Lời Ngỏ Từ Cõi Tâm Linh
Chương mười. Người thầy thuốc
Chúng ta phải chia sẻ kiến thức với người khác …. chúng ta có nhiều năng lực vượt xa hơn những gì chúng ta đang sử dụng.
Bạn tiến bộ thông qua các mối quan hệ. Có vài mối quan hệ với thần thánh, những người quay trở lại với kiến thức sâu hơn. Họ tìm kiếm những người cần tiến bộ để giúp đỡ.
Trong ngôi trường tại nhà chỉ có một phòng, chúng ta gọi là thế gian, chúng ta không học hỏi tất cả các bài học cùng một lúc. Ví dụ như chúng ta đã thông thạo khóa học về lòng từ bi, độ lượng, nhưng chúng ta chỉ là người mới học về tính kiên nhẫn và lòng tha thứ. Có thể chúng ta đã là học sinh tốt nghiệp về khóa học niềm tin và hy vọng, nhưng chỉ là đứa trẻ mẫu giáo với bài học về sự giận dữ hoặc bất bạo lực.
Tương tự như vậy, chúng ta mang hết mọi kỹ năng tinh xảo đã học được trong tiền kiếp qua kiếp này.
Có lẽ, chúng ta đã thông thạo những kỹ năng đó nhưng vẫn là người tập sự trong một lĩnh vực khác. Có nhiều người trong chúng ta đã thông thạo nhiều khóa học, nhiều kỹ năng, và họ cũng có mặt ở đây để chia sẻ kiến thức với chúng ta. Trong những lĩnh vực khác, vai trò của chúng ta có thể được hoán đổi.
Như vậy, chúng ta vừa là thầy giáo vừa là học trò, và phải cùng chia sẻ kiến thức với nhau.
Nhiều thầy thuốc muốn làm bác sĩ để chứng minh khả năng chữa bệnh của họ, để giúp đỡ và dạy dỗ người khác. Ngược lại, người thầy thuốc khôn ngoan luôn sẵn sàng học hỏi từ các bệnh nhân. Người bệnh có thể hướng dẫn bác sĩ về tình yêu, về lòng dũng cảm, về nội tâm thanh tịnh, hoặc nhiều bài học khác mà chúng ta có mặt nơi đây để học. Vậy thì, cả thầy thuốc và người bệnh đều có lợi.
Vào một buổi chiều muộn màng, một bệnh nhân đang trong đợt điều trị đến than phiền với tôi về cánh tay bị nhiễm trùng vì chích ngừa uốn ván. Cánh tay cô sưng phồng, đau nhức, chỗ kim chích cứng đỏ, khó chịu. Cô vừa gặp bác sĩ khoa nội trên đường đến phòng khám của tôi. Ông nói cô hãy đến phòng khám của ông vào sáng thứ Hai tới để điều trị. Ông nói rằng cô phải điều trị với thuốc kháng sinh, nếu không thì rất nguy hiểm.
Tôi cố giúp cô bằng phương pháp thôi miên. Cô nhanh chóng lướt sâu vào tình trạng bị thôi miên. Tôi chỉ cô đem ánh sáng trị bệnh đến vùng bị đau ở cánh tay. Tôi hướng dẫn cho cô cách làm giảm đau, loại ra các vi khuẩn gây bệnh. Rất sống động, cô tưởng tượng ra các tế bào mới khỏe mạnh và cơn đau hoàn toàn biến mất.
Đến cuối buổi trị liệu, chỗ kim chích đã hết sưng đỏ, cô cũng không còn cảm thấy đau nhức nữa. Tôi không hề ngạc nhiên vì thuật thôi miên từ lâu đã được sử dụng như một phương pháp điều trị giảm đau. Thứ Hai đó cánh tay cô hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu bị nhiễm trùng.
Tuy vậy, cô vẫn đi khám bác sĩ. Ông kêu lên:
– Cánh tay cô sao lành hay vậy? Bị nhiễm trùng không thể nào tự hết được! Cô trả lời, nhưng giấu đi bí mật:
– Dạ, chắc tự nhiên khỏi.
Cô biết ông có thể chấp nhận lời giải thích đó. Chắc gì ông chấp nhận lời giải thích về thuật thôi miên, hay ông sẽ cười nhạo.
Không có căn bệnh nào tự nhiên được thuyên giảm. Có lẽ chúng ta không tỉnh táo nhận ra kỹ thuật nằm bên dưới, nhưng rõ ràng uy lực chữa trị mãnh liệt “bí mật” làm công việc điều trị mọi thứ hư hại.
Tôi biết bác sĩ Bernie Siegel từ rất lâu trước khi ông nổi tiếng với những cuốn sách tuyệt vời nói về sự liên kết giữa trí tuệ và thể xác. Bernie là bác sĩ phẫu thuật ở bệnh viện Yale New Haven, làm việc tại phòng khám tư ở New Haven, bang Connecticut. Lúc đó tôi là sinh viên y khoa của Đại học Yale đang thay phiên thực tập phẫu thuật vào cuối những năm 1960. Tôi chọn làm trợ lý cho các bác sĩ phẫu thuật tư bởi vì họ thường nhanh nhẹn hơn và vui vẻ hơn đội ngũ biên chế, những người thích có quyền lực hơn, độc tài hơn, khắt khe hơn. Bernie và cộng sự của ông, bác sĩ Richard Selzer cũng là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng, rất khôi hài. Bệnh nhân của họ không phải là những người duy nhất bị đau vì cười vỡ bụng. Các bác sĩ này thường gây cười, kể chuyện, đọc thơ, họ thật sự là những người vui tính. Hơn nữa, cả hai người đều là những bác sĩ phẫu thuật xuất sắc. Tôi học được phẫu thuật từ họ rất nhiều.
Lúc đó, không ai trong chúng tôi nhận ra được có vài bệnh nhân, mặc dù họ đang trong tình trạng bị gây mê, cũng lắng nghe được cuộc đối thoại, chuyện khôi hài, giễu cợt. Bây giờ thì chúng tôi đã biết được điều này. Gần đây tôi nói chuyện với Bernie sau khi ông hướng dẫn buổi hội thảo tại Miami. Chúng tôi cho rằng những chuyện khôi hài giễu cợt vào lúc đó cũng rất tốt. Ngay khi xấu nhất, chắc hẳn bệnh nhân thấy lo lắng, nghĩ rằng: Ơ hay, bác sĩ Siegel, sao ông cứ giỡn hoài, làm ơn để ý đến thân thể của tôi đi. Điều này quan trọng với tôi lắm đó.
Nếu bệnh nhân nghe lỏm những câu chuyện đùa của bác sĩ thì vẫn tốt hơn là nghe những dự đoán tai họa kinh khủng về các cơ hội của họ, hoặc những khả năng bị hư tổn sau khi phẫu thuật. Lời tuyên bố chính thức như vậy có thể thuyết phục bệnh nhân từ bỏ hơn là đối mặt với những trở ngại lớn lao và những điều bất lợi.
Có một loại hóa học thâm thúy dành cho các thầy thuốc thử nghiệm hơn là những thứ họ tìm thấy trong việc xét nghiệm máu và ở phòng thí nghiệm.
Nhiều thầy thuốc quá bận rộn, quá căng thẳng đến mức mà họ không dành thời gian lắng nghe các bệnh nhân, và tạo ra mối quan hệ thân thiết với người bệnh. Đây là tình trạng thảm thương cho cả hai phía. Thầy thuốc không thích tìm hiểu bệnh nhân theo tư cách cá nhân, và họ mất đi cơ hội học hỏi từ cuộc va chạm trong thuật chữa bệnh.
Một bác sĩ thẩm mỹ rất giỏi tại vùng Miami kể với tôi về một trường hợp khá đặc biệt. Nhiều tháng trôi qua, nhưng trên khuôn mặt của anh chàng bác sĩ đó vẫn còn hiện rõ nét sửng sốt.
Một bệnh nhân của anh bị tai nạn xe rất nguy kịch. Cô bị chấn thương nặng ở đầu, mặt và nhiều thương tích bên trong. Mặc dù lịch mổ khẩn cấp đã được sắp xếp, nhưng bệnh nhân khó lòng qua khỏi.
Khi bác sĩ chuẩn bị tinh thần cho gia đình về các tình huống xấu nhất có thể xảy ra thì bệnh nhân đã thoát khỏi thể xác. Dù cuộc họp giữa bác sĩ và gia đình đang diễn ra trong bệnh viện, khá xa nơi phòng mổ, cô vẫn nhìn thấy họ và nghe được cuộc đối thoại, bất lực nhìn thấy nỗi đau tuyệt vọng của gia đình. Cô nhìn xuống từ thân thể nhẹ tênh.
– Tôi không chết đâu mà!
Cô kêu lên, nhưng dường như chẳng ai nghe được tiếng kêu của cô. Thất vọng vì không ai nghe được và giận dỗi vì gia đình nghĩ mình đã chết, cô quay lại thân thể mình. Sự xuất sắc của các bác sĩ cộng với ý chí sống còn của cô, cô được bác sĩ gọi là sự hồi phục “thần kỳ”.
– Không ai có thể phục hồi được khi bị thương quá nặng như vậy.
Anh ta cứ nói đi nói lại mãi.
Sau này, cô đã nhắc lại cuộc đối thoại của bác sĩ và gia đình. Cô không chỉ sống lại, mà theo một cách nào đó, còn có thể làm tăng nhanh quá trình điều trị đến khó ngờ. Xương và các tế bào bình phục theo nhịp độ bình thường.
Một bác sĩ trong bệnh viện đó đã gọi tôi lại xem bệnh nhân của anh thức dậy hét lên và bị kích động mạnh trong phòng hồi sức. Cô được gây mê bình thường và bất tỉnh suốt quy trình phẫu thuật, và hơi thở phải được bác sĩ gây mê kiểm soát. Trong lúc mổ, các bác sĩ gặp khó khăn vì huyết áp và nhịp tim của cô. Lúc đó, cô đã bay khỏi xác và nhìn các bác sĩ đang làm việc với thân thể của mình. Người bệnh đã báo động khi huyết áp và nhịp tim của cô bất thường. Cô nhận ra sự lo lắng trong giọng nói của bác sĩ gây mê và bay qua phía anh ta để đọc biểu đồ.
Lúc thức dậy trong phòng hồi sức, hoảng hốt vì những bất thường này, cô đã kể với tôi những điều được ghi trên biểu đồ của cô trong lúc mổ. Bệnh nhân hoàn toàn bất tỉnh trong suốt quá trình đó, thậm chí nếu như có tỉnh thì cô cũng không có cơ hội để nhìn thấy vì bảng biểu đồ nằm phía sau, trên đầu cô.
Một bác sĩ làm tại phòng cấp cứu ở bệnh viện kế bên, đứng xếp hàng hơn ba mươi phút trong buổi ký tặng sách, để kể cho tôi nghe câu chuyện của anh.
Bệnh nhân của anh đã trải qua cơn kích động đột ngột vì sốc dị ứng sau khi bị ong chích. Đây là trường hợp phản ứng dễ gây chết người do huyết áp bị giảm mạnh. Cho dù phương pháp cứu sống mạnh nhất đã bắt đầu khi cô được đưa vào phòng cấp cứu, nhưng bác sĩ vẫn tin rằng cô sẽ chết.
Sau đó, cô kể lại rằng cô đã lướt nhẹ theo thân thể khi cô được đưa vào bệnh viện. Cô nghe lỏm tất cả lời bàn luận, tiếng quát tháo chỉ dẫn, tiếng hét la, sự mong đợi, nỗi lo lắng, lời nhận xét của nhân viên phòng cấp cứu. Cô “trông thấy” khuôn mặt họ, quần áo họ mặc, người nào làm cái gì, mặc dù cô đang hôn mê. Cô cũng phục hồi một cách thần kỳ. Sau này, bác sĩ công nhận những điều cô kể là chính xác, có những sự việc xảy ra ở trong phòng khác.
Tôi đã nghe nhiều chuyện như vậy và nhiều bản báo cáo lâm sàng của bệnh nhân đã kề cận cái chết hoặc hồn đã lìa khỏi xác do rất nhiều bác sĩ kể lại, đến nỗi tôi không thể thanh minh với họ dựa theo lý lẽ y học hoặc sinh lý học. Họ là những bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản tại những trường Y Khoa. Tất cả đều kể cho tôi nghe rằng mặc dù bệnh nhân của họ bất tỉnh, rời bỏ thân xác, mà vẫn “nghe” và “quan sát” được mọi sự kiện từ khoảng cách xa.
Tôi không còn tin những sự kiện này là hiếm hoi nữa. Hầu hết bệnh nhân rất miễn cưỡng kể với bác sĩ, vì họ e ngại bác sĩ sẽ nghĩ rằng họ bị ảo giác lạ lùng hoặc điên rồ. Tại sao phải liều lĩnh?
Tại sao các bác sĩ không liều lĩnh để chia sẻ những kinh nghiệm này? Nhiều chuyên gia tâm thần ngại nói về những trải nghiệm trong kiếp quá khứ trước công chúng. Tôi nhận nhiều cuộc điện thoại, thư từ của hàng trăm nhà tâm thần học kể về những chuyến du hành trở về kiếp quá khứ của họ. Trong thư họ miêu tả đầy đủ chi tiết tên thành phố, đất nước, lục địa.
Nhiều người bệnh phát hiện tên gọi “cũ” của họ trong hồ sơ chính thức của những nơi mà họ chưa bao giờ nghe nói đến, chứ đừng nói là tham quan trong kiếp hiện tại. Nhiều người còn tìm thấy bia mộ của họ.
Hầu hết những câu chuyện mà bác sĩ kể lại đều là những trải nghiệm cận kề cái chết hoặc hồn lìa khỏi xác. Không giống như họ đang du hành trở về tiền kiếp.
Tuy nhiên, điều này có ý nghĩa vì các bác sĩ thường điều trị những người bệnh rất nặng.
Bất kể con người trải qua những kinh nghiệm cận chết hay hồn lìa khỏi xác, hoặc trở về kiếp quá khứ thì việc chữa lành bệnh đều xảy ra giống nhau. Bệnh nhân thường tìm thấy những kiếp sống của họ được chuyển hóa theo một cách tích cực. Việc chữa lành về thân thể và cảm xúc đều tăng nhanh đến không ngờ.
Yếu tố chung cho những trải nghiệm này là sự tồn tại của tâm thức, vượt ngoài thân thể hay trí não.
Tâm thức này mở rộng trong lúc rời khỏi thể xác. Màu sắc và âm thanh sống động hơn. Mục đích du hành của linh hồn chúng ta rõ ràng hơn. Bản chất tâm linh của chúng ta là hiển nhiên; ngay giây phút đó, chúng ta hiểu ra rằng chúng ta là những sinh vật khôn ngoan bất tử, có lòng từ và yêu thương vô hạn. Nghịch lý là trong lúc có vẻ chia cách thì mối liên kết giữa thân thể – trí óc dường như mạnh mẽ hơn, hoặc ít nhất vẫn nằm trong sự điều khiển của chúng ta một chút. Việc chữa lành xuất hiện khi trí tuệ, thông qua sự nhận thức và ý chí, đưa năng lượng vào những bộ phận cần điều chỉnh trong cơ thể.
Nhiều thế kỷ qua, nhiều nền văn hóa Châu Á, bao gồm các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thừa nhận năng lượng chữa trị và dòng điện chạy xuyên qua trong cơ thể con người. Họ sử dụng những năng lượng này và thậm chí còn vạch ra những đặc điểm của cường độ và dòng chảy của năng lượng. Người Trung Quốc và Nhật Bản gọi năng lượng này là khí. Họ tăng cường các chuyên gia về mối liên kết trí tuệ-thể xác. Tôi cũng may mắn được làm việc với vài chuyên gia đó.
Trong hai dịp khác nhau, tôi có cơ hội đưa hai vị thầy thuốc trở về quá khứ từ Trung Hoa đại lục. Cả hai người đều thông thạo năng lượng chữa trị.
Vị bác sĩ thứ nhất là đối tượng của một cuộc nghiên cứu tại khoa vật lý của Đại học New York. Trường Đại học này nhờ tôi liên lạc bởi vì tôi được nhiều người ở Trung Quốc biết đến do sách của tôi bán rất chạy tại đó.
Vị này không nói được tiếng Anh, nên chúng tôi phải làm việc thông qua phiên dịch. Bất kể phương pháp của tôi lạ lùng như thế nào thì vẫn giống với những phương cách của bậc sư phụ mà ông đã từng học lúc còn trẻ. Ông yêu cầu được thử nghiệm một chuyến du hành. Ông trôi vào trạng thái bị thôi miên rất sâu và trải nghiệm một ký ức quá khứ đầy thú vị.
Sau đó ông bình luận rằng phương pháp của chúng tôi rất giống nhau. Rồi ông hỏi liệu tôi có nhìn thấy được cảnh tượng trong kiếp quá khứ của ông, như thể chúng tôi đang cùng xem một bộ phim. Tôi trả lời:
– Ồ không, đôi khi tôi linh cảm những gì sắp xảy ra, nhưng tôi thật sự không nhìn thấy gì cả.
– Tiếc thật. Sư phụ tôi có thể nhìn thấy được. Ông nói, thông qua phiên dịch.
Vào dịp khác, một vị bác sĩ Trung Quốc nổi tiếng đến thăm tôi tại Miami, và chứng minh cách chữa trị đầy năng lực của khí công. Đổi lại cô yêu cầu tôi cho cô một chuyến du hành trở về quá khứ, tôi đồng ý. Cô cũng không nói được tiếng Anh, nhưng cô có người phiên dịch đi cùng.
Cô đi rất sâu. Trong khoảng vài phút cô đã nhìn thấy rất sống động một cảnh tượng trong quá khứ tại San Francisco cách đây hơn một trăm năm. Cô bắt đầu nói tiếng Anh trôi chảy trong lúc du hành.
Người phiên dịch là dân nhà nghề được đào tạo bài bản, không bỏ sót một tiếng động nào. Anh ta lập tức quay lại và bắt đầu dịch sang tiếng Trung Quốc. Tôi trừng mắt liếc anh ta, và ra dấu không cần thiết phải làm như vậy. Một cái nhìn sửng sốt hiện trên mặt anh ta cho biết anh ta đã hiểu ra.
Anh ta biết cô chẳng nói được một chữ tiếng Anh nào trong đời sống hiện tại.
Phân tâm học và liệu pháp phân tích tâm lý truyền thống đang giãy chết. Nhiều phương pháp lỗi thời, chậm chạp, không hiệu quả. Ngôn ngữ trở thành lớp vỏ bọc cứng, mang tính hình thức, không thể thấu hiểu.
Ngày nay, không có nhân tố quyết định trong liệu pháp tâm lý, chỉ có những khối cấu trúc khô cằn. Hiếm có người đạt được, đặc biệt từng người một. Ngang bằng với số ít ỏi này, sự cũ mòn, chậm chạp nặng nề, và sự tiếp cận dè dặt của những liệu pháp này sẽ không đủ đáp ứng. Một chứng loạn thần kinh chức năng được thay thế bằng cái khác trong liệu pháp truyền thống. Hoạt động bên ngoài là thước đo thành công, không phải là nội tâm thanh tịnh. Không hề có sự chuyển hóa cá nhân hay xã hội.
Freud và các môn đồ của ông đã tạo ra những đóng góp quan trọng cho chúng ta về sự hiểu biết chức năng của trí tuệ, sự tồn tại của tiềm thức, bản năng giới tính thời thơ ấu, phân tích giấc mơ, nhưng phân tâm học không có nguồn gốc tâm linh và không thể thoát khỏi bản chất tâm linh của con người. Có lẽ Freud không xem triết lý của ông là cuối cùng, nhưng các môn đồ của ông đã làm triết lý này vững chắc thêm.
Jung là người vô nguyên tắc và đi trước thời đại. Ông thấu triệt những điều huyền bí, tâm linh, siêu phàm. Nhưng ông bị bao bọc bởi những khắc chạm bằng đá đó.
Một thiếu sót lớn trong phân tâm học và liên quan đến liệu pháp tâm lý truyền thống là khái niệm tu chỉnh bản ngã. Bản ngã là “cái tôi”, chức năng điều hành, một phần của chúng ta, cái mà phải hòa nhập và đối phó với thực tế hàng ngày. Đó là trí tuệ bình thường của chúng ta. Trí tuệ bình thường này hợp lý, phải đưa ra quyết định, sử dụng trí nhớ và tư duy, hoạch định cho tương lai, nghiền ngẫm về quá khứ. Trí tuệ này luôn phán xét, đặt để suy nghĩ, ôn các dữ liệu của quá khứ, đặt câu hỏi như “Nhưng cứ cho rằng…?” và “Cái gì sẽ xảy ra…?”. Thật không may, những nhà chữa bệnh theo liệu pháp tâm lý luôn cố chỉnh sửa bản ngã hư hại của chúng ta. Bản ngã thường bị méo mó bởi những biến cố xảy ra trong cuộc đời hoặc vết thương từ thời thơ ấu. Những nhà liệu pháp này luôn chỉnh sửa, dỗ dành hoặc thậm chí còn bơm phồng bản ngã của chúng ta. Thực tế, chúng ta đang cần học cách để vượt ra khỏi bản ngã.
Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ vỡ ra từng mảnh! Làm sao mà chúng ta có thể hoạt động và sống sót mà thiếu bản ngã, trí tuệ bình thường, dưới sự điều khiển? Câu trả lời rất đơn giản. Các nhà trị liệu truyền thống bị kẹt trong ảo tưởng mà chức năng là mục đích tối thượng, nhưng nội tâm thanh tịnh mới thật sự quan trọng hơn. Nếu chúng ta có thể từ từ giảm bớt mối quan tâm về chức năng thích hợp với xã hội bệnh hoạn của chúng ta, đối với việc thu lợi, và bớt lo lắng đến chuyện người khác sẽ nghĩ gì về chúng ta, thì chúng ta có thể từng bước một đạt được nội tâm thanh tịnh. Tâm trí của ta giăng bẫy gài chính chúng ta trong kiếp trước và kiếp sau. Vì thường xuyên lo lắng, phân tích, suy nghĩ, nên ta bị bản ngã ngăn chặn khỏi bản chất đích thực ngay trong kiếp hiện tại. Làm sao chúng ta có thể nhìn nhận sự vật đúng như bản chất, nếu như chúng ta bị định kiến, thành kiến từ trong quá khứ luôn cùng đi theo cho đến kiếp hiện tại? Chúng ta phải điều khiển được bản ngã để có thể cứu rỗi bản thân mình và thế giới theo một cách cơ bản nhất.
Và nếu như các thầy thuốc, truyền thống hoặc hiện đại, cũng hiểu được nguyên lý này, cũng đều có tư tưởng phóng khoáng học hỏi những phương pháp “khác lạ”, đều có thể thực hành nghệ thuật chữa bệnh với lòng từ, sự quan tâm, kỹ năng, và quan trọng hơn hết, nếu họ có thể điều trị cả linh hồn cũng như thể xác, thì chúng ta có thể thực sự hưởng được sức khỏe tối ưu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.