Lối Mòn Của Tư Duy Cảm Tính

Chương 5 CHỨNG RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC và HIỆU ỨNG TẮC KÈ HOA



Có một hội chứng tâm lý đã lan nhanh như một bệnh dịch. Từ năm 1994 đến năm 2003, số lượng trẻ em mắc phải chứng rối loạn lưỡng cực tăng nhanh vùn vụt. Đó là một trạng thái tinh thần với những chu kỳ liên tục của những khoảnh khắc hưng phấn cực độ đi liền với cảm giác thất vọng và bi quan kinh khủng. Năm 1994, cứ mỗi một trăm nghìn trẻ em ở Mỹ thì chỉ có hai mươi lăm em dưới mười chín tuổi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Nhưng đến năm 2003, số trường hợp mắc phải hội chứng này đã tăng gấp bốn mươi lần, nhanh đến mức đáng ngạc nhiên. Đối với những hội chứng hiếm gặp và nghiêm trọng như thế này, khi số ca mắc bệnh tăng gấp đôi đã là đáng báo động, thế nên kết quả tăng gấp bốn mươi lần rõ ràng là có gì đó bất thườngđang xảy ra. Vậy thì vấn đề nằm ở đâu?

Rõ ràng số lượng trẻ em mắc phải hội chứng này đang tăng đột biến. Nhưng con số 800.000 trẻ em mắc bệnh chỉ trong năm 2003 so với 20.000 trường hợp mỗi năm ở thập niên trước đã chứng tỏ một sự thay đổi tiêu cực. Hội chứng rối loạn lưỡng cực làm tăng nguy cơ tự tử cho người mắc bệnh, nên nếu tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng cao thì có lẽ chúng ta sẽ phải chứng kiến sự gia tăng đột biến số trường hợp tự tử và tỷ lệ tự tử ở giới trẻ. Tuy nhiên, thực tế là trong cùng thời gian này, tỷ lệ tự tử của trẻ em Mỹ không hề tăng mà hơn nữa còn giảm được 23%.

Để trả lời cho câu hỏi tại sao số trường hợp mắc bệnh được ghi nhận ngày càng tăng cao, một số chuyên gia xã hội học giải thích rằng số lượng trẻ em

mắc phải hội chứng này vốn vẫn luôn ở mức cao, tuy nhiên vì trong thập niên qua có nhiều phụ huynh đưa con cái đi chữa trị hơn nên số ca mắc bệnh ghi nhận được cũng có nhiều hơn. Dựa trên lập luận này, chúng ta hoàn toàn có thể suy đoán rằng ngoài hội chứng rối loạn lưỡng cực thì các bệnh lý tâm thần khác cũng tăng cao đột biến. Tuy nhiên, rõ ràng thực tế không phải vậy.

Cách lý giải này nghe có vẻ hợp lý hơn: nếu số lượng trẻ em mắc hội chứng rối loạn lưỡng cực cũng như số lượng phụ huynh tìm đến bác sĩ tâm thần để điều trị cho con mình đều không tăng, thì có lẽ chỉ có số lượng các trẻ em đã được chẩn đoán là tăng mạnh. Khám phá này của chúng tôi không những có thể làm rõ hai cái bẫy chẩn đoán đã được đề cập trong chương trước mà còn khám phá ra một cái bẫy khác có sức ảnh hưởng lớn đến người chẩn đoán lẫn người được chẩn đoán.

Thực chất là ngay cả giới y học cũng không tránh khỏi tác động của hiện tượng sai lệch chẩn đoán. Cũng như trường hợp của các nhà tuyển dụng, một trong những cái bẫy chính là chúng ta có xu hướng chỉ dựa vào những ghi nhận cảm tính. Để hiểu được tác động tâm lý này đã góp phần làm cho hội chứng rối loạn lưỡng cực lan nhanh như thế nào, chúng ta hãy cùng trở về thời kỳ bất ổn trước thế chiến thứ hai. Thời gian đó, nhà tâm thần học Emil Kraepelin đang nghiên cứu và phát triển hệ thống phân loại các hội chứng rối loạn tâm thần đầu tiên. Thay vì dựa vào những dữ liệu khoa học khách quan, Kraepelin sử dụng chính những nhận định cảm tính của mình để đưa ra hệ thống bệnh trạng. Một vài kiểu mẫu

trong cách phân loại của ông vẫn còn được sử dụng đến ngày nay, trong đó có hội chứng suy nhược vui buồn thất thường, còn được gọi là hội chứng rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, một vài kiểu mẫu phân loại khác của ông thì không rõ ràng và không chuẩn xác – đơn cử như việc ông xếp “các nhà văn và những người hay mơ mộng, những kẻ lừa lọc và người Do Thái” vào nhóm “các cá nhân cuồng loạn, kích động tiêu biểu”.

Tuy nhiên, các nhà tâm thần học vẫn cho rằng hệ thống phân loại bệnh trạng của Kraepelin là một công cụ hữu hiệu (ông được mệnh danh là cha đẻ của tâm thần học hiện đại) bởi vì nó tạo ra những kiểu mẫu y khoa về chẩn đoán bệnh trạng. Nếu một bệnh nhân đến gặp bác sĩ và phàn nàn rằng mình bị đau họng, nhức đầu và sốt, bác sĩ có thể khám bệnh nhanh chóng, chẩn đoán bệnh nhân bị viêm họng cấp tính và đưa ra những biện pháp chữa bệnh bắt buộc. Tương tự như vậy, dựa trên hệ thống chẩn đoán của Kraepelin, khi một bệnh nhân có các biểu hiện của hội chứng rối loạn lưỡng cực đến gặp bác sĩ tâm thần thì có thể được xác định là mắc phải hội chứng này và sẽ được điều trị bằng liệu pháp tâm lý hoặc dùng thuốc. Kiểu mẫu y học về chẩn đoán này vẫn được các bác sĩ tâm thần sử dụng phổ biến đến ngày nay.

Năm 1980, phiên bản mới của Cẩm nang thống kê và chẩn đoán các hội chứng rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders(DSM- III)) đã mở rộng định nghĩa hội chứng rối loạn lưỡng cực và bổ sung những trường hợp có các triệu chứng ít rõ ràng hơn. Việc chẩn bệnh không còn đơn

thuần chỉ dành riêng cho những người từng phải vào viện vì rối loạn tâm lý. Giờ đây, cách chẩn bệnh mới còn dựa trên cả những dấu hiệu chung chung như “đang cảm thấy buồn bã và trống rỗng”, “khóc hoặc muốn khóc”, có cảm giác “mệt mỏi, căng thẳng”, “do dự” hoặc “bị mất ngủ”, “hoạt ngôn hơn bình thường”, “cảm giác bị phân tâm”, hay kể cả khi có “thái độ tự mãn quá mức”. Ngay cả những cá nhân chỉ có một vài trong số các triệu chứng trên đây cũng có thể được chẩn đoán mắc phải triệu chứng rối loạn lưỡng cực.

Nhà tâm thần học người Anh David Healy cho biết vào thập niên 1990, các công ty dược bắt đầu tập trung chú ý đến hội chứng hiếm gặp và chưa được nhiều người biết đến này. Họ phát động chiến dịch xuất bản các tạp chí mới, thành lập các hội nhóm về rối loạn lưỡng cực và tổ chức các hội nghị thường niên, các chương trình truyền hình giới thiệu cách chữa trị mới và thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện dành cho những nhà cung cấp liệu pháp sức khỏe tâm thần. Trong suốt thời gian này, các bậc phụ huynh và các nhà trị liệu liên tục tiếp nhận một lượng thông tin ồ ạt về hội chứng rối loạn lưỡng cực. Bác sĩ Healy cho rằng những gì diễn ra sau đó cũng giống như hiệu ứng tuyết lăn. Hội chứng rối loạn lưỡng cực càng được đề cập nhiều thì càng có nhiều bác sĩ lâm sàng nêu ý kiến về nó hơn; tỷ lệ được chẩn đoán mắc bệnh càng tăng thì càng có nhiều triệu chứng được xếp vào danh sách chẩn bệnh hơn. Hội chứng rối loạn lưỡng cực trở nên lan rộng đến mức một bệnh viện ở Massachusetts còn chữa trị cho một nhóm các trẻ em chưa đến tuổi đi học. Healy cho biết

ngay cả một đứa trẻ hai tuổi mà cũng đã bị chẩn đoán là mắc chứng rối loạn lưỡng cực.

Đến tận ngày nay, việc chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn lưỡng cực đã trở nên tùy tiện vì một vài lý do sau: Kreapelin đã dựa vào tư duy cảm tính của ông hơn là khoa học nghiêm túc khi phân loại các hội chứng rối loạn tâm thần; sau đó cẩm nang DSM- III lại mở rộng thêm định nghĩa gốc của ông vào năm 1980 và các chương trình quảng bá thương hiệu của các công ty dược lúc đó đã khiến nhiều người bị xếp vào nhóm những người mắc hội chứng này. Càng nghiên cứu phân tích hội chứng rối loạn lưỡng cực bao nhiêu, các nhà tâm thần học càng nhận thấy hội chứng này hiện hữu ở khắp mọi nơi. Điều quan trọng họ đã không nhận ra là chính họ đã rơi vào một trong những cái bẫy của hiện tượng sai lệch chẩn đoán, nghĩa là hiện tượng gán ghép tùy tiện và cảm tính.

Về bản chất, việc dựa vào các thông tin ngẫu nhiên, thiếu căn cứ luôn gây ra những vấn đề phức tạp. Hình thái biến tướng của hiện tượng sai lệch chẩn đoán này càng trở nên phức tạp hơn bởi một cái bẫy phán xét khác: xu hướng bỏ qua những dữ liệu khách quan đi ngược lại với những phán xét ban đầu. Để hiểu rõ cái bẫy này hoạt động như thế nào, chúng ta hãy cùng trò chuyện với nhà tâm lý học Bruce Wampold. Tiến sĩ Wampold là người tin vào những kinh nghiệm thực tế, các bằng chứng định lượng và các dữ liệu khách quan. Ông dùng những hiểu biết về toán học và tâm lý học để tiến hành phân tích hoạt động của liệu pháp tâm lý trong chữa trị. Việc quyết định dựa vào những bằng chứng định lượng cho thấy

Wampold phải tập hợp được một khối lượng dữ liệu đủ lớn để chắc chắn rằng ông không bỏ sót một yếu tố nào. Sau khi cân nhắc và suy xét từng kết quả nghiên cứu khoa học về vấn đề hiệu quả của liệu pháp chữa trị tâm lý, Wampold bắt đầu triển khai phương pháp phân tích tổng hợp của mình.

Hướng nghiên cứu mà Wampold xem xét và phân tích được triển khai như thế này: Một nhóm bệnh nhân thực sự có nhu cầu điều trị tâm lý vì những lý do khác nhau đã được sắp xếp gặp những bác sĩ tâm thần khác nhau một cách ngẫu nhiên; một số người được khám dựa theo những kiểu mẫu lý thuyết chẩn đoán y học, còn số khác thì không. Sau thời gian điều trị, các bệnh nhân được khảo sát về cuộc sống cũng như trạng thái cảm xúc của họ. Câu hỏi được đặt ra xoay quanh việc những mối lo lắng của họ có dịu đi phần nào không và họ nghĩ như thế nào về khoảng thời gian điều trị vừa qua. Việc tiến hành khảo sát thông qua hàng ngàn bệnh nhân và hàng trăm nhà trị liệu đã cung cấp một cơ sở dữ liệu phong phú cho nghiên cứu của Wampold. Khi ông tiến hành phân tích các con số, kết quả thật bất ngờ.

Phát hiện của Wampold chỉ ra rằng có ba nhân tố giúp một nhà chữa trị bằng liệu pháp tâm lý thành công. Nhân tố đầu tiên và nền tảng nhất chính là tài năng. Cũng giống như việc có những nhà quản lý giỏi và những nhà quản lý chưa có nhiều kinh nghiệm, một số nhà trị liệu tâm lý có kỹ năng và năng lực chuyên môn sâu hơn đồng nghiệp. Một số thầy thuốc lâm sàng dù sử dụng phương pháp chữa trị nào cũng có thể thành công trong việc tạo mối quan hệ tốt đẹp và hiệu quả với bệnh nhân của mình. Nhân tố thứ hai

được Wampold gọi là “sự hợp tác chữa trị”, đó chính là chất lượng mối quan hệ hình thành giữa người chữa trị và người được chữa trị. Những chuyên gia tâm lý trị liệu nào có mối quan hệ tốt với bệnh nhân sẽ có xu hướng đạt được nhiều kết quả tích cực hơn các chuyên gia không tạo được sự tin cậy nơi người bệnh. Nhân tố thứ ba chính là liệu các cuộc nghiên cứu có tạo điều kiện cho các chuyên gia tâm lý sử dụng những liệu pháp chữa trị mà họ cảm thấy phù hợp và đáng tin cậy nhất hay không.

Điều ngạc nhiên nằm ở chỗ kết quả điều trị của những bệnh nhân được các chuyên gia áp dụng mô hình chẩn đoán y khoa không có sự khác biệt lớn so với những bệnh nhân không áp dụng mô hình chẩn đoán y khoa. Khi chúng tôi phỏng vấn Wampold, ông nói: “Việc chẩn đoán vốn không cần thiết, không quan trọng chẩn đoán là gì. Bởi vì khi chẩn đoán, bạn có thể phải trải cảm giác chán nản, hoảng loạn, rối loạn ám ảnh; suy cho cùng thì nó chẳng quan trọng. Quan điểm cho rằng có những cách chữa trị nhất định cho những hiện tượng rối loạn riêng biệt là không có cơ sở”. Đơn giản là “không có cách chữa trị đặc biệt để tạo ra sự khác biệt mà chính là năng lực làm việc của bác sĩ điều trị với bệnh nhân và mối quan hệ hợp tác được tạo nên”.

Nói một cách rõ ràng hơn, Wampold không khẳng định việc chữa trị bằng liệu pháp tâm lý là không hiệu quả mà thực tế, kết quả phân tích tổng hợp của ông cho thấy cách chữa trị này đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Cũng không phải ông cho rằng các chuyên gia áp dụng những mô hình y khoa là không mang lại hiệu quả gì, mà nghiên cứu của ông đơn

giản chỉ ra rằng phương pháp chẩn đoán theo kiểu mẫu về cơ bản không mang giá trị y khoa hữu ích.

Trở lại với hội chứng rối loạn lưỡng cực, có người cho rằng mặc dù số người được chẩn đoán mắc bệnh tăng lên đáng kể, nhưng như thế trẻ em sẽ có lợi khi được điều trị hội chứng này từ sớm. Các viên chức đến từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã nêu ý kiến rằng việc giới thiệu các loại chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) như Prozac, Paxil, Celexa và Zoloft vào thập niên 1990 là lý do làm giảm tỷ lệ tự tử. Theo đó, trẻ em được chữa trị bằng các loại thuốc SSRIs có xu hướng ít bị trầm cảm và ít có ý định tự tử hơn.

Nhưng một nghiên cứu sâu hơn dựa trên cơ sở dữ liệu này lại cho thấy một bức tranh khác. Năm 2002, một nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích tất cả dữ liệu thống kê y khoa của Cục quản lý thực dược phẩm Mỹ (gọi tắt FDA) về hiệu lực của thuốc SSRIs. Họ nghiên cứu “ngẫu nhiên 47 thử nghiệm về chất an thần tác dụng trong thời gian ngắn” có trong thành phần của các dược phẩm SSRIs. Kết luận của cuộc nghiên cứu khiến các chuyên gia tâm thần học hết sức kinh ngạc. Khi đúc kết tất cả kết quả nghiên cứu và tổng hợp, phân tích tỉ mỉ các dữ liệu, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận: các loại chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) không có hiệu quả lâm sàng nhiều hơn các loại thuốc an thần khác trong việc giúp cho bệnh nhân cảm thấy tốt hơn, với cả người lớn lẫn trẻ em. Điều này cũng có nghĩa là những viên thuốc bọc đường và thuốc an thần Prozac có cùng tác dụng trị liệu.

Tiến sĩ David Antonuccio, giáo sư khoa học hành vi và tâm thần tại Đại học Nevada giải thích với chúng tôi: “Về vấn đề của SSRIs, chỉ có ba trong số mười sáu trường hợp thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy SSRIs có tác dụng tích cực. Chỉ 3/16 thôi. Và dĩ nhiên kết quả này chưa kể đến những tác dụng phụ nghiêm trọng kèm theo sau đó”.

Mặc dù các dữ liệu chắc chắn đã chỉ ra những mô hình chẩn đoán trong y khoa không phục vụ được cho mục tiêu chữa bệnh (nghiên cứu của Wampold công bố vào năm 1997) và các loại thuốc SSRIs về cơ bản là không hiệu quả, nhưng các nhà tâm thần học vẫn tiếp tục dùng cách này để điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt là khi những bác sĩ dày dạn kinh nghiệm đã áp dụng cách này thì rất khó thuyết phục họ thay đổi.

Tuy nhiên còn có một khía cạnh chẩn đoán khác mà chúng ta có thể khám phá được, đó là tác dụng đối với người được chẩn đoán. Những đứa trẻ từng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn sẽ như thế nào? Kết quả chẩn đoán có thể dẫn đến những hậu quả tiềm ẩn nào? Để hiểu rõ và khám phá cái bẫy thứ ba – cũng là cái bẫy phán xét gây ngạc nhiên nhiều nhất – chúng ta hãy đến Israel, ở đó có 105 người lính được tham gia vào một chương trình huấn luyện sĩ quan khắt khe kéo dài mười lăm tuần. Đây là một quá trình khắc nghiệt đòi hỏi sức bền bỉ, tập trung tinh thần cao độ với cường độ hoạt động mười sáu giờ mỗi ngày.

Những sĩ quan chỉ huy tương lai không biết rằng khóa học họ chuẩn bị tham dự sẽ không giống bất kỳ khóa học nào từ trước đến nay. Trước khi khóa học

bắt đầu, nhà tâm lý học Dov Eden thông báo đến các sĩ quan huấn luyện rằng quân đội đã tổng hợp các dữ liệu liên quan đến mỗi học viên bao gồm “điểm trắc nghiệm tâm lý, dữ liệu về quan hệ cộng đồng từ khóa học trước và chỉ số đánh giá của các sĩ quan huấn luyện trước đây”.

Dựa trên những nguồn thông tin quan trọng này, Eden cho các sĩ quan huấn luyện biết rằng các học viên được sắp xếp vào ba nhóm phân loại “tiềm năng trở thành sĩ quan chỉ huy” gồm “tiềm năng”, “bình thường” và “không xác định được” (do có các thông tin chưa xác định được). Học viên ở mỗi nhóm phân loại được chia đều vào bốn lớp huấn luyện. Eden nói với các sĩ quan huấn luyện: “Các vị hãy lưu mức độ đánh giá tiềm năng của học viên vào dữ liệu cá nhân của người đó. Và đề nghị mọi người nhớ rõ tên và mức đánh giá tiềm năng trở thành sĩ quan chỉ huy của các học viên của mình ngay từ đầu khóa học”.

Về phần các học viên, dĩ nhiên họ không biết gì về những điều đó. Còn các sĩ quan cũng không biết cái gọi là tiềm năng trở thành sĩ quan chỉ huy cùng với những thông tin hỗ trợ khác đều là không thật. Các điểm số được ngẫu nhiên gán ghép cho các học viên và không hề có ý nghĩa thể hiện trí thông minh, năng lực hay quá trình thể hiện của họ trước đây.

Tuy nhiên, mười lăm tuần sau, Eden trở lại nơi huấn luyện và phát hiện một điều rất bất ngờ. Vào cuối khóa học, các học viên thực hiện một bài kiểm tra kiến thức về “kỹ thuật đánh trận, quan sát địa hình, các quy trình hành quân tiêu chuẩn và một số kỹ năng thực tế như định hướng và nhắm bắn chính xác”. Bài kiểm tra được chuẩn bị kỹ lưỡng và đây là

một phần của các khóa học thông thường, một cách đánh giá học viên chuẩn mực khi đợt huấn luyện kết thúc. Và đây cũng chính là lúc hiệu ứng của việc các học viên đã bị phân loại mức độ tiềm năng trở thành sĩ quan thể hiện rõ ràng nhất. Những học viên được người huấn luyện đánh giá là có tiềm năng lớn trở thành sĩ quan chỉ huy đã đạt kết quả kiểm tra (trung bình 79,98 điểm) tốt hơn những học viên được đánh giá mức tiềm năng chỉ huy là “bình thường” (điểm trung bình 72,43) hoặc “chưa xác định được” (điểm trung bình 65,18). Đơn giản là việc áp đặt và phân loại khả năng chỉ huy – dù rõ ràng là gán ghép và vô căn cứ đối với các học viên – đã tác động trực tiếp đến năng lực được hoàn thiện của họ với tỷ lệ gây bất ngờ là 22,7%. Cần nhớ rằng tất cả các học viên và những sĩ quan huấn luyện đều không biết những việc đang xảy ra đó. Chính vì không hiểu rõ mọi chuyện nên các học viên đã tiếp nhận và hành xử theo như các phẩm chất được áp đặt một cách ngẫu nhiên cho họ.

Hiện tượng này không chỉ gây tác động trong môi trường quân đội. Một phân tích tổng hợp được các nhà tâm lý học tại Đại học New York ở Albany (SUNY Albany) thực hiện đã chỉ ra rằng hiện tượng này cũng xảy ra trong môi trường làm việc. Nếu từng may mắn làm việc chung với một cấp trên luôn tin tưởng và đặt niềm tin vào bạn, bạn sẽ thấy mình có xu hướng phấn đấu để đáp ứng kỳ vọng của sếp dành cho mình. Ngược lại, không gì khiến bạn nản lòng và cảm thấy nhụt chí bằng việc phải làm việc dưới trướng một người quản lý vốn cho rằng bạn không đáp ứng được những tiêu chuẩn và kỳ vọng được đặt ra.

Hiện tượng tương tự cũng xảy ra khi một bác sĩ tâm thần hoặc một nhà tâm lý học chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng rối loạn lưỡng cực, bị căng thẳng hoặc xuống tinh thần quá mức. Wampold giải thích rằng một trong những vấn đề cố hữu trong việc chẩn đoán chính là “phải làm mọi thứ tương thích với kết quả chẩn đoán, vì vậy khi kết quả chẩn đoán đã được công bố, tất cả hành vi và quyết định đều mang ý nghĩa xác nhận lại”. Khi một đứa trẻ được xác định là mắc phải hội chứng rối loạn lưỡng cực khóc hoặc tỏ ra buồn bã, lập tức những xúc cảm này cũng sẽ được quy kết là do bệnh trạng của đứa trẻ gây ra. Nhà tâm lý học Franz Epting giải thích rằng khi bị đặt dưới sự phán xét của người khác, “chúng ta rất dễ cư xử và hành động theo phán xét đó như đã được mặc định”. Chúng ta tự điều chỉnh bản thân để phù hợp với những gì đã được áp đặt cho mình. “Và ranh giới giữa bản chất thật của chúng ta với những điều chúng ta được áp đặt không còn rõ ràng nữa”.

Nói cách khác, quá trình đóng khung giá trị này có khả năng tự duy trì và tồn tại: khi chúng ta tiếp nhận những cá tính được áp đặt cho mình, lời phán xét của mọi người càng được củng cố và khẳng định. Hãy xem lại những gì đã xảy đến với các học viên sĩ quan và người huấn luyện của họ ở Israel. Khi Eden thông báo với các sĩ quan huấn luyện rằng điểm số thể hiện khả năng trở thành sĩ quan chỉ huy vốn được tạo ra và gán ghép ngẫu nhiên cho học viên, họ vẫn cứ một mực phủ nhận. Để chứng minh cho quan điểm của mình, họ đưa ra bằng chứng rằng những binh lính có số điểm tiềm năng cao thật sự hoàn thành bài kiểm tra với kết quả tốt hơn. Dĩ nhiên đó là cách nghĩ theo

kiểu tư duy vòng. Bài kiểm tra trước khi kết thúc khóa học là một hình thức xác nhận những giá trị đã được quy kết từ ban đầu, các học viên đã điều chỉnh và đóng khung năng lực cũng như khả năng của họ theo đúng những gì đã được áp đặt ngay từ đầu.

Và đây chính là cái bẫy phán xét thứ ba: khi chúng ta phán xét hay quy kết mọi người, họ sẽ tiếp nhận những cá tính đã được người khác áp đặt cho mình. Theo tâm lý học, hiện tượng phản ứng với những kỳ vọng này được gọi là hiệu ứng Pygmalion (cách chúng ta tiếp nhận những đặc điểm, cá tính tích cực do người khác áp đặt) và hiệu ứng Golem (cách chúng ta tiếp nhận những cá tính tiêu cực). Ở đây, chúng ta sử dụng “hiệu ứng tắc kè hoa” như một thuật ngữ dùng chung cho cả hai trường hợp trên. Hiện tượng này có thể giải thích vì sao việc năm mươi mốt phụ nữ chờ nghe điện thoại lại có nhiều nét tương đồng với những học viên trong cuộc khảo sát khóa học đào tạo sĩ quan chỉ huy ở Israel. Những phụ nữ này đã đăng ký tham gia một cuộc nghiên cứu về giao tiếp: tất cả những gì họ biết là họ sẽ có một cuộc trò chuyện ngắn với một người đàn ông được chọn ngẫu nhiên. Khi điện thoại reo, những người phụ nữ trò chuyện cùng người bạn mới với tâm lý là đang tham gia các cuộc tán gẫu thông thường – họ nói về thời tiết và những vấn đề liên quan đến cuộc sống. Nhưng những người phụ nữ này không được biết mục đích thực sự của cuộc nghiên cứu.

Mọi việc bắt đầu khoảng vài phút trước đó. Những người đàn ông ở đầu dây bên kia cũng đã đăng ký để tham gia một cuộc nghiên cứu về giao tiếp. Nhưng khác với phụ nữ, mỗi người đàn ông trước khi gọi

điện cho người bạn được chỉ định đã nhận được một “bản lý lịch sơ lược” và một bức ảnh của người bạn này. Nhưng họ không biết rằng các thông tin về người phụ nữ đều chính xác, tuy nhiên bức ảnh thì không khớp với chủ nhân của nó. Thật ra, những bức ảnh đó là của nhiều phụ nữ khác nhau và đã được các nhà nghiên cứu chọn lựa trước đó. Một nửa trong số đó là ảnh chụp những phụ nữ xinh đẹp và nửa còn lại là ảnh của những người có nhan sắc bình thường. Các bức ảnh được kẹp vào các bản lý lịch một cách ngẫu nhiên.

Thật sự thì không cần phải là một nhà tâm lý học, chúng ta vẫn đoán được những người đàn ông sẽ chỉ xem lướt qua bản lý lịch nhưng lại ngắm nghía những bức ảnh khá lâu. Sau khi xem thông tin lý lịch và hình chụp người bạn mà mình sắp trò chuyện, mỗi người đàn ông nhận được một bản câu hỏi những ấn tượng về người phụ nữ mà họ sắp chuyện trò.

Kết quả của cuộc khảo sát rất đáng quan tâm. Không quan trọng bản lý lịch nói gì, những người đàn ông nhận được bức ảnh người phụ nữ xinh đẹp đều kỳ vọng sẽ được trò chuyện với một “phụ nữ hòa nhã, tự tin, hài hước và khéo léo”. Nhóm còn lại – những người nghĩ rằng mình sắp trò chuyện với một phụ nữ kém hấp dẫn – cho rằng người bạn của mình “khó gần, rắc rối, nguyên tắc và vớ vẩn”.

Khi đã hình thành quan điểm riêng thì người đàn ông rất khó nhìn thấy những khía cạnh khác của người phụ nữ. Thậm chí họ còn đề cập những thông tin mình đọc được trong bản lý lịch khi trò chuyện.

Trong lúc đó, những phụ nữ vẫn đang ngồi chờ một mình trong phòng. Họ không biết rằng người đàn ông đã được xem qua một bức ảnh chụp, có thể là của họ hoặc của một ai đó khác. Khi trò chuyện với những người đàn ông đó, họ nghĩ đơn giản là mình đang tham gia vào các cuộc tán gẫu thông thường.

Và đây chính là lúc cuộc khảo sát thực sự bắt đầu. Các nhà nghiên cứu ghi âm các cuộc điện thoại, sau đó biên tập và cắt đi phần âm thanh của những người đàn ông. Đoạn băng cuối cùng chỉ chứa giọng nói của những phụ nữ và được phát cho một nhóm độc lập gồm mười hai người bình thường nghe, những người này không biết gì về cuộc nghiên cứu trước đó cũng như chưa từng gặp mặt những người phụ nữ và đàn ông tham gia trong các cuộc đối thoại. Đồng thời, họ cũng không được biết suy nghĩ của những người đàn ông về người bạn của mình.

Sau khi lắng nghe lời nói của những phụ nữ trong cuộc trò chuyện trên, nhóm giám khảo này được yêu cầu đánh giá về những phụ nữ đó cũng thông qua bản câu hỏi khảo sát mà cánh đàn ông đã thực hiện.

Điều đáng chú ý là những thành viên trong nhóm mười hai người cũng không biết mục đích chính của cuộc nghiên cứu mà mình tham gia đã diễn ra giữa những người đàn ông và phụ nữ là gì. Nhận định của họ về người phụ nữ – chỉ thông qua giọng nói – đã có sự trùng khớp với nhận định của cánh đàn ông khi đánh giá những phụ nữ này qua các bức ảnh ngẫu nhiên.

Làm thế nào nhóm mười hai người lại có cùng kết luận với cánh đàn ông như vậy? Họ chưa từng gặp bất

bất kỳ người nào trong số những người tham gia cuộc nghiên cứu, cũng chưa xem qua bức ảnh nào và chẳng biết những người đàn ông nghĩ gì về người bạn trò chuyện với mình. Và họ không được nghe đầy đủ nội dung trò chuyện của những người đàn ông, cũng như hoàn toàn không biết về cuộc nghiên cứu.

Câu trả lời ở đây chính là tác động từ hiệu ứng tắc kè hoa. Chúng ta nhớ rằng trước khi trò chuyện với những phụ nữ “xinh đẹp”, những người đàn ông đã nảy sinh nhiều ấn tượng tốt về người sắp tiếp chuyện với họ như ân cần, hài hước, điềm tĩnh và tự chủ. Một khi người đàn ông đã hình thành ấn tượng đó, nó lập tức tác động đến mọi khía cạnh trong quan hệ giữa hai bên. Cứ hình dung xem, nếu bạn trò chuyện qua điện thoại với một người mà bạn tin rằng người đó rất lôi cuốn ắt bạn sẽ tập trung hơn, chủ động lắng nghe hơn và nói chung là bạn sẽ cảm thấy mình rất hứng thú với cuộc trò chuyện này.

Khi những phụ nữ “xinh đẹp” trò chuyện với những người bạn không quen, họ có thể bị cuốn theo những ý tứ mà người đàn ông thể hiện trong lúc đối thoại. Tuy không thực sự ý thức về việc đó nhưng họ đã tiếp nhận những cá tính, phẩm chất mà những người đàn ông đã hình dung về họ. Các nhà nghiên cứu giải thích: “Điều ban đầu hình thành trong tâm trí những người đàn ông giờ đây đã được hiện thực hóa trong hành vi và cách cư xử của những người phụ nữ”. Những phụ nữ vô tình nhận lấy cảm nhận về “vẻ đẹp” của họ mà những người đàn ông đã gán ghép cho họ và cư xử theo như thế. Nói cách khác, những cảm nhận tốt đẹp về người phụ nữ đã khiến họ thật sự nghĩ rằng mình quả thật xinh đẹp và thế là

họ thể hiện mình hoàn hảo hơn trong các cuộc trò chuyện.

Có ai lại không sải bước tự tin hơn hoặc có nụ cười tươi tắn hơn khi được người khác nhận xét rằng mình xinh đẹp và duyên dáng? Nhưng hiệu ứng tắc kè hoa chỉ đơn giản tạm thời thay đổi quan niệm của chính chúng ta trong một thời gian ngắn hay có thể duy trì tác động của nó về lâu dài? Một nghiên cứu mới của Đại học Yale đã chỉ ra việc chẩn đoán bệnh tật có thể tạo tác dụng lâu dài đối với sức khỏe mỗi người.

Tại thành phố Hartford, bang Connecticut, một nhóm người cao tuổi ở một trung tâm nọ đã tạm ngừng các hoạt động thông thường của mình để tham gia một chương trình kiểm tra thính giác của các nhà nghiên cứu ở Đại học Yale. Mọi người đều được mang tai nghe và lắng nghe ba cao độ âm thanh tăng dần ở mỗi tai. Họ được yêu cầu mỗi khi nghe thấy một tiếng động thì đưa tay lên để ra hiệu. Người đưa tay sau tất cả mọi tiếng động sẽ nhận được mức điểm cao nhất là 6 điểm. Người nào chỉ nghe được 2 trong số 6 tiếng động thì chỉ ghi được 2 điểm, điều đó cũng có nghĩa là thính giác của người đó đã suy giảm. Những người tham gia bài kiểm tra này đều đã trên bảy mươi tuổi, chính vì vậy không có gì ngạc nhiên khi điểm số trung bình của họ chỉ dừng ở mức 3,53 điểm.

Sau đó, họ được yêu cầu tham gia một hoạt động không liên quan gì đến bài kiểm tra năng lực thính giác. Họ phải trả lời câu hỏi: “Khi nghĩ về một người cao tuổi, năm từ hoặc năm cụm từ nào xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của các vị?”.

Các nhà nghiên cứu ghi nhận câu trả lời của từng người và sắp xếp vào hai nhóm: một nhóm bao gồm những nhận xét từ tích cực nhất (ví dụ: ân cần, từ tốn) đến tiêu cực nhất (ví dụ: yếu đuối, nhu nhược); và nhóm còn lại bao gồm những nhận xét về các yếu tố ngoại hình (ví dụ: tóc bạc) và yếu tố tính cách (ví dụ: từng trải).

Bước đầu tiên của cuộc nghiên cứu kết thúc với hai nguồn dữ liệu tưởng chừng như độc lập – một bài kiểm tra thính lực và những câu hỏi thể hiện quan điểm cá nhân. Ba năm sau đó, mối liên kết tiềm ẩn giữa hai nguồn dữ liệu trên mới được tiết lộ, khi cũng bài kiểm tra thính lực đó được thực hiện lại với chính những người đã từng tham gia.

Thời gian đã khiến điểm số ghi nhận năng lực thính giác của các cụ ông, cụ bà giảm xuống đáng kể. Dĩ nhiên, sự giảm sút thính lực ở mọi người là khác nhau. Đặc biệt là những người ba năm trước đây đã đưa ra nhiều câu trả lời tiêu cực và chú ý đến dáng vẻ bên ngoài của người cao tuổi sẽ có mức độ suy giảm thính lực cao nhất. Khi xác định các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến thính giác (tuổi tác, điều kiện y tế,…), các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những ý niệm tiêu cực và sự thay đổi vẻ bề ngoài vì tuổi tác cũng là nhân tố khiến thính lực của một người giảm đi, trung bình là 0,7 điểm chỉ trong vòng ba năm – tương ứng với tám năm dưới tác động của quá trình lão hóa thông thường. Để chắc chắn rằng chính những nhận xét của các cụ ông, cụ bà này đã ảnh hưởng đến thính lực của họ, và để cuộc nghiên cứu không đi lệch quỹ đạo, các nhà nghiên cứu xem xét kết quả của những người đạt điểm số cao trong bài

kiểm tra đầu tiên. Họ phát hiện những người đưa ra câu trả lời tiêu cực và miêu tả vẻ bề ngoài của tuổi già – thậm chí cả những người có điểm số cao trong bài kiểm tra đầu tiên – cũng bị suy giảm chức năng thính giác như những người có điểm số thấp trong cùng kỳ kiểm tra đó.

Nói cách khác, những cảm nhận tiêu cực và chú ý vẻ bề ngoài của người cao tuổi có thể khiến một người trông già hơn rất nhiều. Và tác động này không chỉ giới hạn trong khả năng nghe. Một số nghiên cứu tương tự đã chỉ ra rằng ấn tượng tiêu cực về sự lão hóa là yếu tố góp phần gia tăng hiện tượng mất trí nhớ, suy giảm chức năng tim mạch và thậm chí còn làm cho tuổi thọ trung bình giảm 7,5 năm.

Các nghiên cứu tiết lộ thông tin rằng tâm lý học và sinh lý học có mối liên hệ chặt chẽ theo cách không ai có thể ngờ đến. Để hiểu rõ hơn điều này, chúng ta hãy đến hẻm núi Capilano – một địa danh mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Hiện ra trong một cảnh quan hùng vĩ, hẻm núi ấn tượng này chia cắt khu rừng già nhiệt đới rậm rạp, đó cũng là nơi con sông Capilano chảy qua. Là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất của Vancouver, hẻm núi Capilano thu hút rất nhiều khách du lịch và dân địa phương đến thưởng ngoạn.

Ẩn mình trong khu rừng già là một cây cầu nhỏ bằng gỗ nhưng khá cứng cáp. Cây cầu cao hơn mặt đất khoảng ba mét, làm bằng gỗ tuyết tùng vững chãi và có lan can hai bên, những yếu tố này khiến cho cây cầu trở thành một phương tiện qua sông an toàn.

Cách đó không xa về phía hẻm núi Capilano có một cây cầu treo. Cầu xây dựng vào năm 1889, bắc ngang

qua hẻm núi rộng hơn 150 mét và lơ lửng ở độ cao khoảng 80 mét. Khi gió thổi qua hẻm núi, cây cầu lắc lư có thể khiến những lữ khách gan dạ nhất cũng phải có đôi chút e ngại.

Một ngày nọ, một nhóm khách bộ hành đến Capilano và không biết cây cầu treo này cũng có khả năng làm cho suy nghĩ của họ “lắc lư”.

Ngày hôm đó, các nhà nghiên cứu cử một cô trợ lý trẻ đứng chờ ở cây cầu gỗ, hoặc ở cây cầu treo vào những thời điểm khác nhau. Tất cả những gì cô trợ lý biết về cuộc nghiên cứu là phải tuân thủ những quy định trong quá trình nghiên cứu. Cô được yêu cầu tiếp cận những người đàn ông trong độ tuổi từ mười tám đến ba mươi lăm khi họ bước xuống nhịp cuối của cây cầu. Cô sẽ trò chuyện trong giây lát với mỗi người đàn ông theo một kịch bản đã định sẵn. Cô trợ lý ấy là một sinh viên ngành tâm lý học đang tham gia nghiên cứu về “hiệu ứng bày tỏ trước sự lôi cuốn”.

Người trợ lý khi đó sẽ yêu cầu mỗi người đàn ông mà cô tiếp cận thực hiện một bài khảo sát ngắn. Khi họ hoàn thành, nếu còn thời gian, cô sẽ nói cho họ biết về cuộc nghiên cứu. Trong trường hợp này, cô sẽ xé một mẩu giấy trên góc bài khảo sát, ghi lại tên và số điện thoại của mình rồi trao mẩu giấy cho người mà cô vừa tiếp cận. Hầu hết những người đàn ông đều vui vẻ nhận số điện thoại của cô rồi khuất dần trong ánh hoàng hôn.

Sau đó các nhà nghiên cứu cử một anh trợ lý trẻ, cũng với những yêu cầu tương tự, làm nhiệm vụ tiếp cận những người đàn ông qua cầu. Anh cũng giải thích với đối tượng mình tiếp cận về cuộc nghiên cứu tâm lý và sẽ chủ động cho số điện thoại nếu người tham gia muốn biết thêm thông tin. Nhưng không như người đồng nghiệp nữ của mình, anh liên tục bị từ chối và chỉ nhận được những câu trả lời kiểu “Cám ơn, nhưng tôi không tham gia đâu”. Sau vài ngày, chỉ có ba thanh niên hiếu kỳ liên lạc với anh.

Trái lại, điện thoại của cô trợ lý thì reo lên không ngừng. Nhưng điều thú vị nằm ở đối tượng chủ động liên lạc với cô. Chỉ có hai người trong số những thanh niên mười sáu tuổi đi qua cầu ngày hôm đó gọi cho cô. Tuy nhiên, đến nửa số thanh niên mười tám tuổi qua cầu đã chủ động liên lạc với cô trợ lý trẻ.

Không hẳn những người gọi điện là những người có hứng thú với đề tài tâm lý bày tỏ sáng tạo. Nói đúng hơn, họ cảm thấy hứng thú và bị lôi cuốn bởi cô trợ lý trẻ duyên dáng. Nhưng liệu cô ấy có trở nên cuốn hút hơn hay xinh xắn hơn khi trò chuyện với những người thanh niên qua cầu ngày hôm đó không? Vì sao những thanh niên này lại quyết định liên lạc với cô? Câu trả lời cuối cùng được các nhà nghiên cứu công bố nằm ở độ lắc lư của hai cây cầu.

Hãy tưởng tượng bạn đang đi qua một cây cầu treo bắc ngang một hẻm núi sâu hàng trăm mét. Cứ mỗi bước chân, bạn cảm nhận rõ sự lắc lư của cây cầu. Bạn nín thở, tim đập mạnh hơn và trán bắt đầu lấm tấm mồ hôi. Trên phương diện sinh lý học, tác động của adrenalin đến bạn trong trường hợp này cũng tương tự cảm xúc khi bạn nảy sinh tình cảm với một người nào đó.

Khi những thanh niên đi qua cầu trông thấy người trợ lý nghiên cứu, hầu hết họ đều nhìn cô và chỉ thấy đó là một người trợ lý nghiên cứu chăm chỉ. Nhưng đối với những người đi qua cây cầu treo, sự lo lắng và 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.