Ngày xưa có một con bò
8. CHỈ CÓ MỘT CÁCH ĐỂ GIẾT MỘT CON BÒ
Theo như những gì có thể nhớ được, từ lâu tôi đã tuân theo nguyên tắc “Nếu chuyện đáng làm thì phải làm thật hoàn hảo, còn không thì thôi” Khi đọc thấy điều này trong cuốn sách, tôi không nghĩ nó là một con bò. Thật ra, tôi cũng cảm thấy hơi bực vì nó đã bị lật tẩy là một lời bao biện. Nhưng sau khi đọc thêm, tôi bắt đầu nhận thấy rằng trong nhiều trường hợp, tôi thực sự đã sử dụng lời biện bạch này để bênh vực cho việc mình hành động. Khi chuyển đến sinh sống tại Nhật Bản, và phải đối mặt với một nền văn hóa và ngôn ngữ mới lạ, tôi đã bắt đẩu học ngôn ngữ; tôi có thể nghe và hiểu tiếng Nhật tốt, nhưng tôi vẫn không cảm thấy đã sẵn sàng để nộp đơn cho công việc tôi mong muốn. Không muốn bị từ chối nên tôi lần lữa mãi. Sau đó, tôi muốn thành lập công ty riêng, nhưng lại nghĩ rằng mình nên biết thêm về văn hóa và phương thức kinh doanh trước khi dấn thân vào lĩnh vực này. Kết quả là tôi không bao giờ bắt tay vào việc. Sau khi đọc cuốn sách này ,tôi nhận ra rằng mình đã trở thành nạn nhân của con bò đó. Tôi quyết định chinh phục những nỗi sợ của chính mình và trở thành người tôi muốn.
M., Tokyo, Japan
Trong những buổi gặp gỡ nói chuyện, khi tôi hỏi trong số cử tọa có bao nhiêu người nghi ngờ sâu sắc rằng họ có vài con bò của riêng mình, một số người giơ tay và sẵn lòng thừa nhận sai lầm của họ. Nhiều người gật đầu ý nhị như một cách nhận biết các khó khăn có tồn tại mà không thừa nhận bất cứ sự chỉ trích nào; và hết lần này đến lần khác, một ai đó sẽ nhẹ nhàng – nhưng có ý cáo buộc thúc khủy tay vào hông người bạn không may bên cạnh.
Điều kỳ lạ về những con bò là thật dễ nhận ra chúng trên bãi chăn của ai đó hon là thừa nhận chúng trên đất nhà mình. Nhưng xác định chúng là việc bắt buộc nếu chúng ta muốn từ bỏ chúng.
Đây có thể là phần quan trọng nhất của cuốn sách này. Hãy nhớ rằng nếu bạn không ra tay hành động thì sẽ không có kết quả nào cả. Để giúp bạn làm điều này. Tôi muốn bạn thực hiện 5 bước dưới đây. Có lẽ bạn nên lấy giấy viết ra và tận dụng hết lợi ích của tiến trình này. Những biện pháp này sẽ giúp bạn đạt đến một cuộc sống không có bò.
Dù bạn muốn hay không, các bước dưới đây đều đòi hỏi bạn thực hiện đầy đủ. Những bước này có thể khó, và không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhưng đó là điều cần thiết. Vậy nên hãy thành thật, kiên nhẫn, và quả quyết, và bạn sẽ thấy các kết quả đặc biệt trong chính con người thuần khiết hơn và thảnh thơi hơn của mình, xuất hiện sau toàn bộ tiến trình này.
1. Nhận dạng những con bò của mình.
Bước khởi đầu này có thể cần chút ít thời gian. Nó có phần liên quan đến việc tự phân tích bản thân, trong việc tự nhìn lại mình. Có lẽ đây là một trong những điều khó làm nhất. Khi đối mặt với nhu cầu phải thay đổi, chúng ta thường có xu hướng tự vệ hoặc biện hộ cho tình huống hiện tại của mình để khỏi phải làm gì hết.
Có hai lý do cho việc này. Thứ nhất, như tôi đã nhắc đến nhiều lần, có thể chúng ta có nhiều bò hơn là chúng ta chịu thừa nhận; và thứ hai, một số người không hề biết gì đến số lượng những lời biện hộ, biện bạch, hay bênh vực mà họ sử dụng hàng ngày. Theo phần lớn bản tính của họ là họ không bận tâm về sự hiện diện của những con bò đó. Bạn có nhớ sự suy diễn về con heo? Sự thật là để loại bỏ chúng, trước hết chúng ta phải trải qua bước đau đớn nhận ra rằng chúng ta đang có những con bò.
Trước đây tôi đã nói rằng bò chỉ tồn tại trong tư duy của chúng ta. Tuy nhiên, chúng tự thể hiện mình trong ngôn ngữ, trong thói quen. Và cuối cùng là trong hành vi của chúng ta. Đó là lý do ở bước đầu này, bạn phải đặt bút và viết ra một số những suy nghĩ, lời nói, thói quen, và hành vi phổ biến – những con bò – là một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn.
Trong tuần tiếp theo, bạn nên chú ý cảnh giác bất cứ con bò nào xuất hiện trong đời sống của mình. Hãy nhớ rằng những con bò luôn đội lốt những lời biện bạch, bênh vực, biện hộ, những lời nói dối, những sự phân trần thoái thác, và những lời lẽ khác vốn là một phần trong từ vựng của bạn.
Manh mối đế nhận dạng những con bò của chúng ta là lời nói. Những gì bạn nói ra rất quan trọng. Ngược lại với những gì bạn có thể đã nghe, lời nói không hề rẻ tiền. Lời nói có thể rất đắt và bộc lộ rất nhiều điều. Lời nói của chúng ta rất có uy lực vì chúng ảnh hưởng đến hành vi và tạo nên thói quen.
Có lẽ bạn muốn xem lại những câu nói trong chương 3 để học cách nhận biết những loại bò khác nhau. Hãy dành đủ thời gian để chắc chắn không bỏ sót con bò nào. Các con bò không chết một cách đơn giản, cũng giống như việc bạn vươn lên khỏi mức tầm thường không phải là “chuyện tình cờ xảy ra”. Việc loại bỏ một cách thành công những rào cản trong cuộc đời bạn luôn luôn là kết quả của quá trình tự đánh giá bản thân một cách trung thực đi kèm với hành động thận trọng và có ý thức.
Chẳng hạn khi tôi hỏi mọi người liệu họ đã từng trải qua tình trạng trầm kha của bệnh “tại vì” hay không, họ đều trả lời không. Nhưng nếu tôi yêu cầu họ bỏ ra trọn một ngày để liệt kê những lần họ sử dụng những lời biện bạch cho bất cứ lý do nào, họ rất ngạc nhiên với số lần mà họ bắt gặp chính mình trong quá trình thốt ra một con bò. Vậy nên, xin nhắc lại một lần nữa, hãy chắc chắn bạn thực hiện bước thứ nhất này.
Trước khi bạn đọc tiếp, hãy suy nghĩ nghiêm túc về những lĩnh vực mà bạn không tỏ ra xuất sắc được như mình muốn. Điều gì đã ngăn cản bạn?
Ví dụ như bạn đang không cảm thấy thoái mái với công việc hiện nay của mình. Hãy tự hỏi xem chính xác là điều gì làm bạn không thích. Vì sao lại như vậy? Ai là người có lỗi trong chuyện nàỵ? Bạn có thể làm gì để cải thiện tình hình? Vì sao bạn chưa tiến hành? Bạn có thể đưa ra quyết định gì trong lúc này để làm thay đổi tinh trạng đó? Những câu hỏi này sẽ giúp bạn đối diện với một vài con bò của bản thân. Hãy ghi vào sổ tay.
Bạn có hay nói những câu đại loại như:
– Ước gì tôi có thể lầm việc đó, nhưng…
– Xin lỗi tôi đến trễ, nhưng…
– Giá như…
– Thực ra, vấn đề là…
– Chuyện đó có ích gì nếu…
– Nói thật lòng thì…
Những từ ngữ theo sau những lời nói trên đều chứa đựng những yếu tố cấu thành một con bò thật sự. Hãy viết những câu nói đó ra và quyết định đừng bao giờ dùng đến nó nữa.
Tôi phải cảnh báo nhé: Bước này rất đau lòng. Chẳng ai lại đi thích thú với những khiếm khuyết, yếu điểm của mình. Nhưng hãy đối mặt với nó và loại bỏ nó đi một lần và mãi mãi, hay bạn chịu rủi ro làm nô lệ cho nó suốt cuộc đời còn lại? Đây mói thật sự là một chọn lựa.
2. Hãy xác định niềm tin sai lầm nào đang lẩn trốn sau mỗi con bò.
Những lời biện hộ mà bạn đã nhận ra trong bước trước đó chỉ là những triệu chứng. Bây giờ bạn phải nhìn kỹ hơn danh sách những con bò của mình và chỉ ra các niềm tin hoặc các ý tưởng sai lầm nằm sau mỗi lời biện bạch.
Hãy tự hỏi tại sao chúng xuất hiện trong danh mục “đàn bò” của bạn. Ai đã đưa chúng vào đó? Lần đầu tiên bạn biết chúng là tại đâu? Những niềm tin đó có chính xác không? Chúng có được căn cứ trên kinh nghiệm thực tiễn không? Chứng có hợp lý không, hay chỉ là những nỗi sợ hãi phi lý?
Như tôi đã đề cập, chúng ta đã thu nhặt và mang theo trên người rất nhiều bò trong những năm đầu đi học, thuở thiếu thời, và suốt thời kỳ thanh niên. Và chúng ta đã mang chúng theo mình quá lâu đến nỗi đã thừa nhận chúng như những sự thật hiển nhiên. Dù chúng ta tự nguyện vơ lấy, hay để ai đó gán cho mình, những con bò này đều được ngụy trang dưới các ý tưởng khiến chúng ta toàn tâm toàn ý tin là thật.
Tôi đặc biệt nhớ Ivan, một nhà quản trị trẻ; trong lúc tiến hành bước thứ nhất này anh nhận thấy mình đã phụ thuộc rất nhiều vào lời biện bạch đáng xấu hổ “Tôi bận túi bụi”. Đây là lời đáp trả thông thường nhất của anh đối với bất cứ một đề xuất mới hay một sáng kiến quan trọng nào được đưa đến cho anh. Nghĩ kỹ lại, anh thừa nhận rằng lời nói này của mình ẩn giấu một vấn đề lớn lao hơn nhiều. Lời biện bạch đó thực ra là một sự thoái thác hoàn hảo của anh khi phải đối mặt hoặc phải giải quyết những dự án mới. Những kinh nghiệm trước đây trong cuộc sống của con người trẻ tuổi này đã cấy vào anh một nỗi sợ vô lý về khả năng quản lý của mình hoặc khả năng cáng đáng những dự án tầm cỡ. Đối với những dự án nhỏ thì không sao, nhưng những dự án lớn luôn làm anh sợ hãi. Trong trường hợp của anh, con bò thật sự không phải là việc không có thời gian rảnh, mà là sợ thất bại và sự thiếu tự tin đối với năng lực bản thân.
Ivan đã làm theo tất cả các bước được liệt kê ở đây và đã có thể thoát khỏi thái độ mà anh luôn mang theo bên mình do hậu quả của một số lần thất bại anh phải đối mặt trong quá khứ.
Có phải những lời biện hộ của bạn còn đang che giấu những gì đó nghiêm trọng hơn? Ví dụ, việc bạn thường xuyên trễ hẹn không phải do kẹt xe hay liên quan gì đến mưa nắng mà là kết quả của việc bạn bị lôi cuốn quá mức, mà điều này lại có thể là do bạn chưa có mục tiêu rõ ràng. Bạn thấy đấy, không có một mục tiêu rõ ràng khiến chúng ta không thể tập trung được. Nếu bạn liều lĩnh để đầu óc bị phân tâm, ba phải, hay ôm đồm quá nhiều việc, bạn sẽ luôn luôn bị trễ. Do đó giải pháp cho vấn đề của bạn có thể không phải là đi sớm mười phút đối với các cuộc hẹn của mình, mà là dành thời gian nhận dạng rõ các mục tiêu cá nhân và đặt ưu tiên thực hiện.
Đó là lý do bạn cần phải đào sâu và tìm tòi sự thật ẩn phía sau những con bò của mình. Nếu bạn nhận ra một lời biện hộ, một sự phân trần hay sự khái quát hóa mà bạn thường đưa ra không phản ánh một sự đánh giá đúng của hiện thực, hãy ngay lập tức loại bỏ nó ra khỏi từ vựng của mình. Bước thứ hai này sẽ giúp bạn, chỉ trong một lần, thoát khỏi một nửa, hay hơn một nửa, số lượng những lời biện bạch mà bạn đang cất giữ!
3. Hãy nhớ ràng bạn đang trả giá đắt cho mỗi con bò mà bạn bao che.
Nhiều khi chúng ta bám víu vào những niềm tin sai lầm hoặc sử dụng những lời biện bạch vì chúng ta không ý thức được những tác hại lớn lao mà chúng mang lại cho cuộc sống của mình.
Về mặt pháp luật, những lời biện bạch không phải là trọng tội. Do đó, chẳng ai trừng phạt bạn vì chúng cả. Tuy nhiên, bạn có thể tin chắc một điều là mình sẽ bị chính những lời biện bạch ấy trừng phạt. Và hình phạt sẽ luôn luôn là một cuộc sống tầm thường.
Để tôi kể cho bạn một ví dụ. Thời nào cũng vậy, những người chưa bao giờ thành công về mặt tiền bạc thường nói “Ừ, tôi nghèo bởi vì, anh cũng biết đấy, tiền đẻ ra tiền mà”. Và cũng vì tôi chẳng có đồng nào, nên tôi nghĩ trong tương lai tôi cũng nghèo như vậy thôi, việc gì phải bận tâm?”
Bạn có thể yên chí là chẳng ai bỏ tù những người nói như vậy. Nhưng cũng chẳng cần thiết bắt họ phải chịu thêm bất cứ hình phạt nào khi nói như vậy vì chính con bò này cũng đã kết án họ chung thân rồi, hoặc dù khá hơn thì họ cũng chẳng được biết cuộc sống là gì.
Trong bước thứ ba này, bận hãy lập một danh sách tất cả những hậu quả tiêu cực mà những lời biện bạch đã gây ra cho cuộc đời bạn. Thường thì chúng ta vẫn biết đến những lời biện bạch của mình và những hành vi bị cho là xấu, nhưng chúng ta vẫn không tin rằng chúng đang gây tổn hại cho mình, cho nên chúng ta chẳng làm gì để thay đổi chúng. Hãy nhớ rằng chưa kể mức độ tổn thất mà chúng có thể gây ra, mọi lời phân bua biện bạch mà bạn sử dụng đều đặt ra những hạn chế trong cuộc sống của bạn.
Do đó, với mọi con bò mà bạn đã chỉ ra được trong các bước dưới đây. Hãy viết ra những cái giá mà bạn phải trả khi còn giữ nó .Hãy nhớ rằng bạn đang phải trả giá, đừng sai lầm về chuyện này. Bạn có thể quyết định bỏ qua sự kiện này hoặc xem nhẹ vấn đề, nhưng các hậu quả của những lời biện bạch của bạn vẫn sẽ là lời nhắc nhở đắt giá cho những cơ hội mà bạn bỏ lỡ.
Khi Ed đang tuổi ăn tuổi lớn, bố của cậu bé đã không dành nhiều thời gian cho cậu. Ông ta là người quá bận rộn. Công việc và các buổi giao tiếp làm ăn khiến ông phải xa nhà liên tục.
Ed đã học cách chấp nhận điều đó, điều mà Ed không thể chấp nhận là ngay cả khi bố của cậu ở nhà ông vẫn luôn xa cách và hầu như hoàn toàn tách rời khỏi cuộc sống của cậu. Ông không có thời gian giúp cậu làm bài tập về nhà, hay nói chuyện, thậm chí là chơi đùa một chút trước giờ đi ngủ.
Bố cậu bé hoàn toàn kiệt sức vì công việc. Ông không bao giờ nghĩ rằng những lý do ông đưa ra là những lời phân trần biện bạch. Những lý do đó là: “Tôi quá lu bu”, Công việc của tôi rất bức thiết”, “Tôi chẳng còn chút thời gian nào”, “Phải chi tôi có thể”, hay như câu nói yêu thích của ông, “Ước gì tôi có thêm vài tiếng đồng hồ trong ngày”.
Ed, bây giờ đã có gia đình và là cha của những đứa trẻ, và bố anh, giờ đây đã 72 tuổi, đang cố gắng để thiết lập mối quan hệ cha con mà trong quá khứ họ đã không có. Cha của Ed phải thừa nhận rằng ông không thể tạo ra ký ức về những sự kiện mà ông đã không tham gia. Ông không thể quay trở về với những buổi con ông làm bài tập, những ngày con ông tốt nghiệp, những lần con ông chơi bóng, trải qua những ngày đau buồn, hoặc những ngày vui. Tất cả đều đã qua và ông đã không có mặt. Tất cả những gì ông cần trong lúc này là làm thế nào để được gần gũi hơn với đứa con trai mà ông thấy rất xa cách.
Có lẽ những cơ hội mà bạn đã cho phép trôi qua trong đời bạn có liên quan đến nghề nghiệp, sức khỏe hay tài chính. Bất kể đó là những trường hợp nào, hãy nhớ rằng cái giá phải trả cho việc dung túng một con bò thường là quá đắt.
Hãy viết ra tất cả những cơ hội bạn đã bỏ qua với mình. Hãy chỉ ra những thất bại mà bạn đã trải qua như là hậu quả trực tiếp của việc dung túng những lời biện bạch đó. Hãy viết một cách chi tiết những nỗi sợ phi lý đã đeo đẵng suốt cuộc đời và bạn đã cho phép nó phát triển theo thời gian.
Nếu bạn bỏ qua bước này, có thể bạn sẽ không cảm thấy một nhu cầu mạnh mẽ để loại bỏ tất cả những con bò của mình. Hãy nhớ rằng đau đớn và niềm vui sướng là hai động lực lớn nhất. Các quyết định và hành vi của chúng ta được xác quyết một phần vì những gì ta muốn và một phần vì những gì ta sợ. Chúng ta luôn muốn theo đuổi những gì mang lại cho ta niềm vui sướng và tránh né những gì làm ta đau khổ.
Những người béo phì ăn nhiều không phải vì họ muốn mập. Họ ăn nhiều, một phần là vì họ cảm thấy hành vi này có thể giúp họ thích nghi với những tình huống khác mà dường như họ đang gặp phải. Họ đã tự lập trình cho việc chấp nhận sự nghiện ăn như là một cơ chế xoa dịu những nỗi buồn lo và căng thẳng. Họ làm như vậy dù biết những hậu quả nghiêm trọng trong hành động đó, họ sẽ liệt kê ra những danh sách những con bò đã giúp họ: “Bố mẹ tôi cũng béo phì”,
“Tôi không mập, tôi chỉ to xương”, “Thể trạng của tôi là do di truyền”. Và con bò tối hậu: “Đâu phải lỗi của tôi. Tôi không ăn thì không chịu được!”.
Nếu họ không nhìn tận mắt hành vi của mình thật sự có tác động đến sức khỏe, các mối quan hệ, hạnh phúc, và lòng tự trọng của họ như thế nào, thì dễ gì họ chịu thay đổi. Họ có thể thử qua các chế độ ăn kiêng trên thị trường, nhưng sẽ không có gì thay đổi cho đến khi họ hiểu được các hậu quả từ quyết định của mình và ngậm đắng nuốt cay hiểu rằng cuộc sống hiện nay do chính họ tạo ra. Một khi bạn đã liệt kê những cơ hội mà bạn đã bỏ qua – kết quả của việc dung túng những con bò, tôi muốn bạn xem lại danh sách đó thật cẩn thận. Khi đọc xong, hãy đọc lại một lần nữa. Hãy nhận ra việc nuôi giữ những con bò này đã gây thiệt hại như thế nào. Hãy hiểu rằng bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm trong việc chọn sống một cuộc đời mà trong đó sự tầm thường là lựa chọn quả quyết của bạn. Phải chịu thôi. Hãy cảm nhận cục nghẹn trong cổ họng mình và nên hiểu rằng dù bạn có ngụy trang hoặc thậm chí “lờ” nó đi bao lâu cũng được, nhưng nếu bạn không khạc nhổ nó ra cho xong, nó sẽ theo bạn vĩnh viễn.
Hãy coi nó như một tình yêu đầy sóng gió, một sự kiểm định thực tế, một liệu pháp trị liệu đau đớn, và tất cả những điều này rút lại một điểm chung: nếu bạn không cảm thấy đau hoặc không cảm thấy mất mát những cơ hội, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy cần phải loại bỏ những niềm tin sai lầm.
Đã đến lúc bạn nên thôi không nói thêm về những gì bạn đang trải qua, và quyết định dứt bỏ chúng một lần và mãi mãi. Hãy đưa ra quyết định sống cuộc sống bạn muốn. Những dự định tốt đẹp và những mơ tưởng chỉ che giấu sự tầm thường. Bạn phải đưa ra quyết định và theo đuổi tới cùng.
4. Hãy lập một danh sách những kết quả tích cực mà bạn sẽ bắt đầu trải nghiệm như hiệu quả của việc bạn đã loại bỏ những con bò.
Bạn đã làm theo lý thuyết nỗi đau / niềm vui sướng đã được giải thích ở bước trước đây, bây giờ hãy bỏ ra một phút để hình dung cuộc sống mà ở đó bạn không còn mang nặng những con bò. Hãy viết ra tất cả những cơ hội mới có thể được tạo ra như một kết quả của việc giải phóng tiềm năng thật sự của bạn. Bạn có thể học thêm kỹ năng gì mới? Những cuộc phiêu lưu nào bạn có thể cho phép mình tham gia một khi bạn đã không còn bị bủa vây bởi những hành vi mang tính hạn chế? Bạn sẽ sẵn sàng theo đuổi những mơ ước mới mẻ nào một khi bạn đã không còn bị trói buộc trong sự tầm thường?
Hãy viết ra mọi chi tiết, vì bạn sẽ cần đến mỗi chi tiết. Từ bỏ những con bò nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải nào cũng dễ dàng. Đây là cách tôi học được rằng “đơn giản” và “dễ dàng” không phải luôn luôn là một. Để loại bỏ những con bò, bạn cần có kỷ luật, sự toàn tâm, và dứt khoát. Đôi lúc bạn sẽ thấy nản lòng. Thậm chí bạn có thể quay lại thói quen cũ, và bạn sẽ cần đến sức mạnh để đứng lên và làm lại từ đầu.
Trước đây tôi giúp một người bạn liệt kê những kết quả tích cực từ việc diệt con bò “Tôi không có thời gian để tập thể dục”. Chị ấy thừa những 36 kg, và mặc dù biết rằng mình cần phải làm gì đó, nhưng chị ấy cảm thấy mình chẳng có tí động lực nào để bắt tay vào việc.
Sau đây là một số điều trong danh sách của chị:
– Tôi sẽ có thêm năng lực và nghị lực.
– Tôi sẽ trông đẹp hơn và có hình ảnh về bản thân tốt hơn.
– Tôi sẽ không thường xuyên mệt mỏi và hụt hơi.
– Tôi sẽ khỏe mạnh hơn và sống thọ hơn.
– Tôi sẽ sáng tạo hơn và tập trung làm việc tốt hơn.
Chị bạn tôi có thể nhận diện hơn một tá những lý do của việc dành thời gian đến phòng tập. Giờ đây, rất nhiều lý do trong danh sách này đang động viên chị duy trì sự quyết tâm đó hàng ngày.
Danh sách tôi yêu cầu bạn viết trong bước này sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho bạn khi bạn cảm thấy sắp bỏ cuộc. Hãy đọc lại danh sách này mỗi khi nào bạn muốn biết chính xác phần thưởng là gì nếu bạn diệt được những con bò của mình. Hãy mang nó theo bên mình mọi lúc mọi nơi, xem nó như một nguồn động viên và thúc giục bạn.
5. Thiết lập những khuôn mẫu hành vi mới
Tôi thích làm vườn. Tôi thấy đó là một kinh nghiệm giúp bạn thư giãn và hồi phục sức lực, đặc biệt sau một chuyến công tác, một hội thảo hoặc một chuyến du lịch.
Trước đây, tôi từng có kinh nghiệm làm vườn và từ đó tôi dùng kinh nghiệm này để minh họa tầm quan trọng của việc thiết lập các kiểu hành vi mới. Trong sân sau nhà tôi có một cái chậu cây khá lớn và cũ kỹ nằm lăn lóc từ lâu, và đầy cỏ dại. Bà xã tôi muốn dùng nó để trồng cây hoặc đem vứt nó đi. Tôi không thể bỏ qua cơ hội tận dụng cái chậu cũ này, nên tôi chuẩn bị làm đất để trồng vào đó một bụi tường vi. Tôi nhổ hết cỏ dại, làm tơi đất, bón phân. Việc này không thể chỉ làm trong một sớm một chiều – ít nhất là đối với tôi – và trước khi tôi kịp trồng cây vào chậu, tôi có việc phải vắng nhà một vài hôm.
Khi trở về, tôi nhận thấy cỏ dại lại đang lú nhú lên khỏi mặt đất và tôi nhận ra rằng bụi tường vi của tôi phải được trồng ngay ngày hôm đó. Tôi hiểu ra rằng khi nào cái chậu còn trống, mà đất đai lại sẵn sàng, thì cỏ dại sẽ mọc lên. Cách duy nhất để đảm bảo cỏ dại không lấn lướt là bạn phải trồng vào chậu một loại cây. Và ngay cả khi đó, nếu còn chỗ, cỏ dại lại len lỏi tìm đường mọc lên và bóp nghẹt cây trồng của bạn. Đó là một cuộc chiến sinh tồn, không phải sự đấu tranh giữa thiện và ác. Cây nào mọc nhanh nhất sẽ giết chết cây khác. Chỉ vậy thôi.
Những lời biện bạch của chúng ta cũng vậy. Đầu óc của chúng ta cũng như cái chậu cây. Chúng ta có thể cấy vào đó bất cứ loại tư tưởng nào mà mình muốn. Chúng ta có thể cấy vào đó một mục tiêu hay một sự biện bạch.
Nếu sau khi làm theo các bước đã được vạch ra từ trước tới nay, và bạn muốn loại bỏ những lời biện bạch, những thói quen xấu, những hành vi tự hủy hoại mình thì đây là một bước khỏi đầu đáng khích lệ. Chúc mừng bạn! Nhưng hãy cực kỳ cẩn thận. Nếu bạn không trồng vào đó những ý tưởng mới, những niềm tin mang lại sức mạnh và hành vi tích cực, bạn có thể biết chắc một điều rằng cỏ dại sẽ lại xuất hiện.
Vậy phải làm gì? Hãy định ra một kiểu mẫu hành vi mới có thể giúp bạn giải quyết một cách hiệu quả những con bò bắt đầu có dấu hiệu sống lại. Hãy tỉnh táo và nhớ đến cách chúng xuất hiện lần đầu tiên trong đời bạn. Tác giả và diễn giả Earl Nightingale đã viết: “Chúng ta trở thành những gì chúng ta nghĩ đến”. Nếu bạn chỉ nghĩ đến những thứ yếu kém và hạn chế, những điều này sẽ trở thành hiện thực của bạn. Hãy bảo đảm rằng bạn sẽ không bao giờ cho chúng một cơ hội đặt chân vào khu vườn tiềm thức của mình.
Đó là lý do bên cạnh mỗi con bò mà bạn đã chỉ ra, bạn cần phải ghi ít nhất một việc cụ thể, bạn cần làm để loại bỏ nó mãi mãi. Bạn cũng nên ghi chú bên cạnh rằng mình sẽ làm gì nếu nó lại xuất hiện.
Ví dụ, nếu con bò của bạn là “Tôi không làm được. Tôi già rồi.” thì từ bây giờ trở đi, bất cứ khi nào bạn muốn nói như vậy, hoặc nghĩ như vậy, bạn cần phải chặn suy nghĩ đó ngay lập tức. Hãy nói rằng “Tôi sẽ tận dụng mọi hiểu biết và nhiều năm kinh nghiệm để nắm bắt vấn đề này thật nhanh.”
Nếu tạo sẵn một phản ứng như vậy cho tất cả những con bò của mình, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mình sẽ có thể loại bỏ hầu hết chúng – và trong trường hợp tốt nhất, loại bỏ tất cả bọn chúng – vĩnh viễn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.