Khôn Ngoan Không Lại Với Giời

Lời nói đầu



Vài năm trước, một người đàn ông đã trúng sổ xố tại Tây Ban Nha với tấm vé có hai số cuối là 48. Tự hào với “thành quả”, anh ta đã tiết lộ bí mật đem lại sự giàu có cho mình. Anh ta nói: “Tôi nằm mơ thấy số 7 trong 7 đêm liền, 7 lần 7 chẳng phải là 48 sao?” Những người thuộc bảng cửu chương có lẽ đang cười thầm lỗi sai của người đàn ông này, nhưng tất cả chúng ta đã tự tạo cho mình quan điểm về thế giới và dùng quan điểm tự tạo đó để lọc, xử lý nhận thức, và cuối cùng lựa chọn ra ý nghĩa từ hàng ngàn những dữ liệu mà chúng ta tiếp nhận hàng ngày. Vì thế mà chúng ta cũng thường mắc những lỗi tương tự, mặc dù chúng có thể khó nhận biết hơn trường hợp của anh chàng này.

Trên thực tế, khả năng trực giác của con người không tương thích nhiều với các trường hợp liên quan tới sự không chắc chắn được biết đến vào đầu những năm 1930, khi các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng người ta không thể sắp xếp một dãy số mà bỏ qua phép thử tính ngẫu nhiên cũng như không chắc chắn rằng liệu dãy số đó có phải là một chuỗi ngẫu nhiên nào đó được đưa ra. Vài thập kỷ trước, một lĩnh vực học thuật mới xuất hiện nghiên cứu về cách con người đưa ra các đánh giá và quyết định trong trường hợp thiếu thông tin. Nghiên cứu này chỉ ra rằng khi có sự tình cờ, quá trình xử lý tư duy của con người thường có những thiếu sót nghiêm trọng. Quá trình này liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau, từ toán học đến các lĩnh vực khoa học truyền thống, từ tâm lý học nhận thức đến kinh tế học hành vi và thần kinh học. Mặc dù những nghiên cứu này được ghi nhận bằng một giải Nobel (về Kinh tế học), thì những bài học chủ đạo trong đó không hề được đúc rút từ các quan hệ học thuật tới tinh thần đại chúng. Cuốn sách này là một nỗ lực nhằm khắc phục tình trạng trên. Nó viết về các nguyên tắc chi phối sự ngẫu nhiên, quá trình phát triển của những nguyên tắc này và những tác động của chúng đối với lĩnh vực chính trị, kinh doanh, y tế, kinh tế, thể thao, giải trí cũng như các lĩnh vực đời sống khác của con người. Cuốn sách cũng trình bày cách thức và quá trình khiến chúng ta đưa ra những đánh giá sai lầm, những quyết định thiếu chính xác khi gặp phải tình huống ngẫu nhiên hoặc không chắc chắn.

Thông tin không đầy đủ thường đem lại những sự giải thích khác nhau. Đó là lý do tại sao chúng ta lại cần nỗ lực nhiều đến như vậy để xác nhận tình trạng nóng lên toàn cầu, tại sao có những loại thuốc điều trị đôi khi được tuyên bố là an toàn và sau đó lại bị cấm trên thị trường, và có lẽ đó cũng là lý do tại sao không phải mọi người đều đồng ý với quan điểm của tôi rằng sữa trứng khuấy là một phần không thể thiếu đối với khẩu phần ăn tốt cho tim mạch. Thật không may, sự giải thích gây nhầm lẫn về thông tin đã đem lại nhiều hệ quả tiêu cực. Ví dụ, bác sỹ và bệnh nhân thường hiểu nhầm các thống kê liên quan tới hiệu quả của thuốc và ý nghĩa của những xét nghiệm y tế quan trọng. Phụ huynh, giáo viên và học sinh hiểu nhầm tầm quan trọng của những kỳ kiểm tra như SAT, và những người sành rượu thường mắc sai lầm khi đánh giá về rượu. Các nhà đầu tư đưa ra những kết luận không hiệu lực từ kết quả hoạt động của ngân sách chung.

Trong thể thao, chúng ta đã tạo nên một nền văn hóa dựa trên những cảm giác trực giác tương quan. Sự thành bại của một đội phần lớn dựa vào khả năng của huấn luyện viên. Do đó, khi đội thua, huấn luyện viên thường bị sa thải. Những phân tích toán học về những vụ sa thải trong thể thao đã chỉ ra rằng: bình quân, những vụ sa thải này không ảnh hưởng đến hiệu quả thi đấu của đội. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra trong giới kinh doanh. Ở đây, các CEO được coi là người nắm giữ sức mạnh siêu nhân, có thể xây dựng hoặc làm phá sản công ty. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, ví dụ đối với Kodak, Lucent, Xerox và các công ty khác, thực tế sức mạnh đó chỉ là hão huyền. Ví dụ, trong những năm 1990, khi Gary Wendt điều hành GE Capital Services dưới quyền Jack Welch, ông được coi là một trong những doanh nhân sáng giá nhất nước Mỹ. Wendt đánh cuợc danh tiếng của mình vào 45 triệu đô-la lợi nhuận khi được thuê điều hành Công ty tài chính Conseco đang khó khăn. Các nhà đầu tư đều thấy rõ những khó khăn của Conseco dần được giải quyết; với sự dẫn dắt của Wendt, cổ phiếu của công ty tăng gấp ba lần trong vòng một năm. Nhưng hai năm sau, khi Wendt đột ngột từ chức, Conseco bị phá sản và phải bán toàn bộ cổ phiếu. Nhiệm vụ của Wendt bất khả thi? Wendt bất cẩn trong quá trình làm việc? Hay những thành công của ông dựa trên những giả thuyết chưa rõ ràng, ví dụ như một giám đốc có đầy đủ khả năng chèo lái một công ty hay một thành công của một cá nhân đơn lẻ trong quá khứ sẽ là kim chỉ nam tin cậy cho thành công tương lai? Dù là trường hợp cụ thể nào đi nữa, không một ai có thể tự tin trả lời mà không kiểm tra tường tận nguồn gốc của vấn đề. Vài ví dụ trong cuốn sách này sẽ minh họa cho điều tôi dẫn ra, nhưng quan trọng hơn, tôi sẽ đưa ra các công cụ cần thiết để xác định “dấu chân” của sự tình cờ.

Đi ngược lại trực giác của con người là một việc khó khăn. Như chúng ta biết, trí não con người được tạo ra để xác định nguyên nhân mỗi sự kiện vì thế phải có thời gian để nó có thể chấp nhận được những ảnh hưởng của những nhân tố ngẫu nhiên hoặc không liên quan. Do đó, đầu tiên chúng ta phải hiểu rằng thành công hay thất bại đôi khi không xuất phát từ kỹ năng giỏi hay năng lực tuyệt vời, mà từ “các hoàn cảnh tình cờ”, như nhà kinh tế học Armen Alchian đã viết. Các quá trình ngẫu nhiên diễn ra rất tự nhiên và phổ biến trong đời sống hàng ngày của chúng ta, tuy nhiên đa số mọi người không hiểu hoặc không quan tâm nhiều tới chúng.

Trong cuốn sách này, độc giả sẽ thấy thuật ngữ “Bước đi ngẫu nhiên của kẻ say” xuất phát từ một thuật ngữ toán học mô tả chuyển động ngẫu nhiên, như hướng của các phân tử khi bay trong không gian, va chạm, và bị va chạm không ngừng bởi các phân tử xung quanh. Đó là một phép ẩn dụ cho cuộc sống của chúng ta, con đường của chúng ta từ trường học tới trường đời, từ cuộc sống độc thân tới cuộc sống gia đình, từ lỗ golf thứ nhất tới lỗ thứ 17. Đáng ngạc nhiên là công cụ để tìm hiểu bước chân của kẻ say cũng có thể sử dụng để phân tích các sự kiện hàng ngày. Cuốn sách này ra đời nhằm làm sáng tỏ vai trò của sự ngẫu nhiên trong thế giới xung quanh ta và chỉ ra cách chúng ta có thể nhận ra sự ngẫu nhiên trong công việc hay các lĩnh vực khác trong cuộc sống của chúng ta. Tôi hy vọng sau chuyến du hành vào thế giới ngẫu nhiên này, bạn đọc sẽ bắt đầu nhìn nhận cuộc sống bằng quan điểm khác, và thấu hiểu sâu sắc hơn thế giới hàng ngày.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.