Người Đức Dạy Con Học Các Quy Tắc

TỔNG KẾT



Một kế hoạch – ba bước

⇒ Bước một

  • Nói chuyện rõ ràng với trẻ. Hãy đưa ra chỉ dẫn rõ ràng, kiểm soát giọng nói và ngôn ngữ cơ thể của bạn và nói đi nói lại nhiều lần việc trẻ cần làm (“Kỹ thuật đĩa xước”)

⇒ Bước hai

  • Hãy hành động như lời nói của bạn. Trẻ học tốt nhất từ thứ tự tự nhiên, logic trong hành vi của mình. Ngoài ra có thể áp dụng hình thức cách ly tạm thời tùy theo lứa tuổi.

  • Khuyến khích hiệu quả hơn là nêu ra hình phạt. Kỹ thuật “Quy tắc – Câu hỏi – Hành động” đặc biệt hiệu quả.

⇒ Bước ba

  • Nếu thấy khó hành động nhất quán, bạn có thể thiết kế một kế hoạch tự kiểm soát bản thân. Nếu con đã đủ lớn, bạn có thể đàm phán hợp đồng thay đổi hành vi với trẻ. Ngoài ra, cả kế hoạch khen thưởng có thể cũng rất hiệu quả.

Bạn còn có thể làm được gì nữa?

Trong chương này, bạn sẽ biết…

➞ Bạn có thể đi con đường nào nếu bạn chưa thỏa mãn với kế hoạch hành động của mình?

➞ Bạn có thể sử dụng trí tưởng tượng của mình cho việc giải quyết vấn đề một cách sáng tạo như thế nào?

➟ Những giải pháp sáng tạo

BẠN CHƯA THỎA MÃN với việc “giáo dục theo kế hoạch”? Các giải pháp của chính bạn luôn là tốt nhất – nếu chúng dẫn đến thành công.

Một vài tuần trước, tôi đã kể với một người bạn – mẹ của ba đứa con – về nghiên cứu của tôi cho cuốn sách này. Cô ấy hỏi một cách kinh ngạc: “Một cuốn sách về các quy tắc? Giờ mọi người có nhu cầu đó ư? Đối với tôi tất cả chúng thật khôi hài.” Ai sẽ không muốn điều tương tự thế: Chỉ trong trường hợp đặc biệt, bạn mới cần một kế hoạch hành động, một thỏa thuận hoặc một cuốn nhật ký. Bạn thường chỉ làm những gì bạn cho là đúng – và lạ chưa kìa mọi chuyện thật suôn sẻ!

Chương này dành riêng cho tất cả những ai muốn được sáng tạo và cởi mở trong phương pháp dạy con. Giải quyết vấn đề một cách sáng tạo có thể được hiểu là làm điều gì đó bất ngờ, thứ gì đó mà con bạn hiện không ngờ đến. Nhưng không phải thế, đó là con đường tốt nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn cũ rích và tìm ra một giải pháp mới.

Coi trọng giải pháp của trẻ

ĐÔI KHI CON CÁI khôn ngoan hơn chính chúng ta. Nếu lắng nghe trẻ đúng cách, chúng ta có thể tiếp thu kiến thức có giá trị và học hỏi từ trẻ.

➞ Kiến thức khôn ngoan

Cậu bé Marc 4 tuổi đã nhìn thấu một cách chính xác: “Khi mẹ nói điều gì đó với cháu, cháu không cần phải nghe. Dù sao thì cháu cũng chẳng quan tâm. Nhưng cô trông trẻ mà nói thì cháu nghe ngay!”

Khi Marc kể với tôi chuyện này, mẹ cậu ngồi bên cạnh vô cùng choáng váng. Việc anh chàng nhỏ bé “nhìn thấu” bà khiến bà phải suy nghĩ. Đó là động lực tốt nhất khiến bà phải luyện tập nói chuyện rõ ràng, và có hành động đi kèm với lời nói. Ngay sau đó, Marc đã nhận ra chính xác khi nào mẹ cậu cho việc gì là “thật”.

Mẹ của Dani 8 tuổi cũng có một trải nghiệm tương tự. Bà thường đặt yêu cầu “Nếu – thì” nhưng thường không để hậu quả xảy ra.

Dani cuối cùng có thể xem ti-vi, chơi máy tính, thức khuya – mặc dù trước đây, cô bé thực sự phải đáp ứng nghĩa vụ đã thỏa thuận của mình. Thông qua trao đổi, hứa hẹn và thảo luận, cô bé đã thuyết phục được mẹ thay đổi ý định. Giữa họ có căng thẳng, đôi khi còn leo thang dữ dội. “Tại sao mẹ luôn thông báo bất cứ điều gì có thể xảy ra thế? Mẹ làm thế chỉ để làm phiền con. Mẹ không bao giờ quan tâm xem con có thực sự làm không. Những gì mẹ nói chẳng bao giờ xảy ra cả.”

Câu này đã chạm đến trái tim mẹ Dani. “Con gái tôi không tôn trọng tôi” – bà đã rõ điều này, và bà cũng biết rằng nó liên quan đến hành vi mâu thuẫn của mình. Nhưng kết luận của con gái khiến bà rất ngạc nhiên. Người mẹ đã sợ không được Dani yêu quý: “Khi tôi bắt cháu nghe lời, cháu không còn yêu tôi nữa.” Bây giờ bà biết rằng với con gái mình mọi việc hoàn toàn khác: Dani cảm thấy mẹ không quan tâm đến hành vi của cô. Cô bé cảm thấy mình không được coi trọng vì mẹ không rõ ràng và chắc chắn với cô.

Tất nhiên mẹ Dani không thể thay đổi hoàn toàn chỉ trong một ngày. Nhưng trước khi công bố hình phạt, giờ bà đã cân nhắc một chút xem mình có thể tiến hành được không. Nếu Dani phản đối kịch liệt, mẹ cô nói: “Mẹ phải yêu cầu con tuân thủ quy tắc, ngay cả khi con không thích. Mẹ không quan tâm con làm gì. Con rất quan trọng với mẹ. Vì thế, mẹ sẽ đeo đuổi đến cùng.”

➞ Sự quan tâm bất ngờ

Từ Christoph con trai của tôi, tôi đã học được cách có thể chấm dứt bất chợt một cuộc tranh cãi kịch liệt.

Con gái tôi là Catherine 2 tuổi và con trai tôi là Christoph 4 tuổi. Tôi đã có một vài ngày ở riêng cùng hai cháu trong một căn hộ nghỉ dưỡng. Vào buổi tối chúng có hơi náo loạn một chút: Tôi phải nấu ăn còn bọn trẻ thì đã mệt và cáu kỉnh.

Vào một buổi tối, sự việc lại căng thẳng hơn. Christoph đã nổi giận và quấy rầy em gái mình. Tôi chiến đấu với căn bếp chật chội và đã không thể hành động đúng mà chỉ mắng mỏ – tất nhiên là mọi chuyện không theo ý tôi.

Chuyện là thế này: con trai tôi xé gối ôm của em gái và ném nó ra khỏi phòng. Nó rơi vào trong bồn rửa đầy nước nóng. Cô em gái khóc thét lên. Tôi đã nổi đóa, túm lấy con trai tôi, mắng nó, hỏi tại sao và trách móc cháu té tát, đe dọa cháu những hậu quả vô nghĩa.

Con trai tôi đã làm một việc hoàn toàn kinh ngạc: cháu nhìn lên khuôn mặt giận dữ của tôi, giơ cánh tay nhỏ của mình lên và di ngón trỏ nhẹ nhàng qua nếp nhăn cau mày của tôi. Rất bình tĩnh, cháu nói: “Mẹ”. Đột nhiên tôi như bừng tỉnh. Cơn giận của tôi đã biến mất. Tôi cảm thấy một cơn giận không thể kìm nén rất nực cười. Con trai tôi đã khiến tôi bình tĩnh và đưa tình hình trở lại ban đầu.

Bạn đã từng thử phương pháp này với con bạn chưa? Nếu trẻ đang thất vọng hay tức giận và cư xử không phù hợp, bạn đã bao giờ ôm lấy trẻ một cách dịu dàng, xoa đầu và gọi tên trẻ một cách trìu mến chưa? Không phải lúc nào bạn cũng làm được như thế. Nhưng chuyện này cũng đáng thử sức đấy.

Hành động bất ngờ

BẠN HÃY TƯỞNG TƯỢNG rằng trẻ đã làm phiền bạn trong một thời gian dài với một thói quen nhất định. Tất cả nỗ lực của bạn để thay đổi điều đó đều thất bại. Bạn đang mắc kẹt giữa cuộc chiến cho sự tập trung và có vẻ trẻ đang ngồi trên đòn bẩy dài. Bạn luôn bị kích động. Bây giờ, bạn có thể áp dụng có hệ thống các lời khuyên từ Chương ba – nhưng bạn cũng có thể làm khác đi.

Hãy hỏi thử xem chính xác thì con bạn muốn làm bạn tức giận đến mức nào! Sau đó, bạn có thể kiểm soát được bản thân, và con bạn nhớ lại: hành động khiêu khích không còn tác dụng nữa. Như vậy, bạn sẽ là người xác định quy tắc trò chơi chứ không phải trẻ.

➞ Ai có thể làm tốt hơn

  • Bạn nổi giận vì cách ăn uống hàng ngày của con? Hình mẫu tốt của bạn không có tác dụng? Sau đó tình thế đã đảo ngược một lần hoặc vài lần trong tuần và bạn đề nghị: “Buổi trưa hôm nay chúng ta thi húp đi. Ai húp súp kêu to nhất thì chiến thắng.”

  • Con bạn có phải là một “đứa trẻ hiếu động” không? Bạn hãy khiến trẻ chơi các trò chơi vận động lăn lộn. Bạn có thể nói: “Giờ chúng ta muốn xem xem con có thể lăn lộn liên tục năm phút không. Mẹ sẽ tính thời gian đấy.”

  • Đôi khi trẻ dẫm chân hoặc đánh bạn không? Đó không phải là hành vi hung hăng, mà là hành vi đòi được chơi. Bạn hãy nói rằng: “Con muốn chơi cùng mẹ trò dẫm-đánh à? Ồ được thôi. Con đã bắt đầu thì bây giờ đến lượt mẹ. Vì vậy, giờ lại đến lượt của con.”

  • Trẻ nổi giận khi bị thua? Nhưng thua là một phần của cuộc sống, và trẻ cần phải được học. Hãy đề nghị trẻ: “Ai thua ở trò chơi tiếp theo là người chiến thắng.” Hoặc bạn hãy chơi một trò cá cược: “Ai tức giận nhất khi thua là người chiến thắng.” ngược lại: “Ai có thể thua một cách hòa bình nhất sẽ giành chiến thắng.” Trẻ sẽ bị nhầm lẫn bởi trẻ thực sự không biết bây giờ đâu là thắng, đâu là thua. Nhưng mục đích chính là trẻ học được rằng việc bạn và trẻ chơi cùng nhau mới là điều quan trọng, chứ không phải ai là người chiến thắng.

Các đề xuất có chút kỳ lạ ngay từ đầu này cũng có điểm chung:

  • Bạn khiến trẻ ngạc nhiên. Trẻ sẽ chú ý rằng các quy tắc cũ không còn áp dụng cùng một lúc nữa.

  • Bạn đánh giá cao hành vi nổi bật của con một cách vui vẻ hơn là kết quả. Có lẽ thậm chí bạn còn ganh đua với trẻ. Từ đó, trẻ như nhận được một luồng ánh sáng mới – và không còn là một phương tiện để tích lũy điểm với bạn trong cuộc đấu tranh giành quyền lực nữa.

Sự hài hước đặc biệt quan trọng trong hoạt động này. Nhưng hãy chỉ hài hước khi tâm trạng bạn đang tốt. Nếu không thì nó có thể dễ biến thành sự mỉa mai đầy sâu cay.

➞ Mở ra một hiện trường mới

Nhiều trẻ em cùng chơi với nhau luôn dễ xảy ra va chạm. Một đứa trẻ bị đẩy, đánh hoặc kéo tóc, sau đó chúng sẽ hét. Nếu biết ai là “nạn nhân” và ai là “thủ phạm”, bạn hãy làm như sau: Bạn nói thật nhanh với trẻ và đặt ra một thời gian cách ly. Nếu thời gian cách ly diễn ra trong cùng một phòng, bạn hãy để ý đến “thủ phạm” càng ít càng tốt. Để làm điều này, bạn hãy hướng toàn bộ sự chú ý của bạn sang “nạn nhân”: bạn an ủi, vuốt ve, thổi thổi chỗ đau, ôm trẻ trong vòng tay của mình, rủ trẻ cùng chơi trò chơi.

Chỉ khi “nạn nhân” đã hoàn toàn bình tĩnh, đứa trẻ kia mới được phép tiếp tục chơi cùng. Qua đó, vai “thủ phạm” tương đối kém hấp dẫn trong thời gian dài. Tuy nhiên, bạn không được quá chú ý đến “nạn nhân”.

Trong một nhóm trẻ, chẳng hạn như trong trường mẫu giáo cũng tương tự như vậy. Thường thường, đứa trẻ “quậy phá” (đánh bạn khác, không ngồi yên, lớn tiếng…) ngồi trong lòng giáo viên hoặc được chọn trò chơi hoặc truyện tranh, để trẻ giữ “yên lặng”. Ngược lại thì thế nào? Ngay khi một đứa trẻ trong nhóm có hành vi đáng chú ý, những đứa trẻ khác sẽ được cho thực hiện một hoạt động đặc biệt thú vị: đọc một cuốn truyện tranh mới, chơi trò nhập vai hay một trò thủ công tuyệt vời. Một khi đứa trẻ dừng hành vi đáng chú ý của mình, tất nhiên trẻ có thể cùng tham gia. Cách tiếp cận này cũng phù hợp cho xung đột giữa anh chị em trong gia đình.

Sáng tạo ra người trợ giúp

HỢP TÁC THAY  đối đầu giúp trẻ học quy tắc tốt hơn. Nói về giải pháp thay cho chỉ dẫn vấn đề là một phương pháp tốt. Một đứa trẻ sẵn sàng tiếp nhận giải pháp của ai? Của cha mẹ thì trẻ không thích lắm. Từ nhân vật tưởng tượng, động vật hoặc con búp bê sẽ khả dĩ hơn. Nếu con bạn tự tìm thấy giải pháp là tốt nhất.

Xin con rối tay lời khuyên

Trẻ em yêu thích những con rối tay. Chúng có thể thể hiện con người hoặc động vật. Bạn có thể tự làm con rối tay bằng những vật liệu đơn giản: bạn hãy đính hai chiếc khuy lên một chiếc khăn không dùng hoặc chiếc tất cũ để làm con mắt – thế là xong! Bạn có thể cắt khăn hoặc tất và may thành một cái miệng.

Đặt cho con rối tay một cái tên. Cho dù con bạn buồn, không tuân thủ một quy tắc hoặc bị trêu tức nhưng với một con rối tay, trẻ sẽ sẵn sàng nói, ngay cả khi bạn giả giọng cho con rối tay.

Bạn hãy để con rối tay hỏi trẻ chuyện gì đã xảy ra, trẻ sợ điều gì, vui vẻ về điều gì – và lần sau tất cả mọi thứ có thể sẽ suôn sẻ hơn. Con rối tay của bạn có thể rất thông minh hoặc rất ngu ngốc – tùy thuộc vào việc nó mang đến cho trẻ tiếng cười hoặc khiến trẻ suy nghĩ nhiều hơn. Vì vậy, đây không phải là một cuộc “hội thoại giải quyết xung đột” nhàm chán! Con rối tay tất nhiên cũng sẵn sàng trả lời câu hỏi của trẻ. Và nếu trẻ thích, thậm chí trẻ có thể tự đeo con rối trong tay và nói bằng giọng nói của mình.

➞ Kể chuyện

Mới đây, một người bà đã chỉ cho tôi một tập truyện bà từng viết cho ba cô cháu gái của mình với những hình minh họa đầy yêu thương. Nàng tiên, con thú và công chúa đều xuất hiện trong các câu chuyện. Một vấn đề hoặc một nhiệm vụ khó khăn luôn luôn được giải quyết – và ai là nhân vật anh hùng ở đây? Trong mỗi câu chuyện, bạn có thể nhận ra nhân vật này chính là một trong ba cô cháu gái.

Tất cả các câu chuyện đều kết thúc tốt đẹp. Ở cuối truyện luôn có một giải pháp. Một ý tưởng tuyệt vời! Người bà khó có thể tặng một món quà nào khác tuyệt vời hơn cho các cô cháu.

Hơn nữa, bà đã làm rất chuyên nghiệp: Ngay cả các nhà tâm lý cũng sử dụng câu chuyện để giúp trẻ em đối phó với vấn đề của mình. Những câu chuyện có thể giúp trẻ nhìn nhận vấn đề và tiếp nhận giải pháp một cách gián tiếp. Chặng hạn như Lars 4 tuổi cần ti giả để ngủ thiếp đi. Mẹ đã kể cho cậu câu chuyện sau đây.

Leo và chiếc ti giả

 

➞ Ngày xửa ngày xưa có một chú sư tử con tên là Leo. Chú rất đáng yêu,hài hước và thích chạy nhảy cả ngày ở bên ngoài. Chú sống với cha mẹ và em gái – một bé sư tử dễ thương – trong một cái hang rất ấm cúng. Buổi tối trước khi đi ngủ, sư tử mẹ còn kể chuyện cho cậu nghe. Và bạn hãy đoán xem, khi đó Leo làm gì nào? Cậu ngậm một cái ti giả khổng lồ trong cái miệng sư tử của mình và bú. Trông thật kỳ quặc. Leo thực sự đã có hàm răng sư tử to và sắc nhọn! Sau khi nghe chuyện, Leo muốn nói: “Chúc mẹ ngủ ngon”, nhưng với núm vú giả trong miệng, cậu chỉ nói được: “chút chọe nhụ nhon”. Leo kéo núm vú giả to đùng ra khỏi miệng và nhìn nó ! Cái núm giả đã bị cắn rách và không có mùi thơm.

Leo nói với mẹ: “Mẹ ơi, con có thể ra trước hang chạy đến suối một tý được không ạ?”. Chú được phép đi. Mẹ đi cùng. Leo làm gì thế nhỉ? Chú cầm núm vú trong bàn tay sư tử mạnh mẽ của mình và ném thật mạnh xuống suối. Leo và mẹ nhìn cái núm vú cho đến khi nó trôi đi mất. Mẹ của Leo đã hôn âu yếm chú sư tử con và đưa chú trở lại giường.Mẹ tặng chú một chiếc gối ôm nhỏ rất mềm mại với những con bướm trang trí đầy màu sắc. Phải mất một lúc, Leo mới rúc đầu vào chiếc gối mới của mình rồi ngủ một cách ngon lành. Từ đó, chú rúc vào gối mỗi đêm và rất tự hào về hàm răng sư tử sắc nhọn mà chú có thể cảm nhận chính xác bằng lưỡi của mình.

Trong hai tuần, Lars được nghe kể chuyện hàng ngày. Sau đó, mẹ tặng cho cậu một chiếc gối mới – như sư tử mẹ trong truyện. Mẹ đề xuất rằng Lars sẽ bỏ núm vú của mình đi như sư tử Leo. Lars không hào hứng, nhưng vào buổi chiều cậu đã ném núm vú vào thùng rác bên ngoài ngôi nhà. Vào buổi tối, cậu thấy rất hối tiếc. Thật khó đi ngủ mà không có núm vú. Nhưng kể từ ngày thứ ba thì không còn vấn đề nữa. Người mẹ đã tưởng sự thay đổi này có khi phải khó khăn hơn nhiều.

Nếu bạn có con gái, câu chuyện sẽ trở thành câu chuyện về một bé sư tử cái. Bạn hãy luôn chọn con vật bé con đặc biệt yêu thích cho những câu chuyện của mình! Chẳng hạn như:

Nina 6 tuổi được mẹ “phục vụ” hoàn toàn. Cô bé không tự mặc quần áo, thường được bón lúc ăn trưa, không muốn chạy, mà muốn ở trên vai mẹ, và không muốn chơi một mình.

Bởi vì Nina sẽ trở nên cáu kỉnh nếu không được theo ý muốn của mình, mẹ của Nina đành phải làm theo ý cô bé. Bà muốn thay đổi điều đó. Đối với việc này, chúng tôi nghĩ ra một câu chuyện khiến Nina phải suy nghĩ lại.

Mẹ Mia làm hết mọi việc

 

➞ Ngày xửa ngày xưa, có một cô mèo nhỏ tên Mia, sống cùng cha mẹtrong một ngôi nhà ấm cúng. Mia đi học mẫu giáo và có nhiều bạn gái. Cô rất thích trèo lên cây và chơi trốn tìm với các bạn mèo con khác. Buổi trưa, cô được mèo mẹ đến đón. Mẹ của Mia nói: “Ôi Mia bé bỏng, chắc con mệt rồi. Đến đây, mẹ cõng con nào. ” Vào bữa trưa có món xúc xích – đồ ăn ưa thích của Mia. Mia muốn xiên dĩa ngay miếng đầu tiên, khi đó mẹ cô nói: “Ấy, để cho mẹ, mẹ sẽ cho con ăn.” Sau bữa ăn, Mia muốn đến sân chơi. Nhưng mẹ Mia bảo: “Ồ không, con đừng đi một mình đến sân chơi! Hãy ở đây và chơi với mẹ một tý.” Vào buổi tối, mẹ Mia cởi quần áo, lau người, mặc đồ ngủ và đánh răng cho cô. Lúc đầu, Mia thấy thật tuyệt vời khi cô không phải tự làm gì cả. Nhưng một ngày nào đó, cô ấy sẽ không thể mãi như vậy được. Cô không phải là một đứa trẻ nữa! Hôm sau, khi mẹ đón cô từ trường mẫu giáo, Mia nói: “Mẹ ơi, con có thể chạy một mình. Mẹ có tin là con có thể chạy nhanh hơn mẹ không?”. Và thực tế, Mia là người đầu tiên về đến nhà. “Mia, chờ mẹ với” mẹ cô thở hổn hển, nhưng Mia đã nhảy tót lên cầu thang. “Con có thể ăn một mình!” Mia nói. Cô lấy dao và dĩa cho mình và cắt xúc xích thành những miếng nhỏ rồi xiên dĩa và đưa xúc xích vào miệng. Mẹ cô đã không khỏi kinh ngạc. Hôm sau, Mia đến sân chơi trèo lên cây, nhảy xuống và chỉ cho mẹ ngồi trên ghế băng và nhìn. Đến tối, khi mẹ cô bước vào phòng tắm thì Mia đã tắm, mặc đồ ngủ và đã đánh răng. “Ối trời ôi, Mia” người mẹ nói, “mẹ thực sự không hề biết con có thể làm được.” Và Mia rúc vào mẹ một cách đầy tự hào và cả hai đã cùng thi kêu meo meo đầy thích thú cho đến khi đôi mắt mèo xanh lá cây xinh đẹp của Mia nhắm lại.

Trong câu chuyện, mèo mẹ đã không tin tưởng con gái mình. Mia đã không chống lại và tự mình tìm ra giải pháp. Vì vậy, đó là một tấm gương hấp dẫn cho Nina và giúp cô nảy ra ý tưởng để nói: “Con muốn tự làm việc đó!”

Tất nhiên bạn không thể đảm bảo rằng những câu chuyện như vậy thực sự “có tác dụng”. Nhưng trẻ em thích những câu chuyện trẻ nhận ra chính mình ở trong đó. Thường trẻ tiếp nhận giải pháp được đưa ra, mặc dù đôi khi bạn phải đợi một thời gian sau đó.

Định hướng cho trẻ một cách tích cực

Bạn thích giải pháp sáng tạo hay kế hoạch thiết lập giới hạn hơn? Bạn là người hiểu con nhất và yêu con như chính con người của con vậy. Điều này khiến bạn trở thành chuyên gia có năng lực nhất trong việc tương tác với trẻ. Bạn hãy suy nghĩ về điểm mạnh của bạn với vai trò làm cha hoặc mẹ: Bạn tự hào về điều gì? Bạn không muốn làm gì khác đi dù trong bất kỳ trường hợp nào? Chính bản thân bạn hãy lưu ý tới những điều tốt đẹp. Chỉ khi đó bạn mới có thể định hướng cho con mình những điều tích cực.

§ TỔNG KẾT

⇒ Coi trọng giải pháp của trẻ

  • Hiểu biết đáng kinh ngạc và đề xuất hữu ích của trẻ rất có giá trị, được ngợi khen và chấp nhận.

⇒ Làm điều bất ngờ

  • Hành vi không phù hợp của trẻ dường như có một luồng ánh sáng mới khi bạn nắm bắt nó một cách vui vẻ và tự đề xuất với trẻ, thậm chí có thể thi đấu với trẻ.

  • Nếu con bạn cư xử khác thường trong một nhóm trẻ em, bạn hãy quan tâm đặc biệt đến những đứa trẻ khác.

  • Nếu xảy ra va chạm thân thể, bạn hãy thiết lập ngay một giới hạn với “thủ phạm” và tập trung hướng đến “nạn nhân”.

⇒ Sáng tạo ra người trợ giúp

  • Nếu bạn giả giọng một con rối tay, việc giải quyết vấn đề sẽ mang đến cho trẻ niềm vui

  • Những câu chuyện trẻ có thể nhận ra mình trong đó cũng thúc đẩy các giải pháp riêng của trẻ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.