Nếu Tôi Biết Được Khi Còn 20

CHƯƠNG 8 – Hãy vẽ luôn hồng tâm quanh mũi tên



Có ai ngờ được rằng gói quà gồm những tấm thẻ ghi chú mẹ tôi tặng vào ngày sinh nhật thứ mười của tôi sẽ trở thành một trong những quà tặng có giá trị nhất mà tôi từng nhận được. Chúng có màu xanh nhạt và trên cùng được ghi chữ “Tina” bằng những chữ viết rời nhau. Vào tuổi đó mẹ đã dạy tôi cách viết lời cảm ơn và tầm quan trọng của chúng. Bà dạy đúng lắm. Thực sự, khi lớn lên và bước vào thế giới công việc, tôi thường cố gắng học theo mẹ tôi, người dường như luôn biết phải làm gì trong các tình huống xã hội. Tuy nhiên, tầm quan trọng của việc viết những lời cảm ơn vẫn là một trong những bài học có giá trị nhất mà tôi học được từ mẹ.

Việc bày tỏ sự quý trọng những điều người khác làm cho bạn có một ảnh hưởng sâu sắc đến cách người khác cảm nhận về bạn. Hãy ghi nhớ rằng tất cả những gì một ai đó làm cho bạn đều hàm chứa chi phí cơ hội, nghĩa là nếu anh ta đã dành thời gian trong ngày của mình để tiếp bạn thì phải có điều gì đó anh ta đã không làm cho chính mình hoặc cho người khác. Bạn có thể nghĩ đơn giản rằng yêu cầu của mình là nhỏ. Nhưng khi ai đó đang bận rộn thì không có yêu cầu nào là nhỏ cả. Họ phải dừng những gì họ đang làm, tập trung vào yêu cầu của bạn, và dành thời gian để đáp lại. Với suy nghĩ đó, bạn đừng bao giờ quên gửi lời cảm ơn khi nhờ ai làm điều gì. Thật ra, hãy xem lời cảm ơn là một phép tắc và xem những tình huống mà bạn không gửi lời cảm ơn như ngoại lệ. Thế thì chắc chắn bạn sẽ nổi bật vì thật không may là có quá ít người thực sự ứng xử như vậy.

Một số những điều nhỏ nhặt có thể tạo khác biệt lớn trong cuộc sống của bạn thì rất đơn giản, trong khi cũng có những điều rất phức tạp. Một số những điều đó chỉ dùng trực giác cũng hiểu được, nhưng một số khác thì lại khá lạ lẫm. Một số được dạy trong trường học nhưng hầu hết thì không. Trong những năm qua tôi đã vấp ngã nhiều lần, đôi khi không thể trở lại được như cũ, do không hiểu được về những “điều nhỏ nhặt” đó.

Trước hết, hãy nhớ rằng quanh đi quẩn lại chỉ có năm mươi người trên thế giới. Tất nhiên, điều này không đúng theo nghĩa đen. Nhưng cuộc sống thường cho chúng ta cảm giác như vậy vì trên thế giới này bạn rất dễ gặp những người bạn biết, hoặc những người biết những người bạn biết. Những người ngồi bên cạnh bạn có thể trở thành sếp của bạn, nhân viên của bạn, khách hàng của bạn, hoặc em dâu của bạn. Có một số người biết đâu sẽ cùng đóng nhiều vai trò khác nhau trong suốt cuộc đời bạn. Tôi đã gặp rất nhiều tình huống mà những người từng là cấp trên của tôi sau đó đến gặp tôi để được giúp đỡ, và bản thân tôi cũng từng đến gặp những người ngày trước là cấp dưới của tôi để được hướng dẫn. Những vai trò mà chúng ta đảm nhận trong cuộc sống liên tục thay đổi một cách đáng ngạc nhiên theo thời gian, và bạn sẽ kinh ngạc bởi những người luôn luôn xuất hiện trong cuộc đời mình.
Chính vì chúng ta sống trong một thế giới nhỏ như vậy, thật sự bạn không nên bỏ qua các mối quan hệ dù trong một số trường hợp nào đó bạn rất muốn bỏ qua chăng nữa. Bạn có thể không thích tất cả mọi người và không phải tất cả mọi người đều có thể thích bạn, nhưng không nên tạo ra kẻ thù. Ví dụ, khi bạn đi xin việc mới, rất có thể người đang phỏng vấn bạn sẽ biết một người mà bạn đã quen. Bởi vì điều đó, danh tiếng của bạn sẽ đi trước bạn ở khắp mọi nơi. Nếu bạn có một danh tiếng tuyệt vời thì quá tốt, nhưng nếu bạn chỉ toàn tiếng xấu thì thật chẳng hay ho gì.

Tôi đã nhìn thấy những kịch bản sau đây diễn ra vô số lần. Hãy tưởng tượng bạn đang dự cuộc phỏng vấn cho một công việc có hàng chục ứng viên. Cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp và bạn dường như là người rất phù hợp cho vị trí này. Trong suốt cuộc gặp, người phỏng vấn nhìn vào hồ sơ của bạn và nhận ra rằng bạn đã từng làm việc với một người bạn cũ của cô ấy. Sau khi phỏng vấn, cô gọi ngay một cuộc điện thoại ngắn cho bạn của mình để hỏi thăm. Một nhận xét bình thường từ bạn của cô về những gì bạn đã thể hiện trong quá khứ có thể là con dấu đóng lên hợp đồng, nhưng cũng có thể hất bạn ngã chỏng vó. Trong nhiều trường hợp, bạn thậm chí tin chắc rằng mình sẽ được nhận công việc này, cho đến khi bạn nhận được một lá thư từ chối. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được điều gì đã đánh ngã mình.

Về cơ bản, danh tiếng là tài sản có giá trị nhất của bạn, nên hãy bảo vệ nó thật tốt. Nhưng cũng đừng quá mất tinh thần nếu bạn mắc phải một số sai lầm trên đường đời, bởi theo thời gian bạn có thể sửa chữa một danh tiếng bị hoen ố. Trong những năm qua tôi đã phát hiện một phép ẩn dụ giúp tôi nhìn ra một quan điểm: mỗi trải nghiệm bạn có với người khác giống như một giọt nước rơi vào một hồ bơi. Khi những trải nghiệm của bạn với người đó lớn dần lên, những giọt nước sẽ tích tụ và làm hồ bơi sâu hơn. Các tương tác tích cực là những giọt nước trong và các tương tác tiêu cực là những giọt nước đục. Nhưng chúng không bằng nhau. Một số lượng nhiều giọt nước trong có thể làm nhạt đi một giọt nước đục, và số lượng đó khác nhau với từng người. Những người khoan dung chỉ cần một vài trải nghiệm tích cực – những giọt nước trong – để làm phai đi một trải nghiệm xấu, trong khi những người kém khoan dung cần nhiều hơn nữa mới rửa sạch đi màu đục. Ngoài ra, đối với hầu hết mọi người thì hồ bơi thoát nước khá chậm. Vì vậy, chúng ta có xu hướng chú ý đến những trải nghiệm xảy ra gần đây nhất, thay vì những gì đã xảy ra một thời gian dài trước đây. Phép ẩn dụ này ngụ ý rằng nếu bạn để dành một lượng lớn trải nghiệm tốt đẹp với ai đó thì một giọt nước đục hầu như chẳng thể nhận thấy. Nếu bạn không biết rõ về một người nào đó thì chỉ một trải nghiệm xấu cũng có thể làm cho hồ bơi biến thành đỏ ngầu. Bạn có thể rửa sạch các tương tác tiêu cực bằng việc làm ngập hồ bơi với các tương tác tích cực cho đến khi những giọt nước đục bị nhạt đi, nhưng nước càng đục thì bạn càng có nhiều việc phải làm để khiến hồ bơi trong trở lại. Tôi đã nhận ra rằng đôi khi màu sắc của hồ bơi không bao giờ có thể rửa sạch được; và khi nó xảy ra, đã đến lúc bạn ngừng cộng tác với người đó.

Điều này là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của mỗi trải nghiệm chúng ta có với những người khác, dù là bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, hay các nhà cung cấp dịch vụ. Trong thực tế, một số tổ chức thật sự đã nắm bắt thông tin về cách bạn đối xử với họ, và điều đó ảnh hưởng tới cách họ đối xử với bạn. Ví dụ, ở một số trường kinh doanh nổi tiếng, mỗi việc làm của một ứng viên đối với nhà trường hay nhân viên của trường đều được ghi chú lại. Nếu một ứng viên thô lỗ với nhân viên tiếp tân, điều này được ghi lại trong hồ sơ của anh ta hoặc cô ta và sẽ được xét đến khi quyết định có cho nhập học hay không. Điều này cũng diễn ra tại các công ty như JetBlue. Theo Bob Sutton trong cuốn The No Asshole Rule, nếu bạn luôn thô lỗ với các nhân viên của JetBlue, bạn sẽ bị ghi tên vào danh sách đen, và bạn sẽ rất ngạc nhiên nhận ra rằng mình chẳng thể nào có được một chỗ ngồi trên máy bay của họ.

Rõ ràng bạn không thể làm cho tất cả mọi người hài lòng ở mọi thời điểm, và một số hành động của bạn có thể sẽ khiến ai đó mếch lòng. Để xử lý những tình huống này, hãy tưởng tượng cách thức mà về sau bạn sẽ mô tả những gì đã xảy ra, khi lớp bụi thời gian dần phai đi. Tôi vẫn nhớ trường hợp một sinh viên đến tìm tôi để được tư vấn vài năm trước. Lúc đó cậu đang điều phối cuộc thi kế hoạch kinh doanh toàn trường và một đội trong đó không đến dự vòng chung kết xếp hạng. Giống như tất cả các đội đạt tới được giai đoạn đó của cuộc thi, đội này đã làm việc với dự án trong bảy tháng và phải cố gắng vượt qua rất nhiều trở ngại để được vào vòng chung kết. Họ không nhận được thông báo về thời gian thi, một phần vì nó được đăng trễ và một phần cũng vì họ đã không chú ý. Thế nên người sinh viên đến hỏi ý kiến của tôi rất phân vân không biết xử lý tình huống này ra sao. Theo cậu ấy thì có hai sự lựa chọn rõ ràng: cậu có thể giữ vững các quy tắc và loại đội chơi đó ra, hoặc cậu có thể linh hoạt và tìm một thời gian khác cho họ trình bày dự án của mình. Trong thâm tâm, phản ứng của cậu là tuân thủ các quy tắc. Những người khác đã đến đúng hẹn, và sẽ thêm một gánh nặng nếu phải thay đổi lịch của vòng thi cuối. Tôi đã trao cho cậu một lời chỉ dẫn duy nhất: dù làm bất cứ điều gì, tôi hy vọng sau này cậu vẫn sẽ hài lòng với quyết định của mình khi nhìn lại. Tôi gợi ý cậu hãy suy nghĩ xem mình sẽ mô tả thách thức này như thế nào nếu trong một cuộc phỏng vấn xin việc cậu được yêu cầu xử lý một tình huống nhập nhằng như thế. Cuối cùng giải pháp của người sinh viên là cho phép đội trễ hạn được trình bày dự án. Và sau đó tôi nhận ra rằng suy nghĩ về việc bạn sẽ kể lại một câu chuyện như thế nào trong tương lai là một cách tuyệt vời để đánh giá sự ứng phó của bạn với những tình huống khó xử nói chung. Hãy tạo ra câu chuyện bây giờ để bạn có thể tự hào kể về nó sau này.

Mọi người đều mắc phải sai lầm, và sự lúng túng là một phần của cuộc sống, đặc biệt khi bạn đang làm việc gì đó lần đầu tiên. Tôi đã phải trải qua vô số thời gian tự trách bản thân mình vì những việc ngu ngốc tôi đã làm. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng điểm mấu chốt là học cách phục hồi từ những sai lầm. Ví dụ, biết cách xin lỗi là vô cùng quan trọng. Một sự thừa nhận đơn giản rằng bạn đã sai lầm có tác dụng rất lâu dài. Bạn không cần phải đọc một bài phát biểu và giải thích dài dòng, mà chỉ cần nói: “Tôi đã không xử lý vấn đề đó tốt. Tôi xin lỗi.” Bạn nên làm việc này càng sớm càng tốt sau khi nhận ra sai lầm của mình. Nếu bạn chờ một thời gian dài rồi mới xin lỗi thì thiệt hại sẽ không ngừng tăng lên.

Tôi đã có nhiều cơ hội luyện tập cách phục hồi từ lỗi lầm. Và câu chuyện sau đây đặc biệt đáng ghi nhớ. Ngay sau khi ra trường, tôi đọc được một bài trên tờ báo địa phương viết về kế hoạch xây dựng Viện bảo tàng Công nghệ San Jose. Nó có vẻ là một nơi tuyệt vời để làm việc. Jim Adams, một giáo sư Stanford nổi tiếng với những công trình sáng tạo mang tính tiên phong, sẽ làm giám đốc viện bảo tàng. Tôi gọi đến văn phòng của viện bảo tàng hàng ngày với nỗ lực được tiếp cận ông, nhưng lần nào người ta cũng nói với tôi rằng Jim không có ở đó. Mặc dù tôi đã không để lại tin nhắn, các nhân viên tiếp tân đã nhận ra giọng nói của tôi và báo với Jim mỗi khi tôi gọi đến. Đến lúc tôi gặp được Jim thì ông đã có cả một chồng lời nhắn từ tôi cao tới gần một inch.

Jim cuối cùng đã đồng ý gặp tôi. Tôi đã cố gắng vượt qua được bài kiểm tra của ông trong cuộc phỏng vấn, nhưng thực sự không có công việc chính thức nào được trao cho tôi và cuối cùng ông đề nghị tôi nói chuyện với người phụ nữ gần đây đã được thuê để lãnh đạo đội thiết kế triển lãm. Rất có thể nhiệm vụ đầu tiên của cô ấy là tống khứ tôi. Cô mời tôi đi ăn trưa cho một cuộc phỏng vấn, nhưng thậm chí khi chúng tôi còn chưa gọi món thì cô đã nói: “Tôi chỉ muốn cho em biết rằng em không phải là người phù hợp cho tổ chức này. Em có vẻ quá tự đề cao mình.” Tôi cảm thấy nước mắt bắt đầu trào ra và phải suy nghĩ nhanh chóng để thoát khỏi cú lộn nhào này. Tôi xin lỗi và nói với cô ấy rằng tôi đánh giá rất cao phản hồi của cô; tôi cũng nói rằng hầu hết mọi người xem tôi là người nhiệt tình và đặt nhiều tâm huyết vào mọi thứ. Tôi cảm ơn cô vì phản hồi này rất hữu ích để tôi biết mình đã vô tình thể hiện sai về bản thân. Vấn đề là rõ ràng sự nhiệt tình của tôi đã bị hiểu sai. Từ lúc đó trở đi, sự căng thẳng tan biến, chúng tôi có một cuộc trò chuyện thú vị, và cuối cùng tôi đã ra về với một lời mời làm việc.

Câu chuyện này chứng tỏ rằng việc chịu trách nhiệm cho những hành động của bạn và sẵn sàng học hỏi từ những trải nghiệm đó là rất quan trọng. Vì thế khi gặp chuyện, bạn có thể nhanh chóng vượt qua nó. Và để củng cố một điểm tôi từng nêu trong chương này, cho bạn biết một thông tin: các khóa học về sáng tạo tôi đang giảng dạy ở đại học Stanford, tại trường Kỹ thuật, ngày trước chính do Jim Adams phụ trách trong nhiều năm. Thế giới này nhỏ bé thật!

Gần đây tôi đã biết được từ Jeannie Kahwajy, một chuyên gia về mối quan hệ giữa con người, rằng nghiên cứu của cô cho thấy những ai tỏ ra luôn sẵn sàng học hỏi thường có thể xoay chuyển các tình huống xung quanh rất hiệu quả. Jeannie tiến hành những cuộc thử nghiệm liên quan đến nhiều cuộc phỏng vấn giả do các nhà tuyển dụng thực hiện. Các nhà tuyển dụng được nhắc trước để có một thành kiến tiêu cực đối với các ứng viên. Trong ba nhóm ứng viên, một nhóm được hướng dẫn để chứng minh họ nên nhận được công việc; một nhóm được yêu cầu phải học hỏi từ quá trình tương tác này; và nhóm cuối cùng, nhóm đối chứng, thì không được hướng dẫn bất cứ điều gì. Cô nhận ra rằng thành kiến tiêu cực của nhà tuyển dụng được gia cố thêm khi tiếp xúc với nhóm đối chứng và nhóm cố gắng chứng minh rằng họ nên nhận được công việc. Tuy nhiên, những ứng viên được đặt mục tiêu là học hỏi từ sự tương tác đã đảo ngược thành kiến tiêu cực của nhà tuyển dụng.

Một kỹ năng sống cần thiết ít khi được giảng dạy trong trường học là khả năng thương lượng. Hầu hết các quan hệ của chúng ta với những người khác về cơ bản đều là một loạt các cuộc thương lượng, và chúng ta có thể làm hại chính mình vì không biết về những nguyên lý cơ bản. Chúng ta thương lượng với bạn bè về những việc cần làm vào đêm thứ Bảy, chúng ta thương lượng với gia đình về việc ai sẽ rửa chén và ai là người thanh toán các hóa đơn, chúng ta thương lượng với đồng nghiệp về việc ai sẽ ở lại trễ để hoàn thành một nhiệm vụ, và chúng ta thương lượng với nhân viên bán hàng về giá của một chiếc xe hơi. Chúng ta thương lượng mọi lúc mọi nơi, nhưng hầu hết chúng ta thậm chí không nhận thức được nó, cũng như không có một cơ sở về việc phải làm sao để thương lượng tốt.

Tôi ra một bài tập tại lớp mà bề ngoài dường như chỉ là một cuộc thương lượng đơn giản giữa ứng viên xin việc và người tuyển dụng lao động.[34] Có tám điều khoản, bao gồm những vấn đề chính về tiền lương, thời gian nghỉ phép, phân công công việc, và mỗi người có những giá trị quan điểm riêng với mỗi điều khoản. Mục tiêu của bài tập là mỗi người phải tối đa hóa quan điểm của mình. Thường thì các cặp đàm phán từ trên xuống dưới danh sách theo thứ tự và cố gắng hòa thuận về mỗi điều khoản. Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận ra rằng chiến lược này sẽ không mang lại hiệu quả. Sau khi kết thúc cuộc đàm phán dài ba mươi phút, một số “nhà đàm phán” đạt tới một hợp đồng, còn những người khác thì quyết định bỏ đi mà không có thỏa thuận nào. Những người có được hợp đồng rơi vào một trong hai loại sau đây: họ thích làm việc với nhau, hoặc họ cảm thấy không thoải mái nếu kết quả thất bại. Một số cặp kết thúc với tổng số điểm bằng nhau, trong khi những cặp khác có tổng số điểm khác nhau hoàn toàn. Vậy điều gì đã xảy ra?

Sai lầm phổ biến nhất trong việc đàm phán này là tạo ra các giả định không chính xác, và giả định phổ biến nhất là nhà tuyển dụng và ứng viên có những mục tiêu trái ngược nhau. Người xin việc cho rằng nhà tuyển dụng muốn những thứ đối lập hoàn toàn với những gì ứng viên muốn, trong khi thực tế thì hai bên đều có hai mục tiêu chung, hai mục tiêu đối lập, hai mục tiêu rất quan trọng đối với nhà tuyển dụng, và hai mục tiêu rất quan trọng đối với người xin việc. Mặc dù đã biết trước, nhưng trường hợp này vẫn phản ánh hầu hết các tình huống trong cuộc sống của chúng ta. Các bên thường chia sẻ những lợi ích giống nhau, ngay cả khi họ tin rằng họ đang đứng ở các lập trường đối nghịch của một vấn đề, và một số vấn đề thì thường quan trọng đối với người này hơn với người kia.

Chìa khóa để đàm phán thành công là khám phá ra lợi ích của mọi người để bạn có thể tối đa hóa kết quả cho tất cả các bên. Tất nhiên nói thì dễ hơn làm, vì hầu hết mọi người đều giữ chặt quyền lợi của mình và tin rằng việc này sẽ cho họ một vị thế mạnh mẽ trong thương lượng. Nhưng việc áp dụng kiểu thương lượng chỉ biết đến mình như vậy có thể làm bạn lạc lối, vì trên thực tế biết đâu những gì bạn muốn lại phù hợp với những lợi ích bên kia thì sao!

Hãy lấy ví dụ về kinh nghiệm gần đây của tôi với việc mua một chiếc xe hơi. Tôi cho rằng các nhân viên bán hàng muốn tôi chi tiền càng nhiều càng tốt, còn tôi lại muốn chi tiêu ít nhất có thể. Nhưng tôi quyết định kiểm tra giả định này xem sao…

Thế là trong khi thử chiếc xe, tôi hỏi rất nhiều về ngành công nghiệp ô tô, bao gồm cả cách nhân viên bán hàng được thưởng công như thế nào. Và tôi được biết rằng mức hoa hồng của nhân viên bán hàng chẳng có gì liên quan tới giá bán. Tiền thưởng của anh ta dựa trên việc nhận được những đánh giá tốt từ phía mỗi khách hàng bất kể giá cả của chiếc xe. Tôi nói với anh chuyện đó không thành vấn đề đối với tôi, và rằng tôi sẽ bằng lòng cho anh ta một lời nhận xét tuyệt vời nếu mua được xe với giá tốt. Vậy là chúng tôi tìm thấy một tình huống cả hai cùng thắng. Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được hoặc tưởng tượng ra rằng lợi ích của chúng tôi lại phù hợp với nhau nếu tôi không dành thời gian để khám phá chúng.

Tin tốt lành ở đây là bạn có cơ hội để thương lượng mỗi ngày, vì vậy bạn rất dễ thực hành kỹ năng đàm phán. Sau đây là một câu chuyện minh họa rằng các cuộc đàm phán có thể xảy ra bất cứ nơi đâu. Vài năm trước tôi đến Bắc Kinh để tham dự một cuộc hội thảo. Đồng nghiệp của tôi, Ed Rubesch, đã gặp gỡ một số sinh viên trường Đại học Thammasat ở Thái Lan, những người đã lập kế hoạch cho một chuyến đi đến Vạn Lý Trường Thành lúc bình minh. Ý tưởng có vẻ tuyệt vời, và tôi cũng bắt đầu chú ý tìm cách nào đó để đi xem Vạn Lý Trường Thành lúc mặt trời mọc. Tôi từng nghĩ một chuyến đi như thế rất dễ dàng sắp xếp, nhưng không may vì một số lý do nó trở nên gần như bất khả thi. Tôi bắt đầu hỏi người trực khách sạn, sau đó tôi hỏi một giáo sư địa phương, và sau đó là những tài xế taxi gần khách sạn tôi ở. Không ai có thể giúp tôi. Vấn đề là tôi đã nêu ý tưởng này ra với các đồng nghiệp khác, và có nhiều người cũng muốn tham gia chuyến đi. Chúng tôi đã nhất trí hẹn gặp ở hành lang của khách sạn lúc 3 giờ sáng để chuẩn bị, và chuyến đi có thực hiện được hay không là tùy ở tôi. Tôi không muốn làm cho họ thất vọng, nhưng tôi chẳng biết phải làm thế nào vì tôi đã sử dụng tất cả các giải pháp rõ ràng nhất.

Bên kia đường, đối diện với khách sạn của tôi là một trường dạy tiếng Anh, và tôi nghĩ rằng ít nhất mình sẽ tìm được một ai đó có thể nói chuyện. Nhân viên tiếp tân gợi ý tôi nói chuyện với một học sinh mười bảy tuổi ở hành lang. Tôi giới thiệu bản thân và ngồi xuống nói chuyện với cậu ta. Mục tiêu của tôi là thương lượng với cậu để cậu giúp tôi đạt được dự định của mình. Sau một lúc, tôi biết được rằng cậu là một học sinh có thành tích xuất sắc, một nhạc sĩ, một vận động viên, và đang trong thời gian nộp đơn vào học đại học. Eureka! Tôi đã tìm ra cách để giúp cậu ta. Tôi bảo cậu rằng nếu cậu giúp tôi đến được Vạn Lý Trường Thành lúc bình minh thì sau đó tôi sẽ viết một lá thư giới thiệu cậu vào trường đại học. Xem ra đề nghị đó thật sự tốt đối với anh bạn này. Sau một vài giờ cậu ta đã giải quyết được vấn đề của tôi, và tôi thật sự rất hài lòng khi viết một lá thư tiến cử mô tả những sáng kiến, óc sáng tạo và sự hào phóng của cậu. Chúng tôi đã cùng nhau tạo ra một tình huống cả hai cùng thắng.

Stan Christensen, giảng viên để đàm phán tại Stanford, đã xây dựng được sự nghiệp của mình xung quanh việc chắt lọc những điều có giá trị nhất từ đàm phán.[35] Ông thấy rằng hầu hết mọi người đã bỏ sót lại nhiều giá trị trên bàn đàm phán, vì họ đã đưa ra các giả định không chính xác. Stan đề nghị hãy tìm kiếm những điều gây ngạc nhiên khi bạn đàm phán, bởi vì những điều này cho thấy bạn đang có những giả định sai. Ông cũng khuyên nên chọn cách tiếp cận khi đàm phán dựa trên những mối quan tâm và phong cách của người mà bạn đang đàm phán, chứ không phải dựa trên lợi ích của riêng bạn. Đừng bước vào một cuộc đàm phán với một kế hoạch cố định, thay vào đó hãy lắng nghe những gì bên kia nói và tìm ra động cơ của họ. Làm như vậy sẽ giúp bạn tạo ra một kết quả tích cực cho cả hai bên.

Làm cha mẹ là một vai trò trao cho chúng ta vô vàn những cơ hội để trau dồi kỹ năng thương lượng. Ví dụ, cách đây vài năm Josh muốn mua một chiếc xe đạp mới. Nó thích đua đường trường và “cần” một chiếc xe đạp phù hợp. Nó đến gặp Mike và tôi rồi nói: “Con đã nghiên cứu rất nhiều và tìm thấy chiếc xe đạp hoàn hảo cho mình. Nó thực sự quan trọng với con.” Chúng tôi đáp: “Tốt thôi… Nhưng ba mẹ không thể nào chi tiêu nhiều tiền như vậy cho một chiếc xe đạp. Ba mẹ chỉ sẵn sàng chi một nửa số tiền đó thôi. Tuy nhiên con có thể tìm thấy một cách nào đó làm cho việc mua chiếc xe hấp dẫn hơn với ba mẹ không?” Tôi thúc giục Josh nghĩ về những điều nó có thể làm cho vợ chồng tôi, những điều đáng giá bằng chiếc xe đạp. Josh có thể làm gì để khiến cho cuộc sống của chúng tôi dễ chịu hơn nhỉ?

Nó suy nghĩ trong một vài ngày và đã trở lại với một kế hoạch. Nó đề nghị tự giặt giũ hoàn toàn, đi chợ mua thực phẩm và nấu bữa tối cho gia đình ba đêm một tuần. Mike và tôi đã suy nghĩ về điều này và quyết định đó là một thỏa thuận hay. Bằng việc tự giặt đồ cho mình và làm bữa ăn tối, Josh đã tiết kiệm rất nhiều thời gian cho chúng tôi, và nó sẽ học được một số kỹ năng quan trọng. Chúng tôi đồng ý với thỏa thuạn. Josh có được chiếc xe và nhận những trách nhiệm mới của mình một cách nghiêm túc. Giống như tất cả các phụ huynh, chúng tôi đã có nhiều cơ hội khác để đàm phán về những “thỏa thuận” trong tương lai, và chúng đã cho thấy rằng kết quả quan trọng nhất của bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng đều nhằm đi đến được những thương lượng tiếp theo. Thỏa thuận đầu tiên chỉ là khởi đầu. Nếu thỏa thuận đầu tiên là công bằng và cân xứng, cả hai bên đều thực hiện đúng cam kết của mình, thì sau đó rất có thể việc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra trôi chảy hơn. Như tôi đã đề cập rất nhiều lần, chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới rất nhỏ, nơi những sự việc xảy ra lặp lại là chuyện thường tình.

Trong một số trường hợp không thể có giải pháp cả hai cùng thắng, và nếu thế thì tốt hơn hết là nên từ bỏ. Stan đưa ra cho sinh viên một tình huống liên quan đến một hợp đồng bất động sản nhằm chứng minh điểm này. Khi bạn phát hiện ra lợi ích của các bên và thấy khá rõ rằng chẳng có sự giao nhau giữa các mục tiêu của họ, thì từ bỏ là sự lựa chọn tốt nhất. Mặc dù vậy, hầu hết sinh viên đều cố gắng có được một thỏa thận ngay cả khi nó bất tối ưu cho cả hai bên. Nhiều người trong chúng ta vẫn giữ giả định sai lầm rằng bất kỳ sự thỏa thuận nào cũng đều tốt hơn so với việc từ bỏ. Điều này chắc chắn không phải luôn luôn đúng, và từ bỏ một thỏa thuận phải luôn luôn được xem là một lựa chọn khả thi.

Cách tốt nhất để biết liệu bạn có nên từ bỏ một thỏa thuận hay không là hiểu các lựa chọn khác của bạn, để bạn có thể so sánh chính xác với trường hợp hiện tại. Trong biệt ngữ đàm phán nó được gọi là một BATNA (Giải pháp thay thế tốt nhất cho một vấn đề cần thương lượng.)[36] Bạn luôn phải biết BATNA của mình khi bắt đầu đàm phán. Stan sử dụng một trường hợp nghiên cứu liên quan đến Disney và một nhóm các nhà môi trường để minh họa điểm này. Disney muốn xây dựng một công viên mới và các nhà môi trường thì phản đối. Họ thảo luận xung quanh vấn đề Disney có thể làm những gì để bảo vệ môi trường trong khi vẫn có thể xây công viên. Hai bên không thể đạt được thỏa thuận, và đàm phán thất bại. Kết quả là gì? Công viên mới không được xây. Tuy nhiên, ngay sau đó, đất được bán cho một nhà quy hoạch để xây nhà ở, và tác hại của khu nhà này còn tồi tệ hơn nhiều so với công viên của Disney nếu nó được cất lên. Giá mà các nhà môi trường xem xét đến BATNA thì họ sẽ nhận ra rằng việc có được một thỏa thuận với Disney mới là kết quả tốt hơn cho họ.

Nói chung, để thương lượng một cách hiệu quả, bạn cần hiểu được mục tiêu của riêng bạn cũng như các mục tiêu của bên kia, cố gắng đến với một kết quả hai bên cùng thắng, và biết khi nào nên từ bỏ. Chúng nghe có vẻ đơn giản, nhưng phải mất rất nhiều nỗ lực để hoàn thiện những kỹ năng này và để đảm bảo rằng cả hai bên đều hài lòng.

Một kỹ năng cũng rất có giá trị là nghệ thuật giúp đỡ người khác. Khi còn học ở trường đại học tôi thường nói chuyện với cha mẹ tôi một tuần một lần. Vào cuối mỗi cuộc gọi mẹ tôi thường hỏi: “Mẹ có thể giúp gì cho con không?” Sự hào phóng này đã gây ấn tượng lớn với tôi. Trong hầu hết các trường hợp thì mẹ không cần phải làm gì để giúp tôi, nhưng tôi thấy vui khi biết rằng mẹ luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu tôi cần. Khi lớn hơn, tôi đã nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có thể làm điều này cho bạn bè, gia đình, và đồng nghiệp. Khi bạn hỏi những người khác rằng bạn có thể giúp đỡ họ được không, họ sẽ luôn vui với lời đề nghị của bạn. Chỉ một số ít trường hợp sẽ thực sự chấp nhận lời đề nghị của bạn, và những thứ họ yêu cầu thường khiêm tốn. Rất hiếm khi ai đó đáp lại bằng cách yêu cầu một điều mà bạn không thể hoặc không muốn làm. Ngay cả khi bạn không làm được, họ cũng rất biết ơn vì bạn đã đề nghị giúp đỡ và khéo léo chấp nhận thực tế là bạn không thể giúp được họ việc đó.

Tôi đề nghị đôi khi bạn nên thử cách này, nếu bạn đã không làm điều đó thường xuyên. Nhưng bạn phải chân thành sẵn sàng giúp đỡ nếu lời đề nghị của bạn được chấp nhận. Như Guy Kawasaki nói: “Bạn nên luôn luôn cố gắng là một ‘người tử tế’.” Một người tử tế giúp cả những người có thể không trả ơn họ. Tất nhiên, thật dễ dàng rộng lượng với một người nào đó mà bạn nghĩ rằng sẽ có thể giúp bạn trở lại; nhưng làm một người tử tế có nghĩa là phải giúp đỡ người khác ngay cả khi bạn khá chắc chắn họ không thể giúp bạn. Bạn có thể gọi nó là ‘nghiệp chướng’ cũng được, nhưng những người hào phóng và rộng lượng là những người mà người khác muốn giúp đỡ lại.”[37]

Tôi còn nhớ rất rõ những lần tôi chẳng biết thực hiện điều này như thế nào. Khi tôi là sinh viên năm thứ nhất ở đại học, một bạn trong lớp tôi bị khuyết tật nên anh phải sử dụng nạng để đi. Một ngày nọ anh bị trượt trên một đoạn đường dốc đến lớp và ngã xuống đất. Khi anh đang cố gắng đứng dậy thì tôi không biết phải làm gì. Tôi cảm thấy không thoải mái nếu đi ngang qua mà không giúp đỡ, nhưng tôi sợ rằng nếu tôi đến giúp anh sẽ làm cho anh xấu hổ vì đã khiến cho mọi người chú ý đến khuyết tật của anh. Tôi cũng cảm thấy như vậy khi một bạn cùng lớp mất mẹ sau một căn bệnh kéo dài. Tôi không biết phải an ủi thế nào vì sợ mình sẽ nói ra điều gì đó sai, và cuối cùng chọn cách không nói gì cả. Nhiều năm sau, khi đang chạy trong khuôn viên trường Stanford, tôi bị ngã vào bùn vì cơn mưa ngày hôm trước. Tôi ngồi trên lề đường với những giọt nước mắt chảy dài trên mặt, bị thâm tím, bị đau, và dính đầy bùn. Có ít nhất một chục người đi ngang qua, và chẳng ai hỏi liệu tôi có cần bất cứ điều gì hay không. Tại thời điểm đó tôi mới biết chính xác những gì mình cần phải nói với người bạn bị ngã ngày trước và với người bạn cùng lớp đã bị mất mẹ. Tất cả những gì tôi cần là một ai đó hỏi: “Bạn có sao không? Có điều gì tôi giúp được cho bạn không?” Bây giờ dường như nó nghe rất đơn giản, nhưng vấn đề là tôi đã phải tốn nhiều năm mới nhận ra.

Bài học này hữu ích khi giao dịch với người lạ cũng như khi chúng ta làm việc trong nhóm. Thật không may, hầu hết chúng ta đều dành rất nhiều thời gian cho các tình huống mà chúng ta được khuyến khích dành chiến thắng khi người khác thua cuộc, nên thật khó để thực hành việc giúp đỡ người khác. Tôi còn nhớ tuần đầu tiên ở đại học, khi tôi nhờ một cô bạn trong ký túc xá giúp làm một bài tích phân, ngay lập tức cô ấy nói: “Nếu tôi giúp cậu thì cậu sẽ làm tốt hơn tôi, và cậu sẽ được nhận vào trường y còn tôi thì không.” Tôi không phóng đại chút nào. Cô ấy đã không sẵn lòng giúp tôi bởi vì bốn năm nữa chúng tôi có thể sẽ cạnh tranh nhau. Nhiều năm sau, tôi lại nghe con trai của tôi than thở rằng tất cả các lớp học của nó đều được đánh giá theo một đường cong với chóp nhọn. Điều này có nghĩa rằng ngoài việc tập trung nghiên cứu tài liệu cho một kỳ thi, nó và các bạn cùng lớp còn phải suy tính xem mình sẽ làm bài như thế nào để so kè với nhau. Đây là một điều khiến cho việc giúp đỡ lẫn nhau thật khó thực hiện.

Sau nhiều năm làm việc trong môi trường như vậy, tôi chẳng biết làm thế nào để trở thành một đồng đội tốt khi làm việc nhóm. Tôi phải mất một thời gian dài để nhận ra rằng tư duy cạnh tranh này, nơi bạn giành chiến thắng khi một người nào đó phải thua cuộc, là hoàn toàn phản tác dụng. Hầu như tất cả mọi thứ trong cuộc sống đều được thực hiện theo nhóm, và những người không biết làm thế nào để khiến cho những người khác thành công đều đang ở một thế rất bất lợi. Những đồng đội tốt nhất thường cố gắng hết mức để làm cho những người khác đạt kết quả cao. Trên thực tế, khi bạn đạt được vị trí càng cao trong một tổ chức thì đóng góp cá nhân của bạn càng trở nên ít quan trọng hơn. Thay vào đó, công việc của bạn trở thành lãnh đạo, tạo cảm hứng, và tạo động lực cho những người khác làm việc. Giờ đây hầu hết công việc của bạn được thực hiện bởi các đồng nghiệp có nhiệm vụ triển khai ý tưởng của bạn. Do đó nếu bạn không thể làm việc tốt với những người khác thì khả năng quản trị của bạn sẽ thui chột dần. Những người đồng đội thành công hiểu những gì thúc đẩy mỗi người trong nhóm làm việc và tìm cách để làm cho họ thành công. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo vĩ đại sẽ tìm ra cách để tất cả mọi người được phát huy thế mạnh riêng của mình.

Tôi đã từng làm việc với những đội mà trong đó tất cả mọi người cảm thấy như thể mình đang làm những công việc “dễ dàng”. Nếu bạn suy nghĩ về nó, bạn sẽ thấy đó là một môi trường làm việc hoàn hảo. Mỗi người đều làm những gì mình giỏi nhất, và đánh giá rất cao những gì mà người khác trong đội mang đến cho công việc chung. Mỗi người đều có một công việc vận dụng được hoàn hảo các kỹ năng và sở thích của mình. Mỗi người đều cảm thấy phấn khích về những đóng góp của mình, và ăn mừng sự đóng góp của người khác. Cách nói “hãy vẽ luôn hồng tâm quanh mũi tên” là một tóm tắt tuyệt vời cho quan điểm này. Lần đầu tiên tôi nghe câu này là từ đồng nghiệp Forrest Glick. Đây là một câu thần chú trong nhóm của ông khi ông làm việc tại Đại học Harvard. Ý nghĩa ở đây là bạn nên chọn người tài năng nhất bạn có thể làm được – mũi tên – và sau đó xây dựng công việc – hồng tâm – xung quanh những gì người đó làm tốt nhất. Nếu bạn tạo điều kiện cho những người thực sự tài năng làm những gì họ giỏi nhất, khi đó kết quả thu được sẽ rất tuyệt vời. Họ được mãn nguyện và do đó họ sẽ làm việc hiệu quả hơn so với khi họ phải làm điều gì đó không phù hợp với tài năng hoặc sở thích của bản thân. Điểm mấu chốt ở đây là xây dựng được một nhóm làm việc gồm những người có kỹ năng bổ sung cho nhau.

Là một ứng viên xin việc làm, mục tiêu của bạn là tìm hiểu xem liệu công việc bạn đang khám phá có phù hợp với bạn không. Nghĩa là bạn có phải mũi tên phù hợp cho hồng tâm hay không? Thông thường, chúng ta chỉ tập trung vào việc nhận được công việc thay vì tìm hiểu xem công việc có thực sự phù hợp với kỹ năng và sở thích của mình, và quan trọng hơn là chúng ta có thể làm việc với những người khác trong nhóm hay không. Một cách để nhận ra điều này là hãy cung cấp thông tin về các chủ đề ngoài công việc, và hình thức hay nhất là viết về các sở thích và mối quan tâm của bạn ở dưới cùng trong hồ sơ xin việc. Nó sẽ gây chú ý cho người phỏng vấn bạn và là một cách dễ dàng để phát hiện ra những sở thích chung. Tôi đã chứng kiến điều này nhiều lần. Đó có thể là một sở thích chung về ẩm thực Ấn Độ, trí tò mò về bộ sưu tập gỗ hóa thạch, cùng tham gia một hội hoặc câu lạc bộ, hoặc đã cùng thi đấu trong một môn thể thao ở trường học. Những điều đáng lưu ý đó sẽ thu hút người phỏng vấn của bạn, và bạn hiện diện như một con người hơn là một tập hợp các kinh nghiệm làm việc. Và đó cũng là một cách tuyệt vời để tìm hiểu thêm về người phỏng vấn bạn.

Có một cái bẫy lớn mà những người khôn ngoan thường rơi vào: họ hợp lý hóa việc làm những điều “khôn” so với làm điều “đúng.” Randy Komisar, tác giả của The Monk and the Riddle, nhấn mạnh rằng khai khái niệm này thường bị nhầm lẫn với nhau. Người khôn ngoan thường phân tích quá mức một vấn đề, đến với một giải pháp mà họ nghĩ là đạt được lợi ích tốt nhất cho mình (sự lựa chọn khôn ngoan), nhưng đó không phải là điều cần làm. Ông kể một câu chuyện cá nhân để minh họa điểm này. Randy thuê một nhà thầu xây dựng căn nhà của ông. Nhà thầu làm việc rất tồi tệ nên sau đó còn rất nhiều công việc tiếp theo cần phải thực hiện để sửa chữa những sai lầm. Một thời gian sau khi dự án hoàn thành, nhà thầu gọi cho Randy và nói với ông rằng ông chưa thanh toán cho hóa đơn cuối cùng. Randy biết nhà thầu làm việc rất vô tổ chức nên ông khá chắc chắn rằng nhà thầu sẽ không bao giờ có thể chứng minh điều đó dù bằng cách nào đi nữa. Tuy nhiên khi kiểm tra lại trên hồ sơ của mình, Randy thấy rằng thực sự ông vẫn chưa thanh toán hóa đơn. Sẽ chẳng khó khăn gì nếu Randy làm động tác đặt nghi vấn về sổ sách kế toán của nhà thầu và biện minh cho việc không thanh toán hóa đơn. Thế nhưng bất chấp sự thất vọng của ông với hiệu quả công việc của nhà thầu, Randy biết rằng ông còn nợ tiền họ. Vậy nên ông viết một tấm séc, và tin rằng mình đã làm đúng.

Khi tôi nghĩ về làm điều đúng thay vì làm điều khôn ngoan, tôi lại nhớ về một vụ án mà tôi là thành viên ban hội thẩm. Đó là một vụ đuổi việc sai trái, khi một phụ nữ cáo buộc chủ đã sa thải cô mà không có nguyên nhân nào chỉ vài ngày trước khi cô được phép bán số cổ phiếu cá nhân của mình. Vụ kiện này kéo dài đến mười tuần, và tôi đã có rất nhiều thời gian để suy nghĩ về kết quả “đúng”. Luật pháp nghiêng về phía chủ lao động, vì nguyên đơn là một nhân viên có thể bị sai thải bất cứ lúc nào, nhưng không rõ liệu rằng chủ lao động có làm điều “đúng” khi xét đến thời điểm sa thải cô hay không. Ban bồi thẩm đoàn đã cân nhắc nhiều ngày. Khi hồi tưởng lại, quả thật việc thảo luận rất khó khăn vì chúng tôi đều bị dằn xé giữa thế nào là quyết định đúng và quyết định khôn ngoan. Cuối cùng, chúng tôi đã xét xử theo quyền lợi của nguyên đơn, nhưng chỉ trao cho cô một phần bồi thường ít hơn nhiều so với những gì cô yêu cầu. Sau này tôi được biết có kháng cáo và một phiên tòa khác đã diễn ra sau đó.

Cả hai câu chuyện trên đều làm nổi bật thực tế rằng có sự khác biệt đáng kể giữa việc làm đúng và việc hợp lý luôn luôn ảnh hưởng đến cách người khác nhìn nhận bạn, và như đã nói vô số lần trước, bạn có thể sẽ tình cờ gặp lại những người này. Nếu không có gì khác xảy ra, rất có khả năng họ sẽ nhớ cách bạn đã xử lý những tình huống trong quá khứ như thế nào.

Một trong những điều lớn nhất mà người ta làm để có được con đường riêng của mình là nhận lấy quá nhiều trách nhiệm. Điều này cuối cùng dẫn đến sự thất vọng khắp nơi. Cuộc sống là một bữa tiệc buffet rất hấp dẫn với những chiếc dĩa chứa nhiều điều thú vị cso thể xảy ra, nhưng nếu đưa quá nhiều thứ lên đĩa của bạn thì chỉ dẫn đến chứng khó tiêu mà thôi. Cũng không giống như một bữa buffet thật, cùng một thời điểm. Một cách tiếp cận khác là hãy chọn ba ưu tiên vào bất kỳ lúc nào, và biết rằng những điều này sẽ thay đổi khi cuộc sống của bạn thay đổi. Quan điểm này không phải mới. Trong thực tế, lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ và các lực lượng quân sự khác đều sử dụng “Quy luật Ba” như một nguyên tắc chung. Qua nhiều năm thử nghiệm và học hỏi từ những sai lầm, họ thấy rằng hầu hết mọi người đều chỉ có thể làm ba việc cùng một lúc. Kết quả là toàn bộ hệ thống quân đội được thiết kế để phản ánh điều này. Một tiểu đội trưởng phụ trách ba nhóm trưởng hỏa lực, một trung đội trưởng phụ trách ba tiểu đội trưởng, và mỗi đại đội bao gồm ba trung đội. Khi quân đội thử nghiệm một “Quy luật Bốn” thì hiệu quả giảm đi nhanh chóng.

Việc hạn chế mình chỉ có ba ưu tiên chính có thể làm bạn cảm thấy bực bội. Tuy nhiên, bạn có thể tránh được “sự khó chịu của từ ‘Hay’” (phải lựa chọn giữa cái này Hay cái kia). Trên thực tế có một số thứ phải được thực hiện theo trình tự. Ví dụ, khi bạn mới làm cha làm mẹ thì phải để cho những ưu tiên khác giảm đi. Và khi bạn đối mặt với một nhiệm vụ sắp đến thời hạn chót thì tất cả mọi thứ khác trở thành không quan trọng lúc đó nữa. Tuy nhiên, có nhiều cách để đáp ứng nhiều hơn chỉ một ước muốn tại một thời điểm. Ví dụ, nếu bạn thích nấu ăn và muốn dành nhiều thời gian với bạn bè, bạn có thể thành lập một câu lạc bộ nấu ăn. Cách đây vài năm tôi có gặp vài phụ nữ thành lập một nhóm có tên gọi “Chop and Chat” (Nấu ăn và Tán gẫu). Chủ nhật nào sáu người phụ nữ trong nhóm cũng cùng nhau nấu ăn tại nhà của một thành viên, mỗi thành viên mang đến các nguyên liệu để làm một món ăn khác nhau và sau đó nó được chia thành sáu phần lớn. Vì thế mỗi tuần các thành viên đều mang về nhà sáu món ăn chính khác nhau. “Chop and Chat” là một cách sáng tạo cho những người phụ nữ cùng nấu ăn, giao lưu xã hội, và chuẩn bị bữa ăn cho gia đình họ.

Bạn cũng có thể tìm ra những cách thức sáng tạo để kết hợp công việc của bạn và các hoạt động khác mà bạn đam mê. Hãy lấy ví dụ về trường hợp của nhà đầu tư Fern Mandelbaum. Bạn sẽ cho rằng những cuộc gặp gỡ với Fern sẽ diễn ra tại văn phòng của cô. Nhưng Fern cũng là một vận động viên tràn đầy nhiệt huyết, vì vậy khi bạn muốn thảo luận về một thương vụ kinh doanh mới, hãy chuẩn bị để tham gia một cuộc đi bộ đường dài với cô ấy.

Những người biết Fern đều quen thuộc với việc mang giày đi bộ và mang theo một chai nước cho cuộc gặp gỡ. Cô thấy rằng chiến lược này là một cách tuyệt vời để vừa làm quen được với mỗi doanh nhân, vừa nhận được không khí trong lành và tập thể dục. Ngoài ra, hãy xem trường hợp của Linda Gass, một nghệ sĩ chuyên vẽ lụa trên từng đoạt giải thưởng. Bên cạnh sự nghiệp họa sĩ, cô cũng là một người hoạt động môi trường năng nổ. Trong nhiều năm cô đã tìm cách kết hợp các mối quan tâm của mình thông qua việc sử dụng các tác phẩm nghệ thuật để truyền đạt những vấn đề quan trọng về môi trường.[38]

Tóm lại, với một chút luyện tập người ta rất dễ dàng tránh chướng ngại vật và các ổ gà mà họ thường đặt ra trên con đường riêng của mình. Một trong những cách tốt nhất là luôn luôn thể hiện sự biết ơn cao độ với những người giúp bạn. Hãy giữ một chồng thiếp cảm ơn trên bàn của bạn và sử dụng chúng thường xuyên. Bên cạnh đó, dưdfng bao giờ quên rằng thế giới rất nhỏ và có rất nhiều khả năng bạn sẽ tình cờ gặp lại cùng một người rất nhiều lần. Hãy bảo vệ và nâng cao danh tiếng bản thân – đó là tài sản có giá trị nhất của bạn và cần được bảo vệ tốt. Hãy học cách xin lỗi với một câu đơn giản. “Tôi xin lỗi.” Hãy ghi nhớ rằng tất cả mọi thứ đều có thể thương lượng và tìm hướng đi đến một kết quả mà trong đó tất cả các bên đều giành chiến thắng. Hãy cố gắng tìm hiểu thế mạnh của người khác, và bảo đảm rằng họ đang được làm những gì họ giỏi nhất. Và hãy làm điều đúng, hơn là những điều khôn ngoan, để bạn sẽ tự hào khi kể về câu chuyện của mình sau này. Cuối cùng, đừng nên ôm đồm quá nhiều việc, khi đó bạn sẽ ít gây thất vọng cho cả bản thân và những người tin cậy bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.