Ngược Chiều Vun Vút

4. RẤT TÒ MÒ – Phần 01



Ai Việt Nam hơn ai?

Gần đây có hai người mở cuộc tranh luận sôi nổi nhằm mục đích trả lời câu hỏi: Ai Việt Nam hơn ai?

Hai người đó là tôi, một anh “gốc Tây” biết tiếng Việt và nghiên cứu lâu năm về văn hóa Việt Nam, và bạn tôi, một chị gốc Việt nhưng chưa biết tiếng Việt, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với cộng đồng người Việt lớn.

Ai Việt Nam hơn? Không phải theo ý nghĩa vui vẻ mà người Việt hay dùng để trêu người Tây – “Anh Joe giỏi quá, sắp trở thành người Việt Nam rồi!” – mà theo ý nghĩa sâu sắc nhất, gần nhất với sự thiêng liêng của cụm từ “Người Việt Nam”.

Khi tranh luận phải chọn quan điểm rõ ràng để bảo vệ. “Tao Việt Nam hơn hẳn!” tôi chọn quan điểm rõ ràng nhất có thể. “Mày được cái là dòng máu Việt – nhưng máu chỉ chuyển ôxy thôi, không chuyển văn hóa đâu.” Rồi tôi kể chuyện về người Nhật.

Mặc dù dân số Nhật ngày càng giảm đi nhưng chính phủ vẫn không cho phép người nước ngoài nhập quốc tịch. Người nước ngoài không có dòng máu Nhật, các bác bên Cục xuất nhập cảnh lý giải. Quốc tịch và dòng máu là một. Ngoài một số trường hợp đặc biệt, một người ghi quốc tịch Nhật trên hộ chiếu phải mang dòng máu Nhật trong huyết quản.

Có nhiều gia đình Nhật định cư tại Brazil vào giữa thế kỷ hai mươi. “Hay là mời họ về?” Các bác bên Cục xuất nhập cánh âm thầm hỏi nhau. “Họ có dòng máu Nhật, sẽ nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống tại Nhật.” Cuối cùng, hơn 300.000 người Brazil gốc Nhật nhận lời về quê, khiến các bác rất sốc.

Sốc vì cho dù có máu Nhật, họ không hòa nhập với cuộc sống ở Nhật – không biết tiếng, không biết cúi chào, không biết cách tiếp xúc với xã hội. Họ nhảy nhót ở bãi biển, nói to ở quán trà, phạm tội và không nghe lời công an. Cuối cùng, chính phủ Nhật thông báo sẽ tặng vé máy bay và hỗ trợ số tiền lớn để người nào muốn có thể về Brazil ngay.

Tôi xào nấu một chút nhưng đó là chuyện có thật, một diễn biến làm xôn xao xã hội Nhật Bản vào cuối thế kỷ 20. Bạn gốc Việt đó không thích món xào nấu của tôi.

“Tao hiểu ý mày rồi nhưng việc hòa nhập với xã hội và việc giữ bản sắc dân tộc là hai việc khác nhau. Mặc dù tao lớn lên ở bên kia nhưng bố mẹ tao vẫn dạy tao theo kiểu Việt Nam. Có khi tao không biết tiếng Việt, không biết đám ma truyền thống tổ chức như thế nào, nhưng trong lòng, tao vẫn thấy mình là người Việt. Đó là cảm giác sâu trong lòng, không phải cảm giác ‘ghép vào lòng’ như của mày đâu!”

Bạn ấy cầm sợi tóc màu đen lên săm soi một lúc, tiếp tục nói.

Với lại người Việt hay phân biệt. Mày về quê tao nói “xin chào” mọi người báo hức lắm. Còn tao về quê nói câu dài thì mọi người cười – vì tao phát âm lơ lớ. Mọi người biết tao lớn lên bên kia, biết bố mẹ tao định cư từ lâu, không nói tiếng Việt ở nhà. Họ biết tao không có nhiều cơ hội tập tiếng Việt trước khi sang đây năm ngoái. Nhưng họ vẫn cứ nghĩ tao phải nói chuẩn. Mày có biết vì sao không?” Tôi lắc đầu. Bạn ấy lè lưỡi.

“Vì cái này,” bạn ấy nói ngọng nghịu như đang khám răng. Tôi nhìn quanh nhà hàng, bạn thụt lưỡi vào.

“Họ thực sự nghĩ cái lưỡi của tao thích hợp với tiếng Việt. Cái lưỡi của mày thiết kế để nói tiếng Anh; nó liếm được vài nguyên âm tiếng Việt thì họ mừng lắm rồi. Còn cái lưỡi của tao thiết kế để nói tiếng của họ; nó không liếm được các âm thanh đơn giản nhất thì… Nói chung, mọi người thực sự nghĩ tao chỉ cần mấy tháng là sẽ nói tốt, còn mày ở đây cả mấy năm trời chỉ nói vài câu thành ngữ là siêu lắm rồi.”

Tôi cầm ly trà, chờ bạn ấy nói nốt.

“Đa phần người nông thôn nghĩ như thế, mày ạ. Mà đa phần người Việt là người nông thôn. Người cuối cùng quyết định cụm từ “Người Việt Nam” nghĩa là gì chính là người nông thôn đó. Là các anh chị ở quê. Bỏ qua khả năng giao tiếp. Thậm chỉ bỏ qua chuyện giáo dục trong nhà. Rõ ràng tao Việt Nam hơn mày vì tao có dòng máu Việt trong mạch – và đó là tiêu chuẩn quan trọng nhất do chính người Việt đặt ra.”

Tôi chưa chắc người ở quê nghĩ như vậy, nhưng tôi công nhận bạn ấy nói có lý. Năm trước tôi xem cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt trên truyền hình, thấy có mấy thí sinh chưa biết tiếng Việt, chưa hiểu lắm về văn hóa. Tôi so sánh họ với mấy cô bạn của tôi là người da trắng giỏi tiếng Việt, hiểu văn hóa.

Mặc dù rất xinh, số đo chuẩn, nhưng mấy bạn ấy chắc khó tham gia cuộc thi đó. Hình như đại diện cửa phụ nữ Việt Nam khắp năm châu không cần rành tiếng Vỉệt, không cần am hiểu văn hóa Việt Nam, cũng không cần có quốc tịch Việt Nam. Nhưng phải có da.

“Đúng thế!” Bạn của tôi nói (Hóa ra tôi vừa nghĩ vừa nói). “Miss Canada là người da trắng, da vàng hay da đen không ai nghĩ gì. Đẹp là đẹp. Nhưng Miss Việt Nam phải là người da vàng. Nếu không vàng hẳn thì ít nhất phải vàng vàng một chút.

Tôi nhìn ra cửa sổ.

“Thôi tạm thời bỏ qua chuyện ai quyết định cụm từ ‘Người Việt Nam’ nghĩa là gì,” tôi nói. “Chuyện đó cãi sau. Bây giờ tao…”

“Tranh luận sau.” Bạn tôi cười.

“Chuyện đó tranh luận sau. Bây giờ tao muốn quay tại chuyện giáo dục trong nhà và cảm giác trong lòng. Mày có biết Pax Thiên không?”

“Biết.”

“Bố mẹ của mày là người Việt. Hai bác định cư từ lâu nhưng vẫn dạy mày theo cách của Việt Nam. Nhưng Pax là con nuôi, bố mẹ là người Tây. Cộng đồng xung quanh cũng toàn là người Tây luồn. Mày có coi Pax là người Việt Nam không? Dĩ nhiên Pax có dòng máu Việt nhưng các yếu tố văn hóa ấy hầu như không có hết”

“Bạn” của tôi nghĩ một lúc rồi nói: “Không. Nếu mày nói đúng và môi trường của Pax thực sự thiếu những yếu tố văn hóa đó thì tao không coi nó là người Việt.”

“Thế thì mày có coi…” Tôi định đặt trường hợp ngược lại thì bạn ấy ngắt lời tôi.

“Nhưng có một điều lạ. Đó là tao rất muốn coi nó là đứa Việt Nam

“Sao hả mày?”

“Tức là… chắc mày biết chuyện báo chí Việt Nam hay nhận ngườí gốc Việt phải không? Nếu có một người gốc Việt nhưng không có họ hàng Việt Nam, không biết tiếng Việt, không rành văn hóa, không có sự liên quan với đất nước này hơn một du khách mới sang… giành giải Nobel thì tao chắc chắn báo chí Việt Nam sẽ nhận người đó là người Việt. Báo chí Tây thì khác. Báo chí Anh không nhận người Úc gốc Anh như vậy. Báo chí Pháp không nhận người Canada gốc Pháp. Nếu người giành giải Nobel là người gốc Anh nhưng sinh ra và lớn lên tại Úc thì báo chí Anh không nhún nhảy nhiều đâu. Đó là đặt quá nhiều áp lực vào từ ‘gốc’. Còn tao hơi giống báo chí Việt Nam, mày ạ. Tao rất muốn nhận Pax Thiên là thằng Việt. Khó nói.”

Tôi cũng không biết nói gì về vấn đề đó. Thế là tôi quay lại vấn đề trước.

“Ví dụ, Phước Sang và Anh Thư nhận con nuôi ở Thái. Cháu lớn lên tại Việt Nam. Xung quanh cháu toàn là con người và văn hóa Việt Nam. Nếu thế thì mày có coi cháu là người Việt không?”

Bạn tôi cười.

“Câu hỏi át chủ bài hả?”

“Gọi là con heo.”

“Là sao?”

“Mày có biết chơi tiến lên không?”

“Cái gì?”

“Thôi cứ trả lời câu hỏi của tao đi!”

Bạn tôi cười tiếp.

“Nói thật với mày, tao sẽ coi cháu là người Việt.”

“Thế thì hơi mâu thuẫn nhỉ.” Lần này tôi cười. “Nếu mày coi con nuôi của Phước Sang và Anh Thư là người Việt thì rõ ràng văn hóa thắng dòng máu. Mày phải xem lại quan điểm của mình.”

Bạn ấy cười to hơn.

“Thực chất người Thái có dòng máu hơi giống của người Việt. Nhìn từ xa khó biết thằng nào là thằng cà ri xanh, thằng nào là thằng phở xào bò. Nếu mày nói Phước Sang và Anh Thư nhận con nuôi ở Nga thì chắc tao phải suy nghĩ lâu hơn mới trả lời câu hỏi của mày.”

Rồi hai người ngồi trong im lặng, quên mất chưa trả lời câu hỏi ai Việt Nam hơn ai.

Cảm ơn xì-căng-đan?

Trong thế giới showbiz luôn có những vòng luẩn quẩn. Sao có hành động thiếu văn hóa. Báo có bài về sao có hành động thiếu văn hóa. Đông độc giả vào xem ảnh (tất nhiên có jpeg), xem clip (tất nhiên có link), đọc lời giải thích của sao (tất nhiên không có ngữ cảnh), rồi bình luận: “Thật là một hành động thiếu văn hóa!”.

Bài thành “hot”. Trang báo nhận tiền của công ty quảng cáo (tính theo số lần truy cập). Sao lên báo tiếp, lần này để xin lỗi. Độc giả phản đối tiếp (“PR thôi!”). “Bài xin lỗi” thành “hot”. Trang báo lại nhận tiền của công ty quảng cáo…

Ai cũng được lợi. Sao được nổi, trang báo được tiền, độc giả được cảm giác mình đang bảo vệ văn hóa dân tộc băng cách phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Lợi cả ngã ba.

Sự thật là chúng ta cần xì-căng-đan. Chúng ta cần được ăn, cần được yêu, cần bị sốc. Tôi có thể giả vờ là người không cần biết về sự đổ vỡ đột ngột của người khác. Nhưng nếu có người nói với tôi “Chết thật, anh biết về xì-căng-đan mới chưa?” thì tôi sẽ tò mò. Tôi cần biết. Ai cũng cần biết xì-căng-đan mới là xì-căng-đan gì.

Người quan tâm đến phim cần biết diễn viên vừa bị bắt vì sử dụng ma túy là anh nào. Người quan tâm đến khoa học cần biết giáo sư vừa bị phát hiện giả mạo kết quả nghiên cứu là ông nào. Người quan tâm đến sex cần biết ca sĩ trẻ vừa lộ clip nóng là em nào. Chúng ta phản đối bằng miệng nhưng ủng hộ bằng thời gian, bằng không gian, bằng tiền.

Đằng sau sự ủng hộ đó là gì?

Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở quá trình tiến hóa. Tính từ thời nguyên thủy, những văn hóa “mê xì-căng-đan” phát triển mạnh, còn những văn hóa “chẳng quan tâm” bị tuyệt chủng. Tôi đoán như vậy bởi trong sự phát triển văn hóa không có khía cạnh nào tự nhiên xuất hiện. Tất cả đều có tác dụng.

Vai trò các cơ quan trong cơ thể rất dễ xác định. Cơ quan thị giác là để nhìn, cơ quan sinh sản là để duy trì nòi giống. Vai trò các khía cạnh văn hóa khó xác định hơn. Nếu không có cơ quan sinh sản thì nhân loại sẽ bị tuyệt chủng. Nhưng nếu không có sở thích biết về xì-căng-đan thì sao? Nhân loại sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Sở thích đó có lợi ích thế nào đối với xã hội chung?

Thứ nhất, nó giúp xã hội đoàn kết. Số đông cầm tay nhau chửi số ít – từ việc đó số đông sẽ cảm thấy gần gũi nhau hơn Văn hóa nào cũng phải có sự đoàn kết như vậy mới tồn tại lâu.

Thứ hai, nó giúp chúng ta rút kinh nghiệm một cách an toàn. Trong các vụ ngộ độc thực phẩm, một công ty bị ném đá và hàng trăm công ty khác âm thầm rút kinh nghiệm. Chết một, cứu nhiều. Một người trẻ lộ clip nóng quay bằng máy điện thoại thì hàng trăm người trẻ khác nhanh tay cầm máy mình, xóa hết.

Thứ ba, nó giúp chúng ta định nghĩa văn hóa. Nhiều khi bắt định nghĩa văn hóa dựa trên “cái có” khó hơn định dựa trên “cái không có”, cái không phù hợp, cái trái ngược, cái sai. Nói người Canada khác người Mỹ thì dễ. Nhưng nói người Canada cụ thể là như thế nào mà không nhắc văn hóa thứ hai nào thì rất khó. Chính vì thế nên các hành động thiếu văn hóa bao giờ cũng tốn nhiều mực hơn các hành động “thừa”. Qua những điều “không hợp” được phổ biến, hóa mỗi lần có xì-căng-đan, chúng ta hiểu rõ hơn chúng ta-là ai.

Thứ tư, nó giúp xã hội phát triển. Ngày xưa chuyện một em Việt yêu một anh Tây chắc gây xì-căng-đan lớn, cả chợ đều buôn về chuyện con Huyền đi với thằng Henry. (“Không hiểu cô này là ai và ý thức ở đâu!”) Nhưng xì- căng-đan Huyền-Henry mở cửa cho một cuộc tranh luận sôi nổi. Cứ mười người phản đối sẽ có một người đứng lên hỏi – “Nhưng mọi người ơi, tại sao yêu người nước ngoài là không tốt?”.

Không có người phản đối thì không có người hỏi. (Kêu đói lúc mọi người đang ngồi im thì vô duyên, nhưng kêu đói lúc mọi người đang kêu no thì được.) Trong các trường hợp đó, người phản đối vô tình mở cửa cho người ủng hộ vô tình cho người ủng hộ một sân khấu để đứng lên và trình bày.

Giúp mọi người đoàn kết, sống an toàn, định nghĩa và phát triển văn hóa… Có lẽ chúng ta nên cám ơn xì-căng-đan. Cả năm chúng ta chửi mắng nó, cả bản chất lẫn người dính. Làm như vậy là không công bằng. Hôm nay chúng ta nên cảm ơn xì-căng-đan một câu, suy nghĩ về giá trị của nó – rồi sáng mai quên đi và nhiệt tình chửi tiếp.

Ma Tây

Chủ nhật. Đà Lạt. Một anh chàng người Anh thuê phòng trong một nhà nghỉ trước đây là biệt thự của một gia đình người Pháp, đêm về ngủ. Trong mơ, anh ấy thấy xuất hiện một cô bé tóc vàng. Cháu nhìn anh ấy, nói với giọng yếu ớt: “I’m really cold. Please, can I wear your jacket?” (“Chú ơi cháu lạnh lắm. Cháu mượn áo của chú có được không?”)

Sáng hôm sau anh ấy ngủ dậy, kể lại với cô lễ tân. Cô ấy thở dài, kể chuyện cách đây 110 năm có một cô bé người Anh bị lạc trong rừng (Cháu được gia đình người Pháp nhận nuôi). Đêm đó là lạnh nhất trong cả mùa đông. Khi được tìm thấy, cháu rất yếu và đến hôm sau qua đời ở nhà.

Tối thứ Hai, một chị người Việt không biết tiếng Anh thuê chính căn phòng đó, đêm về ngủ. Cô bé người Anh cũng xuất hiện trong mơ của chị ấy, cũng kêu lạnh, xin mượn áo. Tôi chưa bao giờ mơ có phụ đề nên tôi không biết trong trường hợp đó cháu sẽ trả lời như thế nào. Tôi tính sáu trường hợp có thể xảy ra:

Cháu xin mượn áo bằng tiếng Anh, chị người Việt không hiểu, chỉ thấy một cô bé ốm yếu đang nói “câu gì đó”.

Cháu xin mượn áo bằng tiếng Anh, chị người Việt có hiểu; mặc dù chưa học tiếng Anh nhưng do một phép màu siêu nhiên nên chị ấy “tạm rành”.

Cháu xin mượn áo bằng tiếng Việt, nói luôn “Cháu lạnh quá. Cháu mượn áo của cô có được không ạ?”. Khi còn sống, cháu không biết tiếng Việt, nhưng lúc sang bên kia thì cháu đăng ký học thêm.

Cháu dùng ngôn ngữ cử chỉ, biết mình đang nói với một người “không hiểu tiếng nói” nên phải tìm cách khác để ra ý.

Cháu không nói gì, không hành động gì, nhưng trong tim chị người Việt hiểu rất rõ cháu đang xin mượn áo.

Cháu không xuất hiện trong mơ chị ấy.

Giả sử sự tiếp xúc giữa ma và người trong mơ không khác gì sự tiếp xúc giữa người và người ngoài đời: cứ nói theo cách mình biết nói, cứ nghe theo cách mình biết nghe. Như vậy thì dễ có trục trặc lắm!

Hãy tưởng tượng một con ma là bà già người Việt xuất hiện trong mơ một du khách là anh chàng người Đức. Anh ấy biết tiếng Việt nhưng chưa rành lắm.

Ma: Mời bạn ra khỏi nhà tôi!

Khách: Cảm ơn bà, nhà rất đẹp.

Còn nếu ngôi nhà của một gia đình người Việt đang bị ma Tây ám thì cách giải quyết tốt nhất là gì? Nếu nhờ nhà ngoại cảm vào cuộc thì người đó chắc cần biết tiếng Tây phải không? Hoặc không cần đâu, cứ nhờ một con ma khác làm phiên dịch?

Bổ đề cơ bản

Vừa rồi báo chí kể nhiều về giáo sư Ngô Bảo Châu. Bố mẹ anh làm gì, trước đây anh học ở đâu, thích gì, muốn gì, được gì. Anh đã nhận giải thưởng Fields ở thành phố nào, được người nào trao tặng huy chương. Thậm chí các báo đăng thông tin công trình nghiên cứu của anh dày 169 trang (tận 169 trang cơ), nhà xuất bản tên gì, trụ sở ở đâu. Nhưng báo chí ít nhắc đến công việc cụ thể mà anh ấy đã làm – lý do khiến anh ấy nhận giải thưởng Fields.

“Nói chung anh ấy giỏi toán,” là khái niệm sơ sơ của đa số tác giả viết bài. “Ngô Bảo Châu đã chứng minh được Bổ đề cơ bản, Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie!” Thế thì mừng quá! Nhưng… “Bổ đề cơ bản” là gì và vì sao phải chứng minh nó?

Tôi nghĩ các vấn đề khoa học có thể được thể hiện bằng lối viết hấp dẫn nếu tác giả bỏ chút thời gian nghiên cứu. Đằng sau mọi thành đạt trong khoa học thường là câu chuyện thú vị, và đằng sau sự thành đạt của Ngô Bảo Châu là câu chuyện thú vị lắm.

Ngày xửa ngày xưa, các nhà toán học công bố hai lý thuyết lớn: lý thuyết số học và lý thuyết nhóm (number theory, group theory). Bản chất sâu sắc của hai lý thuyết này không quá quan trọng ở đây – điều nên nhớ là hai lý thuyết (a) đặc biệt lớn, và (b) nhìn từ xa có vẻ riêng biệt với nhau, như hai cành cây.

Cách đây khoảng 30 năm, một nhà toán học người Canada tên là Robert Langlands viết bài cho rằng hai lý thuyết ấy có sự liên quan đa dạng, không riêng biệt nhau như nhiều người nghĩ mà đi với nhau như mây và mưa. Quan điểm của Robert khiến nhiều nhà toán học há hốc mồm. Nó khiến chính cái mồm của Robert há hốc ra khi ông phát hiện sẽ mất mấy thế hệ để chứng minh sự liên quan đa dạng đó.

“Nhưng bước đầu tiên sẽ tương đối đơn giản,” Robert tự tin nói với đồng nghiệp. Bước đầu tiên ấy Robert đặt tên là “Fundamental Lemma”. Đó chính là “Bổ đề cơ bản” mà người Việt nghe kể nhiều thời gian vừa qua.

Robert tựa như đang đứng trên đảo nhỏ. Nhìn về phía Đông là con tàu lớn. Nhìn về phía Tây cũng là con tàu lớn. Hai con tàu không có người lái, trôi nổi trên mặt biển.

Mặc dù không nhìn được rõ, Robert vẫn cho rằng hai con tàu đó có nhiều điểm chung. Có khi đóng từ cùng loại thép. Có khi lúc bánh lái của “tàu Đông” hướng về phía tay phải thì bánh lái của “tàu Tây” tự động hướng về phía tay trái. Khỏi phải nói hai con tàu đó là “number theory” và “group theory”.

Với ông Robert, việc chứng minh Bổ đề cơ bản có thể so sánh với việc ném hai sợi dây móc sang hai con tàu. Làm xong việc đó, các nhà toán học khỏe mạnh có thể đứng trên đảo Robert, cầm dây và kéo hai con tàu lên bờ – khi đó mới nghiên cứu kỹ, phát hiện điểm chung. Robert nghĩ việc nghiên cứu đó sẽ mất mấy thế hệ. Nhưng vụ ném dây thì không. Một năm. Hai năm. Thế thôi.

Robert đã nhầm. Hóa ra việc ném dây khó lắm. Robert cùng một số sinh viên của ông ném thử nhiều lần – lần nào cũng thất bại. Họ chỉ biết ném gần bằng dây mảnh, chứ ném chính xác bằng dây chất lượng gần như là nhiệm vụ bất khả thi.

Đảo Robert trở nên nổi tiếng. Trong suốt 30 năm, nhiều nhà toán học giỏi bơi sang và ném thử. Ai cũng lau mồ hôi, kêu khổ. Nhiều nhà toán học trên đất liền chuẩn bị các công cụ để kiểm tra hai con tàu lúc được kéo về bờ. Họ sản xuất máy kiểm tra sơn, lập trình phần mềm phân tích chân vịt; thậm chí có người tập cách đứng trên boong tàu để không bị say sóng. Nhưng toàn bộ sự nỗ lực đó sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có người biết ném dây và ngoắc móc.

Xuất hiện anh Ngô Bảo Châu! (Tiếng kèn trompet.) Nghe nhiều người kể về đảo Robert, anh ấy cởi áo, bơi sang, xin phép ném thử.

“Thử đi!” Các nhà toán học giỏi nhất thế giới động viên. “Thử xong ngồi uống trà đá với bọn mình nhé!”

Anh Châu ném thử, ném rất mạnh, dùng dây loại chất lượng nhất. Các nhà toán học đứng lên, cốc trà đá rơi xuống. Cách ném của anh Châu rất lạ; anh dùng kỹ thuật đặc biệt mà mọi người chưa từng thấy.

“Lại đi anh ơi!” Họ động viên tiếp. “Biết đâu anh sẽ là nhà toán học đầu tiên bắt tàu hai tay!”

Ngô Bảo Châu ném lại một lần nữa. Hai cái móc bám ngay vào hai con tàu khiến các nhà toán học giỏi nhất thế giới sững sờ ngưng cả thở (thêm tiếng trompet). Xong việc đó, anh Châu nhờ các đồng nghiệp ngưng cả thở ấy giữ dây để anh ấy có thể bay sang n Độ nhận giải thưởng Fields.

Chứng minh Bổ đề cơ bản là một trong những thành tựu lớn nhất của ngành toán học hiện đại, được tạp chí Time xếp vào danh sách “Top 10” phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. Vì Ngô Bảo Châu hoàn thành xong công việc của mình nên hàng trăm nhà toán học khác có thể bắt đầu hoàn thành công việc của họ, tự tin vào cuộc dựa trên nền tảng vững chắc. Cả Việt Nam nên rất tự hào về anh hùng ném dây tên Ngô Bảo Châu.

Bọn 9X

Gần đây tôi nghe nhiều người phàn nàn về thế hệ 9X. Bọn 9X kinh, bọn 9X khùng, bọn 9X đú đa đú đởn, vớ va vớ vẩn, lừ đà lừ đừ như ông Từ vào quán Playstation 3. Tóm lại bọn 9X rất “bọn”.

Lúc tôi bắt đầu hòa nhập vào làng giải trí Việt Nam (cách đây chỉ có vài năm), internet là sân chơi riêng của 8X. Blog được gọi là không gian độc quyền của các bạn 8X, chưa kể đến những website, forum, shop, portal, góc chia sẻ – tất cả đều của 8X hết. Khi đó 9X chỉ là cụm từ nêu ra để gây cười, giống “0X” bây giờ.

Nhưng chỉ vài năm sau, 8X đã thành cụm từ của hôm qua. Muốn hay không, các anh chị 8X đã phải nhường lại sân chơi ảo cho các em 9X trẻ trung và xinh tươi hơn. Trước đây 8X là những “bố già in-tờ-nét”, còn bây giờ họ là người bố thật, là người già thật, in tờ thì nhiều, mực không còn nét. Bây giờ nhắc đến 8X, người ta nghĩ đến công việc nhiều hơn giải trí. 8X là thế hệ năng động (ở đâu xuất hiện chữ 8X, ở đó xuất hiện tính từ “năng động”) đã và đang xâ dựng nền kinh tế phát triển. Vần vân và mừng mừng.

Có một thời gian báo online nhắc cả hai cho chắc “Quán rất hợp với 8X, 9X!” Nhưng thời gian ấy đã qua. Giờ quán chỉ hợp với 9X.

Các em 9X. Chỉ trẻ hơn các anh chị 8X mấy tuổi mà đã xây dựng một hình ảnh riêng trên – và ngoài – mạng.

Một người bạn của tôi từng nói vui: “7X thì không biết, không làm. 8X thì biết nhưng không làm. Còn đến với các em 9X là vừa biết vừa làm, vừa làm lại lần nữa cho biết!”. Đôi khi tôi cũng nhiệt tình tham gia các trò chơi chê cười 9X do các bạn 7X và 8X tổ chức. Bạn tôi bảo 9X điên, tôi bảo 9X hâm. Bạn tôi bảo 9X hư, tôi bảo 9X hỏng, cứ như thế đến hết một buổi chiều Chủ nhật.

Nhưng sáng thứ Hai tôi lại thấy… quý quý.

Thứ nhất, các em 9X biết tiếp cận với thế giới bên ngoài. Điều đó không có nghĩa là các em bị “Tây hóa” hay bỏ qua thế giới bên trong. Đặc điểm tôi muốn nhắc ở đây là khả năng tiếp cận với văn hóa quốc tế, là cách đối xử chung của tất cả các văn hóa có mặt trên sân hội nhập, không phân biệt Tây, Đông, Bắc, Nam hay Nữ. Singapore gặp Slovakia, Nhật gặp Na Uy – ở đâu có người từ xứ sở xa nhau gặp nhau, ở đó có văn hóa quốc tế.

Mặc dù khó xác định nét đặc trưng nhưng đó là văn hóa có thật. Có phần thái độ, có phần trình độ, thêm phần đại độ và đức độ cho đặc. Công bằng mà nói, nhiều người Việt thuộc các thế hệ trên rất biết tiếp cận với văn hóa quốc tế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.