Khôn Ngoan Không Lại Với Giời
Chương 10: Bước đi ngẫu nhiên của kẻ say
Năm 1814, gần với đỉnh cao của những thành công về những lý thuyết vật lý Newton, Pierre-Simon de Laplace đã viết:
“Nếu một trí tuệ nào đó, ở một thời điểm nào đó, biết được tất cả những tác động chi phối tự nhiên và vị trí của các phần tử cấu tạo nên nó; hơn nữa, nếu trí tuệ này đủ tuyệt vời để có thể phân tích những dữ liệu đưa ra, nó có thể khái quát một công thức về những chuyển động của các vật thể lớn nhất trong vũ trụ và cả của những nguyên tử dù là nhỏ nhất; với trí tuệ này, sẽ không còn điều gì mơ hồ, tương lai cũng như quá khứ, tất cả đều hiển hiện trước mắt”.
Laplace đang thể hiện quan điểm gọi là thuyết định luận: Chính tình trạng hiện tại của Trái đất sẽ quyết định một cách chính xác dáng vẻ tương lai của nó.
Trong cuộc sống hàng ngày, thuyết định luận thường hàm ý một thế giới mà ở đó phẩm chất cá nhân và mọi thuộc tính của bất kỳ tình huống hoặc môi trường nào cũng sẽ trực tiếp dẫn đến những hậu quả nhất định. Đó là một thế giới có trật tự, nơi mà mọi thứ đều có thể được nhìn thấy, được tính toán, định liệu trước. Nhưng giấc mơ của Laplace phải đáp ứng một số điều kiện nhất định để trở thành hiện thực. Đầu tiên, các quy luật tự nhiên phải định ra một tương lai xác định, và tất cả chúng ta phải biết về quy luật đó. Thứ hai, chúng ta phải có khả năng tiếp nhận những dữ liệu để mô tả một cách hoàn hảo về hệ thống, không cho phép có bất kỳ tác lực bất ngờ nào. Sau cùng, khi đã có được những dữ liệu về hiện tại, chúng ta phải hội tụ đủ trí thông minh hoặc khả năng tính toán để có thể xác định, những điều mà các định luật cho rằng tương lai sẽ nắm giữ. Trong cuốn sách này, chúng tôi đã nghiên cứu khá nhiều khái niệm hỗ trợ nắm bắt những sự việc ngẫu nhiên của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng có thể trang bị cho mình cái nhìn sâu sắc về sự đa dạng của những tình huống cụ thể trong đời sống. Tuy nhiên vẫn còn vấn đề chính, đó là câu hỏi về sự ngẫu nhiên quan trọng với vị thế cuộc đời như thế nào và khả năng chúng ta dự đoán phương hướng của mình tốt tới đâu.
Trong các nghiên cứu về những vấn đề của con người từ cuối thời kỳ Phục Hưng cho đến Victoria, rất nhiều học giả có cùng quan điểm với Laplace về thuyết tiền định. Cũng như Galton, họ cảm rằng con đường mỗi người chọn trong cuộc sống sẽ được quyết định bởi những phẩm chất cá nhân, hoặc như Quételet, họ tin rằng tương lai của xã hội là thứ có thể tiên đoán được. Thông thường, nguồn cảm hứng của họ xuất phát từ các lý thuyết vật lý Newton, và hết sức tin tưởng rằng có thể dự báo được hành vi của con người chính xác như các hiện tượng tự nhiên khác. Họ thấy khá hợp lý khi những sự kiện của thế giới trong tương lai cần phải được quyết định một cách chặt chẽ bởi tình trạng hiện tại của mọi vấn đề, giống như quỹ đạo của các hành tinh vậy.
Trong những năm 1960, nhà khí tượng học Edward Lorenz đã tìm ra cách sử dụng công nghệ mới nhất – dàn máy tính sơ khai – để thực hiện chương trình của Laplace trong điều kiện thời tiết giới hạn. Điều đó có nghĩa là, nếu Lorenz cung cấp cho dàn máy ồn ào của ông ta những dữ liệu cần thiết về điều kiện bầu khí quyển lý tưởng của trái đất tại một thời điểm cụ thể, nó sẽ sử dụng những quy luật đã biết về khí tượng học để tính toán và cho ra những dãy số đại diện cho các điều kiện của thời tiết trong tương lai.
Một hôm, Lorenz quyết định rằng ông muốn mở rộng một sự mô phỏng đặc biệt hơn nữa trong tương lai. Thay vì lặp đi lặp lại công việc tính toán tổng thể, ông quyết định đi tắt bằng cách bắt đầu ở giai đoạn giữa của quá trình. Để thực hiện được điều đó, ông làm việc trong lúc dữ liệu của những điều kiện ban đầu được đưa ra trong các mô phỏng trước đó. Ông dự kiến rằng chiếc máy tính sẽ phục hồi phần còn lại của những mô phỏng trước đó và sau đó sẽ tiếp tục tiến hành sâu hơn nữa. Tuy nhiên, ông lại nhận thấy có một điều rất lạ: thời tiết biến đổi khác thường. Thay vì sao chép kết quả của những mô phỏng trước, kết quả mới hoàn toàn khác. Vậy nên, ông đã sớm nhận ra rằng: trong bộ nhớ của máy tính, dữ liệu được lưu trữ đến sáu chữ số thập phân, nhưng ở trong kết quả mà máy in ra thì chỉ còn lại có ba. Và kết quả là, những dữ liệu mà ông đưa vào đã bị sai lệch đi chút ít. Ví dụ, những số như 0,293416 sẽ xuất hiện đơn giản là 0,293.
Các nhà khoa học thường cho rằng nếu tình trạng đầu tiên của một hệ thống bị thay đổi chút ít thì sự phát triển của hệ thống đó cũng phần nào bị biến đổi. Cuối cùng, các vệ tinh thu thập dữ liệu về thời tiết chỉ có thể đo được các thông số với hai hoặc ba chữ số thập phân, và thế là chúng sẽ không thể theo dõi được sự khác biệt nhỏ bé như giữa 0,293416 và 0,293. Nhưng Lorenz đã nhận ra rằng chỉ một sự khác biệt nhỏ như vậy cũng sẽ dẫn tới những sai lệch lớn trong kết quả. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng cánh bướm, dựa trên cách hàm ý rằng sự thay đổi rất nhỏ của không khí, có thể đã xuất hiện khi một con bướm vỗ cánh, nhưng rất có khả năng gây ra ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với thời tiết toàn cầu. Khái niệm này nghe qua có vẻ vô lý – tương đương với việc nhâm nhi thêm một cốc cà phê mỗi sáng sẽ dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của bạn. Nhưng thực chất điều này có xảy ra – ví dụ, nếu việc bạn dành thêm thời gian để cố có cuộc gặp gỡ tình cờ với người vợ tương lai của mình tại nhà ga xe lửa, hoặc tránh bị một chiếc xe đang nỗ lực vượt đèn đỏ đâm phải. Thực tế, bản thân câu chuyện của Lorenz chính là một ví dụ điển hình cho hiệu ứng cánh bướm, bởi nếu ông không đưa ra quyết định mở rộng phép tính toán bằng cách làm tắt, ông sẽ không bao giờ có thể phát hiện ra hiệu ứng cánh bướm, một khám phá làm khai sáng cả một lĩnh vực hoàn toàn mới của toán học. Nếu chúng ta nhìn lại một cách chi tiết các sự kiện chính trong cuộc sống, thì ta thường không nhận ra những sự kiễn ngẫu nhiên tưởng chừng như không hề quan trọng mà lại dẫn đến những thay đổi lớn.
Thuyết định luận về những vấn đề của con người, vì rất nhiều lý do, đã không thể đáp ứng được các yêu cầu cho việc dự đoán mà Laplace nhắc đến. Đầu tiên, theo những gì chúng ta được biết, xã hội không bị chi phối bởi những định luật cơ bản rõ ràng, chặt chẽ như trong vật lý. Thay vào đó, hành vi của con người không những không thể đoán biết trước được, mà như Kahneman và Tversky đã liên tục cho ta thấy rằng những hành vi đó thậm chí còn không hợp lý (theo nghĩa chúng ta hành động đi ngược lại với lợi ích của bản thân). Thứ hai, kể cả chúng ta có thể khám phá được các định luật về vấn đề của con người, giống như Quételet đã cố gắng làm, thì cũng sẽ không thể biết chính xác hoặc kiểm soát hoàn toàn được mọi tình huống trong cuộc sống. Cũng giống như Lorenz, chúng ta không thể thu thập được những dữ liệu cần thiết cho việc dự đoán. Và thứ ba, vấn đề của con người phức tạp đến nỗi chúng ta khó có thể thực hiện các phép tính cần thiết cho dù chúng ta biết được các định luật và xử lý được các dữ liệu. Kết quả là, thuyết định luận thực sự là một khuôn mẫu nghèo nàn đối với kinh nghiệm của con người. Hoặc giống như Max Born – một người từng đoạt giải Nobel – đã viết: “Sự ngẫu nhiên là một quan niệm mang tính nền tảng nhiều hơn quan hệ nhân quả.”
Trong nghiên cứu khoa học về cách thức ngẫu nhiên, bước đi của kẻ say giống như một nguyên mẫu. Trong cuộc sống hàng ngày, nó là một ví dụ thích hợp, giống như những hạt phấn hoa được thả trôi trong dung dịch Brown, chúng ta tiếp tục theo một hướng nhất định rồi sau đó lại bị đưa tới nơi khác bởi sự ngẫu nhiên. Kết quả là, mặc dù chúng ta có thể tìm thấy các quy tắc thống kê trong dữ liệu, nhưng không thể đoán trước được tương lai của từng cá nhân riêng biệt, và đặc biệt mỗi thành tích ta đạt được, công việc, bạn bè, tài chính của chúng ta phụ thuộc nhiều vào sự ngẫu nhiên hơn chúng ta vẫn tưởng. Trong những trang tiếp theo, tôi sẽ phân tích sâu hơn nữa, rằng tất cả mọi vật thể, ngoại trừ những cơ thể sống đơn giản nhất, đều không thể tránh được những tác động bất ngờ, không được dự đoán, hơn nữa những tác động ngẫu nhiên và phản ứng của chúng ta trước chúng chiếm phần lớn yếu tố cấu thành nên những ngả đường khác nhau trong cuộc sống. Tôi sẽ bắt đầu luận điểm của mình bằng việc thăm dò một quan điểm mâu thuẫn với luận điểm đó: Nếu tương lai thực sự hỗn loạn và không thể dự đoán, vậy tại sao sau khi sự kiện xảy ra, chúng ta lại có cảm tưởng như tương lai ấy đáng lẽ ra có thể dự đoán được?
Mùa thu năm 1941, một vài tháng trước khi quân đội Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, một cơ quan ở Tokyo đã bí mật gửi cho một điệp viên của họ ở Honolulu một yêu cầu khẩn. Mặc dù yêu cầu ấy đã bị chặn giữa đường và được chuyển đến Cục Tình Báo Hải Quân, nhưng nó đã luồn lách qua được bộ máy quan liêu và tới được Washington dưới dạng mật mã và được dịch vào ngày 9 tháng 10. Đó là thông báo yêu cầu các đơn vị quân sự của Nhật Bản tại Honolulu chia Trân Châu Cảng thành năm khu vực và lập báo cáo về số lượng tàu tại cảng có liên quan đến các khu vực đó, đồng thời phải quan tâm đặc biệt tới các tàu chiến, tàu khu trục và máy bay vận tải, cũng như thông tin có liên quan tới việc neo đậu của các con tàu ở trong mỗi bến tàu. Vài tuần sau đó, có một việc rất lạ lùng xảy ra: thiết bị giám sát của Mỹ bị mất thông tin liên lạc bằng radio với tất cả các máy phát từ hạm đội thứ nhất và thứ hai của quân đội Nhật Bản, cùng với việc bị mất toàn bộ thông tin về vị trí của họ. Sau đó, vào đầu tháng 12, cơ quan tình báo chiến đấu của Khu vực Naval thứ 14 ở Hawaii cho biết Nhật Bản đã thay đổi tín hiệu đường truyền thông tin của mình lần thứ hai trong tháng. Những tín hiệu này, chẳng hạn như WCBS hoặc KNPR, là những cái tên giúp xác định nguồn gốc của đường truyền phát radio. Trong chiến tranh, những tín hiệu trên không chỉ tiết lộ vị trí truyền phát tín hiệu cho đồng đội mà còn cho cả kẻ thù, vậy nên chúng thường được thay đổi định kỳ. Người Nhật có thói quen thay đổi những tín hiệu đó ít nhất sáu tháng một lần. Và việc thay đổi tín hiệu hai lần chỉ trong vòng 30 ngày được coi như “bước chuẩn bị cho các chiến dịch sắp tới trên quy mô lớn”. Thay đổi này đã khiến việc xác định vị trí của các máy phát tín hiệu của Nhật Bản và tàu ngầm trong những ngày tiếp theo trở nên khó khăn hơn rất nhiều, hơn nữa còn làm nhiễu tín hiệu radio.
Hai ngày sau, những tin nhắn được gửi đến các trụ sở ngoại giao và lãnh sự Nhật Bản tại Hồng Kông, Singapore, Batavia, Manila, Washington và London đã bị chặn lại và được giải mã. Họ gọi và yêu cầu các nhà ngoại giao phải hủy bỏ các mã số và mật mã của mình ngay lập tức và đốt hết tất cả các tài liệu quan trọng tuyệt mật khác. Cũng trong khoảng thời gian đó, FBI đã chặn một cuộc gọi điện thoại từ một đầu bếp của Lãnh sự quán Nhật Bản tại Hawaii tới một người nào đó ở Honolulu tường thuật một cách đầy hứng khởi rằng các quan chức ở đó đã đốt toàn bộ những tài liệu quan trọng. Thư kí của Cục tình báo, Trung tá George W. Bicknell, đã mang một trong những bức thư tín bị chặn đến cho sếp của mình khi ông ta đang chuẩn bị đi ăn tối với Bộ trưởng Quốc phòng Hawaii. Khi đó đã là cuối buổi chiều thứ 7, ngày 6 tháng 12, một ngày trước cuộc tấn công. Sếp của Bicknell lúc đó, chỉ dành ra năm phút để xem qua các tin nhắn, bỏ qua chúng và sau đó tiếp tục đi ăn. Với những sự kiện mang điềm như thế, sau khi xem xét lại, tại sao không có một ai biết trước rằng cuộc tấn công đang cận kề?
Trong bất kỳ chuỗi sự kiện phức tạp nào mà trong đó mỗi sự kiện đều chứa đựng một vài yếu tố không chắc chắn, luôn tồn tại một sự không cân xứng căn bản giữa quá khứ và hiện tại. Sự không cân xứng này đã trở thành đề tài cho các nghiên cứu khoa học kể từ khi Boltzmann thực hiện các phân tích thống kê về những phân tử tạo nên tính chất của chất lỏng (xem chương 8). Ví dụ, hãy thử tưởng tượng, một phân tử được nhuộm màu nổi trên một ly nước. Phân tử này, cũng sẽ như các hạt Brown, di chuyển giống như những bước đi của một kẻ say. Nhưng ngay chính chuyển động không có mục đích đó lại đạt được những bước tiến nhất định, theo một cách nào đó. Ví dụ, nếu bạn đợi khoảng ba tiếng, phân tử đó có thể đã di chuyển được một inch (2,54 cm) từ nơi nó xuất phát. Giả sử rằng, tại một số điểm, các phân tử di chuyển đến một vị trí có ý nghĩa nhất định và cuối cùng cũng thu hút được sự chú ý của chúng ta. Giống như nhiều người đã làm sau trận chiến Trân Châu Cảng, chúng ta có thể tìm hiểu lý do vì sao sự kiện không lường trước đó lại diễn ra. Bây giờ giả sử chúng ta đang đào sâu tìm hiểu quá khứ của một phân tử. Nếu theo dõi tất cả các va chạm của phân tử, chúng ta có thể sẽ khám phá ra cách các phân tử nước va vào nhau và sau đó đẩy phân tử được nhuộm màu đi theo đường zíc zắc ngoằn ngoèo từ chỗ này sang chỗ khác. Nói cách khác, rõ ràng chúng ta có thể giải thích được tại sao trước đây một phân tử lại có thể phát triển như vậy. Tuy nhiên, trong nước có chứa rất nhiều những phân tử nước khác và hoàn toàn có khả năng là phân tử tương tác với phân tử được nhuộm màu. Để có thể dự đoán trước đường đi của phân tử màu đó, dĩ nhiên, chúng ta sẽ phải tính toán trước một số yêu cầu như đường đi và sự tương tác lẫn nhau của tất cả các phân tử nước tiềm năng. Điều đó sẽ liên quan tới một số lượng phép tính gần như không thể tưởng tượng, chúng lớn hơn nhiều so với phạm vi cho phép và khó hơn so với những va chạm cần thiết để tìm hiểu về những vấn đề trước đây. Nói cách khác, sự chuyển động của phân tử được nhuộm màu gần như là không thể dự đoán trước, mặc dù điều đó sau đó lại tương đối dễ hiểu.
Chính sự không cân xứng này là lý do vì sao trong cuộc sống hàng ngày, quá khứ trở nên quá đỗi hiển nhiên ngay cả khi ta không thể dự đoán được về chúng. Đó là vì sao các nhà dự báo thời tiết lại có thể nói cho bạn nghe tại sao ba ngày trước các khối khí lạnh lại di chuyển như thế này và ngày hôm qua khối khí nóng lại di chuyển như thế kia, gây ra trận mưa lớn phá bĩnh một đám cưới lãng mạn ngoài công viên, nhưng cũng chính những nhà dự báo thời tiết đó, sẽ không thể biết được chính xác các khối không khí đó sẽ tiếp tục di chuyển như thế nào trong ba ngày sắp tới và cảnh báo rằng các bạn cần chuẩn bị một cái lều thật lớn. Hoặc xét đến một ván cờ. Không giống như mấy trò chơi bài, cờ thường không có liên quan đến bất kỳ yếu tố ngẫu nhiên quá rõ ràng nào. Hơn nữa, sẽ có một sự mập mờ, không chắc chắn ở đây, khi mà không ai trong hai người chơi biết được đối thủ của mình sẽ đi nước cờ nào tiếp theo sau đó. Nếu như người chơi là những kỳ thủ hàng đầu, có những thời điểm trong cuộc chơi, có khả năng người đó sẽ đoán được các thế cờ trong tương lai; nếu bạn để ý thêm một chút nữa, mọi sự không chắc chắn sẽ hòa vào nhau, và không ai có thể tự tin nói trước được rằng ván cờ sẽ thành ra như thế nào. Mặt khác, nếu nhìn lại, thường thường người ta sẽ thấy thật dễ dàng để có thể chỉ ra được cách chơi cờ của mỗi người chơi. Điều này, một lần nữa, lại là một xác suất khác. Tương lai thật khó dự đoán nhưng quá khứ thì ngược lại.
Điều tương tự cũng đúng đối với thị trường chứng khoán. Ví dụ, xét đến hiệu suất của các quỹ tương hỗ. Như đã đề cập trong chương 9, việc chọn quỹ hỗ trợ để nghiên cứu về hiệu suất của nó trong quá khứ là một việc rất thông thường. Thật vậy, sẽ rất dễ tìm được những hình mẫu đáng tin cậy và có trật tự khi xem xét lại. Như ví dụ dưới đây, là một đồ thị thể hiện hiệu suất làm việc của 800 nhà quản lý quỹ tương trợ trong vòng 5 năm, 1991 – 1995.
Trục tung thể hiện tỷ lệ lợi nhuận hoặc thua lỗ so với nguồn vốn trung bình của nhóm. Nói cách khác, khi đồ thị biểu hiện sự tụt dốc trở về 0% có nghĩa là hiệu suất của quỹ ở mức trung bình trong thời kỳ 5 năm. Trục hoành thể hiện xếp hạng của các nhà quản lý có liên quan, từ người đứng đầu cho đến người thứ 800. Để tra được thành tích, lấy ví dụ là nhà quản lý xếp ở vị trí 100 trong khoảng thời gian 5 năm đó, ta tìm điểm ở trên biểu đồ tương ứng với vị trí ghi số 100 trên trục hoành.
Hiệu suất làm việc và xếp hạng của các quỹ hỗ trợ trong 5 năm, giai đoạn 1991 – 1995
Không chút nghi ngờ, bất kỳ nhà phân tích nào cũng có thể đưa ra một số lý do đáng thuyết phục để giải thích tại sao các nhà quản lý hàng đầu trong danh sách lại thành công, và tại sao những người ở khu vực dưới lại thất bại, và tại sao những đường đồ thị lại có hình dạng như thế này. Và kể cả khi chúng ta có dành thời gian theo dõi chi tiết những phân tích đó, rất ít các nhà đầu tư lựa chọn một quỹ hỗ trợ chỉ có hiệu suất dưới 10% so với mức trung bình và bỏ qua quỹ có hiệu suất đạt trên 10% so với mức trung bình. Khi xem xét lại quá khứ, việc vẽ được một đồ thị chuẩn với những giải thích ngắn gọn, dễ hiểu là quá dễ dàng, nhưng kể cả vậy thì đồ thị này cũng chỉ giống như một ảo ảnh của nhận thức sau này và dĩ nhiên nó có chút liên quan đến việc tiên đoán những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Ví dụ, đối với đồ thị được thể hiện dưới đây, với thứ tự hiệu suất của các quỹ hộ trợ trong giai đoạn 5 năm đầu, tôi so sánh sự phát triển của chúng trong 5 năm tiếp theo. Nói cách khác, tôi vẫn duy trì việc xếp hạng dựa trên giai đoạn 1991- 1995, nhưng lại dùng để thể hiện sự quay vòng vốn của các quỹ đó trong các năm 1996 – 2000. Nếu như quá khứ là tiền đề của tương lai, những quỹ mà tôi đã cân nhắc trong những năm 1991 – 1995 sẽ dao động quanh hiệu suất tương đối trong năm 1996 – 2000. Điều đó có nghĩa, nếu những quỹ đứng đầu (ở phía bên trái đồ thị) tiếp tục thể hiện tốt hơn nữa so với những quỹ khác, và những quỹ đứng ở phía dưới (ở phía bên phải) càng trở nên tồi tệ, thì đồ thị này sẽ ngày càng giống với đồ thị dưới đây. Nhưng thay vào đó, như chúng ta có thể thấy rõ, tất cả thứ tự trước đây đều sẽ biến mất khi được ngoại suy tới tương lai, và đồ thị cuối cùng trông giống như một biểu đồ thể hiện những âm thanh hỗn tạp.
Thường thường, con người sẽ không thể thấy được vai trò của sự ngẫu nhiên đối với thành công trong kinh doanh và đối với thành công của những người như nhà quản lý quỹ đầu tư Bill Miller. Và chúng ta luôn mù quáng tin rằng những lỗi lầm của quá khứ chính là hậu quả của sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu năng lực, và đáng
Cách các quỹ hàng đầu giai đoạn 1991 – 1995 làm việc trong giai đoạn 1996 – 2000.
lẽ chúng phải được khắc phục bằng những nghiên cứu sâu rộng hơn và được cải thiện từ bên trong. Đó chính là lý do vì sao, ví dụ như trong mùa xuân năm 2007, khi cổ phiếu của công ty Merrill Lynch đang được giao dịch ở mức 95 đô-la một cổ phiếu, CEO của công ty, E. Stanley O’Neal, được coi như thiên tài mạo hiểm, nhưng đến mùa thu 2007, sau khi thị trường tín dụng sụp đổ, ông này lại bị chế nhạo là cao bồi rủi ro – và dĩ nhiên, bị sa thải. Theo một cách tự nhiên, chúng ta ngưỡng mộ những doanh nhân giàu có, những chính trị gia, diễn viên hay bất cứ ai di chuyển từ nơi này đến nơi khác bằng phi cơ riêng, như thể những thành công của họ thể hiện bằng những phẩm chất đặc biệt không có trong những người phải ăn đồ thực phẩm đóng hộp trên máy bay hàng không dân dụng. Và chúng ta đặt quá nhiều niềm tin vào những lời dự đoán thái quá của các học giả chính trị, chuyên gia tài chính hay các nhà tư vấn kinh doanh, những người sở hữu bản lý lịch thể hiện trình độ chuyên môn cực kỳ cao.
Một công ty xuất bản mà tôi biết đã phải chịu những tổn thất rất lớn khi xây dựng kế hoạch một năm, ba năm và năm năm cho việc phân đoạn phần mềm giáo dục của mình. Đã có những cố vấn được trả lương cao, những cuộc họp kéo dài hàng giờ đồng hồ, những buổi thống kê tài chính đến tận đêm khuya, những buổi họp không dứt ngoài giờ của các chuyên gia. Cuối cùng những dự cảm được chuyển thành công thức thể hiện sự chính xác ở một vài điểm chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn những dự đoán bản năng hóa thành kết quả chắc chắn. Trong năm đầu tiên, phần lớn các sản phẩm đều không thu được lợi nhuận như dự kiến hoặc một vài sản phẩm bán được nhiều hơn dự kiến, các nhà lãnh đạo lao vào tìm kiếm nguyên nhân và cuối cùng dừng lại khi những người làm công ăn lương bị đổ tội hoặc được khen thưởng như kỳ vọng ban đầu. Năm tiếp theo, công ty xuất bản này đón nhận một loạt những cuộc cạnh tranh giá cả không được dự đoán trước bởi sự xuất hiện của hai đối thủ cạnh tranh. Năm tiếp theo, phần mềm giáo dục đó thất bại. Một khi sự không chắc chắn trong hai năm đầu được kết hợp với nhau thì kế hoạch ba năm không bao giờ được có cơ hội thành công. Và còn kế hoạch năm năm từng đánh bóng và được cắt gọt tỉ mỉ như những viên kim cương, đã không bị so sánh về hiệu quả, bởi vì sau đó tất cả mọi người trong bộ phận này đều đã chuyển sang một lĩnh vực khác béo bở hơn.
Các nhà sử học, những người có chuyên môn nghiên cứu quá khứ, cũng thận trọng như những nhà khoa học luôn theo đuổi ý tưởng rằng tương lai sẽ mở ra theo cách có thể được dự đoán. Thực tế, trong việc nghiên cứu lịch sử, ảo giác về điều không thể tránh khỏi sẽ mang lại một số hậu quả nghiêm trọng đến mức nó là một trong số ít những thứ mà các nhà sử học theo chủ nghĩa bảo thủ hay chủ nghĩa xã hội đều sẽ phải công nhận. Ví dụ, một nhà sử học nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội, Richard Henry Tawney, đã nói rằng: “Các nhà sử học thường có xu hướng làm xuất hiện những điều tất yếu… bằng cách làm bật lên những yếu tố đã giành chiến thắng và đẩy những thứ chúng đã cố gắng nuốt chửng xuống làm nền.” Còn nhà sử học Roberta Wohlstetter, người nhận được Huân Chương Tự Do từ Tổng thống Ronald Reagan, đã nói như thế này: “Sau một sự kiện, dĩ nhiên, ta luôn thấy tín hiệu rõ ràng, và thông qua tín hiệu đó, chúng ta giờ đây ta nhìn ra thảm họa. Nhưng trước khi sự kiện đó diễn ra, mọi thứ đều tối tăm, mờ mịt và chứa đựng những ý nghĩa hoàn toàn đối lập nhau.”
Theo một vài cách hiểu, ý tưởng này được rập khuôn theo một mẫu nhất định mà khả năng nhận thức muộn luôn là 20/20, nhưng con người lại thường hành xử như thể câu ngạn ngữ đó hoàn toàn không đúng sự thật. Ví dụ như trong chính phủ, một trò chơi “đáng lẽ nên biết” đã được chơi sau mỗi bi kịch xảy ra. Trong trường hợp của trận chiến Trân Châu Cảng (và cuộc tấn công ngày 11/9) các sự kiện dẫn đến cuộc tấn công, nếu như chúng ta nhìn lại, thì có vẻ như đang chắc chắn chỉ điểm theo một hướng nhất định. Tuy nhiên, như với các phân tử đã được nhuộm màu, thời tiết, hoặc trò chơi cờ, nếu chuẩn bị sẵn trước và theo dõi những sự kiện xảy ra trước mắt, cảm giác hoài nghi sẽ nhanh chóng biến mất. Hơn nữa, bên cạnh các báo cáo mà tôi vừa trích dẫn phía trên, thì cũng có một số lượng lớn những tin tức không hữu ích, với việc hàng tuần lại đưa đến những tập tin với những tin nhắn và tài liệu khẩn cấp và khó hiểu gây ra sự nhầm lẫn không minh bạch. Và ngay cả nếu chúng ta tập trung vào những báo cáo mà nhận thức sau này cho là quan trọng, thì trước cuộc tấn công, trong mỗi bài báo cáo có tồn tại một lời giải thích hợp lý khác không ám chỉ về cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng. Ví dụ, nếu yêu cầu phân chia Trân Châu Cảng thành 5 khu vực cũng giống như yêu cầu được gửi đến các cơ quan tình báo của Nhật Bản ở Panama, Vancouver, San Francisco và Portland, Oregon. Việc mất tín hiệu liên lạc qua đài cũng không phải là chưa từng nghe, và chưa từng xảy ra, có thể hiểu đơn giản rằng các tàu chiến của Nhật được neo đậu ở hải phận của chúng, và các giao dịch được thực hiện trực tiếp qua điện thoại cố định. Hơn nữa, kể cả khi bạn tin rằng một cuộc chiến tranh lớn sắp nổ ra, sẽ có rất nhiều dấu hiệu ám chỉ một cuộc tấn công ở một nơi nào đó – ở Philippines, hay ở trên bán đảo Thái Lan, hoặc là ở Guam, ví dụ như vậy. Chắc chắn rằng không có nhiều những câu chuyện đánh lạc hướng khiến ta hiểu nhầm giống như những phân tử nước va chạm với phân tử được nhuộm màu, nhưng cũng đủ để che khuất tầm nhìn của con người về tương lai.
Sau trận chiến Trân Châu Cảng, bảy Ủy ban của Quốc hội Mỹ bắt đầu tiến hành nghiên cứu để tìm ra lý do quân đội Mỹ đã bỏ qua tất cả các “dấu hiệu” về một cuộc tấn công đang cận kề. Tham mưu trưởng Quân đội, Tướng George Marshall, đã bị chỉ trích nặng nề vì bản ghi nhớ của ông gửi cho Tổng Thống Roosevelt với nội dung: “Hòn đảo Oahu, với vị trí phòng thủ, lực lượng và sự kiên cố, được đánh giá là pháo đài mạnh nhất trên thế giới”. Ông này cũng đảm bảo với Tổng Thống rằng, trong trường hợp bị tấn công, toàn bộ lực lượng của đối phương sẽ bị chặn đứng “trong vòng 200 dặm so với mục tiêu của chúng… bởi mọi loại bom phòng thủ”. Tướng Marshall không phải là tên ngốc, nhưng cũng không hẳn là một thầy phù thủy với quả cầu pha lê phép thuật. Các nghiên cứu về sự ngẫu nhiên chỉ ra rằng việc xem các sự kiện thông qua quả cầu pha lê đó là hoàn toàn có thể, nhưng không may, đó là sau khi chúng đã xảy ra. Và vì thế, ta tin rằng ta đã biết vì sao một bộ phim lại thành công, một ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc tranh cử, một cơn bão, chỉ số chứng khoán giảm, một đội bóng đá giành chiến thắng, sự thất bại của một sản phẩm mới, hoặc một căn bệnh ngày càng hiểm nghèo, nhưng sự tinh thông như vậy gần như là không tồn tại nếu chúng ta hiểu rằng quả cầu đó vô dụng trong việc đoán biết thời điểm một bộ phim sẽ thành công, một ứng cử viên sẽ giành phần thắng, một cơn bão sẽ đổ bộ, chỉ số chứng khoán sẽ tăng, một đội bóng sẽ thua, sản phẩm mới là một sự thất bại, hoặc một căn bệnh ngày càng khó chữa.
Sẽ rất dễ dàng để dựng lên những câu chuyện giải thích về quá khứ hoặc để tự tin trước những điều không rõ ràng sẽ xảy ra trong tương lai. Việc luôn có những cái bẫy không có nghĩa rằng chúng ta không thử cố gắng. Nhưng chúng ta có thể làm việc để hạn chế tối đa sai sót thông qua trực giác của bản thân. Chúng ta có thể học hỏi để quan sát những lời giải thích và lời tiên tri bằng thái độ hoài nghi. Chúng ta có thể tập trung vào khả năng phản ứng với các sự kiện thay vì tin tưởng, dựa dẫm vào khả năng tiên đoán, bằng những phẩm chất như tính linh hoạt, sự tự tin, lòng can đảm và sự kiên trì. Và có thể trực tiếp thể hiện tầm quan trọng và tạo ấn tượng với những người xung quanh hơn là chỉ nhìn vào những thứ họ xướng lên về những điều đạt được trong quá khứ. Bằng những cách này, chúng ta có thể kiềm chế bản thân, hình thành nên những đánh giá trong một khuôn khổ xác định.
THÁNG 3 NĂM 1979, một chuỗi những sự kiện bất ngờ nổi tiếng đã xảy ra. Chuyện này xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân đặt tại Pennsylvania. Chuỗi sự kiện ngẫu nhiên dẫn đến việc một phần lõi hạt nhân bị nóng chảy, gây ra các phản ứng hạt nhân, đe dọa sẽ thải ra môi trường một lượng phóng xạ đáng báo động. Rủi ro bắt nguồn khi có một lượng nước tương ứng với một cốc nước chảy qua lỗ rò rỉ của bộ lọc nước. Lượng nước bị rò rỉ này đã ngấm vào một hệ thống chạy bằng khí nén, gây ảnh hưởng đến một số thiết bị của nhà máy điện, khiến hai chiếc van tự động đóng lại, hai chiếc van này đã chặn đứng dòng nước lạnh cung cấp cho máy phát điện bằng hơi – hệ thống làm mát các phản ứng hạt nhân xảy ra trong lõi. Sau đó, một máy bơm nước khẩn cấp được mở, nhưng cả hai van đều bị khóa sau lần bảo trì hai hôm trước. Các máy bơm vì vậy hoạt động một cách vô ích. Hơn nữa, một van giảm áp lực cũng như một đồng hồ đo van đặt trong phòng điều khiển đều bị hỏng.
Xét một cách riêng biệt, mỗi sai sót đều có thể coi là phổ biến và chấp nhận được. Vấn đề của bộ lọc nước không quá bất thường đối với nhà máy, cũng như không quá nghiêm trọng, với hàng trăm bơm liên tục được đóng và mở trong một nhà máy điện hạt nhân, thì một vài van ở sai vị trí không phải là hiếm và đáng báo động; hơn nữa, van giảm áp lực vẫn luôn được coi là không đáng tin cậy và đã có lúc hỏng hóc mà không để lại những hậu quả quá lớn ở ít nhất 11 nhà máy điện nhiệt năng khác. Nhưng khi xảy ra cùng lúc, những sai sót này khiến nhà máy điện trông như thể nó được điều hành bởi đội cảnh sát hài Keystone Kops. Và kéo theo sự kiện ở đảo Three Mile là rất nhiều cuộc điều tra và lời buộc tội, cũng như để lại nhiều hậu quả khác nhau. Chuỗi sự kiện đó đã thôi thúc nhà xã hội học của Đại học Yale, Charles Perrow, đưa ra một lý thuyết mới về sự ngẫu nhiên, trong đó ông hệ thống hóa những tranh luận tâm điểm trong chương này: trong những hệ thống phức tạp (bao gồm cả cuộc sống của chúng ta) bất kỳ tác nhân nào chúng ta thường bỏ qua đôi khi lại tình cờ gây ra những tác động lớn.
Trong học thuyết của mình, Perrow khẳng định rằng hệ thống hiện đại được tạo nên bởi hàng ngàn yếu tố, bao gồm cả những quyết định mang khuynh hướng thiếu chuẩn xác của con người. Tương tự như các nguyên tử của Laplace, ta không thể tìm thấy dấu vết cũng như không thể dự đoán được chúng. Người ta có thể đánh cuợc rằng những nguyên tử thực hiện “bước đi của kẻ say”, cuối cùng cũng đi đến một nơi nào đó, cũng như vậy biến cố cuối cùng cũng sẽ xảy ra. Được gọi là lý thuyết về những biến cố thường thấy, học thuyết của Perrow miêu tả cách các biến cố xảy ra mà không có những nguyên nhân, những lỗi rõ rệt cũng như thủ phạm mà ủy ban nhà nước hoặc các cá nhân đoàn thể truy tìm. Mặc dù thuyết biến cố ngẫu nhiên được đưa ra để giải thích tại sao mọi thứ đôi khi sai sót một cách không thể tránh được, nó cũng có thể dùng để lật ngược lại vấn đề, tại sao mọi thứ lại tự nhiên đi đúng hướng. Vậy nên, dù thất bại bao nhiêu lần đi nữa, nhưng nếu chúng ta kiên trì cố gắng thì luôn có cơ hội thành công. Trong thực tế, các nhà kinh tế học như W. Brian Arthur cho rằng ngay cả sự tác động của nhân tố nhỏ nhất cũng có thể giúp cho những công ty không có lợi thế áp đảo hẳn đối thủ cạnh tranh. “Trong cuộc sống,” ông viết “nếu một vài tập đoàn có thế lực ngang nhau cùng tấn công một thị trường, những sự việc ngẫu nhiên dù là nhỏ nhất – với thứ tự không lường trước được như cơ hội gặp gỡ khách hàng, những ý tưởng quản lý đột phá – có thể quyết định tập đoàn nào sẽ có lợi thế trước và qua thời gian, tập đoàn nào sẽ chiếm vị thế áp đảo lâu dài. Những hoạt động kinh tế được thực hiện thông qua kinh doanh cá nhân nhỏ lẻ – những hoạt động quá nhỏ để có thể dự liệu, và chính những sự kiện ngẫu nhiên rất nhỏ đó dồn lại và được khuếch đại bởi những phản hồi tích cực qua thời gian.”
Hiện tượng tương tự cũng được các nhà xã hội học chú ý. Ví dụ, một nhóm nghiên cứu thói quen của khách hàng đối với những mặt hàng thuộc ngạch văn hóa bao gồm văn hóa đọc, văn hóa nghe nhìn, mỹ thuật và âm nhạc. Thông thường, nghệ thuật kinh doanh trong những lĩnh vực này là khả năng nắm bắt sở thích của khách hàng. Theo đó, cách giúp các nhà quản lý sử dụng thời gian hiệu quả nhất là tìm hiểu về Stephen King, Madonna hay Bruce Wielis, những nhân vật có lượng người hâm mộ đông đảo. Họ nghiên cứu quá khứ và, như tôi vừa chỉ ra, không gặp chút khó khăn nào trong việc tìm ra những lý do giải thích cho bất kỳ thành công nào. Họ cố gắng tái lập nó.
Đây là quan điểm theo thuyết định luận của thương trường, một quan điểm mà theo đó những giá trị bên trong của con người hay sản phẩm quyết định sự thành công. Nhưng vẫn còn một cách nhìn khác, đó là quan điểm phi thuyết định luận. Theo cách nhìn này, có rất nhiều cuốn sách, ca sĩ, diễn viên dù có tư chất tốt nhưng không được biết đến, và điều khiến ai đó trở nên nổi bật là cả một chuỗi các nhân tố ngẫu nhiên và tiểu tiết – tức vận may. Theo quan điểm này, những người điều hành truyền thống chỉ xoay bánh xe của họ – chơi trò đỏ đen.
Nhờ Internet, quan điểm này đã được kiểm chứng. Những người nghiên cứu kiểm chứng điều này tập trung vào thị trường âm nhạc, một thị trường chủ yếu trên Internet. Để phục vụ nghiên cứu, họ kêu gọi 14.341 người tham gia với nhiệm vụ nghe, đánh giá, và tải về (nếu muốn) 48 bài hát của những ban nhạc họ chưa từng nghe qua. Một số thành viên tham gia còn được xem dữ liệu về độ phổ biến của từng bài hát – tức là bao nhiêu người đồng tham gia tải về. Nhóm này được chia thành 8 “thế giới” tách biệt và chỉ có thể thấy dữ liệu về số lần tải của những người trong “thế giới” của họ. Cả tám “thế giới” đều bắt đầu với 0 lần tải. Ngoài ra còn nhóm thứ 9 không được cung cấp chút thông tin nào. Những người nghiên cứu sử dụng sự phổ biến của các bài hát trong nhóm những người nghe bị tách biệt này để xác định “phẩm chất bên trong” của từng bài hát – tức là sự cuốn hút của nó mà không có ảnh hưởng bên ngoài.
Nếu quan điểm theo thuyết định luận đúng, những bài hát đứng đầu trong mỗi “thế giới” là như nhau, và xếp hạng về sự phổ biến trong những “thế giới” đó cần phải đồng đều với phẩm chất bên trong, và được xác định bằng những cá nhân bị cô lập (nhóm 9). Nhưng nhóm nghiên cứu lại tìm ra điều ngược lại hoàn toàn: độ phổ biến của từng bài hát có sự chênh lệch lớn giữa “thế giới” khác nhau, và những bài hát khác nhau có cùng chất lượng cũng có độ phổ biến khác nhau. Ví dụ, một bài hát tên Lockdown được chơi bởi ban nhạc 52 metro xếp hạng 26/48 đánh giá về nội dung, nhưng là bài hát hạng nhất trong một “thế giới” và hạng 40 trong một “thế giới” khác. Trong thí nghiệm này, khi một bài hát nào đó tình cờ được tải về nhiều hơn, thì nó rất có tiềm năng ảnh hưởng tới những người mua hàng trong tương lai. Đó là một hiện tượng rất phổ biến trong ngành công nghiệp điện ảnh: những người đi xem phim sẽ thích một bộ phim hơn khi được nói trước rằng nó hay như thế nào. Trong ví dụ này, những ảnh hưởng từ sự tình cờ ngẫu nhiên sẽ tạo ra hiệu ứng cầu tuyết và tạo nên một sự khác biệt rất lớn tới tương lai của bài hát. Một lần nữa, đó là hiệu ứng cánh bướm.
Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, khi quan sát kỹ lưỡng, chúng ta thấy rất nhiều sự kiện quan trọng có thể diễn biến khác đi nếu không có những ảnh hưởng ngẫu nhiên từ những nhân tố ngoài luồng, những người chúng ta tình cờ gặp, những cơ hội công việc đến với ta từ “trên trời rơi xuống”. Ví dụ, một diễn viên mà trong bảy năm đầu khởi nghiệp vào cuối những năm 1970, sống trong một căn hộ tầng năm của tòa nhà 15 tầng không thang máy tại Phố 49, Mahattan, cố gắng hết mình để tạo dựng tên tuổi. Anh ta làm thêm ở nhà hát Broadway, đôi khi phải ở những nơi xa xôi, xuất hiện trong những quảng cáo trên tivi, làm bất cứ công việc gì để gây chú ý, xây dựng sự nghiệp và kiếm tiền cho một bữa bít tết băm viên đàng hoàng trong nhà hàng mà không phải trốn trước khi thanh toán. Và cũng như nhiều người khác, cho dù chàng diễn viên đầy đam mê này phải vất vả đến mức nào để chọn đúng nghề nghiệp và dốc sức để thành công, thì anh ta cũng chỉ có thể làm một người pha chế tại quầy rượu. Một ngày mùa hè 1984, anh ta bay tới Los Angeles, hoặc để tham gia Olympics (nếu bạn tin người quảng cáo của anh ta), hoặc để thăm bạn gái (nếu bạn tin tạp chí New York Times). Dù là mục đích nào, thì ta cũng có thể chắc chắn rằng quyết định đến bờ Tây hầu như không liên quan tới việc diễn xuất mà liên quan tới tình yêu nhiều hơn, ít nhất cũng là tình yêu thể thao. Điều đó cũng chứng minh rằng nó là quyết định nghề nghiệp đúng đắn nhất cũng như là quyết định đáng giá nhất của cuộc đời anh ta.
Tên diễn viên đó là Bruce Willis, và khi anh ta ở Los Angeles, một nhân viên gợi ý anh ta nên tham gia một số buổi thử giọng cho các chương trình tivi. Một trong những buổi diễn thử đó là của chương trình đang vào giai đoạn tuyển diễn viên cuối cùng. Nhà sản xuất đã có danh sách những người vào được vòng cuối, nhưng ở Hollywood, không có gì là cuối cùng trừ phi bản hợp đồng được ký kết và thỏa thuận kết thúc. Willis tham gia buổi thử và có được vai diễn của David Addison, nam chính đóng cặp với Cybill Sherpherd trong một chương trình mới của ABC mang tên Moonlighting.
Việc Willis vượt qua diễn viên X trong buổi casting là một đề tài hấp dẫn, X là người đứng đầu danh sách khi Willis xuất hiện, và những người còn lại, như được nói, đã trở thành quá khứ. Sau này, chúng ta mới nhận ra rằng Moonlighting và Willis đã thành công vang dội, và khó tưởng tượng được cả ban giám khảo của Hollywood, sau khi thấy Willis, không làm gì ngoài châm lửa xì gà như thể họ ăn mừng phát hiện tài năng mới, và “đốt” luôn danh sách lỗi thời gồm những người vào vòng cuối. Nhưng điều thật sự đã xảy ra trong lúc tuyển diễn viên giống như khi bạn cho con cái mình đi ăn kem, nhưng hai đứa muốn kem dâu trong khi đứa còn lại đòi bánh sô-cô-la hạnh nhân ba tầng. Những thành viên trong ban giám khảo ủng hộ diễn viên X thì cho rằng, theo đánh giá của họ, Willis không có dáng dấp một diễn viên chính nghiêm túc. Glenn Caron, nhà điều hành sản xuất, lại lên tiếng ủng hộ Willis. Khi nhìn lại, thì việc loại bỏ những người phản đối Willis cũng dễ như với những anh hề ngu ngốc. Theo kinh nghiệm của tôi, các nhà sản xuất chương trình truyền hình thường làm vậy, đặc biệt khi thành viên ban giám khảo nói không vừa tai. Nhưng trước khi làm thế, hãy cân nhắc điều này: khán giả truyền hình ban đầu thường đồng tình với sự đánh giá tầm thường của những người trong ban giám khảo. Moonlighting được phát sóng vào tháng 3 năm 1985, tỷ lệ đánh giá thấp và lẹt đẹt với những giờ lên sóng chán ngắt suốt cả mùa đầu tiên. Chỉ đến năm thứ hai, khán giả được đổi gió khi chương trình trở thành một thành công lớn. Sự cuốn hút của Willis nối tiếp những thành công của anh ta gây kinh ngạc cho hàng vạn người, và đương nhiên, anh đột ngột trở thành ngôi sao. Và sự kiện này trở thành một vấn đề nóng hổi làm điên đảo Hollywood, nhưng những bước chân loạng choạng của Willis tới thành công không hoàn toàn bất thường. Một con đường được đánh dấu bằng những tác động ngẫu nhiên và những kết quả bất ngờ là một trong con đường dẫn đến thành công của nhiều người, không chỉ trong sự nghiệp mà còn tình yêu, đam mê và tình bạn. Sự thực, con đường đó gần giống quy luật hơn là một ngoại lệ.
Gần đây tôi đã xem chương trình tivi về khuya với sự xuất hiện của một ngôi sao khác, không phải trong giới giải trí, trong một chương trình phỏng vấn. Tên ông ta là Bill Gates. Dù người phỏng vấn rất nổi tiếng với cách tiếp cận đầy châm biếm, nhưng ông ta lại có thái độ cung kính đặc biệt với Gates. Ngay cả khán giả cũng vô cùng chăm chú mong có cơ hội hiểu sâu hơn về Gates. Lý do hiển hiên là trong vòng 13 năm liền, Gates được mệnh danh là người giàu nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes. Thực tế, từ khi sáng lập tập đoàn Microsoft, Gates đã kiếm được hơn 100 đô-la mỗi giây, mọi người đều hồi hộp chờ đợi và phỏng đoán xem ông sẽ nói những gì. Nhưng những câu trả lời của ông rất bình thường, không có gì quá sáng tạo, tài tình, hay sâu sắc hơn những điều tôi đã được nghe từ cả tá những chuyên gia máy tính khác. Vậy liệu Gates kiếm được 100 đô-la mỗi giây vì ông ta là thần thánh, hay ông là thần thánh vì ông kiếm được 100 đô-la mỗi giây?
Tháng 8 năm 1980, khi một nhóm nhân viên của IBM tiến hành một kế hoạch bí mật để tạo ra một máy tính cá nhân, họ bay tới Seatle để gặp gỡ chuyên gia máy tính trẻ, Bill Gates lúc ấy vẫn đang điều hành một công ty nhỏ và IBM cần một chương trình gọi là hệ điều hành, thiết kế dành cho dòng máy tính gia đình. Những ký ức về những sự kiện tiếp theo khá lộn xộn, nhưng tóm lại Gates nói rằng ông ta không thể cung cấp một hệ điều hành và gợi ý IBM nên tìm đến một lập trình viên nổi tiếng tên Gary Kildall ở Digital Research Inc. Cuộc nói chuyện giữa IBM và Kildall diễn ra không suôn sẻ. Bởi một điều, khi IBM xuất hiện ở văn phòng của DRI, Kildall rồi người vợ, giám đốc kinh doanh của công ty, đều từ chối ký hợp đồng bảo mật của IBM. Đàm phán viên của IBM có gọi điện lại, và lần này Kildall đã đồng ý xem xét. Không ai biết chính xác họ đã bàn bạc gì trong lần gặp mặt này, nhưng nếu có một thỏa thuận không chính thức, nó cũng không được tiết lộ. Vào lúc đó, một nhân viên IBM, Jack Sams, lại gặp Gates. Họ đều biết về một hệ điều hành nữa đang tồn tại, một hệ điều hành được dựa trên hoặc truyền cảm hứng bởi hệ điều hành của Kildall. Theo Sams, Gates đã nói, “Anh có muốn có… [hệ điều hành đó], hay anh muốn tôi có nó?” Sams, dường như không cảm kích trước những lời nói ẩn ý của Gates, đã nói “bằng mọi giá, anh phải có nó”. Gates đã làm như vậy, và với 50.000 đô-la (theo một số người khác thì nhiều hơn), thay đổi một chút, và đổi tên thành DOS (disk operating system – hệ điều hành ổ đĩa). IBM lúc đầu có vẻ không tin tưởng lắm vào tiềm năm của ý tưởng mới này, cấp phép cho DOS của Gates với một phí khai thác thấp cho mỗi bản (Gate vẫn giữ bản quyền). DOS không tốt hơn bản cũ là mấy – và rất nhiều người, bao gồm cả những chuyên gia máy tính, cho rằng tệ hơn hệ điều hành Macintosh của Apple. Nhưng số người sử dụng ngày càng tăng của IBM đã khuyến khích nhà phát triển phần mềm viết cho DOS và từ đó thúc đẩy tỷ lệ những người tiêu dùng có tiềm năng mua máy IBM. Nói cách khác, như W. Brian Athur, người ta mua DOS vì người khác mua DOS. Trong một thế giới luôn có sự hoán đổi vị trí dẫn đầu của các doanh nghiệp máy tính, Gates nổi lên như một biểu tượng khác biệt mang tính đột phá. Nhưng nếu không nhờ sự thiếu hợp tác của Kildall, thiếu tầm nhìn của IBM, hay cuộc gặp gỡ thứ hai giữa Sams và Gates, thì dù Gates có nhạy bén, nhìn xa trông rộng về mặt kinh doanh, ông có thể cũng chỉ là một trong những người kinh doanh phần mềm chứ không phải người giàu nhất thế giới, và đó chính là lý do mà khả năng dự liệu tương lai của ông cũng chỉ như bao nhà doanh nghiệp phần mềm khác.
Xã hội của chúng ta có thể nhanh chóng biến những người giàu có thành anh hùng và lấy tinh bỏ thô. Đó là lý do tại sao ông trùm bất động sản, Donald Trump, người sở hữu khách sạn Plaza bị phá sản, hay hai lần phá sản cả đế chế casino (một cổ đông đã đầu tư 10.000 đô vào sòng bạc của ông năm 1994 đã rời đi chỉ với 636 đô-la sau 13 năm), tuy nhiên vẫn dám tham gia một chương trình tivi mà trong đó ông đánh giá tính sắc bén về kinh doanh của những người trẻ tuổi đầy tham vọng.
Hiển nhiên, có thể là một sai lầm khi coi sự khôn ngoan tỷ lệ với tài sản. Chúng ta không thể nhìn thấy tiềm năng của một con người thông qua thành tích của họ, vậy nên chúng ta thường đánh giá sai vì nghĩ rằng thành quả phản ánh con người. Lý thuyết về sự tình cờ thông thường trong cuộc sống cho thấy không phải sự liên kết giữa hành động và thành quả là ngẫu nhiên, mà sự ảnh hưởng ngẫu nhiên đó quan trọng ngang với hành động và phẩm chất.
Ở mức cảm xúc, nhiều người phản đối khi cho rằng những ảnh hưởng ngẫu nhiên quan trọng cả trong tư duy, họ hiểu rằng đúng là như vậy. Nếu con người đánh giá thấp vai trò của tính ngẫu nhiên trong sự nghiệp của những người có thế lực, liệu họ cũng có coi thường vai trò của nó trong cuộc sống của những người bần cùng không? Trong những năm 1960, câu hỏi này đã truyền cảm hứng cho nhà tâm lý xã hội học, Melvin Lerner, nghiên cứu thái độ tiêu cực của xã hội đối với người nghèo. Nhận ra rằng “ít người sẽ tham gia các hoạt động ngoại khóa nếu họ tin rằng có sự liên kết ngẫu nhiên giữa những gì họ làm và phần thưởng họ nhận được”, từ đó Lerner kết luận “vì sự sáng suốt của bản thân,” người ta đánh giá quá khả năng thành công của chính mình. Chúng ta có thiên hướng đi xem những ngôi sao điện ảnh tài năng hơn là những diễn viên đầy nhiệt huyết, và nghi rằng người giàu nhất thế giới hẳn cũng thông minh nhất.
Chúng ta có thể không nghĩ rằng mình đánh giá người khác theo thu nhập hay những dấu hiệu bên ngoài của thành công, nhưng kể cả khi chúng ta biết rằng lương của một người là hoàn toàn tình cờ, thì theo bản năng, nhiều người vẫn đánh giá lương bổng liên quan tới phẩm chất. Melvin Lerner đã kiểm chứng vấn đề này bằng việc sắp xếp các đối tượng ngồi trong một thính phòng tối, đối mặt với chiếc gương một chiều. Từ vị trí của họ, những người quan sát này có thể nhìn chằm chằm vào một căn phòng đủ ánh sáng chứa một cái bàn và hai ghế. Những người quan sát buộc phải tin rằng hai công nhân, Tom và Bill, sẽ nhanh chóng vào căn phòng này và làm việc cùng nhau trong 15 phút để tìm lời giải cho những chữ bị đảo lộn. Rèm phía trước cửa sổ bị đóng lại sau đó, và Lerner nói với những người quan sát rằng thí nghiệm sẽ diễn ra tốt hơn nếu khán giả không thấy cũng như không nghe những người công nhân để không bị ảnh hưởng bởi ngoại hình của họ. Ông cũng bảo họ rằng vì nguồn ngân quỹ bị hạn chế, ông chỉ có thể trả được cho một người trong số hai người được chọn ngẫu nhiên. Lerner rời phòng, một trợ lý làm động tác mở một đoạn băng thu âm. Những người quan sát tin rằng họ đang nghe thấy Tom và Bill bước vào phòng sau tấm rèm và bắt đầu làm việc. Sự thật, họ chỉ nghe một đoạn thu Tom và Bill đọc một kịch bản có sẵn, được dựng nên để bằng mọi cách, mỗi người đều có vẻ thông thạo và thực hiện công việc được giao thành công. Sau đó những người quan sát, không biết điều này, được yêu cầu đánh giá Tom và Bill dựa trên sự nỗ lực, sáng tạo và thành công. Khi Tom được chọn để nhận lương, khoảng 90% đánh giá cho rằng anh ta đã đóng góp nhiều hơn. Khi Bill được chọn, khoảng 70% người quan sát đánh giá anh ta cao hơn. Cho dù Tom và Bill đều thực hiện như nhau và khán giả biết rằng lương được trả ngẫu nhiên, người xem vẫn nhận thức rằng người công nhân được trả lương vì đã làm tốt hơn người kia. Chao ôi, như tất cả những người với mẽ bề ngoài thành công biết rằng, tất cả chúng ta đều rất dễ dàng bị dắt mũi bởi số tiền ai đó kiếm được.
Một loạt nghiên cứu liên quan tới những hiệu ứng tương tự từ quan điểm của chính các công nhân. Mọi người đều biết rằng các ông chủ cùng với niềm tin xã hội, học thuật đúng đắn, một tước hiệu đẹp đẽ và mức lương thời đó khiến những ý tưởng của họ nặng hơn ý tưởng của cấp dưới. Các nhà nghiên cứu tự hỏi, liệu những người kiếm được nhiều tiền hơn có khi nào cư xử y như vậy? Liệu những “thành công” thậm chí không gặt hái được lợi nhuận cũng đem lại cảm giác về tính ưu việt? Để giải đáp, những cặp tình nguyện viên được yêu cầu cộng tác trong những nhiệm vụ vô nghĩa. Ở nhiệm vụ thứ nhất, ví dụ một hình ảnh đen trắng được chiếu nhanh, và các đối tượng phải xác định phía trên hay dưới tấm hình có nhiều màu trắng hơn. Trước khi nhiệm vụ bắt đầu, mỗi đối tượng được chọn ngẫu nhiên để nhận nhiều lương hơn người còn lại. Khi cả hai không biết về thông tin này, họ hợp tác khá hài hòa. Nhưng khi họ biết mỗi người được trả bao nhiêu, người được trả nhiều hơn tỏ vẻ không chịu tiếp nhận ý kiến từ người còn lại. Thậm chí những sự khác biệt ngẫu nhiên trong việc trả lương cũng dẫn đến sự suy luận ngược về sự khác biệt trong kỹ năng, từ đó phát triển sức ảnh hưởng không đồng đều. Nó là một yếu tố trong động lực mang tính chủ quan và khách quan không thể bỏ qua.
Nhưng đó là một mặt khác của câu hỏi mà gần hơn với động lực ban đầu trong nghiên cứu của Lerner. Với một đồng nghiệp, Lerner hỏi liệu người ta có xu hướng cảm thấy những người không thành công hay đang gặp khó khăn xứng đáng bị như vậy. Trong nghiên cứu đó, những nhóm nhỏ sinh viên nữ tập hợp trong phòng chờ, sau vài phút, một người được chọn và dẫn ra ngoài. Sinh viên đó, người tôi gọi là nạn nhân, không thật sự là đối tượng điều tra mà được cài vào phòng bởi những người làm thí nghiệm. Những đối tượng còn lại được bảo rằng họ sẽ quan sát nạn nhân này trong một tình huống học tập, và mỗi lần cô ta trả lời sai, cô sẽ bị shock điện. Những người tiến hành thí nghiệm đã điều chỉnh mức shock điện, và một màn hình video được bật lên. Những sinh viên còn lại quan sát nạn nhân đi vào phòng và bị trói vào một chiếc “ghế điện” và sau đó cố gắng trả lời những câu hỏi.
Trong suốt thí nghiệm này, nạn nhân phải chịu nhiều cú sốc điện vô cùng đau đớn cho mỗi câu trả lời sai. Cô ta phản ứng lại bằng những tiếng kêu than. Trên thực tế, nạn nhân này chỉ đang diễn, và những gì diễn ra trên màn hình là từ một cuốn băng thu sẵn. Đầu tiên, đúng như dự đoán, phần lớn người xem tỏ vẻ đau lòng khi phải chứng kiến người khác chịu đau đớn một cách bất công. Nhưng khi thử nghiệm này tiếp diễn, sự đồng cảm của họ dành cho nạn nhân giảm dần. Cuối cùng, khi người xem bất lực và không thể cứu giúp, họ bắt đầu phỉ báng nạn nhân. Nạn nhân càng chịu đựng bao nhiêu, họ càng nghĩ xấu về cô ta hơn. Đúng như Lerner dự đoán, người xem có nhu cầu hiểu tình huống theo hướng nguyên nhân – kết quả. Để chắc rằng những nhân tố khác không gây ảnh hưởng, thí nghiệm này được áp dụng lại với một nhóm khác, lần này các đối tượng được cho biết rằng nạn nhân sẽ được bồi thường cho sự đau đớn. Nói cách khác, những đối tượng này tin rằng nạn nhân được đối xử “công bằng” thế nhưng vẫn phải chịu đau đớn giống như thí nghiệm trước. Những người này không có xu hướng nghĩ xấu về nạn nhân. Không may, chúng ta dường như vô thức có định kiến với những người dưới đáy xã hội.
Chúng ta bỏ lỡ những tác động của sự ngẫu nhiên trong cuộc sống vì khi ta nhận định thế giới, ta thường nhìn điều mà chúng ta mong muốn được nhìn. Kết quả là ta đánh giá mức độ tài năng theo mức độ thành đạt và củng cố thêm cảm giác của ta về nhân quả bằng cách nhấn mạnh mối tương quan. Đó là lý do vì sao đôi khi, ranh giới giữa khả năng của một người thành đạt và một người kém thành công hơn không khác biệt nhiều lắm, nhưng luôn có một sự khác biệt lớn giữa cách họ được nhìn nhận. Trước Moonlighting, nếu bạn được chàng pha chế đồ uống Bruce Willis trẻ trung tâm sự rằng anh ta muốn trở thành ngôi sao điện ảnh, hẳn là bạn sẽ không nghĩ, trời, mình thật may mắn khi được nói chuyện trực tiếp với một ngôi sao tầm cỡ trong tương lai, mà thay vào đó, bạn sẽ nghĩ gì đó đại loại như, yeah, được đấy, giờ thì đừng có mải huyên thuyên quá mà quá tay pha nhiều rượu vermut quá. Tuy nhiên, vào cái ngày sau khi chương trình này trở nên nổi tiếng, tất cả mọi người đột nhiên coi Bruce Willis như một ngôi sao, một anh chàng sở hữu điều gì đó rất đặc biệt đã lấy hết hồn vía của khán giả.
Sức mạnh của kỳ vọng được miêu tả trong một thí nghiệm táo bạo được thực hiện nhiều năm về trước bởi nhà tâm lý học David L. Rosenhan. Trong thử nghiệm này, mỗi nhà nghiên cứu khoa học giả làm bệnh nhân đặt một cuộc hẹn tại một bệnh viện nào đó và rồi đến phòng khám kêu ca rằng họ nghe thấy những tiếng nói lạ. Những nhà nghiên cứu này tạo thành một nhóm hỗn hợp gồm ba nhà tâm lý học, một nhà tâm thần học, một bác sĩ nhi, một sinh viên, một họa sĩ và một bà nội trợ. Ngoài việc kể ra triệu chứng đó cộng với việc khai tên và nghề nghiệp giả, họ đều miêu tả cuộc sống hàng ngày rất trung thực. Tin tưởng vào bộ máy hoạt động của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhiều đối tượng lo ngại rằng, việc họ hoàn toàn minh mẫn sẽ bị lộ, khiến họ bị một phen xấu hổ. Tuy nhiên họ chẳng cần phải lo. Trừ một người, tất cả đều phải nhập viện với chuẩn đoán là mắc chứng tâm thần phân liệt. Người còn lại nhập viện với chuẩn đoán là suy sụp thần kinh.
Khi phải nhập viện, họ đều ngừng giả vờ bất thường và nói với bác sỹ rằng các tiếng nói đã biến mất. Sau đó, theo chỉ dẫn của Rosenhan, họ chờ các các vị bác sỹ này nhận ra là họ không bị điên. Nhưng không người nào nhận ra điều này cả. Thay vào đó, những bác sỹ và y tá trong bệnh viện lại nhìn nhận hành vi này như các hành vi của người điên. Khi nhìn thấy một bệnh nhân viết nhật ký, một y tá ghi lại rằng “bệnh nhân có hành vi viết lách,” nhận diện cử chỉ này như một dấu hiện của bệnh tâm thần. Khi một bệnh nhân khác nổi nóng do y tá phục vụ tồi, hành vi này cũng được cho là dấu hiệu bệnh. Kể cả việc đến căng tin trước giờ ăn trưa cũng được coi là dấu hiệu của bệnh điên. Những bệnh nhân không tin vào những chuẩn đoán y học chính quy thường thách thức những nhà nghiên cứu giả làm bệnh nhân bằng những câu nói như “Anh đâu có điên. Anh là nhà báo… anh đang kiểm tra bệnh viện này.” Bác sĩ của những nhà nghiên cứu trên lại viết những dòng như sau: “Bệnh nhân nam, da trắng, 39 tuổi này rõ ràng có tiền sử chịu đựng mâu thuẫn trong các mối quan hệ ruột thịt, bắt đầu từ thuở nhỏ. Tình mẫu tử nhạt dần khi bước sang tuổi thiếu niên. Mối quan hệ với người cha được cho là rất khắc nghiệt.”
Tin tốt là dù có những thói quen đáng nghi như viết lách hay đi ăn trưa sớm, những nhà nghiên cứu được chẩn đoán là không gây nguy hiểm cho bản thân họ hay cho người khác và được ra viện sau mười chín ngày. Những bệnh viện đó không hề phát hiện ra trò lừa này và khi được thông báo sự thật thì họ phủ nhận.
Nếu như ta dễ dàng đánh giá thấp nạn nhân do kỳ vọng, thì cũng dễ dàng lợi dụng họ. Đó lý do vì sao những người lăn lộn ở Hollywood cố gắng hết sức để trông có vẻ đàng hoàng, vì sao bác sĩ mặc áo trắng và treo các chứng chỉ và bằng cấp lên tường văn phòng, tại sao những người buôn xe cũ hay sửa sang các tì vết bên ngoài xe hơn là đại tu máy móc, và vì sao giáo viên thường cho điểm cao bài về nhà đối với những học sinh “xuất sắc” và điểm thấp hơn cho những học sinh “yếu” dù bài làm tương tự nhau. Những người kinh doanh cũng biết điều này và thiết kế ra các chiến dịch quảng cáo để tạo ra các kỳ vọng và lợi dụng nó. Một lĩnh vực đã thực hiện điều này rất hiệu quả là thị trường rượu vodka. Vodka có tính trung hòa, được chưng cất và căn cứ theo định nghĩa của chính phủ Hoa Kỳ, đó “là một thứ không đặc tính, không mùi, màu hay vị.” Đa số Vodka Mỹ được tạo ra không phải bởi những người mặc áo vải flannen say mê chế tạo rượu, mà bởi các tập đoàn khổng lồ như công ty cung cấp nông hóa Archer Daniels Midland. Và mục đích của quá trình chưng cất vodka không phải để ngăn chặn sự lên men làm ảnh hưởng tới hương vị tuyệt hảo mà là để lấy cồn, pha thêm nước và loại trừ càng nhiều hương vị càng tốt. Tuy nhiên, nhờ các chiến dịch xây dựng hình tượng hoành tráng, những nhà sản xuất vodka đã tạo ra một sự kỳ vọng mạnh mẽ cho sự khác biệt. Kết quả là người ta tin rằng thứ rượu, ngay với định nghĩa là không hề có đặc tính, thực ra lại có sự khác biệt giữa các hãng. Hơn nữa, họ sẵn sàng chi ra nhiều tiền dựa theo những sự khác biệt ấy. Dù sẽ bị coi như kẻ quê mùa, tôi muốn nói rằng có một cách chứng minh cho quan điểm của tôi. Bạn có thể dàn một loạt vodka và vodka tinh chế rồi tổ chức một buổi thử rượu ngẫu nhiên. Và nếu như không có thương hiệu nổi tiếng, những loại vodka hào nhoáng như Grey Goose và Ketel One cũng khó mà so sánh được. So với cách đánh giá theo lối cũ, trên thực tế, kết quả lại mang tính ngẫu nhiên. Hơn nữa, trong số 21 loại vodka được nếm thử, chính loại rượu rẻ tiền, Smirnoff, lại được đánh giá có mùi vị tuyệt nhất. Cách chúng ta nhận định thế giới sẽ trở nên khá khác biệt nếu mọi nhận xét của ta không xuôi theo kỳ vọng mà chỉ dựa vào những thông tin có liên quan.
Một vài năm trước, tờ Sunday Times của London đã thực hiện một thử nghiệm. Các biên tập viên của tờ báo này gửi những bản thảo đánh máy lấy từ những chương đầu của hai cuốn tiểu thuyết đã giành giải Booker – một trong những giải thưởng danh giá và có ảnh hưởng nhất trên thế giới dành cho truyện đương đại – tới hai mươi nhà xuất bản và đại diện. Một trong số hai cuốn tiểu thuyết đó là In a Free State của V.S.Naipaul, người đoạt giải Nobel Văn học; cuốn còn lại là Holiday của Stanley Middleton. Ta có thể đoán chắc rằng những người nhận được các bản thảo, nếu biết được họ đang đọc cái gì, hẳn sẽ hết lời khen ngợi hai cuốn tiểu thuyết đã được đánh giá cao kia. Nhưng những tờ bản thảo đó lại được nộp dưới tên của các nhà văn trẻ đầy tham vọng, và không một nhà xuất bản nào nhận ra hai cuốn tiểu thuyết này cả. Và hai tác phẩm vô cùng thành công này làm ăn ra sao? Chỉ trừ một trường hợp, còn những phản hồi khác đều từ chối. Trường hợp ngoại lệ kia là của một đại diện nhà xuất bản ở London bày tỏ sự quan tâm đối với tiểu thuyết của Middleton. Cũng tòa soạn đó lại nhận xét như sau về sách của Naipaul, “Chúng tôi … nghĩ rằng nó khá là độc đáo. Tuy nhiên, cuối cùng, tôi e rằng chúng tôi chưa thực sự đủ hứng thú để có thể tiến xa hơn với bản thảo này.”
Tác giả Stephen King đã vô thức thực hiện một thử nghiệm giống vậy, khi lo ngại rằng công chúng sẽ không đón nhận tác phẩm nhanh bằng tốc độ xuất bản sách, ông đã viết một loạt tiểu thuyết dưới bút danh Richard Bachman. Doanh số tiêu thụ cho thấy, ngay cả Stephen King khi bỏ đi thương hiệu, cũng chẳng phải Stephen King nữa. (Doanh số tăng đang kể ngay khi danh tính thật của tác giả được tiết lộ.) Tiếc rằng, King không thực hiện thử nghiệm ngược lại: bọc những trang bản thảo tuyệt vời nhưng không được xuất bản của những nhà văn khốn khó vào tờ bìa đề tên ông. Nhưng khi mà kể cả Stephen King, không mang thương hiệu, cũng không còn là Stephen King, thì đối với chúng ta, khi công trình sáng tạo nhận được phản hồi chẳng mấy hào hứng, chúng ta cũng an ủi phần nào khi biết rằng không có mấy khác biệt về mặt chất lượng như nhiều người khác bắt chúng ta tin.
Nhiều năm trước tại Caltech, nơi tôi làm việc ngay gần văn phòng của nhà vật lý học John Schwarz. Ông ấy không nổi tiếng mấy, và trong suốt một thập kỷ bị đem ra làm trò cười vì gần như chỉ còn mình ông khăng khăng nắm giữ một thuyết được coi là sai mang tên thuyết chuỗi, một thuyết tiên đoán rằng không gian có nhiều hơn ba chiều như chúng ta thấy. Và rồi ngày nọ, ông và một đồng nghiệp đã có một đột phá về mặt nguyên lý và vì những lý do mà chúng ta cũng không cần để tâm, đột nhiên thuyết về những chiều khác lại được coi là hợp lý hơn. Kể từ đó, thuyết chuỗi trở thành đề tài gây chú ý nhất trong vật lý. Ngày nay, John được coi là một trong những nhà vật lý lão thành tài năng nhất, và nếu như ông không để cho những năm tối tăm làm ảnh hưởng đến mình, hẳn ông đã trở thành bằng chứng sống cho tuyên bố của Thomas Edison rằng “thất bại trong cuộc sống là khi con người không nhận ra mình đã tiến gần đến thành công đến thế nào khi họ bỏ cuộc.”
Tôi biết một nhà vật lý học khác cũng có câu chuyện hệt như của John. Ông ấy, tình cờ, chính là người hướng dẫn luận án phó tiến sĩ cho John tại Đại học California, Berkeley. Được coi là một trong những nhà khoa học tiên phong, nhà vật lý này đứng đầu một lĩnh vực nghiên cứu mang tên thuyết ma trận S. Cũng như John, ông ấy kiên trì đến cứng đầu và vẫn tiếp tục nghiên cứu nhiều năm sau khi những người khác đã từ bỏ. Nhưng khác với John, ông ấy không thành công. Và vì không thành công như mong đợi, ông kết thúc sự nghiệp của mình với nhiều người cho rằng ông là đồ lập dị. Nhưng theo tôi, cả ông ấy và John đều là những nhà vật lý học tài năng với lòng can đảm để làm việc – dù chưa chắc sẽ có khám phá đột phá – trên một lý thuyết đã chẳng có ai quan tâm. Cũng như nhà văn nên được đánh giá bởi giá trị tác phẩm, không phải doanh số bán ra, vật lý học cũng vậy – và tất cả những ai cố gắng hết mình để đạt được điều gì đó – đều nên được đánh giá, không phải bởi thành công mà bởi tài năng của họ.
Sợi dây nắm giữ khả năng và sự thành công vừa lỏng lẻo vừa dẻo dai. Thật dễ dàng để thấy chất lượng tuyệt vời trong nhiều cuốn sách thành công, những bản thảo không được xuất bản, những loại rượu vodka rẻ tiền hay những người phải chật vật ở bất cứ lĩnh vực nào và đánh giá tất cả là đồ phế phẩm. Ta cũng dễ dàng tin rằng những ý tưởng thực tế là ý tưởng tốt, kế hoạch tối ưu là kế hoạch được tính toán rõ ràng, còn các ý tưởng và kế hoạch không được như thế là do ý tưởng tồi. Và cũng dễ dàng khi coi những người thành công nhất là anh hùng và nhìn những kẻ thất bại với ánh mắt khinh thường. Nhưng có khả năng không đảm bảo thành tích, cũng như thành tích không tỷ lệ thuận với khả năng. Và hãy luôn nhớ đến một vế khác trong mọi phương trình – vai trò của sự ngẫu nhiên.
Chẳng khó khi coi những người thành công nhất trong bất cứ lĩnh vực gì là anh hùng. Nhưng việc tin vào nhận xét của chuyên gia hay thị trường hơn là tin vào bản thân khiến chúng ta bỏ cuộc thì quả là một bi kịch, giống như việc John Kennedy Toole tự tử sau khi các nhà xuất bản liên tiếp từ chối bản thảo tác phẩm Confederacy of Dunces của ông, mà cuốn sách trở thành sách bán chạy nhất sau khi ông qua đời. Vậy nên, khi muốn phán xét ai đó thông qua mức độ thành công của người đó, tôi thường tự nhắc bản thân rằng khi những người nổi tiếng làm lại từ đầu, Stephen King sẽ là một Richard Bachman và V. S. Naipaul cũng chỉ là một nhà văn đang phải bươn chải sống, và đâu đó ngoài kia là những người không giàu có, không nổi tiếng nhưng cũng tài giỏi như Bill Gates, Bruce Willis và Roger Maris – những người không được vận may ban cho sản phẩm đột phá, chương trình tivi hay thời cơ phù hợp. Hơn tất cả, điều mà tôi học được là ý chí tiến về phía trước vì từ khi sự ngẫu nhiên đóng vai trò quan trọng, thành công đã có thể kiểm soát được qua số lần gặp gỡ, số thời cơ nắm bắt được, số cơ hội nắm giữ. Vì ngay cả một đồng xu nghiêng về phía thất bại đôi khi vẫn lật về mặt thành công. Hay như người tiên phong của IBM, Thomas Watson, nói “nếu bạn muốn thành công, hãy nhân đôi số lần thất bại.”
Tôi đã cố gắng đưa vào cuốn sách này những khái niệm căn bản nhất của tính ngẫu nhiên, để khắc họa cách thức áp dụng chúng vào công việc của con người, và để trình bày góc nhìn của tôi về tác động của nó đã bị coi nhẹ trong cách chúng ta phân tích các sự kiện, các kỳ vọng và quyết định của ta. Có thể coi là có chút tâm linh khi ta nhận ra vai trò ở khắp mọi nơi của sự ngẫu nhiên trong cuộc sống; tuy nhiên sức mạnh thực sự của quá trình ngẫu nhiên lại nằm ở thực tế rằng khi ta hiểu được bản chất của quá trình ngẫu nhiên ấy, ta có thể thay đổi cách nhận thức những sự kiện xảy ra xung quanh.
Nhà tâm thần học David Rosenhan viết rằng “khi một người là khác thường, tất cả các hành vi cử chỉ và tính cách của anh ta đều mang sắc thái của cái mác đó.” Điều này cũng đúng với người nổi tiếng, nhiều người được gắn mác thành công, nhiều người bị cho là thất bại. Chúng ta phán xét người khác và năng lực của họ thông qua kết quả, và chúng ta cố gắng kỳ vọng mọi sự xảy ra vì lý do tốt đẹp, dễ hiểu. Nhưng tầm nhìn thấu đáo của chúng ta về những việc không thể tránh khỏi thường chỉ là ảo giác. Tôi viết cuốn sách này với niềm tin là chúng ta có thể hình thành lối suy nghĩ theo sự không chắc chắc. Chúng ta có thể nâng cao khả năng quyết đoán và thuần hóa những định kiến khiến ta đưa ra những nhận định và lựa chọn sai lầm. Chúng ta có thể hiểu được phẩm chất của người khác hay hiểu được tính chất của một tình huống mà không dựa vào những kết quả mà họ đạt được, và chúng ta có thể học cách nhận xét các quyết định bằng cách nhìn vào những kết quả có thể xảy ra thay vì những kết quả đã có từ trước đó.
Mẹ tôi thường cảnh cáo tôi không nên nghĩ rằng mình có thể tiên đoán hay kiểm soát được tương lai. Bà từng gặp phải tình huống khiến bà bác bỏ lối suy nghĩ đó. Câu chuyện liên quan đến chị gái bà, Sabina, người bà vẫn thường nhắc đến dù giờ đã hơn 65 năm kể từ lần cuối bà gặp mặt. Sabina khi ấy 17 tuổi. Mẹ tôi lúc đó 15 tuổi, ngưỡng mộ chị gái như các em gái nhỏ khác hơn thường làm. Đức quốc xã xâm chiếm Ba Lan, và cha tôi, đến từ khu ổ chuột của thành phố, đã gia nhập đội tình báo và, như tôi đã nói lúc trước, cuối cùng đặt chân đến Buchenwald. Mẹ tôi đến từ khu thượng lưu của thành phố. Ở đây, bà làm y tá và chăm sóc những bệnh nhân mắc chứng sốt Rickettsia. Thức ăn khan hiếm, cái chết có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Để bảo vệ mẹ tôi khỏi nguy hiểm luôn cận kề, Sabina đồng ý theo một kế hoạch. Bà ấy có một người bạn là cảnh sát Do Thái, nhóm người bị khinh rẻ bởi những người khác vì là tay sai của Đức, và có nhiệm vụ giữ trật tự trong trại. Bạn của Sabina đề nghị kết hôn – một cuộc hôn nhân trên danh nghĩa – để Sabina có được sự bảo vệ từ vị trí của anh ta. Sabina nghĩ rằng sự bảo vệ đó sẽ bao gồm cả mẹ tôi nên bà đồng ý. Trong thời gian đầu, việc này có tác dụng. Rồi sau đó có chuyện xảy ra, và Đức quốc xã trút giận lên cảnh sát Do Thái. Chúng tống một cơ số sĩ quan đến buồng hơi ngạt, cùng với vợ của họ – bao gồm chồng Sabina và cả Sabina. Mẹ tôi đã sống nhiều năm không có Sabina hơn là những năm Sabina bên bà, nhưng cái chết của Sabina vẫn ám ảnh bà. Mẹ tôi lo rằng một khi bà qua đời, sẽ không còn vết tích nào của Sabina trên đời nữa. Đối với bà, câu chuyện này chỉ ra rằng kế hoạch cũng là vô dụng. Tôi không đồng ý. Tôi tin vào tầm quan trọng của hoạch định, nếu ta làm vậy với đôi mắt mở rõ. Nhưng quan trọng hơn, trải nghiệm của mẹ đã dạy tôi rằng, chúng ta cần nhận biết và trân trọng những may mắn mà chúng ta có, cũng như hiểu rõ những sự việc ngẫu nhiên đã góp phần vào thành công của ta. Nó cũng dạy tôi phải chấp nhận những sự việc ngẫu nhiên khiến chúng ta đau khổ. Hơn hết, nó đã dạy tôi phải biết cảm kích khi không gặp phải xui xẻo, không phải trải qua những chuyện có thể khiến ta tuyệt vọng, không phải chịu ốm đau, chiến tranh, nạn đói, hay những tai nạn không khiến ta – hoặc chưa khiến ta – gục ngã.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.