã từ bỏ rất nhiều thói quen cũ, cũng không còn chê bai các bữa khai mạc và đi đến hành lang tranh. Ông căng thẳng đi bách bộ, nhìn khách lần lượt bước vào, kính cẩn bắt tay các khách hàng lớn và, nói chung, cư xử như họa sĩ khiêm tốn nhất, ông rình rập khắp hành lang tranh, nghe được những bình luận khâm phục về các tranh vẽ mới và một ít lòng tự tin cũ trở về với ông. Lưng ông thẳng lại; dáng đi vững vàng hơn; thậm chí ông còn phá lên cười. Một tiếng sau khi khai mac, ông đã trở lại với Louis Fedj ngày xưa.
Khi đó Auguste Bougère bước qua cửa.
Khi thấy ông người Pháp bước nhanh qua hành lang tranh, tay đút túi, đôi chân ngắn lanh lợi, Louis cảm thấy mạch tim đập nhanh lên. Ông nhìn theo nhà phê bình tờ Herald đứng trước tranh, hai chân dạng ra, chĩa cái mũi khoằm ra trước trong khi cặp mắt sáng rực như đâm xuyên qua những lớp sơn trét trên vải tranh. Sự hiện diện của ông khiến đám khách tham quan cảm thấy khâm phục; họ tránh ra để cho phép ông thoải mái xem xét các tác phẩm của Louis Fedj.
Từ từ, như đang bị nhập đồng, Louis bước lại gần.
– Ông Bougère ơi?
– Vâng, sao hả?
Bằng động tác đột ngột, người đàn ông nhỏ bé xoay cái đầu to để nhìn Louis.
– Tôi… tôi muốn cám ơn ông đã đến.
– À há?
Ông người Pháp có vẻ không hiểu. Rồi môi ông hở ra để lộ một nụ cười có răng nanh.
– À! Phải rồi, dĩ nhiên. Anh đã không trưng bày tranh, ờ ờ, một khoảng thời gian rồi phải không?
– Không trưng bày.
– Vậy những bức tranh này mới hả?
– Đúng.
– Hiểu rồi.
Ông đâm thẳng ra cửa, lôi Louis đi theo phía sau.
– Phong cách tôi có thay đổi đi một chút – Louis lưỡng lự nói – Tôi đã lấy nguồn cảm hứng nhiều từ trường phái ấn tượng chủ nghĩa. Việc sử dụng sắc màu tinh khiết…
– Sao hả? – Ông Bougère nói.
– Sắc màu. Như bức này chẳng hạn. Tôi đặt là Xe đạp…
– Dễ thương nhỉ! – Nhà phê bình nói.
– Thật à, ông nghĩ thế à?
– Thật chứ.
Nụ cười nở rộng hơn.
– Dễ thương theo kiểu hình vẽ trẻ con. Có thể gọi là…
Ông tuyệt vọng tìm từ ngữ thích hợp và cuối cùng nói bằng tiếng Pháp:
– Le charme de l’innocence…
Louis có vẻ lưỡng lự.
– Đúng là tôi có tìm kiếm một sự ngây thơ trong trắng nào đó…
– Nhưng ông đã thành công mà – Bougère nói với một nụ cười ngọt ngào – Những điều tôi nhìn thấy hết sức ngây thơ. Từ phong cách, cảm xúc, hình thể, ý nghĩa…
– Sao ạ?
– Kìa, ông Fedj ơi, ta hãy nói thẳng thắn với nhau đi. Mấy tranh vẽ này, là những trò đùa nhỏ của ông thôi. Đối với quyển sách tranh dành cho trẻ thơ, thì có thể được; đối với người am hiểu nghệ thuật… (ông lắc đầu) Ông và tôi đều hiểu rõ nhau mà, phải không?
– Trời ơi, ông đang nói gì vậy?
– Xin ông, – Ông Bougère nói với thái độ bị xúc phạm – không cần phải to tiếng đâu. Ta đang ở nơi công cộng mà.
– Ông không hề nhìn những bức tranh này và ông còn chưa xem xét…
– Có cần phải xem xét hình vẽ trên các trang hình châm biếm không?
Câu trả lời của Louis mắc nghẹn lại trong cổ họng ông. Ngực ông phồng to lên, mắt ông như muốn lồi ra khỏi đầu; mặt ông đỏ gay lên, từ chân tóc cho đến đường râu. Đúng lúc Louis Fedj định có một hành động bạo lực nào đó trước mặt mọi người thì ông Auguste Bougère đã quay gót và cương quyết bước ra cửa.
– Chờ đã! – Louis kêu lên – Ông đi đâu vậy?
– Sắp mười một giờ khuya rồi – Bougère tử tế trả lời – Tôi còn phải về nhà để chuẩn bị viết bài báo chứ. Ông thông cảm cho. Xin lỗi nhé.
– Nhưng ông thật bất công! Ông chưa xem gì cả!
– Chào ông Fedj.
Trọn một phút trôi qua trước khi Louis hoàn toàn nhận thức được ý nghĩa sự ra đi đột ngột của nhà phê bình. Khi hiểu ra, đôi chân Louis tự động lôi ông ra cửa. Khi ra đến ngoài, ông hoảng hốt nhìn tứ phía để tìm ông Pháp. Không thấy đâu hết.
Khi ấy Louis chuyển sang hành động mà không cần suy nghĩ một giây. Ông chạy đến góc đường, nhảy lên chiếc taxi, báo địa chỉ tòa nhà nơi ông Bougère ở, tại Central Park South. Ông cắn móng tay cho đến khi chiếc taxi dừng trước cổng vào.
Không thấy người gác cổng đâu và thang máy nhỏ chạy tự động. Louis bấm lên nút số mười hai.
Khi trả lời tiếng chuông, Auguste Bougère bắt đầu nói:
– Anh đến sớm quá…
Rồi Auguste Bougère chau mày:
– Ông Fedj à? Tôi tưởng ông là cậu bé chạy việc của tờ Herald.
– Tôi cần nói chuyện với ông – Louis nói – Tôi vào được không?
– Để khi khác đi. Tối nay tôi bận làm việc.
– Chỉ một lát thôi…
– Rất tiếc là không được.
Nhưng trong tình thế hiện tại, Louis không thể nào chấp nhận lời từ chối. Ông giữ cửa mở cho đến lúc thấy ánh mắt ông Bougère bắt đầu lo lắng. Nhưng nét mặt của ông người Pháp lại thư giãn ra, một nụ cười xuất hiện trên môi, rồi ông nhún vai.
– Thôi được – Ông nói – Nhưng chỉ một lát thôi, bởi vì tôi đang chờ thằng bé từ tòa soạn. Ông thông cảm nhé?
Louis bước vào căn hộ. Nhà đầy ắp đồ gỗ kềnh càng, bàn ghế cổ xưa. Trên bàn viết chạm khắc cầu kỳ, cái máy đánh chữ bằng sắt xám trông lạc lõng. Một tờ giấy còn trắng đã nhét sẵn trong máy và Louis Fedj liếc nhìn, nhịp thở gấp hơn.
– Ông định viết gì vậy? – Louis quay lại hỏi – Ông phải nói cho tôi biết, Bougère à! Ông định viết gì về tranh của tôi!
Ông người Pháp dang hai bàn tay mở ra.
– Không biết nữa. Tôi đang chờ cảm hứng.
– Ông nói láo! Ông thừa biết ông sẽ viết gì. Những gì ông đã nói… Bài diễn thuyết của ông về sự ngây thơ…
– Cũng khá chứ nhỉ? – Bougère nhe răng cười nói.
– Tôi không thể để ông viết nữa. Bougère, lần cuối cùng, ông đã hủy diệt tôi…
Ông người Pháp thốt ra tiếng cười khúc khích.
– Phải, ông thừa biết! – Louis tức giận la lên – Những gì ông đã viết… Chuyện thức ăn ôi thối! Phá hủy cuộc đời tôi!
– Tôi chỉ là một nhà phê bình khiêm nhường…
– Tôi cần phải biết! Ông định viết gì?
Ông Bougère nhún vai, bước qua trước mặt họa sĩ để đến với máy đánh chữ. Các ngón tay ông lướt nhẹ bàn phiếm, trong khi ông nghiêng đầu sang một bên nhìn khách.
– Tôi sẽ viết sự thật… người Mỹ các ông nói thế nào nhỉ? Nhưng tôi cho rằng ông là họa sĩ tồi. Họa sĩ rất tồi.
Ông mỉm cười, như thể mong đợi người kia sẽ thấy sự vô tư của ông là dễ thương. Số phận của ông được quyết định qua độ rộng của nụ cười ấy bởi vì có lẽ Louis Fedj đã hành động khác đi nếu như lời nhận xét độc ác kia đi kèm với một cái chau mày. Nhưng nụ cười là lời sỉ vả tột độ; nụ cười không cho phép Louis có thái độ nào khác ngoài thái độ đã chọn. Louis Fedj tóm cổ ông người Pháp. Bị tấn công, ông Bougère kêu lên một tiếng nhỏ nhưng vùng ra được. Ông chạy xuống cuối phòng, kêu lên một câu gì đó bằng tiếng Pháp, trong khi Louis rượt theo. Cuối cùng Louis dồn được ông Bougère vào góc. Hai bàn tay Louis tóm cái cổ gầy của nhà phê bình. Ông Bougère kêu ọc ọc nhưng tròng trắng nhìn lên trần nhà. Louis hất cái đầu to ra phía sau, cái đầu va vào tường nhà dán giấy hoa với tiếng kêu dễ chịu. Bougère rên khẽ, Louis lại hất đầu ông ra sau nữa. Bougère lại rên, vẻ mặt ngơ ngác ra và toan vùng vẫy yếu ớt. Cú va đầu vào tường lần thử ba là kết liễu; nhà phê bình rên lên một tiếng kéo dài rồi mềm nhũn. Khi Louis thả ra, ông trượt theo tường nhà, ngã sụp xuống đất thành một đống tội nghiệp.
Louis cúi xuống nhìn, với thái độ bình tĩnh lạ thường vào một thời điểm như thế. Louis cầm cổ tay gầy nhưng không thấy mạch đâu. Louis đặt lòng bàn tay ngay miệng nhà phê bình nhưng cũng không thấy hơi thở nào.
Louis đứng dậy, nghĩ đến những gì sẽ làm tiếp theo. Đã gần mười một giờ rưỡi; cậu bé chạy văn thư của tờ Herald sắp đến lấy bài viết của ông Bougère, để đăng lên số báo đầu tiên sáng mai. Nếu thằng bé bắt gặp Louis ở đây…
Louis bước ra cửa, rồi quay lại, mắt nhìn chằm chằm tờ giấy trắng đã cài sẵn trên máy đánh chữ của ông Auguste Bougère.
Louis mỉm cười, mang ghế đến gần.
Suốt một hồi Louis nhìn trơ trơ vào tờ giấy trắng. Dù sao, Louis là họa sĩ mà; chứ đâu phải nhà văn.
Nhưng Louis vẫn bắt tay vào việc.
Tôi thật sự thích thú thông báo rằng, sau một năm vắng bóng, ông Louis Fedj đã trở về cuộc triển lãm nghệ thuật ấn tượng tươi đẹp nhất mà ta từng được thấy ở đất nước này từ nhiều năm hay. Vì tôi đã từng gay gắt phê phán những tác phẩm trước của ông Fedj, tôi muốn là người đầu tiên thừa nhận sai lầm mình, vì tôi đã không biết nhận ra cảm xúc sâu sắc và kỹ thuật xuất sắc trong kỹ năng của ông Fedj. Cuộc triển lãm tối hôm qua chắc chắn đối với tôi đã là kinh nghiệm hấp dẫn nhất trong đời tôi, một kinh nghiệm mà có lẽ tôi đã rất vui nếu được chia sẻ với người bạn thân, ông Pablo Picasso…
Louis Fedj tiếp tục viết, ông say sưa làm việc đến nỗi quên mất kim đồng hồ chạy về mười hai giờ khuya nhanh như thế nào. Khi Louis viết đến kết luận, đã mười hai giờ kém ba phút.
Louis đứng dậy nhanh, chà mấy ngón tay đen xì vào phím để xóa dấu vân tay. Không phải vì Louis nghĩ rằng cái chết của ông Bougère sẽ kéo theo một cuộc điều tra; chắc chắn người ta sẽ xem đó là một tai nạn nhỏ. Louis nhìn xuống người chết, ông Bougère có vẻ tự kiêu hơn bao giờ hết.
Sau đó, Louis ra cửa.
Louis đi thang máy đến tầng hai rồi đi xuống cầu thang đến tầng trệt. Nhưng sự thận trọng của Louis dư thừa; vẫn không thấy người gác cổng đâu. Louis ra đến góc dường, vẫy chiếc taxi đi về nhà.
Louis ngủ rất ngon, một giấc ngủ không mộng mị.
Louis thức dậy lúc chín giờ. Mặt trời sáng rực và trong lòng Louis có cảm giác như buổi sáng Giáng sinh. Louis mất một hồi để nhận ra cảm xúc dễ chịu này, rồi nhớ lại chuyện tối hôm qua và nghĩ ngay đến những gì có thể đọc trong số báo New York Herald đầu tiên sáng nay.
Louis vội vàng thay đồ, không thèm tắm rửa. Ông tự pha một tách cà phe, bỏ lên bếp. Rồi Louis mở cửa căn hộ ra kiốt mua báo, cách đó hai con đường.
Louis gặp hai người đang lên cầu thang và mỉm cười với họ. Thậm chí nụ cười vẫn còn trên môi khi Louis nhận ra chức vụ hai người đó. Một người, nước da xám xịt, chân mày rậm, nói với Louis:
– Tôi là trung úy Burrows, ông Fedj à. Thuộc đội hình sự. Đây là trung úy Smiley. Chúng tôi mời ông đi theo chúng tôi.
– Được thôi – Louis trả lời và nhắm mắt lại một nửa – Tôi có thể biết lý do không?
– Chuyện về ông Bou… (ông cảnh sát nói không được tên Pháp) về nhà phê bình của tờ Herald. Dường như ông ấy chết tối nay.
– À! Thế sao?
Louis không hề giả vờ ngạc nhiên; Louis chỉ tỏ ra quan tâm thôi.
– Thì, tôi không hiểu tôi có thể giúp gì được các ông. Tôi chỉ gặp ông ấy một lát tại hành lang tranh và ông ấy hoàn toàn…
– Khoan đã – Người cảnh sát thứ nhì xen vào – Dường như ông chưa hiểu, ông Fedj à. Chúng tôi bắt giữ ông vì tội danh sát nhân và ông phải được nghe về quyền lợi của ông. Chúng tôi buộc phải báo với ông rằng kể từ nay tất cả những gì ông nói có thể được ghi lại thành văn và có thể được sử dụng…
– Ông nói gì vậy? – Louis gầm lên – Sát nhân gì?
– Tôi nghĩ ông nên chờ nghe hết câu chuyện Burrows nói.
Louis chờ nhưng chỉ một tiếng sau, trong văn phòng đồn cảnh sát, người ta mới báo tin cho Louis.
– Thằng bé tờ Herald đến nhà lúc khoảng mười hai giờ kém mười – Burrows nói – Cậu bé đến lấy bản tường thuật cho ấn bản buổi sáng. Chính cậu bé đã tìm thấy xác chết. Cậu bé gọi chúng tôi và chúng tôi đến căn hộ; người tòa soạn Herald đến ít lâu sau đó. Chính lúc ấy, họ đã để ý thấy bản tường thuật…
– Bản tường thuật à?
– Đúng. Dường như họ tìm thấy bản tường thuật đó trên máy đánh chữ của tay người Pháp, nhưng họ thấy nó rất lạ lùng. Ông hiểu không, tay Bougère ấy có thể rất giỏi về việc phê bình, nhưng lại rất dở tiếng Anh. Tòa soạn báo có một người dịch thuật đang chờ bài viết của ông Bougère.
Louis há miệng nhìn trung úy cảnh sát.
– Người dịch à?
– Phải, Bougère viết mọi bài tường thuật bằng tiếng Pháp. Vậy mà bài chúng tôi tìm thấy… thì được viết bằng tiếng Anh, ông Fedj à.
– Và rõ ràng do một người rất hâm mộ ông.
Louis không rời mắt khỏi tờ báo nổi.
– Họ có đăng bài tường thuật đó không?
– Ông tự đọc đi.
Louis hấp tấp lật trang. Phía trên mục thời luận của ông Bougère có dòng chữ nghiêng viết:
Vỉ lý do ông Auguste Bougère qua đời đột ngột, Herald đã giao bài viết ngày hôm nay cho Frederick Mostyn, nhà phê bình nghệ thuật thuộc Associated News Service.
Rồi Louis đọc bài tường thuật:
Tối hôm qua, tại hành lang tranh Calhoun, Louis Fedj trưng bày một loạt tác phẩm mới chứng tỏ ông là một họa sĩ rất có tương lai…
John Murray