Mùa hè khắc nghiệt

Chương 09



Buổi sáng, Thạch vừa bước vào văn phòng làm việc, chị Yến nói:

– Cậu Hiệp nhắn em lên sân thượng gặp cậu.

– Có chuyện gì vậy chị?

– Chị cũng không biết nữa.

Thạch bước lên cầu thang trôn ốc bằng gỗ. Từ ngày về đây làm việc, lần đầu tiên Thạch bước lên lầu. Trên đây là nơi sống riêng tư của gia đình ông giám đốc. Khi cần chỉ bảo Thạch việc gì, ông giám đốc thường gọi anh vào phòng làm việc của ông ở tầng trệt chứ không bao giờ gọi anh lên lầu. Bước lên lầu một, Thạch leo tiếp cầu thang lên sân thượng.

Có một căn phòng nhỏ và một hiên mái cuốn bằng nhựa sọc trắng xanh. Ngoài khoảng sân trống là những chậu kiểng lớn trồng cây sứ Thái Lan với những bộ rễ uốn lượn như con rắn, còn những chậu kiểng nhỏ trồng những cây xương rồng nở hoa đỏ và trắng. Tất cả các loại cây này đều thích hợp với thời tiết nắng nóng ở nơi đây.

Dưới mái cuốn, Hiệp đang ngồi đọc báo ở bộ bàn ghế bằng mây. Trước mặt anh là một ly trà Lipton nóng. Thạch nói:

– Chào anh!

Hiệp bỏ tờ báo xuống.

– Mời anh ngồi. Anh uống trà Lipton nha.

Hiệp bỏ túi trà vào một cái ly rồi rót nước sôi. Anh đẩy chiếc ly về phía Thạch rồi dựa lưng vào ghế.

– Tôi được biết anh có cảm tình rất sâu đậm với Trân nên tôi muốn nói thẳng với anh một việc. Chiều qua, khi khám bệnh cho Trân, tôi biết em bị bệnh tim rất nặng. Chính cái đầu của em sẽ quyết định bệnh tim của mình thuyên giảm hay bột phát. Chữa trị bằng tâm lý là chủ yếu, còn thuốc thang chỉ phụ trợ. Bệnh tim của Trân tăng hay giảm, bây giờ tùy thuộc vào thái độ đối xử của anh. Chiều qua, tôi cũng đã nói cho Hải biết để gia đình Hải tùy nghi quyết định. Và anh cũng vậy.

Thạch uống một ngụm trà Lipton không đường rồi đốt một điếu thuốc hút:

– Theo anh, tôi nên xử trí như thế nào?

Hiệp gõ gõ ngón tay lên thành ghế mây:

– Tôi cũng cỡ tuổi anh, kinh nghiệm sống chưa nhiều nên không thể khuyên bảo. Tôi chỉ đưa ra hai phương án để anh lựa chọn. Một là anh gọi chú Sáu là cha và lập nghiệp ở nơi đây. Hai là anh trở về Sài Gòn ngay trước khi quá muộn. Mặc dù anh ra đi tôi rất tiếc, vì anh được ba tôi tín nhiệm trong công việc.

– Tôi có thể ra đi ngay sáng nay nếu việc đó giúp cho Trân được khỏe mạnh.

Hiệp uống một ngụm trà, suy nghĩ:

– Điều này không có gì chắc chắn. Anh ra đi sẽ tạo một cú sốc cho Trân. Có thể Trân sẽ vượt qua cú sốc đó và khỏe mạnh, cũng có thể em không vượt qua được và ngã quỵ. Sao anh không chọn phương án một?

– Tôi không muốn bị mang tiếng lợi dụng.

– Lợi dụng gì? Chú Sáu đâu phải là người giàu có hay có địa vị trong xã hội.

– Không phải chuyện lợi dụng tiền bạc hay địa vị mà là lợi dụng tình cảm. Chú Sáu đã đối xử với tôi rất tốt ngay từ ngày tôi mới bước chân tới đây. Tôi đã hứa với chú, dạy dỗ và chăm sóc Trân như lo cho một đứa em gái. Vì vậy tôi không thể…

– Tôi có một đề nghị: Anh hãy cứ đối xử tốt với Trân. Tuần sau tôi về Sài Gòn, tôi sẽ mang theo hồ sơ bệnh tim của em cho thầy tôi xem. Nếu có thể phẫu thuật chữa được bệnh tim của Trân, tôi sẽ nhắn chú Sáu đưa em vào Sài Gòn phẫu thuật. Sau khi Trân chữa khỏi bệnh tim thì việc anh ở lại đây hay ra đi sẽ không còn ảnh hưởng đến sức khỏe của em nữa. Anh nghĩ sao?

– Tôi sẽ cố gắng giúp Trân sống vui vẻ trong thời gian chờ phẫu thuật trái tim.

Hiệp đứng dậy bắt tay Thạch:

– Vậy là được rồi. Tôi sẽ nói chuyện với chú Sáu. Còn anh muốn chở Trân đi đâu chơi, cứ lấy xe Dream của tôi mà đi.

Thạch dừng xe Dream trước cổng nhà chú Sáu và bóp còi inh ỏi. Từ trong nhà Trân vội vã chạy ra.

– Anh Hai đến có chuyện gì vậy?

Thạch tươi cười:

– Chiều nay rảnh, tôi mượn xe của anh Hiệp đến chở em đi chơi. Tôi ra đây làm việc đã lâu nhưng chưa có dịp đi tham quan các thắng cảnh. Vậy em có thể giới thiệu tôi một nơi để đến thăm?

– Được rồi em sẽ dẫn anh Hai đi thăm chùa Hang.

– Em cũng rành về chùa à?

– Tại sao không?

Chùa Hang nằm ở huyện Tuy Phong, cách thị trấn Phan Rí khoảng hai mươi cây số. Đây là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ mười chín, nằm trên một gành đá nhô ra sát biển. Đường lên chùa quanh co, gập ghềnh, du khách phải bước đi trên những bậc tam cấp mới được xây dựng. Bước vào cổng chùa là chánh điện do hai tảng đá lớn tạo nên có hình mái vòm. Ở phía tây chùa có một cái hang tương truyền là đường xuống âm phủ. Thật ra, đấy là căn cứ quân sự của cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến. Vì Cổ Thạch Tự nằm gần một hang sâu nên được người dân gọi nôm na là chùa Hang.

Xung quanh chùa là những tảng đá lớn và cây cối xanh rì. Những tượng Phật đứng, Phật nằm màu trắng được đặt rải rác trên các tảng đá. Thạch thích thú khi thấy trên một vách đá có đắp nổi bằng xi măng tượng ông Địa và một đầu Lân, được sơn màu xanh vàng đỏ sặc sỡ. Cả hai cùng tươi cười chào đón du khách đến viếng cảnh.

Chùa Hang đã được nhà nước xếp hạng “Di tích Văn hóa – Lịch sử” nên các tour du lịch ở tỉnh Bình Thuận đều đưa du khách đến tham quan chùa. Nhiều đoàn đã thuê phòng trọ ở dưới chân núi đá gần bờ biển, cho du khách ngủ lại đêm. Họ đốt lửa trại ca hát hoặc ngắm nhìn những ghe câu mực thắp đèn sáng nhấp nháy ngoài khơi. Họ đợi ghe vào bờ để mua những con mực tươi rói luộc ăn.

Cách chùa Hang năm trăm mét có bãi đá Cà Dược. Những tảng đá nằm sát biển bị sóng đánh vỡ vụn, rồi bào chúng thành những hòn đá cuội bóng láng, nhiều màu sắc. Có hòn bằng ngón tay, có hòn bằng nắm tay nhưng nhiều nhất là những hòn đá cuội to bằng trái cà dược – một loại cà mọc hoang ở vùng này.

Trân dẫn Thạch đi trên bãi đá để tìm những hòn cuội có hình thù và màu sắc lạ mắt. Trân hỏi:

– Anh Hai tên Thạch, vậy người anh cứng rắn như đá?

Thạch cười:

– Em hiểu lầm rồi. Tôi tên Thạch là tên một loại chè nấu bằng rong biển nên rất mềm yếu chứ không cứng rắn như đá.

– Vậy anh Hai bị ngã là vỡ vụn luôn!

Bắt chước Trân, Thạch hỏi:

– Tại sao không vỡ vụn?

Giữa những hòn đá cuội hình thù khác nhau, Thạch thấy một hòn đá dẹp có màu hồng nhạt tựa trái tim, anh vội cúi xuống lượm:

– Ui da!

Bước lên một tảng đá có rêu, Trân bị trượt chân ngã xuống bãi đá cuội. Thạch hốt hoảng chạy đến đỡ em ngồi xuống một tảng đá lớn, mắt cá chân phải của Trân bị trầy sướt, rỉ máu. Thạch rút một điếu thuốc, bẻ đôi, lấy những sợi thuốc lá vàng đắp lên vết thương của Trân.

– Ui da!

Trân hét lên vì vết thương đau rát. Em nhắm mắt, bậm môi một lát rồi từ từ mở đôi mắt ráo hoảnh. Thạch nói:

– Em lì ghê! Đau vậy mà không khóc.

– Tại sao phải khóc vì một vết thương ở chân?

Thạch cười.

– Tôi hiểu rồi. Mùa hè ở đây quá khắc nghiệt. Trời không mưa nên người ta cũng khó mà khóc được.

Thạch móc túi lấy ra hòn đá cuội có hình trái tim đưa cho Trân.

– Tôi tặng em một hòn cuội rất đẹp.

Trân nhìn hòn cuội màu hồng trong lòng bàn tay:

– Sao anh Hai nói trái tim anh bằng thạch chè nên dễ vỡ vụn?

– Trái tim của tôi có bằng đá thì nó cũng dễ vỡ vụn.

– Trân nắm chặt hòn cuội trong tay.

– Em sẽ giữ gìn không để nó vỡ vụn,

Trân nhờ Thạch chở đi thăm một người bạn học chung lớp mười hai. Cô bạn gái người Chăm tên Thiềm Thị Lộc. Khi Trân phải nghỉ học để chữa bệnh tim thì Lộc cũng nghỉ học để… cưới chồng. Chồng của Lộc làm việc ở Ủy ban nhân dân xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình – nơi có nhiều người Chăm cư ngụ.

Ngày còn đi học, Trân và Lộc ngồi chung bàn, Trân thích đôi mắt của người bạn Chăm. Đôi mắt đen tròn, hàng mi cong vút có vẻ đẹp huyền bí. Trân thường chỉ bảo bài vở cho Lộc. Bù lại, Lộc dạy cho em hát những bài dân ca Chăm có giai điệu rất lạ. Vào dịp lễ hội truyền thống của người Chăm, Lộc thường rủ Trân về tham dự và xem Lộc múa hát. Đáng tiếc, hôm đám cưới của Lộc, Trân không đến chúc mừng vì em đang nằm điều trị bệnh tim ở bệnh viện tỉnh.

Thạch lái xe vào một con đường đất bạc trắng. Nhà của người Chăm xây dựng cũng không khác gì người Việt. Họ chỉ ít trồng cây lớn ở trước sân vì thường dùng sân để phơi nông sản, phơi vải nhuộm hay chăn nuôi dê. Thạch dừng xe trước ngôi nhà mà Trân chỉ, có mái ngói mới lợp đỏ au.

Lộc đang ngồi dệt thổ cẩm ở trong nhà, nhìn thấy Trân vội chạy ra, tươi cười:

– Lâu quá Trân mới đến thăm mình.

Trân đưa cho Lộc một gói khô mực:

– Tặng vợ chồng Lộc đó. Chồng Lộc có nhà không?

– Anh ấy đi công tác chưa về. Mời hai bạn vào nhà chơi.

Rồi nhìn Thạch, Lộc cười.

– Mình xin lỗi. Mời anh và Trân vào nhà chơi!

Thạch ngồi vào bộ bàn ghế đánh vẹc ni nâu bóng. Trân đi đến khung cửi, xem tấm thổ cẩm đang dệt có hoa văn đặc biệt của người Chăm.

– Lộc dệt hàng bán có khá không?

– Ở đây có hợp tác xã lấy hàng để xuất khẩu nên mình bán thổ cẩm cũng có giá.

Lộc đi vào nhà trong lấy ra hai ly sữa to, để lên bàn.

– Mời anh và Trân uống sữa dê. Nhà mình có nuôi năm con dê, một con dê đực và bốn con dê cái nên có dư sữa để bán.

Trân nhìn ly sữa dê lắc đầu không dám uống. Lộc cười:

– Uống đi. Sữa dê tốt lắm, giúp cho người ta khỏe mạnh.

Thạch uống cạn ly sữa dê rồi nói:

– Nếu em sợ, tôi sẽ uống giúp em.

Trân cười:

– Anh Hai luôn luôn can đảm khi ăn uống. Nhưng em cũng đâu có sợ… sữa dê!

Trân bưng ly sữa lên nhắm mắt uống cạn ly. Mùi sữa dê tanh nồng khiến em vội vàng lấy tay bịt chặt miệng để khỏi bị ói.

Lộc đi đến khung cửi rút ra hai dây vải trắng có dệt hoa văn bằng chỉ đỏ, mỗi dải vải dài một gang tay, rộng một đốt gang tay.

– Mình tặng Trân hai sợi dây này. Khi yêu ai, bạn cột một sợi vào cổ tay mình và một sợi vào cổ tay người mình yêu.

Trân cầm hai sợi vải cột vào hai tay của em:

– Con gái Chăm sướng thật, muốn yêu ai là cột tay người mình yêu. Con gái Việt không làm như vậy được.

– Sao bạn lại cột hai sợi dây vào hai tay của bạn?

– Tại mình nhiều “tự ái”!

– Đừng làm vậy. Trân hãy cột một sợi dây vào tay anh này.

– Anh ấy đã được một cô gái cột tay rồi.

– Cô gái đó người… Chăm à?

Trân bật cười:

– Không. Cô gái đó người Sài Gòn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.