Ngày xưa có một con bò

9. DUY TRÌ MỘT KHU VỰC KHÔNG CÓ BÒ



Tôi luôn biết rằng mình nên tập thể dục nhiều hơn. Nhưng tôi luôn có hàng tá lý do để trốn tránh chuyện đó. Lý do ưa thích của tôi là “Tôi chẳng có chút thì giờ nào”. Tôi thấy mình cứ liên tục giải thích với người khác rằng chuyện công việc, học hành, và các hoạt động xã hội khác đã ngốn hết thời gian của tôi như thế nào -mặc dù chuyện đó có hơi phóng đại. Tôi vận dụng cả một con bò rất đáng tin: Đâu phải tôi hoàn toàn ngồi ì ra đó đâu. Tôi không đủ tiền để trở thành hội viên; tôi mập quá nên trước khi có thể đến phòng tập, tôi phải đến bác sĩ khám và tư vấn lịch tập an toàn; mà cũng tại vì tôi không có thời gian… Cuối cùng tôi phải thừa nhận rằng tôi chỉ tự đùa cợt với mình thôi. Nói rằng không có thời gian để tập thể dục thì cũng như nói sức khỏe của mình không đủ là ưu tiên trong các hoạt động hàng ngày. Tôi quyết định giết con bò này và chỉnh đốn tại thời gian biểu. Tôi từng luôn cảm thấy mỏi mệt. Bây giờ, sau vài tháng đi bộ, đạp xe, và tập thể dục dụng cụ ba đến bốn lần một tuần, tôi nhiều sinh lực hơn, tôi xuống được vài kí lô và điều quan trong nhất tà tôi cảm thấy mình tốt hơn – không chỉ vì đã tập thể dục, mà là vì tôi đã quyết tâm loại bỏ sự biện bạch này và đã kiên trì làm theo quyết định của mình.

Helen, Otario, Canada

Kết quả cuối cùng của việc sống trong một môi trường không có bò là gì? Nếu chúng ta hỏi được Galileo, một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất của mọi thời đại, ông có thể sẽ nói rằng đó là cuộc sống của sự thật. Vì nếu những con bò là dối trá, như chúng ta đã có thể thấy không chỉ một lần trong tác phẩm của ông, thì việc sống trong sự mê hoặc của nó là cho phép nó thống trị cuộc đời ta.

Cũng giống như nhiều người trong chúng ta đã phải vật lộn với những con bò đã được giáng xuống cho mình, Galileo đã phải đấu tranh chống lại sự dốt nát và những định kiến về hành trình mưu cầu kiến thức và sự thật của ông, và cuộc chiến đó đã khiến ông bị ngược đãi và bị tống giam. Ở trường học, ông tranh cãi với tất cả mọi người – các giáo sư, bạn học, các tác giả được ngưỡng mộ của sách giáo khoa – và trên hết, ông tranh cãi với Aristotle, nhà triết học Hy Lạp vĩ đại, người đã chết trước đó gần hai ngàn năm.

Lý do? Trong hai ngàn năm đó, trong lĩnh vực khoa học hầu như không có nhiều thay đổi, phần lớn là do quan điểm của Aristotle về tự nhiên vẫn là thứ duy nhất được thừa nhận. Aristotle đã đúng trong mọi vấn đề, và không ai nghi ngờ gì về sự vững chắc trong các học thuyết của ông. Chẳng cần thiết phải tái kiểm nghiệm, thử thách hoặc khảng định lại các học thuyết này, vì tự các học thuyết này đã chứng tỏ chúng luôn đúng. Galileo, trái lại, không tin một cách mù quáng.

Khoảng năm 1590, trong khi đang dạy toán tại trường đại học Pisa, ông quyết định đem một học thuyết của Aristotle ra kiểm chúng. Theo ngôn ngữ hiện đại, ông đã quyết định giết một con bò thiêng. Ông thích kiểm chứng các học thuyết. Dù sao, đó cũng là cách để một học thuyết được thừa nhận là chân lý. Nhưng trên hết, ông muốn cho học trò và đồng nghiệp của mình thấy rằng các học thuyết của Aristotle không phải là không thể sai.

Ông chọn ra một trong những lý thuyết nổi tiếng nhất của Aristotle. Aristotle đã từng nói rằng nếu bạn thả đồng thời một khối nặng 5kg và một khối khác nặng 0,5kg, khối 5kg sẽ rơi nhanh gấp 10 lần so với khối 0,5kg. Trong gần hai thiên niên kỷ, người ta đã thừa nhận điều này mà không hề kiểm chứng.

Galileo tuyên bố với học trò của mình: Hai vật thể rơi từ trên không trung xuống cùng lúc thì chúng sẽ đáp xuống mặt đất cùng lúc, bất kể chúng nặng bao nhiêu.

Bất cứ ai thích kiểm định sự thật đều được mời đến để chứng kiến sự kiện đó vào sáng ngày hôm sau.

Theo lịch sử ghi lại, sáng hôm sau, học trò của ông, cùng với một số người dân hiếu kỳ của thành Pisa theo chân Galileo đến Tháp Pisa. Một tay ông cầm quả tạ nặng 5kg, tay kia cầm quả tạ nặng 0,5kg và leo lên tòa tháp. Cả thế giới chờ đợi bên dưới.

Ai sẽ là người chiến thắng? Nhà hiền triết cổ đại Hy Lạp hay kẻ chống đối 25 tuổi từ Pisa? Đám đông xì xào bàn tán – một phản ứng thường thấy khi có kẻ nào đó dám chất vấn uy quyền. “Ông ta sẽ thua cho mà xem”. “Ông này bị khùng rồi”. “Ai có thể hiểu biết hơn Aristotle chứ?”.

Galileo tiến ra ngoài rìa của mái tòa tháp; đám đông lùi lại. Ông giơ tay ra và ném hai khối nặng ra khỏi mái tòa tháp. Hai khối nặng rơi xuyên qua không khí và đập xuống mặt đất chính xác cùng lúc.

Chỉ trong vài giây, bóng tối dốt nát hai ngàn năm đã bị sự thật xua tan, và một kỷ nguyên mới của tư tưởng khoa học bắt đầu.

Chuyện gì có thể xảy ra khi bạn quyết định thử thách và rũ bỏ những niềm tin và các giả định chưa được kiểm chứng của mình? Tôi e rằng bạn phải trải qua một quá trình như Galileo đã làm để nhận ra điều đó. Tuy nhiên, tôi đảm bảo với các bạn rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng như vậy.

Bạn thấy đấy, khi triệt tiêu những lời biện bạch, bạn chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm cho sự thành công của bản thân. Bạn trở thành người kiến tạo vận mệnh của chính mình. Muốn thành công, có hảo ý và có ước mơ lớn không phải là những yếu tố duy nhất của thành công. Đối với mọi ý tưởng vĩ đại làm thay đổi tiến trình của nhân loại, có hàng ngàn những ý tưởng khác không bao giờ thành hiện thực bởi vì những người nghĩ ra nó không có kế hoạch để thực hiện ý tưởng đó, hoặc có lẽ không bao giờ bắt tay vào thực hiện. Con bò của họ ư? Không hành động.

Bước đầu tiên để vượt qua sự tự mãn và sự tầm thường là triệt tiêu bất cứ sự biện bạch nào cản trở chúng ta có hành động lập tức và kiên quyết. Tác giả Johrt Mason nói: “Ai cũng di chuyển. Họ tiến lên, lùi lại, hoặc lừng khừng ì ạch. Sai lầm mà hầu hết mọi người mắc phải là họ nghĩ rằng mục đích chính trong cuộc đời là phải luôn bận rộn”.

Vấn đề không phải chỉ là bận rộn, mà bạn phải chắc chắn rằng các hành động của bạn phải đưa bạn hướng đến các mục tiêu và mơ ước của mình.

Nếu bạn làm theo những bước được đề ra trong chương trước, thì bây giờ bạn đã có kế hoạch để gạt bỏ những thái độ giới hạn và những niềm tin sai lầm đã ngăn cản bạn nhận ra tiềm năng thực sự của mình. Điều duy nhất bạn cần làm bây giờ là hãy đưa kế hoạch của bạn vào bước thực hiện.

Đừng phí thời gian xem xét và phân tích những thất bại tiềm tàng mà bạn có thể va phải trên đường đi. Nhiều người lên kế hoạch và luyện tập trước những thất bại của họ bằng cách phí phạm thời gian tiên liệu những tình huống xấu nhất. Những người đạt được chiến thắng oanh liệt chấp nhận các nguy cơ có thể xảy ra trong hành trình tìm kiếm thành công. Lòng can đảm, sự thôi thúc, sự nhận thức rằng mỗi giấc mơ lớn đòi hỏi những hành động tức thời là những gì làm cho người thắng cuộc khác biệt với những người thua.

Trong trò chơi cuộc sống, bạn có thể là người chơi, cũng có thể chỉ là khán giả. Những người chiến thắng không chỉ đơn giản là những người tham gia; họ toàn tâm toàn ý với mục tiêu của mình. Họ không biện minh. Không cần biết con bò của bạn như thế nào, chỉ có một cách an toàn duy nhất để thoát khỏi nó-hành động.

Đừng để cuộc sống trôi qua. Hãy đột phá và giải phóng mình ra khỏi những con bò của bản thân, và bảo đảm rằng bạn không kết thúc cuộc đời mình giống như những người khác – trong những ngày cuối đời mới nhìn lại và ân hận, buồn rầu vì đã bỏ lỡ mọi cơ hội họ có để nắm bắt nhưng lại không làm.

Có lần tôi nghe một định nghĩa về địa ngục, và nó làm tôi lo sợ đến nỗi tôi đã phải hành động. Nó đại khái như sau: Địa ngục chính là vào cuối cuộc đời bạn phải đối mặt với con người mà đáng ra bạn đã trở thành – cứ thử tưởng tượng đến cảnh đó mà xem.

Hãy tham gia vào mỗi chuyến phiêu lưu mói với một niềm hứng khởi mới. Hãy thử thách những chuẩn mực. Phá vỡ một số quy luật. Lo lắng, sợ hãi và nghi ngờ không là gì ngoài những con bò đang cố gắng cướp khỏi bạn những giấc mơ và trói buộc cuộc đời bạn với sự tầm thường. Hãy luôn nhớ rằng không phải thất bại níu chân bạn, mà chính sự tâm thường khiến bạn không thành công.

William James, người được coi là cha đẻ của triết học hiện đại tại Mỹ, đã từng nói: “Hầu hết chúng ta cảm thấy như thế mình sống thường xuyên trong cảnh bị một đám mây đè nặng lên người, bên dưới mức độ cao nhất của sự trong sáng trong nhận thức, sự chặt chẽ trong lý luận, hay sự vững vàng trong quyết định của chúng ta”.

James nhấn mạnh rằng khi so sánh với những gì chúng ta có thể đã hoàn thành được, dường như chúng ta chí mới nhận thức được một nửa. Chắc chắn chúng ta đủ khả năng đạt được những điều khác thường, vậy mà những gì chúng ta có lại rất đáng thất vọng. Và cũng không phải năng lực của chúng ta có vấn đề. Chỉ là vì chúng ta đã tự áp đặt lên bản thân những giới hạn, niềm tin sai lầm và để cho vô số những con bò phá hoại tiềm năng thật sự của chính mình.

Vậy nên tôi mong bạn hãy nhận lấy thử thách này. Hãy sống một cuộc đời không có bò. Hãy sống thế nào để tất cả những giấc mơ của bạn đều có thể thành hiện thực và không chấp nhận bất cứ giới hạn nào khiến bạn không thể đạt được những thành tựu trong đời. Đừng chỉ biết lên đường đi tìm bãi nào để gặm cỏ; hãy lên đường để ước mơ lớn và đạt đến thành công!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.