Ngày xưa có một con bò
6. KHÔNG NÊN NHẬN BẤT CỨ CON BÒ NÀO NGƯỜI TA TẶNG CHO MÌNH!
Tôi luôn luôn nhận thức được vấn đề của tôi là hay hoãn lại những việc mà tôi không biết nên bắt đầu như thế nào hoặc làm sao lôi mình ra khỏi khu vực yên ổn của bản thân. Khi đó tôi có khuynh hướng làm nhiều việc khác và cho rằng do mình đang quá tất bật. Cách này tỏ ra hiệu quả vì tôi đã cứu tôi khỏi bị thất bại trong những việc mới mẻ. Ngay cả khi tôi bắt đầu một công trình mới, tôi cũng sẽ quay lại với những gì tôi rất quen thuộc, thay vì nỗ lực để đạt được những mục tiêu mới. Tôi đã hằng mong muốn tìm việc khác, một công việc nào đó có thể tối ưu hóa sự cân bằng cuộc sống và sự phát triển tiềm lực của tôi. Nhưng tôi luôn lấy cớ không có thời gian để giải thích cho việc không tiến hành tìm việc như mong muốn. Tôi thậm chí còn tự lừa dối mình và bắt mình phải tin rằng công việc hiện tại rất ổn định. Ngày xưa có một con bò… đã giúp tôi củng cố lại lập trường, đi tìm công việc tạo cho tôi cảm giác khác biệt và có thể phát huy hết khả năng của bản thân. Câu chuyện này đã giúp tôi nhận ra rằng tôi chính là nhân tố hạn chế mình, và tôi cần phải xem xét lại sự thiếu tự tin cùng những kỳ vọng thấp của tôi nếu muốn làm nên chuyện lớn và đạt được hạnh phúc trong cuộc đời.
Vanessa, Cheektowaga, New York
Có lẽ bạn đã từng nghe một câu nói kinh điển – “Không nên xem răng con ngựa người ta tặng cho mình.” Chúng ta thường dùng câu châm ngôn này để nhấn mạnh việc bạn không nên tỏ ra vô ơn với thứ gì người ta cho mình, bất kể nó là gì.
Nếu bạn chưa nghe câu châm ngôn này bao giờ, để tôi nói thêm cho bạn hiểu. Nếu bạn được tặng một con ngựa, bằng cách nhìn vào hàm răng của nó, bạn có thể biết được nó bao nhiêu tuổi, và có thể ước lượng giá trị của nó. Điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được khi bạn muốn mua một con ngựa, nhưng sẽ rất bất lịch sự nếu bạn kiểm tra con ngựa bạn được tặng, có lẽ bạn cũng nhận thấy như vậy. Dù sao đó là một món quà.
Thật kỳ cục, tôi luôn cho rằng đây là một trong những thủ phạm quan trọng nhất tạo ra các con bò ở mọi thời đại. Tôi cho rằng bạn không nên kiểm tra răng của con ngựa tặng phẩm mà còn có thể gửi trả lại nếu bạn không thích nhận nó. Nói cách khác, bạn nên biết rõ về con ngựa mà người ta tặng cho mình… Nó có thể là một con bò!
Để tôi giải thích cho bạn hiểu. Người ta thích tặng gì cho người khác nhất? Bạn có một phút để trả lời.
Nếu bạn nói đó là lời khuyên, bạn thắng rồi! Chúng ta thích ban phát lời khuyên, đặc biệt là khi không được khi không được yêu cầu. Nếu bạn không tin, khi nào gặp gỡ bạn bè, hãy chia sẻ với họ về kế hoạch đầu tư mới của bạn và sau đố xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu bạn kể với sáu người, bạn sẽ có thể nhận được sáu ý kiến khác nhau toàn là những lời khuyên bảo và khuyến cáo mang tính cá nhân.
Hiển nhiên, tất cả những lời khuyên này đều xuất phát từ sự mong muốn điều tốt cho bạn. Đây là cách mà bạn bè muốn chứng tỏ với bạn là họ thật lòng và quan tâm đến bạn. Làm sao bạn có thể từ chối những lời nói cực kỳ khôn ngoan này?
Cho nên bạn phải tỏ ra lịch sự. Bạn lắng nghe họ. Có thể những lời khuyên này và chủ nhân của nó chẳng biết đầu cua tai nheo, chẳng hay ho, và cũng chẳng ích lợi gì cho bạn, bạn vẫn phải làm tròn trách nhiệm của một người bạn lịch sự và vờ như bạn đang rất thích thú với những quan điểm, phản hồi, những lời phê bình tích cực.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận. Một lúc nào đó trong cuộc nói chuyện, một vài ý kiến vớ vẩn này nghe có lý ; khi đó bạn sẽ cảm thấy bối rối, và bạn bắt đầu nghi ngờ khả năng của chính mình. Ba mươi phút sau khi những người bạn, những người quen, hay những người hoàn toàn xa lạ đi khỏi, kế hoạch được đặt ra để thành công của bạn trở thành một mớ bòng bong trong con mát của chính bạn.
Nửa tiếng trước đây, bạn đã chắc chắn như thế nào về tiềm năng thành công của mình, thì giờ đây, bạn không thể gạt bỏ khỏi đầu những tiên đoán bi quan và những kỳ vọng thấp từ những người bạn kia. Bạn càng muốn quên chúng đi, chúng lại càng trở nên rõ nét hơn. Bây giờ bạn có đến sáu con bò mới đang nhai cỏ trong óc bạn, nơi mà trước đây chúng không hề tồn tại.
Mới đây thôi, một chuyện tương tự như vậy cũng đã xảy ra với tôi. Dĩ nhiên tôi không phải là người dễ dàng nhận quà tặng mà không kiểm tra nguồn gốc của nó. Lần đó, tôi đang nói về một dự án mói mà tôi sắp triển khai thi một người quen đột nhiên ngắt lời tôi và nói: “Camilo này, tôi cho anh vài lời khuyên miễn phí nhé”.
Tôi chặn lại: “Khoan đã! Trước khi anh nói ra, để tôi hỏi anh vài câu đã nhé”.
Anh ta khựng lại trước phản ứng quá nhanh của tôi và đáp: “OK, anh nói đi”.
Tôi nói tiếp: “Anh đã thật sự có kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề mà anh sắp sửa cho ý kiến không? Nếu có, đó có phải là kinh nghiệm thành công không?
Anh có cho rằng minh đủ trình độ để cho một lời khuyên lão luyện về lĩnh vực này không? Dù sao, những gì anh sắp nói ra.
Có thể có ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn và triển vọng của tôi đối với dự án này, và tôi không cần nói thì anh cũng hiểu những công trình này quan trọng như thế nào đối với tôi. Do đó, anh có còn chắc chắn tuyệt đối về món quà quý giá anh sắp giành cho tôi không?”
Sau khi suy nghĩ khoảng một phút, anh ta trả lời: “Thôi quên chuyện đó đi!” Có lẽ bạn đang nghĩ rằng tôi thật bất lịch sự vì đã không để cho anh ta nói. Thực ra thì tôi có thể tỏ ra lịch sự bằng cách lắng nghe anh ta, sau đó quên nó đi là xong. Nhưng tôi không muốn mạo hiểm để đầu óc tiếp xúc với những ý tưởng trái chiều và kỳ vọng của người khác. Bạn cũng biết khi một ý tưởng nào đó cắm rễ trong đầu bạn rồi bạn sẽ trở thành nô lệ của nó. Và nếu tình cờ nó là một ý tưởng tồi mà bạn lại cho phép nó xâm nhập vào đầu, trú ẩn trong đó, và lớn lên, thì nó có cơ hội làm thay đổi quan điểm, kỳ vọng và niềm tin của bạn về khả năng của chính mình.
Bạn nên biết rằng một số rất lớn những con bò buộc chặt cuộc đời chúng ta vào với sự tầm thường – những niềm tin sai lầm và những lời biện bạch của kẻ chủ bại – thực sự là do người khác tặng cho chúng ta. Chúng ta thường tự biến mình thành nạn nhân của những ảnh hưởng tiêu cực từ người khác và cho phép họ cấy những niềm tin sai lầm vào tiềm thức của mình, và rốt cuộc hạn chế sự phát triển thể chất, cảm xúc và trí tuệ của bản thân.
Những ý tưởng này, được cấy vào đầu chúng ta từ bố mẹ các thầy cô giáo, các thành viên gia đình, bạn bè, và thậm chí là những người hoàn toàn xa lạ, có thể có những tác động hủy hoại cuộc sống của chúng ta.
Vượt qua những vấp ngã trong quá khứ
Nếu bạn cho phép những kinh nghiệm thương đau trong quá khứ điều khiển tương lai của mình thì đó quả thật là một thảm họa. Tất nhiên chứng ta cần phải học hỏi từ những lỗi lầm, nhưng chúng ta không bao giờ nên để cho những lần vấp ngã trong quá khứ vĩnh viễn đóng những cánh cửa dẫn đến thành công của mình trong tương lai. Vậy bạn sẽ làm gì nếu sau năm lần thử mà vẫn thất bại? Điều này chỉ có nghĩa rằng bây giờ bạn đã biết không phải ông trời gởi đến bạn một thông điệp bảo bạn hãy từ bỏ cái ý tưởng điên khùng đó đi. Cũng không phải số phận đã đem nó đến cho bạn.
Hãy nhớ rằng thành công là kết quả của những quyết định đúng. Quyết định đúng là kết quả của kinh nghiệm. Và kinh nghiệm thường là kết quả của những quyết định sai. Đó là quá trình. Bây giờ thì bạn đã nắm được bí quyết.
Chúng ta thường hay để quá khứ quyết định tương lai. Và như kết quả phải có của việc lập trình tiêu cực, nhiều người tin rằng họ chỉ là những người bình thường chả có ý nghĩa lớn lao gì đối với cuộc đời.
Sau đây là một bài học quan trọng khác mà tôi đã tiếp thu được: Tương lai của bạn không nhất thiết phải giống quá khứ. Chúng ta ai cũng có khả năng học hỏi và thay đổi lối sống của mình ở bất cứ thời điểm nào. Không ai bị kết án phải sống cuộc sống tầm thường. Nếu trong quá khứ bạn từng thất bại, điều này không có nghĩa là bạn sẽ lại thất bại trong tương lai.
Hãy nhớ rằng bất cứ điều gì được bạn lập trình vào tâm trí sẽ quyết định bạn thành công hay thất bại. Những niềm tin, giá trị, và nhận thức bạn lượm lặt trên đường đời và vận dụng theo sẽ định hình nên số phận của bạn. Buồn thay, hầu hết những cô tú cậu tú khi ra trường đều được lập trình cho sự tầm thường xoàng xĩnh. Tôi biết điều này nghe có vẻ phũ phàng, nhưng đó là sự thật.
Trong cuốn sách, Accelerated Learning for the 21 st Century (Tạm dịch: Nhận thức được tăng tốc cho Thế Kỷ 21) Colin Rose và Malcolm J. Nicholl nêu lên các kết quả của một cuộc nghiên cứu cho thấy rằng 82 phần trăm trẻ em đến trường lúc 5 hoặc 6 tuổi mang theo nhận thức lạc quan về khả năng học tập của mình. Tuy nhiên, tỉ lệ lạc quan tụt giảm mạnh xuống mức trung bình là 18 phần trăm vào trước năm chúng được 16 tuổi.
Thật là khó hiểu khi trong những năm định hình ở trường, lẽ ra chúng ta phải phát hiện và phát triển lòng tự trọng và tiềm năng của mình, thì rất nhiều người tong chúng ta lại gặt hái được điều ngược lại. Hậu quả thanh thiếu niên sau tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ bước vào đại học với cảm giác mình không xứng với môi trường này. Điều tệ hại nhất là từ đó trở về sau, chúng ta thường song hành với khuynh hướng nhất quán chỉ chấp nhận sự tầm thường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Minh chứng cho chuyện này là những lời chúng ta thường nói ra:
– Cuộc hôn nhân của tôi chẳng được hạnh phúc gì lắm, nhưng hôn nhân nào mà chả vậy.
– Tôi muốn đổi nghề, nhưng tôi già quá rồi. Vả lại, trước giờ tôi có làm gì ngoài chuyện này đâu.
– Tôi ghét công việc này – nhưng nhờ trời – ít ra tôi còn có việc để làm.
– Tôi mập khủng khiếp – nhưng đọc báo lúc nào bạn cũng thấy ở nước mình hầu như ai cũng mập cả.
Tất cả những lời lẽ này đều nói lên sự thỏa hiệp với cái tầm thường như một lựa chọn có thể chấp nhận được.
Cuối cùng chúng ta chấp nhận cuộc hôn nhân bế tắc thay vì tìm kiếm một mối quan hệ thật sự tốt đẹp khác. Dù sao, chúng ta vẫn thường nghe người khác nói rằng một cuộc hôn nhân đặc biệt chỉ có thể xuất hiện trong phim ảnh, và nếu bạn có một cuộc hôn nhân như vậy, thì bạn lại mất mát đi thứ gì đó ở các phương diện khác của cuộc sống. Vì vậy nhiều người chấp nhận sống cùng nhau trong một cuộc hôn nhân tầm thường qua năm này tháng nọ vì họ nghĩ rằng mình không thể làm gì khác được.
Và đây là một ví dụ khác. Bạn hãy tưởng tượng lúc bạn còn nhỏ và bố mẹ bạn nói rằng chỉ có người tham lam mới có nhiều tiền và tiền chỉ tổ làm bạn thêm đau đầu. Hãy tưởng tượng bố mẹ bạn dạy rằng điều quan trọng là hãy bằng lòng với những gì mình có, vì hạnh phúc thì tốt hơn là giàu có nhưng phải sống trong đau khổ. Vậy nên, bạn cũng đừng ngạc nhiên khi hôm nay bạn kiểm tra tài khoản ngân hàng được mấy đồng tiền trong đó.
Không còn nghi ngờ gì nữa, việc lặp đi lặp lại đều đặn những lời lẽ tiêu cực sẽ biến những điều này thành chương trình được cài đặt trong não bộ và quyết định đường lối suy nghĩ và hành động của chúng ta. Một lúc nào đó, các hành động của chúng ta trở thành thói quen, và từ từ nhưng chắc chắn, chúng sẽ định hình số phận của ta.
Cho nên, câu hỏi cần đặt ra là: Bạn có định để những con bò này tạo nên số phận cho mình?
Một trong những bài thơ hay nhất của Amado Nervo, một nhà thơ lớn của Mexico, đã thể hiện một sự quan sát tinh tế:
Tạ ơn đời – khi hoàng hôn cuối cùng đang đến
Bởi đời đã không cho ta những hi vọng phỉnh phờ
Một công việc bất minh hay nỗi buồn khổ vu vơ
Bởi ta thấy ở cuối cuộc hành trình
Rằng tự ta đã kiến tạo cuộc đời mình
Rằng nếu ta nếm vị đắng cay hay ngọt ngào từ cuộc sống
Ấy bởi ta gán cho cuộc sống vị ngọt ngào hay đắng họng
Nếu trồng hoa hồng ta sẽ luôn hái những đóa hoa hồng thôi
Thông điệp của Nervo rất giản dị: Nếu bạn gieo những suy nghĩ tiêu cực, bạn sẽ gặt hái thói quen xấu. Và nếu trồng một thói quen xấu, bạn sẽ gặt hái chắc chắn – một số phận bấp bênh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.