Lịch Sử Vạn Vật

30. TẠM BIỆT



Tại Hoa Kỳ, ba mươi loài động vật lớn – một số rất lớn – đã biến mất kể từ khi loài người hiện đại đến đây cách nay khoảng từ 10.000 đến 20.000 năm. Tổng cộng miền Bắc và Nam Mỹ đã mất ba phần tư số lượng các động vật lớn từ khi loài người biết săn bắt đến đây với giáo mác trên tay họ. Con số này tại châu Âu là một phần ba, tại châu Á là một phần hai. Tại Australia, con số này không ít hơn 95 phần trăm.

Vì số thợ săn trước đây tương đối nhỏ và dân số các loài động vật vẫn còn rất lớn – hàng chục triệu xác voi ma-mút (voi cổ) được xem là đã bị đóng băng tại lãnh nguyên bắc Siberia, đó là chưa nói đến những nơi khác – một số chuyên gia nghĩ rằng ắt hẳn phải có những lời giải thích khác, có thể liên quan đến sự thay đổi khí hậu hoặc dịch bệnh trên diện rộng. Theo Ross MacPhee của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ: “Chẳng ích lợi gì khi săn bắn các loại động vật nguy hiểm với số lượng nhiều hơn nhu cầu của bạn – chỉ vài loài voi ma-mút bạn có thể ăn thịt được”. Một số khác cho rằng ắt hẳn trước đây việc săn bắt động vật là việc vô cùng dễ dàng. Theo lời Tim Flannery thì, “Tại Australia và châu Mỹ, có lẽ động vật còn không biết cách trốn chạy”.

Một số sinh vật thời bấy giờ là những sinh vật cực kỳ ngoạn mục. Bạn hãy hình dung những con lười có thể dòm ngó vào cửa sổ tầng một nhà bạn, loài rùa có kích cỡ bằng một chiếc xe hơi loại nhỏ, loài thằn lằn dài hai mươi foot phơi nắng bên đường tại miền tây Australia. Lạy Chúa, chúng đã biến mất và chúng ta đang sống trên một hành tinh thiếu sức sống. Ngày nay, trên toàn thế giới, trên đất liền chỉ bốn loài động vật to lớn (trên một tấn) còn tồn tại: voi, tê giác, hà mã, và hươu cao cổ.

Vấn đề đặt ra ở đây là sự biến mất của thời kỳ đồ đá và sự biến mất của những thời kỳ gần đây hơn có tác động đến sự tuyệt chủng của các chủng loài hay không – tóm lại, liệu sự xuất hiện của con người có phải là tin xấu đối với sự tồn tại của các đời sống khác không. Rất có khả năng đó là sự thật. Theo lời nhà cổ sinh vật học của Đại học Chicago, David Raup, tốc độ tuyệt chủng trên trái đất trong suốt lịch sử sinh vật học cho thấy rằng bình quân sau bốn năm thì có một chủng loài bị tuyệt chủng. Theo một tính toán gần đây, ngày nay sự tuyệt chủng do con người tạo ra có thể tăng cao hơn tốc độ đó gấp 120.000 lần.

Giữa thập niên 1990, nhà tự nhiên học người Australia, Tim Flannery, ngày nay ông là giám đốc Bảo tàng South Australia tại Adelaide, luôn băn khoăn về việc chúng ta biết quá ít về sự tuyệt chủng của các chủng loài động thực vật, kể cả những loài gần đây nhất. “Mỗi khi bạn nhìn lại dường như luôn có một lỗ hổng mới xuất hiện – một chủng loài nào đó biến mất, chẳng hạn loài chim cưu”, ông nói với tôi khi tôi đến gặp ông tại Melbourne cách đây khoảng một năm.

Flannery cùng bạn ông là Peter Schouten, một nghệ sĩ người Australia, bắt tay vào việc xác định xem chủng loài nào đã mất đi và chủng loài nào còn sót lại, đây là điều trước đó chưa ai thực hiện. Họ trải qua bốn năm thu thập các mảnh da cũ, các di tích còn sót lại, và tranh vẽ thời xa xưa, và viết các bản báo cáo. Schouten vẽ các bức họa với kích cỡ thật về mọi chủng loài động thực vật mà họ có thể tái tạo, và Flannery viết các tài liệu đính kèm các bức họa này. Kết quả là họ có một cuốn sách phi thường được gọi là A Gap in Nature, tạo thành danh mục liệt kê các chủng loài tuyệt chủng trong suốt ba trăm năm qua.

Loài bò biển của Steller, một sinh vật giống hải mã có liên hệ gần gũi với cá nược, là một trong những động vật to lớn bị tuyệt chủng gần đây nhất. Nó thực sự to lớn – con trưởng thành có chiều dài gần ba mươi foot và nặng gần mười tấn – nhưng chúng ta chỉ trông thấy nó lần cuối cùng gần đây nhất vào năm 1741, khi ấy một đoàn thám hiểm người Nga tình cờ bị đắm tàu tại nơi mà những sinh vật này vẫn còn sống sót với số lượng có thể đếm được trên đầu ngón tay, tại quần đảo Commander mù sương thuộc biển Bering.

Rất may trong đoàn có một nhà tự nhiên học, Georg Steller, vốn là người rất quan tâm đến loài vật này. “Ông viết nhiều về nó”, Flannery nói, “Ông thậm chí còn đo đường kính các lông của nó. Chi tiết duy nhất ông không thể mô tả là cơ quan sinh dục của con đực – dù rằng, vì một lý do nào đó, ông có thể mô tả cơ quan sinh dục của con cái. Ông thậm chí còn lưu lại mẩu da của nó. Không phải lúc nào chúng tôi cũng gặp may như thế”.

Điều Steller không thể làm là cứu loài bò biển này thoát khỏi sự tuyệt chủng. Khi ông tìm thấy chúng thì chúng đang bên bờ tuyệt chủng. Tuy nhiên có nhiều động vật khác mà chúng tôi không thể mô tả chi tiết vì chúng tôi biết rất ít về chúng. Chuột Darling Downs, thiên nga đảo Chatham, gà nước không biết bay đảo Ascension, ít nhất năm loại rùa lớn, và nhiều động vật khác – chúng tôi không biết gì về chúng ngoại trừ những cái tên.

Tôi đề cập đến những điều này cho thấy rằng nếu bạn có định thành lập một tổ chức chăm sóc sự sống trên hành tinh đơn độc này, bạn không nên chọn con người vào làm việc tại đây. Nhưng đây là điểm đáng chú ý nhất: chúng ta đã được chọn, bởi thiên mệnh hoặc Thượng đế hoặc bất kỳ tên gọi nào bạn muốn dùng. Chúng ta có thể tồn tại trên hành tinh này. Chúng ta có thể là sinh vật sống tối cao của vũ trụ này và đồng thời chúng ta cũng có thể là cơn ác mộng của muôn loài.

Vì chúng ta quá bất cẩn trong việc chăm sóc sự sống trên trái đất, cả khi chúng ta còn sống lẫn khi chúng ta đã chết, chúng ta không biết – thực sự không biết – rằng đã có bao nhiêu chủng loài tuyệt chủng mãi mãi và không biết vai trò của mình trong mối quan hệ hỗ tương của sự sống này. Năm 1979, trong cuốn The Sinking Ark, tác giả Norman Myers xác nhận rằng những hoạt động của con người khiến hai loài động vật bị tuyệt chủng sau mỗi tuần trên hành tinh này. Đầu thập niên 1990, ông nâng con số này lên thành sáu trăm/tuần. (Đó là sự tuyệt chủng của muôn loài – thực vật, côn trùng, động vật, vân vân). Một số chuyên gia khác cho rằng con số này còn cao hơn thế – hàng nghìn loài tuyệt chủng sau mỗi tuần lễ. Bản báo cáo của Liên hiệp quốc năm 1995 xác nhận rằng tổng số loài tuyệt chủng trong bốn trăm năm qua là gần 500 loài động vật và hơn 650 loài thực vật – và kèm theo nội dung rằng con số này “ắt hẳn chưa phản ánh đúng thực tế”, đặc biệt đối với các chủng loài thuộc khu vực nhiệt đới.

Sự thật là: chúng ta không biết. Không hề hay biết. Chúng ta không biết mình đã bắt đầu gây hại cho sự sống trên hành tinh này từ khi nào. Chúng ta không biết hiện giờ mình đang làm gì và hành động hiện nay của chúng ta sẽ tác hại đến tương lai như thế nào. Chúng ta chỉ biết là: chỉ hành tinh này có khả năng duy trì sự sống tốt nhất, và chỉ loài người mới có khả năng biến đổi mọi việc. Edward O. Wilson phát biểu dứt khoát trong cuốn The Diversity of Life: “Một hành tinh, một thử nghiệm”.

Nếu cuốn sách này có một bài học, bài học đó sẽ là: chúng ta vô cùng may mắn khi tồn tại trên hành tinh này – và “chúng ta” ở đây có nghĩa là mọi sinh vật. Để có được sự sống trên hành tinh này quả là một kỳ công. Dĩ nhiên chúng ta vô cùng may mắn khi được làm con người: Chúng ta có khả năng cải thiện sự sống.

Dù loài người hiện đại chỉ mới tồn tại một khoảng thời gian bằng 0,0001 phần trăm lịch sử trái đất.

Nhưng để tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi này chúng ta cần có sự may mắn tột cùng.

Chúng ta thực sự chỉ đang ở bước đầu của sự sống. Dĩ nhiên, vấn đề ở đây là làm thế nào để sự sống này không bao giờ kết thúc. Và dĩ nhiên, điều đó đòi hỏi nhiều nỗ lực kể cả nhiều may mắn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.