Khôn Ngoan Không Lại Với Giời

Chương 1: Quan sát qua lăng kính ngẫu nhiên



Tôi nhớ khi còn niên thiếu, bản thân đã từng ngắm ngọn lửa vàng nhảy múa tự nhiên trên các thân sáp trắng của những cây nến Sabbath. Lúc đó, tôi còn quá nhỏ để cảm nhận được sự lãng mạn trong ánh nến, nhưng tôi vẫn thấy điều đó thật diệu kỳ – bởi ngọn lửa mang lại những hình ảnh thật lung linh. Chúng biến đổi và định hình, bập bùng, dường như không theo một quy luật cụ thể nào. Tôi tin rằng, hẳn phải có một ý nghĩa hay lý do ẩn chứa sau ánh lửa đó – những khuôn mẫu mà các nhà khoa học có thể đoán trước và giải thích bằng những phương trình toán học. Cha tôi từng nói: “Cuộc đời không như vậy, đôi khi ta không thể đoán trước những việc xảy ra.” Ông kể cho tôi nghe về lần ông lấy trộm một ổ bánh mì trong tiệm bánh tại Buchenwald, trại tập trung của Đức quốc xã nơi ông bị giam giữ và bỏ đói. Người làm bánh yêu cầu mật vụ Đức quốc xã tập hợp mọi đối tượng có khả năng phạm tội và xếp những người bị tình nghi này thành hàng. “Ai đã ăn trộm ổ bánh mì?” người làm bánh hỏi. Thấy không ai trả lời, hắn ra lệnh cho lính đánh những người bị tình nghi, từng người một cho đến khi hoặc tất cả chết hết hoặc ai đó thú nhận. Cha tôi đã tiến lên để che cho những người khác. Ông không cố biến mình thành anh hùng, ông nói với tôi ông làm vậy vì ông đã nghĩ rằng dù sao thì mình cũng sẽ bị bắn. Nhưng thay vì giết, người làm bánh giao cho cha tôi một công việc béo bở – phụ tá cho hắn ta. “Một sự việc tình cờ” cha tôi nói, “Chuyện này chẳng liên quan gì đến con, nhưng nếu nó xảy ra theo hướng khác, thì có lẽ con đã không ra đời.” Sau đó, tôi chợt nảy ra ý nghĩ tôi phải cám ơn Hitler cho sự tồn tại của mình, vì những người Đức đã giết vợ và hai đứa con nhỏ của cha tôi, xóa đi cuộc đời trước của ông. Và, nếu như không có cuộc chiến đó, cha tôi đã không bao giờ nhập cư tới New York, không bao giờ gặp mẹ tôi, cũng là một người tị nạn, và không bao giờ sinh ra tôi và hai em trai.

Cha tôi hiếm khi nói về chiến tranh. Tôi không nhận ra điều ấy cho tới mấy năm sau này, chiến tranh hiện ra rõ ràng mỗi khi cha chia sẻ những kỷ niệm khó khăn của mình. Ông đã không nói nhiều bởi cha chỉ muốn tôi biết về các trải nghiệm của ông hơn là muốn giảng giải bài học về cuộc đời. Chiến tranh là một tình huống cực kỳ khẩn cấp, nhưng vai trò của sự ngẫu nhiên trong cuộc sống chúng ta không dựa vào các thái cực khẩn cấp. Cuộc sống của chúng ta phần lớn, cũng giống như ánh nến, được tán không ngừng theo những hướng mới bởi vô số các sự kiện ngẫu nhiên, từ đó tạo nên số phận của chúng ta theo cách ta phản ứng. Do vậy, cuộc đời vừa khó đoán trước, vừa khó định nghĩa. Cũng giống như khi nhìn vào một vết mực loang trong bài kiểm tra tâm lý Rorschach, bạn có thể nhìn thấy Madonna và tôi, một chú rái mỏ vịt, các thông tin chúng ta tiếp xúc trong kinh doanh, luật, y tế, thể thao, truyền thông, hoặc phiếu thành tích học tập lớp ba của con bạn cũng có thể được hiểu theo nhiều cách. Tuy nhiên, hiểu đúng vai trò của sự ngẫu nhiên trong một sự kiện không giống như định nghĩa một vết mực Rorschach; luôn tồn tại song song những cách đúng cũng như những cách sai để thực hiện điều đó.

Chúng ta thường sử dụng trực giác để đưa ra các đánh giá và lựa chọn khi gặp phải những tình huống không chắc chắn. Quá trình xử lý này đã đem lại những lợi thế vượt trội khi chúng ta phải xác định xem liệu con hổ đang cười bởi nó béo và vui vẻ hay vì nó đang đói và nhìn ta như thể ta là bữa kế tiếp. Nhưng trong thế giới hiện đại, thế cân bằng đã khác, ngày nay quá trình xử lý trực giác của con người đã xuất hiện những hạn chế. Khi chúng ta sử dụng lối suy nghĩ thông thường đối với các con hổ ngày nay, có lẽ chúng ta sẽ đưa ra các quyết định chưa phải là tối ưu hoặc thậm chí phi lý. Kết luận này không gây ngạc nhiên cho những người hiểu rõ về quá trình xử lý thông tin không chắc chắn của não bộ: rất nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ gần gũi giữa các bộ phận của não bộ có nhiệm vụ đánh giá các tình huống ngẫu nhiên và những bộ phận chi phối đặc trưng của con người, cái được coi là nguồn gốc cơ bản của sự phi lý – cảm xúc của chúng ta. Ví dụ, phương pháp cộng hưởng từ chức năng chỉ ra những rủi ro và phần thưởng được đánh giá bởi các bộ phận của hệ thống dopaminergic, một quy trình tưởng thưởng trong não quan trọng đối với các quá trình cảm xúc và thúc đẩy. Các hình ảnh cũng cho thấy hạch hạnh nhân, nơi xử lý cảm xúc ở não bộ, đặc biệt là sự sợ hãi, được kích hoạt khi chúng ta ra quyết định trong tình huống không chắc chắn.

Các cơ chế phân tích tình huống có sự ngẫu nhiên thực sự là sản phẩm phức tạp từ các nhân tố tiến hóa, cấu trúc não bộ, kinh nghiệm cá nhân, tri thức và cảm xúc. Trên thực tế, phản ứng của con người đối với sự không chắc chắn phức tạp đến mức đôi khi các cấu tạo khác biệt trong não dẫn tới những kết luận khác nhau và dường như phải đấu tranh để xác định kết luận trội hơn. Ví dụ, nếu cứ bốn lần ăn tôm thì ba lần mặt bạn bị sưng gấp năm lần bình thường, bán cầu não trái “lôgic” của bạn sẽ cố gắng tìm ra một khuôn mẫu. Bán cầu não phải “trực giác” của bạn, ngược lại, chỉ đơn giản nói “hãy tránh xa những con tôm”. Ít nhất đó là điều mà các nhà nghiên cứu tìm được sau các thử nghiệm ít đau đớn hơn. Thí nghiệm có tên là đoán xác suất. Thay vì sử dụng tôm và chất histamine, đối tượng được sử dụng lần này là các quân bài và ngọn đèn có hai màu xanh và đỏ. Những vật này được sắp xếp sao cho màu xuất hiện với các xác suất khác nhau nhưng phải theo quy luật nhất định. Ví dụ, màu đỏ xuất hiện hai lần liên tiếp với mật độ của màu xanh cũng vậy, kiểu như đỏ – đỏ – xanh – đỏ – xanh – đỏ – đỏ – xanh – xanh – đỏ – đỏ – đỏ… Sau khi quan sát, nhiệm vụ của người chơi là đoán xem màu tiếp theo xuất hiện sẽ là xanh hay đỏ. Trò chơi này có hai chiến lược cơ bản. Một là, luôn đoán màu tiếp theo sẽ là màu bạn thấy xuất hiện thường xuyên nhất. Đó là cách làm thường thấy ở chuột và các loại động vật không phải con người. Nếu chọn chiến lược này, bạn chắc chắn sẽ đúng ở một mức cụ thể nhưng đồng thời bạn cũng đang thừa nhận rằng mình sẽ không thể làm tốt hơn. Ví dụ, nếu màu xanh xuất hiện 75% tổng thời gian và bạn quyết định đoán là màu xanh, bạn sẽ có 75% cơ hội đoán đúng. Chiến lược khác là “kết hợp” tỷ lệ đoán màu xanh và màu đỏ với tỷ lệ màu xanh và màu đỏ bạn quan sát được trước đây. Nếu màu xanh và màu đỏ xuất hiện theo một quy luật nhất định, bạn có thể tìm ra quy luật, chiến lược này giúp bạn đoán đúng hoàn toàn. Nhưng nếu các màu xuất hiện ngẫu nhiên, tốt hơn hết bạn nên lựa chọn chiến lược đầu tiên. Trong trường hợp màu xanh xuất hiện ngẫu nhiên 75% tổng thời gian, chiến lược thứ hai sẽ giúp ta đoán đúng 6/10 lần.

Con người thường cố đoán quy luật, trong khi đối với vấn đề này, con chuột làm tốt hơn. Nhưng những người bị suy giảm thần kinh sau phẫu thuật – còn được gọi là người có não bộ phân tách split brain – ngăn cản sự giao tiếp giữa bán cầu não trái và phải. Nếu như thí nghiệm xác suất tiến hành với các bệnh nhân này cho thấy họ nhìn ánh đèn hoặc tấm card màu chỉ bằng mắt trái và chỉ sử dụng tay trái dự đoán, thì đó chẳng khác nào thí nghiệm với não phải. Nhưng nếu thí nghiệm được tiến hành chỉ sử dụng tay phải và mắt phải, thì đó là thí nghiệm về bán cầu não trái. Khi những nhà nghiên cứu tiến hành các thí nghiệm, họ nhận thấy – với cùng nhóm bệnh nhân – bán cầu não phải luôn chọn để đoán những màu xuất hiện thường xuyên hơn và bán cầu não trái luôn cố phán đoán theo quy luật.

Đưa ra những lựa chọn và đánh giá sáng suốt trong các tình huống không chắc chắn là một kỹ năng hiếm có. Nhưng cũng giống như bất cứ kỹ năng nào khác, nó có thể được nâng cao nhờ thực hành. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ khảo sát vai trò của sự tình cờ trong thế giới xung quanh ta, các quan điểm đã được phát triển qua hàng thế kỷ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều này, và các tác nhân khiến ta chệch hướng. Nhà triết học và toán học người Anh Bertrain Russell từng viết:

Tất cả chúng ta đều xuất phát từ “chủ nghĩa hiện thực chất phác”, nghĩa là vật chất là cái ta nhìn thấy. Ta nghĩ rằng cỏ màu xanh, đá thì cứng và tuyết thì lạnh. Nhưng vật lý học khẳng định rằng màu xanh của cỏ, tính cứng của đá, và cái lạnh của tuyết không phải là màu xanh của cỏ, tính cứng của đá, và cái lạnh của tuyết như cách chúng ta biết trong trải nghiệm của mình, mà là thứ gì đó rất khác”.

Trong các phần tiếp theo, chúng ta sẽ quan sát cuộc sống qua lăng kính ngẫu nhiên và thấy rằng nhiều điều trong cuộc sống không đơn giản như chúng ta vẫn thấy.

Năm 2002, Ủy ban Nobel đã trao giải Nobel Kinh tế cho nhà khoa học Daniel Kahneman. Ngày nay, các nhà kinh tế học làm tất cả mọi việc – họ giải thích tại sao giáo viên được trả lương thấp, tại sao các đội bóng lại rất đáng giá và tại sao chức năng cơ thể giúp hạn chế quy mô các trang trại lợn (một con lợn bài tiết nhiều gấp 3 đến 5 lần so với một người, do đó một trang trại nuôi hàng nghìn con có lượng chất thải lớn hơn các thành phố xung quanh). Mặc dù những nghiên cứu lớn đều được tiến hành bởi các nhà kinh tế học, nhưng giải Nobel 2002 rất đáng chú ý vì Kahneman không phải là một nhà kinh tế học. Ông là nhà tâm lý học, và trong hàng chục năm, cùng với Amos Tversky quá cố, Kahneman nghiên cứu và phân loại các dạng nhận thức sai lầm về xác suất đã tạo nên những ngụy biện thường gặp mà tôi sẽ kể tới trong cuốn sách này.

Thách thức lớn nhất khi tìm hiểu vai trò của xác suất trong đời sống là mặc dù các nguyên tắc xác suất cơ bản nảy sinh từ lôgic hàng ngày, nhưng những nguyên tắc này kéo theo rất nhiều hệ quả trong đó thể hiện tính phi trực giác. Chính nghiên cứu của Kahneman và Tversky được khích lệ bởi một sự kiện ngẫu nhiên. Vào giữa thập niên 1960, Kahneman, sau này là giáo sư tâm lý học cao cấp tại Đại học Hebrew, đồng ý làm một việc nhỏ không mấy hứng thú: giảng dạy cho một nhóm huấn luyện viên đội bay trong lực lượng không quân Israel về lẽ phải thông thường của việc thay đổi tập tính và các ứng dụng của nó tới tâm lý học đào tạo đội bay. Kahneman hướng tới luận điểm: khen thưởng những hành vi tích cực có tác dụng tốt nhưng trừng phạt các sai phạm thì không có hiệu quả. Một trong các học viên ngắt lời, phát biểu một ý kiến mà khiến Kahneman như được khai sáng và dẫn dắt nghiên cứu của ông trong hàng chục năm.

“Tôi thường khen ngợi nồng nhiệt những bài thao duyệt chỉn chu thế nhưng lần tới họ luôn làm sai,” huấn luyện viên đội bay nói. “Tôi đã từng la mắng học viên vì những động tác quá tồi, và lần tiếp theo phần lớn họ có tiến bộ. Do đó, không nên bảo tôi rằng khen thưởng thì hiệu quả mà trừng phạt thì không. Kinh nghiệm của tôi phủ nhận điều đó. “Những huấn luyện viên khác tán đồng với ý kiến này. Đối với Kahneman, những kinh nghiệm của các huấn luyện viên phản ánh đúng thực tế. Mặt khác, Kahneman tin vào những thí nghiệm trên động vật chứng tỏ khen thưởng hiệu quả hơn trừng phạt. Ông suy ngẫm về nghịch lý hiển nhiên đó. Và rồi ông nhận ra: sự la mắng xảy ra trước khi có sự tiến bộ, nhưng biểu hiện đó không phải là nguyên nhân của sự tiến bộ.

Sao có thể như vậy? Câu trả lời nằm trong một hiện tượng được gọi là hồi quy mức trung bình. Do đó, trong bất cứ chuỗi sự kiện ngẫu nhiên nào, một sự kiện khác thường chắc chắn sẽ bị sự kiện thông thường lấn át. Tất cả học viên phi công đều đủ năng lực để lái máy bay chiến đấu. Để nâng cao kỹ năng cho họ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và đòi hỏi luyện tập tổng thể. Mặc dù kỹ năng của họ có những tiến bộ dần dần trong quá trình đào tạo đội bay, ta cũng khó có thể thấy sự thay đổi rõ rệt trong từng người tập. Vậy nên, bất cứ kết quả luyện tập xuất sắc hay kém đa phần là do may mắn. Nếu một phi công tiếp đất xuất sắc – vượt hơn xa kết quả thường ngày của anh ta – thì sự chệnh lệch sẽ được thể hiện trong kết quả luyện tập ngày tiếp theo của anh ta gần hơn với mức chuẩn – đó là anh ta sẽ có kết quả kém hơn. Nếu huấn luyện viên khen ngợi anh ta, thì rõ ràng lời khen đó không hiệu quả. Nhưng nếu một phi công tiếp đất cực tồi – máy bay đáp trật ở cuối đường băng và đáp vào chum ngũ cốc của quán ăn tự phục vụ – thì sau đó sự khác biệt sẽ thể hiện trong kết quả luyện tập ngày tiếp theo để trở về mức chuẩn – đó là kết quả tốt hơn. Nếu huấn luyện viên quen la mắng “đồ tinh tinh vụng về” khi học viên thực hành kém, thì rõ ràng sự phê bình của anh ta đã có hiệu quả. Theo cách giải thích này, một quy luật sẽ hiện ra: học viên thực hành tốt, lời khen không có ích gì; học viên thực hành kém, huấn luyện viên so sánh học viên với loài linh trưởng bậc thấp, học viên tiến bộ. Các huấn luyện viên trong lớp của Kahneman đã đưa ra kết luận từ những kinh nghiệm như vậy để chứng tỏ sự mắng mỏ của họ là một công cụ giáo dục uy quyền. Trên thực tế, nó không tạo ra sự khác biệt nào cả.

Lỗi nhận thức này đã kích thích tư duy của Kahneman. Ông băn khoăn, liệu những quan niệm sai này có phổ quát không? Liệu chúng ta, cũng giống như các huấn luyện viên đội bay, có tin rằng phê bình gay gắt sẽ giúp cải thiện hành vi của con cái và hiệu quả làm việc của nhân viên? Liệu chúng ta có đánh giá sai khi gặp những tình huống không chắc chắn? Kahneman hiểu rằng, con người sử dụng các chiến lược chắc chắn để giảm thiểu sự phức tạp của nhiệm vụ đánh giá và việc nhận thức về các khả năng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Bạn có cảm thấy phát ốm sau khi ăn salad cá sống trông có vẻ ngon lành của những người bán dạo? Bạn không tỉnh táo quay lại tất cả những quầy ăn mà bạn đã từng tới, đếm số lần bạn uống Pepto-Bismol đêm trước, và đưa ra một con số ước lượng. Bạn để trực giác của bạn làm việc. Nhưng một nghiên cứu vào cuối những năm 1950 đầu thập niên 1960 cho biết trực giác của con người về xác suất khiến họ thất bại trong những tình huống này. Mức độ phổ biến của nhận thức sai về sự không chắc chắn này như thế nào? Và nó ảnh hưởng tới quá trình quyết định của con người như thế nào? Một vài năm trôi qua, Kahneman mời một đồng nghiệp, giáo sư Amos Tversky, thỉnh giảng tại một trong những buổi thảo luận của ông. Sau đó, trong bữa trưa, Kahneman trao đổi với Tversky về các ý tưởng đang hình thành của mình. Trong hơn 30 năm tiếp theo, Tversky và Kahneman nhận ra rằng thậm chí trong những vấn đề phức tạp, khi diễn qua quá trình ngẫn nhiên – trong quân sự, hoặc các tình huống thể thao, tình thế khó trong kinh doanh, hoặc các vấn đề y tế –niềm tin và trực giác của con người thường làm ta thất bại.

Giả sử bốn nhà xuất bản từ chối bản thảo tiểu thuyết ly kỳ của bạn về tình yêu, chiến tranh và vấn đề nóng lên toàn cầu. Trực giác và cảm giác khó chịu ở lõm thượng vị chỉ ra rằng sự từ chối của tất cả chuyên gia xuất bản đó đã chứng tỏ bản thảo của bạn không tốt. Nhưng liệu trực giác của bạn có đúng? Tiểu thuyết của bạn không thể bán được? Chúng ta đều học hỏi từ kinh nghiệm: nếu một vài lần tung đồng xu ngửa, thì không có nghĩa là đồng xu đó có hai mặt ngửa. Liệu việc xuất bản có thể thành công hay không? Không thể đoán trước được và thậm chí nếu tiểu thuyết của bạn dự tính nằm trong danh sách bán chạy nhất, thì rất nhiều nhà xuất bản cũng có thể bỏ lỡ điều đó và gửi những lá thư phúc đáp cám ơn nhưng xin từ chối. Một cuốn sách năm 1950 đã bị các nhà xuất bản từ chối với những bình luận như “rất tối tăm”, “một bản thảo ảm đạm về những phiền muộn lặt vặt gia đình điển hình và cảm xúc vị thành niên”, và “thậm chí nếu tác phẩm xuất hiện năm năm trước, khi chủ đề Chiến tranh thế giới II đang thịnh, tôi cũng chẳng nhìn thấy cơ hội nào cả.” Cuốn sách đó, Nhật ký Anne Frank, đã bán được 30 triệu bản, trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử. Thư từ chối cũng đã từng được gửi tới Sylvia Plath  bởi “không có tài năng gì nổi trội để chúng tôi chú ý cả,” tới George Orwell về cuốn Animal Farm (Trại súc vật) vì “không thể nào bán truyện về động vật ở Mỹ”, và tới Isaac Bashevis Singer vì “lại về Ba Lan và những người Do thái giàu có”. Trước khi thành công, hãng của Tony Hillerman đã bị chê bai và khuyên rằng ông “nên từ bỏ tất cả những thứ liên quan đến Ấn Độ.”

Đó không phải là những đánh giá sai duy nhất. Trên thực tế, rất nhiều cuốn sách có tiềm năng, đạt được thành công lớn phải vượt qua không chỉ một lời từ chối, mà bị từ chối liên tục. Ví dụ, ngày nay rất ít cuốn sách có sức hấp dẫn rõ ràng và phổ thông hơn các tác phẩm của John Grisham, Theodor Geises (Tiến sĩ Seuss), và J.K. Rowling. Tuy nhiên, các bản thảo họ viết trước khi nổi tiếng – cực kỳ thành công – đều liên tục bị từ chối. Bản thảo cuốn A Time to Kill (Đã đến lúc cần giết người) của Grisham bị 26 nhà xuất bản từ chối; cuốn thứ hai, The Firm (Hãng), thu hút sự chú ý của các nhà xuất bản chỉ sau khi một bản in lậu lưu hành tại Hollywood được trả 600.000 đô-la tiền bản quyền. Cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của tiến sĩ Seuss, And to Think That I Saw It on Mulberry Street (Hãy nghĩ rằng tôi nhìn thấy nó trên đường phố Mulberry), bị 27 nhà xuất bản từ chối. Và tập bản thảo Harry Porter đầu tiên của J.K. Rowling bị từ chối 9 lần. Và đây là mặt khác của đồng xu – mặt mà bất cứ ai trong kinh doanh cũng đều biết quá rõ: nhiều tác giả có tiềm năng nhưng chưa bao giờ thành công, như John Grisham bỏ cuộc sau 20 lần bị từ chối, hoặc J.K. Rowling bỏ cuộc sau khi bị từ chối 5 lần. Sau rất nhiều lần thất bại, một tác giả như John Kennedy Toole mất hy vọng xuất bản tiểu thuyết của mình và tự tử. Tuy nhiên, mẹ của anh đã giữ gìn bản thảo và 11 năm sau cuốn A Confederacy of Dunces (Một mảnh trò đời) được xuất bản và đoạt giải thưởng Pulitzer về tiểu thuyết viễn tưởng và bán được gần 2 triệu bản.

Luôn tồn tại một hố khổng lồ về tính ngẫu nhiên và không chắc chắn ngăn cách giữa việc viết nên một cuốn sách tuyệt vời – hoặc tạo ra món trang sức hay chiếc bánh quy phủ sôcôla vụn và sự hiện diện của hàng chồng lớn các bản in – hoặc các túi bánh phía trước hàng ngàn hiệu sách bán lẻ. Đó là lý do tại sao những người thành công trong mọi lĩnh vực là thành viên quen thuộc trong một tập hợp xác định – tập hợp những người không bao giờ bỏ cuộc.

Rất nhiều điều xảy ra với chúng ta – thành công trong sự nghiệp, trong đầu tư, trong các quyết định cuộc sống, cả lớn và nhỏ – chịu tác động của các nhân tố ngẫu nhiên cũng nhiều như chịu tác động của kỹ năng, sự sẵn sàng, và chăm chỉ. Do đó, chúng ta thừa nhận thực tế không phản ánh trực tiếp những con người hay những tình huống đằng sau nó mà phản ánh hình ảnh đã bị những tác động ngẫu nhiên của các nhân tố bên ngoài không đoán trước được, làm biến đổi. Điều này cũng không có nghĩa là hạ thấp khả năng – đó là một trong những nhân tố làm gia tăng cơ hội thành công – nhưng mối quan hệ giữa hành động và kết quả không thực sự trực tiếp như chúng ta từng tin. Do vậy, quá khứ không dễ gì hiểu được, cũng như tương lai không dễ đoán trước, và trong các doanh nghiệp chúng ta kiếm lời từ việc nghiên cứu sâu hơn những giải thích bề ngoài.

CHÚNG TA CÓ THÓI QUEN ĐÁNH GIÁ NHỮNG TÁC ĐỘNG của tính ngẫu nhiên. Những tay môi giới chứng khoán khuyên chúng ta đầu tư vào sàn chung của Mỹ Latinh với mục tiêu “đánh tụt quần các sàn nội địa” trong năm năm vận hành. Bác sỹ của bạn quy sự gia tăng chỉ số triglyceride  trong máu là do thói quen ăn bánh Hostess Ding Dong  với sữa sau khi buộc bọn trẻ ăn sáng với xoài và sữa chua không béo. Chúng ta có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận lời khuyên của người môi giới chứng khoán hay bác sỹ, nhưng rất ít người đặt câu hỏi liệu anh ta/cô ta có đủ cơ sở để đưa ra lời khuyên đó? Trong giới chính trị, giới kinh tế và giới doanh nghiệp – thậm chí khi sự nghiệp và hàng triệu đô-la đang lâm nguy – rõ ràng các sự kiện tình cờ thường được hiểu sai thành sự thất bại hoặc thành công.

Hollywood là một minh họa rõ ràng. Liệu các phần thưởng (hoặc hình phạt) trong trò chơi Hollywood có xứng đáng? Hoặc liệu vận may có đóng vai trò quan trọng trong thành công (hay thất bại) hơn hình tượng con người? Chúng ta đều hiểu rằng thiên tài không đảm bảo cho sự thành công, nhưng có thể khẳng định thành công phải xuất phát từ thiên tài. Tuy nhiên, không ai biết trước một bộ phim sẽ thành công hay thất bại, do vậy đó là sự ngờ vực không thoải mái ở Hollywood ít nhất từ khi William Goldman, tiểu thuyết gia và cũng là nhà biên kịch, thổ lộ trong cuốn Advantures in the Screen Trade (Những cuộc phiêu lưu trên thương trường màn ảnh) năm 1983. Trong cuốn sách này, Goldman trích lời của nguyên giám đốc điều hành xưởng phim David Picker: “Nếu tôi nói ‘đồng ý’ với tất cả các dự án tôi đã gạt bỏ, và nói ‘không’ với tất cả dự án tôi đã thông qua, thì kết quả cũng sẽ y như vậy.”

Tất nhiên, không thể nói bất cứ bộ phim kinh dị tự quay nào cũng có thể thành công dễ dàng như phim Exorcist: The Beginning (Thầy phù thủy), bộ phim có chi phí tới 80 triệu đô-la. Tuy nhiên, điều này đã xảy ra vài năm trước với bộ phim The Blair Witch Project (Truy tìm phù thủy Blair): các nhà làm phim đã phải bỏ ra khoảng 60.000 đô-la nhưng bù lại họ thu về 140 triệu đô-la từ việc bán vé – gấp ba lần doanh thu của Exorcist. Nhưng đó vẫn không phải là điều Goldman đang nói tới. Ông chỉ ám chỉ những bộ phim Hollywood được làm chuyên nghiệp với các giá trị đủ để đưa bộ phim tới nhà phân phối đáng tin cậy nhất. Và Goldman không phủ nhận rằng có các lý do làm cho những phòng vé hoạt động hiệu quả. Nhưng ông cũng nói rằng những lý do đó rất phức tạp và con đường từ khi bắt tay vào sản xuất tới tuần lễ khai mạc phim chịu những tác động khó lường trước khó kiểm soát và điều này sẽ điều chỉnh hướng phán đoán về tiềm năng của một bộ phim chưa làm xong hệt như tung một đồng xu.

Những ví dụ về các vấn đề không thể dự đoán của Hollywood rất dễ tìm. Những người hâm mộ điện ảnh sẽ nhớ những kỳ vọng của hãng phim dành cho Ishtar thất bại thảm hại (diễn viên Warren Beatty + diễn viên Dustin Hoffman + ngân sách 55 triệu đô-la = 14 triệu đô-la doanh thu bán vé) và phim Last Action Hero (Arnold Schwarzenegger + 85 triệu đô-la = 50 triệu đô-la). Mặt khác, bạn có thể nhớ lại những ngờ vực nghiêm trọng của ban quản trị Universal Studio đối với đạo diễn George Lucas của phim American Graffiti, với số vốn đầu tư ít hơn 1 triệu đô-la. Bất chấp sự hoài nghi đó, bộ phim thu được 115 triệu đô-la, nhưng vẫn không khiến họ thôi nghi ngờ về các ý tưởng tiếp theo của Lucas. Ông dựng phim phỏng theo truyện Adventures of Luke Starkiller từ tạp chí The Journal of the Whills. Hãng Universal cho rằng nó không thể sinh lời. Cuối cùng, hãng 20th Century Fox đã làm bộ phim này, nhưng sự tin tưởng của nhà sản xuất vào dự án chỉ tới đó: hãng trả Lucas 200.000 đô-la để viết kịch bản và chỉ đạo; đổi lại, Lucas nhận quyền thương mại đối với tác phẩm. Cuối cùng, bộ phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) thu được 461 triệu đô-la từ số tiền đầu tư là 13 triệu đô-la, và Lucas đã có cả một đế chế của riêng mình.

Phải nói rằng các quyết định thông qua được đưa ra nhiều năm trước khi một bộ phim hoàn thành và các bộ phim chịu tác động bởi nhiều nhân tố không thể đoán trước nảy sinh trong thời gian sản xuất và tiếp thị, không đề cập tới những thị hiếu khó hiểu của khán giả, giả thuyết của Goldman dường như không hoàn toàn cường điệu. Đó cũng là một trong những lý thuyết phù hợp với nhiều nghiên cứu kinh tế gần đây. Mặc dù vậy, giám đốc của các hãng phim không bị đánh giá về kỹ năng quản lý kiểu bánh mì và bơ – đây là những kỹ năng thiết yếu đối với cả ban giám đốc của tập đoàn thép Mỹ lẫn ban giám đốc của hãng Paramount Pictures. Thay vào đó, họ bị đánh giá bởi khả năng chọn lọc những bộ phim thành công. Nếu Goldman đúng, khả năng đó chỉ là ảo ảnh, và thậm chí anh ta/cô ta có khoác lác đến đâu thì cũng không có giám đốc nào xứng đáng với hợp đồng 25 triệu đô-la đó.

Quyết định quan tâm tới kết quả phải dựa trên kỹ năng và quyết định quan tâm tới vận may thì dựa trên trí tuệ. Các sự kiện ngẫu nhiên xảy ra giống như các quả nho khô trong hộp – kết thành từng đám, từng cục và từng dải. Và mặc dù vận may tiềm năng luôn công bằng; nhưng vận may không công bằng trong kết quả. Điều đó có nghĩa rằng nếu cứ 1 trong 10 giám đốc của Hollywood tung 10 đồng xu, mặc dù mỗi người đều có cơ hội như nhau để trở thành người thắng hoặc người thua, thì cuối cùng sẽ luôn có người thắng và kẻ thua. Trong ví dụ này, cơ hội là 2/3, ít nhất một trong số các giám đốc sẽ ghi được 8 điểm hoặc nắm chắc phần thắng hoặc phần thua.

Tưởng tượng rằng, George Lucas làm phim Star Wars và trong một cuộc điều tra thị trường ông quyết định tiến hành một thử nghiệm điên khùng. Ông cho ra bộ phim bản sao dưới 2 tên: Chiến tranh giữa các vì sao: Episode A (Phiên bản A) và Star Wars: Episode B (Phiên bản B). Mỗi phim có chương trình quảng cáo và lịch trình chiếu riêng với những chi tiết giống hệt nhau ngoại trừ các đoạn phim chiếu thử và quảng cáo cho một phim gọi là Phiên bản A và phim kia gọi là Phiên bản B. Giờ đây chúng ta có một cuộc tranh luận. Phim nào sẽ nổi tiếng hơn? Chúng tôi điều tra 20.000 khán giả đầu tiên và ghi lại bộ phim họ chọn (lờ đi những người hâm mộ bảo thủ, những người sẽ đi xem cả hai phim và khăng khăng rằng có gì đó tương tự nhưng ý nghĩa thì khác hẳn giữa hai phim). Do nội dung các bộ phim và chiến dịch quảng cáo giống hệt nhau, chúng ta có thể lập mô hình toán trò chơi theo cách: giả sử ta xếp tất cả khán giả thành một hàng và lần lượt từng người tung đồng xu. Nếu đồng xu ngửa, anh ta/cô ta sẽ xem Phiên bản A; nếu đồng xu sấp, đó là Phiên bản B. Do đồng xu tạo ra cơ hội bằng nhau theo cả hai cách, có lẽ trong cuộc chiến bán vé này mỗi phim sẽ dẫn đầu một nửa thời gian. Nhưng toán xác suất nói ngược lại: số lần thay đổi vị trí dẫn đầu chắc chắn là 0, và xác suất một trong hai bộ phim sẽ dẫn đầu trong suốt quá trình 20.000 khán giả lựa chọn gấp 88 lần cách nói vị trí dẫn đầu sẽ thay đổi liên tục như chơi bập bênh. Ở đây, không phải là không có sự khác biệt giữa các bộ phim mà một số phim sẽ đạt kết quả tốt hơn mặc dù tất cả đều giống hệt nhau.

Những vấn đề như vậy không được bàn tại hội nghị của công ty, cũng như tại Hollywood, hoặc bất kỳ nơi nào. Do vậy, các quy luật xác suất thông thường – vận đỏ hoặc đen hoặc các cụm thông tin – luôn bị hiểu sai, và tệ hơn, bị đối xử như thể chúng tượng trưng cho một xu hướng mới.

Một trong những ví dụ có hồ sơ dày nhất về sự đề cao và truất ngôi ở Hollywood hiện đại là trường hợp của Sherry Lansing – người điều hành hãng phim Paramount gặt hái thành công rực rỡ trong nhiều năm. Dưới thời Lansing, Paramount giành giải Bộ phim hay nhất cho tác phẩm Foresst Gump, Braveheart, Titanic và ghi nhận hai năm doanh thu cao nhất trong lịch sử. Sau đó, danh tiếng của Lansing đột nhiên xuống dốc, và bà bị loại sau khi Paramount nếm trải “thời gian dài ế ẩm tại phòng vé”, như tờ Variety đăng tải.

Trong toán học, có cả bài giải dài và ngắn cho số phận của Lansing. Trước hết, câu trả lời ngắn. Hãy nhìn dãy số: 11,4%; 10,6%; 11,3%; 7,4%; 7,1%; 6,7%. Bạn có nhận ra điều gì? Sếp của Lansing, Sumner Redstone, cũng vậy và đối với ông ta xu hướng rất quan trọng, sáu con số đó tượng trưng cho thị phần nhóm Phim điện ảnh của Paramount trong 6 năm cuối cùng mà Lansing giữ chức. Xu hướng này khiến tờ Business Week nói rằng Lansing “đơn giản không còn là bàn tay vàng của Hollywood nữa”. Chỉ vài tháng sau khi Lansing thông báo bà sẽ ra đi, một tài năng quản lý mang tên Brad Grey nhậm chức.

Làm sao một thiên tài lãnh đạo công ty trong suốt 7 năm thành công và sau đó lại thất bại chỉ sau một đêm? Có hàng loạt lý thuyết giải thích sự thành công trước đây của Lansing. Nếu như Paramount đang làm ăn tốt, Lansing được tán dương vì đã khiến công ty trở thành xưởng phim vận hành tốt nhất Hollywood và sự khéo léo của bà đã biến những câu chuyện thông thường thành những quả bom tấn 100 triệu đô-la. Khi vận mệnh của bà thay đổi, những người theo chủ nghĩa xét lại tiếp quản. Thiên hướng làm lại những bộ phim và cốt truyện đã thành công của bà trở thành điểm yếu. Hầu hết những lời chê bai tập trung vào “thất bại là do sở thích ôn hòa của cô ta”. Bà giờ đây bị trách cứ vì “bật đèn xanh” cho những phân khúc bán vé như Timeline (Dòng thời gian) và Lara Croft Tomb Raider: The Cradle of Life (Bí mật ngôi mộ cổ). Đột nhiên có những quan điểm cho rằng Lansing không thích rủi ro, lạc hậu và đi lệch xu hướng. Nhưng liệu bà có đáng bị chỉ trích vì nghĩ rằng tác phẩm bán chạy của Michael Crichton sẽ hứa hẹn thành kịch bản phim? Và đâu ra những lời phê bình cho tất cả các phim về Lara Croft khi mà tập phim đầu tiên Tomb Raider doanh thu đạt 131 triệu đô-la?

Thậm chí, nếu các quan điểm về hạn chế của Lansing hợp lý, hãy suy nghĩ làm sao sự lụi tàn của bà lại xảy ra nhanh chóng đến thế? Bà đã trở nên sợ sệt mạo hiểm và lạc thời lạc thế chỉ sau một đêm? Bởi vì thị phần của hãng phim Paramount tụt xuống bất ngờ. Năm nay, Lansing đang ở đỉnh cao; nhưng năm tiếp theo bà xuống dốc và trở thành lời thoại chọc cười của những kẻ tấu hài đêm khuya. Sự thay đổi vận mệnh này có thể hiểu được nếu, giống như những người khác ở Hollywood, bà cảm thấy chán nản sau khi ly dị, phải ra tòa vì tội tham ô, hay tham gia một giáo phái tôn giáo nào đó. Nhưng mọi chuyện lại không như thế. Và chắc chắn bà cũng không chịu ảnh hưởng về não bộ nào. Manh mối duy nhất những kẻ chỉ trích Lansing có thể đưa ra để lý giải cho những sai-lầm-mới-bị-phát-hiện của bà, thực ra lại chỉ là những sai lầm mới-được-phát-hiện mà thôi.

Sau này, người ta nhận ra rằng, rõ ràng Lansing hiểu biết sai lầm về ngành điện ảnh tính ngẫu nhiên chứ không phải vì việc ra quyết định thiếu hoàn hảo của bà: các phim của Paramount trong năm tiếp đã đưa vào giai đoạn vận chuyển được khi Lansing rời khỏi. Do vậy, nếu chúng ta muốn biết đại khái Lansing sẽ làm ăn ra sao nếu bà giữ được vị trí của mình, chúng ta cần phải xem những số liệu sau khi bà đi. Với những phim như War of the Worlds và The Longest Yard, Paramount đã có một mùa hè tuyệt vời nhất trong thập kỷ và thị phần hồi phục đến 10%. Đó phải là sự trớ trêu thuần túy – một lần nữa khía cạnh ngẫu nhiên đã tạo ra sự hồi quy về giá trị trung bình. Một bài có tựa, tờ Variety viết: “Những món quà chia tay: Những bộ phim của chế độ cũ giúp Paramount hồi phục,” nhưng không ai chịu nghĩ rằng nếu như Viacom (công ty mẹ của Paramount) kiên nhẫn hơn, tựa báo kia có thể đổi thành: “Năm kỷ lục đưa Paramount và sự nghiệp của Lansing trở lại đường đua.”

Sherry Lansing gặp vận may lúc đầu và vận rủi về cuối, nhưng mọi việc sẽ khác nếu bà có thể gặp vận rủi lúc ban đầu. Đó là chuyện xảy ra với người điều hành hãng Columbia Pictures – Mark Canton. Được mô tả là người am hiểu phòng vé và nhiệt tình ngay sau khi được tuyển dụng, ông bị sa thải sau vài năm đầu kết quả bán vé đáng thất vọng. Một đồng nghiệp không nêu tên chỉ trích ông là “thiếu năng lực nhận biết người thành công trong số những người thất bại” và người khác thì nói ông “quá bận làm đội trưởng đội cổ vũ”. Người đàn ông bị thất sủng này ra đi khi ông bắt tay đóng máy những bộ phim như Men in Black (doanh thu bán vé 589 triệu đô-la trên toàn thế giới), Air Force One (315 triệu đô-la), The Fifth Element (264 triệu đô-la), Jerry Maguire (274 triệu đô-la), và Anaconda (137 triệu đô-la). Như một tựa viết trên tờ Variety, gia tài phim của Canton là “bom tấn và đại bom tấn”.

Tuy nhiên, đó là Hollywood, một thành phố nơi Michael Ovitz làm chủ tịch Disney trong 15 tháng và sau đó ra đi với gói thanh toán hợp đồng 140 triệu đô-la và cũng là nơi mà giám đốc xưởng phim David Begelam bị Columbia Pictures sa thải vì giả mạo giấy tờ và biển thủ công quỹ, vài năm sau trở thành CEO của MGM. Nhưng chúng ta sẽ thấy trong các chương tiếp theo, vẫn những lỗi đánh giá sai lầm giống như lỗi đã làm điên đảo Hollywood lại tiếp tục khuấy đảo nhận thức con người trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Quan điểm của riêng tôi về những tác động ẩn của sự ngẫu nhiên nảy sinh ở trường đại học, khi tôi tham gia một khóa học về xác suất và bắt đầu áp dụng các nguyên lý của nó vào thế giới thể thao. Rất dễ làm bởi, giống như trong ngành điện ảnh, đa số thành công trong thể thao có thể dễ dàng định lượng và các số liệu luôn có sẵn. Tôi phát hiện ra đó chỉ là những bài học về tính kiên trì, thực tế và làm việc nhóm mà chúng ta học được trong thể thao đều có thể áp dụng được trong các khía cạnh của cuộc sống, các bài học về tính ngẫu nhiên cũng như vậy. Và do vậy, tôi tiến hành kiểm tra một câu chuyện về hai cầu thủ bóng chày nhà nghề, Roger Maris và Mickey Mantle, một câu chuyện chứa đựng cả một bài học cho tất cả chúng ta, thậm chí với những người không biết phân biệt bóng chày với bóng bàn.

Năm 1961, tôi còn rất nhỏ, nhưng tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt của Maris và đồng đội còn nổi tiếng hơn của anh ở New York Yankees là Mantle, trên bìa tạp chí Life. Hai cầu thủ bóng chày này tham gia một cuộc đua lịch sử nhằm phá kỷ lục năm 1927 của thần tượng Babe Ruth với 60 cú home run (cú đánh cho phép người đánh chạy quanh ghi điểm mà không phải dừng lại) một năm. Đó là khoảng thời gian lý tưởng khi thi thoảng giáo viên của tôi nói những điều kiểu như “chúng ta cần thêm những anh hùng như Babe Ruth”, hoặc “chúng ta chưa bao giờ có một Tổng thống nhỉ”. Bởi truyền thuyết về Babe Ruth được tôn thờ, bất cứ ai muốn thách thức tốt nhất phải là người xứng đáng. Mantle, một cầu thủ có thâm niên, dũng cảm, là người đã chiến đấu ngay cả khi bị chấn thương đầu gối, là cơn gió thổi bùng ngọn lửa ham muốn áp đảo. Là một đồng đội ưu nhìn và tốt bụng, Mantle giống như kiểu mẫu nam nhi địa diện cho nước Mỹ mà ai cũng hy vọng sẽ lập nên các kỷ lục. Ngược lại, Maris là một cầu thủ cộc cằn, cá nhân, một người luôn lép vế, chưa bao giờ chơi được 39 cú home run trong một năm, kém hơn nhiều so với kỷ lục 60 cú. Anh dường như là người cáu kỉnh, kiểu người không cởi mở và không thích trẻ con. Tất cả mọi người đều cổ vũ cho Mantle. Tôi, ngược lại, thích Maris.

Kết quả, Mantle phá kỷ lục của chính mình, anh ghi được 54 cú home run. Maris phá kỷ lục của Ruth với 61 cú. Trong suốt sự nghiệp của mình, Babe Ruth đã 4 lần đánh được nhiều hơn 50 cú home run trong một mùa và 12 lần đánh được nhiều hơn bất cứ ai trong mùa giải. Maris chưa bao giờ đánh được 50 hoặc thậm chí 40 cú và chưa bao giờ dẫn đầu mùa giải. Kết quả tổng thể đó đã nuôi dưỡng sự phục hận. Nhiều năm qua đi, Maris bị chỉ trích kịch liệt từ người hâm mộ, các phóng viên thể thao, và đôi khi cả các cầu thủ khác. Họ phán xét: anh ta bị bóp nát dưới sức ép trở thành nhà vô địch. Một vậnđộng viên bóng chày kỳ cựu nổi tiếng đã nói, “Maris không có quyền phá kỷ lục của Ruth”. Đó có thể là sự thật, nhưng không phải vì lý do như cựu vận động viên đó nghĩ.

Nhiều năm sau, do tác động của khóa học về toán học trong trường đại học, tôi thử suy nghĩ về thành công của Maris theo chiều hướng mới. Để phân tích cuộc đua giữa Maris và Mantle, tôi đọc lại bài báo cũ trên tờ Life và tìm thấy một thảo luận ngắn về lý thuyết xác suất và cách vận dụng xác suất để đoán kết quả trong cuộc đua giữa Maris và Mantle. Tôi quyết định tự xây dựng bài toán về cú home run ghi điểm. Và đây: hiển nhiên kết quả của bất cứ cầu thủ nào tại vị trí quan trọng đó (nghĩa là cơ hội thành công) đều phụ thuộc chủ yếu vào tài năng của cầu thủ. Nhưng nó cũng còn phụ thuộc vào sự can thiệp của nhiều nhân tố khác như sức khỏe, sức gió, mặt trời, hoặc ánh đèn sân vận động, chất lượng của cú ném mà anh ta nhận được, tình trạng trận đấu, liệu anh ta có đoán chính xác người ném sẽ ném như thế nào; liệu tay và mắt của cầu thủ có phối hợp hoàn hảo khi anh ta nhún người vung chày; liệu cô nàng da nâu ở quán bar tối qua đã giữ chân anh ta quá muộn hoặc chiếc xúc xích pho mát ớt với tỏi chiên mà anh ta ăn sáng có đang sôi lên trong dạ dày không. Nếu không thì, nhờ tất cả những nhân tố không đoán trước được đó, một cầu thủ hoặc sẽ đánh được cú home run mỗi khi vào vị trí hoặc sẽ luôn đánh trượt. Thay vào đó, mỗi khi vào vị trí tất cả những điều bạn có thể nói là anh ta có xác suất xác định đánh trúng cú home run và xác suất xác định sẽ đánh trượt. Trong hàng trăm lần vào vị trí mỗi năm, các nhân tố ngẫu nhiên này đưa đến số trung bình và đem lại số cú home run tăng lên khi cầu thủ có kỹ thuật tốt hơn và cuối cùng giảm dần khi những nếp nhăn hằn trên khuôn mặt đẹp trai của anh ta. Nhưng đôi khi các nhân tố ngẫu nhiên không lấy giá trị trung bình. Việc đó có hay xảy ra không? Và sai số là bao nhiêu?

Từ các thống kê hàng năm về cầu thủ này, bạn có thể tính được xác suất đánh trúng cú home run trong mỗi lần đánh. Năm 1960, năm trước khi ghi được kỷ lục, Roger Maris ghi được một cú home run trên 14,7% cơ hội (bằng với kết quả đánh home run trung bình trong 4 năm của anh ta). Hãy gọi kết quả đánh bóng đó là Maris thông thường. Bạn có thể xây dựng mô hình kỹ năng đánh home run của Maris thông thường như sau: giả sử một đồng xu ngửa trung bình không phải một lần trong hai lần tung mà là một lần trong 14,7 lần tung. Do đó, tung đồng xu đó một lần mỗi khi đến lượt và tặng cho Maris một cú home run mỗi khi đồng xu ngửa. Nếu bạn muốn khớp với mùa giải năm 1961 của Maris, bạn tung đồng xu theo số lần anh ta có cơ hội đánh home run năm đó. Bằng phương pháp này, bạn có thể tạo ra toàn bộ diễn biến mùa giải 1961 mà trình độ kỹ năng của Maris thể hiện số lượng cú home run của Maris thông thường. Các kết quả của những mùa giải giả này minh họa cho thành quả mà Maris chuẩn đáng lẽ đã đạt được trong năm 1961 nếu như tài năng của anh ta không bất ngờ thăng hoa – nghĩa là kết quả thật bằng khả năng đánh home run của Maris chuẩn cộng với hiệu quả của vận may.

Để tiến hành thành công cuộc khảo sát này, tôi sẽ cần một đồng xu khá lạ, một cổ tay khá khỏe, và đợt nghỉ phép trường. Trong thực tế, toán xác suất cho phép tôi thực hiện phân tích nhờ vào các phép toán và máy tính. Trong đa số các giải đấu năm 1961 theo tưởng tượng của tôi, kết quả đánh home run của Maris chuẩn ngang bằng với kết quả Maris thường gặp. Trong một số mùa giải giả tưởng anh ta đánh được ít hơn một chút, hoặc nhiều hơn một chút. Hiếm mùa giải anh ta đánh được nhiều hơn hoặc ít hơn hẳn. Với tài năng của Maris thông thường, tần suất anh ta đánh được bằng kết quả của Ruth là bao nhiêu?

Tôi đã từng kỳ vọng các cơ hội mà Maris chuẩn phá được kỷ lục của Ruth bằng với số cơ hội của Jack Whittaker khi anh ta bỏ thêm 1 đô-la khi mua bánh quy ăn sáng tại một cửa hàng tiện dụng vài năm trước và sau đó thắng 314 triệu đô-la trong giải xổ số Powerball của bang. Các cơ hội của những cầu thủ kém tài năng hơn nên như vậy. Nhưng Maris chuẩn, không phải Ruthian, vẫn vượt mức trung bình về đánh home run nhiều. Và do đó, xác suất Maris chuẩn lập kỷ lục thật tình cờ là không hề nhỏ: anh ta có thể đạt được hoặc phá kỷ lục của Ruth 1 lần trong 32 mùa giải. Nghe không có vẻ là vụ cá cược tốt, và bạn đã không muốn cá cược về cả Maris lẫn năm 1961 nữa. Nhưng những vụ cá cược đó dẫn tới một kết luận rất ấn tượng. Để biết được lý do, ta hãy cùng trả lời một câu hỏi thú vị hơn. Giả sử tất cả cầu thủ đều có khả năng của Maris chuẩn và toàn bộ khoảng thời gian 70 năm kể từ khi Ruth lập kỷ lục tới khi bắt đầu “kỷ nguyên steroid” (khi mà các cú home run được dễ dàng thực hiện hơn do các cầu thủ sử dụng chất kích thích). Điều cần đánh cược là cầu thủ nào đó tại một thời điểm nào đó liệu có thể đạt được hoặc phá vỡ kỷ lục của Ruth một cách tình cờ không? Liệu có lý do để tin rằng Maris chỉ tình cờ trở thành người may mắn khác thường trong mùa giải đó không?

Lịch sử đã chỉ ra, trong giai đoạn đó, cứ ba năm thì lại có khoảng một cầu thủ cùng khả năng và cơ hội tương tự như khả năng và cơ hội của Maris chuẩn năm 1961. Khi bạn cộng tất cả vào, kết quả đưa ra xác suất xấp xỉ 50% thể hiện rằng chỉ do tình cờ một trong số các cầu thủ đó có thể đạt hoặc phá được kỷ lục của Ruth. Nói cách khác, trong suốt thời gian 70 năm cái đích ngẫu nhiên đạt được 60 home run trở lên đối với một cầu thủ luôn chỉ đánh được 40 home run mong đợi – một hiện tượng giống như tiếng tách tách lớn khi đường truyền điện thoại kém. Tất nhiên, cũng có thể dự đoán rằng chúng ta hoặc sẽ tôn trọng, hoặc gièm pha – và tất nhiên cả phân tích không ngừng – bất cứ ai trở thành người “may mắn”.

Chúng ta không bao giờ biết chắc chắn liệu Maris đã chơi tốt hơn hẳn trong mùa giải năm 1961 so với các mùa giải khác trong sự nghiệp bóng chày chuyên nghiệp của mình hay anh ta chỉ đơn thuần hưởng lợi từ vận may. Nhưng các nhà khoa học quá cố xuất sắc như Stephen Jay Gould và người đạt giải thưởng Nobel E. M. Purcell đã phân tích chi tiết về môn bóng chày cũng như các môn thể thao khác và chỉ ra rằng bài toán tung đồng xu như tôi đã trình bày rất phù hợp với hiệu quả thi đấu của cả cầu thủ và đội bóng trong thực tế, bao gồm cả vận đen và vận đỏ.

Khi chúng ta nghiên cứu các thành tích phi thường trong thể thao – hoặc bất cứ đâu – chúng ta nên nhớ kỹ các sự kiện phi thường có thể xảy ra mà không vì nguyên nhân khác thường nào cả. Các sự kiện ngẫu nhiên thường cũng giống như các sự kiện không hề ngẫu nhiên, và khi lý giải các sự vụ của con người chúng ta phải lưu ý không xáo trộn hai thứ đó. Mặc dù phải mất rất nhiều thế kỷ, nhưng cuối cùng các nhà khoa học đã hiểu được sâu xa hơn trật tự bên ngoài và nhận ra tính ngẫu nhiên ẩn trong tự nhiên và đời sống hàng ngày. Trong chương này, tôi đã trình bày một số nét sơ lược về các nghiên cứu đó. Trong các chương tiếp theo, tôi sẽ đi sâu vào các luận điểm trọng tâm về tính ngẫu nhiên trong từng bối cảnh lịch sử và mô tả sự liên quan của chúng với mục tiêu đưa ra một nhận thức mới về môi trường xung quanh chúng ta hàng ngày và từ đó đưa ra tri thức kết nối giữa khía cạnh nền tảng của tự nhiên và kinh nghiệm của chính chúng ta.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.