Lối Mòn Của Tư Duy Cảm Tính

Chương 3 NGƯỜI LÙN HOBBIT VÀ MẮT XÍCH CÒN KHUYẾT



Tình huống này đã diễn ra cứ như một tình tiết bất ngờ mà chúng ta thường thấy trong các bộ phim, chỉ cần có thêm đoạn nhạc nền đầy kịch tính của loạt phim Indiana Jones nữa là hoàn chỉnh. Một ngày mùa thu năm 2004, tiến sĩ Dean Falk, một chuyên gia nhân chủng học – đồng thời là chuyên gia pháp lý – đang ngồi làm việc bên máy tính thì bất ngờ chuông điện thoại réo vang. Ý nghĩ đầu tiên lóe lên trong cô là: “Hy vọng không phải là nhân viên tiếp thị gọi”. Lúc này, cô không thể ngờ rằng cuộc gọi đó sẽ làm thay đổi cuộc đời mình nhiều đến mức nào.

Giọng một người đàn ông vang lên ở đầu dây bên kia:

– Xin chào! Tôi là David Hamlin, tôi làm việc ở Hội Địa lý xã hội quốc gia Mỹ. – Như thể đọc được suy nghĩ của tiến sĩ Dean Falk, người đàn ông nhanh chóng tiếp lời. – Ồ! Tôi không gọi để tiếp thị cho tạp chí của hội đâu.

Hamlin không giấu được vẻ háo hức trong giọng nói của mình:

– Tôi đã rất mong được trò chuyện với cô trong suốt hai tháng qua, nhưng vì khi ấy điều tôi sắp nói với cô không được phép phổ biến rộng rãi nên tôi chưa gọi cô được. May là hiện nay những lệnh cấm đó đã được gỡ bỏ, vì vậy giờ tôi có thể nói tất cả với cô rồi.

– Có chắc tôi là người anh muốn tìm không vậy? – Falk hỏi lại.

Hamlin cười lớn:

– Dĩ nhiên rồi. Tôi vừa từ Indonesia trở về, chúng tôi đến đó để ghi hình cho chương trình truyền hình

của Hội Địa lý xã hội quốc gia. Tôi gọi điện tìm gặp cô vì chính Mike Morwood – người khám phá ra chuyện này – đã giới thiệu cô cho tôi.

Hamlin bắt đầu kể với Falk về phát hiện bất ngờ của Morwood, một nhà nhân chủng học người Úc không mấy tiếng tăm đang thực hiện các nghiên cứu ở hòn đảo xa xôi Flores trên biển Java.

Sau này, Falk cho chúng tôi biết rất nhiều điều thú vị về đảo Flores và những hòn đảo khác: trong suốt quá trình tiến hóa dài lâu, các hòn đảo này vẫn bảo toàn được thế cân bằng tự nhiên rất đặc biệt. Trên đảo, những sinh vật có kích thước nhỏ biến đổi lớn hơn, và những sinh vật lớn lại trở nên nhỏ đi – hai quá trình này kết hợp với nhau tạo nên những sinh vật có kích cỡ trung bình xấp xỉ với loài chó chăn cừu Đức. Không ai biết chính xác vì sao đảo Flores lại xảy ra hiện tượng này, nhưng các nhà khoa học dự đoán rằng đây là kết quả của quá trình thích nghi di truyền trong môi trường sống có ít loài thú ăn thịt và hạn chế về tài nguyên. Vì thực tế, sau nhiều thập niên làm việc và nghiên cứu tại Flores, các nhà nhân chủng học đã phát hiện những bộ xương hóa thạch còn sót lại của những sinh vật ngỡ như bước ra từ Xứ sở thần tiên của Alice, đó là những con thằn lằn dài đến gần hai mét, những con chuột có kích thước khổng lồ và những con voi lùn.

Bên cạnh những mẫu xương hóa thạch, các nhà nhân chủng học còn tìm thấy những công cụ đá tinh xảo, trong đó có một số công cụ có niên đại cách đây hàng trăm nghìn năm được xác định là do con người tạo ra. Tuy nhiên, không hề có dấu vết nào chứng tỏ

con người từng sinh sống trên hòn đảo này vào khoảng bốn mươi nghìn năm trước.

Và chính trên hòn đảo này, Morwood đã có một phát hiện lớn lao, một khám phá mà giới nghiên cứu nhân chủng học đánh giá là không thể nào tin được. Khám phá của Morwood không những có thể giải thích cho những bí ẩn về sự tồn tại của các công cụ được tìm thấy trước đó mà còn đưa ra nhận thức về một nhánh phát triển mới trong quá trình tiến hóa của loài người.

Falk không ngờ rằng khi đón nhận thông tin về phát hiện mang nhiều ý nghĩa này thì cô cũng sắp phải đối mặt với một tác động tâm lý ngầm vốn từng ảnh hưởng đến giới nghiên cứu nhân chủng học cách đây một thế kỷ. Không chỉ vậy, lực cản tâm lý này còn thường xuyên làm thay đổi nhận thức của chúng ta về mọi người và mọi việc xung quanh. Nó khiến cho hàng trăm người phớt lờ một nghệ sĩ violon tài hoa khi ông biểu diễn miễn phí trên đường phố, khiến mọi người nghĩ rằng một loại thức uống giàu năng lượng nào đó có khả năng tác động đến chỉ số IQ của người dùng, và sau cùng, chính lực cản đó đã trở thành nhân tố gây ra một sai lầm nghiêm trọng trong lịch sử khoa học.

Mặc dù chưa biết gì về những điều đó, nhưng Falk đã trở thành nhân chứng trước sự tái diễn của một sự kiện lịch sử từng xảy ra. Vào những năm 1850, giới nghiên cứu khoa học trên thế giới đối mặt với một cuộc cách mạng. Khi di tích những mẫu xương hóa thạch của một loài sinh vật cổ được tìm thấy ở thung lũng Neander nước Đức, các nhà khoa học đã hết sức nỗ lực để tìm kiếm câu trả lời giải thích cho sự tồn tại

của sinh vật này. Đây là một sinh vật có những đặc trưng rất gần gũi với chúng ta, nhưng cũng có một số cấu trúc trên khung xương lại không hoàn toàn giống với con người tiến hóa. Mẫu hóa thạch này cho thấy vết tích của một chiếc mũi khá rõ, một hộp sọ dày và hình dáng của một cơ thể người lom khom, nghĩa là rất gần gũi với những gì chúng ta hình dung về người thượng cổ. Ban đầu, các nhà khoa học suy đoán rằng mẫu vật này là bộ xương của một binh lính người Nga đã tử nạn trong các cuộc chiến thời Napoleon. Nhưng khi xem xét và phân tích những mẫu hóa thạch này dưới lăng kính của Thuyết tiến hóa của Darwin, các nhà khoa học đã phỏng đoán rằng mẫu vật này phải thuộc về tổ tiên không xa lắm của loài người hiện đại – một chủng người hoàn toàn mới mà ngày nay chúng ta gọi là người Neanderthal (có nguồn gốc từ Đức).

Ở thời điểm đó, quá trình tiến hóa được hình dung là một quá trình phát triển theo đường thẳng (khác với thuyết tiến hóa hiện đại xem sự tiến hóa của loài người giống như một cây phả hệ phức tạp có nhiều nhánh). Dựa trên quan điểm này, các nhà khoa học cho rằng có một khoảng hổng tồn tại trong quá trình tiến hóa từ loài vượn người đến chủng người Neanderthal. Việc truy tìm mắt xích còn khuyết này chính là một thử thách khó khăn đối với các nhà khoa học châu Âu, và nó cũng gian nan như cuộc truy tìm chén thánh thiêng liêng trong truyền thuyết.

Nhưng bạn không thể đi tìm đáp án của một câu đố mà không có chút hình dung nào về điều mình

đang tìm kiếm. Các nhà khoa học đã đưa ra một phác thảo tương tự như bản điều tra của cảnh sát để truy tìm sinh vật bí ẩn kia: họ đã xác định rằng sinh vật này đã có một bộ não lớn nhưng về cấu trúc bề mặt của não lại giống như cấu trúc của loài vượn người. Từ những luận cứ ban đầu đó, họ bắt đầu những nghiên cứu khảo cổ.

Cũng trong thời gian đó một sinh viên trẻ thông minh tên là Eugene Dubois rất hứng thú với vấn đề tiến hóa. Và quả thực, sau này chính Dubois đã phát hiện ra một trong những khám phá quan trọng nhất của mọi thời đại, chính khám phá này đã trở thành những gợi ý không ngờ đến dành cho Dean Falk và những khám phá ở đảo Flores trong thế kỷ hai mươi mốt.

Thời gian ấy, Dubois hai mươi chín tuổi và đã lấy bằng dược sĩ (với kết quả tốt nghiệp đứng đầu lớp), lập gia đình và có một bé gái, đồng thời trở thành giáo sư giảng dạy tại một trường đại học. Thời gian ấy, các nhà khoa học châu Âu vẫn tiếp tục đào bới và tìm kiếm, nhưng không thu thập được gì thêm. Mắt xích còn khuyết đó vẫn chưa được khám phá.

Sau nhiều tháng nghiên cứu về các lý thuyết và các tài liệu liên quan, Eugene Dubois kết luận rằng các nhà khoa học đang tìm kiếm không đúng vị trí. Anh quyết định tạm gác sự nghiệp giảng dạy lại và đưa gia đình nhỏ của mình đến phía Đông Ấn Độ, nơi rất nhiều di tích còn lại của loài vượn tiền sử đã được tìm thấy trong nhiều năm qua. Dubois khẳng định chắc chắn đây chính là nơi mà những mắt xích còn khuyết đó đang chờ đợi được khám phá.

Vì Dubois không được chính phủ hay bất kỳ tổ chức nào tài trợ nên cuộc sống mới của anh và gia đình hết sức khó khăn. Dubois mắc bệnh sốt rét, còn đứa con mới sinh của hai vợ chồng thì qua đời vì một căn bệnh nhiệt đới. Công việc nghiên cứu rất gian nan, họ thám hiểm những vùng đất hoang, những nơi rậm rạp, đi sâu vào những hang động chưa từng có dấu chân người và thậm chí còn phải đối mặt với nhiều loài thú dữ. Sau ba năm miệt mài nghiên cứu, Dubois đã phát hiện ra chân lý. Tháng Mười năm 1891, nhóm nghiên cứu của Dubois thám hiểm tại vùng đất Ngawi, nơi được mệnh danh là “chốn tận cùng của xứ Java”. Ngawi là một vùng đất hoang có khí hậu nóng, được hình thành từ những đợt phun trào nham thạch thời cổ đại.

Một ngày nọ như bao ngày bình thường khác, nhóm nghiên cứu tình cờ tìm thấy một vật có hình dạng giống như một gáo dừa khô. Sau khi quan sát kỹ, mọi người nhận ra một điều bất ngờ. Đó là một hộp sọ. Dubois kể lại: “Gần phía bờ trái dòng sông, chúng tôi khai quật được một mẫu sọ người có xương trán rất đẹp”. Hộp sọ này chắc chắn không phải của loài vượn người: “Đồng thời, dựa theo sự hiểu biết về các loài, chúng ta có thể phân biệt được hộp sọ này với hộp sọ của loài tinh tinh hiện tại: thứ nhất bởi vì nó có kích thước lớn hơn, và thứ hai là vì hộp sọ này có vầng trán cao hơn”.

Ở gần nơi tìm thấy hộp sọ, Dubois phát hiện một mẫu xương chân rõ ràng là có liên quan đến chiếc hộp sọ này; ắt hẳn cùng thuộc một người. Xương đùi của mẫu xương này cho thấy nó đã từng bị tổn

thương khá nặng, vết thương có vẻ như do một ngọn mác gây ra và sau đó đã lành. Phát hiện này đặc biệt có ý nghĩa bởi vì nó cho thấy chủ nhân của hộp sọ và khúc xương đã được cộng đồng chăm sóc, bởi nếu không được chăm sóc thì vết thương chắc chắn đã khiến cho sinh vật này không đi lại được và không thể tiếp tục tồn tại đến khi vết thương lành hẳn.

Dubois biết mình đang đi đúng hướng. Tất cả manh mối đều dẫn đến một kết luận: đây là một chủng loài tiền sử mới, chủng loài có mức tiến hóa cao hơn loài vượn người và vẫn chưa hoàn toàn phát triển như con người. Và đặc biệt, quá trình tiến hóa này rất giống với sự tiến hóa của loài người chúng ta. Đây quả thật là một chủng loài đứng thẳng. Dubois viết về phát hiện của mình: “Xương đùi của sinh vật này có cấu trúc và chức năng tương tự như xương đùi của con người”. Sự khác biệt lớn nhất là ở cấu trúc và kích thước của hộp sọ. Hộp sọ được tìm thấy có kích thước nhỏ hơn kích thước hộp sọ của con người hiện đại. Vậy là mắt xích còn khuyết đã gợi cho chúng ta những hình dung về một loài sinh vật có dáng vẻ cơ thể giống người và có bộ não nhỏ hơn.

Dubois cảm thấy rất phấn chấn với phát hiện mới này. Anh ghi chép tất cả manh mối, minh họa mô hình khung xương và cẩn thận xác minh các kết quả. Nhưng phản ứng mà Dubois nhận được từ giới khoa học lại không như anh mong đợi. Một chuyên gia sau khi xem xét kích thước hộp sọ do Dubois tìm thấy đã cho rằng đấy chỉ là một trường hợp bị chứng suy giảm kích thước hộp sọ (một dạng rối loạn tế bào thần kinh khiến hộp sọ bị teo nhỏ đi) “theo một kiểu thuôn dài bất thường”. Một ý kiến khác thì cho rằng

mẫu xương hóa thạch này là của một “loài vượn khổng lồ nào đó”. Một số khác lại khẳng định hộp sọ và mẫu xương đùi này không phải của cùng một cá thể. Dubois cố gắng bảo vệ quan điểm của mình, nhưng trong suốt nhiều năm, khám phá của anh vẫn chưa được mọi người công nhận.

Nếu chúng ta xem xét câu chuyện này dưới tác động của hiện tượng tâm lý sa đà vào những suy nghĩ đã được tạo dựng chắc chắn trước đó, như đã đề cập ở những chương trước, chúng ta sẽ hiểu được vì sao các nhà khoa học lại phủ nhận phát hiện của Dubois. Vào thời điểm đó, giới nghiên cứu nhân chủng học đều sa vào lối mòn của những quan điểm cứng nhắc về tiến hóa. Câu chuyện về một sinh vật thuộc chủng loài người có bộ não nhỏ, di chuyển bằng hai chân và sống theo cộng đồng rõ ràng là không phù hợp với quan điểm đương thời. Như vậy, việc phủ nhận khám phá của Dubois và cho rằng phát hiện của anh chỉ là mẫu hài cốt của một người dị thường, hoặc một loài vượn lạ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc phải thay đổi một lý thuyết lâu đời về quá trình tiến hóa của loài người.

Trước phản ứng của mọi người, Dubois cảm thấy bị xúc phạm. Anh tự hào mình là một nhà khoa học, và anh hy vọng các nhà khoa học khác sẽ tôn trọng cũng như chấp nhận phương pháp luận chặt chẽ và logic của mình. Dù gì đi nữa, anh vẫn cẩn thận ghi chép cụ thể về quá trình nghiên cứu và minh họa các mẫu xương tìm thấy trong lúc khai quật. Và mẫu vật hóa thạch, một trong những khám phá vĩ đại nhất trong lịch sử ngành nhân chủng học này, chính là mẫu vật đại diện cho chủng loài người đứng thẳng

(tên khoa học là Homo erectus) như ngày nay chúng ta đã biết, khi đó đã được lưu giữ trong nhà của Dubois suốt vài chục năm.

Phản ứng của các nhà khoa học đối với Dubois vào thế kỷ mười chín là một chìa khóa then chốt giúp chúng ta tìm hiểu một tác động tâm lý khác. Những phản ứng đó có thể được giải thích một phần là do niềm tin cố hữu vào thuyết tiến hóa đã có trước đó, một phần là do các tác động tâm lý khác đã tồn tại và tạo nên phản ứng này. Đây chính là lúc tâm lý bảo thủ kết hợp với hiện tượng quy kết giá trị; đó chính là xu hướng chúng ta thường phán xét một người, một sự việc dựa vào những đánh giá quy kết mà không dựa trên các thông tin khách quan.

Để hiểu được hiện tượng quy kết giá trị đã diễn ra và tác động như thế nào đến giới nghiên cứu nhân chủng học trong câu chuyện kể trên, chúng ta hãy ghé đến một sân ga tàu điện ngầm ở thủ đô Washington của Mỹ thời hiện đại. Vào một buổi sáng tháng Giêng năm 2007, sân ga tàu điện ngầm bên dưới trung tâm thương mại L’Enfant Plaza chợt vang lên tiếng nhạc du dương, lãng đãng. Chính xác lúc ấy là 7 giờ 51 phút sáng, ngay trong giờ cao điểm. Một người đàn ông mặc bộ đồ jeans với vẻ ngoài bình thường, đầu đội chiếc mũ của vận động viên bóng chày, bất ngờ xuất hiện và lấy cây đàn violon trị giá 3,5 triệu đô- la từ trong túi đựng, bắt đầu dạo những khúc nhạc đầu tiên. Người đàn ông đó chính là Joshua Bell, một trong những nghệ sĩ violon tài hoa nhất thời đại, người thường xuyên biểu diễn trước hàng ngàn khán giả trong những phòng hòa nhạc vào loại bậc nhất. Joshua Bell xuất hiện như một

người vô danh trước những hành khách đi tàu điện ngầm do ông đang tham gia vào một cuộc nghiên cứu bí mật của tờ Washington Post.

Buổi biểu diễn của Bell bắt đầu bằng bản sonate và các tổ khúc độc tấu dành cho violon của Bach – một trong những bản nhạc khó chơi nhất được soạn cho nhạc cụ này. Buổi biểu diễn vẫn tiếp tục suốt hơn bốn mươi phút nữa nhưng quang cảnh buổi sáng tháng Giêng tại sân ga tàu điện ngầm vẫn không chút thay đổi. Không hề có một tràng vỗ tay tán thưởng nào vang lên. Và cũng không có ánh sáng chớp lóe của các camera. Một trong những nghệ sĩ violon nổi tiếng nhất thế giới đang chơi nhạc miễn phí tại sân ga tàu điện ngầm mà không một ai tỏ vẻ quan tâm đến cả. Trong khoảng 1.097 người đi ngang qua Bell, hầu như không một ai dừng lại. Một người đàn ông lắng nghe bản nhạc vài phút, một đôi thanh niên giương mắt nhìn thẳng người nhạc sĩ và một phụ nữ bất ngờ nhận ra Bell đã nhìn ông chằm chằm vì kinh ngạc.

Lúc này, hành khách đi tàu điện ngầm có lẽ quá bận rộn nên không hề chú ý đến Bell. Nhưng rõ ràng là nếu có các tay máy đi săn tin hay nếu có người biết đến người nghệ sĩ tài hoa này thì ít nhất cũng sẽ có một vài người dừng lại để lắng nghe. Nhưng hãy xem cách Joshua Bell xuất hiện trước các hành khách đi tàu điện ngầm. Ông không hề chải chuốt ngoại hình của mình, cũng không đứng trên bục cao để biểu diễn. Dù với chủ ý hay mục tiêu nào đi nữa thì Bell cũng trông giống một người bình thường, một nghệ sĩ biểu diễn trên đường phố. Tuy tiếng nhạc của ông thể hiện kỹ thuật điêu luyện vượt trội, nhưng vẻ bề ngoài lại xóa nhòa tất cả. Vì không nhận ra Bell, mọi

người đã đánh giá buổi biểu diễn này dựa trên những điều họ tận mắt trông thấy – một chiếc mũ bóng chày, bộ đồ jeans, và không gian là tại sân ga tàu điện ngầm. Họ cứ đi lướt qua Bell, thậm chí hầu như không một ai nhìn về phía ông. Thế là thay vì được thưởng thức một buổi biểu diễn âm nhạc tuyệt vời thì chính họ lại chỉ nghe vang lên trong tai mình thứ âm nhạc đường phố họ vốn không coi trọng.

Những hành khách bỏ qua buổi biểu diễn của Bell đã rơi vào hiện tượng tâm lý quy kết giá trị, tương tự trường hợp các nhà nhân chủng học khi họ phủ nhận khám phá của Dubois. Tất cả manh mối liên quan đến mẫu hóa thạch do Dubois tìm thấy đều bị cộng đồng khoa học đánh giá là không có giá trị, đơn giản chỉ vì Dubois – người khám phá điều quan trọng này chỉ là một người bình thường không chút tiếng tăm. Các nhà khoa học châu Âu đã đặt mình ở vị trí quá cao khi xem xét kết quả khảo cổ ở “chốn tận cùng của xứ Java”. Tình huống này cũng giống như Dubois đang cầm một chiếc đàn violon Stradivarius trong tay nhưng không hề được ai chú ý đến bởi vì ông đang đội chiếc mũ của vận động viên bóng chày, khoác trên người một bộ đồ jeans và đứng tại sân ga tàu điện ngầm.

Tuy vậy, việc các nhà khoa học và hành khách trên sân ga có phản ứng như vậy cũng là điều dễ hiểu. Nói tóm lại, hiện tượng quy kết giá trị đã diễn ra như một phím tắt tâm lý để đánh giá giá trị của sự chú ý ở mỗi người. Khi chúng ta đối diện với một vật thể, một người hoặc một tình huống, giá trị ban đầu mà chúng ta quy kết sẽ định hình quan niệm sau này của chúng ta dành cho đối tượng đó. Chẳng hạn, hãy

tưởng tượng khi bạn lục tung một chiếc tủ bị vứt bỏ bên đường, có bao giờ bạn nghĩ đó là một báu vật hiếm có hay không? Hay bạn phản ứng bằng một cái đá chân và cho rằng chiếc tủ này ắt hẳn bị hư hỏng rồi? Tương tự như vậy, chúng ta cũng thường không chú tâm đến lời khuyên hay ý tưởng của một người bình thường và vô tư nghe theo lời khuyên của một người đức cao vọng trọng.

Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là danh hiệu của một người không nói lên bất kỳ điều gì hoặc giá cả sản phẩm không giúp bạn xác định được giá trị thật của nó. Nhưng nếu chỉ tin vào bảng giá được niêm yết (dù là ngang giá hay không ngang giá) thì chính chúng ta đã thỏa hiệp với tư duy lý tính của mình. Hãy nghe câu chuyện về phản ứng của các du khách đến thăm đảo Coney và đến cửa hàng thực phẩm mới khai trương của Nathan Handwerker. Khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh vào năm 1916, người di dân gốc Ba Lan này đã quyết định bán hàng với giá thấp hơn giá thị trường. Các cửa hàng khác đều để giá 10 xu cho một chiếc bánh hot dog, vốn là món ăn quen thuộc ở đảo Coney, trong khi đó Handwerker chỉ treo giá 5 xu cho những sản phẩm được làm theo công thức quen thuộc của vợ ông. Dù rằng những chiếc hot dog của Handwerker cũng thơm ngon (được làm từ thịt bò tươi nguyên chất) như bánh của các cửa hàng đối thủ, nhưng ông hầu như không thể thu hút được khách đến với cửa hàng của mình. Những du khách đến đảo Coney đã nhìn những chiếc bánh hot dog có giá niêm yết chỉ bằng nửa giá thị trường này như một loại thức ăn dưới chuẩn và còn hoài nghi rằng có phải ông đã sử dụng những nguyên

liệu rẻ tiền hay chất lượng kém để làm bánh hay không. Và mọi việc càng tồi tệ hơn khi Handwerker quyết định tặng thêm nước xốt hoặc vài lát thịt bò vào bánh; doanh thu bán hàng chẳng những không tăng lên mà tâm lý quy kết giá trị ở người tiêu dùng càng phát huy sức mạnh.

Mãi cho đến khi Handwerker nghĩ ra một ý tưởng thông minh khác, ông mới có thể làm cho doanh số bán hàng ở cửa hàng của mình được cải thiện. Ông thuê các bác sĩ ở một bệnh viện gần đó đứng cạnh cửa hàng của ông và thưởng thức những chiếc bánh hot dog trong lúc vẫn đang mặc áo blouse trắng và đeo ống nghe. Thường thì mọi người vẫn đặt trọn niềm tin vào các bác sĩ nên khách hàng nghĩ rằng nếu bác sĩ cũng dùng món ăn đó nghĩa là món này tốt cho sức khỏe. Họ bắt đầu đến mua bánh ở cửa hàng của Handwerker và thương hiệu “Hot dog nổi tiếng của Nathan” ra đời từ đó. Câu chuyện đặt ra cho chúng ta câu hỏi: liệu đã bao nhiêu lần chúng ta bỏ lỡ những thứ thực sự có giá trị chỉ vì tâm lý phán xét theo kiểu quy chụp của mình?

Nhưng những định kiến cũng mang hai ý nghĩa rõ rệt. Như chúng ta đã biết, hiện tượng quy kết giá trị xảy ra với Eugene Dubois đã khiến giới nghiên cứu khoa học phủ nhận phát hiện của anh và xem anh như một kẻ bất tài sáo rỗng. Sau khám phá vĩ đại của Dubois, rất nhiều mẫu hóa thạch khác của người tiền sử đã được tìm thấy khắp thế giới. Nhưng nước Anh vẫn không công bố khám phá của Dubois mà đợi cho đến khi Charles Dawson xuất hiện…

Khác với Dubois là một nhà khoa học người Hà Lan không mấy tiếng tăm, khi ấy Dawson đã là một

nhà nghiên cứu người Anh nổi tiếng, từng được đề cử vào Hội Địa lý xã hội Luân Đôn. Dawson từng kể với đồng nghiệp của mình rằng ông đã bò trườn dọc theo một con đường bẩn thỉu bên ngoài Piltdown Common ở Sussex và tình cờ phát hiện một vật thể rắn. Vật thể này rõ ràng không thể thuộc về thế giới hiện đại, thế nên Dawson đã tìm hỏi những người đào mương gần đó. Họ xác nhận đã đào thấy vật này và ném nó trên đường.

Dawson cho biết ông thường xuyên đến gặp những công nhân đào đường, và một lần nọ, họ đã cho ông một hộp sọ người. Nhiều tháng sau đó, rất nhiều mảnh hộp sọ bí ẩn với bộ xương hàm còn nguyên vẹn đã xuất hiện. Từ những mảnh di vật này, Dawson mang tất cả đến bảo tàng Luân Đôn. Sau khi tính toán, ông đặt một chiếc răng của một loài voi cổ vào bộ xương hàm và phỏng đoán mẫu vật này có lẽ đúng là một cư dân tiền sử sống lang thang trên vùng đồng cỏ xa-van nước Anh.

Điều quan trọng chúng ta cần lưu ý rằng mẫu vật mà Dawson đưa ra là ngụy tạo (mẫu vật này được đặt tên là người Piltdown). Bởi vì hộp sọ được tìm thấy là của một người sống vào thời Trung cổ nhưng đã được phủ một lớp sơn màu nâu để cho ra kết quả là một số tuổi lớn hơn rất nhiều. Bộ xương hàm là của một loài đười ươi hiện đại mà những chiếc răng đã được mài giũa để trông khác biệt đi. Không cần phải là Sherlock Holmes thì chúng ta vẫn có thể nhận ra mẫu nghiên cứu của Dawson là đồ giả.

Để mô tả đúng nhất hình dáng được cho là người Piltdown thì chỉ cần xem các đặc điểm của nhân vật hoạt hình Homer Simpson. Theo ghi chép của người

phụ trách Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Anh, Piltdown “có dáng đi khập khiễng, di chuyển bằng cách kéo lê chân, nhưng bộ não và hộp sọ của nó rất giống với của con người và chỉ còn sót lại một vài đặc điểm của loài vượn người mà thôi”.

Nhưng khi các nhà khoa học Anh xem xét mẫu vật của Dawson, họ hoàn toàn không nghi ngờ gì mẫu vật ngụy tạo này. Họ phấn khích trước một khám phá mới bởi vì phát hiện này xác nhận cho hai niềm tin đã được ấp ủ bấy lâu nay. Thứ nhất, người Piltdown chứng minh cho quan điểm nền văn minh của loài người bắt nguồn từ nước Anh. Một nhà nhân chủng học đã hãnh diện lên tiếng: “Tôi thật sự vui sướng khi nghĩ rằng nước Anh là cái nôi trong quá trình tiến hóa của loài người”. Các nhà khoa học tỏ ra rất thiện cảm với mẫu hóa thạch được tìm thấy. Họ xem người Piltdown là tổ tiên ở thời cổ đại, một con người từ buổi bình minh của nhân loại. Một cái trụ thẳng đứng đã được dựng lên ngay tại rãnh mương mà Dawson tuyên bố đã tìm thấy các mẫu xương, trên thân cột khắc dòng chữ ngạo nghễ: “Chính nơi đây ngài Charles Dawson đã tìm thấy mẫu hóa thạch hộp sọ người Piltdown”.

Ngoài ra, người Piltdown cũng xác nhận quan điểm của các nhà khoa học rằng mắt xích còn khuyết trong quá trình tiến hóa của loài người chúng ta ắt hẳn phải có bộ não phát triển như của con người nhưng vẫn còn những đặc điểm của loài vượn người.

Giá mà mẫu hóa thạch người đứng thẳng của Dubois nhận được dù chỉ một nửa những lời tán dương như thế. Đáng buồn là có rất ít nhà nhân chủng học chấp nhận kết quả nghiên cứu của Dubois.

Ngược lại, người Piltdown lại được đông đảo giới nghiên cứu khoa học tôn vinh. Tuy nhiên, may mắn là chỉ vài thập niên sau đó, vào năm 1952, giới khoa học cuối cùng cũng phải bác bỏ mẫu vật ngụy tạo của Dawson.

Vì sao cả cộng đồng khoa học lại phủ nhận khám phá vĩ đại của Dubois và tôn vinh sai lầm của Dawson? Một lần nữa, hiện tượng quy kết giá trị lại khẳng định sức ảnh hưởng của nó. Nếu Dubois khoác lên người chiếc mũ của vận động viên chơi bóng chày và bộ quần áo jeans thì Dawson lại được phục trang cầu kỳ trong bộ lễ phục trang trọng trong nhà hát. Nói cách khác, Dawson chính là biểu tượng của danh tiếng và sự vượt trội, những khám phá của ông mặc nhiên được công nhận có giá trị cao. Mặt khác, Dawson khẳng định ông đã tìm thấy các mẫu vật khảo cổ ngay trên lãnh thổ nước Anh chứ không phải ở “chốn tận cùng của xứ Java” và hộp sọ được tuyên bố là của người Piltdown thì khá lớn và có nhiều khác biệt so với kích thước tương đối nhỏ (và giống với loài vượn người) của hộp sọ do Dubois tìm thấy.

Trong khi phần lớn chúng ta có thể dễ dàng phân biệt một mẫu hóa thạch thật sự với một hộp sọ được nhuộm màu thì hãy đặt mình vào vị trí của các nhà khoa học Anh thì khi ấy, tất cả các cơ quan có thẩm quyền đều coi trọng và tôn vinh khám phá của Dawson. Giới truyền thông tỏ ra phấn khích và ban lãnh đạo của bảo tàng Anh đã lên tiếng bảo trợ cho cuộc nghiên cứu. Khi chúng ta đã xác định giá trị của một người hoặc một sự việc rồi thì những quan điểm xuất hiện sau đó của chúng ta sẽ bị những định kiến sẵn có chi phối đáng kể. Sức ảnh hưởng của hiện

tượng quy kết giá trị tác động đến chúng ta rất lớn, ngay cả khi những giá trị đó được mặc định theo hướng tiêu cực và độc đoán. Để hiểu rõ hơn quá trình này, chúng ta hãy ghé thăm một nhóm các nhà kinh tế tiến hành một thí nghiệm có sử dụng SoBe Adrenaline Rush – một thức uống được khẳng định có tác dụng gia tăng cảm xúc tinh thần. Để xác định mức độ tác động của loại thức uống này lên cảm xúc, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một thử thách về ngôn ngữ trong ba mươi phút cho đối tượng được khảo sát là ba nhóm sinh viên.

Nhóm thứ nhất, nhóm đối chứng, họ tham gia cuộc khảo sát mà không uống SoBe. Nhóm thứ hai được thông báo về tính năng gia tăng chỉ số thông minh của SoBe, được uống thử loại thức uống này và được yêu cầu xem một đoạn băng trong lúc chờ đợi hoạt chất trong SoBe phát huy tác dụng. Các sinh viên này cũng được yêu cầu ký vào một mẫu xác nhận đồng ý cho các nhà nghiên cứu tính phí 2,89 đô-la cho một chai SoBe và trừ vào tài khoản của họ ở trường đại học. Chúng ta sẽ gọi nhóm sinh viên thứ hai là nhóm phấn khích. Và nhóm sinh viên cuối cùng cũng được giới thiệu về tính năng của SoBe nhưng họ được thông báo rằng trường đại học nhận được ưu đãi giảm giá và vì vậy các sinh viên chỉ phải chịu phí 89 xu cho một chai SoBe. Chúng ta sẽ gọi nhóm thứ ba là nhóm được giá hời.

Kết quả của cuộc khảo sát đã mang đến nhiều điều bất ngờ. So với những người không uống SoBe, nhóm phấn khích có gia tăng chỉ số cảm xúc nhưng không nhiều lắm. Tuy nhiên, trước khi chạy ngay ra cửa hàng và mua một chai SoBe để thử ngay tính năng kỳ

diệu của nó, bạn cần biết rằng nhóm sinh viên thứ ba, những người được trải nghiệm SoBe với giá hời, lại phản ứng rất tệ so với cả nhóm phấn khích và nhóm không được thử SoBe. Cùng một loại thức uống SoBe được mang ra thử nghiệm, nhưng chính giá trị mà các sinh viên quy kết cho loại thức uống này đã tạo ra sự khác biệt trong kết quả khảo sát. Thật đáng ngạc nhiên: nhóm sử dụng SoBe nhưng phải trả phí cao có phản ứng tốt hơn trong khi nhóm sử dụng SoBe nhưng trả mức phí thấp hơn lại có phản ứng lề mề hơn.

Dan Ariely, một trong các tác giả của cuộc nghiên cứu, nói với chúng tôi: “Điều đáng nói chính là sự kỳ vọng làm thay đổi thực tế mà chúng ta đang sống và đối mặt”. Giá trị mà chúng ta quy kết cho một sự vật, sự việc tác động đáng kể đến cách nhìn của chúng ta về sự vật, sự việc đó. “Khi nhận được ưu đãi giảm giá cho một món hàng, sự kỳ vọng tích cực trong bạn mất đi”. Và khi đã quy kết một giá trị cho một sự việc, chúng ta rất khó nhìn nhận sự việc đó theo một hướng khác.

Khi Joshua Bell khoác lên mình bộ trang phục sang trọng và biểu diễn tại hội trường nhà hát, thì tài năng của ông lại nhận được sự tưởng thưởng của khán giả. Nhưng khi Bell cũng chơi loại nhạc cụ đó, cũng bản nhạc đó nhưng “hạ mình” biểu diễn ở sân ga tàu điện ngầm thì ông chỉ được mọi người nhìn như một nghệ sĩ đường phố. Bất kỳ lúc nào chúng ta bị đặt vào tình huống phải phán xét, hiện tượng quy kết giá trị sẽ đóng một vai trò quan trọng và thường tác động đến phản ứng của chúng ta trước một người hay một sự vật. Chẳng hạn như đối với một bộ phim tuy chưa

xem qua nhưng bạn đã nhận được những lời nhận xét về bộ phim đó thì ít nhiều bạn cũng hình thành một số nhận định ban đầu về nó. Thậm chí đối với những thú tiêu khiển hay giải trí của chính mình, chúng ta cũng không thoát khỏi tầm ảnh hưởng của hiện tượng tâm lý này. Điều này có vẻ đã phủ nhận quan điểm của Shakespeare: hoa hồng dù được gọi bằng tên gì thì vẫn thơm ngào ngạt.

Đến Columbus – thủ phủ của bang Ohio, nơi tọa lạc trường Đại học bang Ohio, bạn sẽ không tìm thấy một nhà hát nào như kiểu nhà hát Broadway(1). Tuy nhiên, các sinh viên cũng như người dân nơi đây đều rất hài lòng và yêu thích các chương trình của Nhà hát bang Ohio. Chỉ với 15 đô-la, bất kỳ khán giả mộ điệu nào cũng có thể mua được vé trọn gói và được thưởng thức tất cả mười chương trình trong lịch diễn của sáu tháng sau đó. Sáu mươi khán giả đầu tiên đến mua vé xem hát trọn gói vô tình trở thành vai chính trong một cuộc nghiên cứu kinh tế mà không được báo trước. Nhóm điều hành cuộc nghiên cứu giải thích: “Sau khi người mua yêu cầu mua một vé xem hát trọn gói, người bán vé sẽ bán cho họ một trong ba loại vé trước đó đã được sắp xếp ngẫu nhiên”. Một phần ba số vé bán ra là loại vé thông thường cho phép người mua đến xem thường xuyên các suất diễn với giá vé vừa đúng 15 đô-la; một phần ba số vé được giảm giá 2 đô-la mỗi vé; và một phần ba còn lại được ưu đãi giảm giá đến 7 đô-la cho mỗi lượt mua.

Những người mua vé với giá rẻ hơn được cho biết lý do của việc giảm giá là bắt nguồn từ chiến dịch

giảm giá của nhà hát. Tuy nhiên, cả ba loại vé trên đều được sắp xếp những chỗ ngồi ưu tiên như nhau.

Có vẻ mức giá mà chúng ta bỏ ra để mua vé ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ yêu thích của chúng ta đối với các buổi biểu diễn. Dù rất khó để đánh giá giá trị mà các khán giả nhận định về một vở kịch vì chúng ta không biết được họ vỗ tay tán thưởng cuồng nhiệt như thế nào hoặc mỗi người đã cố gắng nở nụ cười ra sao, nhưng chúng ta có thể dựa vào tần suất trở lại nhà hát của họ sau mỗi buổi biểu diễn.

Như các nhà nghiên cứu đã cho biết: tất cả những người đến nhà hát đều được chuẩn bị chỗ ngồi tiện nghi như nhau trong suốt mười vở kịch của suất diễn.Dưới lăng kính duy lý của các nhà kinh tế học: tất cả khán giả sẽ có cùng mức độ hứng thú và sẵn sàng đến xem các vở kịch tiếp theo.

Nhưng những khán giả phải chi đúng 15 đô-la cho một vé trọn gói đã tiếp tục đến xem các buổi biểu diễn sau đó nhiều hơn những người nhận được ưu đãi giảm giá. Có thể giải thích hiện tượng này như sau: những người cầm tấm vé có giá 15 đô-la cho rằng mỗi lần đến xem một buổi biểu diễn sẽ bù dần tổng số tiền bỏ ra mua tấm vé trọn gói ban đầu. Do vậy, họ đến nhà hát để xem nhiều vở kịch hơn bởi vì mức đầu tư của họ cao hơn. Nhưng không có sai khác nhiều giữa mức độ đi xem biểu diễn của hai đối tượng mua vé còn lại. Nếu nghĩ rằng tâm lý muốn bồi hoàn số tiền mua vé ban đầu chỉ là tác động duy nhất, thì bạn hoàn toàn có thể hy vọng nhóm khán giả nhận được mức ưu đãi 7 đô-la sẽ chấp nhận bỏ qua nhiều buổi biểu diễn hơn nhóm khán giả nhận được ưu đãi 2 đô- la. Nhưng đây chưa phải là vấn đề.

Mức độ được giảm giá không ảnh hưởng đến hành vi của người mua vé mà điều tác động đến hai nhóm khán giả này chính là việc họ đã nhận được ưu đãi hơn một số người còn lại. Tâm lý quy kết giá trị xuất hiện khi họ cầm trong tay tấm vé được giảm giá: Bất kể mức giảm là bao nhiêu thì họ cũng đã đánh giá thấp tấm vé và chất lượng của buổi biểu diễn.

Sau khi đã tìm hiểu tâm lý quy kết giá trị ảnh hưởng như thế nào đến khả năng phán xét của các nhà nhân chủng học, hành khách đi tàu điện ngầm, những người mua hot dog, những người thử nước uống SoBe và các khán giả mua vé xem kịch, chúng ta hãy trở lại với câu chuyện của Dean Falk và khám phá vĩ đại tại đảo Flores. Khoa học đã chứng kiến nhiều sự thay đổi kể từ thời của Dubois và Dawson, nhưng chúng ta đã thấy thất bại của mẫu vật người Piltdown và sự tiến bộ của các kỹ thuật mới vẫn không làm cho các nhà nhân chủng học hiện đại thoát khỏi sức ảnh hưởng của tâm lý quy kết giá trị.

Thông tin bất ngờ mà David Hamlin của hội Địa lý xã hội quốc gia Mỹ chia sẻ với Falk là việc Mike Morwood đã khám phá ra ai là người đã tạo nên những công cụ đá tinh xảo được tìm thấy trên đảo Flores. Có vẻ như hòn đảo này không chỉ là nơi sinh sống của loài thằn lằn hay loài voi mà còn là nơi sinh sống của một chủng loài người nhỏ bé. Chính chủng loài không được biết đến này đã sử dụng những công cụ bí ẩn được tìm thấy để săn bắt những con voi lùn.

Nếu sự tồn tại của chủng loài người bí ẩn (thường được gọi là người lùn Hobbit) có tên khoa học là Homo floresiensis này được xác nhận thì một số nghi vấn sẽ được sáng tỏ, bởi trước đây các nhà khoa học

chưa từng phát hiện một chủng loài người hoặc một loài vượn người nào từng xuất hiện trên đảo Flores. Nhưng điều thú vị hơn chính là khám phá này đã cung cấp nhiều thông tin quý giá cho câu chuyện về quá trình tiến hóa của loài người: loài người và người lùn Hobbit cùng tồn tại trong thời gian khoảng mười hai nghìn năm trước – rất lâu sau khi tất cả những chủng loài họ người khác bao gồm cả người Neanderthal bị tuyệt chủng.

Mặc dù rất phấn khích với khám phá này nhưng Falk hiểu rằng cô nên tiếp nhận vấn đề một cách khách quan và cẩn trọng. Cô trả lời với Hội Địa lý quốc gia: “Câu chuyện này mang rất nhiều ý nghĩa quan trọng, chính vì vậy nó đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối”. Sau đó, Falk đã tham gia cùng một nhóm nghiên cứu ở St. Louis để tiến hành xác minh về sự tồn tại của người lùn Hobbit.

Một lần nữa, vấn đề then chốt của cuộc điều tra chính là bộ não. Falk hy vọng làm sáng tỏ mọi việc bằng cách tái tạo hình dạng cấu trúc não bằng phương pháp endocast. Cô giải thích: “Phương pháp endocast cho phép phân tích những tế bào não còn sót lại trên thành vỏ não”. Kết quả phân tích sẽ ghi nhận đầy đủ các tì vết trên não mà theo Falk “có thể mang lại câu trả lời và nhiều ý nghĩa quan trọng”.

Mặc dù không phải toàn bộ mẫu hộp sọ đều còn đủ các chi tiết để tiến hành phân tích, nhưng rất may, “người Hobbit đã mang đến cho chúng ta một kết quả phân tích thật kỳ diệu.” – Falk nói với chúng tôi.

Bạn có thể tưởng tượng rằng các nhà khoa học đã hồi hộp như thế nào khi bảng phân tích endocast

hoàn thành. Phần thú vị nhất của mô hình tái tạo bộ não chính là một mấu nhỏ ngay phía đầu chóp trước khẳng định sự tồn tại của xương trán phía trên mũi – vùng này được định vị là vùng BA10 (Brodmann Area 10). Đây là một phát hiện quan trọng, bởi vì vùng BA10 “là một sự phát triển bậc cao trong cấu trúc não bộ của con người hiện đại”. Falk nói thêm: “Đó là nơi hình thành tư duy, lên kế hoạch, suy nghĩ và mơ mộng”. Việc người lùn Hobbit sớm hoàn thiện và phát triển vùng não BA10 cho thấy họ có khả năng suy nghĩ trừu tượng.

Falk rất bất ngờ với kết quả này: “Tôi chưa từng thấy một sự kết hợp như vậy trong bất kỳ bộ não nào trước đây, vì vậy chúng tôi chỉ có thể nói rằng đây thật sự là một bộ não có kích thước nhỏ nhưng lại là một bộ não phi thường”. Nhận định của Falk hứa hẹn mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng khác. Nhưng nhóm nghiên cứu vẫn chưa hoàn toàn công nhận sự tồn tại của một chủng loài người mới. Falk giải thích rằng để có thể khẳng định chính xác, họ cần phải so sánh bảng phân tích endocast của người lùn Hobbit với các mẫu vật sau: “một phụ nữ thấp bé, một con vượn cái, một người phụ nữ bình thường, một phụ nữ thuộc chủng loài người đứng thẳng và thậm chí một người mắc chứng suy giảm kích thước hộp sọ bởi một số người cho rằng người lùn Hobbit không có thật mà chỉ là một người thuộc chủng loài người khôn ngoan (Homo sapiens) nhưng bị suy giảm chức năng do bệnh lý”.

Cuộc thử nghiệm bắt đầu diễn ra. Falk nói: “Tôi xem xét tất cả các kết quả phân tích được đặt xung quanh và bảng endocast của người lùn Hobbit đặt

ngay vị trí trung tâm. Hình ảnh trên kết quả endocast cho thấy bộ não của người lùn Hobbit rất giống bộ não của chủng loài người đứng thẳng (Homo erectus). Nó cũng có vài đặc điểm tương tự với các chủng loài người tiền sử khác. Tôi nhớ đã chia sẻ kết quả này với David Hamlin và đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất”.

Falk và nhóm nghiên cứu tiến hành các phép đo lường, tính toán và ghi chép các kết quả tìm được để công bố trên tạp chí Science. Qua nhiều lần kiểm tra gắt gao và phân tích những khả năng có thể xảy ra, cuối cùng Falk đã đoan chắc: “Dựa trên kết quả nghiên cứu của nhóm và của các nhà khoa học khác, tôi khẳng định sự tồn tại của người lùn Hobbit, và đây hoàn toàn là một chủng loài mới thuộc họ người”. Nói cách khác, người lùn Hobbit có kích thước bộ não nhỏ hơn những chủng loài người nguyên thủy khác bởi vì họ sống tách biệt trên đảo. Falk không giấu được niềm phấn khởi: “Hình dạng cơ thể người lùn Hobbit rất đặc biệt, cấu trúc bộ não của họ cũng rất đặc biệt. Trước đây chưa từng có một phát hiện nào tương tự như thế”.

Nhưng thay vì tôn vinh khám phá vĩ đại này, các nhà nhân chủng học hiện đại thuộc những trường đại học và các bảo tàng ở Úc, Indonesia và Mỹ một lần nữa lại sa vào tâm lý quy kết giá trị. Họ dựa vào lịch sử nhân chủng học để kiên quyết bác bỏ sự tồn tại của người lùn Hobbit. Họ khăng khăng đó chỉ là một người bình thường nhưng bị hội chứng suy giảm kích thức hộp sọ. Mọi việc diễn ra tương tự như đã từng xảy đến với trường hợp của Eugne Dubois hơn một thế kỷ trước. Falk kể lại: “Tôi thấy khá ngạc 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.