Người Đưa Tin

Chương 7: Rome



Trong tuần tiếp theo, Gabriel vẫn ở lại căn hộ an toàn gần nhà thờ Trinità dei Monti. Có những lúc, anh tưởng chừng như chưa có vụ khủng bố nào diễn ra cả. Nhưng khi anh ra ban công, nhìn mái vòm Đại thánh đường nằm trên nóc thành phố bị tàn phá và ám đen vì khói lửa, tựa như Chúa trời, trong giây phút bất cẩn hay không đồng ý, đã đưa tay phá hủy tác phẩm của con mình. Gabriel, người chuyên phục chế, ước rằng đây chỉ là một bức tranh – một bức vẽ lâu ngày anh có thể khôi phục bằng một chai dầu hạt lanh và một ít màu.

Tổn thất về người tăng lên mỗi ngày. Đến cuối ngày thứ tư – Thứ Tư Đen Tối, như những tờ báo của Rome gọi – số lượng người chết lên đến 600. Đến thứ năm, con số này là sáu trăm năm mươi, và đến cuối tuần con số đã vượt quá 700 người thiệt mạng. Đại tá Karl Brunner – Chỉ huy trưởng đội cận vệ Thụy Sĩ của Giáo hoàng nằm trong số những người thiệt mạng. Luca Agelli cũng không qua khỏi, sau khi cố giành giật cuộc sống ba ngày trong trạm xá Gemelli trước khi bị ngưng máy hỗ trợ. Đích thân Giáo hoàng làm lễ rửa tội và ở bên Angelli cho đến khi anh mất. Hội đồng Hồng y chịu mất mát to lớn. Bốn Hồng y nằm trong số người thiệt mạng, cùng tám Giám mục trong Hội đồng, và ba Đức ông. Tang lễ của họ được cử hành trong Đại thánh đường của Thánh John Lateran, bởi vì hai ngày sau vụ tấn công, đội kỹ sư kết cấu quốc tế kết luận Đại thánh đường không an toàn. Tờ báo lớn nhất nước Ý, La Republica, đưa tin này bằng cách đăng một tấm hình mái vòm bị hư hại khổ một trang báo, đề tựa bằng một chữ duy nhất: HỎNG.

Chính phủ Israel không có nhân viên tham gia vào vụ điều tra, nhưng Gabriel, nhờ mối quan hệ gần gũi với Giáo hoàng và Donati, nhanh chóng biết nhiều thông tin về vụ tấn công như bất cứ nhân viên tình báo nào trên thế giới. Anh thu thập phần lớn thông tin tại bàn ăn tối của Giáo hoàng, nơi anh ngồi mỗi tối cùng những người lãnh đạo cuộc điều tra: Tướng Marchese của Lực lượng Carabinieri và Martino Bellano thuộc bộ phận an ninh Ý. Đa phần họ trò chuyện thoải mái trước mặt Gabriel, còn những gì họ giấu giếm thì Donati nói lại cho anh nghe. Sau đó, Gabriel chuyển tiếp các thông tin tới đại lộ King Saul. Đó chính là lí do tại sao Shamron không vội vã giục anh rời Rome.

Trong vòng 48 tiếng sau cuộc tấn công, người Ý đã nhận diện được tất cả những người tham gia. Vụ bắn tên lửa được thực hiện bởi một đội gồm bốn tên. Tên tài xế xe tải có gốc Tunisia. Ba người phóng tên lửa RPG-7 có quốc tịch Gioócđan, và là cựu chiến binh trong cuộc nổi loạn ở Irắc. Tất cả bốn tên đều bị giết trong trận đọ súng với Lực lượng Carabinieri vài giây sau khi phóng tên lửa. Còn về ba tên đóng giả làm linh mục người Đức, chỉ một tên thực sự là người Đức, là sinh viên kỹ thuật ở Hamburg, tên là Manfred Zeigler. Tên thứ hai là người Hà Lan đến từ Rotterdam, còn tên thứ ba là người Bỉ nói tiếng Flemish đến từ Antwerp. Cả ba tên đều là người cải đạo sang Hồi giáo, và đều đã tham gia những cuộc biểu tình chống Mỹ và chống Israel. Gabriel, mặc dù không có chứng cứ, nghi ngờ bọn chúng đều do Giáo sư Ali Massoudi tuyển mộ.

Sử dụng video giám sát mạch đóng và những lời khai các nhân chứng, những người có thẩm quyền ở Ý và Vatican có thể tái hiện lại những phút cuối cùng của bọn nổ bom. Sau khi được phép bước vào trong phòng Tiếp nhận, cả ba tên đã đi về phòng Ibrahim el-Banna gần quảng trường Piazza Santa Maria. Khi rời phòng, mỗi tên mang theo một chiếc cặp táp lớn. Như Angelli nghi ngờ, cả ba tên đi qua Đại thánh đường bằng lối vào phụ. Chúng xâm nhập quảng trường Thánh Peter bằng cách lọt qua cửa Tử Thần. Cánh cửa này, không giống như bốn cánh cửa khác dẫn từ Đại thánh đường vào quảng trường, đáng lẽ phải được khóa lại. Mãi đến cuối tuần cảnh sát Vatican vẫn chưa biết ai đã mở nó ra.

Ba ngày sau vụ khủng bố, xác của Ibrahim el-Banna được kéo ra khỏi đống đổ nát của căn hộ chung cư trong Trastevere và được nhận diện. Tổ chức đằng sau hắn ta vẫn là một tần số. Ai là hội Huynh đệ Allah? Một nhánh của al-Qadea hay chỉ là tên gọi khác của tổ chức này? Ai đã lập kế hoạch và tài trợ một hoạt động chi tiết như thế? Một điều có thể thấy rõ ngay lập tức. Cuộc tấn công vào vương quốc Thiên Chúa giáo đã nhóm lại ngọn lửa phong trào tử vì đạo khắp toàn cầu. Nhiều lễ ăn mừng đường phố cuồng nhiệt bùng nổ ở Tehran, Cairo, Beirut, và các lãnh thổ thuộc Palestine. Những nhà phân tích tình báo từ Washington đến Luân Đôn và Tel Aviv ngay lập tức nhận thấy hoạt động chiêu mộ đột ngột gia tăng.

Thứ tư tuần kế tiếp, một tuần sau vụ tấn công, Shamron quyết định đã đến lúc Gabriel phải về nước. Khi anh đang thu dọn hành lý trong căn hộ an toàn, đèn đỏ điện thoại nhấp nháy cho biết có cuộc gọi. Anh nhấc ống nghe lên và nghe giọng của Donati.

“Đức Thánh Cha muốn nói riêng vài lời với anh”.

“Khi nào?”

“Trưa nay trước khi anh ra sân bay”.

“Nói về việc gì?”

“Anh là thành viên của một câu lạc bộ rất nhỏ, Gabriel Allon”.

“Câu lạc bộ nào?”

“Dành cho những người dám đặt những câu hỏi như thế”.

“Ở đâu và khi nào?” Giọng Gabriel mềm mỏng hơn.

Donati cung cấp thông tin cho anh. Gabriel cúp điện thoại và gói ghém hành lí.

Gabriel vượt qua một điểm canh gác của Lực lượng Carabinieri rồi băng qua quảng trường Thánh Peter trong ánh chiều tà đang lụi tắt. Quảng trường vẫn đóng cửa đối với công chúng. Đội ngũ giám định y khoa đã hoàn tất công việc kinh khủng của họ, nhưng hàng rào mờ đục dựng quanh ba địa điểm nổ bom vẫn còn đó. Một tấm vải dầu trắng lớn phủ bên ngoài Đại thánh đường, che giấu hư hại bên dưới hành lang Ban Phước. Trên tấm vải có hình chim bồ câu và một từ duy nhất: HÒA BÌNH.

Gabriel đi qua Vòm Chuông và bước dọc theo cánh trái của Đại thánh đường. Các lối vào bên hông bị khép kín và dựng chướng ngại vật, cảnh sát Vatican đứng gác ở mỗi cổng. Vatican có thể hình dung ra chuyện gì đã xảy ra chưa – có thể, Gabriel nghĩ, cho đến khi họ nhìn thấy vòm nhà bị phá hủy, bây giờ đang được chiếu sáng bởi hoàng hôn có mặt trời màu đỏ thẫm. Giáo hoàng đang ngồi chờ tại ngôi nhà Người Làm Vườn. Ông nồng nhiệt chào đón Gabriel và họ cùng nhau đi về góc xa của Vatican. Một tá cận vệ Thụy Sĩ mặc thường phục đi cạnh họ giữa những cây thông, những chiếc bóng của họ đổ dài trên cỏ.

“Luigi và ta vừa yêu cầu đội cận vệ Thụy Sĩ giảm bớt số người theo bảo vệ ta”, Giáo hoàng nói. “Hiện tại vấn đề này là không thể thương lượng. Họ hơi căng thẳng – vì những lí do có thể hiểu được. Kể từ vụ tấn công Rome, bây giờ mới lại có đội trưởng chết vì bảo vệ Giáo hoàng khỏi những cuộc tấn công của kẻ thù”.

Họ bước đi trong yên lặng giây lát. “Chẳng lẽ đây là số phận của ta ư, Gabriel? Luôn luôn bị những người mang bộ đàm và súng vây quanh? Làm sao ta có thể tiếp xúc với con chiên của mình? Làm sao ta có thể an ủi người ốm và những người khốn khổ nếu bị tách biệt khỏi họ bởi một đội quân bảo vệ?”

Gabriel không biết phải đáp lại như thế nào.

“Mọi việc sẽ không bao giờ như cũ, đúng không?”

“Không, thưa Đức Thánh Cha. Con e rằng không”.

“Họ có thực sự muốn giết ta không?”

“Không nghi ngờ gì nữa”.

“Họ sẽ làm lại lần nữa chứ?”

“Một khi bọn chúng nhắm được mục tiêu, thường bọn chúng sẽ không dừng lại cho đến khi thành công. Nhưng trong trường hợp này, bọn chúng đã giết được bảy trăm người hành hương, vài Hồng y và Giám mục – chưa kể chỉ huy đội cận vệ Thụy Sĩ. Chúng cũng thành công trong việc phá hỏng Đại thánh đường. Theo ý con, chúng sẽ xem như mình vừa viết nên một trang sử”.

“Chúng có thể không thành công trong việc giết ta, nhưng đã thành công trong việc biến ta thành tù nhân Vatican”. Giáo hoàng dừng bước nhìn mái vòm bị tàn phá. “Chiếc lồng của ta không còn vàng son nữa. Phải mất cả thế kỷ để xây dựng nhưng phá hủy chúng chỉ mất vài giây”.

“Nó chưa bị phá hủy, thưa Đức Thánh Cha. Mái vòm có thể khôi phục lại”.

“Điều này vẫn cần nghiên cứu thêm”, Giáo hoàng nói với vẻ buồn bã khác với tính cách thường ngày. “Chưa chắc các kỹ sư và kiến trúc sư đã làm được việc này. Có thể phải kéo sập xuống xây dựng lại từ đầu. Những bức bích hoạ bị hư hại nghiêm trọng dưới sức nặng của đống đổ nát. Không dễ mà thay thế được, về việc này thì cậu rõ hơn ai hết“.

Gabriel liếc nhanh đồng hồ đeo tay. Anh sẽ phải ra phi trường trong ít phút nữa, nếu không sẽ lỡ chuyến bay. Anh tự hỏi sao Giáo hoàng lại mời mình đến đây. Chắc chắn không phải để bàn cách xây dựng lại Đại thánh đường. Họ đang đi về hướng tháp thánh John, ở góc tây nam Vatican.

“Chỉ có một lí do duy nhất tại sao ta chưa chết”, Giáo hoàng nói. “Đó là nhờ cậu, Gabriel. Do đau buồn và rối ren trong tuần qua, ta chưa có cơ hội cảm ơn cậu thích đáng. Bây giờ ta đang làm điều này. Ta chỉ ước mình có thể cảm ơn cậu một cách công khai”.

Vai trò của Gabriel trong vụ việc này được che chắn rất kỹ khỏi giới truyền thông. Cho đến giờ này, mặc dù rất khó khăn, sự tham gia của Gabriel vẫn còn là một bí mật.

“Con chỉ ước giá mình có thể khám phá ra Ibrahim el-Banna sớm hơn”, Gabriel nói. “Lẽ ra đã cứu được hàng trăm người”.

“Cậu đã làm mọi thứ nên làm”.

“Có lẽ thế, thưa Đức Thánh Cha, nhưng chưa đủ”.

Họ đến bức tường Vatican. Giáo hoàng đi lên các bậc của cầu thang bằng đá, và Gabriel yên lặng theo sau ông. Họ đứng ở góc lan can nhìn bao quát Rome. Thành phố đang lên đèn. Gabriel nhìn qua vai thấy đội cận vệ Thụy Sĩ đang đứng lo lắng dưới chân họ. Anh đưa tay làm cử chỉ trấn an rồi nhìn Giáo hoàng, người đang ngắm những chiếc xe hơi chạy dọc Viale Vaticano.

“Luigi bảo ta cậu sẽ được thăng chức khi về Tel Aviv”. Đức Thánh Cha phải lên giọng để át tiếng xe cộ. “Cậu tự kiếm được việc thăng chức này, hay đây là tác phẩm của Shamron?”

“Một vài người bị bắt phải nhận những điều lớn lao, thưa Đức Thánh Cha”.

Giáo hoàng mỉm cười, nụ cười đầu tiên Gabriel thấy trên gương mặt ông kể từ khi anh đến Rome. “Cho phép ta đưa cậu lời khuyên nhỏ nhé?”

Gabriel gật đầu.

“Hãy sử dụng quyền lực của mình thật khôn ngoan. Mặc dù cậu sẽ thấy mình trong tình huống buộc phải trừng phạt kẻ thù, hãy sử dụng quyền lực để theo đuổi hòa bình bất cứ khi nào. Hãy tìm kiếm công lý, đừng tìm kiếm sự trả thù”.

Gabriel muốn nhắc Giáo hoàng rằng anh chỉ là người phụng sự bí mật cho tổ quốc, còn quyền quyết định về chiến tranh hay hòa bình nằm trong tay những người nhiều quyền lực hơn anh. Nhưng thay vì thế, anh đảm bảo với Giáo hoàng rằng mình sẽ khắc vào tim lời khuyên của ông.

“Đây không phải cuộc chiến của chúng tôi – bây giờ thì chưa”.

“Có điều gì đó mách bảo với ta rằng chẳng bao lâu nữa đây sẽ là cuộc chiến của các anh”.

Giáo hoàng nhìn xe cộ bên dưới với vẻ thích thú đầy trẻ con.

“Chính ta có ý tưởng đưa hình chim bồ câu trắng lên bức vải che mặt ngoài Đại thánh đường. Ta chắc cậu sẽ nghĩ việc làm này thật ngây thơ và không có tác dụng. Có lẽ cậu cũng cho rằng ta là người ngây thơ”.

“Con sẽ chẳng muốn sống trong thế giới mà không có những người như Đức Thánh Cha”.

Lúc này Gabriel cố tình giơ tay xem đồng hồ.

“Máy bay đang đợi cậu à?”. Giáo hoàng hỏi.

“Vâng, thưa Đức Thánh Cha”.

“Đi thôi”, ông nói. “Ta sẽ tiễn cậu”.

Gabriel bắt đầu bước xuống cầu thang, nhưng Giáo hoàng vẫn đứng ở góc lan can. “Francesco Tiepolo gọi ta sáng nay từ Venice. Ông gửi lời chào cậu”. Giáo hoàng quay người nhìn Gabriel. “Chiara cũng vậy”.

Gabriel im lặng.

“Cô ấy nói muốn gặp cậu trước khi cậu về Israel. Cô ấy không biết cậu có thể ghé qua Venice trên chuyến bay về nước hay không”. Giáo hoàng nắm khuỷu tay Gabriel, mỉm cười dắt anh xuống các bậc thang. “Ta nhận ra mình rất ít kinh nghiệm khi đề cập đến những vấn đề của con tim, nhưng không biết cậu có cho phép ông già này đưa cậu thêm một lời khuyên nữa?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.