Ánh nắng buổi chiều vẫn còn gay gắt, chiếu qua khe hở của những tấm mành sáo tạo thành vệt sáng trên tấm thảm. Nhìn những vệt sáng, tôi liên tưởng đến tới các chấn song nhà tù, thôi thúc tôi suy nghĩ tợn. Tôi ngồi một mình trong văn phòng Casy, khóa trái cửa lại, ngồi lì như thế có đến hơn một tiếng đồng hồ. Tôi không ngại có ai đến quấy rầy. Tôi ngồi trên chiếc ghế dựa, thoải mái vắt hai cẳng lên bàn, điếu thuốc cháy đến ngón tay mà không hay, ly rượu bỏ quên trên bàn. Đầu óc tôi quay cuồng suy nghĩ nóng bỏng đến mức có thể đun sôi nồi nước. Gorman không giết Brett. Cứ tạm cho là như thế. Như vậy tất phải có kẻ khác. Chẳng lẽ tôi phải giơ đầu chịu báng nếu không tìm ra kẻ đó. Tôi cho Lu đi kiểm tra tình trạng ngoại phạm của Boyd. Cho hết nhẽ thôi chứ tôi không tin Boyd là kẻ sát nhân. Hắn không có lý do gì để giết Brett. Kẻ sát nhân chắc phải cần tiền. Thế nếu không phải là Boyd thì còn những ai trong diện nghi ngờ nữa. Hay cô ả Sheila Kendrick – phu nhân tương lai của Brett? Cũng có thể. Hay một trong các gia nhân? Một trong bọn gác? Hay ông X… cô Y… những kẻ lạ mặt? Tôi chưa thể biết được.
Cuối cùng tôi dùng một biện pháp có thể nhanh chóng đi đến kết quả là bắt đầu suy nghĩ lại từ đầu, gạt bỏ những giả thuyết có sẵn mà chỉ tập trung vào các sự kiện thôi. Nếu tôi không nhanh chóng phát hiện được kẻ sát nhân, bọn cớm mà vớ được thì tôi tiêu. Kẻ sát nhân sẽ ung dung sống ngoài đời mà không bao giờ bị phát hiện.
Có những sự kiện nào nhỉ? Không nhiều lắm. Chắc kẻ sát nhân phải quen biết Brett, nếu không, hắn không thể nào lại gần Brett để chộp khẩu súng. Lý do để giết Brett là số tiền 25 ngàn. Rồi lại còn cái câu đầy bí ẩn khiến cả Brett và Max đều lưu tâm: Verne tặng Alma: “Bạn tốt nhất của một người đàn ông là vợ mình”. Câu này có ẩn ý gĩ? Nó có đóng vai trò gì trong cái chết của Brett? Tại sao Max lại viết nguệch ngoạc dòng chữ đó? Verne và Alma là những ai?
Có tiếng cào cửa và tiếng gọi khe khẽ của Mick. Tôi đứng lên mở cửa.
– Có phát hiện điều gì mới không?
– Chưa có gì hết. Óc tôi chạy hết công suất mà vẫn thấy tối mò mò.
– Anh đang làm gì?
– Chờ Lu. Hắn đang lục lọi về tình trạng ngoại phạm của Boyd. Việc làm vô ích thôi nhưng tôi muốn kiểm tra tất cả. Không ai lường hết được mọi chuyện. Này! Ngó cái này xem, – Tôi quăng cho gã tấm danh thiếp của Brett – anh nghĩ sao?
Mick cau mày đọc rồi lắc đầu:
– Không có ý kiến. Có thể câu này là một mật mã chăng? Tôi không bao giờ nghĩ người bạn tốt của một người đàn ông là vợ hắn cả. Thế còn anh? Theo tôi thì đó là con chó của hắn mới đúng.
– Đừng có tỏ ra thấp kém như vậy. Đây là ý nghĩ của một anh chàng yêu vợ. Y chắc phải cho khắc câu này vào chiếc vòng cưới.
– Tôi không bao giờ làm thế.
– Tôi không nói về anh. Tôi nói về một gã yêu vợ cơ. Anh không hiểu nổi điều này đâu.
– Tôi không nghĩ thế – Mick lùa tay vào mái tóc, cau mày đọc lại – Dòng chữ này có liên quan thế nào trong vụ của anh?
– Brett cho tôi tấm danh thiếp. Hắn muốn tôi gọi điện báo cho hắn biết trước khi tôi đến. Nhìn thấy hàng chữ ở mặt sau tôi thấy khó hiểu quá.
Mick nhún vai:
– Trời, làm sao anh lại nghĩ nó dính dáng tới cái chết của Brett?
– Tôi có linh cảm như vậy. Hàng chữ này phải có một ẩn ý gì chứ và tôi không được bỏ qua bất cứ chuyện gì dù nhỏ. Nếu tôi biết Verne và Alma là những ai thì điều đó giúp tôi rất nhiều. Nhưng làm sao biết được.
Mick suy nghĩ rồi lắc đầu:
– Chà! Có đôi vợ chồng nhà Baillie, đúng vậy nhưng chắc không phải họ. Một gã như Brett không thể nào có mối quan hệ với bọn Baillie được.
– Anh muốn nói gã Verne Baillie, tên chuyên cướp nhà băng à?
– Đúng vậy, nhưng chỉ là chuyện ném bùn sang ao thôi. Không thể là gã được.
– Ừ chắc không phải. Vợ gã là Alma phải không?
– Đúng. Tôi nghĩ đến đôi vợ chồng ấy.
– Có thể không phải bọn họ. Brett không tự hạ mình giao du với bọn cướp nhà băng. Điều này thật phi lý. Hơn nữa hình như đôi vợ chồng này chết rồi phải không.
– Phải. Verne bị Cảnh sát Liên bang bắn chết cách đây khoảng hai năm. Một năm sau đến lượt Alma chết vì tai nạn xe hơi.
Tôi cố giữ bình tĩnh:
– Đã có lúc tôi tưởng mình nắm bắt được một điều gì đó. Nhưng dù sao cũng là một sự trùng hợp kỳ lạ. Anh chắc chắn hai người đó chết rồi chứ?
– Đúng thế. Lu có thể cho anh biết thêm về họ. Hắn là bạn thân của Verne đây.
– Tôi không tin chuyện này có tầm quan trọng. Như anh nói có thể không phải là bọn họ. Tôi muốn tra hỏi bà Brett tương lai. Nếu tôi gặp được cô ả, thế nào mà ả chẳng khạc ra một lô chuyện.
– Anh không thể làm như thế được đâu. Nếu tôi là anh, tôi không thèm nghĩ gì nữa. Chỉ làm cho vấn đề thêm rắc rối thôi. Dòng chữ này không liên quan gì đến vụ giết người, tôi có thể cá như vậy.
Nhưng làm sao gã biết chuyện Max cũng quan tâm đến dòng chữ kỳ lạ ấy. Có tiếng gõ cửa. Chính là Lu.
– Kết quả khá chứ?
Lu lấc đầu:
– Cũng không phải Boyd. Suốt buổi tối hắn ở nhà. Anh còn cần tôi làm gì nữa không?
– Không phải Gorman, không phải Boyd. Còn ai nữa? Hay là Sheila Kendrick? Cô ả có mặt lúc đó. Nhưng ta lại không thể xác minh được đúng lúc Brett bị hạ sát thì cô ta làm gì, trừ phi ta lộ mặt. Nhưng tôi lại không được phép làm như vậy. Kẻ sát nhân có thể là bất kỳ người nào. Tôi muốn nói là kẻ đó chúng ta chưa bao giờ đề cập đến.
Tôi quay sang Lu hỏi:
– Cậu quen vợ chồng Baillie phải không?
Hắn sững sờ:
– Vâng, tôi quen Verne Baillie. Nhưng làm sao tự nhiên anh lại gợi cái tên này ra?
– Cậu quen thân chứ?
– Khá thân. Cách đây ba hay bốn năm, chúng tôi có cộng tác với nhau. Khi gã lấy vợ thì tôi ít gặp. Nhưng gã làm gì trong vụ này?
– Tôi không biết – Tôi đưa tấm các cho hắn xem -Cậu có nghĩ ra điều gì không?
Lu đọc xong hàng chữ, há hốc mồm:
– Đúng Verne rồi. Gã luôn miệng nói Alma là người bạn tốt nhất của gã. Hai vơ chồng này phát cuồng vì nhau.
Tôi bắt đầu thấy kích động.
– Lu, cậu nói đúng chứ? Chuyện này quan trọng đấy.
– Tất nhiên là đúng rồi. Verne nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần câu nay khiến bạn bè nghe mãi chán cả tai. Tôi cũng vậy.
– Gã có biết Brett không?
– Verne ư? Không đâu. Ở tuổi anh mà lại hỏi câu ngớ ngẩn thế. Veme không bao giờ giao thiệp với các nhà triệu phú.
– Thế sao Brett lại viết câu nói đó vào tấm danh thiếp?
Lu nói đầy tự tin:
– Verne không bao giờ quen Brett. Gã chưa bao giờ làm ăn ở gần bờ biển Thái Bình Dương cũng như ở Kansas, như vậy ở rất xa địa bàn hoạt động của Brett.
Tôi không biết chuyện này có ý nghĩa gì nhưng tin chắc Brett và Verne không bao giờ gắn bó với nhau.
– Thế chuyện gì xảy ra với gã, hả Lu?
– Gã bị hạ sát sau khi đánh cướp một nhà băng ở Tulsa. Có lẽ anh còn nhớ vụ này. Verne ẵm đi một trăm ngàn đô-la. Một cú thật tuyệt. Gã và Alma thành công rực rỡ nhưng rồi mọi chuyện lại đi tong hết. Alma chắc phải phát rồ. Verne sử dụng cây tiểu liên, đốn ngã hai tên chỉ điểm, làm bị thương một đứa khác, giết hai người bảo vệ nhà băng và làm một anh cớm bị thương.
– Đúng rồi, bây giờ tôi nhớ ra rồi. Vụ này xảy ra cách đây khoảng hai năm.
– Đúng vậy. Bọn cớm Liên bang nhâu nhâu lùng bắt Verne suốt ngày đêm. Cuối cùng họ phát hiện ra gã trốn tránh trong một ngôi nhà ở Dallas, bèn vây chặt và nổ súng tấn công. Khi xông vào được nhà, họ thấy gã trúng 20 phát đạn trên người nhưng không chết. Chỉ khi đưa hắn vào bệnh viện, hắn mới chết trên xe. Còn Alma trốn thoát.
– Về sau cô ta ra sao?
– Khi họ vây bắt Verne thì Alma ra phố mua sắm những thứ lặt vặt. Khám nhà, họ tìm thấy những va-li chứa một trăm ngàn nên biết cô ta không còn bao nhiêu tiền. Họ tiếp tục săn đuổi nhưng cô ta thoát được. Một năm sau, bọn cớm được mật báo có người nhìn thấy cô ta ở Elk Citi nhưng khi đến nơi thì cô ta vừa đi. Hai ngày sau, viên shérif 1 phát hiện cô ta và ra lệnh báo động. Cô ta lẩn trốn ở Alburquerque và thêm một lần nữa lại trốn thoát. Họ tìm thấy xác cô ta cách Gallup vài cây số trong một tai nạn xe hơi. Chiếc xe húc vào gốc cây và bốc cháy. Trong xe có một xác chết bị nghiền nát và cháy đen thui. Đích thực là Alma. Vụ này xảy ra cách đây khoảng 11 tháng.
Tôi suy nghĩ một lát rồi lắc đầu. Câu chuyện đôi vợ chồng này không giúp ích gì cho tôi. Tôi đi lại trong phòng, đầu óc vẫn suy nghĩ rồi hỏi:
– Cô gái có chắc là Alma không?
– Có thể không phải là Alma – Lu cười nhạo – Nhưng Cảnh sát Liên bang xác nhận chính là cô ta, mà Cảnh sát Liên bang thì nhầm làm sao được. Chiếc xe đó của cô ta. Một chiếc khác văng ra xa, chứa đầy quần áo của cô. Họ không thể xác định nhận dạng người chết. Họ không có dấu tay cô ta còn cái xác thì cháy đen thui. Nếu không phải cô ta thì còn ai vào đây nữa.
– Lúc đó có ai bị mất tích không?
– Người ta không nói đến chuyện này.
– Không, tôi lạc vào đây nhiều người quá rồi. Thế có ai biết chuyện gì về Sheila Kendrick không?
– Không phải công việc của tôi.
– Tốt nhất là nên điều tra về cô ta, Lu. Tôi muốn cậu lo chuyện này. Tôi muốn biết cô ta chui từ đâu ra, làm gì trong những năm gần đây. Cô ta từ San Francisco đến. Cậu cần phải sục sạo tìm hiểu xem. Chuyện này cũng quan trọng đấy.
Lu nhìn Mick với vẻ dò hỏi.
– Tôi lãnh việc này à?
– Tất nhiên chú mày phải làm rồi.
– Đồng ý. Nhưng chắc chỗ này không có con mồi nào để anh sủa đâu.
– Có thể cậu có lý nhưng đó là hướng điều tra duy nhất hiện nay. Bản thân tôi cũng thử lục lọi một chút xem. Tôi bắt đầu lại từ đầu. Có thể tôi tóm được một cái gì đó nếu truy nguyên từ đầu. Tôi sẽ lo về chuyện Baillie.
– Tôi thấy họ không liên quan gì trong vụ này – Mick lắc đầu nói – Nhưng thôi, anh cứ làm theo cách của anh.
Khi Lu bước ra cửa, tôi gọi giật lại:
– Khoan đã, Lu. Có bao giờ cậu gặp Alma không?
– Một lần, nhưng tôi không bắt chuyện với cô ta. Cô ta ngồi chờ Verne trong xe.
– Cậu còn nhớ cô ấy thế nào không?
– Không chính xác lắm. Tôi chỉ nhớ cô ta có mớ tóc vàng. Tôi chưa lần nào nhìn cô ta gần cả.
– Thôi được rồi, Lu.
Khi hắn đi khuất tôi nói với Mick:
– Sáng mai việc làm đầu tiên của tôi là chuồn khỏi đây. Anh giữ hộ tôi 25 nghìn. Nếu có chuyện không may đến với tôi thì anh cứ việc tiêu.
Sáng sớm hôm sau, tôi phóng xe rời khỏi Santa Medina đi về phía Alburquerque. Trên đường đi tôi dừng lại ở Gallup, đến văn phòng viên sheriff. Lão có tuổi, người béo tốt, dư thời gian rảnh rỗi để nhổ râu. Lão tiếp đón nồng nhiệt khi tôi tự xưng là nhà báo đến tìm hiểu về vụ Baillie.
– Tôi không cung cấp được nhiều chuyện hay ho cho ông đâu – Lão co hai chân lên bàn – Mời ông ngồi, cứ thoải mái tự nhiên. Tôi không có rượu đãi ông nhưng chắc ông nhịn được.
Tôi nói với lão chuyện rượu chè cho qua và nghĩ bụng không biết mình rút tỉa ở lão được gì, có bỏ công ghé gặp lão không. Lão vẫn nhớ như in vụ tai nạn xe hơi. Đó là một sự kiện lớn lao trong cuộc sống ở thành phố Gallup bé nhỏ này, kéo dài hàng tuần.
– Chuyện đó xảy ra như thế này – Lão vừa nói vừa cắn khít rịt cái tẩu – Tôi đang đứng ở ngưỡng cửa sưởi nắng thì cô gái xịch tới. Cảnh sát Liên bang có thông báo về đặc điểm cô ta nhưng không nhiều lắm. Tôi chỉ biết họ truy nã một cô gái tóc vàng mặc áo măng-tô bằng da màu nâu xẫm, lái chiếc xe Chrysler màu xanh. Cô gái này cũng lái chiếc Chrysler màu xanh nhưng có biển kiểm soát không đúng với số mà Cảnh sát Liên bang thông báo và không mặc áo măng-tô da. Tôi bắt đầu chú ý, ông hiểu tôi chứ, tôi quan sát nhưng không nghĩ ngay đây chính là cô gái bị truy nã. Cô ta vào hiệu tạp hóa mua ít thứ và tôi tự hỏi thế nhỡ đó chính là Alma thì sao? – Lão cười láu lỉnh – Nếu đúng là Alma thì cô ta rất nguy hiểm mà tôi quá già rồi, không dám chơi cái trò pằng pằng nữa. Tôi để mặc cô ta đi và gọi điện thoại cho Sở Cảnh sát địa phương thông báo tôi nhìn thấy cô ta. Họ tìm thấy cô cách thành phố khoảng 2 cây số, chiếc xe tông vào gốc cây bị vỡ nát. Câu chuyện là như vậy.
– Thế người ta có tiến hành kiểm tra theo đúng thủ tục để xác nhận cô gái đó chính là Alma Baillie không?
Miệng lão ngáp dài.
– Tất nhiên rồi. Ông hiểu không, có một giải thưởng cho ai bắt được cô ta đấy. Lẽ ra tôi có quyền được hưởng số tiền thưởng đó nhưng viên sĩ quan Cảnh sát Liên bang lại đứng ra nhận. Hắn cũng khá biết điều nên chia cho tôi một nửa. Hắn không thể nhầm lẫn được. Hắn có khá nhiều bằng cớ để chứng minh là đúng. Người ta tìm thấy chiếc áo da. Tuy nó bị cháy nhưng vẫn nhận ra dễ dàng. Ngoài ra lại còn khá đầy đủ quần áo trong va-li để tôi tin đúng là Alma.
– Thế còn dấu tay?
– Anh bạn trẻ, anh còn đòi hỏi gì nữa? Họ không có dấu tay của cô ta trong hồ sơ. Nếu cái gì anh bạn cũng nghi ngờ thì chóng già trước tuổi đấy.
Tôi cám ơn, đãi lão một điếu xì gà, trong bụng không hài lòng lắm. Từ Gullup tôi phóng thẳng đến Alburquerque gặp ông Trưởng ban tin tức tờ báo địa phương. Tôi vẫn dùng cách phỉnh phờ như vậy và đề nghị ông ta cho tôi biết những chi tiết hữu ích về vụ Alma.
Ông Trưởng ban tin tức là một người đàn ông nhỏ thó khá nhanh nhẹn với đôi mắt xám tinh ranh, nhìn tôi qua chiếc kính cận thị dầy cộp.
– Thưa ông Dexter, thực sự ông muốn biết những điều gì?
– Tôi muốn ngó ngôi nhà cô ta ở và muốn biết ông có tin là cô ta chết trong xe hơi hay một cô gái nào khác?
Ông hấp háy đôi mắt.
– Thật vui khi thấy ông đặt câu hỏi như vậy. Hồi đó, tôi cũng nghi ngờ nhưng không đi đến đâu hết. Viên sĩ quan Cảnh sát Liên bang đã xác nhận chính là cô ta. Hắn vớ bở được hai ngàn đô-la tiền thưởng.
– Thế hiện nay hắn ra sao?
– Hắn về hưu, bây giờ nuôi gà vịt.
– Vì lý do gì ông không tin là Alma?
Ông ta cười nhạt:
– Sự thể là thế này. Thưa ông Dexter, chúng tôi là những người có thói quen hoài nghi. Có một người ở Gallup cho biết trong xe có hai cô gái lận, nhưng ông sheriff gạt đi và bảo lão là kẻ nói láo. Nhưng cũng có thể lão nói láo thực.
– Thế người đó là ai?
– Tôi quên mất tên rồi. Hiện nay lão không còn ở chỗ cũ nữa.
– Thế ông có biết lão đi đâu không?
– Ở Amarillo. Nhưng lão là một nhân chứng không thể tin cậy được. Nửa cuộc đời lão chìm trong be rượu còn nửa kia thì đánh cắp từng đồng xu để trả tiền rượu. Chúng tôi đi đến kết luận là lời chứng của lão không đáng giá một đồng kẽm.
– Tôi rất biết ơn ông nếu ông cho tôi xin cái tên và địa chỉ của lão.
– Jack Nelsby. – Ông ta nói sau khi sai nhân viên lục lọi trong đống hồ sơ lưu trữ và cho tôi luôn cả địa chỉ.
Từ Alburquerque, tôi lái xe đến Amarillo tìm thấy Nelsby đứng chầu chực bên quầy rượu. Nom lão già khọm, đầu óc nhão nhoét vì rượu. Mắt lão sáng lên khi tôi đề nghị đãi lão một ly uytxki thật bự.
Đúng, lão nhớ lại có nhìn thấy Alma ở Gallup. Lão nói giọng khàn khàn:
– Đúng là một vụ sắp đặt trước, gã cớm Liên bang nhận tiền thưởng một cách bất lương. Trong xe có hai cô gái. Tôi nhìn rất rõ hai cô chẳng kém gì lúc này đang nhìn ông. Một cô quần áo sang trọng, người thơm phức còn một cô rách rưới nghèo nàn. Lão sheriff cũng nhìn thấy cả hai nhưng cứ câm như hến vì tay cớm Liên bang trám miệng lão một nửa số tiền thưởng. Khi tôi cáo giác việc làm sai trái này, hai gã dọa nhốt tôi về tội lang thang.
Tôi nhìn lão vẻ nghi ngờ. Viên Trưởng ban tin tức có lý khi nói ông lão là một nhân chứng không đáng tin cậy. Đứng trước Tòa án, lão không có gì để mà hy vọng nhưng lúc này chúng tôi đâu có ở Tòa án.
– Cái cô nghèo nàn ấy… cô ta ra sao?
Láo ngẫm nghĩ, cố moi trong đầu óc tối tăm ra một cái gì rồi lắc đầu:
– Tôi khổng biết, tôi không chú ỷ. Thưa ông, tôi không có thói quen để ý đến phụ nữ. Nhưng chắc chắn có hai cô, tôi có thể thề đúng như vậy.
– Thế cô gái nghèo đó cũng thuộc loại tóc vàng à?
– Tôi không nghĩ thế. Hình như cô tóc nâu.
– Tại sao ông biết cô là dân nghèo?
– Thì… quần áo cô mặc ấy.
Lão có vẻ ngỡ ngàng khi tôi đặt câu hỏi ấy.
– Cô ta mặc một áo mưa thật bẩn. Còn cô kia bảnh lắm, bảnh thật sự. Ông hiểu như thế nào rồi.
Không còn gì để khai thác lão thêm, tôi trả tiền cho lão ly uytxki. Tôi ngồi trên xe suy nghĩ một hồi lâu. Tôi đi ngược dòng thời gian, nhớ lại tất cả những gì tôi đã nhìn, đã nghe kể từ buổi gặp Gorman lần đầu. Tôi cứ ngồi suy ngẫm dễ có hơn một tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng lại ghi chép những ý nghĩ chọt lóe lên trong đầu, Tôi vẫn thấy mờ mịt như người đi trong sương mù, tuy nhiên có một tia sáng le lói phía trước và tôi biết nếu cứ tiếp tục đào bới chắc chắn sẽ tìm ra một cái gì. Tôi chợt nhớ tới Veda kể cho tôi nghe về cuộc sống quá khứ của cô. Con đường tôi đang đậu xe nằm trên lộ trình về Waukomis đến Hollywood. Nếu tôi phóng về Waukomis sục sạo ở đâu đó thế nào cũng tìm ra quán ăn hồi đó cô làm công ở đấy. Tôi quyết định đi tìm, may ra lượm được một chi tiết gì đó chăng.
Tôi không còn nhiều thời gian để điều tra nữa thế mà phải mất hai ngày la cà dọc đường cứ gặp một khách sạn, quán ăn hay quán rượu nào, tôi cũng dừng xe lại để hỏi thăm. Cuối cùng tôi đã tin chắc mình tìm ra Clinton. Ngay khi nhìn thấy quán, tôi đã tin chắc mình tìm ra rồi vì đằng sau quán là một kho lúa rộng lớn.
Tôi đậu xe bên lề đường, đẩy cửa bước vào. Trong quán bày biện thật thảm hại, chỏng chơ vài cái bàn, dăm cái ghế đẩu. Bên chiếc quầy hình chữ S, một gã gày gò, mặt khó đăm đăm, choàng cái tạp dề dơ dáy, nhìn đi đâu không thèm chú ý đến tôi. Cứ như chuyện bán hàng không phải phận sự của gã.
Tôi gọi một ly cà phê và một khoanh mứt táo. Gã đặt phịch ly cà phê trước mặt tôi và định thái khoanh mứt táo thì tôi hỏi:
– Hồi trước có con nhỏ tên là Veda Rux làm ở đây phải không?
Gã vứt khoanh mứt táo xuống quầy, mắt guờm gườm nhìn tôi:
– Thì sao?
– Tôi kiếm cô ta. Cô ta được thừa kế một ít tiền. Thưởng 10 đô-la cho người nào cung cấp tin tức.
– Con nhỏ có chuyện lôi thôi à?
– Không đâu. Có người để lại cho cô ta 200 đô-la. Tôi đang tìm.
Tôi huơ huơ trước mặt gã hai tờ giấy 5 đô-la. Mặt mũi gã tươi tỉnh hơn, vồn vã nói:
– Vâng, con nhỏ trước kia làm ở đây nhưng hiện nay tôi không biết nó ở đâu. Nghe nói nó đi Hollywood nhưng cái ngữ ấy chắc gì đã đến được đây.
– Anh còn giữ được tấm hình nào của cô ta không?
– Không.
– Một cô gái khá xinh hả?
Gã gật đầu.
– Một con đĩ. Nó không bao giờ để cho những tay lái xe tải được yên thân. Khi tôi không để ý thế là nó rủ rê bọn họ vào kho thóc. – Gã làu nhàu khi nhớ lại những kỷ niệm xấu xa – Một con ranh quen ăn sẵn nằm ngửa, một đứa không ra gì.
– Có phải cô ta tóc nâu, mắt xanh, thân hình gợi cảm?
– Mắt không xanh… Nâu thì đúng hơn.
– Vậy sao? Cô ta thuận tay trái?
Gã lại gật đầu.
– Cô ta thôi việc từ bao giờ?
– Khoảng gần một năm.
– Anh có thể nói chính xác hơn một chút không? Tôi cần biết ngày nào cô ta bỏ đi.
Tôi rút thêm tờ 5 đô-la đặt lên hai tờ giấy trước để trên quầy.
Gã nhìn tiền, suy nghĩ một lát rồi lắc đầu:
– Tôi không nhớ ra đâu… A! Ông cứ đứng nguyên đấy. Tôi tìm cái này. Hình như tôi có ghi vào quyển lịch bỏ túi.
Tôi chén hết miếng mứt và uống cạn ly cà phê mới thấy gã quay lại.
– Ngày 5 tháng Bảy năm ngoái.
Vừa khéo. Trước ba ngày xảy ra tai nạn xe hơi của Alma. Tôi cám ơn trả tiền cho gã rồi bước ra. Tôi tự nhủ đã có thêm nhiều tia sáng hy vọng rồi. Tôi xem bản đồ và phóng xe rời thành phố.
Mãi cho đến chiều tà, tôi mới đến Waukomis thuộc bang Oklahoma. Một thành phố nông nghiệp điển hình ở vùng Trung Tây. Tôi bước vào quán rượu đầu tiên.
– Tôi tìm gia đình Rux – Tôi nói với người bán rượu – Họ vẫn còn sống trong thành phố chứ?
Hắn nhăn cái mũi to bè, có dáng không coi trọng gia đình Rux lắm.
– Có một người chị là Martin lấy chồng ở vùng núi. Còn những người khác đã tha phương cầu thực khi ông già chết. Thế mà lại hay. Cả một gia đình đồi bại, khùng điên cứ luôn gây chuyện rắc rối.
Tôi cố nặn ra nụ cười:
– Phải, đúng vậy. Tôi cố tìm tung tích của Veda Rux. Chắc anh còn nhớ cô ta?
– Ông là ai? Cớm hả?
– Không. Cô ta được thừa hưởng một ít tiền. Tôi muốn giao tiền cho cô ta. Anh còn nhớ cô ấy chứ?
– Tất nhiên là tôi vẫn nhớ. Một đứa khùng nhất trong bọn. Nó không bao giờ để một người đàn ông được yên ổn. – Hắn lắc đầu – Vậy là nó được thừa hưởng gia tài à?
– Chị cô ta bây giờ ở đâu?
Hắn chỉ dẫn cho tôi tỉ mỉ. Tôi cho xe chạy ngược lên vùng núi cho tới một nơi chỉ có mấy ngôi nhà gỗ chồng chất nhau.
Bà Martin không giống Veda một chút nào. Người to béo, da đỏ au, nhưng bà rất niềm nở khi tôi nói lý do đi tìm Veda.
– Từ lâu tôi không gặp cô ấy – Bà vừa nói vừa chùi tay vào chiếc tạp dề bẩn thỉu – Người nào đã để lại cho cô ấy số tiền?
– Một người quen. Thế là tôi vẫn chưa tìm được cô ấy. Bà còn giữ tấm ảnh nào của cô ấy không?
– Chỉ có một chiếc chụp hồi còn nhỏ.
Bà đưa cho tôi, tôi chăm chú nhìn hồi lâu vào một khuôn mặt bé nhỏ, gày còm, xấu xí.
– Cô ấy có đặc điểm gì để dễ nhận ra không?
– Có một cái bớt. – Bà nở một nụ cười xúc động – Một cái bớt nằm ở một chỗ không thể phô ra được.
– Cái bớt ra sao?
– Một vết tròn, đỏ lớn cỡ đồng xu.
– Cô ấy thuận tay trái phải không?
– Phải.
– Mắt màu xanh?
– Ồ không, màu nâu chứ.
Tôi cám ơn bà. Tôi thu thập đủ mọi tin tức cần thiết. Bây giờ tôi phải cần tìm Veda.
Tôi quay trở về, rong ruổi trên con đường thật dài.
Chú thích
1.Cảnh sát trường do dân bầu ra.